Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 11 tháng 5, 2024

Nhật Ký cali : Một Lần Nào - Phạm Thiên Thu

(Gửi Anh của một thời hoa mộng cũ)
Sáng nay khi khi còn đang “ mơ màng giấc điệp” thì tiếng chuông điện thoại chợt làm Nhiên thức giấc; trong vô thức Nhiên quơ tay tìm chiếc điện thoại vẫn thuờng để cạnh bên trước khi đi ngủ, và khi còn đang mắt nhắm mắt mở Nhiên đã kịp nhìn thấy hôm nay là Ngày cuối cùng của Tháng Tư hiện trên màn hình. Trời đất, ngày tháng qua mau vậy sao, mới đó mà Sài Gòn của Nhiên đã Bị Thay Họ Đổi Tên được bốn chín năm rồi sao, và như thế Anh và Nhiên cũng đã xa nhau vừa tròn nửa thế Kỷ rồi . . .
<!>
Cũng chẳng hiểu sao mấy lúc này Nhiên lại thường nhớ đến anh hơn trước kia, kể cũng lạ, bởi vì thực ra Anh và Nhiên cũng chẳng có gì sâu đậm, và dường như Anh và Nhiên chỉ “ Hình Như Là Tình Yêu”, và tất cả đều đã Bị dừng lại ở lằn ranh giới mong manh đó, chỉ vì một hiểu lầm trong mối liên hệ tình cảm Bà Con, Họ Hàng nhẹ như tơ trời, mảnh như tơ nhện đó . . .Tơ trời thì chóng tan khi cơn gió thoảng qua, và tơ nhện thì đễ đứt khi có ai đưa bàn tay vào phá vỡ, nhưng thật ra khi đưa tay phá, những sợi tơ nhện đó luôn còn vướng víu trong tay khiến ta khó chịu, có khi kéo ra, tưởng rằng đã hết nhưng thật ra vẫn còn dính trong tay mà ta không ngờ, không biết tới, và cứ thế nó khiến ta cứ loanh quanh, luẩn quẩn hoài, tương tự sợi tơ nhện, mối liên hệ họ hàng giữa anh và Nhiên cũng thế, nên nó cứ làm Nhiên thấy vương vướng thế nào đó. Đúng là “ Bỏ thì Thương, Vương thì Tôi”

Và rồi, như lời một bản nhạc Nhiên tình cờ nghe, dù chỉ thoảng qua nhưng rồi nhớ mãi, cho dù không biết tên bài hát, cũng như tác giả là ai, hỏi và tìm hoài mấy mươi năm không ra, chỉ có giọng hát là của Thái Thanh, người ca sĩ mà Nhiên đã yêu tiếng hát của cô từ những ngày Nhiên còn ngồi trên ghế trung học. Giọng hát Nhiên không thể nào quên, cũng như bằng đó năm Nhiên đã từng dò hỏi, tìm kiếm tin tức của anh, tìm từ khi tóc vẫn còn xanh, bây giờ tóc bac vẫn không thôi tìm, nhưng có lẽ anh không biết và cũng không tin . .. Bởi “ Người vô tình chẳng nhớ, kẻ hữu tình khó quên. Lưới tình còn vương phải, đau khổ mãi không thôi. Hỏi con đường hạnh phúc, ở đâu người có hay. Như bọt bèo trôi chảy, ai từng nắm trong tay . ..” (một vài câu Nhiên đã nhớ mãi trong bài hát tình cờ được nghe qua băng cassette sau ngày tháng đau thương đó)

Nhưng có lẽ trời chẳng phụ lòng ai. Giống như một câu trong Kinh Thánh “Tìm thì sẽ thấy…”, thế nên khi Nhiên và nhỏ bạn thân nói với nhau thôi không tìm nữa thì tình cờ lại đưa đẩy cho Nhiên gặp được một anh K.23, cũng tưởng hỏi thăm hú họa thôi, ai ngờ anh ấy lại tìm ra được anh là đàn anh trên anh ấy hai khóa. Khi Anh và Nhiên “ Gặp” nhau thì cả hai rất mừng, dù không tin đó là sự thật, bởi đã xa cách quá lâu ( dĩ nhiên gặp qua phone, thấy nhau qua màn hình), nhưng cả một trời kỷ niệm sống lại trong nhau, và dường như bây giờ có vẻ sống đời viễn xứ cả nửa thế kỷ, phải vật lộn với cuộc sống mới không chút dễ dàng gì để sinh tồn, đã khiến Anh quên đi rất nhiều, mỗi khi Nhiên nhắc đến chuyện cũ, anh cứ hay hỏi “ Phải vậy không, em nhớ lộn ai rồi” khiến Nhiên cũng hơi bực mình chút xíu, nhưng rồi Nhiên cũng thông cảm vì thật ra môi trường sống mấy chục năm xa cách giữa Anh và Nhiên cũng có quá nhiều khác biệt.

Với những người còn kẹt lại, phải sống mấy mươi năm trong cuộc sống mới, sống mà không tài nào quen được, nhất là những người tính khí như Nhiên : “Yêu thì nói là Yêu, Ghét thì nói là Ghét, cho dù ai cầm dao kề cổ đòi Giết , cũng không thể nói Ghét thành Yêu” ( thơ của Phùng Quán) như Nhiên thì làm sao có thể sống yên, bởi thế để quên đi thực tại phũ phàng đau đớn đó, đêm đêm Nhiên đành sống với những kỷ niệm cũ, những hạnh phúc ngắn ngủi của một thời con gái bình yên, thời An Nhiên Tự Tại, thời của những lá thư gửi về từ những chuyến Hải Hành, những lần anh về bến ghé qua nhà ôm cây guitar, hai anh em cùng hát với nhau, những bản nhạc thời thượng vào lúc đó : “Rồi mai đây khi mình xa nhau, nhớ đến nhau hoài . . . ”. (Bài hát cuối cùng Anh tập cho Nhiên hát, trong một buổi tối sau chuyến hải hành anh ghé nhà, báo cho Nhiên một vài chuyện, trong đó có tin anh chuyển đơn vị, sẽ không ở Hộ Tống Hạm Chi Lăng 2 (HQ 08) mà chuyển về Gò Dầu hay Hiếu Thiện gì đó, Nhiên không nhớ rõ lắm . .. sáng hôm sau, Anh chở Nhiên đến trường và từ đó Anh cũng biến mất trong đời Nhiên . . .Cho đến tận hôm nay). Chia tay anh trước cổng giảng đường đại học Văn Khoa vừa được vài tháng là Sài gòn thay tên đổi chủ, kể từ đó anh em không còn biết tin nhau, Nhiên chỉ hy vọng là anh còn hiện diện đâu đó trên cõi đới này vì anh là lính Hải Quân nên chắc là anh đã rời đi trên một con tàu nào đó, thật ra trong những tháng ngày đó, sự xáo trộn bất ngờ đến trong đời, đối với Nhiên lúc bấy giờ, tất cả như đã chấm dứt, tất cả bầu trời như đã đổ sụp dưới chân mình, đầu óc trống rỗng

Nhưng cũng vì khoảng thời gian trước đó không lâu, do bận học hành, bạn bè và tin tức từ chiến trường làm Nhiên không còn kịp nhớ tới anh, và những cuộc chia tay bạn bè trên giảng đường ngày càng dầy lên theo thời gian, tin tức chiến sự gửi về càng ngày càng bi đát. Sau khi “ Đồng Minh Tháo Chạy”… nhưng Nhiên vẫn còn rất ngây thơ trong sáng, và nhất là luôn yêu thương cái mảnh đất mang hình chữ S này, nên rất nhiều người quen rủ Nhiên di tản, Nhiên cũng không chịu rời đi, bởi một lẽ rất giản dị, một ý nghĩ rất ngây thơ là đi rồi biết bao giờ trở lại, biết bao giờ còn thấy được Mẹ Cha, gặp lại được bạn bè thân thuộc, và nhất là Niềm Tin Miền nam sẽ Trung Lập, và làm sao Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa mình có thể đánh mất Sài Gòn, khi bao nhiêu Máu Xương của cha anh, bè bạn đã đổ ra cho mảnh đất này được bình an, cho tận đến ngày tháng cuối cùng, ngày tháng gần tàn cuộc chiến, khi những kẻ Phản Bội, những kẻ “Ăn Cơm Quốc Gia thờ Ma . .. “ thả những trái bom của chính mình xuống Dinh Độc Lập ( lúc đó Nhiên đang ngồi cùng anh Phạm văn Bình tác giả “Chuyện Tình Buồn” ở 15 Lê Thánh Tôn, Bộ Tư Lệnh Thủy quân Lục Chiến) Nhiên cũng vẫn không có chút xíu ý định nào rời bỏ Sài Gòn ( Cho dù Nhiên có rất nhiều cơ hội ra đi một cách đàng hoàng)

Chưa có ý định ra đi mà Nhiên đã thấy nhớ từng góc phố Sài Gòn, nhớ mùi bánh Givral, nhớ góc quán Pagoda với những đĩa nhạc của Christophe, Adamo, Sylvie Vartan, Francois Hardy . .. nhớ hẻm Casino, với những món ăn rất Bắc Kỳ nhưng pha trộn chút gì đó rất riêng của Sài Gòn; nhớ thach chè Hiển Khánh của lần đầu tiên anh đưa Nhiên đến nhâm nhi sau khi xem cuốn film Wood Stock ở rạp Văn Hoa Dakao, năm Nhiên học lớp Đệ Nhất ở Sài Gòn, và còn vô vàn kỷ niệm với bạn bè nơi thành phố được gọi là Thủ Đô của Việt Nam Cộng Hòa, thành phố với những cơn mưa rào bất chợt và cũng mau chóng lóe những tia nắng ấm áp cho Nhiên cùng bạn bè lang thang qua từng góc phố. Nhớ từng dĩa khô bò, những cuốn bò bía, hay bánh cuốn, và ly nước mía Viễn Đông ngọt lịm ở vỉa hè Pasteur hai anh em cùng chia sẻ sau những chuyến hải hành của anh. . .

Nhớ câu thơ của ông thày dạy môn Triết học : “Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát . .. ”Và nhất là đã tửng bỏ hai lần có học bổng vào cuối năm 1972, và 1974, chỉ vì không nỡ rời xa những tháng ngày hoa mộng cũ, để rồi bỏ lỡ bao nhiêu cơ hội thành đạt trong đời, bao nhiêu tháng ngày tuổi trẻ lẽ ra mình đã được hưởng . .. Vậy nên tại sao mình lại phải bỏ đi vào lúc này cơ chứ ?! Trong lúc bạn bè, cha anh mình đang chiến đấu một cách Anh Hùng để giữ lại từng tấc đất cho Miền Nam, cho Sài Gòn. . . Và bởi lúc nào trong đầu Nhiên cũng vang vang bài hát về anh Trần Thế Vinh : do Phạm Duy sáng tác từ sau Mùa Hè Đỏ Lửa “Này mặt trời nhỏ bé Phương Nam, mặt trời từng sưởi ấm cô đơn, cho ta bay ngang qua lửa đạn, cho quê hương yên vui ngày loạn .. . Này Mặt trời hãy khóc đi thôi, vì người tình của Nắng lên ngôi. Con chim xanh bao la tình người, thành vị thần Trần Thế Vinh quang. Này Thần Đất giữ Hồn cho tôi ngăn xâm lăng dưới Đất trên Trời, này Thần Gió giữ hộ Hồn tôi, xin dâng cho Tổ Quốc muôn đời . . .” và khuôn mặt hiền từ nhưng cương nghị của Đại Tá Nhảy Dù Nguyễn Đình Bảo hiển hiện “Hỡi Bức Chân Dung Trên Công Viên Buồn”. . . ( Cho đến tận giờ này hơn nửa thế kỷ trôi qua mà trong đầu Nhiên những hình ảnh ấy không chút nhạt nhòa)

Và mặc dù Nhiên không ngây thơ đến độ không hiểu Đất Nước mình chỉ là con cờ trên bàn cờ quốc tế, các vị có trách nhiệm lèo lái con thuyền Tổ Quốc của mình, đều hiểu rõ rất nhiều điều nhưng với “ Thận Phận Nhược Tiểu” kèm với chút hám lợi danh của một số chóp bu đã từng thấm máu anh em gia đình Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm thì Đất Nước này đành phải thế thôi. Nhưng thật ra cũng không ghê gớm và khốn nạn bằng thủ đoạn tàn nhẫn, dối trá của tên cố vấn vô nhân tính, gốc Do Thái, kẻ đã “Lừa Thầy, Phản Bạn”, bán đứng Đồng Minh, đi đêm với khối thù địch của Tư Bản là bọn Tầu Phù và Nga, lại còn ẩn giấu sau danh nghĩa Nhân Đạo. Bỏ quên cái cái chết và sự hy Sinh của hơn nửa triệu Quân Nhân Hoa Kỳ chứ khoan nói đến hàng triệu cái chết đau thương của Quân Đội và thường dân Việt Nam Cộng Hòa. . . Bao nhiêu nấm mộ tập thể ở Huế trong Tết Mậu Thân, Đại lộ Kinh Hoàng ngập ngụa xác người chết, xương thịt như một đống xình lầy, mỡ người bốc cháy dưới cái nắng gió nghiệt ngã của miền Trung đất cày lên sỏi đá, hay Bình Long Anh Dũng, Kontoum Kiêu Hùng, Cổ Thành Quảng Trị của Mùa Hè Đỏ Lửa . . . Và bao nhiêu xác người tự sát trong tuyệt vọng vào giờ thứ 25 của cuộc chiến tương tàn . .. Bao nhiêu chàng trai đã đã ca bài : “ Người đi giúp Nước nào màng danh chi, cầu cho Đất Nước vượt ngàn gian nguy, đời dâng cho Núi Sông…”**Và quả thật đã dâng cho Núi Sông, đã “ Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”

Thế nên Nhiên chấp nhận ở lại mảnh đất này chỉ vì “YÊU THƯƠNG ”những con Người đã Hy Sinh cho Chính Nghĩa, yêu những cơn mưa bóng mây của Sài Gòn, nhớ tiếng rao ngọt ngào của những gánh hàng rong, cho dù không biết tương lai sau này sẽ ra sao . . . Sống, nhưng không Thỏa Hiệp, không Hòa Tan, và vì thế Nhiên luôn sống với kỷ niệm, vì thế Nhiên luôn nhớ đến những điều rất nhỏ nhặt mà nhiều người khác đã quên, cho dù có vất vả với Cơm Áo Gạo Tiền chăng nữa, và dĩ nhiên trong ký ức của mình, ngoài những người Nhiên không thể nào quên, bởi những hình ảnh này, những Người Này đã là Vết Khắc trong Tim của Nhiên, như anh Ph. Mối tình của một thời chinh chiến, thì anh cũng là một mảng trong ký ức của Nhiên, và Nhiên luôn muốn nói với chính mình, với những người luôn được Nhiên giữ kín trong tim câu hát: “ Dòng đới nào đưa anh đi về đâu, sao không thấy qua đây một lần . .. Một lần nào cho tôi gặp lại anh (em). Nghe anh nói tôi vui một lần”, như lời một bài hát của nhạc sĩ Vũ Thành An.

Phải đó : “Một Lần Nào . . .”

Phạm Thiên Thu 
(Tháng 4/2024)

** Khúc Tình Ca Hàng hàng Lớp Lớp của cố NS Đại Tá Nguyễn Văn Đông

Không có nhận xét nào: