Thỏa thuận đất hiếm Mỹ-Ukraina, Washington có chắc là bên thắng cuộc ?Thỏa thuận đất hiếm giữa Kiev và Washington là chủ đề nóng được nhiều tờ báo Pháp số ra hôm nay, 28/02/2025, quan tâm. Tổng thống Volodymyr Zelensky sẽ gặp người đồng cấp Hoa Kỳ Donald Trump tại Nhà Trắng để ký văn bản thỏa thuận khung về khai thác nguồn đất hiếm ở Ukraina và hy vọng cải thiện quan hệ với Mỹ. Tổng thống Donald Trump gặp người đồng cấp Ukraina Volodymyr Zelensky tại Trump Towel, ngày 27 tháng 9 năm 2024, ở New York, Mỹ. AP - Julia Demaree Nikhinson - Minh Phương
Trong bài “Thoả thuận khoáng sản giữa Kiev và Washington”, tờ Le Monde nhận định rằng đối với Ukraina, điều quan trọng nhất mà họ muốn hướng tới bây giờ là làm sao xích lại gần với tổng thống Mỹ, người đã chuyển hướng sang bắt tay Matxcơva và gạt Kiev ra ngoài các cuộc thảo luận về việc chấm dứt chiến tranh. Các nhà đàm phán Ukraina đã thành công yêu cầu phía Mỹ thêm vào một vế liên quan đến việc bảo đảm an ninh cho Kiev, tuy nhiên theo Le Monde, dù chữ “bảo đảm” đã được thêm nhưng không có bất cứ cam kết cụ thể nào về trách nhiệm của Washington được đề cập đến trong văn bản. Vậy ai sẽ làm việc này? “Chúng ta sẽ yêu cầu châu Âu làm điều đó”, ông Trump khẳng định trong cuộc họp nội các hôm thứ Tư vừa qua.
Trong khi đó, nhật báo cánh tả Libération thì cho rằng các nhà đàm phán Ukraina còn thành công trong việc giảm bớt phạm vi của thỏa thuận, và loại bỏ một số điều kiện “tàn khốc nhất” mà chính quyền Trump yêu cầu. Trong bài viết “Tại Washington, Kiev đặt nguồn khoáng sản của mình lên bàn cân”, tờ báo phân tích những chiến thắng này bao gồm : xoá bỏ yêu cầu của tổng thống Mỹ về một khoản thu nhập khổng lồ 500 tỷ đô la (480 tỷ euro) từ việc khai thác khoáng sản, để bù đắp cho các khoản viện trợ quân sự của Hoa Kỳ cho Kiev. Thỏa thuận cũng loại trừ việc để Mỹ khai thác các nguồn tài nguyên mang lại lợi nhuận cao nhất trong ngành công nghiệp của Ukraina, trong đó bao gồm hoạt động của các nhà sản xuất khí đốt (Naftogaz) và dầu mỏ (Ukrnafta).
Lấy nguồn tài nguyên của Ukraina để ngăn nguy cơ rơi vào tay Trung Quốc ?
Nếu như tờ Le Monde nhận định rằng thỏa thuận này sẽ đánh dấu một chiến thắng tiếp theo của Donald Trump, người vẫn luôn tự tin rằng bản thân là một nhà đàm phán giỏi, tờ Libération lại đưa tới một cái nhìn khác. Tờ báo trích dẫn nhận định của kinh tế gia Emmanuel Hache tại viện nghiên cứu Iris, cho biết : “Các đánh giá về tiềm năng địa chất của Ukraina dao động từ 5.000 tỷ đô la đến 26.000 tỷ đô la, đây là một sự khác biệt khổng lồ”. Ông nói thêm rằng : “Việc đánh giá chính xác một mỏ dưới lòng đất trong bối cảnh địa chính trị biến động như hiện nay là hoàn toàn không thể. Tôi không biết thỏa thuận mà Mỹ và Ukraina chuẩn bị ký kết dựa trên cái gì, nhưng chắc chắn không phải là một đánh giá kinh tế về các mỏ.” Các dữ liệu về chất lượng của các mỏ và nồng độ kim loại, những yếu tố quan trọng đối với các nhà đầu tư, hiện vẫn thiếu. Các ước tính về giá trị các mỏ mà chính phủ Ukraina sử dụng dựa trên các nghiên cứu từ thời Liên Xô, phần lớn được thực hiện trong các năm 1960 đến 1980. Từ sau đó trở đi, không có cuộc thăm dò thương mại nào về các mỏ này, đặc biệt là các nguyên tố đất hiếm mà Kiev vẫn thường nhấn mạnh.
Còn Willis Thomas, chuyên gia tư vấn cấp cao của tập đoàn CRU, chuyên cung cấp thông tin về các thị trường toàn cầu trong ngành mỏ và kim loại, thì bày tỏ nghi ngờ rằng dường như tổng thống Mỹ “đã nhầm lẫn giữa kim loại hiếm và đất hiếm, nhưng chúng hoàn toàn không phải là cùng một thứ.”
Vậy chẳng nhẽ chủ nhân Nhà Trắng và cả hội đồng cố vấn của ông lại nhầm? Trong bài “Ukraina muốn đổi tài nguyên để lấy đảm bảo an ninh”, tờ La Croix nhận định về một nguyên nhân khác khiến ông Trump bằng mọi giá muốn có được nguồn khoáng sản này. Tờ báo viết : “Donald Trump bị ám ảnh bởi sự phụ thuộc của Hoa Kỳ vào Trung Quốc đối với các vật liệu được coi là chiến lược (…) Mục tiêu của ông là ngăn chặn việc Trung Quốc, hay những quốc gia khác, chiếm lấy nguồn tài nguyên của Ukraina thông qua việc ký kết các quan hệ đối tác, như Bắc Kinh đã làm với nhiều quốc gia châu Phi. Ông cũng đã có suy nghĩ tương tự khi đề cập đến việc sáp nhập Groenland vào đầu năm nay.”
Trump đang ‘Putin hoá’ chính trị Mỹ
Vẫn về đương kim tổng thống Hoa Kỳ, trong bài viết mang tựa đề “Trump đang ‘Putin hoá’ chính trị Mỹ”, nhật báo Le Monde phân tích những điểm tương đồng bất ngờ giữa hai vị nguyên thủ Nga và Mỹ. Theo tờ báo này, khi Liên Xô sụp đổ vào cuối năm 1991, Washington đã ăn mừng chiến thắng trước thành lũy của phe cộng sản, sau hàng thập kỷ Chiến tranh Lạnh. Hoa Kỳ tin tưởng rằng mô hình tự do đã chiến thắng, kể từ giờ dân chủ và kinh tế thị trường sẽ luôn song hành.
Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi kể từ sau khi Vladimir Putin được bầu làm tổng thống vào năm 2000, và rồi 25 năm sau, Donald Trump một lần nữa trở lại Nhà Trắng. Tờ báo nhận định : Nước Mỹ bây giờ đang “bị ‘Putin hoá’ với tốc độ chóng mặt.” Minh chứng đầu tiên được Le Monde đưa ra là những “bài phát biểu mang tính nạn nhân” gần đây của tổng thống Mỹ. Khi tuyên bố “Liên Hiệp Châu Âu được lập ra để bòn rút Hoa Kỳ”, vị tỷ phú cho rằng các đồng minh, từ Canada đến khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, và tất nhiên là cả châu Âu, đã lừa gạt đất nước của ông trong các vấn đề thương mại và an ninh. Tất cả các quốc gia này đều trở nên thịnh vượng trên sự hy sinh của Mỹ. Trong khi Vladimir Putin thì khẳng định rằng các nước phương Tây đã cố gắng gây ra các cuộc “cách mạng màu” ở các quốc gia láng giềng, như Gruzia hay Ukraina, để nhắm tới nước Nga.
Về quan hệ quốc tế, tổng thống Trump cũng chia sẻ tầm nhìn tương tự với người đồng cấp Nga. Cả hai đều tin vào một thế giới nơi các cường quốc có quyền phân định các đường biên giới. Thế giới giờ chỉ còn tồn tại hai loại : con mồi và kẻ săn mồi. Nước Nga của Putin đã chiếm 20% lãnh thổ Gruzia, sáp nhập bán đảo Crimée, rồi lại mang quân sang Ukraina. Vậy còn nước Mỹ của Trump thì sao? Chưa biết liệu những tuyên bố của tổng thống Hoa Kỳ về việc chiếm lại quyền kiểm soát kênh đào Panama, mua Groenland hay biến Canada thành bang thứ 51, có phải là ý định thựcsự của Trump hay không, nhưng những phát biểu này cho thấy “sự khinh thường” của ông với các nước và những người dân của các nước đó. Các quốc gia bỗng bị coi như chư hầu, phải nằm dưới sự ảnh hưởng của Mỹ.
Một biểu hiện khác của việc “Putin hoá” nước Mỹ thể hiện qua việc Donald Trump cũng phát triển một hệ thống phân cấp không chính thức, trong đó những người thân cận và thể hiện được lòng trung thành, giao thoa giữa các vấn đề kinh doanh và chính trị, đóng vai trò quan trọng. Đây là một thực tiễn điển hình của Nga. Ví dụ là người bạn cũ của ông Trump là Steve Witkoff, một ông trùm bất động sản đã trở thành đặc phái viên của tổng thống tại Trung Đông và Nga. Nhưng minh chứng nổi bật nhất vẫnlà Elon Musk. Ông chủ của tập đoàn SpaceX được Nhà Trắng giới thiệu như là một “nhân viên đặc biệt của chính phủ”. Le Monde đặc biệt chỉ trích chức danh này và gọi đây là điều “vô nghĩa”. Tờ báo cũng so sánh Elon Musk với Boris Berezovski, biểu tượng cho sự lên ngôi của giới tài phiệt Nga, những người đã tận dụng sự hỗn loạn trong những năm 1990 để cướp đoạt các tài sản quan trọng của Nhà nước.
Trung Quốc ngư ông đắc lợi
Nhật báo kinh tế Les Echos hôm nay có bài viết mang tựa đề “Nhờ Trump, Trung Quốc ghi điểm”. Tờ báo trích dẫn phân tích của nhà nghiên cứu Philippe Le Corre tại Viện Asia Society Policy, nhận định rằng Bắc Kinh đang theo dõi sát sao diễn biến quan hệ giữa Washington, Matxcơva, Kiev và các quốc gia châu Âu.
Theo ông, việc tổng thống Mỹ bỏ rơi Kiev và các đồng minh châu Âu có thể mang lại lợi ích cho Trung Quốc, cả về mặt kinh tế lẫn chiến lược. Bắc Kinh đã đề nghị tham gia vào việc tái thiết Ukraina sau chiến tranh. Có thể nói xây dựng là một lĩnh vực mà Trung Quốc hầu như không có đối thủ cạnh tranh.
Hơn nữa, Trung Quốc đang tỏ ra thân thiện với các quốc gia châu Âu, khiến một số tầng lớp chính trị châu Âu, từ Paris đến Budapest, thích thú. Nhiều người châu Âu tự hỏi rằng nếu Hoa Kỳ quay lưng với chúng ta, tại sao không làm việc với Trung Quốc. Những người này tin vào phát biểu của ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị rằng : “Trung Quốc luôn coi châu Âu là một trụ cột quan trọng trong thế giới đa cực” và “ủng hộ vai trò quan trọng của châu Âu trong các cuộc đàm phán hòa bình.” Rõ ràng những điều này lọt tai hơn nhiều so với những phát biểu kích động của phó tổng thống Mỹ J.D. Vance.
Tuy nhiên, các quốc gia châu Âu cũng sẽ không dễ dàng quên đi sự ủng hộ mạnh mẽ của Tập Cận Bình đối với cuộc chiến tranh mà ông Putin đã khơi mào ba năm về trước. Trong suốt ba năm đó, Bắc Kinh đã cung cấp các sản phẩm lưỡng dụng và tăng cường trao đổi thương mại với “đối tác không giới hạn” Matxcơva. Liên Âu cũng không thể nhượng bộ các vấn đề thương mại và tham vọng rõ ràng của Bắc Kinh trong việc đổ vào thị trường châu Âu các loại điện, tấm pin mặt trời và các sản phẩm tiêu dùng khác nhằm thúc đẩy nền kinh tế đang yếu kém của Trung Quốc. Chắc chắn là Trung Quốc không có tham vọng thay thế Hoa Kỳ một cách vội vã, nhưng không thể phủ nhận rằng Trung Quốc đang dệt nên mạng lưới của mình trên tất cả các châu lục, dù cho các nước đó có phải là đồng minh của Mỹ hay không.
“Algérie của Tebboune giống như nước Nga của Putin hay Mỹ của Trump”, đều hoang dã ?
Về thời sự nước Pháp, nhật báo thiên hữu Le Figaro có bài viết về các tuyên bố căng thẳng gần đây giữa Paris và Alger. Mới đây, thủ tướng François Bayrou đã đe doạ sẽ huỷ bỏ các thỏa thuận năm 1968 giữa hai nước về di trú và việc làm, trong bối cảnh Algérie liên tục từ chối tiếp nhận những công dân nước này bị phía Pháp xếp vào danh sách “những thành phần nhạy cảm”. Căng thẳng ngày càng lên cao sau khi một công dân Algérie đâm chết 1 người và khiến 7 người khác bị thương trong một vụ tấn công bằng dao ở Mulhouse. Phía Pháp đã yêu cầu Algérie tiếp nhận lại đối tượng này, nhưng yêu cầu đã bị Alger từ chối 14 lần.
Trong bài “Điều gì khiến Pháp phải tới bước đường cứng rắn với Algérie”, Le Figaro đã so sánh Algérie dưới sự lãnh đạo của Tebboune, giống như nước Nga dưới thời Putin hay Mỹ dưới thời Trump. Các chế độ này đang ngày càng trở nên “hoang dã”, và chỉ có những biểu hiện sức mạnh mới được coi trọng, phương pháp nhẹ nhàng mà các nền dân chủ châu Âu ưa thích đã không còn hiệu quả.
Tờ báo trích một nguồn tin thân cận với hồ sơ này, cho rằng : “Các nhà ngoại giao (châu Âu) vẫn bám vào những phương pháp cũ kỹ, không hiệu quả. Họ không muốn làm rối mọi chuyện. (…) Nhưng họ không hiểu rằng đây là lúc phải cứng rắn và Algérie không thể tiếp tục từ chối việc nhận lại những tên tội phạm của mình. Tổng thống Tebboune phải tôn trọng các nghĩa vụ lãnh sự”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét