Mỹ đệ trình nghị quyết LHQ về ‘‘chấm dứt’’ chiến tranh Nga–Ukraina, không nêu vấn đề "toàn vẹn lãnh thổ" Trước thềm dịp đánh dấu tròn 3 năm ngày Nga mở đầu cuộc xâm lăng Ukraina, 24/02/2025, hôm qua, ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio ra thông báo cho biết Washington đã đệ trình một nghị quyết tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, kêu gọi « chấm dứt nhanh chóng » xung đột Ukraina, nhưng không nhắc đến việc tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina, theo một số nguồn tin của AFP. Nga hoan nghênh dự thảo nghị quyết của Mỹ.
<!>
Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu thông qua nghị quyết lên án Nga sáp nhập bất hợp pháp các vùng lãnh thổ của Ukraina, ngày 12/10/2025. © Bebeto Matthews/AP
Trọng Thành
Trong thông báo nói trên, ngoại trưởng Mỹ đã kêu gọi : « Hoa Kỳ đã đề xuất với Liên Hiệp Quốc một nghị quyết đơn giản và có ý nghĩa lịch sử. Chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên ủng hộ nghị quyết này, để tạo điều kiện cho việc đi đến hòa bình ». Dự thảo văn bản nghị quyết của Mỹ mà AFP có được « yêu cầu chấm dứt nhanh chóng xung đột và kêu gọi một nền hòa bình bền vững giữa Ukraina và Nga ».
Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc, VassiliNebenzia, nhận định : nghị quyết Mỹ đề xuất là « một sáng kiến tốt », tuy thiếu đi việc nhắc đến « những cội rễ » của xung đột. Trong khí đó, đại sứ Pháp tại Liên Hiệp Quốc, Nicolas de Rivière từ chối bình luận về dự thảo nghị quyết của Mỹ « trong thời điểm hiện tại ».
Trả lời AFP, ông Richard Gowan, thuộc International Crisis Group, nhận định : « văn bản đưa ra đòi hỏi tối thiểu, không lên án cuộc xâm lăng của Nga, hoặc không khẳng định rõ ràng việc tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina giống như một hành động phản bội Ukraina và một đòn chơi xấu nhắm vào Liên Hiệp Châu Âu, và đồng thời chà đạp lên các nguyên tắc cốt lõi của luật pháp quốc tế ».
Theo AFP, dự thảo nghị quyết ngắn với 65 từ của chính quyền Mỹ « có thể gây phản ứng giận dữ từ phía các nước châu Âu, vốn đã bị gạt ra bên lề với đối thoại Mỹ - Nga về Ukraina ».
Nhân dịp tròn ba năm Nga xâm lược Ukraina, chính quyền Kiev và các nước châu Âu đã chuẩn bị một dự thảo nghị quyết, nhấn mạnh đến việc cần tăng cường gấp bội các nỗ lực ngoại giao để chấm dứt cuộc chiến tranh « trong năm nay », đồng thời ghi nhận sáng kiến của nhiều quốc gia thành viên về « một thỏa thuận hòa bình và bền vững ». Dự thảo văn bản của Ukraina và các nước châu Âu nhắc lại nội dung chính của các nghị quyết trước đó của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, yêu cầu Nga rút quân ngay lập tức và vô điều kiện khỏi Ukraina, ngừng các cuộc tấn công nhắm vào Ukraina.
Ba nghị quyết của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc lên án Nga xâm lược Ukraina trong năm 2022, năm đầu tiên của cuộc xâm lăng, đã nhận được sự ủng hộ của hơn 140 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc, trên tổng số 193 thành viên. Đa số các nước còn lại bỏ phiếu trắng, hoặc không bỏ phiếu. Chỉ có một vài quốc gia bỏ phiếu chống.
Mỹ hạn chế đầu tư Trung Quốc vào các lĩnh vực "chiến lược" của Hoa Kỳ
Hôm qua, 21/02/2025, tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một bản ghi nhớ nhằm hạn chế các khoản đầu tư của Trung Quốc vào các lĩnh vực chiến lược của Mỹ, bao gồm công nghệ và cơ sở hạ tầng quan trọng.
Bộ trưởng Tài Chính Mỹ Scott Bessent (T) và tổng thống Donald Trump (P) tại Nhà Trắng, ngày 03/02/2025. © Evan Vucci / AP
Minh Phương
Theo thông tin từ trang web chính thức của Nhà Trắng, mục tiêu của bản ghi nhớ này là nhằm « thúc đẩy đầu tư nước ngoài mà vẫn bảo vệ được lợi ích an ninh quốc gia của Hoa Kỳ, đặc biệt là chống lại các mối đe dọa do các đối thủ nước ngoài như Trung Quốc gây ra ». Chính quyền Mỹ cáo buộc Bắc Kinh « ngày càng khai thác nhiều tài nguyên của Mỹ để phát triển và hiện đại hóa các thiết bị quân sự, tình báo và các thiết bị an ninh khác ».
Quyết định của tổng thống Mỹ được đưa ra trong bối cảnh ít giờ trước đó, bộ trưởng Tài Chính Mỹ Scott Bessent và phó thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong (He Lifeng), người chịu trách nhiệm giám sát các chính sách kinh tế của Bắc Kinh, đã có cuộc trao đổi đầu tiên kể từ khi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng. Mỗi bên đều bày tỏ « quan ngại sâu sắc » về chính sách của bên kia trong nhiều vấn đề khác nhau.
Theo đài Nhật NHK, sau cuộc điện đàm giữa quan chức hai bên, Washington ra một tuyên bố cho biết bộ trưởng Tài Chính Bessent chỉ trích những chính sách kinh tế và thương mại của phía Trung Quốc là « bất công và không cân bằng », đồng thời nhấn mạnh cam kết của chính quyền Trump trong việc « bảo vệ người lao động Mỹ và an ninh quốc gia ». Ngoài ra, theo hãng tin AFP, ông Bessent còn quan ngại về Bắc Kinh không đủ nỗ lực trong công cuộc chống buôn lậu ma túy, sau nhiều lần Washington cáo buộc Trung Quốc là nguồn cung cấp hóa chất để sản xuất loại ma túy tổng hợp fentanyl.
Về phần mình, phó thủ tướng Hà Lập Phong cũng bày tỏ « quan ngại sâu sắc »với quyết định tăng thuế quan mà tổng thống Mỹ áp đặt với các hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV cho biết thêm rằng hai bên đều « nhận thức được tầm quan trọng của mối quan hệ kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ và đã đồng ý tiếp tục duy trì liên lạc về các vấn đề mà cả hai bên cùng quan tâm ».
Phó tổng thống Mỹ tiếp tục đả kích châu Âu xâm phạm "tự do ngôn luận"
Một tuần sau bài phát biểu tại Munich, phó tổng thống Hoa Kỳ J.D. Vance lại tiếp tục chỉ trích, cho rằng châu Âu không tôn trọng tự do ngôn luận. Từ Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ (CPAC) nơi tập hợp toàn bộ giới tinh hoa ủng hộ Trump ở Washington, kéo dài trong bốn ngày từ 19 đến 22/02/2025, J.D. Vance đã tuyên bố rằng Hoa Kỳ và châu Âu có thể sẽ không còn chia sẻ những “giá trị chung”, nền tảng của mối quan hệ lịch sử giữa hai bên.
Phó tổng thống Mỹ J.D. Vance (T) tại Hội nghị CPAC (Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ), tại National Harbor, in Oxon Hill, ngày 20/02/2025. AP - Jose Luis Magana
Minh Phương
Từ Washington, thông tín viên David Thomson cho biết cụ thể :
Theo lời J.D. Vance, tình bạn giữa châu Âu và Hoa Kỳ được xây dựng trên dựa trên các giá trị chung. Nhưng ngay sau đó, phó tổng thống Mỹ đã chiều lòng những người ủng hộ ông tại Washington khi phát biểu : « Giữa chúng ta giờ không còn các giá trị chung khi châu Âu bỏ tù người dân chỉ vì viết một tweet trên mạng hay khi hủy bỏ các cuộc bầu cử vì không hài lòng với kết quả ». J.D. Vance ám chỉ đến những vụ bắt giữ người dùng mạng ở Đức vì kích động hận thù và việc hủy bỏ kết quả bầu cử tổng thống ở Rumani do nghi ngờ có sự can thiệp của Nga qua mạng TikTok.
Trong hội trường, Elisabeth vỗ tay. Người phụ nữ này trung thành với quan điểm cho rằng châu Âu cần phải có suy nghĩ giống như Trump về tự do ngôn luận, nếu muốn duy trì mối quan hệ với Hoa Kỳ. « Chúng ta đã thấy những video về những người bị bắt ở Đức và Anh, và ông ấy chỉ đơn giản nói, này, hãy chia sẻ những giá trị chung với Hoa Kỳ. Đó là sự thực mà ! Và những gì ông ấy nói với Liên Hiệp Châu Âu là hãy đồng hành với chúng tôi! »
Và một số người ủng hộ Trump, như Derek từ Pennsylvania, thậm chí cảm thấy gần gũi với Nga hơn là châu Âu : « Tôi thích người Nga! Họ mạnh mẽ, giống như người Mỹ! » Nếu có một mối quan hệ đang phát triển tốt, đó chính là mối quan hệ giữa những người ủng hộ Trump và các đảng phái cánh hữu dân tộc chủ nghĩa ở châu Âu. Gần như tất cả các đại diện đã được mời tham gia đại hội thường niên CPAC của những người ủng hộ Trump.
Israel – Hamas : Đợt trao trả con tin cuối cùng trong bối cảnh căng thẳng cao độ
Tính đến 12h trưa nay, 22/2/2025, 5 trên tổng số 6 con tin Israel đã được phía Hamas trả tự do. Đây là đợt trao trả con tin thứ 7 và cũng là đợt cuối cùng trong giai đoạn đầu của thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas. Đổi lại, hơn 600 tù nhân Palestine bị Nhà nước Do Thái cầm giữ sẽ được thả.
Ba con tin được giải thoát tại trại tị nạn Nuseirat, ngày 22/02/2025. AP - Abdel Kareem Hana
Minh Phương
Theo ghi nhận của phóng viên AFP, 5 con tin trong số này đã được các tay súng Hamas đeo mặt nạ bàn giao lại cho hội Chữ Thập Đỏ. Đổi lại, theo Câu lạc bộ Tù nhân Palestine, 602 tù nhân Palestine sẽ được thả, trong đó có 50 người bị kết án chung thân. 108 người trong số các tù nhân này sẽ bị trục xuất khỏi các vùng lãnh thổ Palestine.
Cuộc trao đổi diễn ra trong bối cảnh căng thẳng sau khi Shiri Bibas, một con tin Israel bị bắt cóc cùng hai con trai là Ariel và Kfir, được xác nhận là đã chết. Hôm thứ Sáu, 21/02, thủ tướng Israel BenyaminNetanyahu đã lên án Hamas vi phạm thỏa thuận ngừng bắn và cảnh báo lực lượng Hồi Giáo “sẽ phải trả giá đắt”. Trong khi đó, Hamas tố cáo Israel từ chối cho phép máy móc xây dựng và các nhà tiền chế (nhà khung thép được lắp đặt sẵn) vào tái thiết vùng lãnh thổ Gaza bị tàn phá bởi chiến tranh.
Theo ghi nhận của đặc phái viên RFI Pierre Olivier, những cáo buộc lẫn nhau này đã khiến các cuộc thảo luận về giai đoạn hai của thỏa thuận ngừng bắn bị đình trệ. Tuy nhiên các cuộc thảo luận sẽ vẫn có cơ hội thành công nhờ vào hai điều. Đầu tiên là vì dư luận Israel vẫn luôn muốn tất cả các con tin được trả tự do. Họ tiếp tục chỉ trích thủ tướng Netanyahu vì đã “bỏ rơi” Shiri Bibas cùng hai đứa trẻ là Ariel và Kfir. Về phần mình, Hamas cũng cần phải thu hồi những tù nhân Palestine ''có giá trị''.
Đe dọa tước quyền truy cập Starlink : Công cụ để Mỹ gây sức ép với Ukraina về đất hiếm ?
Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục gây sức ép lên Kiev và đưa ra những phát biểu gay gắt nhắm vào đồng nhiệm Ukraina Volodymyr Zelensky khi cho rằng sự hiện diện của ông là « không quan trọng », do việc ông ấy « chẳng có lá bài nào trong tay » để có thể bước vào đàm phán với Nga.
Ảnh minh họa : Một điểm của hệ thống internet vệ tinh Starlink gần Bakhmut, vùng Donetsk, Ukraina, ngày 8/3/2023. REUTERS - LISI NIESNER
Minh Anh
Theo AFP, những tuyên bố trên của nguyên thủ Mỹ được đưa ra trên đài phát thanh Fox Radio, một ngày sau cuộc gặp giữa tổng thống Ukraina với đặc sứ của tổng thống Trump về Ukraina, ông Keith Kellogg, tại Kiev. Sự việc còn cho thấy Washington đang gia tăng nỗ lực ép buộc Kiev hợp tác với Mỹ, đặc biệt là về thỏa thuận khai thác các quặng mỏ chiến lược của Ukraina.
Hãng tin Anh Reuters dẫn ba nguồn thạo tin về hồ sơ này cho biết các nhà đàm phán Mỹ dường như đã đưa vấn đề quyền tiếp cận Starlink do SpaceX sở hữu trong các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Ukraina sau việc tổng thống Zelensky từ chối đề xuất ban đầu từ bộ trưởng Tài Chính Mỹ Scott Bessent.
Vấn đề này đã được đặc sứ Mỹ Keith Kellogg nêu lại trong cuộc gặp với tổng thống Ukraina hôm thứ Năm 20/02. Phía Kiev đã được thông báo rằng họ sẽ phải đối mặt với việc ngừng cung cấp dịch vụ truy cập Starlink, nếu không đạt được thỏa thuận về khai thác khoáng sản quan trọng. Theo nguồn tin ẩn danh, nếu bị mất « Ngôi sao phương Bắc » Starlink, một nguồn kết nối internet quan trọng, thì đây sẽ là « một đòn giáng mạnh » đối với quân đội Ukraina.
Trả lời RFI Pháp ngữ, giáo sư kinh tế Grégory Vanel, trường đại học Grenoble, nhận định chiến lược này của nguyên thủ Mỹ đang đặt cả Ukraina lẫn Liên Hiệp Châu Âu trong một « thế bí » :
« Ukraina đang tìm cách kéo dài thời gian bởi tất cả sẽ phụ thuộc vào khả năng Liên Hiệp Châu Âu gây áp lực về chính trị, áp lực ngoại giao và áp lực kinh tế trong thỏa thuận hòa bình mà Ukraina hiện đang bị gạt ra ngoài.
Tổng thống Ukraina giờ đứng trước hai lựa chọn: Hoặc kết thúc chiến tranh với việc mất 20% lãnh thổ, chảy máu nhân khẩu, với sự lệ thuộc kinh tế vào Mỹ và đóng băng xung đột ở biên giới mà không có một bảo đảm an ninh nào, điều này rất quan trọng. Hoặc, tiếp tục cuộc chiến mà không có sự hậu thuẫn của Mỹ với nguy cơ bị lệ thuộc về chính trị vào Nga.
Và do vậy, Ukraina làm thế nào có thể chống đỡ được lâu dài thế lưỡng nan này ? Nếu như Mỹ kiểm soát hết những nguồn tài nguyên chủ chốt, cần thiết cho công cuộc chuyển đổi sang cuộc cách mạng số, các nước châu Âu - vốn dĩ cũng có một lợi ích chiến lược quan trọng trong việc hỗ trợ Ukraina, trước hết là để tiếp cận các nguồn tài nguyên của nước này, mà còn để duy trì mô hình kinh tế và chính trị của châu Âu - không những có nguy cơ sẽ bị gạt sang một bên mà sẽ còn bị nền kinh tế Mỹ chi phối vĩnh viễn ».
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét