Vụ chính quyền cộng sản Việt Nam tuyên bố tước quốc tịch và trục xuất giáo sư Phạm Minh Hoàng sang Pháp không thể chỉ được nhìn như một biện pháp đàn áp đối với ông Hoàng và đảng Việt Tân. Đây là một xúc phạm nghiêm trọng đối với luật pháp, văn hóa và tư tưởng chính trị cũng như đối với đất nước và dân tộc Việt Nam. Nó cũng một lần nữa nhắc lại bản chất của Đảng Cộng Sản Việt Nam.
<!>
<!>
Vụ chính quyền cộng sản Việt Nam tuyên bố tước quốc tịch và trục xuất giáo sư Phạm Minh Hoàng sang Pháp là một xúc phạm nghiêm trọng đối với luật pháp, văn hóa và tư tưởng chính trị cũng như đối với đất nước và dân tộc Việt Nam.
Trước hết hãy nhắc lại trường hợp Phạm Minh Hoàng.
Ông Hoàng có quốc tịch Việt Nam ngay từ khi sinh ra tại Việt Nam vì cha mẹ là người Việt Nam. Ông trưởng thành tại Việt Nam, đi du học Pháp một thời gian và được quốc tịch Pháp rồi trở về sinh sống tại Việt Nam từ năm 2000. Ông thường trú tại Sài Gòn và giảng dạy tại đại học Bách Khoa.
Như vậy ngay cả nếu chỉ căn cứ vào luật pháp của chế độ hiện nay thì Phạm Minh Hoàng cũng không thể bị tước quốc tịch. Điều 31 của Luật Quốc Tịch Việt Nam, biểu quyết năm 2008 và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7/2009, qui định chỉ có hai loại người có thể bị tước quốc tịch : đó là những người hoặc thường trú tại nước ngoài hoặc không phải là người có quốc tịch ngay từ khi sinh ra. Việc ông Hoàng ngoài quốc tịch Việt Nam còn có quốc tịch Pháp cũng không có vấn đề gì vì điều 12 của luật này nhìn nhận một người Việt Nam có thể có thêm những quốc tịch khác.
Cần lưu ý một sự chi tiết nhỏ nói lên bản chất của chế độ cộng sản. Phạm Minh Hoàng có hai địa chỉ tại Việt Nam, môt địa chỉ thường trú và một địa chỉ tạm trú. Quyết định tước quốc tịch, do ông Trần Đại Quang nhân danh chủ tịch nước ký, đã được gửi tới địa chỉ tạm trú. Bằng cách này chính quyền cộng sản Việt Nam đã cố tình làm như ông Hoàng không phải là một người thường trú tại Việt Nam, dù Phạm Minh Hoàng đã ở Việt Nam từ 17 năm và có địa chỉ thường trú rõ rệt; chính quyền cộng sản thừa biết như vậy và đã bắt ông tại địa chỉ này để trục xuất ông sang Pháp. Hành động này không đánh lừa được ai mà chỉ nói lên bản chất trí trá nhỏ mọn của chế độ.
Việc tước quốc tịch của Phạm Minh Hoàng không thể đặt ra vì ông không thuộc diện những người có thể bị tước quốc tịch, nhưng nó cũng đã được thực hiện không đúng thủ tục. Việc tước quốc tịch của một người Việt Nam, ngay cả với những người thuộc diện có thể bị tước quốc tịch, phải xuất phát từ một tòa án hoặc một chính quyền tỉnh (đối với những người không có quốc tịch bẩm sinh và đang thường trú tại Việt Nam) hoặc từ một sứ quán (đối với những người Việt Nam thường trú tại nước ngoài) theo điều 32. Sau đó kiến nghị phải được gửi đến bộ tư pháp, bộ này sẽ chủ trì phối hợp với bộ công an, bộ ngoại giao và các bộ liên hệ và chuyển kết luận chung tới thủ tướng nếu kết luận này đồng ý với kiến nghị tước quốc tịch của tòa án, chính quyền tỉnh hoặc sứ quán khởi xướng kiến nghị. Sau đó thủ tướng, nếu đồng ý, chuyển kiến nghị tới chủ tịch nước để có quyết định sau cùng. Việc tước quốc tịch của một người -cần nhắc lại chỉ đặt ra trong trường hợp người đó thuộc diện có thể bị tước quốc tịch, chứ không phải một người như ông Phạm Minh Hoàng- như vậy rất phức tạp và nghiêm trọng và chỉ có thể giải quyết ở mức độ tối cao của nhà nước.
Trong vụ này đã không có một cơ quan khởi xướng có thẩm quyền nào cả. Không có một tòa án nào xét xử ông Phạm Minh Hoàng và đề nghị tước quốc tịch cả. Cách đây bẩy năm ông Hoàng có bị xử án 3 năm tù trong một phiên tòa tùy tiện nhưng hoàn toàn không có vấn đề tước quốc tịch. Ủy Ban Nhân Dân Sài Gòn cũng không thể khởi xướng kiến nghị vì như thế là tự nhận mình là chính quyền địa phương nơi ông Hoàng thường trú và mặc nhiên nhìn nhận ông Hoàng là một người có quốc tịch bẩm sinh và thường trú tại Việt Nam, nghĩa là không thuộc diện có thể bị tước quốc tịch. Và dĩ nhiên không thể có sứ quán nào đề nghị cả vì ông Hoàng đã ở Việt Nam từ 17 năm nay. Sự tùy tiện đã vượt mọi giới hạn. Đảng cộng sản một lần nữa đã xác nhận một cách hùng hồn nhất rằng họ là một đảng hoạt động ngoài vòng pháp luật.
Chúng ta có thể kết luận một cách dứt khoát : quyết định tước quốc tịch đối với Phạm Minh Hoàng của chính quyền cộng sản hoàn toàn vô giá trị, Phạm Minh Hoàng vẫn còn nguyên quốc tịch Việt Nam.
Đây là dịp để chúng ta cùng nhìn lại khái niệm quốc tịch.
Quốc tịch là sự xác nhận tư cách thành viên của một cá nhân, hay tư cách thành phần của một tập thể, đối với một quốc gia.
Như vậy trước hết phải hiểu quốc gia là gì. Nghĩa thông thường của một quốc gia là tập thể của những người cùng chia sẻ với nhau một lịch sử, một văn hóa, một ngôn ngữ, một tình cảm liên đới, cùng gắn bó với một lãnh thổ, thường thường là cùng sống trên lãnh thổ đó, nhưng quan trọng hơn hết là cùng chấp nhận xây dựng và chia sẻ với nhau một tương lai chung. Trong những yếu tố đó quan trọng nhất và có tính bắt buộc là tình cảm liên đới và sự chấp nhận xây dựng và chia sẻ một tương lai chung.
Khái niệm quốc gia đã là một trong những đề tài triết lý chính trị được thảo luận nhiều nhất. Định nghĩa chính xác nhất là định nghĩa theo đó quốc gia là một tình cảm, một không gian liên đới và một dự án tương lai chung (1).
Chính vì quốc gia, và do đó quốc tịch, là một khi niệm tinh thần và tình cảm mà nó chỉ có thể bị từ bỏ bởi chính người mang quốc tịch chứ không thể bị tước bỏ bởi bất cứ quyền lực nào.
Dĩ nhiên về mặt hành chính và pháp lý phải có xác nhận cụ thể một người là hay không là thành viên của một quốc gia, nghĩa là có hay không có quốc tịch, nhưng sự xác nhận cụ thể này không thể mâu thuẫn với khái niệm nền tảng về quốc gia và quốc tịch. Luật chỉ là sự thể hiện những giá trị tinh thần và đạo đức trong sinh hoạt xã hội, luật không đúng không phải là luật như Plato đã từng nói cách đây 24 thế kỷ. Chính vì thế mà các nước văn minh đều không cho phép tước quốc tịch của một công dân trừ những trường hợp đặc biệt nghiêm trọng và cũng chỉ có thể áp dụng cho những người không có quốc tịch ngay từ lúc sinh ra. Một số quốc gia, như Hoa Kỳ, không cho tước quốc tịch trong bất cứ trường hợp nào đối với bất cứ công dân nào.
Các nước văn minh đều không cho phép tước quốc tịch của một công dân trừ những trường hợp đặc biệt nghiêm trọng và cũng chỉ có thể áp dụng cho những người không có quốc tịch ngay từ lúc sinh ra
Luật Quốc Tịch 2008 của Việt Nam được soạn thảo với sự giúp đỡ của các luật gia Pháp nên có nội dung tương tự như luật quốc tịch của Pháp. Tuy nhiên chính quyền cộng sản đã thêm vào đó ý thức hệ cộng sản, một điều không thể chấp nhận được.
Điều 1 định nghĩa quốc tịch như sau : "Quốc tịch Việt Nam thể hiện mối quan hệ gắn bó của cá nhân với Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam". Sai và xấc xược. Nhà nước Việt Nam là của mọi người Việt Nam, "nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" chỉ là của những người cộng sản, hay đúng hơn chỉ là bộ máy thống trị của những người cầm đầu Đảng Cộng Sản Việt Nam. Chưa kể là ngày nay ngay cả những cấp lãnh đạo cộng sản cũng phải nhìn nhận rằng cụm từ "xã hội chủ nghĩa" chỉ còn là một khẩu hiệu rỗng nghĩa.
Điều 31 : "Công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài có thể bị tước quốc tịch Việt Nam, nếu có hành vi gây phương hại nghiêm trọng đến nền độc lập dân tộc, đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hoặc đến uy tín của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam". Tại sao lại "nước Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam" ? Đó chỉ là quốc hiệu nhất thời do một lực lượng thống trị áp đặt.
Ban lãnh đạo cộng sản hình như lẫn lộn quốc tịch với quyền công dân. Họ thống trị đất nước một cách tùy tiện và do đó không tôn trọng quyền công dân của những người chống đối lại họ (và ngược lại những người này cũng không coi họ là một chính quyền chính đáng), nhưng quốc tịch và quyền công dân là hai khái niệm khác nhau. Trẻ thơ mới sinh ra chưa có quyền công dân nhưng đã có ngay quốc tịch ; người ngoại quốc thường trú có hầu hết các quyền và bổn phận của người dân bản xứ dù không có quốc tịch.
Khi lẫn lộn quốc tịch, điều mà họ phải tôn trọng, với quyền công dân, điều mà họ có phương tiện để thao túng một cách tùy tiện, cũng như khi đồng hóa đất nước Việt Nam với cái gọi là "cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam", Đảng Cộng Sản Việt Nam đã coi đất nước như là của riêng họ. Họ đã hành xử như một lực lượng chiếm đóng và thống trị.
Một điều đặc biệt đáng lưu ý là trường hợp của cộng đồng người Việt hải ngoại, mà đại đa số là những người đã phải bỏ nước ra đi không muốn hoặc không thể sống dưới chế độ cộng sản.
Luật Quốc Tịch 2008 (điều 13.2 và điều 26.3) qui định những người Việt ở nước ngoài phải đăng ký để giữ quốc tịch tại các sứ quán trước ngày 01/07/2014 nếu không sẽ bị mất quốc tịch. Đây là một hành động thách thức và bắt chẹt những người không chấp nhận chế độ cộng sản : các ngươi phải phục tùng ta nếu không sẽ mất quốc tịch !Nhưng trước kỳ hạn một tuần, ngày 24/06/2014, vì gần như không ai đăng ký cả, chính quyền cộng sản đã cho biểu quyết Luật Sửa Đổi Luật Quốc Tịch 2008 bãi bỏ hai điều khoản này. Như thế có nghĩa là họ đã phải nhượng bộ và nhìn nhận mọi người Việt hải ngoại và con cháu vẫn giữ nguyên quốc tịch Việt Nam.
Đối với người cộng sản, một công dân Việt Nam tốt là một người không quan tâm tới đất nước.
Trở lại với vụ Phạm Minh Hoàng. Tại sao chính quyền cộng sản lại làm một hành động thô bạo, sai trái và ngây ngô đến như thế ? Họ bị mọi người quan tâm tới đất nước hoặc có chút kiến thức về luật pháp khinh và giận để bù lại được gì ?
Chắc chắn không phải là vì sợ Phạm Minh Hoàng sẽ phát triển cơ sở đảng Việt Tân trong nước vì Phạm Minh Hoàng bị theo dõi rất sát và cũng không ngây thơ đến nỗi đi tiếp xúc để kết nạp thành viên cho Việt Tân trong hoàn cảnh đó. Cũng không phải là để mở đường cho chính sách tước quốc tịch của những người dân chủ ở nước ngoài và có hai quốc tịch vì trên điểm này chính quyền cộng sản đã tự ý lùi bước. Nếu có thì cũng chỉ nhắm một vài người thôi và cũng chỉ làm mất mặt chế độ chứ chẳng có tác dụng gì. Người dân chủ nào cần được sự công nhận quốc tịch của một chính quyền độc tài hung bạo và không hiểu gì về quốc tịch ?
Lý do thực sự có lẽ chỉ giản dị là Đảng cộng sản nhìn tất cả những người đối lập dân chủ như những cái gai trước mắt cần phải nhổ đi và họ trục xuất tất cả những ai mà họ coi là thù địch và có thể trục xuất. Phạm Minh Hoàng là một trường hợp như thế. Thế giới tuy thấy hành động của họ là ngang ngược nhưng cũng chỉ ngao ngán chứ không phản ứng, bởi vì các chính quyền dân chủ thường tránh không phê phán một hành động của một chính quyền khác là đúng hay sai trừ khi có sự bạo hành, bắt giam và bỏ tù. Cái giá mà họ phải trả chỉ là sự khinh thường, nhưng tự trọng là điều rất xa lạ đối với Đảng Cộng Sản Việt Nam. Sau Phạm Minh Hoàng, Mẹ Nấm, Nguyễn Văn Đài và nhiều người khác sẽ phải chọn lựa giữa lưu đày và những án tù rất nặng, tương tự như Điếu Cày, Tạ Phong Tần, Cù Huy Hà Vũ…
Quốc tịch là mối quan hệ gắn bó đối với đất nước và nhất là đối với tương lai đất nước nhưng chính sách của Đảng cộng sản là bách hại những người quan tâm tới tương lai đất nước. Đối với họ một công dân Việt Nam tốt là một người không quan tâm tới đất nước. Cố gắng của họ là hủy diệt tình cảm quốc gia và thay vào đó bằng sự phục tùng Đảng. Cũng đừng quên rằng một trong những tư tưởng nền tảng của chủ nghĩa Mác-Lênin là xóa bỏ các quốc gia. Không nên trông đợi Đảng cộng sản tôn trọng tinh thần dân tôc. Quốc tịch thực sự của Đảng cộng sản là Đệ Tam Quốc Tế.
Và họ không chỉ phá hoại đất nước trong tình cảm mà còn cả trong chủ quyền, lãnh thổ và môi trường. Các tài liệu sau này sẽ chứng minh rằng các đảo ở Trường Sa không bị chiếm mà đã bị dâng cho Trung Quốc để đổi lấy ơn huệ được thần phục. Họ đã cho Trung Quốc thuê dài hạn nhiều khu rừng đầu nguồn, những vùng đất thuận lợi cho thương mại và thiết lập những khu của riêng người Trung Quốc, đã cho Formosa quy chế của một nhượng địa, đã biến Việt Nam thành một bãi rác để Trung Quốc trút bỏ những thiết bị cho những nhà máy than, thép, đạm, giấy không thể thiết lập ở Trung Quốc nữa vì quá lỗi thời và ô nhiễm.
Điều 31 của Luật Quốc Tịch qui định : "Công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài (và những người được nhập tịch Việt Nam) có thể bị tước quốc tịch Việt Nam, nếu có hành vi gây phương hại nghiêm trọng đến nền độc lập dân tộc, đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam …". Trong tinh thần của luật này những người cầm đầu Đảng Cộng Sản Việt Nam là những người đáng bị tước quốc tịch nhất.
Đảng cộng sản đã thất bại trên tất cả mọi phương diện và trong tất cả mọi địa hạt. Nó đã chỉ thành công được một điều là phá hoại đến mức báo động tinh thần dân tộc. Sự phẫn nộ bất lực kéo dài quá lâu đối với một chính quyền tham bạo đã dần dần trở thành sự chán nản với chính đất nước Việt Nam. Năm 2008 khi luật này được thông qua, đa số người Việt hải ngoại đã mừng vì khi hết hạn đăng ký quốc tịch họ sẽ hoàn toàn không còn là người Việt Nam nữa và sẽ rũ bỏ được mọi liên hệ với chính quyền này. Tại Đức, tôi đã gặp một người được đặc cách giữ quốc tịch Việt Nam đã dứt khoát đòi bỏ quốc tịch Việt Nam vì "em không chấp nhận một quan hệ nào với chúng nó nữa". Anh này là một người sinh ra và lớn lên tại miền Bắc. Thật đau buồn.
Tước quốc tịch là một điều rất nghiêm trọng. Nó xúc phạm tới cội nguồn, lý lịch, tình cảm và phẩm giá của một con người. Chính vì thế mà luật pháp của các nước văn minh đã cấm việc tước quốc tịch hoặc chỉ cho phép trong những trường hợp rất đặc biệt với những lý do rất nghiêm trong.
Tuy vậy không một quốc gia nào đã lên tiếng trong vụ Phạm Minh Hoàng, ngay cả nước Pháp, dù là nước đã giúp Việt Nam soan thảo luật quốc tịch và cũng là nước có bổn phận bảo vệ Phạm Minh Hoàng.
Tại sao ? Lý do là vì các quốc gia chỉ can thiệp khi có vấn đề nhân đạo, nghĩa là những bản án tù rất dã man. Một lần nữa chúng ta được nhắc nhở rằng những vấn đề lớn của Việt Nam chỉ có thể giải quyết được bởi người Việt Nam. Và thực ra chúng ta chưa hề có lý do nào để nghĩ khác. Mỹ là nước, ít nhất cho tới gần đây, quan tâm tới nhân quyền tại Việt Nam nhất, nhưng mối quan tâm đó đã không ngăn cản quan hệ thương mại Mỹ Việt đem lại 32 tỷ USD thặng dư cho chế độ Hà Nội mặc dù những vi phạm nhân quyền trắng trợn. Hỗ trợ quốc tế rất quý báu nhưng tương lại Việt Nam vẫn chủ yếu chỉ tùy thuộc người Việt Nam chúng ta.
Chế độ cộng sản phải chấm dứt để đất nước Việt Nam có thể có một tương lai. Chúng ta cũng không còn nhiều thời giờ vì đất nước đã quá tụt hậu và sự thất vọng đã quá cao.
Nhưng tới bao giờ chế độ này mới chấm dứt ? Câu trả lời dứt khoát là : khi những người dân chủ Việt Nam hiểu rằng tự do phải đấu tranh để có và đấu tranh chính trị không bao giờ là đấu tranh cá nhân cả mà luôn luôn phải là đấu tranh có tổ chức.
Nguyễn Gia Kiểng
(07/2017)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét