Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 30 tháng 9, 2020

Một Đổi Thay Ý Nghĩa - Tân Liêu Trai - Mùi Quý Bồng

 

Đang ngồi hý hoáy vẽ hình bìa cho tập truyện Đời Phi Công của Giáo Sư, Nhà Văn Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh sắp tái bản thì điện thoại reo. Nguyên bỏ bút vẽ, nhấc máy. Đầu giây bên kia là giọng nói êm dịu của một người đàn bà trung niên.

– Alô, thưa cho tôi nói chuyện với ông Nguyên.

– Dạ, tôi Nguyên đây, thưa ai ở đầu giây đó ạ?

– Ô, anh Nguyên, Thúy Ái đây. Anh còn nhớ không?

– Thúy Ái? Dạ tôi không nhớ rõ lắm!

– Thúy Ái, em chị Thúy Hồng, bạn hai anh Văn Hoàng và Quý Hoàng cùng học với anh ở trung học Trần Lục đó, anh nhớ chưa? Ngày xưa anh vẫn đến nhà Thúy Ái chơi cùng với hai anh Hoàng đó mà!

<!>

– A, tôi nhớ rồi. Vâng, Thúy Ái và Thúy Hồng. Mấy chục năm rồi còn gì! Bây giờ hai chị em ra sao? Định cư ở đâu? Làm sao Thúy Ái biết số điện thoại của tôi mà gọi?

– Chị Hồng đang ở Florida, còn Thúy Ái ở Virginia. Đọc báo thấy phòng mạch của anh nên mới có số điện thoại. Gọi đến đó thì “answering service” chuyển qua tư gia anh.

Nguyên bâng khuâng, hồi tưởng lại những ngày còn mài đũng quần trên ghế trung học. Thuở ấy, Văn Hoàng, Quý Hoàng, Nguyên và một bạn đồng lớp nữa là Thế Xuyên họp thành một nhóm “tứ quái” lấy tên là “Forever”. Bốn người bạn vô cùng thân thiết, thường đi đâu cũng có nhau. Hai chàng Hoàng quen hai chị em Thúy, thỉnh thoảng đến chơi cũng hay lôi Xuyên và Nguyên đi cùng, vì hai cô Thúy có rất nhiều bạn gái, muốn giới thiệu cho Xuyên và Nguyên. Giữa Quý Hoàng và Thúy Ái sau này nẩy sinh một mối tình vô cùng thắm thiết, mặc dầu cha mẹ Quý Hoàng không mấy thiện cảm với Thúy Ái vì khác biệt tôn giáo. Hai người bất chấp những ngăn trở của gia đình, vẫn khăng khít bên nhau tuy không chính thức cưới hỏi. Sau khi Nguyên rời Việt Nam qua Hoa Kỳ du học năm 1974, chàng không còn thường xuyên liên lạc với Quý Hoàng và Thúy Ái, nhưng cũng nghe tin Hoàng đi cải tạo và từ trần trong trại. Hoàng vốn là người cương trực, không chịu khuất phục những gì chàng thấy phi lý. Thể xác vốn đã ốm yếu, chịu không nổi những khắc nghiệt cải tạo, Hoàng từ giã cõi đời trong tức tưởi. Nguyên biết tin Quý Hoàng mất qua Văn Hoàng, khi Văn Hoàng cùng gia đình đến định cư ở California.

Những hình ảnh của quá khứ dồn dập trở lại trong trí nhớ Nguyên khiến chàng như mê đi. Mãi đến khi Thúy Ái lớn tiếng hỏi với một giọng đầy ngạc nhiên, chàng mới bừng tỉnh.

– Anh Nguyên, anh vẫn nghe Thúy nói đấy chứ? Sao lại êm ru thế này?

– Tôi xin lỗi Thúy, mải nghĩ đến Hoàng, đến cái chết đau đớn của bạn, tôi có lơ đãng một chút. Rất mừng nghe lại giọng nói của Thúy. Thúy Ái qua đây hồi nào? Sau khi Hoàng mất, Thúy ra sao? Tôi mất liên lạc với các bạn từ hồi đó nên không biết gì nhiều về tình trạng sau 1975.

– Vâng, để Thúy kể lại cho anh nghe.

Bằng một giọng nói khi nghẹn ngào, khi say đắm, Thúy Ái đưa Nguyên ngược giòng thời gian, trở về quê hương gần 30 năm trước.

***

Tin Hoàng mất đến với Thúy Ái như tiếng sét ngang đầu, mặc dù trong những chuyến thăm nom trước, nàng đã nhận thấy vẻ tàn tạ trong sắc mặt Hoàng. Thúy đã trải qua những đêm dài thổn thức lo âu, những giây phút hồi hộp, sợ hãi khi thấy Hoàng tiều tụy, thất thểu trong những lần tiếp tế. Yêu Hoàng, Thúy luôn luôn mong ngóng ngày Hoàng xuất trại. Nàng không bao giờ nghĩ sẽ mất Hoàng, mặc dù nỗi lo âu càng ngày càng lớn mạnh. Cái chết của Hoàng đã cướp đi lẽ sống của Thúy.

Tuyệt vọng trước sự mất mát lớn lao đó, Thúy đã mang ý định quyên sinh, theo Hoàng qua bên kia thế giới, để được mãi mãi bên nhau. May nhờ có gia đình Hoàng, nhất là bố mẹ chàng, hết lời khuyên bảo, can ngăn. Sau khi Hoàng đi cải tạo, bố mẹ chàng đã nhận thấy mối tình giữa con mình và Thúy Ái là một mối tình chân thật và thắm thiết, nên ông bà đã đổi ý, đem lòng yêu thương Thúy Ái như một người con dâu thật sự, và dự định khi Hoàng được trả tự do, sẽ đứng ra tác thành cho đôi bạn nên nghĩa vợ chồng. Cái chết của Hoàng càng làm tăng thêm tình thương yêu của ông bà với Thúy Ái. Ông bà đã mời Thúy Ái về sống với mình. Ngược lại, Thúy Ái cũng tận tâm săn sóc ông bà như cha mẹ ruột của mình. Các anh chị em của Hoàng cũng coi Thúy Ái như người thân tộc. Nhờ vậy, Thúy Ái mới thoát qua cơn khủng hoảng tinh thần, và tiếp tục sống trong sự thương yêu của gia đình Hoàng.

Cho đến một ngày, bốn năm sau.

***

Vừa ở tiệm vải bước ra, Thúy Ái bỗng giật mình, sửng sốt đứng lặng người. Một người đàn ông, không, chính là Quý Hoàng, đang tiến bước về phía nàng. Thúy không tin cặp mắt mình, chớp vội liên hồi để biết chắc mình không mơ. Nhưng Quý Hoàng vẫn còn đó, mỗi bước một gần hơn. Khuôn mặt gầy gầy, khổ người xương xương, mái tóc bồng bềnh, đôi môi vừa phải, cái miệng hơi rộng, với bên mép trái nhếch lên, sống mũi thẳng và nhất là cặp mắt, cặp mắt sáng những nét cương nghị, cặp mắt đã bao lần nhìn nàng đắm đuối mà vẫn trang nghiêm. Không, không thể nào lầm được. Đúng là Hoàng, Quý Hoàng yêu dấu của nàng! Thúy muốn kêu tên chàng nhưng thân hình nàng tê liệt, bất động, miệng mở ra mà không thành tiếng. Nhưng sao Hoàng không lộ vẻ gì mừng rỡ, chỉ mỉm cười, khẽ gật đầu lịch sự chào nàng, đứng lách qua một bên nhường lối, rồi đi thẳng vào cửa tiệm. Không lẽ?

Thúy Ái đứng sững thêm một phút, rồi chợt tỉnh. Nàng chạy vội vào trong tiệm, đến sau lưng người đàn ông, run run gọi khẽ:

– Anh Hoàng! Anh Quý Hoàng!

Người đàn ông quay đầu lại nhìn nàng, ngạc nhiên, nhưng lễ độ:

– Thưa cô, cô gọi tôi?

– Anh Hoàng, em đây! Thúy Ái đây! – Thúy nói trong hơi thở dồn dập –

Người đàn ông mỉm cười, ánh mắt bao dung:

– Thưa, chắc cô lầm. Tôi tên là Vượng, Đỗ Đức Vượng.

Thúy sửng sốt. Vẻ thất vọng đến gần như tuyệt vọng hiện trên gương mặt. Bao nhiêu hớn hở, hồi hộp trong một tích tắc chợt lắng xuống, biến nàng thành một cái xác không hồn.Thúy bỗng thấy mắt mình hoa lên, và nàng ngất xỉu. Người đàn ông mau mắn vòng tay qua lưng Thúy, đỡ nàng khỏi ngã xuống. Thúy ngả người trên thân mình người đàn ông chừng vài giây thì tỉnh lại. Nàng ngượng ngùng thoát ra khỏi vòng tay Vượng, sửa lại chiếc áo dài, e thẹn:

– Xin lỗi ông, tôi quá xúc động.

Vượng mỉm cười:

– Tôi cần xin lỗi cô vì mạo phạm mới phải. Cô tìm ông Hoàng?

Thúy bật khóc nhưng cố nén nỗi đau đớn:

– Vâng thưa ông. Hoàng là chồng chưa cưới của tôi đã mất bốn năm trước. nhưng ông…, ông giống anh Hoàng tôi như hai giọt nước nên tôi mới lầm… Ừ, mà sao tôi u mê thế. Người đã chết làm sao có thể sống lại! Một lần nữa, xin lỗi ông!

Thúy Ái gật đầu chào Vượng, quay bước vội vã ra cửa, đôi mắt đẫm lệ. Vượng bước theo, đặt tay trái lên vai nàng:

– Cô Thúy Ái, xin cô chờ một phút. Nếu cô không cho tôi là vô phép, tôi xin mời cô ghé qua quán cà phê bên cạnh đây. Tôi muốn nghe cô kể về anh Hoàng. Trên đời hiếm có những người giống hệt nhau mà không liên hệ ruột thịt. Cô vui lòng?

Thúy Ái ngước nhìn Vượng. Chao ôi, cũng cặp mắt ấy lúc này đang ánh lên một niềm thiết tha, trìu mến vô cùng làm lòng nàng mềm đi, chùng xuống. Hoàng đây mà! Đúng là Hoàng của nàng đây mà! Thúy không nghĩ ngợi thêm, khe khẽ gật đầu, lặng lẽ đi bên Vượng qua quán cà phê.

Hai người ngồi vào một bàn nhỏ trong góc quán. Vượng hỏi Thúy uống gì, rồi gọi một ly cam tươi cho nàng. Và chàng, một ly cà phê phin, không đường, không sữa với một lát phó mát “Con Bò Cười”. Thúy càng thêm sửng sốt. Đúng là những món Hoàng vẫn gọi mỗi lần đi uống cà phê với nàng. Thúy hoang mang cực độ. Trời ơi, có thể nào lại có sự trùng hợp lạ lùng như vậy? Hay đây chính thực là Hoàng? Nhưng đích thân mình đã nhận xác chàng, đã an táng chàng kia mà?

Vượng, Vượng là ai mà lại giống Hoàng như khuôn đúc vậy?

Vượng vẫn từ tốn, và dịu dàng, kiên nhẫn chờ Thúy lên tiếng. Chàng đọc thấy trên khuôn mặt nàng những nét sửng sốt, băn khoăn vẫn chưa tan biến. Một lúc sau, Thúy Ái mới định thần. Nàng xin lỗi Vượng rồi chậm rãi kể cho Vượng nghe chuyện đời của nàng và Hoàng, từ những ngày trung học xa xưa đến khi Hoàng mất. Vượng lặng thinh, nhưng vẻ xúc động hiện rõ trong cặp mắt và khuôn mặt chàng. Khi Thúy Ái dứt lời, Vượng dịu dàng:

– Thưa cô Thúy Ái, tôi không phải là Hoàng, tôi cũng không có liên hệ gì với Hoàng, nhưng nếu cô cho phép, tôi xin cô cho tôi cái hân hạnh làm một người bạn của cô. Hy vọng sự hiện diện của tôi sẽ giúp cô gần gũi với Hoàng hơn nữa. Cô có thể gọi tôi là Hoàng, nếu cô muốn. Tôi một thân, một mình, không còn cha mẹ, không có anh chị em, không bà con thân thích. Anh Hoàng là người cương trực, “uy vũ bất năng khuất”. Tuy không biết anh ấy, nhưng tôi thật tâm kính phục. Cô nghĩ sao?

Thúy Ái nhìn Vượng, im lặng. Từ khuôn mặt, đôi mắt và giọng nói của chàng tỏa ra một sự chân thành tột độ khiến nàng không thể từ chối. Nàng đặt bàn tay mình lên bàn tay Vượng, khẽ nói:

– Vâng, xin cám ơn ông.

Từ đó Thúy Ái và Vượng trở thành hai người bạn thân, rồi tình yêu đến, và lớn mạnh theo thời gian. Bố mẹ và gia đình Hoàng cũng chấp nhận Vượng như chính Vượng là Hoàng. Ngày Thúy Ái thổ lộ chuyện nàng và Vượng với gia đình rồi mời Vượng đến trình diện, cả gia đình Hoàng đều ngạc nhiên và sửng sốt đến mức gần như kinh hoàng, mặc dù Thúy đã nói trước về sự tương đồng kỳ lạ giữa Hoàng và Vượng. Mẹ Hoàng đã chạy đến ôm chầm lấy Vượng, òa khóc:

– Hoàng, con của mẹ. Sao con nỡ bỏ bố mẹ, gia đình, vợ con đi đâu suốt mấy năm trời. Mẹ nhớ con quá, con có biết không?

Cả nhà không ai cầm được lòng, cũng rưng rưng nước mắt. Vượng ôm vai mẹ Hoàng, vỗ nhẹ lên lưng bà:

– Con xin lỗi mẹ. Con đã về đây. Con sẽ ở bên mẹ, phụng dưỡng mẹ đến muôn đời.

– Đám cưới Thúy Ái và Vượng tổ chức giản dị nhưng thân mật một năm sau đó. Khách đến dự, nhìn thấy Vượng, ai cũng kinh ngạc, nhất là các bạn cũ của Hoàng.

***

Một tuần sau ngày cưới, Thúy Ái và Vượng lên Đà Lạt hưởng tuần trăng mật. Đôi uyên ương rạng rỡ trong cảnh trí hữu tình của thành phố thơ mông. Thúy Ái đã mất đi nét u sầu, ủ rũ của những ngày buồn khổ lúc trước. Vốn đã đẹp, bây giờ nàng lại càng yêu kiều diễm lệ gấp bội trong niềm hạnh phúc tưởng đã mất không bao giờ tìm lại được. Vượng thì luôn luôn chững chạc, bao dung và thiết tha, trìu mến. Hai người không rời nhau đến nửa bước. Thúy Ái có cái cảm tưởng nàng đang sống trong mơ. Chỉ một chớp mắt xa Vượng là tất cả sẽ tan biến mất. Những tháng ngày trước hôn lễ, xa Vượng nàng không thấy lo sợ. Nhưng, Đà Lạt, với khung cảnh thần tiên của thác Cam Ly, hồ Than Thở tạo cho nàng một ấn tượng khác hẳn. Cái khung cảnh yêu kiều, tình tứ quanh nàng, niềm hân hoan trào dâng ồ ạt trong nàng, tất cả như một cái gì rất siêu thực mà thiếu sự hiện diện của Vượng, nàng nghĩ nó sẽ không còn tồn tại.

Buổi tối hôm đó, từ rạp ciné trở về, Thúy đã ôm chặt cánh tay Vượng, ngước mắt nhìn chàng, thỏ thẻ:

– Vượng, anh hứa sẽ không bao giờ xa em, anh nhé!

Vượng cúi xuống hôn nhẹ lên môi Thúy:

– Anh hứa. Anh sẽ ở bên em suốt đời. Chính anh mới phải xin em đừng xa anh, vì em đẹp quá. Anh chỉ sợ Trời sẽ ghen, cướp mất em của anh thôi.

Thúy Ái hôn Vượng, rồi đứng lại, tựa đầu lên ngực chàng, nước mắt chạy quanh. Những giọt nước mắt của hạnh phúc. Hai người đứng im như vậy trong một lúc, không biết bao lâu, mới thong thả trở lại khách sạn.

Sáng hôm sau, ngày cuối cùng của tuần trăng mật, Thúy Ái và Vượng lên thăm thác Cam Ly lần chót trước khi trở lại Sài Gòn. Đêm hôm trước trời mưa, sáng đó khung cảnh mờ ảo, thật đẹp. Đứng bên bờ nhìn những đợt nước ào ào chảy xuống đáy thác, Thúy Ái muốn dang rộng hai tay gào lên: “Lạy Trời, đã ban cho con hạnh phúc này!”, nhưng nàng chỉ thầm thì câu nói đó bên tai Vượng. Vượng vuốt tóc Thúy, hôn lên má nàng, âu yếm. Thúy Ái cười rạng rỡ, ngả đầu lên vai Vượng, lim dim mắt, tận hưởng niềm vui đang chan chứa trong tim. Chợt nàng mở bừng mắt, gỡ khỏi vòng tay Vượng, chạy ùa về phía trước, reo lên:

– Ô anh, xem bông hoa dại kia kìa. Đẹp làm sao mà đẹp lạ lùng. Để em hái tặng anh nhé!

Vượng hoảng hốt:

– Đừng em, Thúy. Đứng lại! Chỗ đó trơn ướt lắm. Coi chừng trợt chân, ngã bây giờ!

Nhưng đã chậm mất một giây. Thúy Ái đã xẩy chân. Chỉ trong một thoáng, thân hình nàng đã như một mũi tên, lao theo giòng nước thác. Tiếng hét thất thanh của nàng vang vang như tiếng gọi tử thần.

– Anh Vượng! Cứu em! Cứu em với!

Vượng ngây người một giây, rồi phóng mình tới trước, nhưng chỉ còn kịp thấy bóng dáng Thúy Ái trước khi nàng chìm vào giòng nước dưới đáy thác.

***

Hai ngày sau người ta mới tìm thấy xác Thúy Ái. Lạ một điều là thân hình nàng vẫn như bình thường, không thay đổi bao nhiêu, ngoại trừ những vết trầy trụa trên mặt, trên lưng và trên tay chân. Vượng đã khóc hết nước mắt sau hai ngày đêm không ăn, không ngủ. Gia đình Hoàng được hung tin cũng vừa từ Sài Gòn lên. Thi thể Thúy Ái được di chuyển vào bệnh viện chờ khám nghiệm. Vượng xin được theo xe cứu thương, ngồi bên xác Thúy Ái, đăm chiêu, khổ não, đã gầy guộc lại càng thêm tiêu điều, xơ xác. Chàng đặt tay lên bao xác vợ, nơi trái tim nàng, nức nở:

– Thúy Ái, sao em nỡ bỏ anh? Tại sao Trời lại nhẫn tâm cướp mất em của anh như vậy, hỡi Trời!

Giòng lệ đã cạn khô, chỉ còn cặp mắt sưng húp và đỏ hoe trên một khuôn mặt tang thương, thiểu não, và tuyệt vọng.

Xe chạy được chừng 15, 20 phút thì Vượng quá mệt mỏi, gục xuống, thiếp đi, bàn tay vẫn đặt trên ngực vợ.

Đột nhiên Vượng thấy mình đang bay lơ lửng trên không, giữa những đám mây ngũ sắc ngược xuôi qua lại. Trên mỗi đám mây có một bóng người mờ ảo. Đến gần thì thấy mơ hồ như làm bằng thủy tinh. Vượng dụi mắt. Một trong những bóng thủy tinh ấy bay thẳng đến trước mặt Vượng. Rồi một giọng nói cũng rất mơ hồ cất lên:

– Anh Vượng, anh có nhận ra tôi không?

Vượng nhướng cặp mắt mệt mỏi nhìn lên. Hình dạng và khuôn mặt người này có rất nhiều nét quen thuộc.

– Tôi là Hoàng, Quý Hoàng đây!

Vượng chợt tỉnh:

– Vâng, anh Hoàng, quả là tôi giống anh thật.

Hoàng vẫn bằng giọng nói mơ hồ:

– Tôi biết chuyện gì đã xẩy ra. Từ mấy năm nay tôi vẫn ở bên anh và Thúy Ái. Tôi mừng cho Thúy đã tìm lại được nguồn vui và hạnh phúc tôi đã làm mất đi của Thúy qua cái chết của tôi. Tôi cám ơn anh đã thay tôi đem đến cho Thúy một cuộc sống ý nghĩa. Sau khi tôi chết, Diêm Vương thương tôi là người cương trực nên cho tôi làm phán quan. Lúc tai nạn xẩy ra, tôi cũng như anh, vì quá bất ngờ nên không cứu Thúy kịp. Ngay sau đó, nhất định không chịu để Thúy phải chết tức tưởi trong lúc hạnh phúc vừa mới trở lại với nàng, tôi đã xin gặp Diêm Vương để khiếu nại. Ngài coi sổ thì quả đúng là số Thúy phải chết vào ngày giờ đó. Tôi van xin Diêm Vương hãy tha cho nàng được sống để bù lại những đau khổ nàng đã trải qua trong những năm dài yêu tôi và mất tôi. Ngài lại tra sổ, thì may sao, ngày đầu thai trở lại dương thế của tôi cũng đã đến. Ngài liền truyền lệnh giữ nguyên xác Thúy, không để hư hoại, chờ giờ tái sinh của tôi cho hồn tôi nhập xác nàng thay vì đi đầu thai nơi khác. Vì vậy tôi đến tìm anh đây. Giờ phút đó cũng sắp tới rồi, anh hãy theo tôi ngay kẻo trễ.

Nói xong, cái bóng thủy tinh kéo tay Vượng, giục mây bay đi như chớp nhoáng.

Vượng mở bừng mắt, thấy tay mình vẫn đặt trên ngực Thúy Ái. Chỉ một phút sau, chàng bỗng thấy bao xác rung động nhè nhẹ. Rồi mạnh dần, mạnh dần. Một thoáng sau, có tiếng người thở hắt, rồi một giọng nói yếu ớt nhưng quen thuộc vọng lên:

– Anh Vượng! Anh Vượng! Anh ở đâu? Sao chung quanh em tối đen thế này?

Người y tá cấp cứu, mấy phút trước đang trợn tròn con mắt, bây giở ngồi cứng đơ, miệng há hốc, dường như muốn nói điều gì mà quá kinh hãi không nói được. Vượng không cần để ý đến anh ta, mở toang khóa kéo của bao xác, mừng rỡ:

– Em đã sống lại! Em đã sống lại, Thúy ơi, em đã sống lại!

Từ trong bao xác, Thúy Ái nhìn Vượng. Khắp khuôn mặt nàng tỏa ra những nét hân hoan, rạng rỡ:

– Anh Vượng!

Bàn tay nàng tìm bàn tay Vượng xiết chặt. Vượng đỡ Thúy Ái dậy, ôm chặt lấy nàng hôn như mưa như bão lên môi, lên mắt người yêu. Những giọt nước mắt cạn khô bỗng nhiên tuôn rơi trên khuôn mặt vẫn gầy guộc, xơ xác nhưng đã ánh lên những nét vui tươi cùng tột. Người y tá đã ngất xỉu từ hồi nào!

Đúng lúc đó, xe cứu thương đã qua khỏi cổng, vừa ngừng ngay cửa vào bệnh viện.

Một năm sau, Thúy Ái và Vượng qua định cư tại Hoa Kỳ.

***

Tiếng Thúy Ái đầu giây bên kia đã ngừng mà Nguyên vẫn còn như lạc vào cõi mộng. Thúy Ái gọi ba, bốn lần “Anh Nguyên” qua điện thoại, Nguyên mới chợt tỉnh, trở về với thực tại.

Sau gần nửa giờ đồng hồ tiếp tục chuyện vãn, thăm hỏi, Thúy Ái cáo từ, trả Nguyên về với công việc đang dang dở.

Nguyên ngước nhìn bức vẽ trước mặt. Khuôn mặt cô Phượng trong Đời Phi Công Nguyên đã chọn mầu hồng, một mầu hồng phơn phớt , và rất lấy làm đắc ý, thì bây giờ, bỗng nhiên Nguyên thấy nó biến thành mầu xanh da trời và … đẹp lạ lùng! Đúng rồi, mầu xanh! Mầu của hy vọng! Mầu của những cuộc đời tối đen bi thảm như cuộc đời của Thúy Ái chợt vươn lên rực rỡ xanh tươi. Mà cũng là mầu của không gian, mầu của những chàng không quân hào hoa phong nhã, mầu của người yêu cô Phượng. Nguyên nói thầm: “Cám ơn Thúy Ái đã gợi ý cho tôi”, rồi cầm bút vẽ, chấm lại mầu, làm một thay đổi toàn diện trên bức vẽ đã gần hoàn tất. Chưa bao giờ trong những lần vẽ tranh, Nguyên thấy mình làm một việc có ý nghĩa như vậy.


Mùi Quý Bồng

Không có nhận xét nào: