Ngoại trưởng Rubio yêu cầu Panama chấm dứt ảnh hưởng của Trung QuốcHôm Chủ Nhật (2/2), Ngoại trưởng Hoa Kỳ Marco Rubio đã cảnh báo Tổng thống Panama Jose Raul Mulino rằng Washington sẽ “thực hiện các biện pháp cần thiết” nếu Panama không ngay lập tức thực hiện các bước để chấm dứt những gì mà Tổng thống Donald Trump coi là ảnh hưởng và sự kiểm soát của Trung Quốc đối với Kênh đào Panama.
<!>
Sau cuộc hội đàm với nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ tại Thành phố Panama, Tổng thống Mulino ám chỉ rằng ông sẽ xem xét lại các thỏa thuận liên quan đến Trung Quốc và các doanh nghiệp Trung Quốc, đồng thời tuyên bố sẽ hợp tác hơn nữa với Hoa Kỳ về vấn đề di cư, nhưng nhắc lại rằng chủ quyền đất nước của ông đối với tuyến đường thủy đông đúc thứ hai thế giới không phải là vấn đề cần thảo luận.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Tammy Bruce cho biết trong một tuyên bố, ông Rubio đã chuyển thông điệp từ Tổng thống Trump rằng sự hiện diện của Trung Quốc – thông qua một công ty có trụ sở tại Hồng Kông vận hành hai cảng gần cửa kênh đào – là mối đe dọa đối với tuyến đường thủy này và vi phạm hiệp ước Hoa Kỳ-Panama.
Ông Bruce cho biết: “Bộ trưởng Rubio đã nêu rõ rằng tình trạng hiện tại này là không thể chấp nhận được và nếu không có thay đổi ngay lập tức, Hoa Kỳ sẽ phải thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ các quyền của mình theo Hiệp ước”.
Ông Rubio không nêu rõ các bước cụ thể mà Panama phải thực hiện hoặc biện pháp trả đũa của Hoa Kỳ sẽ như thế nào.
Khi trở lại nhiệm sở, ông Trump đã đe dọa sẽ nắm quyền kiểm soát Kênh đào Panama, được Hoa Kỳ xây dựng vào đầu thế kỷ 20 và bàn giao cho Panama vào năm 1999, với lý do kênh đào này đang được Bắc Kinh vận hành. Ông Trump đã từ chối loại trừ khả năng sử dụng vũ lực quân sự đối với Panama.
Ông Rubio, là người có thái độ cứng rắn lâu năm với Trung Quốc trong suốt sự nghiệp tại Thượng viện, hồi tuần trước đã phát biểu trên chương trình The Megyn Kelly Show của Sirius XM rằng Trung Quốc có thể sử dụng các cảng để đóng cửa kênh đào, một tuyến đường vận chuyển quan trọng của Hoa Kỳ, trong trường hợp xảy ra xung đột giữa Bắc Kinh và Washington.
Tổng thống Panama Mulino cho biết cuộc gặp của ông với Ngoại trưởng Rubio diễn ra tôn trọng và thân mật. Ông đã thể hiện thiện chí xem xét lại một số doanh nghiệp Trung Quốc tại Panama, bao gồm cả việc nhượng quyền quan trọng trong 25 năm cho CK Hutchison Holdings, công ty có trụ sở tại Hồng Kông được gia hạn vào năm 2021 để vận hành các cảng ở cả hai lối vào kênh đào, trong khi chờ kết quả kiểm toán.
Các nhà lập pháp và chính phủ Hoa Kỳ đã coi hợp đồng nêu trên giữa Panama và CK Hutchison Holdings là ví dụ về sự bành trướng của Trung Quốc tại Panama, mà họ cho rằng đi ngược lại hiệp ước trung lập cả hai quốc gia đã ký vào năm 1977.
Chính phủ Panama và một số chuyên gia bác bỏ khẳng định đó, chủ yếu là vì các cảng không phải là một phần của hoạt động kênh đào. Kênh đào do Cơ quan quản lý kênh đào Panama vận hành, một cơ quan tự trị do chính phủ Panama giám sát.
Tổng thống Mulino cho biết một thỏa thuận rộng rãi giữa Panama và Trung Quốc nhằm đóng góp vào sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, theo đó quốc gia châu Á này đã mở rộng đầu tư vào Panama trong các chính quyền trước đây, sẽ không được gia hạn.
“Chúng tôi sẽ nghiên cứu khả năng chấm dứt sớm dự án này”, ông Mulino nói thêm.
“Tôi không cảm thấy có bất kỳ mối đe dọa thực sự nào vào thời điểm này đối với hiệp ước (trung lập), tính hợp lệ của hiệp ước, và càng không có mối đe dọa nào đối với việc sử dụng vũ lực quân sự để thực hiện hiệp ước”, ông Mulino nói, đồng thời nói thêm rằng việc đàm phán trực tiếp với ông Trump sẽ rất quan trọng.
Tỷ phú Musk được “quyền truy cập đầy đủ” vào hệ thống kho bạc Mỹ
Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE) do tỷ phú Elon Musk lãnh đạo đã được cấp quyền truy cập đầy đủ vào hệ thống thanh toán của Bộ Tài chính Mỹ.
Theo truyền thống, quyền truy cập vào hệ thống này chỉ giới hạn ở một nhóm nhỏ công chức sự nghiệp do tính chất nhạy cảm.
Bộ trưởng Tài chính mới được bổ nhiệm Scott Bessent đã ủy quyền cho đại diện DOGE, bao gồm Tom Krause, Giám đốc điều hành của Cloud Software Group, truy cập vào hệ thống quản lý hơn 6 nghìn tỷ USD thanh toán liên bang hàng năm, bao gồm An sinh xã hội, phúc lợi Medicare và hoàn thuế.
David Lebryk, một viên chức sự nghiệp đã từng giữ chức Bộ trưởng Tài chính cho đến khi Bessent được xác nhận, đã nghỉ hưu mới đây sau khi được cho là đã phản đối yêu cầu của nhóm ông Musk về việc tiếp cận hệ thống thanh toán. Khi được hỏi tại sao một viên chức sự nghiệp lại nghỉ hưu thay vì tuân thủ yêu cầu kiểm toán, tỷ phú Musk đã viết trên X rằng các viên chức tài chính “thực sự chưa bao giờ từ chối thanh toán trong toàn bộ sự nghiệp của họ”.
Tỷ phú Musk cho biết: “Nhóm DOGE đã phát hiện ra rằng, trong số những thứ khác, các nhân viên phê duyệt thanh toán tại Bộ Tài chính luôn được hướng dẫn phải phê duyệt các khoản thanh toán, ngay cả đối với các nhóm gian lận hoặc khủng bố đã biết”.
Bộ Hiệu quả Chính phủ, do Tổng thống Donald Trump thành lập và do tỷ phú Musk lãnh đạo, có mục tiêu xác định và loại bỏ chi tiêu lãng phí của chính phủ. Tỷ phú Musk đã đặt mục tiêu giảm thâm hụt liên bang ít nhất 1 nghìn tỷ USD, điều này đòi hỏi phải cắt giảm trung bình 4 tỷ USD mỗi ngày.
Tỷ phú Musk viết: “Điều đó vẫn sẽ dẫn đến thâm hụt khoảng 1 nghìn tỷ đô la, nhưng tăng trưởng kinh tế có thể đạt được con số đó, nghĩa là sẽ không có lạm phát vào năm 2026”, đồng thời nói thêm rằng ông lạc quan thận trọng về việc đạt được mục tiêu này.
Quyền truy cập của DOGE đã làm dấy lên mối lo ngại trong số các cựu quan chức Bộ Tài chính và các nhà lập pháp về tính bảo mật của hệ thống thanh toán liên bang. Thượng nghị sĩ Ron Wyden, đảng viên Dân chủ hàng đầu trong Ủy ban Tài chính Thượng viện, đã cảnh báo về khả năng can thiệp chính trị: “Tôi không thể nghĩ ra lý do chính đáng nào khiến các nhà điều hành chính trị đã thể hiện sự coi thường trắng trợn đối với luật pháp lại cần quyền truy cập vào các hệ thống nhạy cảm, quan trọng này”.
“Rõ ràng là sẽ có sự phản đối cực đoan từ những kẻ lừa đảo! Và họ sẽ làm như thể chúng ta đang cắt giảm tài trợ để cứu những chú gấu trúc con trong khi thực tế chúng ta đang cắt giảm tài trợ cho những kẻ lừa đảo, phung phí và khủng bố”, tỷ phú Musk cho hay trong một bài đăng.
Liên Âu trước nguy cơ bị tổng thống Trump áp thuế nhập khẩu
Không chỉ tăng thuế nhập khẩu nhắm vào các nước đối thủ nặng ký như Trung Quốc, tổng thống Mỹ Donald Trump còn nhắm cả vào những nước vừa là láng giềng, vừa là đồng minh, như Canada và Mêhicô. Liên Hiệp Châu Âu cũng không phải ngoại lệ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Sáu 31/01/2025 đã nhắc đến khả năng áp thuế nhập khẩu nhắm vào hàng hóa của Liên Âu, bởi vì theo ông, Liên Âu đã « đối xử rất tệ với Hoa Kỳ », không nhập khẩu nhiều hàng hóa của Mỹ.
Trước nguy cơ Liên Âu bị Mỹ tăng thuế nhập khẩu, hôm nay 02/02 trên đài France Info, bộ trưởng Công Nghệ Pháp nhấn mạnh các cuộc đàm phán thương mại của Bruxelles với Washington phải bảo đảm cân bằng quyền lực trước các mối đe dọa thuế quan của Donald Trump.
Nhưng những mặt hàng nào của Liên Âu có thể bị Donald Trump nhắm tới để áp thêm thuế ? Từ New York, thông tín viên Carrie Nooten giải thích :
« Donald Trump không hài lòng về cán cân thương mại với Liên Hiệp Châu Âu, hiện không có lợi cho Mỹ, nên ông có thể sẽ có biện pháp đáp trả nhắm vào một số lĩnh vực mà doanh thu lệ thuộc nhiều vào các khách hàng Mỹ.
Ví dụ về ngành sản xuất rượu của Pháp : 22% rượu vang và rượu mạnh Pháp xuất khẩu là bán sang Hoa Kỳ. Ngành này từng nếm trải cảm giác khi tổng thống Mỹ Donald Trump tăng thêm thuế nhập khẩu 25% đối với rượu vang của Pháp và Tây Ban Nha (không áp dụng đối với rượu vang do Ý sản xuất) trong vòng 2 năm, sau cuộc xung đột giữa hai tập đoàn chế tạo máy bay Airbus và Boeing, khiến doanh số ngành sản xuất rượu khi đó sụt giảm 30%, cho đến khi tổng thống Mỹ Joe Biden bãi bỏ thuế suất nói trên.
Dược phẩm của Pháp, Ireland, Bỉ và Đức cũng có thể chịu tác động. Donald Trump đã ám chỉ rằng các nước châu Âu không mua đủ nhiều ô tô của Mỹ, nên có thể ông sẽ áp dụng các biện pháp trả đũa nhắm vào xe hơi của Đức và Ý.
Và cuối cùng là lĩnh vực sản xuất dầu ô-liu. Mặt hàng này cũng đã từng rơi vào tầm ngắm của Donald Trump trong nhiệm kỳ tổng thống Mỹ đầu tiên của ông, và đã trở thàm tâm điểm trong một cuộc chiến pháp lý tại Tổ chức Thương mại Thế giới, nên không có lý gì lần này Donald Trump lại bỏ qua lĩnh vực này ».
Tổng thống Mexico tuyên bố trả đũa Mỹ
Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum đã cáo buộc Mỹ tiếp tay cho bạo lực băng đảng bằng cách cho phép vũ khí hạng nặng chảy về phía nam, qua đó phản bác lại tuyên bố của Tổng thống Donald Trump rằng Mexico đang không ngăn chặn được tình trạng di cư bất hợp pháp cũng như nạn buôn bán ma túy.
Bình luận của bà Sheinbaum được đưa ra vào cuối ngày 1/2 khi bà ra lệnh áp thuế trả đũa đối với hàng hóa của Mỹ để đáp trả mức thuế 25% của ông Trump đối với hàng nhập khẩu từ Mexico và Canada.
“Chúng tôi hoàn toàn bác bỏ lời vu khống mà Nhà Trắng đưa ra đối với Chính phủ Mexico, cáo buộc chính phủ này có liên minh với các tổ chức tội phạm”, bà Sheinbaum viết trong một bài đăng trên mạng xã hội X. “Nếu có bất kỳ liên minh nào như vậy tồn tại ở bất kỳ đâu, thì đó chính là các cửa hàng súng ở Mỹ, nơi bán vũ khí hạng nặng cho các nhóm tội phạm này – như chính Bộ Tư pháp Mỹ đã chứng minh”.
Nhận xét của bà rõ ràng đề cập đến một báo cáo gần đây của Cục Rượu, Thuốc lá, Súng và Chất nổ (ATF), trong đó chỉ ra rằng một số lượng lớn vũ khí quân sự được các băng đảng Mexico sử dụng có nguồn gốc từ Mỹ.
Bà Sheinbaum cũng khen ngợi những nỗ lực chống ma túy của chính quyền bà, cho biết rằng chỉ trong bốn tháng, lực lượng an ninh Mexico đã thu giữ hơn 40 tấn ma túy, bao gồm 20 triệu liều fentanyl và bắt giữ hơn 10.000 người có liên quan đến tội phạm có tổ chức.
Bà chỉ trích cách tiếp cận của chính phủ Mỹ đối với cuộc khủng hoảng ma túy, cho rằng nếu Washington nghiêm túc trong việc chống lại tình trạng lạm dụng ma túy, họ sẽ “bắt đầu một chiến dịch lớn để ngăn chặn việc sử dụng các loại ma túy này và chăm sóc những người trẻ tuổi, như chúng tôi đã làm ở Mexico”.
Thuế quan mới của ông Trump, có hiệu lực vào ngày 4/2, áp thuế 25% đối với hàng hóa từ Mexico và Canada và thuế 10% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Chính quyền Mỹ biện minh cho các biện pháp này bằng cách nêu ra những lo ngại về nhập cư bất hợp pháp và buôn bán ma túy, đặc biệt là fentanyl vào Mỹ.
Đáp lại, bà Sheinbaum đã chỉ thị cho Bộ Kinh tế “thực hiện Kế hoạch B mà chúng tôi đang thực hiện, bao gồm các biện pháp thuế quan và phi thuế quan để bảo vệ lợi ích của Mexico”. Mặc dù thông tin chi tiết chưa được tiết lộ, nhưng các nguồn tin cho biết Mexico đặt mục tiêu áp dụng các biện pháp nhắm vào các ngành công nghiệp quan trọng của Mỹ, đặc biệt là nông nghiệp, đồng thời tìm cách tránh leo thang hơn nữa.
Nhà lãnh đạo Mexico kêu gọi hợp tác song phương để giải quyết cuộc khủng hoảng ma túy nhưng nhấn mạnh sự bình đẳng. “Nếu Mỹ thực sự muốn chống lại các nhóm tội phạm buôn bán ma túy và tạo ra bạo lực, chúng ta phải hợp tác toàn diện”, bà nói.
Canada loan báo mức thuế quan trả đũa đồng minh Hoa Kỳ
Canada sẽ trả đũa mức thuế quan mới của Tổng thống Donald Trump bằng mức thuế 25% đối với một loạt hàng nhập khẩu của Hoa Kỳ, Thủ tướng Justin Trudeau tuyên bố vào thứ Bảy (1/2). Ông cũng cảnh báo người Mỹ rằng hành động của Tổng thống Trump sẽ gây ra hậu quả thực sự cho họ.
Thủ tướng Trudeau đã nói trong một cuộc họp báo rằng ông sẽ áp thuế quan đối với 155 tỷ đô la Canada (107 tỷ USD) hàng hóa của Hoa Kỳ. Mức thuế quan mới đối với 30 tỷ đô la Canada sẽ có hiệu lực vào thứ Ba (4/2), cùng ngày với mức thuế quan của ông Trump, và mức thuế quan đối với 125 tỷ đô la Canada còn lại sẽ có hiệu lực trong 21 ngày, theo lời ông Trudeau.
Loan báo nêu trên của ông Trudeau được đưa ra chỉ vài giờ sau khi ông Trump ra lệnh áp thuế quan 25% đối với hàng nhập khẩu của Canada và Mexico và 10% đối với hàng hóa từ Trung Quốc.
Ông Trump cho biết ông sẽ áp thuế 10% đối với tất cả các mặt hàng năng lượng nhập khẩu từ Canada.
Nhà lãnh đạo Canada cho biết thuế quan sẽ bao gồm bia, rượu vang và rượu bourbon của Mỹ, cũng như trái cây và nước ép trái cây, bao gồm nước cam từ tiểu bang Florida. Canada cũng sẽ nhắm mục tiêu vào các mặt hàng bao gồm quần áo, dụng cụ thể thao và đồ gia dụng.
Thủ tướng Trudeau nói rằng những tuần tới sẽ khó khăn đối với người Canada nhưng người Mỹ cũng sẽ phải chịu thiệt hại từ hành động của Tổng thống Trump.
“Thuế quan đối với Canada sẽ gây nguy hiểm cho công việc của bạn, có khả năng đóng cửa các nhà máy lắp ráp ô tô và các cơ sở sản xuất khác của Mỹ“, ông Trudeau phát biểu nhắm đến công dân Hoa Kỳ trong một cuộc họp báo ở Ottawa.
“Chúng sẽ làm tăng chi phí cho bạn, bao gồm thực phẩm tại cửa hàng tạp hóa và xăng tại trạm bơm xăng“, ông Trudeau nói thêm
Ông Trudeau cho biết Canada đang cân nhắc các biện pháp phi thuế quan, có khả năng liên quan đến các khoáng sản quan trọng, mua sắm năng lượng và các quan hệ đối tác khác.
Theo dữ liệu của chính phủ Canada từ năm 2023, biên giới Hoa Kỳ-Canada dài 9.000 km (5.600 dặm) xử lý hơn 2,5 tỷ USD thương mại mỗi ngày, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng và sản xuất.
Trong năm 2023, Canada đã xuất khẩu gần 550 tỷ đô la Canada giá trị hàng hóa và dịch vụ sang Hoa Kỳ, tương đương hơn ba phần tư tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này. Năng lượng chiếm 30% và sản xuất đóng góp khoảng 15% vào kim ngạch xuất khẩu sang nước láng giềng phía nam biên giới.
Xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm khoảng 17,8% tổng sản phẩm quốc nội của Canada và hơn 2,4 triệu việc làm tại Canada.
Ông Trudeau khuyến khích người dân Canada mua sản phẩm của Canada và đi nghỉ ở quê nhà thay vì ở Hoa Kỳ.
Trung Quốc lên án Tổng thống Trump áp thuế quan
Hôm Chủ Nhật (2/2), chính phủ Trung Quốc đã lên án việc chính quyền Trump áp đặt mức thuế quan mới 10% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Nhưng Bắc Kinh cũng đồng thời để ngỏ cánh cửa đàm phán với Washington để có thể tránh xung đột thương mại song phương sâu sắc hơn.
Liên bộ tài chính và thương mại Trung Quốc cho biết Bắc Kinh sẽ phản đối mức thuế quan của Tổng thống Donald Trump bằng cách đệ đơn kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và thực hiện “các biện pháp đối phó” chưa được nêu rõ để đáp trả mức thuế quan có hiệu lực vào thứ Ba (4/2).
Phản ứng này của Bắc Kinh đã ngăn chặn sự leo thang căng thẳng ngay lập tức với Washington, cuộc chiến thương mại vốn đã từng diễn ra gay gắt dưới chính quyền Trump thứ nhất. Bắc Kinh cũng đã lặp lại ngôn từ có chừng mực hơn mà họ đã sử dụng trong những tuần gần đây.
Hôm thứ Bảy (1/2), Tổng thống Trump đã ra lệnh áp thuế quan 25% đối với hàng nhập khẩu từ Canada và Mexico và 10% đối với hàng hóa từ Trung Quốc. Ông nói rằng Bắc Kinh cần phải ngăn chặn dòng chảy fentanyl, một loại thuốc phiện gây chết người, vào Hoa Kỳ.
Bộ thương mại Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố rằng động thái của ông Trump “vi phạm nghiêm trọng” các quy tắc thương mại quốc tế, đồng thời kêu gọi Hoa Kỳ “tham gia vào cuộc đối thoại thẳng thắn và tăng cường hợp tác“.
Đệ đơn kiện lên WTO sẽ là một động thái mang tính biểu tượng mà Bắc Kinh cũng đã thực hiện đối với việc Liên minh châu Âu (EU) áp thuế quan lên xe điện do Trung Quốc sản xuất.
Trong nhiều tuần qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh đã nói rằng Bắc Kinh tin rằng không có bên nào chiến thắng trong một cuộc chiến tranh thương mại.
Phản ứng mạnh mẽ nhất của Trung Quốc vào Chủ Nhật (2/2) là về fentanyl, một lĩnh vực mà chính quyền của người tiền nhiệm của ông Trump, Tổng thống Joe Biden, cũng đã thúc giục Bắc Kinh trấn áp các lô hàng hóa chất tiền chất do Trung Quốc sản xuất cần thiết để sản xuất loại thuốc này.
“Fentanyl là vấn đề của Hoa Kỳ. Phía Trung Quốc đã thực hiện hợp tác chống ma túy sâu rộng với Hoa Kỳ và đạt được những kết quả đáng chú ý“, Bộ ngoại giao Trung Quốc cho hay.
Bạn đang sao chép nội dung của Trí Thức VN. Nếu là cá nhân sử dụng, vui lòng ghi rõ nguồn trithucvn2.net. Nếu là website, kênh truyền thông, vui lòng chỉ sử dụng nội dung khi có sự cho phép của Trí Thức VN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét