Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 14 tháng 7, 2017

NS. HUỲNH CÔNG ÁNH RA MẮT SÁCH - Huy Phương

Inline image 1
ĐỌC HỒI KÝ
HUỲNH CÔNG ÁNH

  • Huy Phương
Cuối năm 1980, tôi là một người tù ở K2 thuộc trại Tân Kỳ Nghệ Tĩnh, được nghe bạn bè bàn tán là Huỳnh Công Ánh, một người tù “cải tạo” ở K3 đã trốn trại thành công.Trong những ngày ở Hoàng Liên Sơn, tôi đã biết chuyện nhiều nhóm tù đã tìm cách trốn thoát, bằng con đường sang biên giới Lào hay Trung Quốc, nhưng không ai đến nơi. Một số anh em bị chết trên đường đi, và tất cả những người còn sống đều bị bắt trở lại, bị đánh đập, tra tấn rất dã man và bị cùm trong trại biệt giam một thời gian dài, như trường hợp ở trại giam Cẩm Nhân, Yên Bái của chúng tôi.
<!>

Huỳnh Công Ánh không theo con đường vượt trại đi về hướng mặt trời lặn trong bộ áo quần nhà tù như những người bạn tù khác, mà anh trốn khỏi trại, đi về hướng Đông trong một bộ đồ xanh, với nón cối dép râu và chiếc xắc- cốt trên vai của một người lính bộ đội Bắc Việt. Được sự giúp đỡ của một thiếu nữ trong làng quê đã đem lòng yêu anh, và với sự đồng hành của một người tù hình sự, mà anh quen biết trong trại tù, đã có lệnh tha, Huỳnh Công Ánh và người thanh niên xứ Nghệ này, đã đèo nhau trên một chiếc xe đạp, ra ga Vinh trên con đường dài 50km, lên tàu Thống Nhất và đã về tới ga Bình Triệu, Saigon một tuần sau.
Ba tháng sau, Ánh vượt biển một mình và để lại Chiến, lúc ấy đang dưỡng thương tại Phú Lâm. Cuộc vượt biển đầu tiên kéo dài mười lăm ngày lênh đênh trên biển bất thành, cuối cùng Ánh sống sót và trôi giạt trở lại Phú Quốc.
Chuyến vượt biển thứ hai, Ánh cùng đi với gia đình và Nguyễn Văn Chiến, lần này Ánh chủ động lái con tàu đi và sau một tuần đã đến Pulau Bi Đông, Mã Lai thành công.

Cuộc hành trình từ trại tù Tân kỳ, Nghệ Tĩnh đến Bi Đông, tóm tắt trong mười giòng chữ ở trên kể lại, nhưng là cả một chuỗi ngày nguy hiểm, lo âu, cay đắng, chết chóc mà cũng thấm đậm tình người, làm cho người đọc khó rời trang sách, dù chỉ trong chốc lát.
Theo tôi Huỳnh Công ánh là một người xuất chúng đáng cho chúng ta khâm phục.
Khi là một người lính, anh là một người “chiến sĩ xuất sắc” của Sư Đoàn 22 BB được tuyển chọn tham dự lễ Quốc Khánh 1972 và được du ngoạn Đài Loan. Khi là một người tù, anh là một người tù kiệt xuất, qua mặt được cả một hệ thống công an đày đặc để về tới Saigon. Khi là một người tù vượt biển, anh là một người vượt biển gan dạ, mưu trí và anh hùng.

Qua bao nhiêu gian khổ, tù đày, từ khi bắt đầu bước chân lên miền đất tự do, Huỳnh Công Ánh đã quyết tâm phục vụ cho dân tộc và tự do. Khi còn là một người tỵ nạn chân ướt chân ráo lên Pulau BidongMalaysia, anh đã thành lập Hội Cựu Quân Nhân VNCH ở trại tỵ nạn để tranh đấu và bảo vệ quyền lợi cho anh em.
Đến Mỹ, anh là sáng lập viên và Chủ Tịch Tổng Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị Việt Nam và Chủ Nhiệm Tuần Báo Chứng Nhân. Dùng văn nghệ như là một phương tiện đấu tranh.
Huỳnh Công Ánh là sáng lập viên Phong Trào Hưng Ca Việt Nam (4-1985) và đồng sáng lập viên Hội Văn Nghệ Sĩ Việt Nam Tự Do(1986,) trong thời gian này, anh đã sáng tác rất nhiều bản nhạc tranh đấu cho quyền làm người và cho tự do của quê hương.
Năm 1992, Nhạc sĩ Huỳnh Công Ánh được tuyên dương tại điện Cacus ở Quốc Hội Hoa Kỳ, có sự hiện diện của Đại diện Tổng Thống Hoa Kỳ George H. W. Bush, 50 Thượng Nghị Sĩ và Dân Biểu về thành tích hoạt động xã hội và đấu tranh cho nhân quyền Việt Nam.

Người tỵ nạn đến Mỹ chỉ mong được sống còn, nuôi sống gia đình và lo cho con ăn học, nhưng với Huỳnh Công Ánh, anh lại là một người thành công vượt bực trên thương trường. Năm 1998, anh được trao giải Jefferson Award (Người thành công nhất tại Tiểu Bang Texas về kinh tế và xã hội và được chọn vào Board Director Catholic Charity- Hội Bác Ái Công Giáo Hoa Kỳ.)
Năm 1981, đến Bi Đông, Huỳnh Công Ánh chỉ còn một chiếc quần ngắn, một cái áo lót và một đôi dép, chiếc lớn, chiếc nhỏ, một trắng một vàng, tám năm sau anh đã phấn đấu để trở thành một triệu phú, sở hữu nhiều nhà hàng, cơ sở thương mại tại Houston.
Nhưng số phận không chiều người, từ năm 2002 trở đi, Huỳnh Công Ánh bắt đầu làm ăn thua lổ, gia đình ly tán, bất đắc chí và trở thành một người homeless thật sự.
Nhưng con người có ý chí vươn lên và đã từng vượt qua nhiều nghịch cảnh, năm 2005, sau cơn bão Katrina tàn phá New Orleans, Louisiana, cùng với những người dân ở đây, Huỳnh Công Ánh đứng dậy làm lại cuộc đời, vào nghề địa ốc và mang danh triệu phú trở lại.

Cuộc đời của Huỳnh Công Ánh được mô tả trong thiên hồi ký này không phải là con đường bằng phẳng được rảỉ toàn hoa hồng mà cũng đầy những gai nhọn và sỏi đá. Cuộc đời của anh là những nỗ lực phấn đấu và vượt qua mọi gian lao, nghịch cảnh, nhiều lúc tưởng như đã tuyệt vọng. Huỳnh Công Ánh không muốn mòn mỏi chờ đợi trong trại tù khắc nghiệt, không muốn chết trên biển khơi. Anh luôn luôn nghĩ đến chiến hữu bạn bè và quê hương, nên cuộc chiến đấu không bao giờ ngừng nghỉ.

Qua tập hồi ký này, phải nói Huỳnh Công Ánh, ngoài những nghị lực phi thường tự bản thân, còn là một người được may mắn, được mọi người, cả bạn lẫn thù, thương yêu giúp đỡ. Và chính anh cũng là một người tử tế có lòng, lúc nào cũng nhớ đến điều ân nghĩa của Đất, Trời và con người đã đến với anh qua những lúc khốn khó, điều mà Ánh gọi là “ơn nghĩa trùng trùng!”
Phải nói rằng những người tù miền Nam trên đất Bắc đã để lại trong lòng người dân những hình ảnh tốt đẹp, khắc hẳn với những lời tuyên truyền xảo trá hận thù của chính quyền Cộng Sản. Cũng chính vì vậy, một người coi tù miền Bắc đã hết lòng giúp đỡ anh, một người lính Bắc Việt, Nguyễn Văn Chiến, cựu thù đã gắn bó hết cuộc đời với anh và vượt biển theo cùng anh, và một cô gái quê, Trần Thị Hoa đem hết mối tình chất phác, trong sáng trao cho anh.
Trong chuỗi ngày truân chuyên, anh đã gặp một người cựu chiến binh Nhảy Dù tên Cho, con người “trọng nghĩa khinh tài,” như Trời đã sinh ra để cứu mạng sống cho anh.

Huỳnh Công Ánh, sau thời gian “bỉ cực” đã hết lòng đi tìm những tấm lòng ân nghĩa ngày xưa để đền đáp một phần nào, ân thì đền khắc ghi vào đá, nhưng oán thì để cho gió thổi bay đi. Những người như “người em Nghệ Tĩnh” tên Hoa, như người lính Nhảy Dù năm cũ tên Cho, vì thời thế đổi thay, hầu như tan biến theo dòng đời trăm ngã, làm cho lòng Huỳnh Công Ánh ray rứt không yên.

Bạn đọc sẽ theo dõi tập bút ký trong bối cảnh của những ngày miền Nam sụp đổ, để thấy số phận nghiệt ngã của người lính trên đường lui binh, cuộc lưu đày của những người lính miền Nam ra đất Bắc, những ngày tù tội “chém tre đẵn gỗ trên ngàn.” Chúng ta cũng được biết rõ hơn, những hoạt cảnh trong nhà tù, giữa những người tốt kẻ xấu, sự ngây thơ gần như ngờ nghệch của những người tù, bên cạnh những đòn tuyên truyền, bộc lộ sự xảo trá của một hệ thống cầm tù tinh vi của Việt Cộng.
Câu chuyện sau cuộc chiến Nam Bắc, hai người ở hai bên cuộc chiến gặp nhau trong hoàn cảnh đổi đời, câu chuyện về mối tình đầu của một cô gái miền Bắc lớn lên sau chiến tranh…
Nhưng trên hết, xuyên suốt tập hồi ký này, người ta sẽ tìm thấy một Huỳnh Công Ánh, can đảm, đầy nghị lực, bền bĩ đã vượt qua bao nhiêu khó khăn, từ câu chuyện vượt tù hy hữu, đến câu chuyện vượt biển gian nguy, và vượt qua khó khăn để tồn tại và thành công trên xứ người. Huỳnh Công Ánh luôn luôn chứng tỏ khả năng là người đi hàng đầu, một người lính can đảm, một người tù không thúc thủ, một người vượt biển anh hùng cũng như là một chiến sĩ thời bình của cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại.

Bằng một tâm tình và qua một lối văn kể chuyện đơn giản, hồi ký của Huỳnh Công Ánh không có những đoạn văn hư cấu, không  mang những dòng chữ tô vẽ cho cá nhân của mình. Chúng ta tìm thấy máu, nước mắt, nỗi gian truân kề cận cái chết, câu chuyện đoàn tụ và tan vỡ, sự thành công rực rỡ, và nỗi thất bại tuyệt vọng dẫn con người xuống tận bùn đen, và vượt lên trên hết, là lòng tin về con người và cuộc đời còn quá đẹp.

Tôi tin rằng, đây là cuốn hồi ký quý báu, nổi trội nhất trong 40 năm qua trong rừng sách vở ở hải ngoại, viết về cuộc đời của những người đã bỏ nước  ra đi. Không chỉ có những câu chuyện kể về cuộc đời của tác giả, tập sách còn cho ta thấy bối cảnh của câu chuyện là một giai đoạn dài của đất nước, mà cả những người già, lẫn trẻ, bên này hoặc bên kia cần phải biết đến.


Nam California 11-2016.
Huy Phương

Không có nhận xét nào: