Người đàn bà lớn tuổi, nhếch nhác, tay cầm chiếc nón lá tay xách cái ba lô bộ đội màu đã cũ. Bà ghé vào một nhà hỏi thăm: – Cô ơi cho tôi hỏi nhà ông bà Minh Vũ, họ đi đâu cả rồi? Nhà ông Minh Vũ sát nách nhà cô hàng xóm, sáng nay ông bà đi vắng nên cổng đã khoá. Cô nhìn qua cách ăn mặc người đàn bà và nghe giọng nói cũng đoán được: – Bác từ ngoài Bắc vào thăm ông bà Minh Vũ hả, ông bà vừa đi vắng chốc nữa mới về. – Ôi, thế thì tôi phải đợi thôi… tôi đáp tàu hỏa từ bắc vào đây cô ạ. – Vậy thì mời bác vào nhà cháu ngồi chơi đợi ông bà Minh Vũ về.
Cô rót một ly nước trà mời bà khách của nhà hàng xóm. Bà khách bắt chuyện:
– Cô ở đây lâu chưa? Ý tôi là cô hàng xóm với ông bà Minh Vũ lâu chưa?
– Lâu lắm rồi bác, cháu chơi với Minh Tâm con út ông bà Minh Vũ từ ngày còn bé đến giờ. Tình hàng xóm giữa bố mẹ cháu và ông bà Minh Vũ rất thân thiết…
Bà khách hỏi lại:
– Thế thằng Minh Tâm cũng ở đây với bố mẹ từ ngày ấy đến giờ nhỉ?
– Dĩ nhiên rồi, hai ông bà Minh Vũ đều thương yêu và cưng chìu Minh Tâm lắm, chưa ai sung sướng bằng Minh Tâm, con út mà cứ như con một ấy..
Người đàn bà thoáng đăm chiêu im lặng, cô hàng xóm chẳng biết nói gì thêm
– Cô thấy thằng Minh Tâm thế nào? Nó giống bố hay mẹ?
– Cháu thấy Minh Tâm giống ông Minh Vũ ở cái cao ráo.
Bà khách nửa đùa nửa thật:
– Thế cô thử nhìn xem Minh Tâm có giống tôi tí nào không?
Bây giờ cô hàng xóm mới nhìn người đàn bà kỹ hơn, Minh Tâm giống bà ở đôi mắt mí lót và cái miệng hơi rộng nhưng không kém phần duyên dáng dễ mến. Bà này tuổi trẻ chắc có một thời nhan sắc:
– Vâng, Minh Tâm có vài nét giống bác. Vậy bác là họ hàng về phía ông hay bà Minh Vũ?
Bà khách Bắc lấp lửng:
– Họ hàng xa ấy mà…
Ông bà Minh Vũ về đến nhà thế là người đàn bà vội cám ơn và từ giã cô hàng xóm để sang bên ấy… Ông bà Minh Vũ có 3 người con, một trai một gái lớn đã lập gia đình ở riêng, cả hai sự nghiệp vững vàng và giàu có, chỉ còn hai ông bà với cậu con trai út Minh Tâm.
Bà ở nhà quán xuyến một cửa hàng tạp hóa ngay gian nhà trước, ông làm công chức nay đã nghỉ việc, kinh tế gia đình khá giả, cậu út tha hồ được bố mẹ cưng chìu. Cậu út cũng thành đạt như anh chị, Minh Tâm tốt nghiệp bác sĩ y khoa xin được làm ngay tại bệnh viện đa khoa Bà Chiểu chẳng phải xa cha mẹ ngày nào… Bà Minh Vũ thường hãnh diện nói với hàng xóm:
– Thằng Minh Tâm có hiếu lắm, nó bảo sẽ ở với bố mẹ cả đời, cô nào lấy nó phải chấp nhận điều kiện ấy.
Minh Tâm đẹp trai học giỏi như thế, cha mẹ nhà cao cửa rộng như thế thì cô nào dám từ chối điều kiện thường tình ấy.. Nghe đâu Minh Tâm đang yêu một cô gái là ái nữ một bác sĩ chuyên khoa nổi tiếng ở Sài Gòn. Chuyện nhà ông bà Minh Vũ đẹp toàn vẹn như trong tiểu thuyết. Cả ông bà Minh Vũ đều ngạc nhiên khi thấy người khách lạ bước vào nhà. Vài phút sau ông Minh Vũ vẫn còn ngờ ngợ:
– Có phải bà là… bà Thi?
Bà Minh Vũ đã nhận ra:
– Chào bà Thi, mời bà vào
Bà khách chậm rãi lên tiếng:
– Vâng, tôi xin chào hai ông bà…
Bà khách kín đáo ngắm nghía quanh nhà, ngôi nhà cao ba tầng lúc nãy đã làm bà choáng bây giờ vào bên trong nội thất trang trí lịch sự sang trọng càng làm bà khách choáng thêm. Bà cay đắng nghĩ thầm: “Sao mà số họ cứ mãi giàu có sung sướng thế nhỉ…”
Bà Minh Vũ hỏi:
– Chắc bà vào Nam thăm người thân họ hàng và ghé thăm chúng tôi luôn thể, chúng tôi mừng thấy bà vẫn khỏe mạnh.
– Tôi chẳng có tiền bạc và thời gian đi vào tận đây thăm họ hàng nào cả..
Bà khách buông câu nói lửng lơ dường như để cho chủ nhà thấm thía rồi mới nói thêm:
– Nghe người làng vào Sài Gòn về kể ông bà khá giả, thằng Minh Tâm làm bác sĩ tôi mừng lắm, tôi không ngờ cuộc đời tôi lại có được người con tài giỏi như thế nên tôi mới lặn lội đường xa vào thăm con để xem mặt mũi nó ra sao…
Ông bà Minh Vũ cùng nhìn nhau, cùng một câu hỏi trong đầu không biết bà Thi vào thăm con hay vì mục đích gì qua câu nói vừa rồi… Khách bắc vào thăm nhà ông bà Minh Vũ như những nhà khác sau năm 1975, bà ở tại nhà ông bà Minh Vũ vì không có họ hàng nào khác, họ tiếp bà như một người làng và hơn thế nữa như một người thân trong họ.
Ông Minh Vũ xưa là công tử con nhà giàu nhất làng, học giỏi nhưng cũng giỏi ăn chơi bay bướm, cha mẹ cưới cho ông một bà vợ, con nhà gia giáo hiền thục để kềm giữ bước chân hoang đàng của ông nhưng không hiệu quả gì. Ăn ở với vợ được hai mặt con, ông Minh Vũ vẫn chứng nào tật ấy, ông mê đánh bạc và mê đàn bà, ông Minh Vũ đã gặp bà Thi trong một chiếu bạc, hai người kề vai tựa má nhau trong chiếu bạc mà nên tình.. Mối tình đắm say cả làng đều biết.
Bà Thi có thai đẻ ra thằng con trai, bà một mực bắt ông Minh Vũ cưới bà làm thê thiếp, nhưng cha mẹ ông Minh Vũ đời nào chấp thuận một người đàn bà bị chồng bỏ vì ăn chơi bạt mạng rồi lang chạ với hết người này đến người kia về làm dâu con trong nhà mình dù là ngôi vị dâu thứ, không chính thức. Thế là bà Thi đem đứa con còn đỏ hỏn đến giao cho ông Minh Vũ, bà Minh Vũ đã giúp chồng, bà chấp nhận nuôi đứa trẻ thơ vô tội, bà cảm kích tình cảnh đứa trẻ bị mẹ bạc đãi, đã xem con chồng như con chính mình đẻ ra.
Năm 1954 ông bà Minh Vũ và các con di cư vào Nam. Bà Thi biết trước, biết mình sẽ mất đứa con trai nhưng bà không phản ứng gì. Thế mà hôm nay bà Thi lại vào Nam tìm thăm đứa con bà đã bỏ rơi. Khi Minh Tâm đi làm về bà Minh Vũ giới thiệu bà khách với con:
– Đây là dì Thi họ hàng bên mẹ. Dì Thi từ Bắc vào thăm gia đình chúng ta.
Minh Tâm đã quen với những khách từ bắc vào thăm gia đình mình, nào người thân bên họ cha lại người thân bên họ mẹ nên chàng vui vẻ nhã nhặn:
– Cháu chào dì Thi đến chơi
Minh Tâm vô tư bao nhiêu thì bà Minh Vũ lo âu bấy nhiêu. Bà Minh Vũ cứ luẩn quẩn bên con, bà sợ sẽ mất con, bà Thi sẽ làm điều gì đó với thằng Minh Tâm của bà. Ông Minh Vũ bây giờ không còn là ông Minh Vũ ngày xưa nữa, ông đã là người chồng người cha tốt. Gặp lại người xưa bệ rạc, ông cảm thương dù trong thâm tâm ông vẫn oán trách bà Thi trong quá khứ đã lợi dụng đứa con làm tiền ông và đã phủi tay ruồng bỏ đứa con không thương tiếc. Mỗi buổi sáng ông bà Minh Vũ đều đưa bà Thi ra hàng quán ăn điểm tâm, tiếp đãi lịch sự nay món này mai món khác. Sáng nay sau khi đi ăn phở ở đầu phố về thì cả ba người lại ngồi vào bàn hàn huyên chuyện trò, bà Thi đã kể chuyện đời mình:
– Cái số tôi lận đận chẳng ra gì, sau dạo chia tay ông Minh Vũ thì thời cuộc đến, giá mà tôi cũng di cư vào Nam như ông bà thì đỡ khổ thân tôi. Sau đó tôi lấy chồng, trời quả báo hay sao ấy, thằng chồng này dữ dằn vũ phu, tôi chán nó mà không làm gì được nó, không dám bỏ nó, vợ chồng với 3 đứa con sống nghèo khổ trong căn nhà tềnh toàng, vất vả cực nhọc, ruộng nương mà cũng chỉ ngô khoai vào bụng.
Bà Minh Vũ bùi ngùi:
– Thế rồi các cháu khôn lớn có khá hơn không?
– Tài thánh gì má khá lên được hở bà! 3 đứa con tôi có đứa nào được đi học đến cấp hai đâu, chữ nghĩa chỉ một rúm thì chỉ có đi làm ruộng, làm thuê, đời cha mẹ nghèo đời con cháu cũng nghèo theo, căn nhà vẫn nghèo xấu nhất làng…
Bà Thi than thở xong và thay đổi ngay thái độ:
– Nhưng hôm nay tôi đến đây không để nhận những lời an ủi suông của ông bà đâu nhé. Tôi có việc đấy…
Bà Minh Vũ giật mình:
– Bà nói thế là ý gì?
– Tôi chẳng có nhiều thì giờ mà ở đây quanh co, nói toạc ra là tôi cần ông bà… giúp đỡ một món tiền về làm vốn…
Ông Minh Vũ nghiêm nét mặt:
– Bà muốn gì? Bà đang làm tiền chúng tôi đấy hả?
Bà Thi lạnh lùng:
– Ông bà có tất cả những gì mà cả đời tôi không có, hạnh phúc và tiền bạc, thì cũng nên chia cho tôi hưởng chút ít phước đức của ông bà chứ. Hãy đưa tôi một món tiền thì không đời nào thằng Minh Tâm cũng như hàng xóm láng giềng của ông bà biết nó là đứa con già nhân nghĩa non vợ chồng trên chiếu bạc thâu đêm của tôi và ông Minh Vũ. Minh Tâm vẫn mãi là con yêu quý của bà Minh Vũ và tôi mãi là bà dì họ như bà Minh Vũ đã giới thiệu.
Ông Minh Vũ tức giận:
– Bà đã bỏ rơi nó, đã tống của nợ cho tôi, nếu không có nhà tôi thì tôi không biết xoay sở ra sao. Vậy mà hôm nay …
Bà Minh Vũ ngắt lời chồng:
– Kìa ông, chuyện cũ đã qua bao nhiêu năm rồi…
– Nhưng nghĩ lại tôi vẫn còn hận lắm…
Bà Minh Vũ suy nghĩ một lúc lâu rồi ôn tồn nói với bà Thi:
– Tiền bạc là mồ hôi nước mắt của chúng tôi, nhưng tôi đồng ý, sẽ bàn với nhà tôi đưa bà một món tiền, trước xem như giúp đỡ hoàn cảnh nghèo khó gia đình bà, sau là gia đình tôi đang êm ấm không bị xáo trộn, tôi không muốn thằng Minh Tâm bị cú “sốc”, bị tổn thương. Tội nghiệp nó.
Bà Thi hả hê:
– Vậy ông bà quyết định nhanh đi. Khi có tiền trong tay tôi sẽ rời khỏi nhà ra ga xe lửa về bắc ngay và hứa không bao giờ trở lại. Tôi đã ở đây ăn hại nhà ông bà mấy ngày, ông bà tiếp đãi tử tế lắm tôi cám ơn.
Bỗng Minh Tâm xuất hiện, chàng đang từ thang lầu bước xuống làm ông bà Minh Vũ và bà Thi cùng giật mình sửng sốt:
– Con chào bố mẹ, chào… dì Thi..
Bà Minh Vũ lắp bắp:
– Kìa con… con… chưa đi làm sao?
– Vâng, sáng nay con mệt nên nghỉ ở nhà .
Bà Minh Vũ càng bối rối và lo lắng:
– Mẹ sơ ý quá cứ tưởng con đã đi làm. Thế con… con… đã nghe những gì rồi?
– Tình cờ khi con vừa bước xuống vài bậc thang lầu nghe cha mẹ và dì Thi nói chuyện con càng tò mò nghe thêm và hiểu hết câu chuyện.
Không ai bảo ai, cả ông bà Minh Vũ và bà Thi cùng nín lặng chờ đợi Minh Tâm nói tiếp, chàng hướng về phía bà Thi:
– Thưa dì, tôi xin lỗi phải gọi thế dù bây giờ tôi đã biết dì là ai, nhưng tôi khó có thể gọi dì là mẹ, khi bỗng dưng một người mẹ không quen biết xuất hiện đã làm tôi ngỡ ngàng và càng làm tôi ngỡ ngàng đau đớn, khi người mẹ ấy đem tôi ra làm vật đổi chác bằng tiền. Ngày xưa dì còn trẻ, hư hỏng và nông nỗi bỏ rơi tôi, hôm nay dì đã bỏ rơi đứa con của dì thêm một lần nữa, vô tâm hơn, tàn nhẫn hơn…
Chàng xúc động nghẹn lời, mãi mới nói tiếp được:
– Bây giờ dì có ra ngoài đường hét to lên cho cả khu phố hay cả thế giới này biết tôi là đứa con nhân tình nhân ngãi của dì với cha tôi ngày xưa cũng không làm tôi xấu hổ hay đau đớn thêm nữa.
Minh Tâm lấy lại bình tĩnh hơn:
– Nhưng thưa dì, tôi vẫn thương cảm cảnh ngộ cuộc đời của dì. Ngoài bố mẹ tôi, tôi cũng sẽ giúp đỡ dì một món tiền để dì sửa chữa lại căn nhà.
Chàng đi lên lầu lấy tiền và mang xuống đưa cho bà Minh Vũ:
– Mẹ đưa số tiền này cho dì Thi giùm con. Bây giờ con phải đi làm, còn hơn ở nhà con sẽ buồn thêm và mệt mỏi thêm.
Minh Tâm quay qua bà Thi:
– Chào dì. Chúc dì về nhà bình an.
Bà Minh Vũ gom số tiền của ông bà và Minh Tâm, gói mảnh giấy báo và bỏ vào bịch ni lông cột lại cẩn thận trước khi trao tận tay bà Thi. Ngoài món tiền, bà Minh Vũ còn mua mấy bộ quần áo mới làm quà cho con cháu bà Thi. Cái ba lô cũ của bà Thi lúc mới đến lèo tèo vài bộ quần áo cũ nay đã căng đầy lại thêm một túi xách đầy quà của chủ nhà. Ăn bữa cơm trưa vội vã xong, bà Thi giã từ ra về.
Khi bà Minh Vũ vào dọn dẹp lại căn phòng của bà Thi thì thấy gói tiền bọc trong bao ni lông vẫn nằm giữa giường. Tưởng bà Thi bỏ quên, nhưng bên cạnh là một mẩu giấy ghi vài hàng:
“Tôi xấu hổ quá, có lẽ cuộc sống nghèo khổ và cái xã hội thiếu tình người bao nhiêu năm nay đã biến tôi thành con người xấu xa đê tiện. Tôi ghen tức khi thấy ông bà hạnh phúc sung sướng, tôi tham lam mờ mắt khi thấy ông bà nhà cao cửa rộng.
Minh Tâm, con cho phép mẹ được một lần xưng hô với con thế này. Con đã được ông bà Minh Vũ nuôi dạy thành người tử tế, con tử tế gấp trăm, gấp nghìn lần mẹ. Hãy tha lỗi cho mẹ.
Tôi để lại món tiền này, vì tôi đã nhận món quà khác, một món quà vô giá từ ông bà Minh Vũ và Minh Tâm. Đó là lòng tử tế, bao dung.”
Nguyễn Thị Thanh Dương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét