Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 23 tháng 3, 2015

Lá Thư Úc Châu - Trang Thơ Nhạc cuối tháng 3-2015

Hoàng Giác: Quê Hương
Tiếng hát: Hà Thanh
Tình thân,
NNS
.........................................................................................................
(1) Ts Nguyễn Hưng Quốc: Miền Nam và miền Bắc
Mới đây, đọc trên blog của nhà phê bình Vương Trí Nhàn ở trong nước, tôi bắt gặp một đoạn nhan đề “Gợi ý từ một nhà kinh tế” với một số nhận xét bất ngờ và thú vị. Đoạn viết khá ngắn, tôi xin phép được chép nguyên văn: “Ông Đặng Phong, một nhà lịch sử kinh tế qua đời. Tôi biết ông nhân một lần đọc cuốn Lịch sử kinh tế Việt Nam 1945-2000 do ông chủ biên, thấy có nhắc thoáng qua một điều gần như ai cũng nghĩ nhưng ít ai viết: trước 1975, kinh tế miền Nam đã ở trình độ cao hơn kinh tế miền Bắc. Tự ngẫm nghĩ, thì thấy đúng thế, không thể khác được, không thể nói ngược như chúng tôi vẫn nói, hoặc lảng tránh cho là cấm kỵ, và lấy những chuyện khác nói át đi.
Nhìn rộng ra thấy không chỉ kinh tế tốt hơn mà giáo dục miền Nam lúc đó cũng hơn; không chỉ đường xá tốt, mà tư cách cá nhân của con người trong đó nói chung cũng trưởng thành hơn con người miền Bắc, trình độ hiểu biết và tuân thủ luật pháp tốt, giữa người với người có mối quan hệ tử tế, thanh thiếu niên lúc đó ham học và biết học hơn. Như vậy dễ dàng công nhận là trình độ sống của bà con trong ấy cao, nhất là dân thành phố. Dấn thêm một bước, trong đầu tôi thấy vụt lên cái ý, liệu có thể nói rằng, xét trên phương diện hiện đại hóa, là con đường tất yếu mà xã hội phải trải qua, nhân dân miền Nam đã đi xa hơn, đạt tới tầm mức văn hóa cao hơn? Như vậy bản thân khái niệm văn hóa mà lâu nay tôi vẫn hiểu cũng phải được xem xét lại chăng ?
Tôi sẽ tự phản bác lại nhiều lần trước khi đi đến kết luận … Nhưng càng đọc Đặng Phong ý tưởng trên càng không rời khỏi tôi.”
Đúng như Vương Trí Nhàn nói, điều Đặng Phong và ông nhận xét “gần như ai cũng nghĩ nhưng ít ai viết”. Bản thân tôi đã nghe một nhận xét như thế từ một bậc tài hoa nhưng nổi tiếng bảo thủ ở miền Bắc: nhà phê bình Hoài Thanh. Sau năm 1975, Hoài Thanh và bà vợ dọn vào Sài Gòn ở. Có hai hay ba lần gì đó, đâu khoảng 1980, một người thầy cũ thường rủ tôi đến thăm ông. Câu chuyện thường lan man từ văn học đến xã hội. Một lần, Hoài Thanh chép miệng nói, đại khái: “Bản chất của chế độ nguỵ là xấu vậy mà không hiểu sao nó lại đào tạo con người giỏi thế. Ai cũng lịch sự. Cứ mở miệng ra là cám ơn với xin lỗi rối rít. Ngồi ở trong nhà, có ai đi ngoài đường chõ miệng hỏi cái gì mà mình trả lời xong, cắp đít đi thẳng, không thèm cám ơn một tiếng, thì không cần nhìn, mình cũng biết ngay đó là dân ngoài Bắc vào.”
Đặng Phong so sánh về kinh tế, Hoài Thanh nói về văn hóa ứng xử, còn Vương Trí Nhàn bàn về văn hóa nói chung. Người ta có thể thắc mắc: Vậy, ở những lãnh vực khác thì sao? Như văn học, mỹ thuật hay âm nhạc, chẳng hạn? Có gì khác giữa miền Nam và miền Bắc cũng như giữa miền Nam trước đây và cả nước bây giờ?
Trong một bài phỏng vấn do Thụy Khuê thực hiện, in trên tạp chí Hợp Lưu số 103 ra vào tháng 1 và 2, 2009, sau, đăng lại trên trang Viet-studies của Trần Hữu Dũng, cũng chính Vương Trí Nhàn đã nêu lên một nhận xét sơ khởi. Theo ông, so với văn học miền Bắc, văn học miền Nam thể hiện “rõ hơn” và “đầy đủ hơn” những “đau khổ của con người” và những “tình thế bi thương, đau đớn, cả sự bơ vơ, bất lực, trong đời sống”. Khác với văn học miền Bắc, văn học miền Nam, một mặt, tiếp nối được truyền thống cách tân trong văn học tiền chiến; mặt khác, tiếp cận được với văn học thế giới, “sử dụng các quan niệm các phương thức của văn hóa phương Tây để diễn tả đời sống con người hiện đại”. Văn học miền Nam cũng có những yếu tố hiện thực và nhân đạo mà văn học miền Bắc không có.
Tất cả những nhận xét nêu trên, về kinh tế, văn hóa hay văn học đều khá sơ lược. Một sự so sánh công bằng và chính xác cần nhiều nỗ lực hơn nữa. Vần cần xuất phát từ một tầm nhìn cao hơn nữa. Tiếc, những nỗ lực và tầm nhìn ấy, cho đến nay, vẫn còn tiềm ẩn đâu đó. Trên sách vở cũng như trong học đường, văn học và văn hóa miền Nam vẫn còn để trống, không ai nhắc đến, hoặc nếu nhắc, cũng nhắc với sự xuyên tạc và mạ lị như trong thời kỳ còn chiến tranh.
Cũng xin nói luôn, trích lại đoạn văn của Vương Trí Nhàn cũng như kể lại lời nhận xét của Hoài Thanh, tôi không hề muốn khoét sâu vào óc kỳ thị địa phương vốn đầu độc mối quan hệ giữa những người cùng một nước.
Thứ nhất, sự kỳ thị và chia rẽ vùng miền ở Việt Nam đã quá trầm trọng; chúng ta không cần và cũng không nên làm trầm trọng thêm nữa. Nó không có ích gì cả. Ở một thời đại toàn cầu hoá như hiện nay, khi mọi người đang tìm cách xoá mờ dần ranh giới và những khoảng cách giữa các quốc gia cũng như giữa các nền văn hoá, luôn luôn đề cao sự khoan dung và cởi mở, cổ xuý cho cách nhìn liên văn hoá (intercultural) và xuyên văn hoá (cross-cultural) mà người Việt mình cứ lại nhấp nhổm với chuyện Nam/Trung/Bắc thì không những vô duyên mà còn nguy hiểm, không những lạc hậu mà còn phản tiến hoá.
Thứ hai, không nên quên, liên quan đến con người, bất cứ sự khái quát hoá vội vã nào cũng đều bất cập và rất dễ sai lầm: ở miền Nam, không hiếm người thô bạo, thậm chí, thô bỉ, ngược lại, ở miền Bắc, không hiếm người cực kỳ nhã nhặn và lịch sự, rất “hiện đại” và ở tầm văn hoá cao.
Thứ ba, cũng không nên quên, trước đây, ít nhất là trước năm 1954, ở miền Bắc, đặc biệt, ở Hà Nội, người dân nổi tiếng là thanh lịch. Sau này, gặp lại một số người Hà Nội thuộc thế hệ cũ, tôi vẫn bắt gặp cái dáng vẻ thanh lịch truyền thống ấy. Ngôn ngữ họ thanh lịch. Tác phong họ thanh lịch. Cách hành xử của họ cũng thanh lịch. Nét thanh lịch ấy không còn thấy ở các thế hệ trẻ hơn.
Cho nên, những khác biệt giữa hai miền, Nam và Bắc, không nằm ở con người. Cũng không nằm ở truyền thống, nơi ưu thế rõ ràng là nghiêng hẳn về phía miền Bắc. Sự khác biệt chủ yếu nằm ở chế độ. Liên quan đến chế độ, ở khía cạnh chúng ta đang bàn, yếu tố quan trọng nhất là văn hoá, trong đó nổi bật nhất là văn hóa chính trị, tức những cách diễn dịch cũng như những quy phạm và quy ước mà mọi người cùng chia sẻ về quyền lực và trách nhiệm. Những quy ước và những quy phạm ấy không phải tự nhiên mà có. Chúng là những gì người ta thụ đắc trong môi trường giáo dục, từ gia đình đến học đường và xã hội. Trong việc thụ đắc ấy, vai trò của chế độ đóng vai chủ đạo: Chính chế độ, cụ thể là nhà nước, quyết định về chương trình giáo dục cũng như nội dung của truyền thông đại chúng, qua đó, hình thành những mẫu người mà họ cần và muốn. Trong suốt hơn nửa thế kỷ, lúc nào nhà cầm quyền cũng tuyên dương hình tượng con người mới xã hội chủ nghĩa. Nhưng nhìn lại, chúng ta chỉ thấy có một điểm trong mẫu hình con người mới ấy thành hiện thực và được phổ biến: tính thiếu thật thà.
Nghiên cứu về văn học cũng như văn hóa miền Nam trong tương quan so sánh với miền Bắc hay cả nước hiện nay không phải nhằm phục hồi chế độ miền Nam vốn đã thuộc về quá khứ xa lắc và cũng không nhằm gây chia rẽ vùng miền. Mà, theo tôi, chỉ nhằm hai mục đích chính: thứ nhất, công bằng với lịch sử; và thứ hai, để nhận diện đầy đủ hơn những thất bại trong chính sách văn học và văn hóa hiện nay, từ đó, tìm cách khắc phục.
Cứ quay lưng lại với thực tế và cứ ra rả với những khẩu hiệu láo khoét rỗng tuếch về những thành tựu đầy ảo tưởng, chúng ta chỉ kéo dài sự thất bại mà thôi. Chả hay ho gì.

(2) Tường An (RFA): Hồi ức 30/4 của người Việt tại Đông Âu
(Figure: Người ngồi bên trái : ông Trần văn Trà, sau lưng ông Trần Văn Trà là nhà báo Trần Quang Thành. Người ngồi bên phải: ông Dương Văn Minh, sau lưng ông Dương Văn Minh là phóng viên đài truyền hình VN. Hình chụp chiều ngày 1/5/1975 tại dinh Độc Lập. Hình do ông Trần Quang Thành gửi RFA)
Miền Bắc Việt Nam, nơi những người đã từng môt thời cống hiến tuổi xuân của mình cho cuộc chiến được  gọi là thần thánh. Trước mặt họ và trong đầu họ chỉ có một con đường Nam tiến để diệt giặc Mỹ cứu đồng bào ruột thịt miền Nam. Với bầu tâm huyết đó, họ đã hiến tuổi trẻ của mình vào những năm tháng chiến tranh. Những người một thời đã yêu và đã chết cho lý tưởng đó, họ nghĩ gì khi hôm nay dòng sông Bến Hải giờ đã không còn chia cắt đôi bờ ?
Ông Phạm Hoàng, một văn nghệ sĩ, thời điểm 30/4/75 ông đang ở Quảng trị, trên đường tiến vào Nam cùng với đoàn văn công, sau 75, ông đi học tập ở Bungarie và di tản qua Đức sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ, ở đó, ông chủ trương báo Cánh Én. Từ Munchen, ông Phạm Hoàng kể lại: “Chúng tôi  nhớ là bắt đầu khi quân miền bắc tiến vào Huế thì chúng tôi cũng đi theo vào Huế. Và cái hiện trạng chiến tranh vẫn hiện rõ trước mắt tôi. Tôi lúc ấy là một chàng thanh niên Hà Nội, cho dù lúc đó chiến tranh trên cả đất nước Việt Nam đã mấy năm trước rồi mà tôi là một người lính Hà Nội mà mơ hồ về cuộc chiến. Chúng tôi nhìn về phía miền Nam, về phía Sài gòn như là một vùng đất tự do còn lại của Việt Nam để mà khi cuộc sống quá mức đến độ không chịu đựng được nữa thì có thể lấy nó như là một miền đất hứa. 30/4 như là bắt đầu một đại hoạ của một dân tộc chứ nó không còn mang ý nghĩa ban đầu mà tôi cảm nhận".
- Ông Lã Đức Trung, Ba Lan: "Phần lớn những bạn bè của tôi trong giới văn nghệ sĩ đều thấy một sự tàn khốc của một cuộc chiến tranh. Hơn nữa là một sự thất vọng khi người ta thấy rằng cái mảnh đất hứa, cái mảnh đất tự do, lúc đó, khi mà cái chấm Sài gòn, cái chấm đỏ cuối cùng, cái màu đỏ nó cứ chiếm dần từng vùng đất một và cái vùng đất hứa của những chàng trai Hà Nội như chúng tôi ngày càng thu hẹp lại, thì lúc đó cũng là gần như sự thất vọng.".
Ngày 30/4/75 anh hãy còn là một đứa trẻ lên 10, chiến thắng năm nào chỉ là một ký ức khá mờ nhạt. Lớn lên, anh Đỗ Xuân Cang dần dần nhận ra, lý tưởng độc lập tự do chỉ là gương mặt trần trụi sau lớp phấn son khi màn kịch được khép lại. Hiện cư ngụ tại Praha, cộng hoà Sec, Anh Đỗ Xuân Cang chia sẻ: «Cái hồi ức khá là mờ nhạt vì lúc đó tôi mới có 10 tuổi thôi. Thực ra, lúc đó chiến tranh kết thúc thì những gia đình có thân nhân là bộ đội trở về và những câu chuyện về chiến trường. Chỉ biết rằng sau đó miền Bắc có những sự thay đổi mà từ trước đến nay không có : như là những cái áo màu, vải mầu, những con búp-bê mà miền Nam đưa ra. Về phía nhà nước thì họ tạo ra một không khí mang tính chất kỷ niệm, thuyết trình, đài thì cũng lên những bài ca chiến thắng, về phía dân chúng thì gặp lại thân nhân, gia đình, đó là điều quan trọng . Sau khi lớn lên, thì đến một lúc nào đó, tôi cảm nhận ngày 30/4 dù sao cũng là một ngày kết thúc chiến tranh, chấm dứt một cuộc chiến kéo dài khá mệt mỏi và kiệt quệ về nhân lực cũng như về vật chất. Sau đó thì tôi gặp gỡ, tiếp xúc và biết rất nhiều thông tin ngoài cái thông tin chính thống của nhà nước : hàng triệu người dân bỏ nước ra đi. Khi biết được đời sống miền Nam trước 1975 về mọi mặt, vật chất cũng như tinh thần thì tôi có một cái nhận định khá khác với những gì ban đầu, đó là gì ? 30/4 như là bắt đầu một đại hoạ của một dân tộc chứ nó không còn mang ý nghĩa ban đầu mà tôi cảm nhận. Và khi biết rằng đến ngày nay đất nước chúng ta ngày nay vẫn còn bị xâm lấn, bị lệ thuộc thì rõ ràng những mục đích mà nhà nước đặt ra ban đầu đã không đạt được.»
Ông Lã Đức Trung qua Ba Lan du học năm 1974 kể rằng ngày 30 tháng 4 được du sinh tại đó tiếp nhận một cách thờ ơ, vì họ nghĩ rằng sau khi Mỹ rời khỏi Việt Nam thì việc miền Nam thất thủ là một chuyện nằm trong tầm tay, một chuyện dĩ nhiên nên họ không ngạc nhiên lắm khi đón nhận tin này, ngày đó đối với hàng ngàn người Việt ở Ba Lan lúc đó cũng chỉ là một ngày bình thường như bao ngày khác. Ông Lã Đức Trung nhớ lại : «Tôi nhớ lại thì tôi thấy tôi cũng không có cảm giác gì đặc biệt lắm. Hầu như ngày hôm ấy không có cái gì mang tính chất gọi là đặc biệt, tức là tin tức nó rất là bình thường, nó không có gì gọi là phấn khởi hoặc là mang ấn tượng gì cả về  một đất nước sau chiến tranh đã gọi là thống nhất. Hồi đó tôi nhớ là những ngày đi học bình thường, những ngày làm việc bình thường. Tôi thấy đối với người dân ở Ba Lan cũng như học sinh ở đây, không thấy có cái gì gọi là hồ hởi lắm, chứ không có tổ chức, không có ăn mừng gì hết. Và thực sự từ trước đến nay, tôi cũng không có tổ chức ăn mừng ngày 3 tháng 4 bao giờ ( ý nói ngày 30/4 - RFA) Như tôi, tôi cảm thấy đấy không phải là một sự chiến thắng. Đất nước bao nhiêu năm chiến tranh, bao nhiêu sự mất mát  về mọi mặt của dân tộc Việt Nam mà người dân Việt Nam vẫn chưa được thực sự là một đất nước tự do nên bản thân tôi, tôi chưa thấy gì là vui mừng cả.»
Nhà báo Trần Quang Thành, cựu phóng viên đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam và đài Truyền hình Việt Nam, hiện định cư tại Bratisslava, thủ đô của Slovakia. Là nạn nhân của một sự trả thù tàn khốc dưới chế độ Cộng sản, cho nên ông đã sớm thấy đó là một chế độ dã man, những cũng phải đợi đến năm 2008, ông mới được đi đoàn tụ cùng con. Nhà báo Trần Quang Thành nhìn lại : "Nhìn lại 40 năm cuộc chiến gọi là chống Mỹ cứu nước nhưng thực tế nó lại là một cuộc chiến về ý thức hệ của những người Cộng sản lừa dối nhân dân ta, thực tế nó là một cuộc hiến huynh đệ tương tàn. Khi tôi nghe đài phát thanh Tiếng Nói Việt Nam đưa tin ông Dương văn Minh đầu hàng, lúc đó tôi đang ở trên cầu Phan Thanh Giản  Sài Gòn và chỉ ít phút sau là tôi có mặt ở dinh Độc Lập. Lúc đây mình nghĩ là mình đã hoàn thành một việc là tới được cái nơi mà người ta gọi là «hang ổ của Mỹ Nguỵ » lúc đó mình cứ tưởng là một cuộc chiến thắng giải phóng miền Nam dâng cho tổ quốc nhưng mà bây giờ nghĩ lại là mình bị lừa…Nhìn lại 40 năm cuộc chiến gọi là chống Mỹ cứu nước nhưng thực tế nó lại là một cuộc chiến về ý thức hệ của những người Cộng sản lừa dối nhân dân ta, thực tế nó là một cuộc hiến huynh đệ tương tàn. Những người chóp bu của Cộng sản đã lừa dối nhân dân Việt Nam và lừa dối cả nhân dân toàn thế giới. Họ kích động tinh thần dân tộc của người dân miền Bắc là : miền bắc là tiền đồng phía Đông Nam Á của phe Xã hội Chủ nghĩa. Nhưng thực chất bây giờ chúng ta mới hiểu đây là một cuộc chiến của những người Cộng sản Việt Nam tay sai cho 2 nước Cộng sản là Nga sô và Trung Cộng để mà thực hiện ý thức hệ Cộng sản bành trướng trên toàn thế giới  chứ không phải là một cuộc chiến tranh Vệ quốc như họ từng tuyền truyền là chống Mỹ xâm lược. Tôi thấy đó là một sự lừa dối và phản bội."....
Bốn mươi năm chỉ là một khoảnh khắc của lịch sử nhưng đủ dài để kẻ  Bắc người Nam ngậm ngùi nhìn lại cơn bể dâu của đất nước, góp nhặt ký ức để sắp xếp lại quá khứ. Hy vọng một ngày không xa,  lịch sử sẽ đem lại lẽ công bằng cho những người trong cuộc.

(3) Ls Lê Công Định: Trận đánh Ban Mê Thuột 40 năm trước
Khoảng 2 giờ sáng ngày 10/3/1975, khi Ban Mê Thuột còn đang trong giấc nồng, người dân và binh lính Việt Nam Cộng Hòa bỗng bị đánh thức dậy bằng tiếng pháo kích đinh tai của Cộng quân Bắc Việt. Đó là đợt tấn công khởi đầu các chiến dịch quân sự dẫn đến sự sụp đổ của Quân đoàn 2 nói riêng và toàn bộ Nam Việt nói chung sau đó. Đúng 7 giờ sáng ngày 11/3/1975, Cộng quân bắt đầu nã pháo vào Bộ Tư lịnh Sư đoàn 23 bộ binh, một trong hai sư đoàn chủ lực của Quân đoàn 2. Đánh vào Ban Mê Thuột, Cộng quân bố trí đội hình tiến công trên 3 hướng, tạo thành 5 mũi tiến công sắc, nhọn: hướng Bắc 2 mũi, hướng Nam 2 mũi, riêng hướng Tây 1 mũi thọc sâu và thẳng vào mục tiêu chính là Sở chỉ huy tiền phương của Sư đoàn 23. Vào 10 giờ 30 phút ngày 11/3/1975, tức sau gần 33 giờ, Ban Mê Thuột thất thủ.
Bắc Việt chọn Ban Mê Thuột đánh trận mở màn vì vị trí này tuy then chốt nhưng được phòng thủ kém nhất sau hàng loạt hành động nghi binh hoàn hảo của Cộng quân khiến các tướng lĩnh Sài Gòn chuyển hướng nghĩ rằng Pleiku phải là mục tiêu tấn công chính. Trước đó một ngày, Thiếu tướng Phạm Văn Phú, Tư lịnh Quân đoàn 2, dù đã đến thị sát Ban Mê Thuột, vẫn không hề ngờ rằng mối đe dọa bị tấn công sẽ trở thành sự thật khốc liệt chôn vùi binh nghiệp của ông chỉ vài giờ sau.
(Vương Hồng Anh: ...Tình hình chính trị quân sự Việt Nam Cộng Hòa 1975 rất là bi đát. Năm 1967 quân phí tại Việt Nam là 20 tỷ Mỹ Kim, năm 1968 lên 26 tỷ, năm 1969 lên 29 tỷ, hai năm 1970, 71 rút xuống còn 12 tỷ mỗi năm. Khi Mỹ đã rút gần hết chỉ còn 24,200 người trong năm 1972 thì Việt Nam phải một mình gánh vác chiến trường với tiền viện trợ ngày một bị cắt giảm. Năm 1973 viện trợ quân sự là 2,1 tỷ, năm 1974 chỉ còn 1,4 tỷ, năm 1975 tụt xuống còn 700 triệu trong đó 300 triệu để trả lương cho nhân viên Phòng Tùy Viên Quân Sự (DAO) của Mỹ. Ðảng Dân chủ nắm đa số tại Quốc Hội Mỹ chủ trương rút quân bỏ Việt Nam không cần đếm xỉa gì tới bạn đồng minh cũng như danh dự cho nước Mỹ. Họ tìm sơ hở của Cộng Hòa để phá phách kiếm phiếu, Dân Chủ thường mị dân, o bế dân nghèo, giới bình dân khố rách áo ôm, đám trốn quân dịch, phản chiến… để lấy lòng; họ thắng lợi đúng lúc người dân chống đối chiến tranh Việt Nam dữ dội. Ðảng nọ phá đảng kia, miền Nam Việt Nam chết oan vì bị nằm giữa cái thế trâu bò húc nhau giữa Cộng Hòa và Dân Chủ."
....Trước khi cuộc chiến Cao Nguyên (năm 1975) bùng nổ, Tướng Phú được Đại Tá Trịnh Tiếu, Trưởng Phòng 2 Quân Đoàn trình bày về các khả năng Cộng quân sẽ mở cao điểm tại Ban Mê Thuột, thế nhưng không hiểu vì sao, Tướng Phú không tin và nhận định rằng Pleiku mới là chiến trường trọng điểm, còn Ban Mê Thuột là mặt trận phụ mà Cộng quân muốn tạo thế trận nghi binh. Trận chiến Ban Mê Thuột đã bùng nổ vào rạng sáng ngày 10 tháng 3/1975.Bốn ngày sau, vào trưa ngày 14 tháng 3/1975, trong một cuộc họp đặc biệt tại Cam Ranh, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã ra lệnh cho Thiếu Tướng Phạm Văn Phú triệt thoái toàn bộ Quân Đoàn 2 khỏi Cao nguyên.
- Sau khi lực lượng Quân Đoàn 2 triệt thoái khỏi Nha Trang, 1 giờ 45 trưa ngày 2 tháng 4/1975, Thiếu Tướng Phạm Văn Phú và vài sĩ quan thân tín đã bay đến ngọn đồi “Lầu Ông Hoàng” để chờ Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hiếu — Tư Lệnh Phó Quân Đoàn 3 — tới nhận bàn giao phần lãnh thổ cuối cùng của Quân Khu 2 được lệnh sát nhập vào Quân Khu 3. Vào giờ phút đó, quanh Tướng Phú chỉ có: Đại Tá Đức –nguyên Phụ Tá Tư Lệnh Quân Đoàn 2 đặc trách lực lượng diện địa; Thiếu Tá Vinh, chánh văn phòng; Thiếu Tá Hóa, sĩ quan tùy viên, và Thiếu Tá Phạm Huấn, sĩ quan Báo chí. Chính tại đây, Tướng Phú đã có quyết định tự sát, nhưng Đại Tá Đức đã kịp thời cản ông. Theo lời kể của Thiếu Tá Phạm Huấn, vào lúc 2 giờ 12 phút cùng ngày, Thiếu Tá Hóa tới trình cho Tướng Phú là trực thăng của Tướng Hiếu sắp đáp xuống. Khi đó, Thiếu Tá Huấn đứng gần Tướng Phú, thấy đôi mắt Tướng Phú như muốn tóe lửa. Và sau khi Thiếu Tá Hóa quay gót, Tướng Phú vất điếu thuốc lá đang cầm trên tay xuống đất. Rất nhanh, ông rút khẩu súng ngắn nòng ra khỏi vỏ. Nhưng tiếng hét thất thanh của Đại Tá Đức: “Thiếu Tướng”. Khẩu súng trên tay Tướng Phú bị gạt bắn xuống đất. Sự việc này xảy ra quá bất ngờ…
- Giữa tháng 4/1975, Tướng Phú lâm bệnh, vào điều trị tại Tổng Y Viện Cộng Hòa. Ngày 15 tháng 4/1975, Đại Tá Phạm Văn Chung, cựu Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 369 Thủy Quân Lục Chiến, nguyên tỉnh trưởng kiêm tiểu khu trưởng Quảng Nam, đã vào thăm Tướng Trưởng và Tướng Phú đang nằm dưỡng bệnh. Chính trong lần thăm này, Đại Tá Chung đã nghe Tướng Phú trăn trối, và kể lại như sau: Rời phòng Trung Tướng Trưởng, tôi (Đại Tá Chung) qua phòng kế bên cạnh là phòng của Thiếu Tướng Phú, cũng đang nằm dưỡng bệnh kế đó. Bước vào phòng tôi thấy Thiếu Tướng Phú đứng dậy ngay và bắt tay tôi bằng một giọng hằn học, tức tối: “Anh Chung, anh từng hành quân với tôi đã lâu…”.  Nói đến đây Thiếu Tướng Phú ôm tôi và khóc tiếp với giọng nghẹn ngào, tức tối: “…mà đêm qua, Tổng Thống Thiệu lên đài nói chuyện và đổ tội cho các tướng lãnh là hèn nhát bỏ chạy. Anh cứ về hỏi Trung Tướng Trưởng xem, trong buổi họp hôm trước, có cả Trung Tướng của anh nữa đấy, tôi đã xin Tổng Thống cho tôi giữ Pleiku bằng mọi giá, Tổng Thống không chịu, bắt tôi phải rút… có cả Đại Tướng Viên và Đại Tướng Khiêm nghe nữa mà bây giờ Tổng Thống nói chuyện với toàn dân đổ tội cho chúng tôi, thật cái nhục này tôi không biết tỏ cùng ai, không biết đồng bào có hiểu không, chỉ có cách chết mới hết nhục”. Tôi (Đại Tá Chung) không khỏi ngậm ngùi thương xót chia xẻ nỗi oan ức của một vị đàn anh đáng kính như Thiếu Tướng Phú, nên tôi hết lời an ủi và khuyên Thiếu Tướng hãy bình tỉnh và nên tĩnh dưỡng.
- Đó là lần cuối cùng Đại Tá Chung gặp Tướng Phú. Sáng ngày 29 tháng 4/1975, tại căn nhà riêng ở đường Gia Long, chờ khi vợ và các con rời nhà để đi về phía Trường Đua Phú Thọ tìm cách di tản, Tướng Phú đã uống một liều thuốc cực mạnh tự tử. Người em trai của bà Phú sau khi biết tin này đã chạy tới vào cho bà biết. Cả gia đình quay về. Theo lời kể của con trai Tướng Phú, đã vượt biên sang Mỹ, những giờ cuối của Tướng Phú được ghi nhận như sau: Nhờ có các bác sĩ Pháp gần nhà giúp đỡ, Tướng Phú được đưa vào bệnh viện Grall để cấp cứu. Nhưng Tướng Phú mê man liên miên, mãi đến trưa ngày 30/4/1975, ông mới tỉnh được giây lát và thều thào hỏi người vợ đang ngồi cạnh: - Tình hình đến đâu rồi?.  Bà Phú nói: - Tướng Dương Văn Minh ra lệnh Quân đội bỏ súng đầu hàng, và Cộng sản đã vào tới Sài Gòn!. Nghe xong Tướng Phú nhắm mắt lại và “ra đi”...).
Trên phương diện nghệ thuật quân sự đây là một trong những trận đánh đẹp và hiểm hóc bậc nhất của lịch sử thế giới hiện đại, bởi chiếm Ban Mê Thuột đã tạo ra đột biến về chiến lược, làm sụp đổ toàn bộ Tây Nguyên, vốn là địa bàn quân sự đặc biệt quan trọng đối với cả Nam phần. Trên thực tế, mất Tây Nguyên toàn hệ thống phòng ngự chiến lược của quân đội Sài Gòn bị chia cắt và rối loạn.
Sau 40 năm, trận Ban Mê Thuột đã đi vào dĩ vãng, nhưng bài học của nó vẫn nguyên vẹn như ngày nào: phòng thủ Tây Nguyên là điều tối quan trọng trong chiến lược quốc phòng nói chung của đất nước. Sự xâm chiếm của kẻ thù ngày nay không nhất thiết lộ liễu bằng quân đội. Thoạt đầu là kế hoạch ảnh hưởng và chi phối về kinh tế, kế đến là sự thâm nhập và bám trụ của một đội ngũ nhân lực ngày càng đông, sau đó là hành động gây rối loạn xã hội và nhân tâm. Đến thời điểm cần thiết, một đạo quân xuất hiện từ phía biên giới, xuất kỳ bất ý chiếm giữ Tây Nguyên bằng vũ lực, chia cắt hoàn toàn Nam Phần trong tầm tay.
Nhắc chuyện xưa không chỉ đơn thuần ôn cố, mà còn nhằm tri tân. Đánh nhau trong nhà, giết hại và hạ nhục anh em mình thì hả hê, dương dương tự đắc. Vài mươi năm sau, đối diện kẻ thù bên ngoài thì sợ hãi đến mức hèn hạ, chỉ trơ mắt nhìn đất đai và hải đảo từng bước rơi vào tay bọn cướp. Một quân đội từng tự hào bách chiến, bách thắng thuở nào, thấm nhuần nghệ thuật quân sự sau bao năm chinh chiến, chẳng lẽ giờ đây chỉ còn biết đấu võ mồm thôi? Mới tổ chức lễ hội kỷ niệm chiến thắng Đống Đa đại phá quân Thanh của vua Quang Trung, chẳng lẽ lại quên soi gương tiền nhân để còn biết tự hổ thẹn? Ông bà ta có câu “khôn nhà dại chợ” thật đầy ý nghĩa!


(4) Nhà văn Dương Thu Hương: 40 năm, nhìn lại về ngôn từ
Trong hồi ức 40 năm, đài Á Châu Tự Do hỏi chuyện nhà văn Dương Thu Hương về quan điểm của bà về những vấn đề liên quan đến cuộc chiến Bắc-Nam cũng như những hệ luỵ của nó.
Tường An: Thưa bà, cách đây đã lâu, trong một bài viết, bà có nói ngày 30/4, vào đến miền Nam bà đã ngồi trên vỉa hè và khóc. Nhân đây bà có thể giải thích về những giọt nước mắt ngày 30/4, 40 năm về trước không ạ ?
Dương Thu Hương: Vào miền Nam tôi khóc vì sao? Là bởi vì tôi hiểu đạo quân chiến thắng ở miền Bắc phụ thuộc vào một chế độ man rợ. Rất nhiều dân tộc văn minh bị tiêu diệt bởi một chế độ man rợ hơn, bởi vì họ hung hăng hơn, vì họ có thể văn minh hơn vì văn hoá nhưng họ kém về phương diện tổ chức quân sự. Sau này tôi mới hiểu tôi cũng ngây thơ tôi khóc thế thôi. 30/4 tôi còn khóc vì một lý do khác nữa là vì chúng tôi bị lừa. Chúng tôi đi không nghĩ ngày về, nhưng mà  chúng tôi tưởng chiến thắng quân ngoại xâm nhưng thực sự hoàn toàn là không phải. Và tất cả tuổi trẻ của chúng tôi đã bị tiêu huỷ đi. Và vì vậy mà tôi khóc, trong những giọt nước mắt của tôi có cái phần chung cho dân tộc và có phần riêng của chúng tôi, của những người bạn tôi đã chết và của bản thân tôi đã hy sinh tuổi xuân một cách vô ích.»
Tường An: Thưa bà, cuộc chiến dài 21 năm mà miền Bắc gọi là «Chống Mỹ cứu nước» đã chấm dứt vào ngày  30/4, bà có nhận xét gì về cái ngày mà Việt Nam ngưng tiếng súng, ngày mà đại tướng Văn Tiến Dũng gọi là «thiên anh hùng ca vĩ đại của chiến tranh nhân Việt Nam trong thế kỷ XX » ạ?
Dương Thu Hương: Đối với tôi ngày 30/4 có 2 phía : phía những người Việt ở miền nam thì gọi là ngày «Quốc hận», phía những người Việt ở miền Bắc thì gọi là «ngày Giải phóng của dân tộc» thì tất cả 2 cái đó thì tôi cho là cần phải xét lại ngôn từ , bởi vì ngôn từ nó cũng bấp bênh và nó cũng chao đảo với thời gian, nói tuỳ theo quan niệm con người , tuỳ theo cách nhìn con người để mà thay đổi. Về phía những người miền Bắc tưởng rằng đó là một sự sung sướng, một chiến công lừng lẫy, một thắng lợi vô tiền khoáng hậu trong lịch sử. Bây giờ nhìn lại tôi thấy nó chỉ là một ánh đèn loé lên trên một chặng đường, mà cái chặng đường ấy phía sau khi ánh đèn ấy loé lên  thì nó đã dần dần trôi vào bóng tối. Thắng lợi ngày 30/4 là một thứ mà người ta gọi là « illusion » tức là một ảo ảnh. Bởi vì sau cái ảo ảnh ấy thì có những thực tại chồm đến và người Cộng sản ngập trong những cái thực tại ấy. Sự thất bại liên tục của họ trên tất cả những chính trường, trên ngoại giao cũng như là đối nội.
Tường An: Bà có thể giải thích tại sao từ một chiến thắng mà người Cộng sản gọi là «cuộc kháng chiến thần thánh » họ lại trở nên thất bại sau này như bà nhận định ?
Dương Thu Hương: Cái sự chiến thắng đó đem cho họ một lòng kiêu hãnh quá độ. Cho nên cái chiến thắng ấy là mở màn cho tất cả những thất bại sau này. Và bây giờ, mặc dù họ còn giữ được chính quyền nhưng cái thất bại thì rõ ràng không ai có thể chối cãi được là họ đã trở thành một bộ phận nô lệ của triều đình Cộng sản phương Bắc và cái sự bán nước của họ dù diễn ra trong bóng tối, nhưng nhân dân và tất cả nh người có lương tâm đều đoán được một cách chính xác. Chiến thắng 30/4 khiến cho những người Cộng sản có món mồi bở béo giống như ông Nguyễn văn Trấn viết trong cuốn «Viết cho Mẹ và Quốc hộ » - tôi cho ông Nguyễn văn Trấn là một người rất chính trực - ông ấy nói : nhà của người ta lấy, vợ của người ta ngủ v.v… và tức là một sự chiếm đoạt về mặt tài sản đối với tất cả những người mà đã chiến bại. Họ đã thực hiện phương sách của Mao Trạch Đông, tức là «Toạ sơn quan hổ đấu» tức là để chọ người Việt đánh nhau với người Mỹ, một cuộc chiến tranh sức tàn lực kiệt để mà dễ biến thành một thứ thuộc địa nghìn năm Bắc thuộc lần thứ hai.
Tường An: Tại sao bà cho là phải xét lại chữ «Quốc hận" của những người miền Nam, những người đã thua trong cuộc chiến này,  thưa bà ?
Dương Thu Hương: Về mặt những người miền Nam mà gọi là « Quốc hận » thì họ cũng phải nhìn lại. Tại sao ? Tại sao lại là « Quốc hận » Trước khi hận những người khác họ phải hận chính họ . Tại sao cùng một thời điểm, người Mỹ tạo ra những điều kiện để tạo ra chính sách dân chủ của 2 nơi : miền nam Việt Nam và miền Nam Hàn Quốc. Tại sao Hàn Quốc chiến thắng mà Việt Nam chiến bại ?  Tại sao cùng một cơ hội lịch sử như thế, người Nam Triều Tiên họ đã chớp lấy cơ hội để biến đất nước của họ thành một xứ sở văn minh phồn thịnh, còn miền Nam thì không ? Cái đó phải xét lại.
Tường An: Từ khi sang Pháp năm 2006 cho đến nay, có vẽ như bà ít tiếp xúc với cộng đồng người Việt hải ngoại, phe chống Cộng cũng như phe thân Cộng, chắc là phải có lý do nào đó có phải không ạ?
Dương Thu Hương: Bây giờ nhìn lại những phong trào chống Cộng của người Việt hải ngoại, ta thấy cái gì ? Trừ những vụ treo đầu dê bán thịt chó như Hoàng Cơ Minh ra, rất nhiều chính khách khác chỉ chờ cơ hội để về Việt Nam thương thuyết với Cộng sản để chia ghế. Những nhà chống Cộng ở đây tôi biết thì hoàn toàn là một thứ trò du hí để thoả mãn cái lòng tự tôn của họ. Bởi vì sống ở nước ngoài họ không có một gương mặt hãnh diện, một vị trí xứng đáng cho nên là họ nêu chiêu bài chống Cộng, nhưng lúc nào cũng ngóng chờ Cộng sản chìa tay ra để trở về chia ghế. Và có những ông Cộng sản chưa cần mời đã vội vàng đến sứ quán làm lành trước . Vì sao . vì họ thấy đấu tranh mệt mỏi quá, hàng Cộng sản đi kiếm được một chút vui thú trong cuối đời. Cho nên bây giờ muốn chiến thắng Cộng sản thì trước tiên phải chiến thắng chính bản thân mình. Bây giờ rất nhiều Việt kiều ở nước ngoài chửi Cộng sản nhưng về trong nước lại vui thú, cho làm ăn, cho kiếm tiền, cho chơi gái rẻ. Cho nên cái tinh thần chống Cộng của tôi cũng giống như cái đuôi con chó, vẫy lên rồi vẫy xuống theo cái lợi ích của họ.»
Tường An: Từ sự phân tích những tiêu cực của  phe Cộng sản cũng như phe chống Cộng, bà có kết luận gì về cuộc đấu tranh trên chiến trường mới này ạ ?
Dương Thu Hương: Tóm lại, tôi thấy cần phải chống Cộng, nhưng trước hết cần phải soi lại bản thân mình. Thế còn người Cộng sản nhìn lại ngày 30/4 như  một điều hãnh diện thì tôi đó là sự ngu ngốc . Bởi vì bây giờ, cái đứa ngu nhất thì cũng hiểu là họ đang bán nước và sẽ còn bán nước một cách trầm trọng hơn. Và nếu không có một sự kiện nào có thể thay đổi được vận mệnh quốc gia thì chắc chắn 1000 năm Bắc thuộc lần thứ hai sẽ diễn ra. Không phải với một đoàn quân phương Bắc kéo sang nữa mà là một sự khống chế toàn bộ về mặt chính trị và kinh tế bắt đầu từ đảng Cộng sản Trung quốc đối với đảng Cộng sản Việt Nam và sau đó là hai nhà nước cùng một hệ thống mà tôi gọi là một thứ phong kiến trá hình.
Tường An: Xin cám ơn bà đã dành thì giờ cho đài Á Châu Tự Do.

(5) Nhà Thơ Đỗ Trung Quân: Suy nghĩ về ngày30/4/1975 
Trong chương trình VHNT hôm nay (15/3/2015) khách mời của chuyên mục Ký Ức 40 năm là nhà thơ, nhà báo Đỗ Trung Quân nói về những suy nghĩ của anh về những gì xảy ra trong 40 năm qua dưới cái nhìn của một nghệ sĩ, một người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.
Đôi khi cũng vô tình
Là một thanh niên vừa 21 tuổi trong ngày 30 tháng Tư năm 1975, Đỗ Trung Quân là một trong những thanh niên hưởng ứng sớm nhất phong trào Thanh niên xung phong lên đường xây dựng kinh tế theo sự cổ động của nhà nước và rồi sau đó cuộc sống kéo nhà thơ vào công tác báo chí cũng như sáng tác mà điểm cao nhất là bài thơ nổi tiếng “Quê Hương” của anh được Giáp Văn Thạch phổ nhạc. Đỗ Trung Quân còn được biết là người dẫn chương trình dễ mến trong các buổi trình diễn của Duyên Dáng Việt Nam và các chương trình TV khác. Trong suốt 40 năm sau ngày thống nhất đất nước ấy, Đỗ Trung Quân thú nhận rằng đôi khi anh cũng vô tình đối với những mảnh đời, những số phận cũng như những bi kịch xã hội mà trong đó anh đang sống.
Trao đổi với chúng tôi, trước tiên nhà thơ cho biết:
Đỗ Trung Quân: Thưa anh cũng không ngờ 40 năm qua nhanh tới mức như thế. Khi chúng ta trò chuyện với nhau ở đây không ngờ đã gần nửa thế kỷ rồi. Năm 1975 thì tôi 21 tuổi đang còn là sinh viên và không tìm được công việc bởi vì trong điều kiện giao thời lúc đó những người như chúng tôi xin việc rất khó. Sau đó chúng tôi gia nhập một lực lượng thay vì gọi là nghĩa vụ quân sự thì gọi là nghĩa vụ kinh tế đó là Thanh niên xung phong. Lúc đó quan niệm của tôi đơn giản là có một công việc, thứ nhất là bớt một gánh nặng cho gia đình phải nuôi mình mặc dù đã trưởng thành nhưng không có công việc. Thừ hai cũng nghĩ là thôi thì đất nước đã thống nhất, đóng góp cho sự tái thiết cho hậu chiến cũng là nghĩa vụ của thanh niên. Lúc đó suy nghĩ rất nhiệt huyết và đơn giản thôi thì đóng góp một chút không chỗ này thì chỗ khác, không khía cạnh này thì khía cạnh khác đối với đất nước sau chiến tranh. Rồi mọi thứ trôi qua tôi trở về thành phố và làm việc ở một tờ báo, trước đó thì làm việc ở một nhà in như mọi người và sau đó thì vể làm việc với tư cách một nhà báo của một tờ báo lớn sau này đó là tờ Tuổi Trẻ. Trong cái môi trường báo chí nó giúp cho mình tiếp xúc nhiều trong lĩnh vực của mình. Lĩnh vực của tôi là văn hóa xã hội. Những gì liên quan tới văn hóa, tới xã hội thì mình trực tiếp tiếp xúc với nó. Trong suốt thời gian đó tôi trở thành một nhà thơ, thành một người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật và như anh cũng biết tôi tham gia những chương trình như Duyên dáng Việt Nam hay những chương trình truyền hình. Khi ấy mọi thứ nó hiện ra bình thường, mình cũng không nghĩ gì nhiều, nhiệm vụ của mình tới đâu mình làm tới đó và tôi nghĩ rằng đối với tôi trong suốt thời tuổi trẻ của mình như thế mình đã hoàn toàn cắt đứt sự hồn nhiên giống như một người đã trả món nợ của xã hội sau chiến tranh đóng góp cho xã hội những gì mình cho là tốt đẹp.
Mặc Lâm: Vâng anh vừa thố lộ rằng anh bắt đầu đóng góp cho xã hội, cho đời những gì tốt đẹp trong hai mươi năm đầu tiên sau khi thống nhất, vậy hai mươi năm tiếp sau đó anh có nhận thấy đóng góp của anh tác động như thế nào và anh có hài lòng không?
Đỗ Trung Quân: Vâng. Trong suốt hai mươi năm đầu tiên với tâm huyết của một người trẻ tuổi, có phần hồn nhiên tôi nghĩ rằng mọi sự rất tốt đẹp. Tôi cũng không biết được nhiều những thông tin khác, những vấn để khác, những số phận khác mặc dù tôi biết đã có những phong trào đánh tư sản. Những phong trào của người Việt phải rời bỏ đất nước làm thuyền nhân lúc đó thông tin không nhiều lắm hầu như chỉ có thông tin duy nhất của báo chí trong nước. Sau này với điều kiện của thông tin truyền thông phát triển hơn tôi dần dần được biết, được tiếp xúc, lại được biết thêm những số phận, những vấn đề khác nó liên quan đến con người. Tôi đã từng viết xum họp nơi này thì nơi kia ly tan. Trong cái linh cảm của năm 1997 tôi có viết một bài thơ nhưng rất tiếc tôi vẫn không thuộc thơ của mình nhưng trong đó có một câu là “Xum họp nơi này thì nơi kia ly tan”. Ở trong nước, hai miền thì có thể gọi là xum họp thì ở Sài Gòn có những người lại ly tan. Tất cả những điều đó khiến cho mình suy nghĩ. Nó cho tôi có một chút ray rứt rằng là có khi mình quá vô tư, có khi mình quá hồn nhiên để có lúc lãng quên đến số phận. Những số phận khác, những số phận ấy cũng là người Việt mà thôi. Cũng là bạn bè anh em đồng bào của mình mà có lúc mình đã lãng quên nó. Nếu có sự ray rứt nào đó trong 40 năm qua thì thưa anh đó là cái ray rứt trong tôi cho đến ngày tôi nhận thức ra nó. Phải thật sự xóa bỏ hận thù?
Mặc Lâm: Vâng, chắc chắn ngày 30 tháng Tư năm nay nhà nước sẽ có những chương trình kỷ niệm rất rầm rộ phải nói là rất lớn tuy nhiên tới giờ phút này thì chúng ta cũng chưa biết hình thức tổ chức của nó sẽ ra sao, nhà nước có còn coi đó là ngày đánh đuổi đế quốc Mỹ và bọn ngụy như 39 năm trước đây hay không hay sẽ có một hình thức khác nhẹ nhàng hơn, nhân văn hơn trước đây. Tôi xin đặt một câu hỏi có vẻ giả định: Nếu anh được là người toàn quyền tổ chức ngày 30 tháng Tư năm nay anh sẽ chọn hình thức nào?
Đỗ Trung Quân: Thưa anh đây là câu hỏi giả tưởng nên tôi cũng xin được trả lời bằng câu giả tưởng nếu tôi được quyền như thế, nếu tôi là người tổ chức thì nó dài lắm thưa anh. Nó phải thật sự xóa bỏ hận thù. Thực sự tìm cách để đất nước đến phồn vinh, đến cho những người dân, nói thì có vẻ công thức nhưng đến nền kinh tế phát triển hơn so với khu vực thôi chứ chưa cần phải nói đâu xa. Không bằng những khẩu hiệu vô hồn, vô giá trị nhưng hôm nay chúng ta vẫn thấy. Bằng cách nào đó thì chúng ta sẽ làm nhưng mục đích của nó là gì? Chúng ta phải thật sự đi đến xóa bỏ hận thù. Không phải gác lại mà phải quên nó đi. Chúng ta song phẳng với những gì đã sai lầm. Tôi chỉ nói đơn giản là chẳng hạn như tôi là người có sai lầm với anh Mặc Lâm thì bây giờ là lúc tôi sám hối nó. Khi tôi sám hối thì anh Mặc Lâm sẽ tha thứ còn nếu không sám hối thì mọi thứ chỉ là chuyện đùa mà thôi. Một ví dụ khái quát như vậy thay cho câu trả lời của tôi.
Mặc Lâm: Anh nói thì như vậy nhưng thời gian qua nhà nước chưa bao giờ chính thức tuyên bố là những người bị rượt đuổi khỏi đất nước là kẻ thù cả mà họ dùng một nhóm từ rất hoa mỹ là “khúc ruột ngàn dặm”. Họ cũng có những chính sách, những cơ quan nối liền với hải ngoại, kêu gọi kiều bào thế này thế khác… không lẽ bao nhiêu đó vẫn chưa đủ để chúng ta thấy rằng nhà nước đã mở tay đối với mọi người hay sao thưa anh?
Đỗ Trung Quân: Tôi thấy hình thức là như thế nhưng sự chân thành chưa đủ thưa anh. Sự chân thành sẽ dẫn dắt cho chúng ta có những chính sách, những thái độ nó đúng đắn hơn nếu thật sự có chân thành.
Mặc Lâm: Tôi được biết anh là một người bạn rất thân với nhà văn Nguyễn Quang Lập, trước đây bị bắt vì trang blog Quê Choa nhưng nay đã được tại ngoại. Trong ngày 30 Tháng Tư này Nguyễn Quang Lập sẽ hít thở không khí bên ngoài thay vì bên trong nhà tù, việc cho nhà văn tại ngoại có đáng được xem là một cử chỉ từng bước hòa giải hay không thưa anh?
Đỗ Trung Quân: Tôi không nghĩ rằng đấy là một sự hòa giải, tôi nghĩ đấy là thiện chí còn hòa giải thì lớn lao hơn. Hòa giải còn đòi hỏi một hình thái tích cực hơn. Hình thái đó thế nào thì trong khuôn khổ một câu trả lời ngắn chắc tôi không nói được hết nhưng trở lại vấn đề thì tôi xem đó là một thiện chí đối với nhà văn Nguyễn Quang Lập và nó chỉ dừng ở mức thiện chí mà thôi. Tôi cũng xin tiết lộ ngày 30 tháng 4 cũng là ngày sinh của nhà văn Nguyễn Quang Lập. Vâng ngày sinh của Nguyễn Quang Lập là ngày 30 tháng Tư năm 1956.
Mặc Lâm: Vâng xin cám ơn anh Đỗ Trung Quân đã cho mọi người biết điều lý thú này. Nhân đây anh có thể cho biết thêm một ít riêng tư giữa các anh với nhau…
Đỗ Trung Quân: Thưa anh chúng tôi trong những lúc chuyện trò không phải lúc nào cũng đồng ý với nhau đâu. Tôi và Nguyễn Quang Lâm tranh cãi rất thường vì anh Lập là người miền Bắc còn tôi là người miền Nam. Tụi tôi hay nói đùa là anh Lập giải phóng tôi mà. Có những quan điểm tôi tranh cãi với anh Lập nhưng tôi trông chờ nhà nước làm được như chúng tôi là tranh cãi nhưng không thù oán nhau. Tranh cãi để đi tìm những điều chúng ta đồng thuận, cho dù chưa đồng thuận chúng ta vẫn không thù oán nhau mà tiếp tục trao đổi tiếp. Nhưng chúng ta là đồng bào. Đấy là cái mà chúng tôi cho rằng đã làm được nhiều hơn nhà nước làm được đối với kiều bào của mình.
Mặc Lâm: Xin cám ơn nhà thơ Đỗ Trung Quân về cuộc phỏng vấn này.

(6) Thơ từ Bạn bè gởi:
(i) Thơ Phan Khâm: 
Kính thăm anh,
Phan Khâm xin góp thơ.
K ính chúc anh vui khoẻ, như ý.
Ý XUÂN
Tôi vô tình nhớ năm qua
Vào xuân em mát lụa là tháng giêng
Em cười nở nụ thuỷ tiên
Đời tôi hóa kiếp truân chiên mất rồi
Ước gì em mãi bên tôi
Trong vườn hoa thắm …chiều trôi nổi buồn.
EM VỪA TRỔ BÔNG
Giao duyên
giữa tiết giao mùa
tròn xoe hai nụ em vừa trổ bông
phơi phới xuân, phơn phớt hồng
mưa bay lấm tấm
ửng lồng ngực xuân
sảng hồn con bướm chết trân…

(ii) Thơ Nguyễn Đông Giang:
Chú Sơn thân mến,
Tết nay,đi vòng ở San jose Bắc Cali xem sinh hoạt CĐ người Việt nam minh, tôi có làm mấy bài thơ.
Gởi Chú, cho bà con minh đọc cho vui trên PPS-NNS của Chú. Cám ơn chú Sơn. 
Tình thân, Nguyễn đông giang
tết San jose
xuống century mall nhìn đốt pháo,thật sướng tai !
40 năm không nghe tiếng pháo nổ
40 năm run sợ, kèm kẹp lao tù
xứ tự do, pháo nổ tự do
          từng quầy hàng tết đang mời mọc
          người Việt sum vầy, tết thật vui
          trẻ già, có dịp ôm nhau hỏi
          mày mặt Việt nam, tết trong lòng
đi đâu cũng gặp người Việt nam
đi đâu cũng nghe tiếng pháo nổ
tết Fairground, tết vườn Nhật Senter
pháo nổ, miệng nổ, người người nổ
tiếng nổ dòn tan, bay về quê nhà
          tết ở Mỹ của những người Việt nam
          lưu vong mượn xứ người làm tết
          lưu vong mượn xứ người dung thân
          lưu vong nung nấu tết trong lòng
tết Century, Fairground, vườn Nhật
là tết của những người Việt nam
lưu vong chờ ngày về Quốc tổ
chờ mùa xuân dân tộc nay mai
          tết San jose, tết của người Việt nam
          nhìn bản mặt biết tha hương thất thổ
          nhìn bản mặt biết 30.4 đau khổ
          San jose ơi ! tết của người Việt nam. (San jose, 2015 – nguyễn đông giang)

(iii) Thơ Thu Chi Lệ:
Mùa xuân về tưng bừng khắp nơi, nhưng người xa xứ vẫn cảm thấy buồn lạnh nơi đất khách quê người
"Lá Thư Úc Châu" đã đến với tiếng nhạc êm dịu nhẹ nhàng, với nhiều bài văn, bài thơ hay, lạ..,là một món ăn tinh thần rất quý báu.
Chỉ còn hơn mươi ngày là  Kỷ niệm 40 năm ngày Quốc Hận, tôi xin gửi đến TS Nam Son (LTUC), bài thơ mới làm để góp một tiếng nói của một người dẫu nơi chốn xa nghìn trùng vẫn còn tha thiết với quê hương..
Xin cám ơn và thân chúc "LTUC" ngày càng khởi sắc. 
 Thân kính, Thu Chi Lệ

Nỗi Đau Bốn Mươi Năm

Một ngày chung một niềm đau
Là ngày đất nước nhuộm màu tang thương
Ai gieo hạt giống đau thương
Lên trên khắp nẻo quê hương điêu tàn
Một ngày Lịch sử sang trang
Lòng đau cắt ruột bao hàng lệ rơi
Đâu còn mộng ước đôi mươi
Đâu còn lý tưởng một đời dọc ngang
          Một ngày buông súng tan hàng
          Anh hùng tử tiết bàng hoàng nỗi ai
          Kẻ say chiến thắng giương oai
          Bắt người hàng tướng khổ sai trên ngàn
          Gia đình lay lắt lầm than
          Hết thời kiêu dũng mộng tàn từ nay
          Mịt mù mây khói thiên nhai
          Có người thiếu phụ đan hoài nhớ thương
Người đi lao khổ nghìn phương
Để người ở lại gió sương những ngày
Trẻ thơ nào biết tương lai
Lang thang khắp nẻo chưa đầy bữa ăn
Trường xưa chữ nghĩa còn chăng
Gia đình êm ấm bỗng dưng chia lìa
Ai làm đói khổ quê ta
Ai gây bao nỗi  xót xa muôn vàn
Bao giờ cho hết tham quan
Bao giờ cho hết lời than dân lành
         Đau lòng đất mẹ nghìn năm
         Chia năm xẽ bảy túi tham chưa đầy
         Đau lòng tuổi trẻ hôm nay
         Tiếng oan dậy đất đọa đày lao lung
          Đau nầy là nỗi đau chung
          Đành lòng bỏ xứ muôn trùng từ ly
          Một lần cất bước ra đi
          Mong ngày lấy lại những gì quê hương
          Vẫn còn mang nỗi nhớ thương
          Vẫn còn nợ nước vấn vương trong lòng
          Chẳng quên dòng máu Lạc Hồng
          Giấc mơ ngày ấy hao mòn tuổi xuân
Quê người những bước gian truân
Quê nhà đã mấy mươi năm cơ hàn
Còn đâu một dải giang san
Còn đâu một ải Nam Quan biên thùy
Mấy nghìn năm Sử khắc ghi
Mất lần Hải đảo còn chi sơn hà
Ai làm cho nước Nam ta
Bao niềm bi hận dâng cao ngất trời
Rồi đây xương trắng quê người
Bốn mươi năm ấy ngậm ngùi cố hương
Đã tàn phai một tấm lòng
Chỉ còn trông đợi hoài mong có ngày
Những người tuổi trẻ hôm nay
Viết lên trang Sử, một ngày quang vinh. (Thu Chi Lệ, Tháng Tư 2015)

(iv) Thơ Diễm Hương
Hello anh Nam Sơn,
Dạo này chắc anh bận rộn lắm lắm nên ít thấy LTUC của anh.
Công việc của anh thế nào?
Em thì dạo sau này cũng super busy vì "ôm" thêm công việc MC và tổ chức show nữa, nên lúc nào cũng như chạy đua với thời gian.
Hôm nay vô gmail để clean up account, thấy những LTUC cũ của anh, nên muốn viết vài lời thăm anh thôi. 
Em gửi anh  hai bản nhạc mới của hai nhạc sĩ Phan Ni Tấn & Lý Kiến Trung đã phổ từ hai bài thơ cùng tựa của em nhé.

Đếm Sầu Theo Em (thơ DH, nhạc Phan Ni Tấn)

Ru Tình Mộng Ảo ( thơ DH, nhạc Lý Kiến Trung)
Cảm ơn anh và chúc anh mọi sự thuận lợi và tốt đẹp.
Thân quý, Diễm Hương

(v) Thơ Kha Tiệm Ly
Kính cộng tac quý LTUC bài thơ
Kính quý, KhaTiemLy
THĂNG LONG CÒN ĐÓ
Mấy  ngàn năm…
Mà còn nghe sụt sôi hồn thiêng sông núi.
Chiếu dời đô háo hức triệu muôn lòng.
Ngựa hí, loa vang, người ngóng đợi.
Rồng bay lên, bừng khí thế Thăng Long!
          Và từ đó…
Máu, mồ hôi cùng đổ,
Cho biên cương như vách sắt thành đồng.
Những bàn tay miệt mài trong nắng lửa,
Cho lá xanh màu, lúa nặng thêm bông.
          Cũng từ đó…
Đất linh sinh hào kiệt,
Gươm giáo ba quân ràng rạng áp tinh cầu!
Lòng yêu nước dậy dòng sông Như Nguyệt,
Để một ngày máu nhuộm đỏ Ung Châu!
          Triệu cánh tay, triệu bầu nhiệt huyết,
          Đại Việt riêng trời, một cõi địa dư.
          Lời khẳng định, của nghìn thu oanh liệt:
          “Nam quốc sơn hà nam đế cư”.
Và hôm nay…
Càng bước tới, non sông càng lớn mãi,
Càng đi lên, đồi núi vẫn chưa cao.
Thăng Long trước  đã dậy trời biên ải
Nay lẽ nào lại thẹn với năm châu?
          Chẳng chịu mất ngọn rau tấc đất
          Nên khí thiêng mờ mịt cõi trời đông.
          Triêu cánh tay thét một lời bất khuất
           Nên “Đằng Giang tự cổ huyết du hồng!”
............................................................................................................
Kính,
Ts Nguyễn Nam Sơn

Không có nhận xét nào: