Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 23 tháng 5, 2024

Tháng ngày lính lác - Trần Yên Hòa


Trại tiếp chuyển Nguyễn Tri Phương là nơi chứa những tân khóa sinh như tụi tôi, sẽ được sống, sinh hoạt ở đây, để đợi đến ngày nhập khóa (đang là tân binh). Trại là những dãy nhà tiền chế của Mỹ. Mỗi nhà chứa được một đại đội, khoảng 200 tân khóa sinh. Trại kê những cái giường sắt đôi, trên một dưới một (như ở TT1/TMNN). Anh em từ miền trung vô, được một sĩ quan cấp trung úy chỉ huy. Chúng tôi được cung cấp thêm một bidong để đựng nước uống, một gamen dùng đựng cơm, một xẽng cá nhân, một dây ba chạt cùng ba lô...Coi như mỗi người tân khóa sinh được trang bị đầy đủ như một người lính tác chiến (chỉ trừ đạn và súng, phải nhâp khóa bên TT/HL Quang Trung, mới được phát).
<!>
Từ năm 1967, tình trạng chiến tranh leo thang, những thanh niên có tú tài 1 trở lên, nhưng thanh niên dù đang làm việc như công chức hay tư chức, đều bị động viên đi Thủ Đức. Khóa 25 Thủ Đức là khóa Sĩ Quan cuối cùng của những thanh niên bị động viên trong năm 1967. Đến năm 1968, vì tình trạng lệnh gọi thanh niên vào Thủ Đức quá nhiều, nên các vị có quyền hành, đã cho thanh niên vào quân trường Thủ Đức lấy tên là Khóa 1/68. Tiếp tục các khóa là khóa 2/68, 3/68...Các khóa này, bắt buột phải học ở Trung tâm Huấn Luyện Quang Trung 9 tuần. Xong 9 tuần mới chuyển qua quân trường Thủ Đức. Cùng lúc đó, cũng vì số thanh niên bị động viên đông quá, nên một số bị đưa ra Nha Trang , thụ huấn khóa sĩ quan tại Quân Trường Đồng Đế, học giai đoạn 2, sinh viên sĩ quan.

Các khóa sinh Chiến Tranh Chính Trị đợt đầu, đang theo khóa 8/68 ở đây. Nên tụi tôi phải nằm ở trại tiếp chuyễn Nguyễn Tri Phương này, đợi thời gian vào nhập khóa theo Khóa 9/68 của Thủ Đức. Nên tôi phải chờ....chờ...và chờ... ngày nhập khóa tân binh theo khóa 9/68.

Tôi và Ngọc vẫn ở cùng phòng nhau. Lần đầu tiên được lệnh phải thức dậy lúc 5:00 sáng, phải nhảy xuống giường để ra các giao thông hào "chà láng". Danh từ chà láng tôi nghe được đầu tiên, nhưng nhắc đến trại Nguyễn Tri Phương là nhớ đến chà láng.

Xin nói là chung quanh khu doanh trại này có những giao thông hào, giao thông hào được "công lính" nào trước đây đã đào. Mỗi giao thông hào rộng khoảng 1 mét, sâu khoảng 1 mét rưỡi, còn dài thì theo chu vi doanh trại. Mỗi người chúng tôi được phân công chà láng khoảng 5 mét giao thông hào, nghĩa là dùng nước, dùng gà mèn đựng cơm bằng hynos, làm sao "chà" cho giao thông hào phía bên trên, bên trong và ngoài láng cóng. Đây là bước đầu mà theo vị sĩ quan cán bộ đã giải thích, là tập cho quen với đời lính, phải tuân theo lệnh, dù lệnh đó có vô lý đến đâu.

Mỗi sáng, từ 5 giờ, khi tiếng còi reng réc thổi lên, là chúng tôi nhảy xuống khỏi giường, chạy ra giao thông hào "chà láng". Khoảng một giờ sau, chúng tôi mới được tha cho về phòng, lo đánh răng, súc miệng, vệ sinh cá nhân, rồi mới được lãnh cơm, hay bánh mì ăn sáng.

Nhớ tại trại tiếp chuyển Nguyễn Tri Phương, chung quanh có trồng một dãy dài nhiều cây bả đậu. Những hàng bả đậu buổi trưa trái khô rớt xuống đất kêu răng rắc, nghe buồn vô cùng. Năm đó, khoảng tháng mười, mà trời Hóc Môn còn nắng đổ lửa. Chúng tôi thường cời trần, ra ngoài ngồi hóng gió, nghe tiếng rơi răng rắc của trái bả đậu sao nghe nhớ nhà quá. Nhớ cha mẹ, nhớ chị hai và anh Giảng, đã đi lính theo khóa 7.68, nhớ những con đường quê, nhớ những ngày đi dạy học ở Mộ Đức, ở Lý Tín. Nhớ Lý Tin là nhớ em, đó là mối tình với Kim, mối tình đã khiến tôi dừng lại với em, và tôi mãi mang hình bóng em trong tim mình.

Theo nội quy đề ra của Trường ĐH/CTCT/Đà lạt, thì mọi khóa sinh thi vào đây và đậu, lý lích phải trong veo, nhất là điều tiên quyết là phải độc thân. Nói thì nói vậy, nhưng qua sự hiểu biết của tôi, thì anh em có một số đã có gia đình, đã có vợ với hai, ba con, như Ng. bạn tôi, đã có 3 con, rồi Tr, rồi Âu Tài D, Nguyễn Văn Th... đều đùm đề con cái...ở quê nhà.

Ở trại Nguyễn Tri Phương độ 2 tuần, anh em cứ sáng thì phải dậy sớm theo tiếng tu huýt xé trời vang lên của sĩ quan cán bộ, là thức dậy vội vã nhảy xuống giường cầm, ga men ra giao thông hào chà láng...khoảng nửa tiếng sau mới được cho vào phòng để đi nhận thức ăn sáng...là một ổ bánh mì với một thỏi bơ, dù đạm bạc thế nhưng với sức trai, tôi ăn một thoáng là hết liền...xong lại vào giừơng nằm hay đi tán gẫu với các bạn chung quanh đợi tới bữa cơm trưa. (Hay đi tạp dịch ở các nơi cần làm cái này, cái nọ...)

Bữa cơm trưa hay chiều cũng đạm bạc không kém, cơm bằng gạo xấu vàng, "cá mối" chiên, chén canh loảng...chuối la ba...thế thôi, nhưng tôi ăn cũng ngon lành hết biết, ăn hết sạch sành sanh...Có những bạn có thân nhân ở Sài Gòn lên thăm, có tiếp tế thức ăn, thường bỏ bữa, thấy tôi ăn mạnh như vậy thường cho tôi phần ăn của họ, tôi nhận hết đem về phòng ăn khi đói.

Khoàng 2 tuần sau vẫn chưa nhập khóa. Một buổi trưa sĩ quan cán bộ vào phòng tuyên bố, tụi tôi được lệnh cho đi phép 1 tháng, nghe tin này tôi nhảy cẩn lên vì sung sướng. Thế là tôi sắp được về trung thăm cha mẹ, thăm em rồi. Đó là hạnh phúc nhỏ nhoi của người lính mới tò te như tôi và các bạn ở đây...

Trần Yên Hòa

Không có nhận xét nào: