Chỉ trong vòng chưa đầy nửa giờ, một khối sắt nặng hàng ngàn tấn đã đè bẹp hàng trăm sinh mạng, 14 người chết, hơn 30 người bị thương và hai trong số họ có nguy cơ không qua khỏi lưỡi hái thần chết. Trong khi đó, khối sắt nặng hàng ngàn tấn vẫn chỉ mới được bốc dỡ xong.
Nhưng với trọng lượng nặng hàng ngàn tấn sắt thép đè bao nhiêu sinh mệnh bên dưới vẫn là một ẩn số, bởi với sức nặng đó, nếu đè trực tiếp vào người sẽ không còn hình hài. Đó là chưa nói đến phần hầm thoát nước ra biển rộng 5m ngang và sâu tương đương nằm bên dưới giàn giáo có thể là hố tử thần của nhiều công nhân người Việt tại công trường đập chắn sóng thuộc dự án khu liên hợp gang thép Hà Tĩnh và cảng nước sâu Sơn Dương, ở khu vực Formosa, Vũng Áng, Hà Tĩnh.
Nỗi kinh hoàng giữa đêm khuya
Giàn giáo lỏng lẻo, 14 người chết rồi. Còn bao nhiêu người nữa thì không biết. Nó làm ẩu quá, chất lượng kém quá, bảo hộ lao động cũng kém quá... Không hiểu sao bây giờ người ta cho cảnh sát cơ động phong tỏa.
-Anh Hoàng
Một kỹ sư trong khu công nghiệp Formosa, Vũng Áng, Hà Tĩnh, tên Hoàng, cho biết: “Giàn giáo lỏng lẻo, 14 người chết rồi. Còn bao nhiêu người nữa thì không biết. Nó làm ẩu quá, chất lượng kém quá, bảo hộ lao động cũng kém quá... Không hiểu sao bây giờ người ta cho cảnh sát cơ động phong tỏa. Chắc là để giữ trật tự, mà phong tỏa bệnh viện nữa mới lạ! Người Việt mình ở đó nghèo lắm, lao động Việt chỉ làm những việc thô sơ. Những công nhân nước ngoài, đặc biệt là công nhân Trung Quốc làm những công đoạn bí mật…”
Anh Hoàng cho biết thêm là anh không làm việc tại khu vực giàn giáo bị sập nên không bị ảnh hưởng trực tiếp nhưng tiếng đổ rầm giữa đêm khuya khiến anh giật mình, tỉnh giấc, sau đó là tiếng la ó, kêu cứu của một số người, gồm cả tiếng Việt và tiếng nước ngoài. Khi anh choàng tỉnh thì tiếng kêu la tràn lan cả khu vực công trường và sau đó chừng 30 phút thì xuất hiện xe cứu thương, xe cứu hỏa, xe cảnh sát. Đặc biệt, lực lượng cảnh sát cơ động đến rất đông.
Cũng theo anh Hoàng cho biết thì chắc chắn sẽ có nhiều người Việt Nam bị chết và bị thương trong vụ sập giàn giáo này và rất có thể là không có người nước ngoài nào bị thương hoặc chết trong vụ tai nạn cả. Bởi người lao động nước ngoài và kĩ sư nước ngoài ít bao giờ trực tiếp đứng trên giàn giáo, trực tiếp làm những việc nặng. Phần việc lao động phổ thông, hay còn gọi là lao động tay chân thuần túy, nặng nhọc đều dành cho công nhân Việt Nam.
Nhân viên y tế cấp cứu cho một người bị nạn trong vụ sập giàn giáo tại khu công nghiệp Formosa, Vũng Áng, Hà Tĩnh. RFA PHOTO.
Những công nhân Trung Quốc và công nhân các nước khác được giao phần việc sau khi công nhân Việt Nam xử lý thô, họ được ưu tiên làm việc trong mát, có mức lương cao gấp ba hoặc bốn lần công nhân Việt Nam. Nếu là kĩ sư, mức lương có thể cao gấp năm lần mức lương của kĩ sư Việt Nam. Đặc biệt, các công nhân Trung Quốc hầu như làm những việc bên trong một khu vực riêng bí mật, ít xuất hiện và họ làm gì, người Việt Nam không tài nào biết được. Ngay cả kĩ sư Việt Nam cũng không biết được phần việc của công nhân nước ngoài, đặc biệt là công nhân Trung Quốc.
Chung qui, theo nhận xét của kĩ sư Hoàng thì không riêng gì tại khu vực công trường vừa bị sập giàn giáo mà tất cả các công trường trong khu công nghiệp Vũng Áng, Hà Tĩnh, tất cả những nơi nào phải làm việc dưới nắng, công khai làm việc và làm việc nặng nhọc thì đều dành cho công nhân Việt Nam. Những công nhân Trung Quốc luôn làm việc trong môi trường bí mật và không ai có thể biết được họ đang làm gì trong khu vực của họ.
Mặc dù là một kĩ sư, quản lý kĩ thuật nhưng anh Hoàng cũng không ngoại lệ, anh không được phép đến gần khu vực làm việc của người Trung Quốc. Qui định này có tính bắt buộc nhằm đảm bảo bí mật của các công nhân nước ngoài. Anh lấy làm lạ về chuyện này nhưng làm lâu ngày cũng thấy quen dần và xem như chuyện bình thường. Bởi anh nghĩ nếu nó không bình thường thì làm sao các cơ quan chức năng ở đây lại chấp nhận điều kiện quái gở này. Ngay cả một số quan chức Hà Tĩnh cũng không được phép đến thăm một số nơi làm việc có vẻ riêng tư của người Trung Quốc. Đó là một sự thật mà anh Hoàng phải chấp nhận để làm công ăn lương.
Những số phận lao động Việt Nam
Một công nhân bị thương nhẹ trong trận sập giàn giáo, đang nằm viện, yêu cầu giấu tên, bàng hoàng chia sẻ với chúng tôi: “Bị chết đâu mười bốn mười lăm người. Giờ em cũng không rõ nữa, em chỉ nghe tin... sập giàn giáo”.
Bị chết đâu mười bốn mười lăm người. Giờ em cũng không rõ nữa, em chỉ nghe tin... sập giàn giáo.
-Một công nhân
Theo người công nhân này, anh hầu như không thể nhớ nổi bết kì một chi tiết nào khi sập giàn giáo, khoảnh khắc đó diễn ra như một tia chớp. Anh chỉ nhớ trước đó chừng 20 phút, mọi người có nghe một tiếng thép bị bứt đánh “rắc” một tiếng rất lớn, cảm giác như giàn giáo hơi chao đảo trong chốc lát. Anh hoảng sợ bỏ chạy đầu tiên và chạy ra cách giàn giáo chừng 20 mét. Nhưng sau đó các kĩ sư chỉ huy Hàn Quốc yêu cầu mọi người tiếp tục vào vị trí làm việc.
Khi mọi người đã vào vị trí làm việc, anh vẫn thấy không yên tâm nên nấn ná đi tiểu tiện một lúc rồi mới quay vào, khi anh vào gần giàn giáo thì một tiếng ầm nổ đinh tai, anh không còn biết được gì nữa. Anh hồi tỉnh lúc 5h sáng và thấy chung quanh mình là những nhân viên y tế và các thực tập sinh.
Cũng theo anh này cho biết thì anh cảm thấy hoài nghi, rất có thể còn nhiều người bị mắc kẹt trong đống đổ nát hoặc đã bị nát dưới khối sắt nặng hàng ngàn tấn này. Vì tổng số người bị thương và chết chưa đến 50 người, anh không nghe số lượng người thoát nạn, trong khi đó, tổng số công nhân Việt Nam thi công ở công trường này lúc nào cũng dao động từ 90 người đến 110 người.
Anh này hy vọng rằng số người còn lại không bị chết và cũng không bị thương, họ đã thoát nạn. Bởi nếu họ gặp nạn, tương lai của gia đình họ sẽ rất khó khăn. Bởi phần đông lao động người Việt Nam chấp nhận gian khổ để làm ở Formosa đều là người Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, phần đông có điều kiện gia đình hết sức khó khăn, nhà đông con, không có đất đai, họ là lao động chính trong gia đình.
Anh công nhân này khẳng định rằng hầu hết người lao động Việt Nam trong khu công nghiệp Vũng Áng đều có điều kiện kinh tế khó khăn giống như anh. Bởi cùng là người Việt với nhau, qua giao lưu, trò chuyện trong giờ giải lao, mọi người đều biết hoàn cảnh của nhau. Vả lại, theo anh này, nếu có điều kiện kinh tế dư giả một chút, chẳng có ai dại gì vào khu công nghiệp để làm việc với nắng nóng, lương cũng không cao và sự nguy hiểm luôn rình rập.
Cũng giống như người đàn ông này, chúng tôi luôn chờ đợi tin tức mới nhất và chính xác nhất trong sự cầu nguyện mọi điều an lành, may mắn đến với các công nhân trong khu công nghiệp Vũng Áng, Hà Tĩnh.
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét