Nội các chiến tranh Israel phê chuẩn mở rộng chiến dịch Rafah Một “sự mở rộng có đo lường” hoạt động của Israel tại thành phố đông dân Rafah ở miền nam Gaza đã được nội các an ninh của Thủ tướng Benjamin Netanyahu phê duyệt vào tối thứ Năm (9/5), theo truyền thông đưa tin.Thông tin này được đưa ra sau khi Tổngthống Mỹ Joe Biden tuyên bố sẽ ngừng cung cấp vũ khí tấn công cho Israel nếu quân đội nước này tiến vào các trung tâm dân cư của Rafah. Xe tăng và quân đội của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã tiến vào phía đông của Rafah vào đầu giờ sáng thứ Ba (7/5), chiếm giữ cửa khẩu biên giới nối Gaza và Ai Cập, cũng như tiến hành các cuộc không kích.
<!>
Axios đưa tin hôm thứ Sáu (10/5) rằng việc “mở rộng khu vực hoạt động” đã được phê duyệt, trích dẫn ba nguồn tin biết về quyết định này. Truyền thông Do Thái cũng đưa tin IDF đang mở rộng địa bàn hoạt động.
Hai trong số các nguồn tin của Axios cho biết hoạt động này không vượt qua ranh giới đỏ mà ông Biden đã nêu, một nguồn tin còn lại cho rằng nó “có thể bị Mỹ hiểu” là đã đi quá xa.
Cả ba nguồn tin đều cho biết nội các chiến tranh Israel chỉ thị cho các nhà đàm phán Israel tiếp tục nỗ lực đạt được thỏa thuận giải thoát các con tin bị Hamas bắt giữ trong cuộc tấn công ngày 7 tháng 10.
Bộ trưởng An ninh Quốc gia Ben Gvir và Bộ trưởng Tài chính Bezalel Smotrich được cho là đã bỏ phiếu chống lại quyết định đó.
Ông Netanyahu hôm thứ Năm cho biết Israel sẵn sàng “đứng một mình” trong cuộc chiến ở Gaza sau khi ông Biden đe dọa ngừng cung cấp một số loại vũ khí. Ông Netanyahu nói: “Nếu phải đứng một mình, chúng tôi sẽ đứng một mình.”
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, Washington đã tạm dừng một chuyến hàng vũ khí tới Israel do lo ngại về Rafah, nơi hiện đang che chở cho 1,4 triệu người Palestine chạy trốn khỏi khu vực phía bắc của vùng đất bị Israel ném bom kể từ tháng 10.
Reuters đưa tin hôm thứ Sáu rằng xe tăng Israel đã chiếm được con đường chính giữa phía đông và phía tây thành phố, trong khi Hamas cho biết họ đã tấn công xe tăng Israel gần một nhà thờ Hồi giáo ở phía đông.
IDF đưa tin trên mạng xã hội X rằng một số chiến binh Hamas đã thiệt mạng trong các trận chiến “mặt đối mặt” với quân đội của Israel gần cửa khẩu biên giới và một số đường hầm dưới lòng đất do các chiến binh Palestine đào đã được tìm thấy.
Cơ quan Liên Hợp Quốc về cứu trợ người tị nạn Palestine (UNRWA) cho biết, cho đến nay, khoảng 110.000 người đã chạy trốn khỏi Rafah để tìm kiếm sự an toàn trong bối cảnh các cuộc tấn công ngày càng gia tăng. “Không nơi nào an toàn ở Dải Gaza và điều kiện sống rất tồi tệ”, cơ quan UNRWA viết trên X.
Nhà thiên văn học giải thích vì sao chúng ta không liên lạc được với người ngoài hành tinh
Nhà thiên văn học Frederick Walter cho biết các nền văn minh ngoài Trái đất có thể đã bị phá hủy bởi các vụ nổ tia gamma.
Tờ Daily Mail hôm thứ Ba dẫn lời Frederick Walter, nhà thiên văn học từ Đại học Stony Brook ở New York, cho biết chúng ta chưa liên lạc được với các nền văn minh ngoài Trái đất vì có thể họ đã bị tiêu diệt bởi các vụ nổ tia gamma (GRBs).
Theo NASA, GRBs là những vụ nổ ánh sáng tồn tại trong thời gian ngắn với độ sáng gấp một triệu tỷ lần độ sáng của Mặt trời. Đó là những vụ nổ phóng thích năng lượng dữ dội nhất trong vũ trụ, các nhà thiên văn học gần đây đã quan sát thấy sự xuất hiện của chúng từ những thiên hà xa xôi.
Hiện tượng này xảy ra khi một ngôi sao khổng lồ sụp đổ và phóng thích nguồn năng lượng hủy diệt. Giáo sư Walter tin rằng sức mạnh của một vụ nổ sẽ đủ để tiêu diệt bất kỳ nền văn minh nào trong thiên hà của nó.
Giáo sư Walter ước tính nếu phóng thích trực diện mặt phẳng của một thiên hà, GRBs có thể xóa sổ khoảng 10% số hành tinh của thiên hà đó. "Cứ mỗi 100 triệu năm lại xuất hiện một sự kiện GRB trong bất kỳ thiên hà nào", ông nói.
Dựa trên tính toán này, trung bình mỗi một tỷ năm lại có một số lượng đáng kể các nền văn minh bị xóa sổ, trong trường hợp thật sự có người ngoài hành tinh và kể cả bất cứ nền văn minh nào trên Trái đất.
Chúng ta đã biết, nguồn gốc của dải Ngân Hà tuy vẫn còn nhiều bí ẩn, nhưng các nhà thiên văn học tin rằng nó đã hình thành từ hơn 13 tỷ năm trước. Trái đất hiện nay đã tồn tại được khoảng 4,5 tỷ năm.
Do đó, Dải Ngân hà chắc hẳn đã trải qua từ 45 đến 450 sự kiện GRBs ở vùng lân cận Trái đất. Vì thế, cũng có thể các nền văn minh gần Trái đất đã biến mất do sự tàn phá trực diện của các vụ nổ GRBs.
Giáo sư Walter nhấn mạnh rằng đây cũng chỉ là một trong nhiều giả thuyết nhằm giải thích tại sao con người vẫn chưa tiếp xúc được với các nền văn minh ngoài Trái đất.
Lời nguyền Pharaoh: Nghiên cứu hé lộ nguyên nhân cái chết của hơn 20 người mở lăng mộ Tutankhamun
Vào năm 1922, hơn 20 người tham gia mở lăng mộ của Vua Tutankhamun đã thiệt mạng do thứ được cho là "lời nguyền Pharaoh". Theo các văn bản Ai Cập cổ đại, bất kỳ ai quấy rầy xác ướp của các Pharaoh sẽ phải chết bởi một căn bệnh mà bác sĩ không thể chẩn đoán ra. Tuy nhiên, theo Ross Fellowes, có thể có một giải thích sinh học đằng sau những cái chết bí ẩn này.
Theo nghiên cứu “The Pharaoh's Curse: New Evidence of Unusual Deaths Associated With Ancient Egyptian Tombs” (Tạm dịch: Lời nguyền Pharaoh: Bằng chứng mới về những cái chết bất thường liên quan đến các lăng mộ Ai Cập cổ đại), nguyên nhân của các trường hợp tử vong là do nhiễm độc phóng xạ từ các thành phần tự nhiên chứa chất độc hại và uranium được đặt một cách cố ý trong hầm mộ kín.
Tiếp xúc với các chất này có thể gây ra một số loại bệnh ung thư, chẳng hạn như căn bệnh đã lấy đi mạng sống của nhà khảo cổ học Howard Carter. Hơn một thế kỷ trước, Carter là người đầu tiên bước vào bên trong lăng mộ bí ẩn. Ông qua đời vì một cơn đau tim vào năm 1939 sau một thời gian dài mắc bệnh ung thư hạch Hodgkin. Trước đây, nguyên nhân gây ra bệnh ung thư này được cho là do ngộ độc phóng xạ.
Một trường hợp khác là Lord Carnarvon. Ông này chết do nhiễm trùng máu chỉ năm tháng sau khi vào lăng mộ, với một vết muỗi đốt nhiễm trùng nghiêm trọng do dao cạo râu làm rách.
Arthur Weigall, một nhà Ai Cập học người Anh, cũng có mặt trong lễ mở lăng mộ. Ông đã bị cáo buộc gây ra câu chuyện về lời nguyền, và sau đó qua đời vì ung thư ở tuổi 54. Những người khác tham gia khai quật cũng đã chết vì đột quỵ, ngạt thở, suy tim, tiểu đường, nhiễm độc, viêm phổi, tiếp xúc với tia X và sốt rét. Tất cả họ đều qua đời khi đang trong độ tuổi từ 50 đến 59.
Theo các dòng chữ được tìm thấy trong các khu chôn cất khác trên khắp Ai Cập, có vẻ như người xưa đã biết về những chất độc. Ngoài ra, một số khu vực còn bị cấm bước vào vì có tà ma. Tuy nhiên, nghiên cứu của Fellowes chứng minh rằng các lăng mộ có thể thực sự bị nguyền rủa, nhưng theo cách sinh học và cố ý chứ không phải siêu nhiên.
Nghiên cứu giải thích rằng mức độ phóng xạ cao cũng được ghi nhận trên khắp các tàn tích lăng mộ thuộc thời kỳ Cổ Vương quốc (Old Kingdom), chẳng hạn như ở hai khu vực Giza và một số lăng mộ ngầm Saqqara.
Theo Fellowes, các quan tài đá nằm bên trong lăng mộ thường có phóng xạ mạnh hơn. Các nghiên cứu khác cũng đã đo lường lượng khí radon - một loại khí tự nhiên hình thành khi uranium, radium và thorium bị phân hủy trong đá, đất và nước ngầm - tại các lăng mộ khác nhau trong Saqqara.
Họ đã phát hiện radon có mặt trong môi trường ở 6 khu vực trên khắp tàn tích Saqqara: Lăng mộ phía Nam, các đường hầm lăng mộ Serapeum và các kho chứa của Kim tự tháp Djoser.
Hơn nữa, hàng nghìn hũ, được khai quật vào những năm 1960 bên dưới Kim tự tháp Djoser, chứa tới 200 tấn hóa chất chưa được xác định. Điều này cho thấy các chất độc có thể đã được chôn cất cùng với xác ướp.
Fellowes lưu ý rằng bức xạ mạnh thường được gán cho là do hàm lượng chất phóng xạ tự nhiên trong đá nền. Tuy nhiên, sự tập trung một cách bất thường và ở mức cao của nồng độ bức xạ đo được không phù hợp với đặc điểm của đá nền. Tức là nó có thể đến từ những nguồn không tự nhiên khác.
Boeing sắp đưa tàu vũ trụ có người lái đầu tiên lên ISS
Sau nhiều năm trì hoãn, hãng Boeing chuẩn bị phóng tàu vũ trụ Strarliner có người lái đầu tiên lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) trong ngày 6/5, theo hãng tin Reuters.
Theo kế hoạch, tàu vũ trụ Starliner, chở theo 2 nhà du hành vũ trụ là Butch Wilmore và Suni Williams, sẽ được phóng từ Mũi Canaveral vào 22h34′ ngày 6/5 theo giờ địa phương (tức 9h34′ ngày 7/5 theo giờ Việt Nam), bằng tên lửa đẩy Atlas V do United Launch Alliance – công ty liên doanh giữa Boeing và Lockheed Martin, chế tạo. Khi tàu Starliner đi vào vũ trụ, hai nhà du hành sẽ thử nghiệm điều khiển tàu bằng tay.
Dự kiến, tàu Starliner sẽ cập bến ISS vào khoảng 5h ngày 8/5 giờ GMT (12h cùng ngày theo giờ Việt Nam) và lưu lại đây khoảng hơn 1 tuần. Các thử nghiệm sẽ được tiến hành để kiểm tra hoạt động của con tàu. Sau đó, hai nhà du hành Williams và Wilmore sẽ lên lại tàu và trở về Trái Đất.
Đây sẽ là lần thử nghiệm cuối cùng trước khi Starliner chính thức đảm nhận việc vận chuyển phi hành gia cho Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA). Trong khi đó, bà Dana Weigel, Giám đốc chương trình ISS của NASA, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cơ quan này có lựa chọn thứ 2 về phương tiện đưa con người vào không gian, ngoài tàu Dragon của SpaceX. Do đó, chuyến bay này được coi là cột mốc quan trọng đối với cả Boeing và NASA.
Trước đó, nhiều cuộc thử nghiệm Starliner đã không thành công. Trong chuyến bay thử nghiệm không chở người đầu tiên vào năm 2019, tàu Starliner đã không đi vào đúng quỹ đạo, phải trở về khi chưa tiếp cận được ISS. Sau đó, do trục trặc kỹ thuật nên lần phóng thử vào năm 2021 cũng đã bị hoãn. Tháng 5/2022, tàu Starliner không có người lái cũng đã đến được ISS, song các vấn đề sau đó đã trì hoãn chuyến bay thử nghiệm có người lái đầu tiên.
OpenAI có kế hoạch công bố sản phẩm tìm kiếm cạnh tranh với Google
Tờ Reuters cho biết, theo hai nguồn tin quen thuộc, công ty OpenAI đang có kế hoạch công bố sản phẩm tìm kiếm dựa trên trí tuệ nhân tạo vào thứ Hai (13/5) nhằm nâng cao vị thế trong cuộc cạnh tranh với ‘vua tìm kiếm’ Google.
Hai hãng Bloomberg và The Information báo cáo rằng Microsoft đã hỗ trợ OpenAI nghiên cứu một sản phẩm tìm kiếm có khả năng cạnh tranh với Google của tập đoàn Alphabet, cũng như với Perplexity, một công ty khởi nghiệp về ứng dụng tìm kiếm bằng AI.
OpenAI đã từ chối bình luận về vấn đề này.
Thông báo của OpenAI có thể được ấn định 1 ngày trước khi diễn ra hội nghị I/O thường niên dành cho các lập trình viên được tổ chức bởi Google vào thứ Ba (14/5), nơi gã khổng lồ công nghệ dự kiến sẽ cho ra mắt một loạt sản phẩm liên quan đến AI.
Theo Bloomberg, sản phẩm tìm kiếm của OpenAI là một phần mở rộng của ChatGPT, cho phép ChatGPT lấy thông tin trực tiếp từ trang web kèm theo trích dẫn. ChatGPT là sản phẩm chatbot của OpenAI, trong đó sử dụng các mô hình AI tiên tiến để tạo ra những phản hồi tương tự như con người.
Từ lâu các nhà quan sát trong ngành đã gọi ChatGPT là một giải pháp thay thế cho việc thu thập thông tin trực tuyến, mặc dù ứng dụng này gặp khó khăn trong việc cung cấp thông tin một cách chính xác và theo thời gian thực từ trang web. OpenAI trước đó đã được tích hợp với Bing của Microsoft dành cho những khách hàng trả phí. Trong khi đó, Google cũng đã công bố các tính năng AI tạo sinh cho công cụ tìm kiếm của mình.
Một đối thủ khác là công ty khởi nghiệp Perplexity, được định giá 1 tỷ USD và được thành lập bởi một nhà nghiên cứu trước đây của OpenAI. Perplexity đã thu hút được sự chú ý thông qua việc cung cấp giao diện tìm kiếm hiển thị các trích dẫn, hình ảnh cũng như văn bản trong kết quả phản hồi. Theo một bài đăng trên blog hồi tháng Một của Perplexity, ứng dụng này có 10 triệu người dùng đang hoạt động hàng tháng.
Vào thời điểm đó, sản phẩm ChatGPT của OpenAI được coi là ứng dụng nhanh nhất từng đạt 100 triệu người dùng hoạt động hàng tháng sau khi ra mắt vào cuối năm 2022. Theo công ty phân tích Similarweb, lưu lượng truy cập trên toàn thế giới vào trang web của ChatGPT đã tăng vọt trong năm 2023, tuy nhiên hiện tại chỉ mới quay trở lại mức cao nhất vào tháng 5/2023. Công ty AI này đang chịu áp lực phải mở rộng cơ sở người dùng của mình.
Theo một bài đăng trên trang web của OpenAI, một nỗ lực trước đó của công ty này nhằm đưa thông tin thực và mang tính cập nhật vào ChatGPT, gọi là plugin ChatGPT, đã ngừng hoạt động vào tháng Tư.
Nga triển khai sản xuất smartphone chống thu thập dữ liệu trái phép
Các công ty thuộc tập đoàn nhà nước Rostec và Rostelecom của Nga đã triển khai dây chuyền sản xuất và lắp ráp mẫu điện thoại thông minh (smartphone) AYYA T1 có khả năng chống rò rỉ dữ liệu. Hiện khách hàng có thể đặt mua trước loại smartphone này.
Được biết, tính năng đặc biệt của AYYA T1 là chống lại nguy cơ thu thập dữ liệu khi chưa được cho phép thông qua các hệ thống camera và microphone, nhờ có lựa chọn tắt phần cứng. Cùng lúc đó, tính năng truy cập mạng và các ứng dụng nhắn tin tức thì vẫn được duy trì.
Theo thông tin từ hệ thống vận hành mạng điện thoại di động Aurora, thuộc Rostelecom, điện thoại thông minh AYYA T1 sẽ được cung cấp cho các khách hàng doanh nghiệp dưới 2 phiên bản, chạy hệ điều hành Android hoặc hệ điều hành Aurora OS. Bản cập nhật Aurora 5 ra mắt hồi cuối năm 2023 và đã được cung cấp cho các nhân viên văn phòng.
AYYA T1 có khung kim loại và thân nhựa, với các màu đen, xanh dương và xanh đậm. Màn hình có kích thước 6,55 inch với độ phân giải 1600×720, tương ứng HD +. Camera chính 2 chiều, 12 + 5 megapixel, camera trước là 13 megapixel. Điện thoại thông minh AYYA T1 còn có nhiều cảm biến khác nhau.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét