Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 30 tháng 9, 2020

Bạn, Tôi Và "Tuổi Không Còn Trẻ Nữa" - Sương Lam

Tinhgia 1.png

Đây là bài số năm trăm ba mươi hai (532) của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ Oregon Thời Báo, Portland, Oregon. Người viết thường hay lên internet sưu tầm tài liệu để viết bài cho mục Một Cõi Thiền Nhàn do tôi phụ trách hằng tuần trên ORTB đem về đây chia sẻ với quý vị cao niên đọc cho vui cuối tuần. Nghĩ mình “tuổi không còn trẻ nữa” nên tôi ưa lang thang tìm các tài liệu về tuổi già vì đa số các bạn  của tôi cũng “same same” như tôi nên chắc  họ cũng thích đọc những gì liên quan đến “tuổi hoàng hạc” này.  Xin được chia sẻ với quý bạn bài thơ vịnh về tuổi già của một cụ bà gốc Huế  đã can đảm nói lên những đặc điểm của tuổi già vui vui dưới đây:

<!>

 Vịnh tuổi già

Rù rờ đổ vỡ thật là hư
Chẳng biết làm răng được nữa chừ.
Ăn uống vãi rơi làm họ bực
Vào ra đụng chạm thấy mình dư
Người quen gặp lại nhìn ngơ ngẩn
Để trước quên sau kiếm mệt đừ
Ai ngờ ngày nay ra thế ấy
Khi xưa lỗi lạc một tay cừ!

Như Không (1898-1988)
(Công Tôn Nữ Như Không)

Theo thiển ý, bài thơ này rất hay vì  đã nói đúng y chang những đặc điểm của những “người không còn trẻ nữa”.  Bạn đồng ý chứ?

 Đặc biệt hơn nữa, bài thơ này cũng đã được Hoà Thượng Trí Thủ hoạ vận dưới đây:

HỌA VẦN   
Vịnh tuổi già

Của cụ bà Như Không


Tai điếc mắt mờ phận chịu hư
Lão lai tài tận biết răng chừ
Đôi giò thêm gậy lo còn thiếu
Nửa bát lưng cơm gắng vẫn dư
Nhìn trước trông sau thêm chán ngán
Suy đi nghĩ lại ruột đau dừ
Hoại không thành trụ đời kiên cố
Dấn bước như không mới thật cừ.

HT Trí Thủ.

(Nguồn: sưu tầm trên internet)

Đệ tử Phật gia thường hay nói về  mọi sự việc trên đời phải tuân theo quy luật "Thành, Trụ, Hoại Không" , kể cả con người.  Vậy thì bạn cũng chẳng buồn làm chi khi mình "không còn trẻ nữa" cho  thêm mệt. 


tinhgia 4.png


 Bây giờ hãy nghe hai ông lão Âu và Á  nói chuyện với nhau về Tuổi Già nhé.  Mời bạn cùng đọc với người viết mẫu đối thoại dưới đây: 

 

Tuổi già: Đối thoại Đông - Tây

 

Ông lão châu Á nói: “Con của tôi thật sự là không có lương tâm!”

Ông lão châu Âu: “Có chuyện gì vậy ông?”
Ông lão châu Á nói: “Con tôi hỏi tôi có nguyện ý đến ở viện dưỡng lão không?”
Ông lão châu Âu: “Viện dưỡng lão rất tốt mà, tôi cũng đang ở đó”.

 

Ông lão châu Á: “Thật vậy sao? Nơi đó mà ông cũng đến được sao?”
Ông lão châu Âu: “Tại sao lại không đi chứ?”.
Ông lão châu Á: “Nơi đó chỉ dành cho những người không có con cái thôi. Nếu tôi tới đó, nhất định sẽ bị bạn bè chê cười, tổn thọ mất”.

Ông lão châu Âu: “Không đúng đâu. Khi đã có tuổi, ở trong nhà dưỡng lão là thuận tiện nhất, sao lại có thể bị chê cười được chứ?”
Ông lão châu Á: “Đến một độ tuổi nhất định, thường thích ở cùng với con cháu, cảm nhận tình cảm gia đình. Sống trong viện dưỡng lão, cô đơn tịch mịch, thật đáng thương lắm”.

Ông lão châu Âu xua tay: “Ở cùng con cái sao? Vậy không được đâu, tôi mà ở cùng con cháu quá 2 tuần sẽ không thoải mái, chịu không được”.
Ông lão châu Á: “Ở cùng con cháu mình chẳng phải rất vui vẻ sao, sao lại không thoải mái chứ?”


Ông lão châu Âu: “Con của tôi 18 tuổi đã ra ngoài sống độc lập rồi, nó trở về nhà ở mấy ngày tôi rất hoan nghênh. Nếu nó ở trong nhà lâu, còn mang theo vợ con, sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống của tôi”.


Ông lão châu Á: “Tôi thật không hiểu, tại sao các ông lại thiếu tình cảm đến thế, chưa gì đã đuổi con cái ra khỏi nhà, lại cho bọn chúng vay tiền đóng học phí. Khó trách con cái các ông đều đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão”.


Ông lão châu Âu: “Con cái 18 tuổi là đã trưởng thành rồi, nên tự lập. Cho vay tiền đóng học phí, là tự chúng lựa chọn. Nếu như chúng muốn ở trong nhà, chúng tôi cũng không có ý kiến gì”.


Ông lão châu Á: “Không có ý kiến? Vừa rồi ông chẳng nói con cái ở trong nhà lâu thì cảm thấy khó chịu đấy thôi?”.
Ông lão châu Âu: “Tôi nói là, nếu chúng mang theo vợ con đến ở thời gian lâu, cuộc sống của tôi sẽ bị ảnh hưởng”.


Ông lão châu Á: “Vậy ông ở lâu trong nhà chúng, chẳng phải không cần đến viện dưỡng lão rồi?”.
Ông lão châu Âu nói dứt khoát: “Vậy không được, đến đó vài ngày thì còn được, nhưng vượt quá 2 tuần tuyệt đối không thể được”.


Ông lão châu Á: “Ông thật là kỳ quái, cái này cũng không được, cái kia cũng không xong. Chẳng lẽ cứ phải ở viện dưỡng lão mới chịu sao?”.


Ông lão châu Âu: “Chúng ta có cuộc sống riêng, con cái cũng có cuộc sống của chúng. Nếu chúng ta ở viện dưỡng lão, có thể kết bạn được với rất nhiều người, nếu sinh hoạt có gì phiền toái, đều có nhân viên chuyên nghiệp hỗ trợ. Chúng ta ở riêng ra rất tự do, không phải sao?”


Ông lão châu Á: “Lời của ông nghe thật sảng khoái. Nhưng ông nuôi con tới năm 18 tuổi, chúng đã báo đáp được cho ông cái gì chưa?”
Ông lão châu Âu: “Báo đáp ư? Báo đáp cái gì?”


Ông lão châu Á: “Đương nhiên là đưa ông về ở cùng một nhà, cho ông an hưởng lúc tuổi già rồi. Dù sao ông vào nhà dưỡng lão, thì chẳng được hưởng phúc gì. Con ông có cho ông tiền không?”
Ông lão châu Âu: “Cho tôi tiền ư? Tại sao?”


Ông lão châu Á: “Thì để biểu thị lòng hiếu thảo”
Ông lão châu Âu: “Không, không, không! Tôi không cần con cái cho tiền. Chúng có thể trả nợ hết các khoản đã vay, còn tiền dư thì nghỉ ngơi an dưỡng, tôi vậy là đã vui lắm rồi, tôi không cần chúng cho tiền”.


Ông lão châu Á: “Tôi thấy con của ông thật vô tâm quá, một chút trách nhiệm cũng không có”.
Ông lão châu Âu: “Trách nhiệm sao? Con của tôi đối với tôi không có trách nhiệm gì cả”.


Ông lão châu Á: “Không có trách nhiệm ư? Nếu như ông không có tiền, liệu ông có cần con cái trông nom không?”
Ông lão châu Âu: “Tôi có lương hưu, hơn nữa nhà của tôi cũng đã cho thuê, tôi có đủ tiền dưỡng lão”.


Ông lão châu Á: “Nếu như ông có bệnh, chẳng lẽ không cần con cái chăm sóc sao?”.
Ông lão châu Âu: “Nếu như tôi có bệnh, viện dưỡng lão sẽ đưa tôi đi gặp bác sĩ”.
Ông lão châu Á: “Nếu ông vào bệnh viện, cần người ở cạnh giường chăm sóc, chẳng lẽ không phải con cái ông sao?”


Ông lão châu Âu: “Người châu Âu chúng tôi không có kiểu con cái trực bên giường. Chúng tôi chỉ cần con cái tới thăm, là đã thấy vui rồi”.
Ông lão châu Á: “Nếu ông nằm viện không trả nổi tiền thuốc men, chẳng lẽ không phải con cái ông phải trả sao?”.


Ông lão châu Âu: “Chúng tôi nằm viện miễn phí, không tốn tiền”.
Ông lão châu Á: “Trời ơi! Nuôi con dưỡng già đối với người châu Âu các ông xem ra hoàn toàn không thích hợp”.


Ông lão châu Âu: “Nuôi con dưỡng già là sao? Chúng tôi sinh con, là vì yêu chúng, chưa bao giờ trông cậy con cái phải báo đáp gì lúc tuổi già. Con cái còn có rất nhiều việc phải hoàn thành, phải cố gắng làm việc để trang trải cuộc sống cho gia đình nhỏ, cũng cần hưởng thụ cuộc sống”.


Ông lão châu Á: “Tôi cũng yêu con mình, tôi cũng biết chúng đang ở giai đoạn rất vất vả. Cho nên tôi mới tình nguyện chăm sóc con cho chúng. Nhưng tôi đâu ngờ, chúng thậm chí còn muốn đưa tôi vào viện dưỡng lão”.


Ông lão châu Âu: “Ông còn giúp trông con cho chúng sao? Than ôi, thật không thể hiểu được”.
Ông lão châu Á: “Tại sao trông con giúp chúng lại không thể hiểu được?”.


Ông lão châu Âu: “Trông con là chuyện của cha mẹ, đâu có quan hệ gì tới ông chứ?”
Ông lão châu Á: “Con cái phải đi làm kiếm tiền, tôi dù sao cũng đã về hưu, không có việc gì làm, giúp chúng một chút có sao đâu”.


Ông lão châu Âu: “Tại sao không đi bộ, thư giãn, uống coffee, chơi bóng, đọc sách, làm những việc mình yêu thích?”.
Ông lão châu Á: “Chăm sóc cháu trai, chúng tôi thấy rất thuận ý”.


Ông lão châu Âu: “Điều này chẳng khác nào đánh mất cuộc sống của mình. Chúng ta đã chăm sóc con cái, còn những đứa cháu là không phải trách nhiệm của chúng ta”.
Ông lão châu Á: “Tôi biết mà, các ông từ sớm đã đuổi con cái ra khỏi nhà, đến cháu trai cũng không muốn bế. Ông không nói đến tình thân, ông quá ích kỷ, khó trách ông chỉ có thể vào viện dưỡng lão”.

Ông lão châu Âu: “Nếu tôi làm ngược lại thế thì chính là đã hồ đồ rồi. Ông vì con trai mà đi trông cháu, giống như không còn cuộc sống của mình, đây là dưỡng già sao? Quan niệm mỗi nước có khác nhau, đối với viện dưỡng lão cách nghĩ cũng bất đồng. Cha mẹ cũng có cuộc sống của mình, khi về già, con cái nên để cha mẹ được tự do”

.(Nguồn: Email bạn gửi- Không thấy đề tên tác giả)


Lam-sao-de-nguoi-cao-tuoi-song-vui-khoe-co-ich-3.jpg


Thôi thì "ở bầu thì tròn, ở ống thì dài" , những người Việt "tuổi không còn trẻ nữa" như bạn, như tôi cũng cần phải thích ứng với văn hóa nơi mình đang sống để cho có cái tâm an mà an hưởng "tuổi hoàng hạc" của mình nhe. 


  Người viết thuộc vào lớp người "tuổi không còn trẻ nữa" nên rất  thích thú tìm hiểu, sưu tầm các tài liệu hữu ích liên quan đến nhóm người này để giúp mình, giúp bạn hiểu biết thêm nhiều vấn đề có ích cho mình, cho người,  để chúng ta cùng được sống vui, sống khỏe, sống trường thọ trong tinh thần an vui, hạnh phúc. 

Hy vọng Bạn sẽ đón nhận các tin tức này nhé. Từ từ nhé.  Smile!


 Bây giờ mời bạn xem một youtube rất hay dưới đây đã được gần 45 triệu người xem cho vui nhé:

 

Attraction perform their stunning shadow act - Week 1 Auditions | Britain's Got Talent 2013 

44,339,880 views

https://www.youtube.com/watch?v=a4Fv98jttYA&feature=youtu.be    

 

Xin chúc quý bạn có nhiều sức khỏe, thân tâm an lạc, sống vui từng ngày trong hiện tại với duyên nghiệp của mình nhé.

Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn

 

Sương Lam

 

(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi-MCTN 532-ORTB 955-9302020)

Sương Lam

Website: www.suonglamportland.wordpress.com

http://www.youtube.com/user/suonglam

https://www.pinterest.com/suonglamt/ 

Không có nhận xét nào: