Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 28 tháng 2, 2025

Hẹn kiếp sau - Cẩm tú Cầu


Hôm nay là ngày mùng 5 tết, hơi ấm và hương vị của ba ngày đầu Xuân còn phảng phất đâu đây, nắng cũng vàng tươi óng ánh tưới khắp vạn vật, đường sá xe cộ tấp nập người người đông đúc. Chị em tôi rủ nhau đi lễ Tây Sơn cách Qui Nhơn 42 cây số về phía Tây. Em gái tôi nhỏ hơn tôi 10 tuổi, chúng tôi đi xe lam, xe ngày tết chật ních phải chen chúc nhau. Đến Bình Nghi xe bị hư hành khách xuống xe ngồi la liệt bên ven đường chờ chủ sửa xe. Hơn nửa giờ sau bỗng em tôi thấy một chiếc xe jeep chạy lên, số xe quen thuộc, đó là xe của chú tôi hiện làm Đại đội trưởng đại đội vận tải Nguyễn Huệ. 
<!>
Hằng năm cứ mùng 5 tết ông lên dự lễ tại điện Tây Sơn. Tượng vua Quang Trung đặt giữa sân đền cũng là của đại đội ông đem lên đặt từ năm ngoái. Chúng tôi đón lại và lên xe, dọc đường chú nói:
- Đi lễ sao không báo chú biết để chú cho tài xế lên đón đi luôn?
(Chú tôi ở dưới khu 1 còn tôi ở trên khu 6 gần như đầu Qui Nhơn và cuối Qui Nhơn).
Trong xe ngoài chú tôi và tài xế còn có một thiếu úy trẻ ngồi phía sau. Tôi chào và liếc bảng tên thấy chữ An, tôi để em mình ngồi giữa và tôi ngồi phía ngoài, xe bít bùng có gắn cần câu và máy liên lạc.
Con đường từ Qui Nhơn lên Phú Phong xe chạy nườm nượp, không khí ngày xuân vui vẻ, tiết trời mát dịu quyến rũ lòng người, người đi bộ rất đông toàn nam thanh nữ tú, tất cả đều hướng về đền Tây Sơn. Hồi đó chiếc cầu nối liền Phú Phong và đền Tây Sơn là cây cầu xi măng nhỏ hẹp cũ kỹ, hai bên không có thành, mỗi năm đến dịp lễ không ít người đi bộ chen lấn nhau rớt xuống cầu ướt đẫm quần áo mà phần đông là con trai, cũng may dòng sông rất cạn.

Đến nơi chú tôi và thiếu úy An vào đền làm lễ, chị em chúng tôi đi bộ lững thững quanh đền, hồi ấy chung quanh sân họ làm rạp cao khoảng 5 tấc, người người đứng vây quanh rất đông, tôi nhón lên cũng chẳng thấy được gì bên trong, tôi và em tôi đứng dưới gốc me cạnh giếng (nghe nói giếng và cây me có từ thời Tây Sơn) nói chuyện phiếm cùng các đứa em con cậu, con dì gồm có Toàn, Chuyên, Bảo, Phê... chuyện trò rất vui vẻ, ai nấy cũng mường tượng cảnh vua Quang Trung Nguyễn Huệ đang tập trận quanh đây, tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng reo hò của quân lính vang dội một góc trời. Chúng tôi ngưỡng mộ người anh hùng áo vải đất Tây Sơn, người anh hùng dân tộc mà vó ngựa lịch sử đã nói lên bao chiến tích oai phong lẫm liệt, tiếc thương một thiên tài quân sự sớm lìa bỏ cỏi trần.
Trên đường về hình ảnh người xưa cứ phảng phất trong tâm trí tôi, tôi nhớ mẹ thường nói "Nam quốc cái thế anh hùng Nguyễn Huệ" rồi mẹ kể chuyện ông hành quân hỏa tốc ra Bắc, nhờ ông có sáng kiến cho một người ngồi võng hai người khiêng chạy, cứ thế thay phiên nhau còn dọc đường ông cho quân lính ăn bánh tét khỏi nấu nướng mất thì giờ nên quân địch không ngờ quân Tây Sơn đến nhanh thần tốc. Mẹ tôi rất tự hào vì mình là con của đất Tây Sơn.

Về Qui Nhơn chú tôi cho chị em tôi về nhà trước, chúng tôi chào chú và chào thiếu úy An. Suốt dọc đường ngồi cùng băng sau nhưng thiếu úy An chẳng nói với chị em tôi tiếng nào. Khoảng 4 tuần sau chú tôi lên chơi và nói:
- Cháu à! Thiếu úy An muốn hỏi cưới cháu.
Tôi ngỡ ngàng ngạc nhiên tột độ và tức cười, tôi thoáng nghĩ, tôi đâu phải heo mà ưa thì đem rọ đến xúc nhưng lúc ấy tôi không dám nói ra, chú tôi còn đệm thêm:
- Thiếu úy An hiền lành ít nói, không chơi bời, tối ở nhà lo đọc sách để mai sau giải ngủ về học lại trường luật. Cậu ấy ở tận An Giang có một mẹ già, cha mất sớm, chú thấy được, tính tình hiền lành dễ thương chú mới giới thiệu cho cháu, còn nữa, lính vận tải không ra trận tuyến, không trực tiếp đánh nhau, chú thấy các thiếu úy trẻ bây giờ yêu cuồng sống vội, cứ mang nặng ý nghĩ rồi một ngày nào đó sẽ ra đi không bao giờ trở lại nên ăn chơi xả láng.
Lúc ấy tôi im lìm không dám nói ra nhưng tôi hẹn để cháu suy nghĩ kĩ vì cả cuộc đời của cháu sau nầy.

Thời gian này tôi đang làm việc tại tiểu đoàn 621 yểm trợ truyền tin, tôi làm văn thư, công việc cũng nhàn nhã, sáng 9 giờ bưu tín viên mới đem văn thư về, tôi vô sổ rồi đem trình ký các phòng, thời gian rãnh rỗi, công việc nhẹ nhàng rảnh rang. Nhưng ước vọng của tôi là làm nữ tiếp viên hàng không, tôi đã thi và phỏng vấn xong nhưng chưa có kết quả.
Tôi suy nghĩ khúc nhạc dạo đầu cho một tình yêu, cho một mái ấm gia đình, cho cuộc sống lứa đôi đâu phải dễ dàng đơn giản. Tôi mơ một tình yêu có hoa bướm, có trăng sao, có những chiều bên nhau cùng thủ thỉ chuyện tâm tình giữa một khung cảnh tình tứ lãng mạn nên thơ, cuộc sống phải có tình yêu, phải thông cảm san sẽ yêu thương và phải hiểu nhau tường tận, sẽ vô vàn khó khăn khi hai người chưa hiểu thấu nhau mà vội vàng hấp tấp sẽ đi đến đổ vỡ thảm thương rồi âm thầm đau khổ mà thiệt thòi luôn luôn là phái nữ. Cái vẻ bên ngoài chẳng vun đắp cho hạnh phúc mai sau.
Một tháng sau tôi nói cùng chú:
- Cháu chưa muốn có gia đình, cháu muốn đi làm một thời gian, cháu đã có giấy gọi đi làm tiếp viên hàng không rồi.
Mấy tuần sau tôi nghe tin thiếu úy An dẫn trung đội đi công tác bị phục kích ở đèo Mangyang, mặc dù chống trả kịch liệt nhưng tất cả đều anh dũng hy sinh.Tôi bỗng lặng người, một nỗi buồn thầm lặng miên man trôi chảy trong đáy lòng đầy thương cảm, đầy xót xa, tiếc thương cho chàng trai tuấn tú sớm lìa bỏ cỏi đời.
Chú tôi gặp tôi và nói:
- Nếu hôm trước cháu đồng ý thì chú cho cậu ấy đi phép đem mẹ già ra chắc bây giờ còn ở tại nhà cậu ấy không gặp nạn chết thảm.

Tôi choáng váng và tự nhiên như có cái gì dẫm vụn lên tôi, vỡ òa tan tác, tôi nghĩ tại chú quá đau xót cho đồng đội, một trợ lý, một mối chân tình không thể nào phôi phai nên chú đã ngầm trách oan tôi và tôi cũng không ngờ chỉ thoáng gặp nhau trong chốc lát mà anh lại nặng tình với tôi đến dường này, tự nhiên tôi có cảm giác ray rức trong lòng, một mối thương cảm miên man và nghĩ chắc mình không thể nào quên được mối ân tình này....
- Cháu biết không? Chú chưa nói với cậu ấy là cháu từ chối, trước khi đi công tác cậu ấy còn nói "Trăm sự em nhờ đại úy". Cậu ấy còn ngước đôi mắt cầu khẩn với chú, chú không thể nào quên được đôi mắt ấy cháu ơi!
Tôi bàng hoàng xúc động, nước mắt ứa ra. Rồi chú nói: - Ngày mai cậu ấy về quê hương, cháu có thăm cậu ấy một lần được không?
Tôi vội thay bộ đồ màu đen mà lúc ấy được mệnh danh là bộ đồ chồng em mới chết, tôi đi cùng chú. Đến nơi (nhà tang lễ) tôi thấy đèn sáng trưng (vì lúc ấy ngoài trời vừa chập choạng) nhưng mà không khí thê lương buồn ảm đạm vô cùng. Anh nằm đó trong hai lớp áo quan (những quan tài đưa đi xa có bọc thêm lớp kẻm) trên quan tài có phủ lá cờ vàng ba sọc đỏ, tấm hình của anh phía trên đầu với nụ cười có chiếc răng khểnh duyên ơi là duyên, bát nhang đang khói nghi ngút, nhưng mà không có ai bên anh, anh đơn độc một mình không có ai, không có ai bên anh trong giờ phút thê lương này, trong khi các quan tài khác đều có người ngồi bên, khóc rưng rức. Tôi thắp thêm một cây nhang cắm vào rồi nghẹn ngào thì thầm cùng anh:
- Mai anh về quê bình an, hẹn anh kiếp sau, kiếp sau anh nhé!

Tôi nhìn thấy cây nhang tôi vừa mới cắm, hình như đang lay động, tàn cong cong, tôi mơ hồ liên tưởng anh đã chứng giám cho lời nói của tôi, tôi gục xuống bên quan tài, chú tôi vội nói:
- Nơi nầy cháu không thể ở lâu được.
Trên đường về không ai nói với nhau tiếng nào nhưng trong sâu thẳm trái tim tôi âm thầm thổn thức tiếng lòng, tôi nhìn lên nền trời đen thẳm, ngôi sao hôm cô độc đang nhấp nháy, bất giác hai giọt nước mắt từ từ lăn xuống má, tôi liên tưởng đến anh với cảm giác đẫm buồn, tôi về nhà và không biết mình ngủ khi nào, sáng ra lúc 10 giờ tôi nghe có tiếng máy bay C130 lên xuống ầm ầm (vì nhà tôi ở đầu sân bay) tôi nhìn lên bầu trời có những đám mây trắng đang lặng lờ trôi về phương trời vô định, tôi nói trong nước mắt:
- Anh lên đường về quê hương an lành anh nhé!

Bây giờ đã hơn 50 năm qua nhưng mỗi lần tôi về Qui Nhơn, tôi thường khởi hành từ Pleiku lúc 5 giờ sáng đến đèo MangYang hơn 6 giờ, lúc ấy sương mờ còn ngập ngừng giăng giăng khắp lối,vạn vật còn chìm đắm trong màn sương, tôi mường tượng linh hồn anh còn lẩn khuất đâu đây, giữa núi đồi khi rừng chiều tắt nắng.
Đến lúc về khởi hành từ Qui Nhơn 3 giờ chiều đến đèo Mangyang cũng hơn 6 giờ, tôi nhìn lên bên trái là núi cao, bên phải là vực sâu, con đường chính giữa đèo dốc quanh co nơi đây là điểm phục kích lý tưởng cho chiến trường. Biết bao thanh niên ưu tú đã ngã xuống nơi này để lại những tiếc thương đau xót cho gia đình, bạn bè và người thân.
Rừng chiều âm u mây mờ huyền ảo, trong mớ ký ức mơ màng cũ kỹ của tôi lại khua lên tiếng thở dài ngậm ngùi, xót xa... Tôi mơ thấy thấp thoáng đoàn quân của anh giữa vùng núi non chập chùng hiu quạnh...

Cẩm tú Cầu

Không có nhận xét nào: