CTV Danlambao - Ts Nguyễn Tác An vừa khẳng định rằng ông không tham gia vào việc lập hồ sơ dự án nhận chìm gần 1 triệu m3 "bùn than" ở vùng biển Bình Thuận. Điều đó có nghĩa là Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 và đơn vị tư vấn đã mạo danh ông An. TS An cũng cho biết ông đã liên lạc với một số người có tên trong danh sách "tham gia dự án" thì họ đều khẳng định không tham gia. (1)<!>
Do đó, có thể nói bản “dự án nhận chìm ở biển vật liệu nạo vét luồng hàng hải, vũng quay tàu và khu nước trước bến chuyên dùng phục vụ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1” của Cty Điện lực Vĩnh Tân 1 và đơn vị tư vấn là Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng cảng biển Việt Nam là một bản dự án lừa đảo, vô giá trị về mặt chuyên môn.
Khi sự việc mạo danh đổ bể, Phó Tổng Giám đốc Cty Điện lực Vĩnh Tân 1 là Phan Ngọc Cẩm Thành cho biết là ông ta không hề hay biết về chuyện này vì đó là chuyện của công ty tư vấn!
Quan trọng hơn cả là Bộ TN&MT đã cấp giấy phép hoạt động cho một Dự án Nhận chìm không có giá trị, được thực hiện bởi những người không phải là chuyên gia và mạo danh kẻ khác. Nói một cách khác, Bộ Tài Môi - hoặc là đã không nhận ra được một bản dự án mạo danh - hoặc là tiếp tay, đồng lõa với tội phạm khi phê chuẩn và cấp giấy phép cho dự án hủy diệt môi trường này.
Trước khi vụ mạo danh bị lộ, TS. Vũ Thanh Ca, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và Khoa học Công nghệ, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, một người được báo chí lề đảng giới thiệu là một chuyên gia đã có nhiều năm nghiên cứu về vấn đề môi trường biển, phát biểu rằng: "Không thể xảy ra thảm họa môi trường nếu làm đúng giấy phép" (2).
Nhưng với việc mạo danh bị lộ, người ta thấy rõ những phát biểu của chuyên gia loại này là những phát biểu nguy hiểm. Ông Vũ Thanh Ca đã dựa mọi tiêu chuẩn an toàn vào cái gọi là "giấy phép", trong khi "giấy phép" của Bộ Tài Môi lại dựa vào một dự án lừa đảo, mạo danh, được thực hiện bởi các "chuyên gia ma".
Bên cạnh việc mạo danh này, báo chí lề đảng cũng tiếp tục vô tình hay cố ý lẫn lộn ngôn từ khi gọi tên dự án này là Dự án nhận chìm bùn, cát.
Trên thực tế, chẳng có bao nhiêu bùn và cũng không có cát. Nếu trong 1 triệu m3 có đến 80% cát như các chuyên gia ma đã lừa thiên hạ thì các đại gia, quan chức đã tận dụng tối đa không thua gì cát tặc chứ tội gì đem đổ xuống biển. 1 triệu mét khối mà bộ Tài-Môi cấp giấp phép nhận chìm xuống biển là tro, xỉ và thạch cao - kết quả thặng dư của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1. Cát ở đâu chui ra trong tiến trình từ than thành nhiệt điện để mà các chuyên gia ma nói rằng có đến 80% cát trong 1 triệu m3 bùn!?
Cứ 10 triệu tấn than sử dụng cho nhà máy nhiệt điện thì Vĩnh Tân 1 thải ra 4 triệu tấn thải gồm có tro, xỉ và thạch cao. Vĩnh Tân 1 đã không có phương cách tái sử dụng cũng như xử lý an toàn nên đã chọn phương cách tống xuống biển với sự tiếp tay cấp phép của bộ Tài-Môi.
Để "chứng minh" việc đổ 1 triệu mét khối than, tro, xỉ, thạch cao xuống biển là không hủy hoại môi trường thì phải có một bản dự thảo biến bùn than thành bùn cát và mạo danh tên tuổi những chuyên gia khoa học kỹ thuật nhằm đi đến kết luận đầy lừa đảo: đổ 1 triệu mét khối thải độc hại được gọi là "bùn, than" xuống biển là an toàn; cứ thực hiện đúng theo nội dung giấy phép của bộ Tài-Môi (vốn dựa vào bản dự án lừa đảo) là an toàn.
Nếu không có cộng đồng mạng lên tiếng thì chắc chắn những kiểu "lừa đảo an toàn" này tiếp tục tàn phá môi trường Việt Nam một cách... an toàn; tàn phá không phải bởi kẻ "lạ" nào cả mà bởi chính bộ phận của nhà nước có trách nhiệm bảo vệ môi trường: Bộ Tài nguyên và Môi trường.
20.07.2017
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét