Tôi chợt thức giấc, vội sang phòng ngủ của cha tôi khi nghe tiếng ông gọi “Mẹ ơi!”. Phòng ngủ của cha tôi vẫn yên lặng ngoài tiếng thở nhẹ và đều của ông. Tôi yên lòng khi nhận ra đó chỉ là tiếng gọi của ông trong giấc mơ. Ông vẫn say ngủ, sắc mặt hiền hòa thư thái, như vừa trải qua một giấc mộng của tuổi ấu thơ hiện ra trong tiềm thức. Tôi phân vân, tại sao ông vẫn nhớ mẹ dù ở vào tuổi “Thất Thập Cổ Lai Hy”, con cháu đầy đàn, đã trải qua những giây phút cam go thăng trầm trong cuộc sống. Hẳn phải do nguyên nhân nào đó đã ghi đậm nơi tâm trí nên thể hiện qua giấc mơ. Người mẹ đã trở thành nơi nương tựa, chỗ bám víu của tinh thần qua các giai đoạn buồn vui trong đời sống con người.
<!>
Tôi vẫn tự hỏi, tại sao chúng ta nằm mơ và giấc mơ là gì mà ghi đậm trong tâm trí con người?
Từ hàng ngàn năm trước con người đã cố gắng phân tích, tìm ra ý nghĩa của giấc mơ. Người Hy Lạp và La Mã cổ đại tin rằng giấc mơ là thông điệp từ chư thần. Nhà tiểu sử học Plutarchus, người La Mã gốc Hy Lạp, từng là một thầy tu cũng đề cập đến chiêm bao. Như giấc mộng của Quốc vương Philippos II (nước Macedonia) (a), đắp một tấm khăn có in hình sư tử lên bụng của Hoàng hậu Olympia khi bà sắp sinh. Theo lời đoán mộng, đây là thông điệp mà thần linh gửi đến cho nhà vua về Hoàng nam sắp sinh sẽ có tính cách của loài mãnh sư. Quả nhiên Hoàng hậu sinh Thái tử, tức Quốc vương Alexandros Đại Đế lỗi lạc.
Theo Quốc sử Trung hoa, khi Hoàng đế Hán Minh Đế chiêm bao thấy một nhân vật bằng vàng, toàn thân tỏa sáng. Khi vua đăng triều, quan Thông nhân là Phó Nghị tấu rằng đó là Đức Phật thần thông quảng đại ở nước Thiên Trúc. Nhà vua sai người sang Thiên Trúc cầu kinh, mở đầu cho Phật giáo tại Trung hoa.
Một “giấc mơ” trong văn học Trung Hoa thường được nhắc tới là “Giấc mộng Nam Kha”. Trong “Nam Kha ký thuật”, Lý Công Tá đời nhà Đường có kể truyện:
“Thuần Vu Phần nằm mộng thấy chàng đến nước Hòe An được vua Hòe An cho vào bái yết. Thấy Thuần tướng mạo khôi vĩ nên gả con gái, cho làm phò mã và đưa ra quận Nam Kha làm quan Thái thú, cai trị cả một vùng rộng lớn.
Trong lúc vợ chồng Thuần tận hưởng cuộc sống vương giả, cực kỳ sung sướng thì bỗng có giặc kéo đến vây quận Nam Kha. Thuần đem quân chống cự. Giặc đông thế mạnh, Thuần thua chạy. Quân giặc vây thành đánh phá. Công chúa nước Hòe An, vợ của Vu Phần chết trong đám loạn quân.
Thuần Vu Phần đem tàn quân về kinh đô tâu lại vua cha. Nhà vua nghi Thuần đã đầu hàng giặc, nên tước hết phẩm hàm, đuổi về làm thường dân. Thuần uất ức vừa tủi nhục, khóc lóc bi thương… Vừa lúc ấy Thuần chợt tỉnh dậy, thấy mình nằm dưới gốc cây Hòe.”
Do đó có câu:
Giấc Nam Kha khéo bất bình,
Bừng con mắt dậy thấy mình tay không!
Trong Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam có câu truyện về nhận định của Nhị Tổ Pháp Loa: “Ngủ thì nói mớ, còn không ngủ thì chẳng nói mớ” có một ý nghĩa đơn giản: nếu còn mang thân xác bằng xương thịt, chúng ta vẫn có hoạt động tâm sinh lý của một con người: Hễ còn ngủ là còn nằm mơ. Một câu nói chúng ta thường nghe: “Đố ai nằm ngủ không mơ”.
Về chuyện “giấc mơ” trong gia đình tôi. Nghe em tôi kể lại, trong thời gian tôi bị bắt đi tù cải tạo, gia đình tôi không biết tin tức gì của tôi, vào một bữa cơm tối cha tôi nói với mẹ tôi:
– “Bà này, tối hôm qua tôi nằm mơ thấy anh Kim, anh ở chỗ sao mà đông người và có nhiều cờ đến thế”.
Mẹ tôi buông đũa không nói, sắc mặt hơi thay đổi. Tôi hiểu bà lại nhớ đến câu chuyện được kể lại trong họ. Chuyện là: một buổi sáng sớm trước ngày đi thi kỳ thi “Tam Nguyên”, người cháu đến hỏi chú về điềm mộng “anh nằm mơ nuốt 3 quả núi”. Người chú hỏi anh:
– “Từ sáng đến giờ anh đã nói chuyện này với ai chưa?”
– “Khi tới đây con đã cho cô hay.”
“ Thế cô bảo thế nào?”
– “Cô nói, người mà nuốt 3 quả núi thì sống làm sao được.”
Người chú im lặng, một lát sau bảo anh:
– “Anh sẽ đậu Tam Nguyên kỳ thi này, nhưng gặp chuyện không may tới tính mạng. Anh phải cẩn thận tầu xe trên đường về.”
Quả nhiên người cháu đậu Tam Nguyên, nhưng gặp tai nạn và chết ‘Bất đắc kỳ tử’ trên đường ‘Vinh quy bái Tổ’. Từ đó, như một lời khuyên, chúng tôi chỉ kể lại giấc mơ của đêm hôm trước vào sau bữa cơm trưa.
Giấc mơ đã được các triết gia Tây phương đề cập đến từ lâu, nhưng cho đến thế kỷ 19 nhà Phân Tâm học Sigmund Freud (1856-1939), mới có những khám phá trong lãnh vực Vô thức, đã sử dụng những gì liên đới tới người nằm mơ một cách có hệ thống, để lý giải giấc mơ mà Phân tâm học là một ngành tâm trí trị liệu chứng bệnh về tâm thần hiện được áp dụng.
Freud phân chia khu vực sinh hoạt tâm thần thành 3 tầng: Ý thức, Tiền Ý thức và Vô thức (1) Trong đó Tiền Ý thức là tầng lưu trữ những giữ kiện tuy không còn ở trong khu vực Ý thức, nơi chứa những ký ức có thể gợi nhớ lại, nhưng chưa chìm hẳn vào tầng Vô thức. Mà Vô thức là tầng bao la không thể biết được một cách trực tiếp, nó bao gồm những gì thuộc về bẩm sinh, di truyền và bản năng tính dục của con người, nhưng cũng do môi trường xã hội bên ngoài tác động lên hoàn cảnh sống, cùng với những biến cố, kỷ niệm và những ước muốn, khát vọng chưa thành tựu của họ. Do đó, động lực chính tạo lên giấc mơ là để giải tỏa những ước mơ chưa thành tựu.
Những ước mơ đó có thể được khởi dậy trong ngày mà chưa hoàn tất, hoặc vì thuộc lãnh vực “cấm kỵ” nên bị dồn nén vào Vô thức, hay những ước mơ bắt nguồn từ Vô thức mà không thể vượt qua được những rào cản cấm kỵ để chen vào khu vực Ý thức.
Theo Freud, giấc mơ là một phản ứng tâm-sinh-lý của con người, không những phản ảnh những khát vọng che dấu mà còn là hình thức để giải tỏa những ẩn ức tâm sinh lý đã chìm trong Vô thức.
Theo nhiều nhà nghiên cứu, giấc mơ là những trải nghiệm, những ảo tưởng trong trí óc khi ngủ. Các sự việc xẩy ra trong giấc mơ thường không giống với thực tế, chúng nằm ngoài sự điều khiển của người mơ. Giấc mơ của chúng ta bao gồm tất cả các tri giác. Chúng ta mơ về hình ảnh, mầu sắc, mùi vị, âm thanh. Đôi khi một giấc mơ được được lặp đi lặp lại nhiều lần và thường là ác mộng.
Như những ác mộng trong thời gian tù cải tạo đã ghi đậm trong tâm trí của tôi, vẫn ám ảnh tôi nhiều năm sau này, kể cả khi tôi đã sống tại hải ngoại. Tôi mơ trở lại căn nhà cũ, nơi gia đình tôi sinh sống, bị đám công an vây quanh kéo ra khỏi nhà…Tôi cũng mơ thấy có lần trên đường trở về nhà, bị đám người cả nam lẫn nữ tới bắt giữ, đưa tôi vào một căn nhà trong khu dân cư. Tôi không nhớ rõ căn nhà đó ở khu nào trong thành phố… Nhiều năm sau này, những ác mộng trong thời gian tù cải tạo với những hoạt cảnh đan chập nhau thỉnh thoảng xuất hiện trong giấc ngủ mặc dù không còn rõ nét.
☆
Trở lại tiếng gọi “Mẹ ơi” của cha tôi trong giấc mơ. Hẳn phải có một nguyên nhân nào đó mà “9 tháng mang nặng đẻ đau” đã đậm nét trong lòng mỗi người con từ thuở lọt lòng. Có phải tất cả do tình mẫu tử, một thứ tình cảm tự nhiên thiên bẩm nhưng vô cùng thiêng liêng, xuất hiện ngay từ lúc bào thai tượng hình trong cơ thể người mẹ. Thai nhi đã trở thành niềm vui và cũng là nguồn hạnh phúc mà người mẹ hết lòng hy sinh bảo vệ. Những cử chỉ vuốt ve dịu dàng, thì thầm giữa người mẹ với thai nhi ngày một thường xuyên hơn.
Nhiều nghiên cứu cho thấy thai nhi nhận biết được ngôn ngữ trong môi trường chúng sống, có phản ứng với tiếng nói và âm thanh khác nhau ngay từ lúc 4-6 tháng tuổi, nhịp tim có thể thay đổi khi nghe thấy tiếng động mạnh bên ngoài. Mặc dù người mẹ chỉ thì thầm, nhưng âm thanh đến thai nhi cũng rất mạnh. Do đó, từ khi sinh ra, đứa trẻ đã khóc theo âm giọng đặc trưng tiếng mẹ đẻ. Ngay cả khi khóc, tiếng khóc cũng giống như tiếng nói của người mẹ và hiểu tiếng mẹ nhanh hơn.
Ngoài âm thanh, thai nhi còn nhận biết đến khứu giác và vị giác. Mùi vị thức ăn mà người mẹ hấp thụ sẽ truyền đến bào thai, nên trẻ nhỏ thường nhớ và có xu hướng thích những mùi vị này khi chúng lớn lên.
Cô Annie Murphy Paul, một nhà khoa học đồng thời là nhà văn, qua nghiên cứu mới đã trả lời câu hỏi: “Quá trình nhận thức của con người bắt đầu từ khi nào?”, và nhận ra rằng:
“chúng ta bắt đầu nhận thức khi còn trong bụng mẹ, từ âm giọng của tiếng mẹ đẻ cho đến những món ăn mà chúng ta sẽ thích khi chào đời”. (Nguồn: ted.com.>talks>annie) (2)
Qua những nghiên cứu trên, tôi nghĩ nhiều tới những câu hỏi thuộc về âm thanh, giọng nói. Vì khi những đứa bé chào đời có tiếng khóc giống nhau, và khi bập bẹ câu nói ê a đầu đời đâu có gì khác biệt. Có người hỏi, tại sao giọng nói của tôi không pha chất “nước phèn” của xứ “đồng chua nước mặn” Hải Hậu quê tôi, như các anh chị em con chú con bác của tôi sinh ra và lớn lên ở quê? Có phải vì khi còn nhỏ cha tôi đã rời quê đi học tỉnh xa, và mẹ tôi không phải là người cùng làng cùng xứ. Tôi ra đời tại “quê Mẹ” và lớn lên tại Hà Nội, không tắm gội chất nước phèn từ thuở lọt lòng, nên không thấm đượm nét đặc biệt của phong thổ xóm làng. Mặc dù tôi vẫn mang hơi hướng của nơi quê cha đất tổ, như một mắt xích vô hình nối liền đời trước đến đời sau.
Một vùng đất tạo lên con người vùng “quê Hải Hậu” (Nam Định), vừa có phong thái khoáng đạt, trung hậu của vùng đồng bằng đất thịt, vừa có nét mạnh mẽ, kiên cường đầu sóng ngọn gió của vùng biển khơi, nên mang một giọng nói đặc biệt. Dù khoảng cách có xa, chỉ cần nghe giọng nói đã nhận ra là người cùng họ, cùng làng. Hay vì ảnh hưởng bởi phong thổ và mạch nước uống khiến âm giọng của các vùng miền đã trở thành khác biệt?
Hiện tượng trên do đâu mà ra. Có phải vì thói quen thiên bẩm, mà ngay từ thuở còn là thai nhi đến lúc lọt lòng bên dòng sữa mẹ đậm nét yêu thương, mà qua lời ru giọng hò đã ảnh hưởng tới tâm hồn và giọng nói đầu đời của trẻ thơ. Như vậy, “lời ru” là gì mà có ảnh hưởng sâu đậm tới đời sống tình cảm của con người?
Theo nhiều nghiên cứu, lời ru là những bài hát có âm điệu nhẹ nhàng êm dịu lấy từ ca dao, thơ phú hay hò dân gian giúp trẻ em dễ ngủ. Lời ru này được truyền miệng từ thế hệ trước đến thế hệ sau trở nên đa dạng, mang tính chất địa phương hay gia đình. Phần lớn các câu trong “lời ru” chỉ chú ý tới lời ca, còn giai điệu đều tùy thuộc cách diễn tả của các bà mẹ. Nhưng tựu chung, những lời ru này đều mang âm hưởng ngọt ngào, trìu mến đã gây ấn tượng sâu đậm trong đời sống tình cảm của con người. Bên cạnh đó, lời ru cũng chuyển tải tình yêu đối với cha mẹ, ông bà và lòng yêu nước sắt son đối với quốc gia dân tộc, mà ngay từ thuở ấu thơ được ngủ yên trong hơi ấm với lời ru dịu dàng, đậm nét yêu thương của các bậc mẹ hiền. Cộng ơn của cha mẹ được nhắc nhở qua ca dao:
Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con
Hay:
Công cha như núi ngất trời
Nghĩa mẹ như nước ngời ngời biển Đông
Núi cao biển rộng mênh mông
Cù lao* chín chữ ghi lòng con ơi” (3)
Trước hoàn cảnh xã hội hiện tại, nhiều người nuối tiếc về sự vắng bóng của tiếng hát ru, một nhu cầu cần thiết để nuôi dưỡng và giúp tăng trưởng tinh thần của trẻ thơ, đã cho rằng những nhu cầu về vật chất và đời sống khó khăn hiện tại đã ảnh hưởng tới hát ru. Thực ra, hát ru là tiếng nói của tình yêu thương, một thứ tình cảm tự nhiên của con người. Như nhận định của Giáo sư Trần Văn Khê: “Lời ru của Mẹ (b) hình thành nhân cách của một đứa trẻ”.
Có người đặt câu hỏi tại sao hát ru là thứ tình cảm tự nhiên của con người lại bị mai một? Chúng ta nhận ra, sau “Cách mạng tháng 8”, đám trẻ nhỏ được đoàn ngũ hóa, Ngay từ khi còn măng sữa, mong trở thành một anh hùng như Lê Văn Tám, đã cảm tử tẩm xăng đốt lửa chạy tới phá kho xăng của thực dân Pháp. Lớp trẻ bị khích động trong khung cảnh ngổn ngang thần tượng được thổi phồng bởi những lời tuyên truyền, như chúng ta thấy khi đọc “Nhật ký của Bác sĩ Đặng Thùy Trâm”, hay lời nhận định của một cô có học hàm Phó Tiến sĩ: “Hoàng sa và Trường sa là máu thịt của Trung Quốc”…, liệu các em nhi đồng khi trở thành các bà mẹ trẻ có tha thiết với lời ru như những thế hệ trước kia, hay Hát ru cũng nhuốm mầu đấu tranh thù hận do định kiến Ý thức hệ của xã hội mới, mà mất dần bản chất tình cảm của con người.
Nhìn lại lịch sử Việt Nam sau thời kỳ Pháp thuộc, lấy cớ “bài Phong, đả Thực” một cuộc “Cách mạng long trời lở đất”, mà chính sách “Đấu tố” đã đảo lộn hoàn toàn mọi thứ tình cảm thiêng liêng, gắn bó của gia đình. Con tố cha, vợ tố chồng vì lợi ích của Đảng, một hành động mất nhân tính được ông Hồ và đám tay chân triệt để khai thác. Từ “Cải cách Ruộng Đất”, một chính sách phá vỡ cơ cấu xóm làng gia tộc, cũng như luân lý gia đình và đạo đức xã hội, đã chia rẽ tận gốc rễ tình cảm con người Việt Nam, mà hành động thi đua trở thành một hình thức tệ hại nhất. Đến chính sách “Trăm năm trồng người”, biến con người từ thuở ấu thơ đến lúc trưởng thành, trở thành công cụ sống chết vì đảng.
Với âm vang từ thời “Cải Cách Ruộng Đất” đến “Trăm Hoa Đua Nở” tràn ngập không khí đấu tranh, nghi ngờ, thù hận giữa con người với con người, đã bao trùm xã hội miền Bắc. Liệu tình mẫu tử có còn trong sáng, tự nhiên, chuyển tải yêu thương như trước kia hay chìm đắm trong không khí nô lệ, hận thù giai cấp, được khích động qua bài thơ của Tố Hữu:
Giết! Giết nữa bàn tay không chút nghỉ
Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong
Cho đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng
Thờ Mao Chủ tịch, thờ Sít Ta Lin bất diệt…
Hay lời ru cũng bị bóp méo để phù hợp với cao trào “bài Phong, đả Thực” gieo hạt giống hận thù vào đầu trẻ nhỏ khi chúng còn măng sữa:
Cái cò đi đón cơn mưa
Tối tăm mù mịt ai đưa cò về
Cò về đến gốc cây đề
Thằng Tây nó bắn cò què một chân…
Trong khi đó tại miền Nam tự do, chúng ta vẫn thấy tràn ngập tình cảm yêu thương đằm thắm qua lời ru của mẹ:
Ầu ơ…ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi
Ầu ơ…Khó đi mẹ dắt con đi
Con thi trường học, mẹ thi trường đời
Chúng ta nhận ra rằng, Hát Ru chỉ có thể tiếp nối phát triển trong không khí Tự do thanh bình với nếp sống cơm no áo ấm, tràn ngập yêu thương.
☆
Ngày tôi trở về gặp lại Mẹ sau nhiều năm đi tù cải tạo, Bà ôm tôi như khi tôi còn tấm bé. Bà nắm hai bàn tay chai cứng của tôi, hậu quả sau thời gian dài bị đầy ải bởi tay cuốc, tay xẻng, với chỉ tiêu tàn nhẫn để phù hợp sự nghiệp “lao động là vinh quang”, mắt Bà đẫm lệ xót thương, nghẹn ngào: “Sao mà khổ cực thế con ơi!”
Vào lúc này tôi càng cảm nhận được sự thiêng liêng của “Tình mẫu tử”:
"Con dù lớn vẫn là con của mẹ
Đi hết cuộc đời mẹ vẫn theo con"
Vì định kiến Ý Thức hệ, tôi không thể trở về gặp Mẹ lần cuối khi Bà qua đời. Sự chia ly tưởng chừng ngắn ngủi đã trở thành cách xa mãi mãi.
Trần Nhật Kim
2-2024
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét