Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 25 tháng 2, 2025

Vài Tin Đáng Chú ý Và Kính Chuyển Tin Thế Giới Đó Đây Theo Dòng Thời Sự - Lê Văn Hải


Thống đốc California yêu cầu Quốc hội Mỹ chi gần 40 tỷ USD để cứu trợ cháy rừng ở Los Angeles (Thống đốc California Gavin Newsom phát biểu trong chuyến thăm khu vực bị ảnh hưởng bởi đám cháy Eaton tại Altadena, California, ngày 11/2/2025.) -Thống đốc California Gavin Newsom đã yêu cầu Quốc hội Mỹ phê duyệt gần 40 tỷ USD viện trợ để giúp khu vực Los Angeles phục hồi sau các vụ cháy rừng tàn khốc hồi tháng 1, mà ông cho biết có thể trở thành thảm họa thiên nhiên tốn kém nhất trong lịch sử Hoa Kỳ
<!>
Ông Newsom hôm 21/2 đã gửi một lá thư yêu cầu sự hỗ trợ từ các nhà lập pháp bao gồm Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson và Dân biểu Tom Cole, vốn là chủ tịch Ủy ban Chuẩn chi của Hạ viện Mỹ.
"Los Angeles là một trong những nơi có năng suất kinh tế cao nhất trên thế giới, nhưng nơi này chỉ có thể phục hồi và phát triển mạnh mẽ với sự hỗ trợ từ chính phủ liên bang trong khi phục hồi sau thảm họa chưa từng có này", ông Newsom viết trong thư.
Tổng thiệt hại kinh tế do cơn bão lửa này gây ra ước tính vượt quá 250 tỷ USD – với thiệt hại về bất động sản từ các vụ cháy Palisades và Eaton dự kiến có khả năng lên tới 30 tỷ USD, theo phân tích của Los Angeles Times. Hơn 16.200 công trình đã bị phá hủy khi ngọn lửa bùng phát ở Pacific Palisades, Malibu, Pasadena và Altadena.

Ông Newsom cam kết rằng khoản tài trợ này sẽ được sử dụng để xây dựng lại nhà cửa, cơ sở hạ tầng, doanh nghiệp, trường học, nhà thờ và cơ sở chăm sóc sức khỏe, đồng thời hỗ trợ nhu cầu của những người bị ảnh hưởng bởi sự tàn phá.
"Chắc chắn rằng Los Angeles sẽ sử dụng số tiền này một cách khôn ngoan", ông Newsom viết.
Yêu cầu lớn nhất của thống đốc California là xin thêm 16,8 tỷ USD từ Cơ quan Quản lý Tình trạng Khẩn cấp Liên bang, chủ yếu dành cho việc xây dựng lại tài sản và cơ sở hạ tầng, với 5 tỷ USD dành cho việc dọn dẹp đống đổ nát.
Ông Newsom cũng yêu cầu 9,9 tỷ USD từ Bộ Nhà ở và Phát triển Đô thị để tài trợ cho nạn nhân hỏa hoạn, chủ nhà, doanh nghiệp và người thuê nhà, cũng như 5,29 tỷ USD từ Cơ quan Quản lý Doanh nghiệp Nhỏ để cho vay mua nhà và kinh doanh.
Ông Newsom cảm ơn Tổng thống Donald Trump vì đã hỗ trợ đẩy nhanh việc dọn dẹp đống đổ nát. Bức thư không đề cập đến những lời đe dọa gần đây của chính quyền Trump rằng viện trợ liên bang có thể đi kèm với các điều kiện.

"Chúng tôi vô cùng biết ơn", ông Newsom nói trong thư.

Ông Trump thường xuyên chỉ trích ông Newsom và các chính sách về nước của California. Ric Grenell, một đồng minh của ông Trump hiện là đặc phái viên của tổng thống cho các nhiệm vụ đặc biệt, hôm 21/2 nói rằng "sẽ có điều kiện" đối với bất kỳ khoản viện trợ liên bang nào cho tiểu bang này.
Theo ông Grenell, một trong những điều kiện có thể được thảo luận là cắt giảm quỹ của Ủy ban Bờ biển California, vốn là cơ quan quản lý phát triển ven biển và bảo vệ quyền tiếp cận bãi biển công cộng. Ông Trump đã chỉ trích cơ quan này là quá hạn chế, quan liêu và cản trở các nỗ lực tái thiết kịp thời.

Mexico Giải Cứu 11 Di Dân Việt Nam Bị Bắt Cóc Gần Biên Giới Hoa Kỳ!


(Cảnh sát tiểu bang Chihuahua, Mexico, vừa giải cứu thành công 49 di dân, trong đó có 11 người Việt Nam, khỏi một nhóm bắt cóc ở thành phố Juarez, sát biên giới Mỹ. Thông tin này được các trang El Paso Times và The Latin Times đăng tải ngày 20/2.)
-Theo ông Luis Aguirre, Chánh văn phòng Cảnh sát bang Chihuahua, nhóm di dân bị giam giữ tại một ngôi nhà của bọn tội phạm có vũ trang. Chúng ép buộc các nạn nhân phải trả thêm tiền nếu muốn tiếp tục hành trình vượt biên vào Mỹ.
Trong số 49 di dân bị bắt giữ, ngoài 11 người Việt Nam còn có 28 người Guatemala, 3 người Brazil, 2 người Bolivia và 4 người Mexico.
Sau khi nhận được tin báo khẩn cấp, cảnh sát bang Chihuahua đã phối hợp với Cảnh vệ Quốc gia Mexico tiến hành chiến dịch giải cứu. Lực lượng đặc nhiệm chống bắt cóc và quân đội đã đột kích vào ngôi nhà ở khu dân cư Colonia Hidalgo, ngay gần biên giới với thành phố El Paso, tiểu bang Texas.
Ba nghi phạm, gồm các thanh niên 21, 23 và 24 tuổi, đã bị bắt giữ. Họ bị cáo buộc tội giam giữ người trái phép, vận chuyển lậu di dân, sở hữu vũ khí và ma túy bất hợp pháp. Cảnh sát thu giữ một khẩu súng trường tấn công, 30 gói cocaine nhỏ và một xe Nissan Versa.

Hình ảnh video từ cảnh sát cho thấy các di dân được giải cứu đều mang theo hành lý, ba lô.

Theo các nguồn tin, nhiều người trong số họ đã bay đến Juarez với hy vọng vượt biên sang Mỹ nhưng trở thành mục tiêu của các nhóm bắt cóc, vốn có liên hệ mật thiết với các tổ chức buôn người và băng đảng ma túy.
Trước vụ việc này vài ngày, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam đã đăng một video cảnh báo về nguy cơ di cư bất hợp pháp. Trong video công bố ngày 14/2, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Marc Knapper, kêu gọi người dân không tin vào những lời hứa hão huyền từ những kẻ buôn người.
“Mỗi năm, hàng trăm người – phụ nữ, đàn ông và trẻ em – mất tích hoặc thiệt mạng khi cố gắng di cư bất hợp pháp đến Hoa Kỳ”, ông Knapper nhấn mạnh, đồng thời cảnh báo những bi kịch này hoàn toàn có thể phòng tránh được.
Vụ giải cứu này một lần nữa cho thấy những rủi ro nghiêm trọng mà di dân bất hợp pháp phải đối mặt khi tìm cách vượt biên qua Mexico để vào Mỹ.

50 Năm Vẫn Còn Sợ Đồng Minh Của VNCH! Du khách ngoại quốc đội mũ “Cựu chiến binh Việt Nam” bị phạt nặng, cấm nhập cảnh!


(Một công ty du lịch mới đây đã lên tiếng cảnh báo du khách nước ngoài về việc đội mũ có dòng chữ “Cựu chiến binh chiến tranh Việt Nam” khi đến Việt Nam, do có nguy cơ bị phạt tiền hoặc từ chối nhập cảnh.)
-Cảnh báo từ công ty du lịch và những trường hợp bị từ chối nhập cảnh
Theo tờ Thời báo Hàn Quốc (Korea Times) ngày 22 Tháng Hai, một số du khách đã từng bị ngăn chặn ngay tại cửa khẩu vì đội chiếc mũ có hàng chữ này. Một nhóm thậm chí còn bị phạt số tiền lên tới $3,000 USD tại sân bay sau khi bị cơ quan an ninh phát hiện. Công ty du lịch nhấn mạnh rằng nếu đội chiếc mũ này trên đường phố ở Việt Nam, du khách có thể gặp phải những phản ứng tiêu cực từ người dân địa phương, thậm chí xảy ra xô xát.

Hình ảnh chiếc mũ với dòng chữ “Anh hùng chiến tranh Việt Nam – Hàn Quốc” (Vietnam War Hero – Korea) được công ty du lịch này đưa ra làm ví dụ minh họa. Đây là loại mũ thường được các cựu chiến binh Hàn Quốc sử dụng như một biểu tượng kỷ niệm thời gian phục vụ trong cuộc chiến tranh Việt Nam.

Lịch sử tham chiến của Hàn Quốc tại Việt Nam
Trong cuộc chiến Việt Nam kéo dài từ năm 1955 đến 1975, quân đội Hàn Quốc đã tham chiến với số lượng lên tới 320,000 người, chủ yếu thuộc ba sư đoàn danh tiếng là Thanh Long, Bạch Mã và Mãnh Hổ. Dưới sự kêu gọi của Hoa Kỳ, quân đội Nam Hàn là một trong những lực lượng nước ngoài tham chiến tại Việt Nam, cùng với Úc và Thái Lan.
Ngày nay, các tổ chức cựu chiến binh Hàn Quốc từng tham gia chiến tranh Việt Nam như Hội Thương binh Hàn Quốc bị ảnh hưởng chất Da Cam (Korean Disabled Veteran’s Association by Agent-Orange) và Hội Cựu chiến binh Việt Nam của Hàn Quốc (Vietnam Veterans Association Korea) vẫn hoạt động. Những chiếc mũ có dòng chữ “Cựu chiến binh chiến tranh Việt Nam” khá phổ biến, không chỉ ở Hàn Quốc mà cả tại Mỹ, nơi người ta vẫn thấy chúng xuất hiện trong các sự kiện công cộng.

Trường hợp tương tự từng xảy ra tại Việt Nam
Không chỉ có du khách Hàn Quốc gặp rắc rối khi mang theo trang phục nhạy cảm, trước đó, vào năm 2018, một nhóm du khách Trung Quốc nhập cảnh tại sân bay Cam Ranh đã cố tình mặc áo thun in hình bản đồ “Đường lưỡi bò” – tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc tại Biển Đông. Họ chỉ được phép nhập cảnh sau khi buộc phải cởi bỏ chiếc áo gây tranh cãi này.
Những vụ việc trên cho thấy Việt Nam có lập trường cứng rắn đối với các biểu tượng hoặc trang phục mang tính chất nhạy cảm liên quan đến chủ quyền và lịch sử chiến tranh. Du khách nước ngoài cần cẩn trọng để tránh những rắc rối không đáng có khi đến Việt Nam.

Bắt đầu ảnh hưởng! Việt Cộng áp thuế chống bán phá giá lên thép Trung Cộng giữa làn sóng thuế quan từ Trump


(Thép cuộn cán nóng được sản xuất tại nhà máy Sắt thép Trùng Khánh của Trung Cộng.)
-Bộ Công Thương Việt Nam vừa công bố áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời đối với thép cán nóng (HRC) nhập khẩu từ Trung Quốc, với mức thuế từ 19,38% đến 27,83%, hơn một tuần sau khi chính quyền Trump ở Washington công bố áp dụng mức thuế 25% lên toàn bộ nhôm, thép nhập vào Mỹ, bắt đầu từ ngày 4/3.
Mức thuế mới sẽ có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ban hành (từ ngày 7/3) và có hiệu lực trong 120 ngày. Trong số các công ty bị áp thuế 27,83% có Baoshan Iron & Steel và Maanshan Iron & Steel. Tập đoàn sắt thép Quảng Tây Liuzhou sẽ phải đối mặt với mức thuế 19,38%, theo văn bản của Bộ Công thương.
Quyết định này được đưa ra sau khi Bộ Công thương bắt đầu tiến hành cuộc điều tra đối với thép nhập khẩu vào Việt Nam từ Trung Quốc và Ấn Độ kể từ tháng 7 năm ngoái. Kết quả điều tra xác nhận có hành vi bán phá giá. Tuy nhiên, vì tỷ trọng thép Ấn Độ trong số hàng nhập khẩu bị điều tra là dưới 3%, được coi là không đáng kể, nên được loại trừ khỏi biện pháp áp thuế chống bán phá giá tạm thời, theo Tuổi Trẻ.

Theo số liệu của hải quan Việt Nam, thép HRC nhập khẩu của Việt Nam đã tăng vọt lên 12,6 triệu tấn vào năm 2024, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước.
Riêng trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 9 năm ngoái, Việt Nam đã nhập khẩu gần 8,8 triệu tấn thép cán nóng, tăng 26% so với cùng kỳ 2023 và bằng 171% sản xuất trong nước, với 72% có nguồn gốc từ Trung Quốc, bất chấp cuộc điều tra chống bán phá giá đang diễn ra, theo trang tin chính thức của chính phủ Việt Nam.
Tổng giá trị quặng sắt và thép cũng như các sản phẩm sắt và thép nhập khẩu từ Trung Quốc năm ngoái là gần 12 tỷ đô la, theo dữ liệu hải quan của Việt Nam.
Động thái đánh thuế lên thép Trung Quốc của Việt Nam diễn ra sau khi chính quyền Hoa Kỳ công bố mức thuế 25% đối với tất cả các mặt hàng thép nhập khẩu vào đầu tháng này, có hiệu lực vào ngày 4/3.
Dự kiến, việc Mỹ áp thuế 25% lên nhôm và thép nhập khẩu sẽ có ảnh hưởng trực tiếp tới xuất khẩu nhôm, thép của Việt Nam.

Mỹ hiện là 1 trong 10 thị trường xuất khẩu thép lớn nhất của Việt Nam trong năm 2024. Theo thống kê của hải quan Hoa Kỳ, năm 2024, Việt Nam xuất khẩu khoảng 1,462 tỷ USD thép và nhôm sang Mỹ, trong đó có 983 triệu USD thép và sản phẩm thép (tăng gần 159% so với năm 2023), 479 triệu USD sản phẩm nhôm (tăng 9,5% so với năm 2023).
Hôm 24/2, nhóm cổ phiếu thép của Việt Nam như HPG (Hòa Phát), HSG (Hoa Sen), NKG (Nam Kim), TVN (VNSteel), GDA (Tôn Đông Á)... đã đồng loạt tăng mạnh ngay đầu phiên giao dịch, được cho là do tác động của quyết định áp thuế chống bán phá giá tạm thời lên thép Trung Quốc của Việt Nam.

Việt Nam mở đường cho Starlink của tỷ phú Musk, thể hiện ‘thiện chí’ giữa nguy cơ bị Mỹ áp thuế


(Tỷ phú Elon Musk, nhà sáng lập SpaceX và CEO Tesla, phát biểu qua màn hình tại Đại hội Di động Thế giới (MWC) ở Barcelona, Tây Ban Nha, vào ngày 29 tháng 6 năm 2021.)
-Việt Nam dự tính áp dụng các quy định cho phép dịch vụ internet vệ tinh Starlink của tỷ phú Elon Musk hoạt động trong nước trong khi duy trì quyền sở hữu đầy đủ của bất kỳ công ty con địa phương nào, Reuters dẫn một dự thảo quy định cho biết hôm 18/2.
Sự thay đổi này mở đường cho StarLink ra mắt tại Việt Nam, theo sau các cuộc đàm phán kéo dài vài năm qua của công ty mẹ SpaceX, một quan chức chính phủ cho hãng thông tấn Anh biết.
Động thái này thể hiện sự thay đổi đột ngột trong lập trường của chính phủ Việt Nam, và theo một người am tường nói với Reuters, đây có thể được coi là “một nhánh ô liu” thể hiện thiện chí đối với SpaceX giữa bối cảnh Việt Nam đang lo lắng và hồi hộp về mối đe dọa thuế quan từ Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.
Người này nói thêm rằng nó “cho thấy từ phía Việt Nam rằng họ có thể chơi trò chơi ngoại giao trong giao dịch nếu chính quyền Trump muốn vậy”.

Tất cả các nguồn tin đều từ chối nêu danh tính với Reuters.

Trong thời gian trước đó, SpaceX đã gặp nhiều khó khăn khi muốn gia nhập thị trường Việt Nam – một quốc gia có gần 100 triệu dân – do những quy định nghiêm ngặt về quyền kiểm soát nước ngoài đối với các nhà cung cấp internet vệ tinh.
Những quy định này đã khiến cho kế hoạch của Elon Musk, bị đình trệ vào cuối năm 2023, khi Việt Nam không đồng ý dỡ bỏ lệnh cấm đối với việc sở hữu nước ngoài trong lĩnh vực này.
Tỷ phú Elon Musk hiện nay là cố vấn chính đầy quyền lực của Tổng thống Donald Trump sau khi ông Trump lên nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai không liên tiếp vào ngày 20/1.
Dự thảo mới, được quốc hội Việt Nam thông qua trong cuộc họp bất thường vào ngày 19/2, cho phép các nhà cung cấp internet có mạng lưới vệ tinh quỹ đạo thấp được toàn quyền kiểm soát hoạt động ở nước ngoài, theo một chương trình thí điểm sẽ diễn ra cho đến cuối năm 2030.
Quy định này được đưa vào nghị quyết dài 12 trang nhằm “gỡ bỏ những trở ngại trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”. Các dự án được đệ trình theo chương trình thí điểm sẽ cần sự chấp thuận của thủ tướng Việt Nam.
Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam và SpaceX đều không trả lời các yêu cầu bình luận của Reuters.

Theo một người hiểu biết về các cuộc thảo luận, được Reuters dẫn lời, nếu nhiều công ty và cá nhân Việt Nam đăng ký Starlink, điều đó có thể giúp cắt giảm thặng dư lớn về hàng hóa và dịch vụ mà Việt Nam đang có với Hoa Kỳ, vốn được xem là mối nguy có thể dẫn đến việc chính quyền Trump áp thuế mới đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Thặng dư của Việt Nam với Mỹ vào năm ngoái đã đạt mức cao kỷ lục là 123,5 tỷ đô la, lớn thứ tư trong số các đối tác của Hoa Kỳ, theo dữ liệu của Mỹ.
Vào thứ Năm tuần trước, Tổng thống Trump đã chỉ đạo nhóm của ông đưa ra mức thuế quan có đi có lại đối với mọi quốc gia áp thuế lên hàng hoá của Mỹ, hạn chót là ngày 1/4, và các trợ lý của ông cho biết các quốc gia có thặng dư thương mại lớn sẽ bị giám sát chặt chẽ.
Thuế quan của Hoa Kỳ có khả năng gây gián đoạn nghiêm trọng đến nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của Việt Nam, vốn xem Hoa Kỳ là thị trường chính của mình. Việt Nam là nơi có nhiều nhà sản xuất có trụ sở tại Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào quốc gia Đông Nam Á này sau khi chính quyền đầu tiên của Trump áp đặt thuế quan đối với Trung Quốc vào năm 2018.
Để thu hẹp thặng dư với Hoa Kỳ, Việt Nam cũng đã đề nghị nhập khẩu thêm các sản phẩm nông nghiệp của Hoa Kỳ và đang thảo luận về các khả năng nhập khẩu khác.
Trong bối cảnh đó, chính phủ Việt Nam đang có những bước đi nhằm điều chỉnh cán cân thương mại với Mỹ.
Ngoài việc tạo điều kiện cho Starlink thâm nhập thị trường, Việt Nam cũng đã đề xuất tăng cường nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp, chip bán dẫn, máy bay Boeing và các sản phẩm công nghệ cao từ Mỹ nhằm giảm áp lực thương mại.

Cảnh báo: Trung Cộng phát giác Virus Corona Mới Ở Dơi, Có Nguy Cơ Lây Sang Người!

-Một nhóm nghiên cứu tại Trung Quốc vừa phát hiện một chủng virus corona mới trong loài dơi, có khả năng lây nhiễm sang người vì sử dụng cùng một thụ thể mà virus gây Covid-19 đã sử dụng. Phát hiện này dấy lên lo ngại về nguy cơ bùng phát một dịch bệnh mới.
Nghiên cứu do bà Thạch Chánh Lệ, nhà virus học nổi tiếng của Trung Quốc, dẫn đầu cùng với các chuyên gia từ Phòng thí nghiệm Quảng Châu, Viện Khoa học Quảng Châu, Đại học Vũ Hán và Viện Virus học Vũ Hán.
Nhóm nghiên cứu đã lần đầu tiên phát hiện virus corona HKU5 trong loài dơi pipistrelle Nhật Bản ở Hồng Kông.
HKU5 thuộc phân chi merbecovirus, trong đó có virus gây Hội chứng Hô hấp Trung Đông (MERS-CoV).

Điều đáng lo ngại là HKU5 có thể liên kết với enzyme ACE2 của con người – cùng thụ thể mà virus SARS-CoV-2 sử dụng để xâm nhập tế bào.
Thông tin này làm dấy lên lo ngại về khả năng virus có thể lây truyền từ động vật sang người, tương tự như SARS-CoV-2 trước đây.
Bà Thạch Chánh Lệ từng được gọi là “người dơi” vì nghiên cứu sâu rộng của bà về virus corona trong dơi. Tuy nhiên, bà cũng là nhân vật gây tranh cãi vì Viện Virus học Vũ Hán, nơi bà làm việc, từng bị nghi ngờ liên quan đến nguồn gốc của Covid-19.
Một số giả thuyết cho rằng SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ loài dơi và lây sang người thông qua vật chủ trung gian.
Một giả thuyết khác nghi ngờ virus bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, nhưng đến nay Trung Quốc vẫn phủ nhận cáo buộc này.

Gần đây, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã công bố bản đánh giá mới, trong đó các chuyên gia phân tích thiên về giả thuyết virus có nguồn gốc từ phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, CIA cho biết họ vẫn chưa có đủ thông tin để đưa ra kết luận chính thức.
Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh tiếp tục bác bỏ giả thuyết rò rỉ từ phòng thí nghiệm, khẳng định khả năng này là rất thấp.
Mặc dù chưa có bằng chứng cho thấy virus HKU5 có thể lây từ người sang người, nhưng phát hiện này làm dấy lên lo ngại về một đại dịch tiềm tàng trong tương lai. Các chuyên gia y tế nhấn mạnh rằng việc giám sát các virus mới xuất hiện là vô cùng quan trọng, nhằm ngăn chặn một kịch bản giống như đại dịch Covid-19 xảy ra một lần nữa.


Tiến bộ y khoa: AI phát giác ung thư vú tốt hơn bác sĩ?


(Chụp mammogram để phát hiện ung thư vú.)
-Một nghiên cứu của Đức cho thấy tỷ lệ phát hiện ung thư được cải thiện gần 18% khi bác sĩ nhận được sự trợ giúp từ trí tuệ nhân tạo AI.
Trong nghiên cứu này, các bác sĩ X quang — những bác sĩ phân tích kết quả chụp nhũ ảnh và các xét nghiệm chẩn đoán khác — đã sử dụng trí tuệ nhân tạo để kiểm tra ảnh chụp nhũ ảnh của hơn 460.000 phụ nữ Đức trong độ tuổi từ 50 đến 69. Các nhà nghiên cứu cho biết theo cách này, cứ một ngàn phụ nữ thì phát hiện thêm một ca ung thư so với cách chỉ có con người mà không có AI hỗ trợ. Đây là cuộc khám phá thực tế lớn nhất cho đến nay về việc sử dụng AI để phát hiện ung thư vú.
“Tỷ lệ phát hiện ung thư vú tốt hơn và đây thực sự là bằng chứng mạnh mẽ”, Tiến sĩ Alexander Katalinic, thuộc Đại học Lubeck ở Đức, nhà nghiên cứu chính của nghiên cứu, nói. “Và dựa trên bằng chứng này, chúng ta nên bắt đầu sử dụng nhiều AI hơn trong việc sàng lọc ung thư vú và cuối cùng, điều này sẽ trở thành tiêu chuẩn”.

Chụp nhũ ảnh của 463.094 phụ nữ Đức đã được kiểm tra từ tháng 7 năm 2021 đến tháng 2 năm 2023. Khoảng một nửa được hai bác sĩ X quang xem xét, đây là quy trình chuẩn ở Đức. Trong hơn một nửa số trường hợp, con người được AI hỗ trợ. Khi AI tham gia, tỷ lệ phát hiện ung thư vú là 6,7 trên 1.000 phụ nữ, so với 5,7 trên 1.000 phụ nữ chỉ được sàng lọc bởi con người.
“AI thực sự phù hợp để thay thế người đọc ở một mức độ nhất định”, ông Katalinic cho biết. “Nhưng bạn muốn đi xa đến đâu? Đây không chỉ là vấn đề khoa học mà còn là vấn đề xã hội. Niềm tin của xã hội vào AI như thế nào?”
Nghiên cứu phát hiện ra rằng AI cũng giúp giảm số lượng kết quả dương tính giả. Tuy nhiên, trí tuệ nhân tạo đã bỏ sót một số bệnh ung thư.
“AI không hoàn hảo giống như con người không hoàn hảo”, Stefan Bunk, đồng sáng lập của Vara, một công ty công nghệ chăm sóc sức khỏe tại Berlin đã phát triển trí tuệ nhân tạo được sử dụng trong nghiên cứu, cho biết. “Có 20 trường hợp trong nghiên cứu của chúng tôi mà AI nói rằng trường hợp này là bình thường nhưng thực tế là một bác sĩ X quang lại phát hiện ra ung thư”.

Tuy nhiên, theo kết quả nghiên cứu, con người đã bỏ sót khối u ác tính nhiều hơn AI gấp 10 lần.

“Không giống như con người, AI không biết mệt mỏi, đúng không?” ông Bunk nói. “AI hoạt động theo cùng một cách vào lúc 2 giờ sáng như vào giữa ngày. Vì vậy, đây chắc chắn là một lợi thế và cũng là một trong những lý do tại sao tôi nghĩ AI có thể phát hiện ra ung thư mà nếu không thì con người sẽ bỏ sót”.

Theo ông Bunk, AI có thể giúp giảm khối lượng công việc cho các bác sĩ X quang, giúp họ tập trung vào các trường hợp phức tạp hơn, đồng thời nói thêm rằng việc ngày càng phụ thuộc vào AI có thể dẫn đến nguy cơ mất đi chuyên môn của con người theo thời gian.
“Những trường hợp phức tạp đó — những trường hợp mà bạn cần phải tính đến nhiều góc độ, khi bạn cần phải nói chuyện với bệnh nhân, đúng không — là điều mà chuyên môn và một bác sĩ X quang thực thụ rất quan trọng và cần phải tiếp tục được đào tạo”, ông Bunk nói.

Tiến sĩ Wei Yang, giáo sư về X quang vú tại Trung tâm Ung thư MD Anderson thuộc Đại học Texas ở Houston, Texas, tin rằng việc sử dụng AI nhiều hơn có thể tiếp thêm sinh lực cho các bác sĩ X quang.
“Tôi nghĩ rằng sự ra đời của AI là cơ hội và động lực để chúng ta trở nên hứng thú hơn với lĩnh vực của mình để các bác sĩ X quang được đào tạo bài bản có không gian mở, thời gian và sự tập trung để tập trung vào các nhiệm vụ phức tạp hơn”, bà Yang cho biết.
Theo ông Katalinic, việc sử dụng bác sĩ X quang cùng với trí tuệ nhân tạo mang lại lợi ích tốt nhất của cả hai thế giới.
“Sự kết hợp giữa con người và AI tốt hơn nhiều so với việc chỉ có kết quả đọc của con người”, ông nói.
Bà Yang, người không tham gia vào nghiên cứu, rất phấn khởi trước kết quả.
“Dữ liệu rất thuyết phục”, bà cho biết. “Tỷ lệ phát hiện ung thư tăng lên, số dương tính sai giảm và tác động tiềm tàng mà điều này có thể tạo ra cho lực lượng lao động và tình trạng quá tải nhìn chung, rất tích cực”.


Tin Quốc Tế Đó Đây
Mỹ Đệ Trình Nghị Quyết Liên Hiệp Quốc Về "Chấm Dứt" Chiến Tranh Nga–Ukraine, Nhưng Không Nêu Vấn Đề "Toàn Vẹn Lãnh Thổ"


(Hình AP / Bebeto Matthews: Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu thông qua Nghị quyết lên án Nga sáp nhập bất hợp pháp các vùng lãnh thổ của Ukraine, ngày 12/10/2025.)
-Trước thềm dịp đánh dấu tròn 3 năm ngày Nga mở đầu cuộc xâm lăng Ukraine, 24/2/2025, hôm 21/2, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio ra thông báo cho biết Hoa Thịnh Ðốn đã đệ trình một Nghị quyết tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, kêu gọi « chấm dứt nhanh chóng" xung đột Ukraine, nhưng không nhắc đến việc tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, theo một số nguồn tin của thông tấn xã AFP. Nga hoan nghênh Dự thảo Nghị quyết của Mỹ.
Trong thông báo nói trên, Ngoại trưởng Mỹ đã kêu gọi: « Hoa Kỳ đã đề xuất với Liên Hiệp Quốc một Nghị quyết đơn giản và có ý nghĩa lịch sử. Chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên ủng hộ Nghị quyết này, để tạo điều kiện cho việc đi đến hòa bình". Dự thảo văn bản Nghị quyết của Mỹ mà thông tấn xã AFP có được « yêu cầu chấm dứt nhanh chóng xung đột và kêu gọi một nền hòa bình bền vững giữa Ukraine và Nga".
Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc, Vassili Nebenzia, nhận định: Nghị quyết Mỹ đề xuất là « một sáng kiến tốt", tuy thiếu đi việc nhắc đến « những cội rễ" của xung đột. Trong khi đó, đại sứ Pháp tại Liên Hiệp Quốc, Nicolas de Rivière, từ chối bình luận về Dự thảo Nghị quyết của Mỹ « trong thời điểm hiện tại".
Trả lời thông tấn xã AFP, ông Richard Gowan, thuộc International Crisis Group, nhận định: « Văn bản đưa ra đòi hỏi tối thiểu, không lên án cuộc xâm lăng của Nga, hoặc không khẳng định rõ ràng việc tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine giống như một hành động phản bội Ukraine và một đòn chơi xấu nhắm vào Liên Hiệp Âu Châu, và đồng thời chà đạp lên các nguyên tắc cốt lõi của luật pháp quốc tế".

Theo thông tấn xã AFP, Dự thảo Nghị quyết ngắn với 65 từ của chính quyền Mỹ « có thể gây phản ứng giận dữ từ phía các nước Âu Châu, vốn đã bị gạt ra bên lề với đối thoại Mỹ - Nga về Ukraine".
Nhân dịp tròn 3 năm Nga xâm lược Ukraine, chính quyền Kyiv và các nước Âu Châu đã chuẩn bị một Dự thảo Nghị quyết, nhấn mạnh đến việc cần tăng cường gấp bội các nỗ lực ngoại giao để chấm dứt cuộc chiến tranh « trong năm nay", đồng thời ghi nhận sáng kiến của nhiều quốc gia thành viên về « một thỏa thuận hòa bình và bền vững". Dự thảo văn bản của Ukraine và các nước Âu Châu nhắc lại nội dung chính của các Nghị quyết trước đó của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, yêu cầu Nga rút quân ngay lập tức và vô điều kiện khỏi Ukraine, ngừng các cuộc tấn công nhắm vào Ukraine.
Ba Nghị quyết của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc lên án Nga xâm lược Ukraine trong năm 2022, năm đầu tiên của cuộc xâm lăng, đã nhận được sự ủng hộ của hơn 140 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc, trên tổng số 193 thành viên. Trong số còn lại, đa số các nước bỏ phiếu trắng, hoặc không bỏ phiếu, chỉ có một vài quốc gia bỏ phiếu chống.


Mỹ: Nhiều Người Trong Phe Cộng hòa Phản Đối Trump Gọi Zelensky Là "Độc Tài"


(Getty Images via AFP - Anna Moneymaker: Tỉ phú Rupert Murdoch (người ngồi ở cuối phòng, bên trái) tại phòng Bầu Dục, Tòa Bạch Ốc, ngày 3/2/2025 trong cuộc trao đổi với báo giới của Tổng thống Mỹ Donald Trump.)
-Những ngày gần đây, Tổng thống Donald Trump đã không ngần ngại chỉ trích, hạ thấp và thậm chí lăng mạ người đồng cấp Ukraine, ông Volodymyr Zelensky.
Đỉnh điểm là tối 19/2/2025, ông Trump viết trên mạng xã hội Truth Social của mình rằng Zelensky là "một tên độc tài" và cáo buộc nguyên thủ Ukraine là người đã phát động chiến tranh chống Nga. Những lời nói này lập tức gây sốc tại khắp nơi trên thế giới, ngay cả với phe Cộng hòa ở Hoa Kỳ, mà đại đa số vốn ủng hộ chủ nhân Tòa Bạch Ốc. Từ Hoa Thịnh Ðốn, thông tín viên Guillaume Naudin của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) cho biết cụ thể:
"Đây mới là kẻ độc tài" là dòng chú thích trên bức hình của Vladimir Putin, trên trang nhất của tờ New York Post, một tờ báo khổ nhỏ ở New York từng ủng hộ Donald Trump. Chủ sở hữu của nhật báo không phải ai khác mà chính là Rupert Murdoch, ông trùm truyền thông, theo đường lối bảo thủ và mới vài ngày trước vẫn còn xuất hiện ở Phòng Bầu dục cùng với Tổng thống Mỹ. Nhật báo tài chánh Wall Street Journal của ông cũng đưa ra quan điểm tương tự trong một bài xã luận. Và tất cả các tờ báo khác cùng thuộc tập đoàn News Corp của Murdoch, đặc biệt là ở Âu Châu, đều đồng tình với quan điểm đó.

Phát biểu của Donald Trump gây sốc đến mức ngay cả Cố vấn An ninh Quốc gia Mike Waltz cũng tránh nói như lãnh đạo của mình, rằng Volodymyr Zelensky là "kẻ độc tài đã phát động chiến tranh", ngay cả khi ông Waltz công khai yêu cầu Zelensky kiềm chế các lời lẽ chỉ trích Tổng thống Mỹ.
Đặc phái viên của Donald Trump về Ukraine, tướng Keith Kellogg, là người cẩn trọng trong lời nói nhất. Trong một bài đăng trên mạng xã hội, ông gọi Volodymyr Zelensky là "nhà lãnh đạo dũng cảm" của một quốc gia đang có chiến tranh và ca ngợi đội ngũ an ninh quốc gia tài năng của ông.
Giọng điệu hoàn toàn khác của tướng Kellogg khiến cho người ta tự hỏi liệu nó có phản ánh sự thay đổi trong lập trường hay chỉ đơn giản là một chiến thuật hòng gây bất ngờ và bất ổn trong một cuộc đàm phán mà Donald Trump muốn giữ vai trò chi phối tất cả".


Kyiv: Nga Tiến Hành Cuộc Tấn Công Lớn Nhất Bằng Máy Bay Không Người Lái Vào Ukraine


(Hình AFP: Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelenskyy.)
-Hôm 23/2/2025, Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelenskyy cho biết rằng Nga đã phóng hơn 200 máy bay không người lái trong một cuộc tấn công lớn nhất vào ban đêm trong cuộc chiến, trong khi ông lên án "việc khủng bố trên không" của Nga và kêu gọi sự đoàn kết giữa các đồng minh của Ukraine.
"Mỗi ngày, người dân của chúng tôi đều chống lại khủng bố trên không", ông viết trên X.
"Vào đêm trước kỷ niệm 3 năm của cuộc chiến toàn diện, Nga đã khai triển 267 máy bay không người lái tấn công vào Ukraine, cuộc tấn công lớn nhất kể từ khi máy bay không người lái của Iran bắt đầu tấn công các thành phố và làng mạc củaUkraine".
Không quân Ukraine cho biết trong một tuyên bố rằng 138 máy bay không người lái đã bị bắn hạ và 119 máy bay khác biến mất khỏi radar sau khi bị hệ thống tác chiến điện tử gây nhiễu, đồng thời cho biết thêm rằng Nga cũng đã phóng ba phi đạn-đạn đạo. Thiệt hại đã được báo cáo ở năm khu vực của Ukraine.

Mạc Tư Khoa đã tiến hành hàng loạt các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái gần như hàng đêm vào Ukraine trong nhiều tháng, nhằm mục đích làm suy kiệt hệ thống phòng không của nước này.
Ông Zelenskyy cho biết, tổng cộng, gần 1.150 máy bay không người lái tấn công, hơn 1.400 quả bom điều hướng và 35 phi đạn các loại đã được Nga khai triển vào Ukraine trong tuần qua.
Tổng thống cảm ơn những người vận hành hệ thống phòng không của Ukraine và kêu gọi các đồng minh ngoại quốc của nước này đoàn kết để bảo đảm một "nền hòa bình công bằng và lâu dài".
"Điều này có thể đạt được thông qua sự đoàn kết của tất cả các đối tác – chúng ta cần sức mạnh của toàn bộ Âu Châu, sức mạnh của nước Mỹ, sức mạnh của tất cả những ai tìm kiếm hòa bình lâu dài".
Kyiv và các đồng minh Âu Châu của mình đã rất lo lắng trước việc Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump công kích ông Zelenskyy vào tuần trước, cũng như về cuộc họp giữa các phái đoàn Hoa Kỳ và Nga tại Riyadh mà Ukraine không được mời.


Tổng Thống Mỹ Gia Tăng Sức Ép, Đòi "Thu Hồi" Số Tiền Viện Trợ Cho 


(Hình AP - Jose Luis Magana: Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ, CPAC, tại Oxon Hill, tiểu bang Maryland, Hoa Kỳ, ngày 22/2/2025.)
-Vào lúc chiến tranh Ukraine sắp bước vào năm thứ tư, hôm 22/2/2025, Tổng thống Mỹ Donald Trump một lần nữa khẳng định ông muốn « thu hồi" số tiền viện trợ cho Ukraine từ đầu cuộc chiến xâm lược do Nga phát động. Chính quyền Trump muốn có doanh thu từ nguồn tài nguyên của Ukraine nhưng lại không có bất kỳ bảo đảm an ninh nào theo như mong muốn từ Kyiv.
Tại hội nghị hàng năm, có quy mô lớn, của phe bảo thủ Hoa Kỳ, chủ nhân Tòa Bạch Ốc một lần nữa nhắc lại Hoa Kỳ muốn có « đất hiếm và dầu hỏa, bất kỳ thứ gì mà chúng ta có thể có được", rằng Ukraine « phải trả lại cho Mỹ thứ gì đó tương đương với số tiền mà chúng ta đã đầu tư".
Tổng thống Trump từ nhiều tuần qua yêu cầu một số tiền tương đương với 500 tỉ Mỹ kim khai thác đất hiếm để bồi thường cho những khoản viện trợ của Mỹ giúp Ukraine đối phó với cuộc chiến xâm lược của Nga. Kyiv đánh giá « khó thể chấp nhận" những điều khoản như vậy.
Theo Dự thảo thỏa thuận sửa đổi do Hoa Thịnh Ðốn đề xuất mà báo Mỹ New York Times tham khảo được, chính quyền Donald Trump đã đưa ra nhiều điều khoản còn khắt khe hơn so với bản Dự thảo ban đầu. Hoa Kỳ yêu cầu Ukraine từ bỏ một nửa doanh thu từ khai thác tài nguyên thiên nhiên, bao gồm khoáng sản, khí đốt và dầu mỏ cũng như thu nhập từ hoạt động cảng biển hay cơ sở hạ tầng khác. Trong khi đây lại là những khoản tiền mà Ukraine có thể dùng để đầu tư cho ngành công nghiệp quân sự và quốc phòng cũng như để tái thiết đất nước.

Tài liệu do Hoa Kỳ đề xuất còn nêu rõ doanh thu từ các nguồn tài nguyên của Ukraine sẽ được chuyển vào một quỹ do Hoa Kỳ quản lý hoàn toàn và đề nghị Ukraine nên đóng góp vào quỹ cho đến khi đạt được 500 tỉ Mỹ kim - số tiền mà ông Trump yêu cầu để đổi lấy viện trợ từ Hoa Kỳ. Báo New York Times đánh giá yêu cầu này vượt quá khả năng của Ukraine khi doanh thu thực tế của nước này trong năm 2024 chỉ ở mức 1,1 tỉ Mỹ kim. Và số tiền ông Trump yêu cầu cao gấp 4 lần so với mức viện trợ mà Hoa Kỳ cam kết cho Ukraine cho đến hiện tại.
Theo một nguồn thạo tin từ Ukraine, được thông tấn xã AFP dẫn lại, Tổng thống Ukraine Zelensky « chưa thể" ký kết thỏa thuận quặng mỏ với Hoa Kỳ khi cáo buộc chính quyền Trump « muốn rút ruột" Ukraine đến 500 tỉ Mỹ kim. Chính quyền Kyiv khẳng định đã đề xuất « những sửa đổi và mang tính xây dựng" cho Dự thảo thỏa thuận mà Tổng thống Zelensky hiểu rõ là mang tính « thiết yếu" cho an ninh đất nước.


Ông Zelenskyy Nói Sẵn Sàng Từ Chức Tổng Thống Nếu Điều Đó Mang Lại Hòa Bình ở Ukraine


(Hình AFP: Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelenskyy trong cuộc họp báo hôm 23/2/2025.)
-Hôm 23/2/2025, Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelenskyy cho biết ông sẵn sàng từ bỏ chức vụ của mình nếu điều đó có nghĩa là hòa bình ở Ukraine, và nói thêm rằng ông có thể đánh đổi việc rời nhiệm sở của mình để lấy việc Ukraine gia nhập Liên minh Phòng thủ Bắc Đại Tây Dương (NATO).
"Nếu (điều đó có nghĩa là) hòa bình cho Ukraine, nếu bạn thực sự cần tôi rời chức vụ của mình, thì tôi sẵn sàng", ông Zelenskyy nói với vẻ mặt có vẻ cáu kỉnh khi được hỏi trong cuộc họp báo liệu ông có sẵn sàng rời khỏi chức vụ của mình nếu điều đó có nghĩa là bảo đảm hòa bình hay không.
Tổng thống nói thêm: "Tôi có thể đổi điều này để lấy (tư cách thành viên) NATO, nếu có điều kiện đó, ngay lập tức".

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã thúc đẩy các cuộc bầu cử diễn ra ở Ukraine, gọi ông Zelenskyy là "nhà độc tài", rõ ràng ám chỉ việc nhiệm kỳ 5 năm chính thức của nhà lãnh đạo Ukraine đã hết vào năm 2024.
Những lời chỉ trích của ông Trump đối với ông Zelenskyy được đưa ra khi mối quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo xấu đi nhanh chóng trong những tuần gần đây.
Ông Zelenskyy đã phản đối ý tưởng bầu cử trong một cuộc chiến tranh toàn diện, một quan điểm được các đối thủ chính trị lớn trong nước của ông ủng hộ.
Tổng thống Ukraine cũng cho biết ông muốn coi ông Trump là đối tác của Ukraine chứ không chỉ đơn giản là người hòa giải giữa Kyiv và Mạc Tư Khoa.
Ông nói trong một cuộc họp báo ở Kyiv: "Tôi thực sự muốn việc này không chỉ là hòa giải... điều đó chưa đủ".


Thủ Tướng Anh: Không Thể Có Đàm Phán Hòa Bình Về Ukraine Nếu Không Có Ukraine


(Hình REUTERS: Thủ tướng Anh Keir Starmer.)
-Trước cuộc gặp với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump trong tuần này, Thủ tướng Anh Keir Starmer hôm 23/2/2025 nói rằng không thể có cuộc đàm phán nào về tương lai của Ukraine nếu không có sự tham gia của Ukraine.
Ông Starmer phát biểu như vậy tại một hội nghị của Đảng Lao động Scotland ở Glasgow. Ông sẽ đến Hoa Thịnh Ðốn vào ngày 27 tháng 2 sau Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người sẽ gặp ông Trump vào ngày 24 tháng 2, đúng ba năm sau khi Nga xâm lược Ukraine.
Cả hai nhà lãnh đạo dự kiến sẽ tìm cách thuyết phục ông Trump không vội vàng đạt được Thỏa thuận Ngừng bắn với Tổng thống Nga Vladimir Putin bằng mọi giá, để cho Âu Châu tham gia vào quá trình này và thảo luận về các bảo đảm quân sự cho Ukraine.

Ông Trump hôm 21/2 đã nói trong chương trình Brian Kilmeade Show trên Fox News Radio rằng ông Starmer và ông Macron "chưa làm gì" để chấm dứt chiến tranh ở Ukraine.
Trong một bài phát biểu đôi khi đầy cảm xúc, ông Starmer đã mô tả việc ông đã nói chuyện với những người Ukraine đã mất gia đình và bạn bè trong chiến tranh, đẩy thi thể họ trên xe đẩy hàng để chôn họ trong các ngôi mộ tập thể trong chuyến thăm gần đây nhất của mình. Ông nói rằng ông sẽ không bao giờ quên những lời kể đó.
"Chúng ta phải làm sâu sắc hơn nữa tình đoàn kết của mình. Nó không chỉ vì sự cấp bách về mặt đạo đức đòi hỏi điều này, mà còn vì lợi ích quốc gia của chúng ta", ông Starmer nói. "Đây là khoảnh khắc mang tính thế hệ".
Ông Starmer cho biết ông ủng hộ lời kêu gọi của Hoa Kỳ rằng Âu Châu phải chịu trách nhiệm lớn hơn đối với an ninh của mình và rằng Anh sẽ đóng vai trò lãnh đạo.


Tổng Thống Putin: Quân Đội Nga Chiến Đấu Tại Ukraine Là Để Bảo Vệ "Lợi Ích Quốc Gia và Tương Lai của Nga"


(Hình AP - Mikhail Metzel: Tổng thống Nga Vladimir Putin có bài phát biểu qua video chúc mừng các cựu chiến binh, quân nhân và nhân viên dân sự của Lực lượng vũ trang và toàn thể công dân Nga nhân Ngày Bảo vệ Tổ quốc tại Ðiện Cẩm Linh, Mạc Tư Khoa, Nga, ngày 23/2/2025.)
-Hôm 23/2/2025, trong một phát biểu nhân Ngày Bảo vệ Tổ quốc tại Nga và trước dịp tròn 3 năm ngày Nga tấn công nước láng giềng Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định binh sĩ Nga chiến đấu tại Ukraine là vì « các lợi ích quốc gia và tương lai của nước Nga".
Thông tấn xã AFP cho hay, trong một video được Ðiện Cẩm Linh loan tải, ông Putin nhắc đến quyết tâm « không gì lay chuyển" trong việc tăng cường sức mạnh quân sự « để đối mặt với các thay đổi nhanh chóng" đang diễn ra trên trường quốc tế. Tổng thống Nga nhấn mạnh đến chủ trương cung cấp cho quân đội các vũ khí và trang thiết bị « tối tân", cho phép bảo vệ được chủ quyền của Nga « trong hiện tại và tương lai".
Trong bài phát biểu nói trên, Tổng thống Nga khẳng định Mạc Tư Khoa đang phải tự vệ trước các đe dọa của Liên minh Phòng thủ Bắc Đại Tây Dương (NATO), và cảnh báo nguy cơ khối mở rộng sang phía Đông. Ông Putin ca ngợi những người lính Nga « sẵn sàng hy sinh mạng sống và không quản ngại nguy hiểm để bảo vệ đất mẹ, các lợi ích quốc gia và tương lai của nước Nga".

Phát biểu của Tổng thống Nga được đưa ra trong bối cảnh Mỹ và Nga nối lại đối thoại với cuộc gặp cấp cao đầu tiên tại Riyadh, Ả Rập Saudi, đầu tuần qua nhằm tìm giải pháp chấm dứt xung đột Nga-Ukraine. Trước đó, ngày 12/2, Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã điện đàm trong một tiếng rưỡi đồng hồ. Ðiện Cẩm Linh khẳng định mong muốn nối lại đối thoại với Hoa Thịnh Ðốn « về mọi phương diện".
Cuộc tấn công Ukraine của Nga, mở đầu từ ngày 24/2/2022, là cuộc chiến tranh đẫm máu nhất tại Âu Châu kể từ khi Ðệ nhị Thế chiến kết thúc. Cho đến nay, theo thông tấn xã AFP, hai trong số các điều kiện mà Nga đưa ra để chấm dứt xung đột là Ukraine không gia nhập NATO và Mạc Tư Khoa kiểm soát các vùng lãnh thổ đã kiểm soát, chiếm gần 20% lãnh thổ Ukraine.


Ukraine: "Sói Thảo Nguyên", Đơn Vị "Lão Thành" ở Vùng Zaporijjia


(Hình RFI / Anastasia Becchio: Ông Oleksandr Taran (giữa) đứng đầu đơn vị "Sói thảo nguyên" gồm cựu chiến binh trên 60 tuổi, tại vùng Zaporijia, Ukraine.)
-Ngày 24/2/2025 đánh dấu tròn 3 năm Nga xâm chiếm nước láng giềng. Nhưng tình hình không thuận lợi cho Kyiv, bị chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump bỏ rơi để đàm phán "trên lưng" với Nga lần thứ hai vào ngày 25/2 tại Ả Rập Saudi. Lệnh động viên không thành công khiến quân đội thiếu lực lượng trong khi quân Nga tiếp tục gây sức ép ở chiến trường miền Đông, đặc biệt quanh thành phố Pokrovsk.
Tuy nhiên, vẫn có một số tình nguyện viên, hết độ tuổi quân sự, vẫn tiếp tục chiến đấu. Đặc phái viên Anastasia Becchio và Boris Vichith của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đã gặp "Sói thảo nguyên" - một đơn vị "lão thành" trên 60 tuổi - tại vùng Zaporijjia:
"Tay cầm cây chổi tròn gắn trên một thanh dài, nhiều người đàn ông khoảng 60 tuổi vệ sinh các ống phóng phi đạn đa nòng. Ông Oleksandr Taran, 67 tuổi có mái tóc bạc trắng và chòm râu dài, đã thành lập đơn vị độc đáo này ở Ukraine. Được gọi là "Ded" - ông nội, ông từng tham gia chiến đấu chống lực lượng ly khai thân Nga trong tiểu đoàn Donbass sau năm 2014. Khi Nga mở cuộc xâm lược toàn diện năm 2022, ông quyết định quay lại chiến đấu.
"Ded" giải thích: "Chúng tôi tự gọi mình là tổ chức tiên phong dành cho những người trên 60 tuổi. Chúng tôi cũng có những người khuyết tật về thể chất, nói tóm lại, tất cả những người mà quân đội không muốn nhận. Luật pháp chỉ cho phép mọi người được chiến đấu đến 60 tuổi".
Đơn vị "Sói thảo nguyên" không hiện diện hợp pháp trong lực lượng vũ trang Ukraine, nhưng họ vẫn tuân thủ mệnh lệnh. Đơn vị này tồn tại nhờ vào lương hưu của các thành viên, cũng như nhờ tiền quyên góp, giúp họ mua nhiên liệu, sửa chữa xe và các bệ phóng. Hiện giờ đơn vị có 14 tình nguyện viên. Chỉ huy Olexandr cho biết không thiếu ứng viên, nhưng không tuyển được vì thiếu tiềm lực.
Đối với ông Timur, không thể chấp nhận được điều này. Giống như chỉ huy "Ded", ông cũng chiến đấu ở Donbass 10 năm, thậm chí còn bị lực lượng ly khai bắt làm tù binh. Ông Timur giải thích: "Tôi có quyền bảo vệ đất nước của mình. Bởi vì trên thực tế, khi 60 tuổi, anh phải xuất ngũ. Dĩ nhiên là anh không thể trở thành lính xung kích những vẫn có thể làm rất nhiều công việc đòi hỏi kỹ năng khác".
Quân đội đang thiếu lực lượng. Chính quyền đã thảo một hợp đồng "rất hời" để thu hút người từ 18-24 tuổi, trước cả tuổi nhập ngũ. Tuy nhiên, đối với ông Olexandr, đây là một ý tưởng tồi: "Ở tuổi 18, họ vẫn là trẻ con. Cháu tôi cũng ở độ tuổi đó. Và sau đó, còn ai ở lại sinh sống và sinh con ở Ukraine? Thật lạ là họ muốn tuyển trẻ con nhưng lại không muốn người già. Bởi vì khi đến 60 tuổi, anh bị đuổi ra đường".
Những người đàn ông 60 tuổi này không có ý định bỏ vũ khí. Ngay ngày mai, họ sẽ lại lên đường với các bệ phóng phi đạn, nhắm vào vị trí của kẻ thù".


Đức Bầu Cử Quốc Hội: Đảng Cánh Hữu của Friedrich Merz Có Khả Năng Được 30% Phiếu


(Hình AP - Michael Probst: Cử tri Đức đi bầu Quốc hội tại một điểm bỏ phiếu ở thủ đô Bá Linh ngày 23/2/2025.)
-Hơn 59 triệu cử tri Đức đi bỏ phiếu bầu Quốc hội trước kỳ hạn hôm 23/2/2025. Các phòng phiếu sẽ đóng cửa vào lúc 6 giờ chiều, giờ địa phương, tức 5 giờ chiều, giờ quốc tế.
Thông tấn xã AFP cho hay, theo thăm dò mới nhất, đảng cánh hữu Dân chủ-Thiên Chúa giáo (CDU) của chính trị gia Friedrich Merz có thể nhận được 30% phiếu bầu, đứng đầu các đảng phái tranh cử. Đảng cực hữu AfD hy vọng về thứ hai, có thể đạt ít nhất 20% phiếu, tức gấp đôi so với cuộc bầu cử 2021. Nếu điều này xảy ra, đây là con số kỷ lục đối với một đảng cực hữu Đức.
Cuộc bầu cử Quốc hội Đức diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế số một của Âu Châu đang đứng trước thách thức chưa từng có từ hơn nửa thế kỷ qua. Từ Bá Linh, thông tín viên Pascal Thibaut của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) giải thích lý do:
« Đức vừa trải qua 2 năm suy thoái, tăng trưởng vẫn ảm đảm, các kế hoạch sa thải đang chồng chất và tinh thần của người dân đang ở mức thấp nhất. Chính phủ kế nhiệm sẽ phải tìm cách giải quyết tình trạng này. Lãnh đạo cánh hữu Friedrich Merz cam kết sẽ cắt giảm đáng kể thuế.

Ngoài ra, mô hình kinh tế Đức đang gặp khó khăn khi ngành công nghiệp phải đối mặt với chi phí năng lượng quá cao, xuất cảng sang Trung Quốc đang giảm và có thể trong tương lai xuất cảng sang Mỹ cũng tương tự, nếu Hoa Thịnh Ðốn tăng thuế nhập cảng đánh vào các sản phẩm "made in Germany". Đức cũng chịu thiệt hại lớn hơn do tình trạng đầu tư không đủ mạnh vào các cơ sở hạ tầng cũng như quốc phòng.
Chính phủ mới sẽ phải đối mặt với một trách nhiệm vô cùng lớn, đặc biệt là khi phe cực hữu dự kiến sẽ giành được thắng lợi lịch sử vào đêm nay (23/2). Trong trường hợp thất bại trong những năm tới, nhiều người lo lắng chờ đợi cuộc bầu cử Quốc hội năm 2029.
Cuối cùng, một trụ cột quan trọng khác đối với cường quốc số một Âu Châu này đang bị thách thức, đó là quan hệ xuyên Đại Tây Dương và mối liên kết bền chặt trong lịch sử với Hoa Kỳ. Liệu nước Đức - dưới thời Thủ tướng Olaf Scholz, vốn không giữ vai trò hàng đầu ở Âu Châu - có sẵn sàng đóng vai trò dẫn đầu trong tương lai hay không? Friedrich Merz hôm 22/2 đã hứa hẹn rằng nhờ ông mà nước Đức sẽ một lần nữa có được tiếng nói mạnh mẽ ở Âu Châu".


Vatican Bác Bỏ Tin Đồn Giáo Hoàng Từ Nhiệm Dù Tình Trạng Sức Khỏe "Nguy Kịch"


(Hình REUTERS / Guglielmo Mangiapane: Папа Франциск під час щотижневої загальної аудієнції в залі Павла VI у Ватикані, 12 лютого 2025.)
-Ngày 22/2/2025, tòa thánh Vatican cho biết tình hình sức khỏe Giáo hoàng Francis, nhập viện từ hôm 14/2, đang xấu đi. Tuy nhiên, tòa thánh cũng bác bỏ những tin tức lan truyền cho rằng ngài sẽ từ nhiệm.
Thông tín viên Eric Sénanque của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tại Roma cho biết cụ thể:
« Từ khi ngài nhập viện cách nay 8 ngày, đây là thông tin về sức khỏe đáng báo động nhất về điều kiện sức khỏe của Giáo hoàng Francis. Vatican nêu rõ, hôm qua, đức Giáo hoàng đã bị "một cơn hen suyễn kéo dài, phải dùng máy trợ thở lưu lượng cao. Giáo hoàng nay đã 88 tuổi hiện đang trong "tình trạng nguy kịch" và Tòa thánh cũng khẳng định tiên lượng về bệnh tình của ngài vẫn chưa thể công bố.
Tình trạng sức khỏe của đức giám mục thành Roma xấu đi vào lúc có nhiều tin đồn về khả năng ngài từ nhiệm lan truyền, một số tiếng nói tại Roma không ngần ngại đưa ra giả thuyết này. Trên một số mạng xã hội, như X, tin giả thậm chí còn thông báo Giáo hoàng qua đời. Trong một cuộc phỏng vấn cho tờ Corriere della Sera, hồng y Parolin, nhân vật số hai của Tòa Thánh, đã lên án "những tin đồn vô ích".
Vào tối thứ Sáu (21/2), cuộc họp báo đầu tiên của các Bác sĩ tại bệnh viện Gemelli đã cho phép xua tan ý tưởng này khi nhắc lại rằng mặc dù tình trạng nghiêm trọng, Giáo hoàng vẫn giữ được tinh thần tốt và "tim của ngài vẫn hoàn hảo"".

Bắc Hàn Mở Cửa Lại, Đón Khách Quốc Tế Sau 5 Năm Cô Lập Vì Covid-19

-Tại Á Châu, tuần vừa qua cũng đánh dấu sự trở lại của những khách du lịch đầu tiên tại Bắc Hàn. Bình Nhưỡng đã đóng cửa biên giới từ 5 năm qua khi đại dịch Covid-19 nổ ra, khiến đất nước bị cô lập với thế giới.
Trong khi khách du lịch Nga được phép vào Bắc Hàn từ tháng Hai năm 2024 sau khi Mạc Tư Khoa và Bình Nhưỡng thắt chặt quan hệ, quốc gia này vẫn đóng cửa với khách du lịch từ các nước khác, ngay cả với khách Trung Quốc (từng chiếm 90% lượng khách vào Bắc Hàn trước đại dịch).
Ngày 18/2, một công ty du lịch Trung Quốc cho biết đã được Bình Nhưỡng bật đèn xanh cho phép mở các tour du lịch đến khu vực Razon, gần biên giới với Nga và Trung Quốc. Đây là khu vực duy nhất, được thiết lập để đón du khách ngoại quốc từ năm 1991.
Ông Rowan Beard, quốc tịch Úc Ðại Lợi, điều hành tour của công ty Young Pionner Tours, có trụ sở tại Trung Quốc, là một trong những khách phương Tây đầu tiên quay trở lại Bắc Hàn trong tuần này.

Trả lời nhà báo Nicolas Rocca của RFI Pháp ngữ, ông Beard cho biết: « Đại dịch Covid-19 vẫn hiện diện trong tâm trí của người dân Bắc Hàn. Họ đo nhiệt độ tại cửa khẩu, hỏi xem tình trạng sức khỏe ra sao, và thực hiện tất cả các biện pháp kiểm tra để chắc chắn rằng không ai gây ra vấn đề nào cho hệ thống y tế của nước này... Người dân rất vui mừng khi thấy những khách du lịch khác, không phải là người Nga. Ai cũng mong đợi rằng Bình Nhưỡng sẽ sớm mở cửa trở lại đón khách, có thể vào tháng Tư".
Tất cả du khách đến Bắc Hàn đều phải đăng ký với các tour du lịch có hướng dẫn viên, được Bình Nhưỡng phê duyệt, không được tự đi du lịch một mình.

Du khách phải tuân thủ các quy tắc nghiêm ngặt, bao gồm các hạn chế về chụp ảnh, nói chuyện và giao lưu với người dân địa phương. Các tour thường có giá khởi điểm từ 645 Euro cho một khách, và kéo dài 4 đêm tại Rason.
Theo nhiều báo cáo, có khoảng 5.000 khách du lịch phương Tây đến thăm Bắc Hàn hàng năm trước khi nước này đóng cửa biên giới vì đại dịch.
Việc mở cửa trở lại của Bình Nhưỡng cũng có thể là dấu hiệu cho thấy nhu cầu về ngoại tệ, thay đổi trong chính sách ứng phó với đại dịch hoặc là nỗ lực nhằm tái hợp với cộng đồng quốc tế, theo các điều kiện riêng của Bình Nhưỡng.


Bắc Kinh Cáo Buộc Úc Ðại Lợi "Thổi Phồng" Các Cuộc Tập Trận Hải Quân Bắn Đạn Thật của Trung Quốc


(Ảnh AP / do Australian Defense Force (Lực lượng Phòng vệ Úc Ðại Lợi) cung cấp: Khu trục hạm lớp Jiangkai Hengyang của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đi qua eo biển Torres, gần bờ biển Úc Ðại Lợi, ngày 11/2/2025.)
-Hôm 23/2/2025, Bộ Quốc phòng Trung Quốc chỉ trích Canberra đã « cố tình thổi phồng" tác động của các tập trận Hải quân bắn đạn thật của Trung Quốc tại vùng biển quốc tế, ngoài khơi nước Úc Ðại Lợi. Các cuộc tập trận bắn đạn thật từ ngày 21/2 tại biển Tasman buộc nhiều hãng hàng không phải đổi đường bay. Úc Ðại Lợi nhiều lần tố cáo Trung Quốc thiếu minh bạch thông tin.

Theo thông lệ quốc tế, bất kỳ cuộc diễn tập nào liên quan đến bắn đạn thật, phải thông báo trước từ 12 đến 24 tiếng đồng hồ. Một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết, trong một tuyên bố hôm 23/2, là « Trung Quốc đã nhiều lần ban hành các khuyến cáo".
Cuộc tập trận của hạm đội Trung Quốc tại vùng biển Tasman, với một tàu tuần dương, một khinh hạm và một tàu chở dầu tiếp tế, diễn ra trong hai ngày, thứ Sáu 21/2 và thứ Bảy 22/2.
Theo chính quyền Úc Ðại Lợi, các cảnh báo đã được Trung Quốc đưa ra « rất muộn", gây « bối rối" cho các hãng hàng không, buộc nhiều chuyến bay phải đột ngột chuyển hướng. Ngoại trưởng Úc Ðại Lợi hôm 21/2 đã phải bày tỏ quan ngại với người đồng cấp Trung Quốc, bên lề hội nghị Ngoại trưởng G20, về việc thiếu thông tin « minh bạch" liên quan đến cuộc tập trận này.
Cho đến hôm 22/2, Canberra phàn nàn vẫn chưa nhận được « phản hồi thỏa đáng" từ Bắc Kinh liên quan đến cuộc tập trận ngày hôm trước, buộc nhiều hãng hàng không phải đột ngột thay đổi đường bay.


Đội Hàng Không Mẫu Hạm Pháp Tập Trận Với Quân Đội Phi Luật Tân ở Biển Đông


(Hình AP - Joeal Calupitan: Hàng không mẫu hạm nguyên tử Pháp Charles-de-Gaulle thăm cảng Subic Bay, trước là căn cứ quân sự của Mỹ ở Tây-Bắc Manila, Phi Luật Tân, ngày 23/2/2025.)
-Theo một số viên chức Pháp được hãng thông tấn AP trích dẫn, hộ tống hàng không mẫu hạm Pháp trong chuyến thăm Phi Luật Tân lần đầu tiên còn có ba khu trục hạm và một tàu tiếp nhiên liệu. Đội tàu cập cảng Subic Bay ngày 21/2 sau hơn hai tháng khai triển ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương để hợp tác với các đối tác, trong đó có Phi Luật Tân, chuẩn bị cho các tình huống khẩn cấp và cổ vũ cho an ninh trong vùng.
Hai bên đã tổ chức thao dượt chống tàu ngầm, huấn luyện tác chiến trên không tại khu vực Biển Đông. Phát ngôn viên các lực lượng vũ trang Phi Luật Tân - đại tá Xerxes Trinidad cho biết những hoạt động khai triển quân sự gần đây và đang diễn ra giữa Pháp và Phi Luật Tân nhấn mạnh đến "cam kết đối với an ninh trong vùng và mục tiêu chung là tăng cường hợp tác hàng hải ở Ấn Độ-Thái Bình Dương".

Pháp gia tăng cam kết quân sự với Phi Luật Tân và nhiều nước Đông-Nam Á khác đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông, nơi được coi là tuyến hàng hải huyết mạch cho thương mại và an ninh thế giới. Tuy nhiên, Paris luôn khẳng định các hoạt động đó chỉ nhằm chuẩn bị cho các tình huống khẩn cấp và không nhắm vào bất kỳ nước nào.
Năm 2023, Bộ trưởng Quân Lực Pháp Sébastien Lecornu và đồng nhiệm Phi Luật Tân Gilberto Teodoro đã ký một thỏa thuận nhằm tăng cường hợp tác quân sự song phương và các cam kết chung. Từ năm 2024, hai nước đàm phán về một Hiệp ước Quốc phòng cho phép quân đội của mỗi nước tổ chức tập trận trên lãnh thổ của nước kia. Các nhà đàm phán Pháp đã trình Dự thảo thỏa thuận với các đồng nhiệm Phi Luật Tân để bắt đầu thảo luận.

Cam Bốt: Hoạt Động Rà Phá Bom Mìn Bị Ảnh Hưởng Do Mỹ Ngừng Viện Trợ

-Tại Đông-Nam Á, theo thông tấn xã AFP, việc Hoa Kỳ ngừng viện trợ ngoại quốc đã tác động một phần đến các hoạt động rà phá mìn tại Việt Nam và cả Cam Bốt, nơi mà bom mìn do chiến tranh để lại trong ba thập kỷ vẫn tiếp tục đe dọa cuộc sống của hàng ngàn người.
Từ nhiều năm qua, Hoa Kỳ đã tài trợ cho các hoạt động dọn dẹp những nơi bị mìn và các loại đạn dược chưa nổ đe dọa. Trong chiến tranh Việt Nam, Hoa Kỳ đã thả hàng ngàn tấn bom vào Cam Bốt vì cho rằng nước này « chứa những kẻ nổi loạn Cộng sản".
Từ năm 1979, bom mìn đã khiến ít nhất 20.000 người chết tại nước này. Với chính sách mới của chính quyền Trump, một phần hoạt động rà phá mìn đã bị tạm ngưng, tác động đến công việc của 1.000 nhân viên và chuyên gia, làm việc tại khu vực rộng 1.600 cây số vuông, nơi sinh sống của gần 1 triệu người.

Sau thông báo của Hoa Kỳ, Trung Quốc, một đồng minh lâu năm của Nam Vang vào tháng này, đã hứa hỗ trợ 4,4 triệu Mỹ kim cho các hoạt động này. Tuy nhiên hỗ trợ của Bắc Kinh chỉ gần bằng một nửa khoản tiền mà Hoa Thịnh Ðốn cung cấp (gần 10 triệu Mỹ kim mỗi năm).
Cam Bốt là nước đã tiến hành các hoạt động rà phá mìn trên diện tích rộng nhất vào năm 2023, tương đương với khoảng 167 cây số vuông. Được coi là chuyên gia trong lĩnh vực này, Nam Vang đã hỗ trợ đào tạo cho Ukraine khử mìn do cuộc chiến với Nga để lại.


Mỹ Hạn Chế Đầu Tư Trung Quốc Vào Các Lĩnh Vực "Chiến Lược" của Hoa Kỳ


(Hình AP / Evan Vucci: Bộ trưởng Tài chánh Mỹ Scott Bessent (trái) và Tổng thống Donald Trump (phải) tại Tòa Bạch Ốc, ngày 3/2/2025.)
-Hôm 21/2/2025, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một bản ghi nhớ nhằm hạn chế các khoản đầu tư của Trung Quốc vào các lĩnh vực chiến lược của Mỹ, bao gồm kỹ thuật và cơ sở hạ tầng quan trọng.
Theo thông tin từ trang web chính thức của Tòa Bạch Ốc, mục tiêu của bản ghi nhớ này là nhằm « thúc đẩy ngoại quốc đầu tư mà vẫn bảo vệ được lợi ích an ninh quốc gia của Hoa Kỳ, đặc biệt là chống lại các mối đe dọa do các đối thủ ngoại quốc như Trung Quốc gây ra". Chính quyền Mỹ cáo buộc Bắc Kinh « ngày càng khai thác nhiều tài nguyên của Mỹ để phát triển và hiện đại hóa các thiết bị quân sự, tình báo và các thiết bị an ninh khác".

Quyết định của Tổng thống Mỹ được đưa ra trong bối cảnh ít tiếng đồng hồ trước đó, Bộ trưởng Tài chánh Mỹ Scott Bessent và Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong (He Lifeng), người chịu trách nhiệm giám sát các chính sách kinh tế của Bắc Kinh, đã có cuộc trao đổi đầu tiên kể từ khi ông Donald Trump trở lại Tòa Bạch Ốc. Mỗi bên đều bày tỏ « quan ngại sâu sắc" về chính sách của bên kia trong nhiều vấn đề khác nhau.
Theo đài Nhật NHK, sau cuộc điện đàm giữa viên chức hai bên, Hoa Thịnh Ðốn ra một tuyên bố cho biết Bộ trưởng Tài chánh Bessent chỉ trích những chính sách kinh tế và thương mại của phía Trung Quốc là « bất công và không cân bằng", đồng thời nhấn mạnh cam kết của chính quyền Trump trong việc « bảo vệ người lao động Mỹ và an ninh quốc gia". Ngoài ra, theo hãng tin AFP, ông Bessent còn quan ngại về Bắc Kinh không đủ nỗ lực trong công cuộc chống buôn lậu ma túy, sau nhiều lần Hoa Thịnh Ðốn cáo buộc Trung Quốc là nguồn cung cấp hóa chất để sản xuất loại ma túy tổng hợp fentanyl.
Về phần mình, Phó Thủ tướng Hà Lập Phong cũng bày tỏ « quan ngại sâu sắc" với quyết định tăng thuế quan mà Tổng thống Mỹ áp đặt với các hàng hóa nhập cảng từ Trung Quốc. Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV cho biết thêm rằng hai bên đều « nhận thức được tầm quan trọng của mối quan hệ kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ và đã đồng ý tiếp tục duy trì liên lạc về các vấn đề mà cả hai bên cùng quan tâm".


Ông Trump Ký Lệnh Chấm Dứt Phúc Lợi Cho Di Dân Bất Hợp Pháp


(Hình AFP: Di dân xếp hàng chờ được cứu xét tạm thời tình trạng di trú tại Jacumba Hot Springs, California, Hoa Kỳ, ngày 5/6/2024.)
-Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã ký lệnh nhằm chấm dứt phúc lợi liên bang cho di dân bất hợp pháp, Tòa Bạch Ốc cho biết hôm 19/2/2025, động thái mới nhất của ông trong một loạt động thái nhằm trấn áp di dân.
Tòa Bạch Ốc cho biết lệnh này nhằm chấm dứt "tất cả các phúc lợi do người nộp thuế tài trợ cho di dân bất hợp pháp", nhưng không rõ những phúc lợi nào sẽ bị nhắm tới. Những di dân bất hợp pháp thường không đủ điều kiện, ngoại trừ chăm sóc y tế khẩn cấp. Trẻ em có quyền được giáo dục công lập miễn phí từ mẫu giáo đến lớp 12 bất kể tình trạng nhập cư theo phán quyết của Tòa án Tối cao năm 1982.
Lệnh này lưu ý rằng một cuộc cải cách phúc lợi năm 1996 đã từ chối hầu hết các phúc lợi công cho những di dân bất hợp pháp nhưng cho biết luật này đã dần bị phá hoại. "Trong 4 năm qua, nói riêng, chính quyền trước đây đã nhiều lần làm suy yếu các mục tiêu của luật đó, dẫn đến việc chi tiêu không đúng mục đích các nguồn lực đáng kể của người nộp thuế".
Lời lẽ của ông Trump dường như nhắm vào việc cựu Tổng thống Joe Biden sử dụng rộng rãi quyền đặc xá để cho phép mọi người tạm thời ở lại Mỹ, bao gồm hơn 900.000 người thông qua ứng dụng đặt lịch hẹn trực tuyến có tên là CBP One được sử dụng tại các cửa khẩu biên giới với Mễ Tây Cơ và hơn 500.000 người Cuba, Haiti, Nicaragua và Venezuela đã bay đến Hoa Kỳ bằng chi phí của họ với một nhà bảo lãnh tài chánh. Ông Trump đã ngay lập tức chấm dứt cả hai chương trình.

Ông Biden cũng đã cho phép vào nước Mỹ cho gần 300.000 người từ Ukraine và A Phú Hãn.
Những người được ban cho quy chế đặc xá trong ít nhất một năm được coi là "những người không phải là công dân nhưng đủ điều kiện" để nhận một số phúc lợi dựa trên thu nhập, nhưng chỉ sau năm năm. Các phúc lợi này bao gồm Medicaid và Chương trình bảo hiểm y tế trẻ em vốn cung cấp bảo hiểm cho trẻ em trong các gia đình có thu nhập cao hơn mức có thể nhận Medicaid, theo Trung tâm dịch vụ Medicare và Medicaid của Hoa Kỳ.
Một số tiểu bang đã rút ngắn thời gian chờ đợi 5 năm.
Sắc lệnh của ông Trump dường như có những mục tiêu khác, một số đã là đối tượng của các Sắc lệnh trước đó và là đối tượng của các vụ kiện từ Bộ Tư pháp. Sắc lệnh này chỉ đạo tất cả các bộ và cơ quan xác định khoản chi phúc lợi liên bang không phù hợp với luật phúc lợi năm 1996. Sắc lệnh này cũng nhằm bảo đảm rằng chính quyền tiểu bang và địa phương không sử dụng tiền của liên bang cho các chính sách hỗ trợ quy chế "an trú" hoặc khuyến khích nhập cư bất hợp pháp.
Ông Trump đã ký 10 Sắc lệnh về di trú vào ngày đầu tiên nhậm chức. Trong đó có việc chấm dứt quyền công dân tự động đối với những người sinh ra tại Hoa Kỳ và quyền xin tị nạn tại biên giới phía Nam. Sắc lệnh về quyền công dân theo nơi sinh đã tạm thời bị tòa án đình chỉ.


Chỉ Trong Một Tháng Donald Trump Làm Xáo Trộn Nước Mỹ Như Thế Nào?


(Hình AP: Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tại Tòa Bạch Ốc, Hoa Thịnh Ðốn, ngày 20/2/2025.)
-Tổng thống Donald Trump đã khiến nước Mỹ xáo trộn như thế nào sau một tháng lên cầm quyền? Ukraine cầm cự trước Nga được bao lâu nếu Mỹ quay lưng? Tại Cam Bốt, tính mạng của hàng ngàn người bị đe dọa vì Hoa Kỳ ngừng hỗ trợ rà phá bom mìn; Bắc Hàn mở cửa trở lại tiếp đón khách du lịch quốc tế, là những chủ đề chính trong mục tạp chí Thế giới Đó đây tuần này.
Hôm thứ Năm (20/2/2025) vừa qua, Tổng thống Donald Trump đánh dấu một tháng quay trở lại Tòa Bạch Ốc. Những tuần đầu tiên trong nhiệm kỳ thứ hai của ông được đánh dấu bằng việc bổ nhiệm Nội các gây nhiều tranh cãi, nhất là vị trí Bộ trưởng Quốc phòng của Pete Hegseth, với cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện. Ông Trump cũng gây chú ý bằng cách đổi tên vịnh Mehicô thành Vịnh Hoa Kỳ, gây ra sự phản đối trong nước và từ Tổng thống thống Mễ Tây Cơ.
Với khẩu hiệu được duy trì từ nhiệm kỳ đầu, « America First", Tổng thống Trump đã mở ra nhiều mặt trận thương mại, với Gia Nã Ðại, Trung Quốc, và Liên Hiệp Âu Châu, bằng các chính sách thuế quan để bảo vệ thị trường nội địa.
Tháng đầu tiên của chính quyền Trump cũng cho thấy vai trò của tỉ phú Elon Musk, đứng đầu bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE), với các quyết định sa thải hàng loạt, cắt giảm nhiều khoản hỗ trợ ngoại quốc của Hoa Kỳ.

Giáo sư Khoa học chính trị D. Stephen Voss của Đại học Kentucky trả lời Newsweek, cho rằng « Trump đã học được từ nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên. Lần này, Trump rõ ràng nhận ra tầm quan trọng của việc thay đổi chính sách nhiều nhất có thể, ở mức độ chưa từng có..".
Giáo sư Robert Collins thuộc Đại học Dillard, ví tháng đầu tiên của Trump giống như « tuần trăng mật" ở Tòa Bạch Ốc. Trả lời tạp chí Newsweek, ông giải thích « Trump ở nhiệm kỳ hai đã hành động nhanh chóng và phá vỡ mọi thứ, để xây dựng lại chính phủ theo hình ảnh của mình, bởi vì ông ta hiểu rằng một khi dư luận bắt đầu chống lại mình, thì sẽ dần mất đi những người ủng hộ trong đảng Cộng hòa ở Quốc hội ở các tiểu bang dao động, vì họ sẽ lo lắng về cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của mình. Như vậy, ông ấy có rất ít thời gian để hoàn thành chương trình nghị sự".
Bà Anne Deysine, chuyên gia về chính trị Hoa Kỳ, giảng viên tại Đại học Paris-Nanterre, trả lời RFI Pháp ngữ cho rằng « hiện tại tỷ lệ ủng hộ Donald Trump vào khoảng 50%, nhưng đang bắt đầu giảm xuống, vì tỷ lệ lạm phát đang tăng trở lại. Cuộc truy quét người di cư, những người nhập cư không giấy tờ khiến cho những người này phải « kín tiếng", sợ hãi, và ngừng tiêu dùng. Ở một số thành phố, các cửa hàng cố gắng giữ khách, có nguy cơ phải đóng cửa hàng loạt. Thêm vào đó, đe dọa tăng thuế quan, hay sự trả đũa của các nước khác đối với Hoa Kỳ, cũng có thể khiến tình trạng lạm phát trầm trọng hơn. Những lời hứa của Donald Trump đã tác động nhiều đến cử tri, những người do dự, vì họ cho rằng chính quyền Biden không quan tâm đầy đủ đến những vấn đề lạm phát và sức mua. Nhưng hiện giờ, họ nhận ra rằng là giá trứng đã tăng gấp nhiều lần. Ông Trump cũng bắt đầu thừa nhận là sẽ có chút khó khăn, nhưng vì một mục đích tốt và mọi chuyện sẽ ổn thôi, như mọi khi, tức là ổn là nhờ ông Trump".
Về đối ngoại, sự can dự của Trump vào cuộc chiến ở Ukraine cũng đã gây ra nhiều tranh cãi, khi nguyên thủ Mỹ quay lưng lại với đồng minh Âu Châu, bắt tay với Nga, gạt Ukraine khỏi bàn đàm phán hòa bình, thậm chí còn đưa ra những tuyên bố sai lệch gây sốc, ví dụ như cho rằng chính Ukraine đã khai mào cuộc chiến, chứ không phải Nga xâm lược. Ông Trump cũng chỉ trích những viện trợ cho Ukraine được cấp bởi chính quyền Biden.

Quyền Kiểm Soát Nghệ Thuật Loạt Phim Huyền Thoại James Bond Rơi Vào Tay Amazon

-Trong lĩnh vực văn hóa, Anh Quốc vừa mất đi « quyền kiểm soát về sáng tạo" của studio sản xuất phim James Bond, vào tay tập đoàn Hoa Kỳ Amazon sau khi đạt được thỏa thuận với gia đình Broccoli, nhà sản xuất lâu năm của bộ phim huyền thoại, có sức ảnh hưởng lớn trong lịch sử của nền điện ảnh thứ bảy.
Từ Luân Đôn, thông tín viên Emeline Vin của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) cho biết thêm thông tin:
« Amazon đã mua lại studio James Bond, MGM, vào năm 2021, nhưng nhà sản xuất, kiểm soát sáng tạo vẫn nằm trong tay Anh Quốc. Barbaba Brococoli và Michael Wilson, con gái và con rể của Cubby Brocolo, là nhà sản xuất phụ trách việc nhượng quyền phim từ năm 1962 cùng với Dr.No. Cả hai đều giám sát tất cả các loạt phim về điệp viên 007 từ năm 1995.
Barbara Brocoli và Michael Wilson quản lý việc nhượng quyền, cho đến thứ Năm, 20/2, khi Amazon nắm quyền, phụ trách các lựa chọn về nghệ thuật, ví dụ như là sáng tạo tương lai của James Bond, Jeff Bezos ngay lập tức, đã yêu cầu những người theo dõi trên mạng xã hội đưa ra các gợi ý, không loại trừ các dự án 'phái sinh', theo cách mà Disney đã làm với Star Wards (Cuộc chiến giữa các Vì sao).
Barbara Brocoli tỏ ra nghi ngờ với chính sách nghệ thuật của Amazon, nhưng anh trai của bà thì hy vọng nghỉ hưu và nhà sản xuất cho biết muốn dành thời gian vào những dự án khác. Số tiền chuyển nhượng không được tiết lộ".
Amazon đã mua lại hãng sản xuất phim huyền thoại Hollywood MGM vào năm 2022 với giá 8,45 tỉ Mỹ kim, trong đó bao gồm cả danh mục phim cũ về James Bond.

Không có nhận xét nào: