Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 25 tháng 2, 2025

TỪ "BẦY THÚ ĐIỆN TỬ" ĐẾN "BẦY THÚ NGƯỜI" - MAI AN NGUYỄN ANH TUẤN (VietVanMoi)


Trước hình ảnh những kẻ đi xe hơi Lexsus sang trọng quây tới một anh chạy shipper tàn tật chưa kịp tránh được xe ô tô trong ngõ hẹp, dù xe chẳng xây xước gì, và để một tên hành hung anh này một cách dã man, tôi đã có dòng phẫn uất: “Lũ chó điên khốn nạn!” Theo clip trên MXH thì mặc dù anh shipper đã xin lỗi trước nhưng những người trên ô tô vẫn tiếp tục lớn tiếng chửi bới, còn tên tài xế lao vào đấm đá vào thân vào đầu thanh niên giao hàng, nạn nhân còn bị đánh bằng mũ bảo hiểm đến vỡ nát!
<!>
Năm ngoái, cả xã hội đã phải phẫn nộ trước một tên lưu manh côn đồ - đại biểu Hội đồng nhân dân Quảng Nam Nguyễn Viết Dũng, chủ tập đoàn Đất Quảng ở Quảng Nam, và y đã hành xử theo đúng bản chất của kẻ/ giới lưu manh côn đồ thực sự: y đã dùng gậy golf đánh như đòn thù vào người chị L - nhân viên được sân golf cử tham gia phục vụ, khi cho rằng chị L. ghi điểm sai cho y; lực đánh mạnh khiến cây gậy hợp kim bị gãy, chị L. bị thương tích phải nhập viện cấp cứu… Mấy thập kỷ qua, trong xã hội ta đã xuất hiện ngày một nhiều những “hung thần” của Dân như thế, bọn chúng ngang nhiên tự coi mình là đẳng cấp có đặc quyền đặc lợi đứng trên luật pháp, trên sinh mệnh và quyền lợi của Dân - được mệnh danh là bọn cường hào ác bá mới, và chua chát thay, không ít kẻ là Đảng viên, là cán bộ cao cấp trong hệ thống quyền lực Nhà nước từ trung ương đến địa phương! 

Tay Nguyễn Viết Dũng kia, chắc không phải hành xử côn đồ lúc say rượu, mà đã ra tay lúc tỉnh táo, hả hê, đắc thắng, tự tin ở vị thế xã hội bản thân để giáng đòn thù vào cô gái yếu đuối đang nhặt nhạnh đồng xu bố thí khi phục vụ bọn Trọc phú đểu cáng khốn nạn! Với cây gậy hợp kim đắt tiền trong tay, lúc nổi xung lên vì phật ý, y đâu cần biết đến tính mệnh, nhân phẩm của người đang phục vụ y, bởi y đã hành xử theo bản năng dã thú được bộc lộ trọn vẹn để thỏa mãn nỗi bực bội cần xả ra và để khẳng định vị thế “ông chủ” đương nhiên của y!

Cũng trong năm đó, cả xã hội đã phải quặn lòng xót thương và phẫn nộ, khi một sĩ quan quân đội lái xe ẩu khiến một nữ sinh mất mạng rồi chạy tội bằng cách vu trong máu em có nồng độ cồn! Gương mặt tựa thiên thần của cô bé ám ảnh mọi người tựa một lời trách móc, cầu khẩn, lên án: sao các người lại để cái chuyện đau lòng đó diễn ra, không chỉ đã cướp đoạt tuổi trẻ – sinh mạng tôi mà còn vấy bẩn lên danh dự của tôi bằng sự vu khống đểu cáng, khốn nạn? Tôi đã buộc phải xa rời thế gian này ở tuổi hoa niên, giữa lúc đang mơ bao giấc mộng đẹp cho đời, nhưng đã không có được một sự an ủi bé nhỏ nào về sự tử tế dành cho bố mẹ, các em và các bạn tôi đương ngơ ngác mòn mỏi sống giữa cái môi trường sắp cạn kiệt tình yêu thương?… 

Lời oán trách của cô bé cộng với nỗi xót thương của mọi người giờ đây đã trở thành sự phẫn nộ. Phẫn nộ trước sự đểu cáng hiện đã biến thành lẽ sống, thủ đoạn, phương thức tồn tại của không ít kẻ trong xã hội nhằm bảo vệ quyền lợi của họ và đồng bọn, đang là tác nhân khủng khiếp nhất gây ung thư tinh thần xã hội và làm ô uế toàn bộ nền tảng đạo đức xã hội! Số phận bi thảm của cô bé Việt Nam này khiến mọi người liên hệ tới bộ phim Nga “Thiếu tá” (dòng phim “ám ảnh”), khi ông thiếu tá vì nóng lòng đến bệnh viện phụ sản với vợ, đã đâm chết một đứa trẻ 7 tuổi trước mắt mẹ nó. Một sĩ quan bạn ông ta đã lạnh lùng chỉ đạo thuộc cấp chuốc rượu mạnh cho người mẹ đang đau đớn tột cùng, như để an ủi chị ta, song thực chất là tạo ra một vụ án giả: người đàn bà đã đưa con băng qua đường tuyết trắng khi đang có nồng độ cồn cao! Việc làm thất nhân tâm đó đã dẫn đến kết cục mấy mạng người cả sĩ quan lẫn dân thường chết thê thảm; và người xem chợt nhận ra: một xã hội vô nhân đạo được điều khiển bởi những kẻ có quyền lực ích kỷ sẽ giết chết nhân tính ở người tử tế nhất ra sao và sẽ đe dọa sự bình yên, hạnh phúc của hàng triệu người thế nào – bất chấp mọi khẩu hiệu to tát, mọi lý tưởng cao cả trang hoàng đắp điếm bên ngoài! Điều này đang diễn ra ngày một nhiều tại Việt Nam, và bắt đầu trở thành “Chuyện thường ngày ở huyện”!*

Còn câu chuyện năm ngoái về một cô giáo ở Hà Nội nhục mạ rồi để nữ sinh quỳ trước lớp suốt hai giờ đến ngất quỵ đi - chỉ vì một lý do cực kỳ vớ vẩn - khiến nhiều phụ huynh trong đó có tôi phải bàng hoàng, phẫn nộ, không sao hiểu nổi: Người được gọi là “Cô giáo” ấy cũng từng làm học trò và coi cô giáo là “Mẹ hiền”, cũng đã làm Chị, làm Mẹ trong một gia đình, từng được học biết bao điều đẹp đẽ về Tình thương, lòng Nhân hậu, trái tim Bác ái… ở sách vở, trong nhà trường, ngoài xã hội… Thế mà vì sao đã trở thành một “nữ ác nhân”, một “mụ phù thủy” đáng kinh sợ đối với một cô bé học trò thơ ngây, yếu đuối? Nhưng sự bao che, bênh vực “nữ ác nhân” của Hiệu trưởng lại hé lộ nguyên nhân sâu xa của tình trạng biến thái nhân cách khủng khiếp của nhân viên cơ sở giáo dục này, khi ông ta truy sát học trò nào dám quay lén clip chuyện này tung lên “bôi xấu nhà trường”: Đằng sau cái tâm lý thông thường “tốt đẹp phơi ra, xấu xa che lại” là thái độ thù ghét sự thật, là hành động gần như khủng bố những ai dám bênh vực sự thật & lẽ công bằng! Ông ta cũng là “Nhà giáo”, lại là Đảng viên thâm niên để có chức Hiệu trưởng nắm trong tay cả trăm nhân viên để sai khiến, phục dịch ông ta, và dĩ nhiên sẽ được ông ta sống chết bao che, với danh nghĩa là bảo vệ danh dự nhà trường song thực chất là bảo vệ danh dự & quyền lợi ích kỷ của chính ông ta và phe nhóm! “Thầy nào tớ nấy” quả đã hiển lộ tư cách tồi tệ của họ - mỗi người một kiểu! 

Ông Hiệu trưởng đã hành động như một lãnh chúa con, bất chấp sự thật và pháp luật, không coi thân thể và nhân phẩm của học sinh là cái đinh rỉ! (trong khi họ hàng ngày ra rả như đọc kinh: “Phải coi Học sinh như là con em của chúng ta!”). Ông ta dám hành xử tác oai tác quái như thế là vì đã nhìn thấy các "ô che" bảo đảm, trong cái thời "nén bạc đâm toạc tờ giấy” - kể cả tờ giấy đó có là cái “Thẻ thiêng liêng” họ vẫn thề nguyền và hôn hít khi có mặt cấp trên… Ông ta đã đàng hoàng tự tin quát nạt, đe dọa con trẻ đang là lũ học trò đáng lẽ phải yêu quý nâng niu - dù chỉ là hình thức để khỏi phải mất “nguồn thu đầu vào” - thì chỉ có mỗi cách lý giải: Ông ta nhìn thấy các cấp trên của mình hầu hết đều như thế cả, trong một xã hội có phần tương tự như lời than vãn của một nhân vật kịch của nhà văn Anh Bernard Shaw: “Vâng, cái nhà ngớ ngẩn này, cái nhà hạnh phúc một cách kỳ lạ này, cái nhà hấp hối này, cái nhà không nền móng này… Tôi sẽ gọi nó là Ngôi Nhà Trái Tim Tan Vỡ!”**

Giữa những ngày này, cô sinh viên Đại học KHXH &NV năm thứ ba nhà tôi hỏi cuốn “Chiếc Lexsus và cây Ô liu” của tác giả TL. Friedman, tôi tìm cho nó đọc ngay, và yêu cầu trước hết đọc chương sách quan trọng: BẦY THÚ ĐIỆN TỬ. Những phân tích của tác giả này từ cuối thế kỷ trước về sự cạnh tranh của “Bầy Thú Điện Tử” sẽ điều khiển kỷ nguyên toàn cầu hóa, “đã biến đổi thế giới thành một hệ thống quốc hội trong đó mỗi quốc gia tồn tại trong lo lắng” bởi “cá lớn nuốt cá bé” và nguy cơ bị “tấn công đè bẹp”*** chắc chắn là có chứa đựng hàm ý về nguy cơ nảy nòi & hiển hiện thêm một loại quái dị của thời đại điện tử: “Bầy Thú Người”. Mấy câu chuyện đau lòng kể trên chỉ là biểu hiện rõ nét của “trò chơi” bạo lực mà “chủ nhân” là những kẻ có Tiền – Quyền đại diện cho “Bầy Thú Người” đã xuất hiện và bắt đầu thống trị xã hội ta!

Phải chăng kỷ nguyên BẦY THÚ ĐIỆN TỬ đã bước sang kỷ nguyên BẦY THÚ NGƯỜI?! “Bầy Thú Người” trong “Ngôi Nhà Trái Tim Tan Vỡ”…

Buồn quá! Đau quá! Đáng lo quá cho tương lai của các thế hệ trẻ Việt!. -/.

* Tên một cuốn sách Nga: “Chuyện thường ngày ở huyện” , Valentin Ovetskin, Phạm Mạnh Hùng dịch, NXB Cầu Vồng 1984
** “Bơcna So - Kịch”, Bùi Ý- Nguyễn Vĩnh - Nhữ Thành dịch, NXB Văn học 1975
*** “Chiếc Lexsus và cây Ô liu – Tìm hiểu kỷ nguyên toàn cầu hóa”, Thomas L. Friedman, Lê Minh dịch, NXB Khoa học xã hội 2005, tr. 201 .

Không có nhận xét nào: