Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 4 tháng 10, 2023

MỘT ĐỜI TÌM CHA - Thái An


Mẹ tôi có người em họ tên Hân, con chú Thông, chú ruột của mẹ. Dì Hân kém mẹ 2 tuổi. Mẹ kể rằng thím Thông, mẹ dì Hân rất đẹp. Lúc đó còn ở chung với gia đình chồng nên ở chung nhà với mẹ tôi và ông nội của mẹ và cũng là ông nội của dì Hân.Làng Tây Hồ của mẹ nằm cạnh hồ Tây, thời đó còn ở ngoại thành Hà Nội nên dở quê dở tỉnh. Nghĩa là không sống bằng nghề nông, mà sống bằng nghề buôn bán. Đàn bà thì buôn hàng xén, đàn ông và người trẻ ở nhà kéo chỉ màu bằng tơ tằm rồi đem bỏ mối cho các chợ, các hiệu may trong Hà Nội hay đưa vào Sài Gòn bán. Còn một nghề phụ nữa là trồng vài loại hoa như lay ơn, mồng gà, hoa hồng trong mảnh vườn của nhà mình. Sáng sáng có người đến thâu mua để đem vào Hà Nội bỏ mối cho các tiệm hoa hay ngoài chợ.
<!>
Những năm 1930, lúc đó mẹ chồng và con dâu là mẹ dì Hân hay đi buôn xa, qua tận bên Gia Lâm, mỗi lần đi vài ngày có khi cả tuần mới về nhà. Ở nhà vài ngày rồi lại đi tiếp. Nghe nói bà nội của mẹ và thím Thông hay ngủ nhờ và gởi hàng ở một cái chùa bên Gia lâm, có lẽ là gửi gánh hàng xén của bà và của thím Thông. Vì thời đó, có những phụ nữ của làng Tây Hồ gửi gánh hàng xén của họ ở một căn nhà mặt tiền trong Hà Nội, mỗi ngày họ đi tàu điện vào Hà Nội đem hàng ra bán, chiều thì đón tàu điện về đến đê Yên Phụ xuống xe đi bộ về làng Tây Hồ.
Khoảng năm 1936, lúc dì Hân được 4 tuổi, bà nội của dì và của mẹ tôi đã qua đời. Mẹ dì Hân vẫn tiếp tục đi buôn một mình, lần nào đi cũng đem dì Hân theo. Năm đó, khoảng mươi ngày trước tết, mẹ dì Hân lại bế dì đến chào cha chồng để đi buôn:
- Thưa thầy, con xin phép thầy con đi.
Ông nội của mẹ hỏi lại:
- Thế khi nào chị về?
Mẹ dì Hân trả lời:
- Thưa thầy, đến tết con sẽ về.
Mẹ tôi đứng ngay đó nên còn nhớ rõ lắm. Nhưng mẹ con dì Hân đi biền biệt, đến 30 tết chẳng thấy về. Tết năm đó chú Thông, cha của dì Hân buồn biết mấy. Ông lại có cớ để uống say suốt ngày.
Một thời gian sau, có người báo cho chú Thông biết rằng mẹ dì Hân đã lấy chồng khác,người bên Gia Lâm. Vài năm sau, ông nội của mẹ qua đời.Vài năm sau nữa, chú Tùng, em út của ông ngoại bỏ đi kháng chiến và chết mất xác. Chú Thông của mẹ vẫn ở vậy, không lấy ai khác. Hơn 10 năm sau chú Thông bỏ làng Tây Hồ vào Sài Gòn sinh sống. Năm đó khoảng năm 1949.
Người em gái út của ông ngoại tôi là bà Nhân ở lại nhà một mình. Bà Nhân chỉ lớn hơn mẹ tôi 3 tuổi.

Năm 1951, bà Nhân được một người người bên làng Quảng Bá đến xin cưới. Một người trong họ đứng ra làm đám cưới cho bà. Từ đó bà về ở bên nhà chồng. Căn nhà của ông ngoại tôi ở làng Tây Hồ bỏ không.
Phần dì Hân, sau khi được mẹ bế theo qua Gia Lâm, mẹ dì đem dì vào chùa gửi nhờ nuôi giùm. Mẹ dì gửi tiền cho chùa hàng tháng.
Thím Thông vẫn gửi gánh hàng ở chùa nên mỗi tuần đều đến lấy hàng đi bán. Mỗi lần như thế, dì được gặp mẹ hoặc có hôm trời mát mẻ, được mẹ cho theo ngồi bán hàng.
Tuy thỉnh thoảng vẫn gặp mẹ, nhưng dì vẫn buồn bã như đứa trẻ mồ côi, không cha không mẹ. Ở chùa chỉ có cơm rau với cà. Từ khi lên 6, lên 7, dì phải làm lụng mọi việc trong chùa theo khả năng của một đứa bé. Lớn hơn chút nữa, dì quét sân, làm vườn, trồng trọt, dọn dẹp, bếp nước, lau chùi. Nhiều lần dì cố hỏi mẹ cha dì ở đâu, nhưng mẹ dì vẫn giấu. Dì vẫn thầm oán mẹ tại sao không để dì ở lại với cha mà đem dì theo làm gì rồi bỏ vào chùa ở với người dưng.
Khi dì 16 tuổi, có anh láng giềng nhà ở cạnh chùa, có lẽ ngày ngày trông thấy dì làm lụng siêng năng nên đem lòng thương yêu dì. Hơn nữa, dì rất đẹp, nước da lại tráng trẻo. Có lẽ dì được thừa hưởng nét đẹp của mẹ. Thế là năm dì 17 tuổi, dì được thầy mẹ anh láng giềng cưới về cho con trai của họ.
Sau 1954, mẹ dì mới nói cho dì nghe: “Quê nội mày ở làng Tây Hồ, về đấy mà kiếm”.

Đầu năm 1955, ông ngoại tôi theo mẹ tôi di cư vào Nam.
Sau khi đất nước đã chia đôi, dì Hân đón xe về làng Tây Hồ. Hỏi thăm người làng, họ chỉ cho dì căn nhà của cha dì đã bỏ trống. Dì buồn quá, tưởng đâu sẽ gặp lại cha, ngờ đâu cha đã bỏ đi vào SàiGòn từ nhiều năm trước. Nhưng người làng Tây Hồ lại mách cho dì Hân biết dì còn người cô ruột tên Nhân lấy chồng bên Quảng Bá, qua đó mà kiếm.
Thế là có người mau mắn dẫn đường cho dì Hân đi bộ qua làng Quảng Bá. Đến nơi, người làng Quảng Bá chỉ cho dì căn nhà của cô Nhân. Hai cô cháu nhận ra nhau, mừng mừng tủi tủi vì cả hai đều mồ côi; riêng cô Nhân thì không cha không mẹ, không còn 3 anh trai, chẳng ai thân thích. Từ đó, mỗi năm dì Hân lại về Quảng Bá vài lần thăm cô Nhân. Tuy không sống gần nhau từ nhỏ, nhưng hai cô cháu rất thương yêu khắng khít vì là người ruột thịt duy nhất còn sót lại.
Dì Hân sanh được 6 người con, 3 trai, 3 gái. Tất cả đều ổn định kinh tế. Người nào cũng thương yêu mẹ. Người con gái út đẹp nhất nhà vì thừa hưởng được nét đẹp của dì.

Sau 1975, dì nhờ người Tây Hồ sống trong Sài Gòn trước 1954 tìm kiếm cha cho dì. Nhưng ai cũng bảo vài năm đầu ông Thông còn liên lạc với người làng, nhưng sau đó bặt tin luôn, có lẽ ông đã chết từ lâu, không biết chôn nơi nào.
Năm 2007, tôi về Việt Nam lần đầu, ra Hà Nội. Dì Hân hay tin tôi về, đã từ Gia Lâm qua Quảng Bá để gặp tôi. Dì hỏi thăm mẹ tôi. Cậu K gọi điện thoại cho mẹ tôi và đưa cho dì nói chuyện với mẹ. Dì nói chuyện với mẹ rất lễ phép, một điều thưa chị hai điều thưa chị. Rất tiếc mẹ tôi vì lý do sức khỏe không thể về thăm họ hàng làng mạc. Hai chị em chỉ biết nói với nhau qua điện thoại. Dì mời tôi hôm sau qua nhà dì để dùng cơm.
Dù đã ngoài 70, nhưng nét đẹp vẫn còn rõ trên khuôn mặt của dì Hân. Đẹp từ khuôn mặt, đến cái sống mũi dọc dừa thẳng băng, đầu mũi nhỏ, đôi môi vừa vặn, có viền nét rõ ràng, đôi mắt tròn hiền lành. Làn da của dì vẫn còn trắng trẻo, không rám nắng. Dì luôn mặc cái áo tay dài màu trắng và cái quần đen.
Cậu K đã đưa tôi đến nhà dì. Các con dì cũng đến để chào tôi. Căn nhà của dì rất xinh xắn, có sân lát gạch tàu, có hòn non bộ trong sân, trong hòn non bộ có nuôi cá Koi. Gian nhà ngoài làm bằng gỗ mít, trạm trổ theo lối xưa, dùng làm phòng khách. Căn nhà phía trong để ở xây theo kiểu mới, 3 tầng lầu.
Chồng của dì Hân đã chết từ lâu. Dì sống với con trai thứ và con dâu, cùng mấy cháu nội. Tôi mừng vì có cơ hội gặp được dì, người em con chú con bác duy nhất của mẹ.
Họ tộc bên ông ngoại tôi để lại 3 người đàn bà côi cút từ thủa bé. Trước hết là bà Nhân, năm bà 11 tuổi bà đã mồ côi cả cha lẫn mẹ. Bà sống với mấy người anh là ông ngoại tôi và ông Thông cho đến khi 18 tuổi thì ở lại nhà một mình vì 2 anh lớn đi xa, anh kế thì chết trận. Thứ đến dì Hân, năm dì lên 4 đã xa cha và không có lần nào được gặp lại.Dì Hân có mẹ mà cũng như không vì không được ở gần từ khi lên 4. Sau hết là mẹ tôi, năm mẹ lên 3, bà ngoại tôi qua đời. Nhưng mẹ được ở với cha cho đến khi lấy chồng. Sau này còn đem cha theo để di cư vào Nam năm 1955.
Bà Nhân qua đời năm 2007. Trước khi bà chết 2 tuần, dì Hân từ Gia Lâm qua ở nhà của cô để trông nom săn sóc cô những ngày cuối cùng. Dù lúc đó sức khỏe của dì Hân cũng đã yếu lắm, mỗi ngày phải uống thuốc nhiều lần.
Thời những năm 1930, một người đàn bà dám bỏ chồng đi theo tiếng gọi của con tim là một chuyện “nổ lớn”. Phải can đảm lắm mới dứt áo ra đi được. Vì khi đã đi, không bao giờ dám trở lại làng cũ. Như thế, sẽ không còn cơ hội gặp lại cha mẹ và anh chị em ruột thịt của mình. Đừng nói chi là gặp lại nhà chồng cũ. Có lẽ vì thế mà mẹ dì Hân quyết bế dì theo dù phải bỏ dì vào chùa, nhưng vẫn còn gặp được mỗi tuần vài lần.

Thời xa xưa đó, đàn ông chỉ cưới vợ còn tân, chẳng ai muốn cưới một người đàn bà đã qua một đời chồng huống chi là đã có con. Người đàn ông lấy mẹ của dì Hân cũng là một chuyện ngoại lệ, một chuyện “nổ lớn”. Chắc hẳn tình yêu của ông ta với “thím Thông” phải mãnh liệt lắm nên ông mới dám sống trên dư luận như thế. Nhưng ông không vượt qua được cái tiếng “con riêng của vợ” nên mẹ dì Hân không dám đem dì theo chung sống với chồng mới.
Rốt cuộc, dì Hân trở thành “đứa trẻ mồ côi”.
Phải chờ đến khi dì Hân lấy chồng, có con, nghĩa là đã bám rễ bên Gia Lâm, mẹ dì mới cho dì hay quê nội để về kiếm. Vì bà biết dì phải trở lại Gia Lâm với chồng con.
Dì Hân qua đời năm 2016. Nguyện vọng tìm xác cha của dì không thực hiện được. Con gái út của dì nhất định phải tìm cho được hài cốt của ông ngoại mình để đem hài cốt của ông Thông về chôn tại nghĩa trang của làng Tây Hồ, kề cận với phần mộ của cha mẹ.
Nhưng có lẽ ở thế giới bên kia, dì Hân đã gặp lại cha của mình.

TT-Thái An
8/8/2018

Không có nhận xét nào: