Đội tàu sân bay Pháp tập trận với quân đội Philippines ở Biển Đông Tàu sân bay hạt nhân Pháp Charles-de-Gaulle cùng đội tàu hộ tống và đối tác Philippines trở lại cảng Subi Bay ngày 23/02/2025 sau khi hoàn thành cuộc tập trận chiến đấu. Tàu sân bay duy nhất của Pháp đến thăm Philippines ngày 21/02 trong khuôn khổ nhiệm vụ CLEMENCEAU 25. Hoạt động của đội tàu Pháp có thể sẽ khiến Trung Quốc tức giận. Theo một số quan chức Pháp được AP trích dẫn, hộ tống tàu sân bay Pháp trong chuyến thăm Philippines lần đầu tiên còn có ba tàu khu trục và một tàu tiếp nhiên liệu.
<!>
Đội tàu cập cảng Subic Bay ngày 21/02 sau hơn hai tháng triển khai ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương để hợp tác với các đối tác, trong đó có Philippines, chuẩn bị cho các tình huống khẩn cấp và cổ vũ cho an ninh trong vùng.
Hai bên đã tổ chức thao dượt chống tàu ngầm, huấn luyện tác chiến trên không tại khu vực Biển Đông. Người phát ngôn các lực lượng vũ trang Philippines - đại tá Xerxes Trinidad cho biết những hoạt động triển khai quân sự gần đây và đang diễn ra giữa Pháp và Philippines nhấn mạnh đến “cam kết đối với an ninh trong vùng và mục tiêu chung là tăng cường hợp tác hàng hải ở Ấn Độ-Thái Bình Dương”.
Pháp gia tăng cam kết quân sự với Philippines và nhiều nước Đông Nam Á khác đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông, nơi được coi là tuyến hàng hải huyết mạch cho thương mại và an ninh thế giới. Tuy nhiên, Paris luôn khẳng định các hoạt động đó chỉ nhằm chuẩn bị cho các tình huống khẩn cấp và không nhắm vào bất kỳ nước nào.
Năm 2023, bộ trưởng Quân Lực Pháp Sébastien Lecornu và đồng nhiệm Philippines Gilberto Teodoro đã ký một thỏa thuận nhằm tăng cường hợp tác quân sự song phương và các cam kết chung. Từ năm 2024, hai nước đàm phán về một Hiệp ước Quốc phòng cho phép quân đội của mỗi nước tổ chức tập trận trên lãnh thổ của nước kia. Các nhà đàm phán Pháp đã trình dự thảo thỏa thuận với các đồng nhiệm Philippines để bắt đầu thảo luận.
Đức bầu cử Quốc Hội : Đảng cánh hữu của Friedrich Merz có khả năng được 30% phiếu
Hơn 59 triệu cử tri Đức đi bỏ phiếu bầu Quốc Hội trước kỳ hạn hôm nay, 23/02/2025. Các phòng phiếu sẽ đóng cửa vào lúc 18 giờ, giờ địa phương, tức 17 giờ, giờ quốc tế.
AFP cho hay, theo thăm dò mới nhất, đảng cánh hữu Dân Chủ - Thiên Chúa giáo (CDU) của chính trị gia Friedrich Merz có thể nhận được 30% phiếu bầu, đứng đầu các đảng phái tranh cử. Đảng cực hữu AfD hy vọng về thứ hai, có thể đạt ít nhất 20% phiếu, tức gấp đôi so với cuộc bầu cử 2021. Nếu điều này xảy ra, đây là con số kỷ lục đối với một đảng cực hữu Đức.
Cuộc bầu cử Quốc Hội Đức diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế số một của châu Âu đang đứng trước thách thức chưa từng có từ hơn nửa thế kỷ qua. Từ Berlin, thông tín viên Pascal Thibaut giải thích lý do :
« Đức vừa trải qua hai năm suy thoái, tăng trưởng vẫn ảm đảm, các kế hoạch sa thải đang chồng chất và tinh thần của người dân đang ở mức thấp nhất. Chính phủ kế nhiệm sẽ phải tìm cách giải quyết tình trạng này. Lãnh đạo cánh hữu Friedrich Merz cam kết sẽ cắt giảm đáng kể thuế.
Ngoài ra, mô hình kinh tế Đức đang gặp khó khăn khi ngành công nghiệp phải đối mặt với chi phí năng lượng quá cao, xuất khẩu sang Trung Quốc đang giảm và có thể trong tương lai xuất khẩu sang Mỹ cũng tương tự, nếu Washington tăng thuế nhập khẩu đánh vào các sản phẩm "made in Germany". Đức cũng chịu thiệt hại lớn hơn do tình trạng đầu tư không đủ mạnh vào các cơ sở hạ tầng cũng như quốc phòng.
Chính phủ mới sẽ phải đối mặt với một trách nhiệm vô cùng lớn, đặc biệt là khi phe cực hữu dự kiến sẽ giành được thắng lợi lịch sử vào đêm nay (23/02). Trong trường hợp thất bại trong những năm tới, nhiều người lo lắng chờ đợi cuộc bầu cử Quốc Hội năm 2029.
Cuối cùng, một trụ cột quan trọng khác đối với cường quốc số một châu Âu này đang bị thách thức, đó là quan hệ xuyên Đại Tây Dương và mối liên kết bền chặt trong lịch sử với Hoa Kỳ. Liệu nước Đức - dưới thời thủ tướng Olaf Scholz, vốn không giữ vai trò hàng đầu ở châu Âu - có sẵn sàng đóng vai trò dẫn đầu trong tương lai hay không? Friedrich Merz hôm qua đã hứa hẹn rằng nhờ ông mà nước Đức sẽ một lần nữa có được tiếng nói mạnh mẽ ở châu Âu.
Bắc Kinh cáo buộc Úc "thổi phồng" các cuộc tập trận hải quân bắn đạn thật của Trung Quốc
Hôm nay, 23/02/2025, bộ Quốc Phòng Trung Quốc chỉ trích Canberra đã « cố tình thổi phồng » tác động của các tập trận hải quân bắn đạn thật của Trung Quốc tại vùng biển quốc tế, ngoài khơi nước Úc. Các cuộc tập trận bắn đạn thật từ ngày 21/02 tại biển Tasman buộc nhiều hãng hàng không phải đổi đường bay. Úc nhiều lần tố cáo Trung Quốc thiếu minh bạch thông tin.
Theo thông lệ quốc tế, bất kỳ cuộc diễn tập nào liên quan đến bắn đạn thật, phải thông báo trước từ 12 đến 24 giờ. Một phát ngôn viên của bộ Quốc Phòng Trung Quốc cho biết, trong một tuyên bố hôm nay, là « Trung Quốc đã nhiều lần ban hành các khuyến cáo ».
Úc tố cáo Trung Quốc đưa ra cảnh báo « rất muộn »
Cuộc tập trận của hạm đội Trung Quốc tại vùng biển Tasman, với một tàu tuần dương, một khinh hạm và một tàu chở dầu tiếp tế, diễn ra trong hai ngày, thứ Sáu 21/02 và thứ Bảy 22/02.
Theo chính quyền Úc, các cảnh báo đã được Trung Quốc đưa ra « rất muộn », gây « bối rối » cho các hãng hàng không, buộc nhiều chuyến bay phải đột ngột chuyển hướng. Ngoại trưởng Úc hôm 21/02 đã phải bày tỏ quan ngại với người đồng cấp Trung Quốc, bên lề hội nghị ngoại trưởng G20, về việc thiếu thông tin « minh bạch » liên quan đến cuộc tập trận này.
Cho đến hôm qua, Canberra phàn nàn vẫn chưa nhận được « phản hồi thỏa đáng » từ Bắc Kinh liên quan đến cuộc tập trận ngày hôm trước, buộc nhiều hãng hàng không phải đột ngột thay đổi đường bay.
Vatican bác bỏ tin đồn giáo hoàng từ nhiệm dù tình trạng sức khỏe "nguy kịch"
Ngày 22/02/2025, tòa thánh Vatican cho biết tình hình sức khỏe giáo hoàng Phanxicô, nhập viện từ hôm 14/02, đang xấu đi. Tuy nhiên, tòa thánh cũng bác bỏ những tin tức lan truyền cho rằng ngài sẽ từ nhiệm.
Thông tín viên Eric Sénanque tại Roma cho biết cụ thể :
« Từ khi ngài nhập viện cách nay 8 ngày, đây là thông tin về sức khỏe đáng báo động nhất về điều kiện sức khỏe của giáo hoàng Phanxicô. Vatican nêu rõ, hôm qua, đức giáo hoàng đã bị "một cơn hen suyễn kéo dài, phải dùng máy trợ thở lưu lượng cao. Giáo hoàng nay đã 88 tuổi hiện đang trong "tình trạng nguy kịch" và Tòa thánh cũng khẳng định tiên lượng về bệnh tình của ngài vẫn chưa thể công bố.
Tình trạng sức khỏe của đức giám mục thành Roma xấu đi vào lúc có nhiều tin đồn về khả năng ngài từ nhiệm lan truyền, một số tiếng nói tại Roma không ngần ngại đưa ra giả thuyết này. Trên một số mạng xã hội, như X, tin giả thậm chí còn thông báo giáo hoàng qua đời. Trong một cuộc phỏng vấn cho tờ Corriere della Sera, hồng y Parolin, nhân vật số hai của Tòa Thánh, đã lên án “những tin đồn vô ích”.
Vào tối thứ Sáu (21/02), cuộc họp báo đầu tiên của các bác sĩ tại bệnh viện Gemelli đã cho phép xua tan ý tưởng này khi nhắc lại rằng mặc dù tình trạng nghiêm trọng, giáo hoàng vẫn giữ được tinh thần tốt và "tim của ngài vẫn hoàn hảo". »
--
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét