Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 27 tháng 9, 2020

Vận động cho TNLT Nguyễn Bắc Truyển trước Đối thoại Nhân Quyền Mỹ-Việt - Reuters

 
Hình minh hoạ. Tù nhân lương tâm Nguyễn Bắc Truyển được dẫn giải ra toà ở TP Hồ Chí Minh hôm 10/5/2007 - Tổ chức Cứu người Vượt Biển (BPSOS) cho biết đang vận động cho viêc tham gia ký tên vào một lá thư chung gửi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo. Nội dung thư kêu gọi Hoa Kỳ đặt vấn đề với Việt Nam về trường hợp của TNLT, nhà hoạt động cho quyền tự do tín ngưỡng, ông Nguyễn Bắc Truyển. Ngày 6 tháng 10, Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ một lần nữa trao đổi về dân chủ, nhân quyền qua Đối thoại Nhân Quyền thường niên giữa hai quốc gia này. Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, chủ tịch và CEO của BPSOS, chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do rằng lá thư chung sẽ được gửi đi vào thứ 2 ngày 28 tháng 9, để kịp thời cho các đại diện phía Hoa Kỳ đưa hồ sơ của ông Nguyễn Bắc Truyển lên bàn thảo luận.
<!>

Ông nói, “Trường hợp của ông Nguyễn Bắc Truyển  trong danh sách ngắn của Hoa Kỳ để đấu tranh đòi hỏi sự tự do cho những người trong danh sách đó. Gần đây nhất, Mục sư A Đảo của Hội Thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên đã được trả tự do vào ngày 18/9. Cho thấy sự lên tiếng của quốc tế có ảnh hưởng. Mục sư A Đảo cũng là 1 trong 8 người trong danh sách chúng tôi đưa ra để đề nghị Hoa Kỳ ưu tiên tranh đấu đòi trả tự do cho họ. Thực sư chúng tôi có danh sách có đến 250 TNLT và hơn nữa. Nhưng chúng tôi lọc ra tập trung vào 8-10 người, và Mục sư A Đảo là một, bây giờ đã được tự do, và người kế tiếp là ông Nguyễn Bắc Truyển.

Bốn thành viên Hội Anh Em Dân Chủ bị bắt: Ký giả Trương Minh Đức, Mục sư Nguyễn Trung Tôn, ông Phạm Văn Trội, ông Nguyễn Bắc Truyển (từ trái qua).
Bốn thành viên Hội Anh Em Dân Chủ bị bắt: Ký giả Trương Minh Đức, Mục sư Nguyễn Trung Tôn, ông Phạm Văn Trội, ông Nguyễn Bắc Truyển (từ trái qua). RFA
Ông Nguyễn Bắc Truyển là một tín đồ Phật giáo Hòa Hảo, và là Chủ tịch Hội Ái hữu Cựu Tù nhân Chính trị. Ông Truyển cùng ông Phạm Văn Trội, và ông Trương Minh Đức, những thành viên Hội Anh Em Dân Chủ, bị chính quyền Việt Nam bắt vào ngày 30/7/2017 và tuyên án 11 năm tù về tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.

Tiến sĩ Thắng nói thêm, ít ai biết, ông Nguyễn Bắc Truyển là người đầu tiên phối hợp bàn tròn đa tôn giáo của Việt Nam được thành lập vào tháng 3 năm 2016. Ông Truyển tiếp tục duy trì vai trò cho tới ngày bị bắt, vì vậy BPSOS đã nhắm vào các thành viên bàn tròn cũng như lãnh đạo tôn giáo tại Hoa Kỳ và khắp nơi, cùng lên tiếng qua lá thư gửi Ngoại trưởng Mike Pompeo.

Ông Thắng cho biết, “Ngoài ra ông Truyển còn là người sáng lập ra Liên minh Chống Tra tấn Việt Nam bởi vì trong lĩnh vực về luật, ông Truyền là luật gia nghiên cứu về chống tra tấn ở Việt Nam cũng như của Công ước LHQ về chống tra tấn. Ông Truyển đã làm nhiều báo cáo về chống tra tấn, chẳng hạn như của những người H'mong, người Tây Nguyên, mà bị tra tấn đến chết, thì ông Truyển cũng là người lập hồ sơ chuyển lên Liên Hiệp Quốc rất nhiều lần. Do đó, khi bị bắt bớ và cả hai vợ chồng bị bách hại, Liên Hiệp Quốc xem như một cách trả thù vì đã báo cáo với họ”.

TNLT Nguyễn Bắc Truyển hiện bị giam tại nhà tù An Điềm, tỉnh Quảng Nam. Luật sư Nguyễn Văn Đài, từ Đức Quốc cho biết, ông Truyển bị tuyên án nặng nề, 11 năm tù, vì những hoạt động đào tạo cho tín đồ về quyền tự do tôn giáo, cũng như những nỗ lực cho các gia đình TNLT:

“Đến năm 2017 khi an ninh bắt ông Truyển, thì họ cũng có hỏi tôi về vai trò của ông Truyển trong HAEDC. Tôi nói ông Truyển chỉ tham gia ngắn thôi.

Mức án nặng không phải là vì ông Nguyễn Bắc Truyển là sáng lập viên của HAEDC, mà do những việc làm của ông đối với Giáo hội PGHH, bởi vì khi đó ông cư trú ở tỉnh Đồng Tháp và ông giúp cho PGHH rất nhiều. Vì những công việc nâng đỡ, không để cho giáo hội đó bị sụp đổ bởi sự đàn áp bắt bớ từ nhà cầm quyền Việt Nam. Thứ hai, khi ông tham gia vào Hội Ái hữu TNLT, thì ông cũng hoạt động rất tích cực, tìm kiếm những nguồn lực tài trợ giúp đỡ cho các gia đình TNLT, cũng nhưng con cái của họ trong vấn đề học bổng. Tôi biết lúc đó thì hầu hết rất nhiều gia đình TNLT đang có con học phổ thông hay đại học, thì đều được Hội Cựu TNLT cấp học bổng. Đó là những lý do mà an ninh họ biết, nhưng không đưa vào trong hồ sơ. Họ chỉ có căn cứ một điều duy nhất là ông là sáng lập viên của HAEDC, và ông chịu mức án 11 năm tù.”

Luật sự Đài cho biết, ông Truyển hiện được sự bảo trợ của đại diện Quốc hội Đức. Từ năm 2019 ông Truyển cũng được Ủy viên Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc Tế (USCIRF), bà Anurima Bhargava bảo trợ thông qua Dự án Tù nhân Lương tâm Tôn giáo. Ngày 13/8 vừa qua, 65 nghị sĩ thuộc gần 30 quốc gia trên toàn cầu đã ký lá thư chung gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, yêu cầu trả tự do ngay lập tức cho ông Truyển.

Luật sư Đài nhận định, thời điểm trước cuộc Đối thoại Nhân quyền, dự kiến sẽ diễn ra trực tuyến vào ngày 6 tháng 10, là thời điểm thuận lợi để nhắc nhở các viên chức ngoại giao về trường hợp của ông Nguyễn Bắc Truyển.

Ông nói“Nếu như Việt Nam có thiện chí với phía Hoa Kỳ, thì họ sẽ trả tự do cho anh Truyển hoặc một vài người, bao giờ cũng xảy ra trước các cuộc đối thoại. Vì kinh nghiệm của bản thân tôi, trong những năm tháng tôi ngồi tù lần đầu tiên từ năm 2007-2011, phía Bộ Công an họ hỏi, ‘Anh có muốn trả tự do không? Chỉ có hai điều kiện, một là chúng tôi thả tự do cho anh đi nước ngoài, hai là anh sẽ nhận tội thì chúng tôi trả tự do cho anh ngay lập tức’.. Thì tôi không hiểu tại sao họ lại chọn thời điểm đó để vào trong nhà tù mặc cả với tôi điều đó. Sau đó tôi mới biết là cố cuộc đối thoại với Việt Nam và Hoa Kỳ, hoặc EU. Thông thường là họ muốn thả tự do trước sự kiện đó”.

Mục sư  A Đảo, vị lãnh đạo Tin lành người Thượng được thả tự do vào ngày 18/9 vừa qua, một năm trước khi mãn án tù 5 năm vì cáo buộc “Tổ chức người khác trốn, đi nước ngoài”.

“Chúng tôi đề nghị với Hoa Kỳ phải có những hồ sơ rất cụ thể, dù nó nhỏ, dù nó ít, nhưng phải giải quyết đến tận nơi tận gốc một cách cụ thể. Thì tôi tin rằng năm nay sẽ có một không khí khác hơn từ phía Hoa Kỳ khi ngồi xuống đối thoại với Việt Nam”.-Ts Nguyễn Đình Thắng

Uỷ hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế (USCIRF) hôm 18/9 ra thông cáo báo chí ca ngợi việc Việt Nam trả tự do cho Mục sư A Đảo, đồng thời kêu gọi Việt Nam trả tự do cho ông Nguyễn Bắc Truyển.

Ts Thắng nói, nếu như chính phủ Việt Nam cho rằng họ thả Mục sư A Đảo như vậy là đủ, thì các tổ chức, những nhà đấu tranh cho nhân quyền phải nỗ lực hơn nữa.

Chúng tôi không nghĩ rằng Việt Nam hiện đang nghĩ đến chuyện thả, trả tự do cho ông Nguyễn Bắc truyển trước cuộc đối thoại, vì họ tin rằng chỉ cần thả Mục sư A Đảo là được rồi, để mà chứng tỏ cho Hoa kỳ là họ có thiện chí. Họ nghĩ rằng ngưng ở đó là đủ rồi. Chính vì lý do đó mà chúng tôi vận động Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ không chấp nhận sự nhượng bộ tí ti đóMà phải quyết tiếp tục những trường hợp khác, và ưu tiên hàng đầu là trường hợp ông Nguyễn Bắc Truyển”.

Cũng theo Ts Thắng, cuộc Đối thoại Nhân quyền Hoa Kỳ-Việt Nam vòng này sẽ không như các lần trước, và tổ chức của ông vận động Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ để không cho phép Việt Nam có những lời hứa hẹn hoặc bịa ra những lý do cho sự đàn áp của chính quyền.

“Chúng tôi đề nghị với Hoa Kỳ phải có những hồ sơ rất cụ thể, dù nó nhỏ, dù nó ít, nhưng phải giải quyết đến tận nơi tận gốc một cách cụ thể. Thì tôi tin rằng năm nay sẽ có một không khí khác hơn từ phía Hoa Kỳ khi ngồi xuống đối thoại với Việt Nam”. 

Không có nhận xét nào: