Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 16 tháng 9, 2020

Đời Không Ân Ái Đời Vô Vị - LS Ngô Tằng Giao (Đặc San Lâm Viên)

Từ ngàn xửa ngàn xưa tình yêu nam nữ luôn luôn là một nguồn cảm hứng bất tận của biết bao nhiêu văn sĩ, thi sĩ và nhạc sĩ… Khi đã yêu thì nhìn cái cành cây khô cằn trơ trụi giữa trời cũng hình như phảng phất đầy hoa thắm, nụ tươi. “Ái tình như ngọn đũa phù thủy biến túp lều tranh thành lâu đài bằng vàng”, tục ngữ nước Đức nói vậy đó. Tục ngữ nước Pháp nói: “Đời không tình yêu như trời không có nắng”. Thi sĩ Lamartine nói: “Khi đã yêu, không một trở ngại nào làm cho người ta lo sợ”. Byron thời nói: “Tình yêu của tuổi trẻ khác nào một vườn hoa đang có nhiều hoa đua nở trong mùa xuân”. Jacques Prevert nói: “Nếu lời nói là bạc và im lặng là vàng thì tiếng kêu của con tim là một hạt kim cương muôn màu muôn sắc.”
<!>
Ông thánh Paul lại hăm he là: “Thiên đường sẽ chẳng  mở cửa để đón chào những người cằn cỗi, thiếu tình yêu”. Mẹ Theresa thời nói: “Tình yêu là trái chín của mọi mùa. Nằm trong tầm với của mọi bàn tay”. Xuân Diệu thời viết: 

“Ðời không ái ân, đời vô vị.
Kiếp sống không yêu, kiếp sống thừa.”

Thôi thì những lời thơ thẩn như “hoa thơm cỏ lạ” kiểu này đầy rẫy trong sách báo. Nam nữ yêu nhau thường ước mơ được sống bên nhau dù trong “một túp lều tranh” chăng nữa nhưng có “hai trái tim vàng” là đủ và đó chính là cái động cơ để tiến tới hôn nhân. Xưa kia người ta thường nói “kết tóc xe tơ” nghĩa là tóc kết chặt lại. Nghĩa bóng dùng để nói sự kết duyên. Đời Hớn trong đêm hiệp cẩn, vợ chồng mới cưới kết tóc cho nhau, có ý nói sự thương yêu ràng buộc, xoắn xuýt lấy nhau không gỡ được. Trong truyện Kiều của Nguyễn Du cũng có câu:
“Duyên Đằng thuận nẻo gió đưa
Cùng chàng kết tóc xe tơ những ngày.”

Ai cũng biết đời sống không thể thiếu đàn bà, nhưng sống được với một người đàn bà không phải dễ. Ngày nay, hôn nhân và gia đình đang bị công phá bởi một lực lượng ý thức hệ hùng hậu, có tổ chức và hệ thống. Nhiều ý kiến khiến ta phải suy ngẫm. 
Có người nói: “Phải cầu nguyện một lần trước khi ra trận mạc, cầu nguyện hai lần trước khi bước chân xuống tàu ra biển khơi, nhưng phải cầu nguyện đến những ba lần trước khi... kết hôn!” Hoặc hôn nhân chẳng khác chi một cuốn tiểu thuyết mà trong đó vị anh hùng... “chết ngay từ chương đầu tiên.” Có câu tục ngữ lại ví von rằng người ta lấy vợ lấy chồng “không khác nào thọc tay vào một cái bao trong đó có đựng chín con rắn độc và một con lươn, chắc khó mà bắt được trúng con lươn!” 
Ai đó còn nhắc lại câu nói bất hủ của một người chồng bị vợ bạo hành lừng danh nhất thế giới, đó là nhà hiền triết cổ Hy Lạp Socrates. Ổng nói: 
 Bằng mọi giá bạn phải cưới vợ. Nếu bạn gặp được một người vợ tốt thì bạn có hạnh phúc. Còn nếu bạn gặp phải bà chằng tinh thì bạn sẽ trở nên một triết gia (if you get a bad one, you'll become a philosopher). 
Văn hào Mỹ Mark Twain lại cảnh giác: “Quý vị tưởng tình yêu lớn lên nhanh vào bậc nhất ư? Không phải đâu, tình yêu lớn lên chậm rì như rùa bò. Chẳng ai, dù nam hay nữ, thực sự hiểu được tình yêu hoàn hảo là thế nào, mãi cho tới khi đã ở trong đời sống hôn nhân cả một phần tư thế kỷ.”
Người ta còn kể là có một thầy giáo nọ hỏi đám học trò rằng: “Ai có thể nêu lên hai sự kiện lớn trong cuộc đời của nhà thơ Anh Milton?” Một học sinh đã trả lời ngay rằng: “Thưa thầy, sau khi kết hôn nhà thơ viết tác phẩm có nhan đề là ‘Thiên đường đã mất.’ Rồi đến khi vợ ông qua đời ông viết cuốn ‘Thiên đường trở lại’.”
Hôn nhân và tình yêu thường đi sánh đôi, thế mà hai thứ đó đã trở thành đối nghịch trong tư tưởng của nhiều người. Chẳng hạn như Oscar Wilde, văn thi sĩ lừng danh của xứ Ái Nhĩ Lan, đã tuyên bố: “Bạn phải luôn luôn sống trong tình yêu. Đó chính là lý do bạn chớ bao giờ nên kết hôn cả.” Còn đại văn hào George Bernard Shaw lại nói rằng: “Nếu hai kẻ đang yêu nhau mà lại nghĩ đến chuyện kết hôn thì không còn gì thiếu khôn ngoan hơn.” 
Triết gia Herbert Spencer lại chơi chữ: “Hôn nhân là ‘marriage’, lẽ ra phải đọc là ‘mirage’ (ảo ảnh) mới chính xác.” Sacha Guitry nói “Lúc đầu đàn bà ở trong vòng tay ta, một ngày kia ở trên cánh tay và sắp sửa ngồi trên lưng.” Jeanne Moreau nói “Tình yêu giống như món súp, những muỗng đầu thì quá nóng, những muỗng cuối lại quá lạnh.” 
Còn George Bernard Shaw khẳng định “Hôn nhân không phải là xổ số. Vì xổ số còn có những người trúng số.” Diễn viên hài Bill Cosby thời diễu cợt: “Vatican đúng là đã quên không thừa nhận một phép lạ: đó là việc hai người kết hôn sống đời ở kiếp với nhau.”    
Có người hỏi cựu tổng thống George W. Bush bí quyết nào khiến cuộc hôn nhân của ông được lâu dài. Ông trả lời rằng: “Chúng tôi thường thoải mái đi tới nhà hàng hai lần một tuần. Có thắp đèn cày, ăn tối, nhạc nhẹ và khiêu vũ. Bà ấy đi vào những ngày thứ Ba. Còn tôi đi vào những ngày thứ Sáu!” (She goes Tuesdays, I go Fridays.) 
Thường có những lời khuyên răn là phải thật thận trọng khi quyết định kết hôn nhưng nam nữ hình như đôi khi cứ phớt lờ đi và cứ hùng hục lao vào con đường yêu đương hay nghe theo lời xúi của cái nhà ông thi sĩ Xuân Diệu:

“Mau với chứ, vội vàng lên với chứ!
Em, em ơi! Tình non sắp già rồi...”
oOo
Trước khi nói đến chuyện đưa nhau ra tòa xin chia tay nhau bằng thủ tục ly dị cũng cần lưu ý rằng “ly dị” (divorce) là một từ ngữ pháp lý nói về chuyện vợ chồng chính thức có “hôn thú” hợp pháp mà bỏ nhau. Còn trường hợp của những đôi nam nữ cùng nhau xây tổ ấm nhưng không có hôn thú thì lại khác. Tuy có yêu nhau nhưng họ đều ngần ngại vì cùng theo quan niệm của cách ngôn Pháp cho rằng: “Yêu là bình minh của đám cưới và đám cưới là hoàng hôn của tình yêu.” Hơn nữa trong tiếng Anh thì cần lưu ý rằng ngay trong chữ “lover” (người yêu) có ẩn tàng chữ “over” (chấm dứt) rồi còn chi nữa!     
Có hai trường hợp: một là “sống chung” và hai là “hôn nhân theo thông pháp”.
1. Cảnh lứa đôi “sống chung” (“living together”) khá phổ biến. Tại Hoa Kỳ, theo những báo cáo của sở thống kê thì vào năm 1990 có hơn 3 triệu “mái ấm gia đình” trong đó có một người nam độc thân và một người nữ độc thân sống chung với nhau. Trong thời gian đó thì có gần 52 triệu households với vợ chồng có hôn thú đàng hoàng. 
Hơn 12 ngàn phụ nữ trong tuổi từ 15 tới 44 được mời tham gia trong cuộc thống kê giữa các năm từ 2006 tới 2010. Kết quả 48% nói rằng họ sống với bạn trai nhưng không kết hôn. Trong năm 1995 con số này chỉ là 35%. Trong năm 2002 là 43%.
Một thời về mặt pháp lý chuyện nam nữ tuy không lấy nhau nhưng vẫn chung sống bị coi là vi phạm pháp luật. Nay lại được chấp nhận là hoàn toàn hợp pháp. Nếu cấm đoán việc này có thể bị coi như vi phạm vào “quyền tự do hội họp” (right to free association) quy định trong Tu Chính Án Thứ Nhất của Bản Hiến Pháp Hoa Kỳ.
Một vài tiểu bang ở Hoa Kỳ vẫn còn có luật cấm những người không cưới nhau mà có quan hệ tình dục. Đây là tội “gian dâm”, “thông dâm” (fornication) (consensual sexual intercourse between two persons not married to each other).    
Một vài tiểu bang khác lại cấm quan hệ tình dục giữa hai người cùng một giới tính, hành vi tính dục được cho là phi tự nhiên, quan hệ tình dục giữa người và động vật không phải người v.v… Đây là tội “kê gian” (sodomy). Nhưng trong thực tế các luật lệ này khó mà áp dụng được nếu các đương sự là những người đã trưởng thành, cùng đồng thuận và nhất là mọi chuyện chỉ xảy ra trong nơi kín đáo riêng tư, trong “phòng the”, chốn “kín cổng, cao tường”.
Có lẽ cần nhắc đến cuộc đời của một nhân vật nổi tiếng đó là Oscar Wilde, kịch tác gia, tiểu thuyết gia, nhà thơ và người kể chuyện dí dỏm. Vào năm 40 tuổi ông đã đạt tới đỉnh cao chót vót của danh vọng. Nổi tiếng chẳng những ở Anh, ở Ái Nhĩ Lan mà còn vượt đại dương. Wilde sang Hoa Kỳ năm 1882 thuyết trình về nhiều đề tài. 
Rủi thay, Wilde có liên hệ tình dục với người cùng phái, bị Tòa Án tại Luân Ðôn kết án vào tháng 5-1895, phạt hai năm tù với khổ dịch. Luật hình Anh Quốc rất khắt khe, vào thời đó, cấm chỉ việc làm tình với người cùng phái tại phòng riêng của mình dù là thành niên hay thuận tình. Sau khi thụ án xong hai năm, ra khỏi tù, Wilde cảm thấy bơ vơ không có nơi dung thân tại Anh nên di chuyển sang Âu Châu tự buộc mình sống cuộc đời lưu vong và cuối cùng quyết định định cư tại Paris nước Pháp. Sống trong tủi nhục và nghèo khổ, Wilde mắc bệnh viêm màng óc, từ giã cõi đời năm 46 tuổi tại Paris, để lại nhiều tác phẩm nổi tiếng.
Hai người chung sống có quyền ký kết giấy tờ với nhau (agreements) như các người công dân thường khác trong xã hội. Họ có thể ký kết giấy tờ để quy định về đủ mọi chuyện: quyền sở hữu của mỗi bên về tài sản chung nếu có; cách chia nhau trả các sở phí như tiền nhà, tiền điện nước, tiền điện thoại, tiền ăn uống v.v... Sau đó nếu một bên không giữ trọn lời cam kết thì có thể bị bên kia kiện ra tòa. Họ thường kiện nhau nếu sự thiệt hại lớn lao. Nhưng nếu một bên “trắng tay” chẳng có tài sản riêng tư gì đáng kể  hoặc sự thiệt thòi chỉ là chuyện lặt vặt chẳng đáng gì thì cứ việc chia tay cho nó khỏe, đỡ mất thời giờ và thêm phần tốn kém! Hai người chung sống nếu có tài sản chung gì đáng giá thì thường được khuyên là nên ký kết trên “giấy trắng mực đen” để về sau này có giấy tờ làm bằng chứng, đừng “giao ước miệng” với nhau vì về sau khó minh chứng. 
Sau khi hai bên “tan hàng” thì một bên chỉ có quyền đòi bên kia cấp dưỡng tiền bạc nếu từ trước đó có làm giấy tờ quy định như thế. Đây là tiền “palimony”, một từ ngữ không có tính cách pháp lý thuần túy, khác với tiền cấp dưỡng chính thức trong một vụ ly dị gọi là “alimony”.
2. “Hôn nhân theo thông pháp” (common-law marriage) là tình trạng đôi bên nam nữ chung sống cùng nhau một thời gian, ăn nằm với nhau và tiếp xúc với người ngoài xã hội công khai như vợ chồng dù chẳng hề làm hôn lễ, không đăng ký về mặt dân sự hay tôn giáo (without that couple having formally registered their relation as a civil or religious marriage.)
Trước kia kiểu hôn nhân theo “thông pháp” (common law) này được chấp nhận. Ngày nay ít nhất ba phần tư các tiểu bang không còn chấp nhận kiểu hôn nhân này nữa. Các tiểu bang nào còn chấp nhận kiểu hôn nhân theo thông pháp này vẫn đặt ra nhiều hạn chế, nhất là đòi hỏi đôi bên nam nữ phải có “năng lực” (capacity) kết hôn.
Nếu hôn nhân theo thông pháp tại một tiểu bang được coi là hợp pháp thì đôi bên nam nữ đều có quyền lợi và nghĩa vụ tương tự như hôn nhân chính thức với hôn lễ vậy. Nếu sau này họ di chuyển sang tiểu bang khác, nơi không chấp nhận kiểu hôn nhân theo thông pháp, thì cuộc hôn nhân của họ vẫn có giá trị tại nơi mới đến. Một cuộc hôn nhân theo thông pháp nếu có giá trị pháp lý thì sau này nếu muốn chấm dứt cũng phải theo thủ tục ly dị chính thức.
oOo
Nhìn qua nước Pháp thì thấy Tổng thống của nước này là François Hollande khôn quá, chàng quả xứng danh là một tay chơi thứ thiệt! (Vớ vẩn, cứ khen phò mã tốt áo mà làm chi!). Chàng không bao giờ chịu ký hôn thú gì hết trơn hết trụi! Chàng đã từng lần lượt hứa đưa mấy em về… “chân trời tím”. Sau khi “gom hết mây hai đứa xây lâu đài yêu” tại điện Elysée chàng lại chơi trò “có mới nới cũ”. 
Chàng cho về hưu sớm hai bà vợ không bao giờ cưới của mình nay đã về già là Ségolène Royal, 61 tuổi, từng là lãnh tụ trong đảng Xã Hội Pháp, rồi đến Valérie Trierweiler, 51 tuổi, một nhà báo làm cho tờ báo nổi tiếng của Pháp, Paris Match, để tòm tem với một em sexy hơ hớ xuân xanh là Julie Gayet, 41 tuổi. Chắc chàng khoái câu ngạn ngữ Đức: “Thiếu nữ là nho tươi, gái già là nho khô”.
Các bà vợ (cũ) của Tổng thống Pháp muốn vào ở điện Elysée vì thương chàng Hollande hay chỉ muốn làm Đệ nhất Phu nhân với quyền lực tột đỉnh, với đời sống kiêu sa? Con người ta say mê quyền lực có khi còn mãnh liệt hơn tình yêu nữa. Kissinger từng đưa ra nhận xét: “Quyền lực là chất kích thích và quyến rũ đàn bà mãnh liệt hơn hết”. Với thành tích tình cảm “sống chung hòa bình” không hôn thú này François Hollande quả thật là một tay “playboy” Phú Lãng Sa thứ thiệt. Mới đây vào đầu năm 2014 chuyện của chàng bị tờ báo lá cải Closer phanh phui ra tùm lum cả. Điện Elysée lên cơn rung chuyển. 
Vào tháng 1-2014, chính ông Hollande xác nhận với Valérie Trierweiler nguồn tin ông có quan hệ tình cảm thầm kín với Julie Gayet là sự thật. Valérie Trierweiler liền nổi cơn “tam bành lục tặc”, không thể kiềm chế nổi, bị khủng hoảng thần kinh cực kỳ hung hãn. Sau đó có tin là trong cơn giận dữ, bà này đã chụp những chiếc dĩa, đồng hồ xưa, chiếc bình cổ của Điện Elysée ném vào ông Hollande. Nhơn viên an ninh đã phải can thiệp để bảo vệ Tổng thống. Công ty Động sản Quốc gia (Mobilier National) được Elysée gọi tới khẩn cấp để tu bổ đồ đạc bị hư hỏng ước tính sự thiệt hại phải lên tới 3 triệu euros. Đó không phải là tài sản của riêng ông Hollande, mà là tài sản quốc gia. 
Sau đó Valérie Trierweiler ra một cuốn sách, tựa đề “Cám ơn thời hạnh phúc ấy” (Merci pour ce bon moment). Nàng kể chuyện tình ái giữa nàng và ông Tổng Thống, luôn tiện “tố cáo” tất cả tính xấu của ông. Trước để trả thù, sau tiện thể làm ăn kiếm “tí tiền”. Tại Pháp cuốn sách này bán rất chạy, chỉ mới ba tháng đầu, mà bán sơ sơ đã 600,000 cuốn rồi. Tác giả có khoảng cả triệu tiền huê hồng. Đấy là chưa kể từ nay sách sẽ được dịch ra đủ thứ tiếng! 
Đây không phải là lần đầu tiên chuyện tình cảm của một lãnh đạo Pháp chuẩn bị sắp đi thăm viếng ngoại giao nước Mỹ khiến Nhà Trắng đau đầu. Năm 2007, Tổng thống Pháp khi đó là Nicolas Sarkozy từng bất ngờ tuyên bố ly dị người vợ thứ hai, Cécilia Attias, chỉ vài tuần trước một chuyến công du chính thức thăm Washington. Chương trình tiếp đón cả hai vợ chồng “quốc khách” nay phải thay đổi vào giờ chót. Thật phiền hà! Sarkozy quơ là cưới liền. Hình như với ông, đám cưới chỉ cần một nồi chè là đủ (không biết ông đã từng ăn chè ở Nhà Bè chưa?)
Riêng Tổng thống Pháp Félix Faure (sinh năm 1841) nổi tiếng về số bồ đông đảo. Ông phải cho làm một con đường hầm dẫn vào điện Elysée để các bà bồ ra vào kín đáo hơn. Qua đời vào năm 1899, lúc mới 58 tuổi, ông còn nổi tiếng là “hiệp sĩ chết trên lưng ngựa” trong khi đang cùng nhau làm tình trong văn phòng với cô đào Marguerite Steinheil mới 30 tuổi (died suddenly while engaged in sexual activities in his office). Cái chết của ông một thời làm sôi nổi báo chí Pháp.    
Nhân đó người ta nhớ lại là Vua François 1er từng có một câu nói để đời, có lẽ câu này đã gây ảnh hưởng mạnh đến các vị Tổng thống và chánh khách Pháp trong các thế hệ sau đó. Ông vua này nói: “Cung điện mà không có đàn bà (hoặc tình nhân hay cung phi) thì cũng giống như khu vườn trong hoàng cung mà không có bông có hoa vậy”. Chàng Tổng Thống Bill Clinton nước Mỹ chắc cũng từng được học… tiếng Tây và thuộc nằm lòng “ranh” ngôn này!
Người ta còn nói: “Tuổi trẻ thì ao ước: ‘tình yêu, tiền bạc và sức khỏe.’ Một ngày kia khi về già họ sẽ ước ao: ‘sức khỏe, tiền bạc và tình yêu!’.” Kể cũng chí lý đấy chứ nhỉ? Khi chưa lấy nhau, Nguyên Sa bảo “em là con mèo ngái ngủ trên tay anh”. Lấy nhau rồi, em có thể biến thành một con sư tử Hà Đông lúc nào chẳng biết! Thật hồi hộp quá!.
oOo
Một số chuyện ái tình khá đặc biệt đã được đăng tải tùm lum trên báo chí khắp thế giới nên cần được kể lại ở đây:
     - Tại Nga có hai nhân viên cùng làm chung trong một xưởng làm súp, gặp nhau, quen nhau, yêu nhau và đính hôn với nhau hơn... 41 năm rồi. Svetlana và Ivan tuyên bố là sẽ làm lễ kết hôn ngay khi để dành đủ tiền là dọn ra khỏi nhà cha mẹ họ và tạo lập “lâu đài tình ái” của riêng mình! 
     - Thêm chuyện nữa. Chàng Mustafa, thi sĩ thất nghiệp ở Ai Cập, yêu say đắm một cô phát ngân (teller) nhà băng. Chàng viết gửi nàng nhiều lá thư tỏ tình trong suốt mấy năm trời. Nàng “hổng” trả lời. Chàng quyết định tấn công mạnh mẽ hơn. Một ngày đẹp trời chàng tới nhà băng mang theo một khẩu súng và một lá thư tình. Chàng tới ngay người đẹp phát ngân và đưa ra cả hai thứ rồi yêu cầu: một là nàng phải công khai tỏ ý chấp nhận mối tình cùng chàng, còn nếu từ chối thời phải vét hết tiền trong ô kéo của nàng và đưa ra cho chàng. Nàng bèn vét tiền rồi đưa ra cho chàng và sau đó là chàng bị... còng tay, tất nhiên rồi. Ra tòa chàng bị kết án với tội cướp và phạt ở tù. Tuy nhiên chàng lại được hưởng án treo với lý do là chàng bị bất ổn tâm thần tạm thời (temporary insanity).
     - Lẩm cẩm chuyện tình yêu người ta đôi khi lại cho rằng đó là... số trời đã định. Chuyện kể rằng ông và bà Chip Stalter cưới nhau vào ngày 11 tháng 3-1985 ở Hillsdale, New Jersey. Cả hai ông bà đều được sinh ra vào cùng một ngày là 21 tháng 10-1959, trong cùng một bệnh viện và hai bà mẹ của ông bà này khi sinh con thì lại ở chung một phòng trong bệnh viện. Không quen biết nhau nên hai bà mẹ không hề liên lạc chi với nhau cả.
     - Vào năm 2017 báo chí loan tải thêm một chuyện tình của Laura Scheel và Matt Grodsky. Hai cô cậu bé yêu nhau lúc cả hai còn học Mẫu giáo và gặp nhau ở Phoenix. Ngay lúc đó, hai trẻ đã không rời nhau, chơi chung với nhau và khi ngủ trưa ở trường thường nằm bên cạnh nhau.
     Vài năm sau đó, hai trẻ không còn học chung một trường khi lên Tiểu học. Tuy xa nhau, nhưng hai trẻ, không ai quên người mình yêu. Và nhờ gia đình hai bên hằng năm, vào dịp lễ Giáng sinh, gởi thiệp chúc Tết nhau mà hai đứa trẻ vẫn biết tin nhau, và có khi nhìn được mặt nhau qua hình ảnh hai gia đình.
     Khi cả hai cô cậu bé Laura Scheel và Matt Gordsky vào Trung học Đệ II Cấp (Lycée) thì họ gặp lại nhau. Một sự bất ngờ vô cùng thú vị. Không đầy hai tuần sau đó, hai người quyết định cặp tay nhau đi chơi. Và cứ như vậy, họ sát cánh nhau suốt thời gian trung học. Khi lên Đại học tuy ở khác Tiểu bang họ vẫn giữ liên lạc mật thiết với nhau.
     Tới năm 2015 là vừa đúng 20 năm sau lời hứa của Matt Grodsky trước kia là “Anh sẽ cưới em sau này”! Ngày hôm ấy, Matt Grodsky qùy gối xuống đất, cất tiếng yêu cầu Laura Scheel chấp nhận làm vợ của Matt. Dĩ nhiên Laura nhận lời. Yêu nhau từ hồi mẫu giáo, gặp lại nhau, trở thành đôi uyên ương. Hai người dẫn nhau trở lại trường Mẫu giáo khi xưa họ cùng học để làm lễ đính hôn!
     Ngày nay, Matt thuật lại chuyện tình của mình: “Tôi nhớ lại rõ lắm. Hồi 3 tuổi, trước trường Mẫu giáo, tôi hứa với Laura là sau này, tôi sẽ cưới nàng”.

LS Ngô Tằng Giao

Không có nhận xét nào: