Thuở cắp sách đến trường nghe thầy cô đọc câu thành ngữ "Nóc nhà xa hơn kẻ chợ". Ngày ấy ngẩn ngơ chẳng hiểu. Khi nghe giảng mới vỡ lẽ: Thì ra chợ là nơi lui tới mỗi ngày, nên được coi là gần hơn cái nóc nhà ngay ở trên đầu, mà cả năm chưa chắc có lần đặt chân lên tới:
Ôi nhớ quá một thời dĩ vãng
Chiều mưa buồn trên phố chợ bâng khuâng
Thời gian qua mau, xao xuyến tần ngần
Biết bao giờ mới trở về nơi đó !?
Thuở niên thiếu nghe thầy cô giảng thế
Lớn lên rồi mới thấm thía làm sao
Mây trời lơ lửng trên cao
Lời thầy cô giảng hôm nào không quên.
Tất nhiên đi chợ mỗi ngày, là chúng ta nói đến thói quen, và sinh hoạt nhu cầu đi chợ của người Việt bên nhà. Chứ nơi xứ Người, nhà nào cũng mỗi tuần đi chợ 1 lần - Cái tủ lạnh chất rau trái, thịt thà, cá mú, đuợc tính toán, khả dĩ tạm đủ sử dụng một tuần. Nhà nào cũng thu xếp cuối tuần đi chợ, tiết kiệm thời giờ sống nơi đất khách. Chưa kể các gia đình trú ngụ nơi vùng lạnh, mùa đông chẳng ra khỏi cửa. Các bà nội trợ VN đã khéo càng thêm khéo. Các bà làm thịt muối, trứng muối, muối dưa, muối cá.... Nói chung sử dụng muối chế biến nhiều kiểu thực phẩm ăn dần, cất dành duới basement cả tháng.
- Ấy đấy, cái xứ Mỹ, nổi tiếng với hệ thống giao thông nhất thế giới, nhưng đuờng dài thăm thẳm, đời sống lúc nào cũng nhanh cũng vội. Ai cũng than không rảnh thì giờ.
Hoặc nếu không bận bịu, cũng tỏ ra vội vã, cho đúng gu thời thượng. Người ta rỉ tai nhau "keep busy"... thế mới đúng mốt, phù hợp quan hệ chung quanh - Sống bên Mỹ không biết bận rộn, coi như quê một cục, coi như chưa thức thời và không đuợc coi là người văn minh hải ngoại -
Người lưu vong bỗng trở nên ù ơ ví dầu như thế -Tất nhiên không phải ai cũng bận, người rảnh thì không lái xe, không thích ho(a)̣c không dám lái xe:
Mỗi thời mỗi kiểu người ơi
Ngày xưa và hiện tại một trời cách xa
Hôm nay trở lại bên nhà
Để xem kẻ chợ nó ra thế nào.
Hà Nội có Đồng Xuân. Huế có Đông Ba. Saigon có Bến Thành. Chợ Lớn có Bình Tây - các chợ được gọi là chợ đầu mối của một thời dĩ vãng:
* 1/. Chợ Đồng Xuân Hà Nội:
Một trong những chợ to nhất tại Hà Nội, chuyên bán sỉ cho các đầu mối. Chợ nằm trong khu phố cổ, có lịch sử hàng trăm năm từ thời phong kiến nhà Nguyễn. Ngôi chợ ở vị trí, phía tây là phố Đồng Xuân, phía bắc là phố Hàng Khoai, phía nam là phố Cầu Đông. Sát sau lưng là chợ Bắc Qua, nên một số nguời gọi gộp chung là Đồng Xuân - Bắc Qua.
Mùa hạ năm giáp tí 1804, tổng trấn Nguyễn Văn Thành triều Nguyễn, cho đặt ngôi chợ ở cửa chính đông. Người ta bảo chợ Đồng Xuân tuy nằm trong phố cổ, nhưng trẻ hơn một số con đuờng xung quanh.
- 1889, khi dấu tích cuối cùng của sông Tô Lịch và hồ Thái Cực bị lấp, người Pháp quy hoạch lại, giải tỏa cả 2 chợ Đồng Xuân và Bắc Qua.
- 1890, chính quyền Pháp xây lại chợ, 5 vòm cửa và nhà lồng dài 52m, cao 19m. Mặt tiền theo kiến trúc Pháp, mái lợp tôn. Nơi này đã diễn ra các trận chiến ác liệt giữa vệ quốc quân chống lại lính lê duơng của Pháp. Vệ quốc quân đã hy sinh khá nhiều khi rút khỏi Hà Nội.
- 1990, chợ xây lại. Ba dãy giữa đuơc cơi lên 3 tầng.
- 1994, chợ bị hỏa hoạn, thiêu trụi gần như toàn bộ các gian hàng. Đây là vụ cháy lớn nhất tại Hà Nội từ xưa tới nay.
Ngày xửa ngày xưa chợ Đồng Xuân bán nhiều loại mặt hàng, bây giờ chínhh yếu là đồ điện tử, đồ gia dụng, vải vóc quần áo. Phía sau bán chim thú, cây cảnh. Hàng hóa đuợc vận chuyển đi khắp phía Bắc.
- 1995, chợ Đồng Xuân đuợc xây lại với số vốn đầu tư 68 tỉ đồng VN. Ngày nay chợ đuợc xây 3 tầng có tổng diện tích 14.000m2. Khoảng 2000 gian hàng kinh doanh. Có nhiều cửa hàng giao dịch, nhiều cầu thang, và nhiều lối đi.
- Từ 2003, chợ đa dạng hóa buôn bán, phục vụ mua sắm cho khách du lịch. Và chợ đêm ra đời. Nơi đây đuợc tổ chức các trình diễn nghệ thuật dân gian, thực hiện hát chèo, cò lả, quan họ Bắc Ninh..vv..
Người ta bảo chợ Đồng xuân chứa đựng khá nhiều giá trị văn hóa, và là biểu tượng của thủ đô Hà Nội. Mặc dù thiên hạ kháo nhau chợ Đồng Xuân kẻ cắp như rươi, nổi tiếng móc túi nhanh như chớp và các cô bán hàng xinh đẹp nhưng chanh chua hết mức - Vào chợ, mua bán, trả giá ấm ớ, là nghe chửi, chửi có bài bản, có lớp lang, không chê vào đâu đuợc:
Gái Hà Nội ngọt không chê đuợc
Thế nhưng mà cứ liệu hồn anh
Lơ mơ cơn nổi tam bành
Chỉ còn có nuớc mà banh xác người.
- Chợ Đồng Xuân, tạm coi là địa danh của đất đế đô ngàn năm văn vật. Những cao niên, di cư vào Nam 1954,
không khỏi bùi ngùi nhớ những ngày thời trai trẻ, tung tăng bay nhảy nơi đất Bắc. Rồi xôn xao hồi tưởng mối tình đầu đã khép lại bên kia dòng Bến Hải.
- Vĩ tuyến 17 phân ranh chia đôi đất nước để các chàng nghêu ngao: "Tôi xa Hà Nội năm em muời sáu xuân tròn đắm say. Đôi tay ngọc ngà duơng gian tình ái em đong thật đầy. Hà Nội ơi ngày ấy tôi mơ cây đàn. Quen sống ca vui bên nàng. Nay khóc tơ vương lìa tan. ....
Vâng, nào biết ra sao bây giờ, có còn ai ngóng ai bên dòng nuớc xanh lè phủ rong rêu như ngày xưa ấy nữa không!?
- Ôi, Hà Nội một trời tuởng nhớ, tê tái nhớ nhung, nhớ nhung quặn thắt cả người, nhớ không chịu đuợc. Để người nhạc sỹ Hoàng Dương viết bản tình ca "Huớng Về Hà Nội" ngây ngất nhớ nhung "Hà Nội ơi phố phuờng giãi ánh trăng mơ. Liễu mềm nhủ gió ngây thơ. Thấu chăng lòng khách bơ vơ...Hà Nôi ơi, những ngày vui đã qua đi/ Biết rồi còn nói năng chi/ Đâu rồi giây phút phân ly"
Lòng khách tha huơng bơ vơ nơi miền Nam tự do nắng ấm, se sắt nhớ giây phút phân ly trong lòng thủ đô Hà Nội.
Hà Nội có Hồ Tây. Có hồ Trúc Bạch. Có Hồ Gươm. Có truờng Buởi, có các đấng nam sinh sáng sủa thông minh, nghịch ngợm như ma quỉ: Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò truờng Buởi, người ta bảo thế.
Hà Nội có chợ Đồng Xuân, có cô bán hàng xinh đẹp chanh chua chỏng chảnh, và kẻ cắp như rươi. Đồng Xuân, đuợc nguời Pháp xây vào giữa năm 1889. Chợ mang hình thái riêng để nguời ta nhớ nhung hồi tuởng những sinh hoạt quen thuộc của một thời đâu đó.
Ngôi chợ đuợc khách thập phương coi như cái "dạ dày" của Hà Nội – Đồng Xuân mang dấu tích của đảo điên mua bán, nhưng cũng là vết dấu mang biểu tuợng của mảnh đất ngàn năm văn vật, nên thơ, cổ kính... để khó phai mờ trong tâm những cao niên đã sinh ra và lớn lên trên xứ Bắc thuở nào.
Nhung nhớ quá đất Hà thành yêu dấu
Nuớc hồ xanh phủ đặc những rong rêu
Ra đi ngày ấy một chiều
Nay nhớ lại mà lòng như tê dại
Nhớ về em, nhớ về em mãi mãi
Đồng Xuân ơi khiến ta phải tuơng tư.
Dĩ vãng nào cũng khơi dậy nỗi niềm. Quá khứ nào cũng khắc sâu vào tâm khảm, mỗi khi nhắc đến Đồng Xuân của Hà Nội, miền Bắc nuớc Việt ...lòng chạnh buồn.
* 2/ Chợ Đông Ba:
Dọc bờ bắc sông Huơng trên đuờng Trần Hưng Đạo, cách cầu Truờng Tiền chừng 100m về phía bắc. Chợ Đông Ba, trung tâm thuơng mại lớn của Thừa Thiên, Huế.
Cửa Đông Ba là theo cách gọi dân gian. Thời Gia Long, ngôi chợ khá to mang tên "Qui Giả Thị" (Thị là chợ, Qui Giả là trở về). Cái tên đánh dấu sự kiện trở lại Phú Xuân của vua quan nhà Nguyễn. Thời loạn, dân tứ tán. Khi thái bình, dân tứ phuơng quay lại – Qui Giả thị là ngôi chợ của những nguời trở về.
Gần thế kỷ sau, mùa hè 1885, kinh đô thất thủ, chợ Qui Giả bị giặc Pháp đốt sạch.
- 1887, vua Đồng Khánh cho xây lại và đổi tên là Đông Ba. "Phiên Đông Ba buồn qua cửa chợ/ Bến Vân Lâu buồn vó đơn sầu...
Chợ Đông Ba cung cấp thực phẩm cho cung điện, cho nhà thuơng, đồn lính, và ký túc xá các truờng Quốc học, Đồng Khánh, Bình Linh, Thiên Hựu...
- 1899, trong cuộc chỉnh trang đô thị theo phong cách phuơng tây, vua Thành Thái dời chợ ra địa điểm bây giờ. Chợ cũ trở thành truờng Pháp -Việt Đông Ba.
Chợ Đông Ba thời vua Thành Thái gồm 4 dãy hàng: Truớc và sau. Phải và trái. Mặt truớc 8 gian. Mặt sau 12 gian. Bên phải 13 gian... tất cả lợp ngói. Giữa chợ có lầu 3 tầng. Tầng duới có 4 bức tuờng. Bốn mặt tuờng có đồng hồ điểm thời khắc. Trong chợ xây giếng đá, có hệ thống máy múc nuớc. Những lúc dừng tay quay nuớc, nuớc giếng dâng tràn và phun ra.
Đầu thế kỷ 20, Đông Ba đuợc tu sửa nhiều lần, nhưng vẫn giữ cốt cách cũ.
- 1967, chính quyền Saigon phá chợ cũ, xây mới. Công truờng đang dang dở thì bị bom pháo kích trong chiến dịch Mậu Thân 1968, phá tan tành. Sau đó chính quyền sửa chữa tạm để buôn bán.
- 1987, chợ trùng tu. Ngoài lầu chuông trung tâm, chợ Đông Ba có 9 dãy nhà bao quanh mới : khu chợ cá, khu hàng tự sản, tự tiêu, tức là tự sản xuất và tiêu thụ. Khu hàng dịch vụ, tổng diện tích 15.597 m vuông. Ngoài ra, còn bao thầu việc trông coi quản lý và chăm sóc khu hoa viên Chuơng Duơng, các bến bãi xe hàng, xe khách, xe lam, bãi giữ xe máy, xe đạp.... Nâng tổng diện tích lên 47.614 m2. Với 2543 gian hàng kinh doanh cố định, 700 hộ bán rong lưu động. Trung bình mỗi ngày từ 5000 đền 7000 khách đến chợ. Vào dịp tết thì đông hơn (uớc chừng trên chục ngàn ngươi):
Dòng Hương Giang, nước lờ đờ chảy
Gió thổi về e ấp lá vàng rơi
Đông Ba xứ Huế của một thời
Nay khu chợ vẫn là nơi đông đảo.
Tinh túy văn hóa của Thừa Thiên Huế, đến nay còn giữ đuợc, đề vẫn thấy ở chợ: nón lá Phú Cam, Dao kéo Hiền Luơng, Đồ kim hoàn Kế Môn, Mè xửng Song Hỉ, Dâu Truồi, Quit Huơng Cần, Thanh trà Lại Bằng, Sen khô Hổ Tịnh. Hàng mã hoa giấy Làng Sình. Và các món Huế truyền thống bình dân: cơm hến, bún bò, bánh lá, bánh khoái, chả tôm, chè đậu ván.
Chợ Đông Ba trở thành trung tâm cung cấp sơn hào hải vị cho các nhà hàng, khách sạn quốc tế. Và các món đặc sản Huế, và khách du lịch năm châu bốn bể đến thăm Huế.
Đông Ba di sản ngút trời
Tìm về thăm Huế để mà coi
Xưa kia lầu cũ giờ hoang phế
Nhưng chợ Đông Ba vẫn lắm người
Ngày nay chợ Đông Ba giữ vai trò quan trọng trong kinh tế thị trường. Ngoài cung cấp thực phẩm và hàng tiêu dùng , Đông Ba là nơi tạo việc làm cho hàng ngàn người thất nghiệp và đóng vào ngân sách nhà nuớc mỗi năm hàng chục tỉ tiền thuế.
Chợ Đông Ba, cầu Truờng Tiền với sông Huơng, là biểu tuợng của xứ Huế. "Cầu Trưòng tiền sáu vài, ba muơi hai nhịp. Thuơng nhau rồi xin kịp về mô... - Người ta bảo chưa đến chợ Đông Ba coi như chưa đến Huế.
Chợ Đông Ba tu sửa nhiều lần nhưng vẫn giữ bản sắc cũ. Chợ không chỉ là trung tâm mua bán mà còn là linh hồn của cố đô Huế.
Ngày nay, hình thức buôn bán thay đổi theo đời sống hiện đại, nhưng hồn xưa dấu cũ không nhạt phai. Các sản phẩm nổi tiếng đuợc duy trì để không mất danh tiếng đã đồn tai nhau về xứ Huế:
Huế thương, Huế nhớ, Huế buồn
Đông Ba kẻ chợ sóng người tuôn
Bâng khuâng khua nuớc đò Vỹ Dạ
Nghe giọng Huế hò, dạ vấn vương
Sông Huơng nhạt nắng chiều rất nhẹ
Tiễn khách qua đò thương nhớ thương.
Đến Đông Ba tìm lại không gian của những rêu phong cổ kính và khép kín. Các O Huế nói nghe như chim hót. Các mệ hút thuốc Cẩm Lệ trét đuôi thuốc bẹp lép dính lên tuờng. Các phụ nữ mặc áo dài chèo đò và quẩy gánh hàng rong trên phố... Ngày nay Đông Ba hiện đại, trôi theo sinh hoạt mới, nhưng dấu xưa vẫn phảng phất còn.
* 3/ Ghé bến Saigon, thăm chợ Bến Thành:
"Cùng nhau đi tới Saigon/ Thủ đô yếu dấu nước nam tự do/ Dừng chân trên bến hẹn hò/ Người dân no ấm sống đời tự do...
Nguyên thủy chợ Bến Thành có trước khi Pháp chiếm Gia Định. Vị trí ban đầu, nằm bên bờ sông bến Nghé, bến sông gần thành Gia Định, lúc ấy là thành Quy, còn gọi là thành Bát Quái. Bến này dành cho khách vãng lai và quân nhân vào thành, vì vậy có tên Bến Thành, và khu chợ gọi là chợ Bến Thành - Trước khi Pháp đánh chiếm Gia định, khu vực xung quanh là thành Phụng, chỉ có 100.000 dân, và chợ bến thành đông dân nhất. Cạnh khu chợ, dọc sông bến Nghé, các thuơng thuyền đậu chen chúc tạo một thành phố nổi.
- 5/1859, Pháp chiếm thành Gia Định, hai ngày sau, binh lính Việt tổ chức hỏa công thiêu rụi thành phố, trong đó có chợ bến thành.
- 1860, khi đã vững vàng ở Nam Kỳ, Pháp cho xây lại chợ tại địa điểm cũ, thời VNCH là địa điểm tổng ngân khố Nguyễn Huệ. Ngôi chợ xây cột gạch, suờn sắt, lợp lá. Thời kỳ này đuợc coi là khu phố chợ trù mật, tục lệ đầu xuân, có thao diễn thủy binh.
Sau cuộc nổi loạn Lê Văn Khôi (con nuôi tả quân Lê văn Duyệt), thành Quy bị triệt hạ, phố chợ không còn sầm uất .
Lịch sử hôm xưa lại trở về
Dòng đời sao cứ mãi lê thê
Hôm qua đông đúc, nay buồn tẻ
Một kiếp phù sinh thật não nề.
- 1870, bị cháy, chợ xây lại cột gạch, suờn sắt, lợp ngói, gian thực phẩm, gian hàng cá, gian hàng thịt, gian ăn uống và gian hàng tạp hóa, khu hàng thịt lợp tôn, lót đá xanh.
Dọc chợ bờ phía nam, cón kênh Kinh Lớn. Truớc chợ dọc theo kênh là đuờng Charner hay còn gọi là đuờng Quảng Đông (Rue de Canton), vì đa số nguời Hoa buôn bán ở đây là nguời Quảng Đông.
Do vị trí nằm ở giao điểm của khu đô thị và hợp lưu tuyến đuờng thủy là kênh lớn và rạch Cầu sấu (nay là Hàm Nghi) ghe thuyền có thể cập bến và đổ người lên hai mặt chợ.
Nếu qua chợ bằng đất liền, thì có những cầu gỗ. Vì thế khung cảnh chợ Bến Thành lúc nào cũng nhộn nhịp.
- 1887, Pháp cho lấp 2 con sông. Sát nhập thành đuờng Charner (tên một sĩ quan hải quân Pháp tiến chiếm Nam kỳ). Nguời bản xứ gọi là đuờng Kinh Lấp, nay là đuờng Nguyễn Huệ. Đa số các cửa hiệu ở đây là người Hoa, bán hủ tiếu, thịt quay, cháo cá, cà phê, vài tiệm thuốc bắc. Người Ấn Độ bán vải, tạp hóa, cà ri, nuớc hoa, và một số cửa hiệu người Pháp.
- 1911, chợ trở nên cũ kỹ trong tình trạng có thể xụp đổ. Người ta phá chợ, chừa lại khu hàng thịt vì khu này lợp tôn nhẹ. Đồng thời Pháp cũng chọn địa điểm xây cất 1 khu mới hơn, phục vụ mua bán. Địa điểm đuợc chọn nằm gần ga xe lửa Mỹ Tho (nay là bến Saigon), tức chợ Bến thành ngày nay.
Khu vực xây chợ, vốn là cái ao sình lầy cũ, gọi là ao Bồ Rệt (Marais Boresse), người Pháp lấp đi. Mặt tiền là Place Cuniac, tên đặt theo viên thị trưởng thành phố Saigon (xã tây) Cuniac, người đề ra việc lấp ao.
Người Việt thì quen gọi là bùng binh chợ Bến Thành, tên chính thức là "Công trường cộng hòa", "công trường Diên Hồng", "quảng trường Quách thị Trang". Mặt bắc là rue de Espagne. Mặt đông là rue Viénot. Mặt tây là rue Schroeder.
Sau 1955, thời đệ nhất cộng hòa, 4 tên đuờng đổi thành: Lê Lợi, Lê Thánh Tôn, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh.
Phố chợ mỗi lúc thêm đông, thêm sầm uất, dân lục tỉnh lui tới mang hàng lên bán, rồi mua hàng về:
Phố chợ đông vui người chen chúc
Sầm uất tiểu thương cứ đổ về
Người dân các tỉnh về đây cả
Saigon hoa lệ, chốn phồn hoa
Tờ Lục tỉnh Tân Văn thời đó, cũng thuê 2 căn phố lầu để tiện việc giao dịch với đọc giả và phóng viên từ các lục tỉnh lui tới tòa soạn.
Các huơng chức vùng quê, các điền chủ từ lục tỉnh cũng đi đò đi thuyền lên Saigon chơi, hoặc đi mua sắm. Tất cả đều tập trung ở chợ Bến Thành để thuê khách sạn. Khu này gần chợ, ăn nhậu suốt đêm.
Thời đó có Nam Trung Khách Sạn, mở ra góp vốn cổ phần. Có ban quản trị và sổ sách giấy tờ kế toán phân minh. Đặc biệt khách sạn Nam Trung có ca nhạc mỗi tối từ 17 tới 23 giờ. Có cả cô đầu, hát xiệc dành cho giới trẻ.
Tóm lại, chợ Bến thành khởi công xây vào đầu thế kỷ 20.
Từ 1912 đến 1914thì hoàn thành. Chợ xây trên khu đất 10.000 m2. Vây quanh bởi 4 đuờng: Lê Lợi, Lê Thánh Tôn, Phan Bội Châu Phan Chu Trinh. Bốn phía đều gắn đồng hồ tiện lợi cho khách vãng lai – Và ông nhạc sỹ Y Vân đã tung tăng trên dòng nhạc slow rock:
"Dừng chân trên bến khi chiều nắng chưa phai/ Từ xa thấp thoáng muôn tà áo tung bay/ Phố xá thênh thang đón chân tôi đến nơi đây/ Saigon đẹp lắm. Saigon ơi Saigon ơi... Saigon chốn đây là ngọc viễn đông vốn đã lừng danh. Nắng lên muôn chim đùa hót/ Muôn hoa chào đón/ Tung tăng ngày mới....
Chợ Bến Thành đã hơn thế kỷ. Cột sắt, mái ngói đã hư hao nhiều. 1970 dân thành phố là 4 triệu người. Chợ lỗi thời không đủ cung ứng cho những mua bán nội và ngoại thành đổ về. Chính phủ VNCH lúc đó dự trù có dự án xây cất lại chợ Bến thành nữa thay cho ngôi chợ hiện nay. Dự án của kiến trúc sư Huỳnh Kim Mãng, dự trù có hệ thống điện nuớc, phuơng tiện vệ sinh, thang máy, bưu điện ..vv.. Và dự án kinh phí lúc đó (1972) là trên 2 tỷ đồng. Tiếc là ngân sách Đô thành Saigon lúc ấy chua đủ đáp ứng kinh phí, nên hoãn.
Nhắc lại chợ Bến thành, người dân miền nam xao xuyến. Nhớ quặn người những ngày tháng thanh bình đã xa. Nhìn chợ bến thành là thấy biểu tuợng thân yêu của Saigon, và là biểu tượng của miền nam nuớc Việt:
Hòn ngọc Viễn đông của một thời
Nhìn về phuơng ấy thấy chơi vơi
Thuơng quá Việt Nam màu nắng lụa
Giờ đây nghèn nghẹn chẳng ra lời
Khi nào trở lại phuơng trời ấy
Góc phố hồng lên. Tổ quốc ơi
Hồn thiêng sông núi đàn con Việt
Hân hoan khắp phố vạn tiếng cười .
Tiếp giáp Saigon là Chợ Lớn. Vùng đất mới, nhiều người Việt gốc Hoa làm ăn sinh sống. Nơi có chợ Bình Tây. Ngôi chợ đuợc một người Hoa bỏ tiền xây, khi chính quyền tỉnh Chợ Lớn cũng đang dự định tìm đất xây chợ.
- Nguời Hoa đó là ai?
*4/ Chợ Bình Tây Chợ Lớn -
Người xây ngôi chợ Bình tây trong chợ lớn ấy, là Quách Đàm, người Hoa chính gốc, lưu lạc sang đất nam bộ, với đôi quang gánh đi mua ve chai (người bắc gọi là đồng nát), Quách Đàm lặn lội đi cùng khắp các ngõ hẻm Saigon ChợLớn, tối ngủ nhờ mái hiên.
Mua ve chai ít năm, Quách Đàm có vốn, xoay qua nghề mua da trâu, vi cá và bong bóng cá. Đêm đêm vẫn ngủ nhờ ở mái hiên hoặc ngủ trong chợ. Đêm đến, dân phu khuân vác ở chợ, ở bến xe, mò tới, nắn lưng lấy tiền, lấy giấy tờ rồi bắt chuộc – Dù trải qua những ngày như vậy, Quách Đàm không vì thế mà thù oán họ. Khi làm chủ vựa lúa, ông thâu nhận người làm trông coi các vựa lúa.
Có chí, lanh lợi, Quách Đàm hội nhập giới thuơng mại, làm giàu rất nhanh. Khi giàu rồi, nằm nhà hút thuốc phiện, nghĩ mưu kế cạnh tranh và giao du với các quan to đầu tỉnh. Nhờ đó độc quyền xuất nhập 1 số hàng hóa tại Nam kỳ.
1920, Chánh tham biện chợ lớn, thấy ngôi chợ đã cũ và nhỏ hẹp không đủ cho việc buôn bán, và muốn mở mang thành phố, nên đi kiếm đất định xây cái chợ lớn hơn. Lúc đi mua đất thì chủ đất bắt chẹt đòi giá cao.
- Quách Đàm nghe tin, bắt chộp thời cơ, tặng miếng đất nhỏ hơn ngôi chợ hiện tại cho nhà nuớc, không lấy xu nào, còn xây tặng luôn ngôi chợ mới... Nhưng chỉ xin một điều: Cho đặt tuợng Quách Đàm ở chợ, và xung quanh chợ cho Quách Đàm xây phố, làm sạp cho thuê – Nhà nuớc Nam kỳ lúc ấy chấp thuận ngay.
Ngôi chợ đuợc xây bằng xi măng, kiến trúc theo kiểu chợ bên Tàu. Quách Đàm xuất tiền đúc tuợng đồng đen hình Quách Đàm đứng, mặc triều phục Mãn Thanh, đầu đội nón chóp, áo ngắn phủ ngoài áo thụng, đầu để bím, tay cầm bản đồ. Dưới bệ đá có con giao long bằng đồng phun nuớc bạc . Tuợng đặt ở sân chính cửa ra vào chợ.
Sau 30/4/1975. Tuợng đuợc dời đi đâu không rõ.
Trải qua hơn 80 năm hình thành và phát triển. Chợ Bình tây vẫn giữ vị thế của chợ đầu mối bán sỉ và lẻ của thành phố nói chung và của quận 6 nói riêng, dù có cạnh tranh khá quyết liệt của những trung tâm thuơng mại .
Chợ Bình Tây với kiến trúc cổ xưa của TQ, và chiều dài của thời gian, cộng với lịch sử lâu đời, chợ có hướng phát triển mới, trong đó đặt ra huớng du lịch để du khách trong và ngoài nuớc mua sắm.
Hàng năm trên 120.000 luợt khách du lịch nuớc ngoài đến đây. Nhiều nhất là của công ty du lịch Saigon đưa tới, để du khách thuởng lãm, tìm hiểu lịch sử và mua sắm với giá cả phù hợp.
Tuơng truyền khi sắp phát mãi. Quách Đàm có đến nhờ một thầy Tàu cho chữ hiệu. Ông thầy tàu ngồi ở thềm đuờng hỏi Đàm làm nghề gì? Đàm thưa: "Ngộ mua bán da trâu và vi cá chở đi xứ ngoài". Thày tầu suy nghĩ vài giây phút, viết cho 2 chữ: Thông Hiệp. vừa mạnh vừa tốt, kèm theo 2 câu liễn: "Thông Thuơng Sơn Hà/ Hiệp Quán Càn Khôn"
Đàm mừng lắm, về khắc bảng phết son thiếp vàng. Và từ đấy việc làm ăn ngày càng phấn chấn, thịnh vượng và bành trướng khắp biển Đông núi Việt. Và ông không hề quên người thày tàu đã cho chữ hiệu và chữ liễn.
Khi gặp nạn kinh tế. Gia tài sụp đổ. Quách Đàm không trách nhà buôn. Nhưng oán trách ai đã lấp con kinh truớc nhà làm hư phong thủy. Đàm tin vào lời thày tàu năm xưa dạy rằng - chỗ Đàm đóng đô là "Đầu con Rồng, khúc đuôi nằm ngoài biển". Kèm theo lời dặn dò đừng cho lấp kinh, tức là sẽ lấp mạch rồng. Và một mai nếu mạch rồng khô cạn, thì cơ nghiệp họ Quách tất nguy cơ.
Nhà buôn Quách Đàm, hiệu là Thông Hiệp, trụ sở ở Quai de Gaudot , nay là đuờng Khổng Tử.
Tuợng Quách Đàm nay tuy đã dời đi, nhưng trên bệ đá, người ta đặt lư huơng để bà con tiểu thuơng thắp nhang khấn vái Quách Đàm. Tiểu thương Chợ Lớn, coi ông như thần tài của họ.
Người Hoa nổi tiếng trên thế giới về đầu óc kinh doanh thuơng mại. Quách Đàm gốc Hoa, nhiều cơ mưu lợi hại trong thuơng giới. Là khách trú không mấy ai biết đến, nhưng khi biết ai, là Quách Đàm đến cầu thân để có dịp nhờ cậy. Câu nhất biết nhì quen quả là có lý trong truờng hợp này. Quách Đàm biết nhún mình, dạ thưa trước những người có thần thế và ưa thích đuợc nghe lời tâng bốc hót nịnh:
Trò đời chỉ thích nịnh thôi
Dù cho lời ấy là lời đong đưa
Tâm can nở khúc ruột thừa
Biết là như vậy, nhưng say sưa cõi lòng
Tình đời hai bến đục, trong
Chìm trong bến đục, cõi lòng thấy vui .
Đám ma Quách Đàm đông không đám nào bằng. Đủ thứ nhạc tàu, nhạc ta, nhạc Miên... Khách đi đường, cứ nối gót theo chân đám ma vài buớc, là có người lễ phép bưng ra ly nuớc dừa, hay ly la de và cây quạt giấy có kèm tấm giấy ngẫu (5 đồng), để đền ơn đã có lòng đưa chân ngùơi quá cố.
Một phú gia giàu sang bậc ấy, người khách trú, đã xây hẳn ngôi chợ to tuớng tặng chính quyền nơi đất nước họ cư trú.... Nay còn lại gì? Xin thưa, gần chùa Giác Lâm trong Chợ lớn. Trên cánh đồng hoang vu, có bầy bò sữa nhẩn nha gặm cỏ trên ngôi mộ khá to và hùng tráng, nhưng trơ trọi điêu tàn. Bên cạnh đám ruộng khô, một núi rác. Muỗi ruồi bay luợn, tạo âm thanh vo ve buồn thê luơng.
Một kiếp tha phuơng cầu thực nơi đất khách quêngười -
Cũng xin dâng nén nhang cho ngùơi quá vãng.
Lênh đênh lưu lạc xứ người
Vọng về cố quốc ngậm ngùi rơi
Cao xanh thăm thẳm ông nào biết
Một kiếp lưu vong, môt kiếp người
Tha phuơng mang hận sầu viễn xứ
Trên trời mây lãng đãng buồn trôi.
(Trích trong bộ biên khảo XÃ HỘI VIỆT NAM XƯA VÀ NAY tập 1, của tác giả Nguyễn thị Mắt Nâu xuất bản 2016)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét