Lãnh đạo nhiều nước đến Kiev bày tỏ sự ủng hộ Ukraina nhân 3 năm ngày bị Nga xâm lược Hôm nay, 24/02/2025, đánh dấu đúng 3 năm Nga phát động cuộc xâm lược Ukraina, nhiều lãnh đạo nước ngoài đã tới Kiev tham dự một cuộc họp thượng đỉnh nhằm tái khẳng định những cam kết ủng hộ Ukraina vào thời điểm trên mặt trận ngoại giao cũng như chiến trường đang có những chuyển biến bất lợi cho Ukraina. Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen tại nhà ga tàu hỏa ở Kiev, Ukraina, ngày 24/02/2025. AP - Efrem Lukatsky - Anh Vũ
<!>
Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky cho biết, tổng cộng có 13 lãnh đạo đã tới Kiev, trong đó có chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen, thủ tướng Canada Justin Trudeau, lãnh đạo các nước Baltic, Scandinavia và Tây Ban Nha. 24 lãnh đạo khác tham dự qua video,
Hôm nay, Liên Âu thông báo một cuộc họp thượng đỉnh đặc biệt được tổ chức vào ngày 06/03 tới đây, vẫn với mục đích huy động mạnh mẽ sự ủng hộ đối với Kiev.
AFP nhận định, trước mối đe dọa từ Nga và sự thay đổi thái độ của Mỹ, các nước châu Âu dù đang suy yếu vẫn nỗ lực huy động sự đoàn kết để ủng hộ Ukraina kháng cự giữ nước.
Trong một thông điệp trên mạng xã hội, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky đã ca ngợi « ba năm kháng chiến » và « chủ nghĩa anh hùng tuyệt đối của người dân Ukraina » kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu cách đây đúng ba năm.
Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, bà von der Leyen tuyên bố : « Trong cuộc chiến vì sự tồn vong, không chỉ có số phận của Ukraina được đặt ra. Đó còn là số phận của châu Âu ».
Vào lúc này, Hoa Kỳ cũng đang chuẩn bị một hội nghị thượng đỉnh Trump-Putin và cho rằng việc Ukraina gia nhập NATO là không thực tế. Sự thay đổi đột ngột của Hoa Kỳ sau ba năm liên tục hỗ trợ quân sự đã khiến nhiều người Ukraina sửng sốt, lo ngại đất nước của họ sẽ buộc phải chấp nhận nhượng bộ lãnh thổ để đổi lấy lệnh ngừng bắn.
Nhiều cuộc biểu tình ủng hộ Ukraina đã diễn ra hôm qua, như ở Paris, Praha và Hoa Kỳ. Hôm nay, các cuộc biểu tình tương tự cũng diễn ra tại Luân Đôn, Sydney.
Về phần mình, Nga không che giấu sự hài lòng khi thấy Donald Trump phá vỡ sự cô lập của Vladimir Putin mà phương Tây mong muốn. Hôm qua phát ngôn viên Điện Kremlin, Dmytri Peskov nhấn mạnh : « Cuộc đối thoại đang diễn ra giữa hai tổng thống thực sự đáng chú ý. Đây là điều hứa hẹn. Điều quan trọng là không có gì cản trở việc thực hiện quyết tâm chính trị của họ ». Matxcơva cũng thông báo một cuộc gặp giữa các nhà ngoại giao Nga và Mỹ sẽ diễn ra vào cuối tuần này.
Tổng thống Pháp gặp Donald Trump để trình bày các đề xuất hòa bình cho Ukraina
Đến Washington từ tối Chủ Nhật, tổng thống Pháp Emmanuel Macron gặp nguyên thủ Hoa Kỳ Donald Trump tại Nhà Trắng vào hôm nay, 24/02/2025, để đề xuất những hành động ứng phó với “đe dọa Nga” tại châu Âu, bảo đảm một nền hòa bình lâu dài tại Ukraina, vào thời điểm đánh dấu 3 năm Nga xâm lược Ukraina.
Ảnh tư liệu : Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (T) và đồng nhiệm Hoa Kỳ Donald Trump trong buổi lễ kỷ niệm 75 năm D-Day tại nghĩa trang Mỹ Normandie ở Colleville-sur-Mer, Pháp, ngày 06/06/2019. AP - Ian Langsdon
Chi Phương
Ông Emmanuel Macron được Donald Trump tiếp tại Nhà Trắng vào lúc 12 giờ trưa hôm nay, theo giờ địa phương. Sau đó, hai lãnh đạo ăn trưa và tổ chức họp báo chung vào lúc 15 giờ.
Trên mạng xã hội X, nguyên thủ Pháp khẳng định nỗ lực hành động để tái lập “một nền hòa bình” “công bằng”, “vững chắc” và “lâu dài” cho Ukraina, cũng như “an ninh châu Âu sẽ được tăng cường trong cuộc đàm phán trong tương lai”.Một cố vấn của tổng thống Pháp, được AFP trích dẫn, cho biết, ông Macron muốn thuyết phục ông Trump rằng “Nga là mối đe dọa hiện hữu” và Vladimir Putin “sẽ không nhất thiết tôn trọng” lệnh ngừng bắn nếu đạt được thỏa thuận. Lãnh đạo Pháp có thể sẽ đề xuất với Washington “tiếp tục hỗ trợ Ukraina”, tôn trọng chủ quyền của nước này và bảo đảm lợi ích của châu Âu.
Trước khi đến Washington, ông Macron đã có cuộc trao đổi với thủ tướng Anh Keir Starmer – dự trù cũng đến Nhà Trắng vào thứ Năm tuần này. Theo nguồn thạo tin được AFP trích dẫn, Anh và Pháp đã thảo luận về việc điều binh sĩ đến Ukraina, nhưng không phải để chiến đấu chống Nga. Hai lãnh đạo châu Âu cũng sẽ đề xuất với tổng thống Hoa Kỳ về việc bảo đảm an ninh cho lực lượng được triển khai tại Ukraina.
Hiện chính quyền Trump vẫn bác bỏ việc triển khai quân đội Hoa Kỳ đến Ukraina, nhưng châu Âu vẫn hy vọng Mỹ có thể hỗ trợ về hậu cần, tình báo, cũng như đáp trả lại Nga nếu bị tấn công.
Ba năm chiến tranh Ukraina, Nga trả giá đắt về kinh tế
Hôm nay, 24/02/2025 là đúng ba năm chiến tranh Ukraina bùng phát. Nước Nga, bên phát động cuộc chiến, trong ba năm qua, hứng chịu một loạt các trừng phạt kinh tế và phong tỏa tài sản trị giá 270 tỷ euro do phương Tây ban hành.
Ảnh minh họa : Đồng tiền rúp của Nga. AFP - KIRILL KUDRYAVTSEV
Minh Anh
Nếu như Nga đã chuyển hướng thành công phần lớn các trao đổi thương mại với Liên Hiệp Châu Âu sang các nước khác, nhất là Trung Quốc, thì các biện pháp trừng phạt và bùng nổ chi tiêu quân sự đã làm thay đổi cơ cấu kinh tế Nga. Tuy vẫn có thể chống chọi được với các trừng phạt, nhưng giá phải trả cũng tương đối cao và ngày càng đè nặng lên đời sống người dân Nga.
Thông tín viên Anissa El Jabri từ Matxcơva tường thuật :
Nếu chúng ta chỉ nhìn vào con số 4,1% tăng trưởng cho năm 2024, vốn dĩ đã được chính phủ Nga loan báo ầm ĩ cách nay hai tuần, đúng là tăng thêm nửa điểm so với 2023, và nếu chúng ta không tính đến sự phục hồi sau đại dịch Covid năm 2021, thì đây thậm chí là một trong những kết quả tốt nhất từ năm 2010 đối với Nga, hiện đang bị trừng phạt nặng nề nhất thế giới kể từ năm 2022. Một hiệu quả kinh tế ngoạn mục.
Tuy nhiên, kết quả này không chắc kéo dài và nhất là con số hào nhoáng này che giấu nhiều điểm yếu đáng kể. Andrei Nechaev, bộ trưởng Kinh Tế đầu tiên của Nga hậu Xô Viết, và là người đưa ra những cải cách đầu tiên mở cửa thị trường và là người phản đối chiến tranh tại Ukraina nhận định :
« Thành thật mà nói, vào đầu cuộc xung đột, tôi là một trong số các chuyên gia dự báo GDP của Nga sẽ bị giảm trong khoảng từ 8-10% và tình hình tồi tệ sẽ còn nghiêm trọng hơn nữa. Nhưng trên thực tế, mức giảm này chỉ là 2% và chỉ có trong năm 2022.
Tuy nhiên, chúng ta cũng đừng quên rằng tất cả các dữ liệu được công bố đến từ Viện Thống kê Quốc gia Rosstat. Có rất nhiều chuyện đùa cũ về việc số liệu thống kê Liên Xô là hoàn toàn dối trá trắng trợn. Thống kê của Liên Xô không còn nữa, nhưng thói quen tô vẽ thực tế vẫn còn.
Đúng là có tăng trưởng kinh tế từ năm 2022. Họ thông báo tăng trưởng 4% trong năm 2024, nhưng dự báo năm 2025 kinh tế sẽ giảm và chỉ ở mức 2,5%, và nhất là, mức tăng trưởng này có một nhược điểm quan trọng : Khi cơn mưa vàng từ chi tiêu quốc phòng được đổ vào nền kinh tế, GDP sẽ tăng lên. Nhưng vì chúng ta sản xuất xe tăng, tên lửa, đạn dược, và một khi tên lửa được phóng đi, chúng rơi xuống và thế là hết. Điều đó có nghĩa là chúng ta đang tự phá hủy một phần GDP của mình. »
Theo các số liệu công bố gần đây, lạm phát đã tăng lên mức 21% trong một năm và ngân hàng trung ương vất vả kềm hãm, trong khi lãi suất ngân hàng cao ngất ngưởng cản trở các hoạt động đầu tư tư nhân. Trái với mong đợi của phương Tây, Nga đã phần nào thành công tránh được các trừng phạt trong nhiều lĩnh vực. Nếu như Nga luôn tuyên bố rằng kinh tế không bị các đòn trừng phạt tác động, thế nhưng đứng đầu danh sách các yêu cầu để ngưng chiến là đòi dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga.
Bầu cử Quốc Hội Đức :Liên minh bảo thủ về đầu, nhưng đảng cực hữu đạt gấp đôi số phiếu
Cuộc bầu cử Quốc Hội trước thời hạn tại Đức đã cho kết quả không có gì bất ngờ so với các tham dò dự định bỏ phiếu. Liên minh Dân Chủ-Thiên Chúa Giáo CDU-CSU về đầu với gần 29% phiếu. Để thành lập chính phủ, đảng này sẽ phải tìm kiếm một liên minh, nhưng từ chối mọi thỏa hiệp với đảng cực hữu AfD, về thứ 2 trong cuộc bầu cử.
Ông Friedrich Merz (T) và vợ Charlotte Merz sau khi kết quả cuộc tổng tuyển cử được công bố tại Berlin, Đức, ngày 23/02/2025. © Fabrizio Bensch / Reuters
Anh Vũ
Thông tín viên Pascal Thibaut tại Berlin cho biết thêm thông tin :
Đúng là không có gì bất ngờ, đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo (CDU) của ông Friedrich Merz thắng cử, nhưng chiến thắng không mấy vẻ vang, với 28,6% tức là tỷ lệ phiếu bầu vẫn dưới ngưỡng 30%. Đây là lần thứ 2 kể từ sau chiến tranh, đảng này giành được kết quả xấu như vậy. Tuy chính phủ mãn nhiệm và nhất là thủ tướng Olaf Scholz đã bị mất lòng dân ở mức kỷ lục, nhưng đảng CDU đã không tận dụng được nhiều lắm tình hình này. Đảng Xã Hội-Dân Chủ (SPD) chịu thất bại kỷ lục, chỉ đạt 16% phiếu bầu, thấp hơn gần 10% so với kỳ bầu cử trước. Olaf Scholz như buộc phải dừng bước.
Thắng lớn trong nỗi bất mãn đồng loạt trong dân chúng ở Đức là phe cực hữu. Đảng AfD đạt được gấp đôi tỷ lệ phiếu bầu so với hồi tháng 09/2021 với hơn 20%. Mặc dù có được thành công lịch sử này, đảng Dân chủ Thiên chúa giáo vẫn loại trừ mọi cả năng liên minh với đảng cực hữu. Vì thế, AfD sẽ vẫn chỉ là đảng đối lập.
Friedrich Merz sẽ phải lãnh đạo chính phủ cùng với đảng thất bại SPD. Đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo và Xã Hội Dân Chủ gộp vào có đủ đa số ghế. Đảng cánh tả, bị suy yếu, đã chìa tay với ông Merz, vẫn sẽ đặt điều kiện cho sự ủng hộ cho dù tỷ lệ phiếu bầu của họ thấp. Ông Friedrich Merz hy vọng từ nay đến lễ Phục Sinh, giữa tháng 4 sẽ hoàn tất các cuộc thương lượng...
Ngay sau khi có kết quả liên minh CDU-CSU thắng cử, lãnh đạo nhiều nước châu Âu đã lên tiếng chúc mừng ông Friedrich Merz, thủ tướng tương lai. Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky, hôm qua đã đăng trên mạng xã hội X : "Chúng tôi mong muốn tiếp tục hợp tác với Đức để bảo vệ sinh mạng, tiến gần tới hòa bình thực sự ở Ukraina và củng cố châu Âu."
Sau khi phe bảo thủ giành chiến thắng trong cuộc tuyển cử tại Đức, đồng thời với sự trỗi dậy ngoạn mục của phe cực hữu, trên mạng Truth Social, tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump gọi đây là "một ngày tuyệt vời cho nước Đức và Hoa Kỳ".
Nhật Bản và Philippinestăng cường hợp tác quốc phòng trước đe dọa Trung Quốc
Hôm nay, 24/02/2025, Nhật Bản và Philippines đã nhất trí tăng cường hơn nữa các hợp tác về quốc phòng và thảo luận về việc bảo vệ các thông tin được chia sẻ, trước mối đe dọa chung : Trung Quốc. Bắc Kinh đã gia tăng các hành động gây hấn gần đây, không chỉ tại khu vực tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, mà cả biển Hoa Đông.
Bộ trưởng Quốc Phòng Philippines Gilberto Teodoro (P) và đồng nhiệm Nhật Bản Gen Nakatani sau khi ký sổ lưu bút tại Makati, Philippines, ngày 24/02/2025. AP - Aaron Favila
Chi Phương
Trong cuộc gặp với bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản Gen Nakatani, lãnh đạo quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro đã bày tỏ mong muốn tăng cường quan hệ quốc phòng với Tokyo, để “chống lại những nỗ lực đơn phương của Trung Quốc và các nước khác, nhằm thay đổi trật tự quốc tế..”
Về phần mình, ông Nakatani, sau cuộc họp, cho biết hai bên nhất trí “tăng cường hợp tác với các cuộc huấn luyện quốc phòng chung và đa quốc gia, với việc chia sẻ thông tin, cũng như tổ chức và nhất trí thảo luận về cơ chế bảo vệ thông tin quân sự”.
Lãnh đạo quốc phòng Nhật cũng khẳng định “hai bên đều nhận thức rằng môi trường xung quanh trở nên nghiêm trọng và hai nước với tư cách đối tác chiến lược, cần tăng cường hợp tác hơn nữa, và phối hợp về quốc phòng để duy trì hòa bình, ổn định ở Ấn Độ - Thái Bình Dương”.
Trong thỏa thuận hợp tác quốc phòng Nhật Bản – Philippines mà hãng tin AP tham khảo được, cũng đề cập đến việc mở rộng hợp tác song phương, đặc biệt là trong khuôn khổ Thỏa thuận tiếp cận quân sự tương hỗ (Reciprocal access agreement).
Theo NHK, hai nước cũng thúc đẩy hợp tác về thiết bị quân sự. Tokyo sẽ gửi cho Manila hệ thống kiểm soát và cảnh báo, cũng như một đội ngũ chuyên gia đến Philippines.
Nếu Tokyo từ lâu đã có tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh tại một số hòn đảo ở biển Hoa Đông, thì Philippines những năm gần đây phải đương đầu với nhiều cuộc khiêu khích, gây hấn bạo lực tại Biển Đông (mà Philippines gọi là biển Tây). Vào tuần trước, theo AFP, tuần duyên Philippines đã lên án một trực thăng Trung Quốc đã bay đến gần một máy bay giám sát của Manila, trong khu vực bãi cạn Scarborough mà hai nước tranh chấp chủ quyền.
Vào năm 2024, Thượng Viện Philippines đã thông qua một thỏa thuận với Nhật Bản, cho phép Tokyo triển khai quân đội đến nước này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét