Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 11 tháng 10, 2023

Điểm Nóng Thời Cuộc: Hamas Tấn Công Do Thái và Kính Chuyển Tin Thế Giới Đó Đây - Lê Văn Hải


Vẫn Còn Nóng Hổi: Tin Chung Quanh Sau Cuộc Tấn Công Bất Ngờ Của Hamas Vào Do Thái Lãnh Tụ Iran: Tehran Không Đứng Sau Cuộc Tấn Công Của Hamas Vào Do Thái (Hình: Lãnh tụ Iran, ông Ayatollah Ali Khamenei.) -Thông tấn xã Reuters cho hay hôm 10/10/2023, lãnh tụ tối cao Iran, ông Ayatollah Ali Khamenei nói rằng Iran không liên quan đến cuộc tấn công hồi cuối tuần trước của nhóm chiến binh Hamas nhằm vào Do Thái, nhưng ông ca ngợi điều mà ông gọi là thất bại quân sự và tình báo “không thể khắc phục” của Do Thái.
<!>
“Chúng tôi hôn tay những người lên kế hoạch tấn công chế độ Do Thái”, ông Khamenei nói trong bài phát biểu trên truyền hình đầu tiên kể từ cuộc tấn công. Ông xuất hiện trên TV khi quàng trên cổ chiếc khăn của người Palestine.

Ông Khamenei nói: “Trận động đất hủy diệt này (cuộc tấn công của Hamas) đã phá hủy một số công trình quan trọng (ở Do Thái) và sẽ không thể sửa chữa dễ dàng…. Hành động của chính chế độ phục quốc Do thái là nguyên nhân gây ra thảm họa này”.

Do Thái lâu nay vẫn cáo buộc các nhà lãnh đạo tăng lữ Iran đã kích động bạo lực bằng cách cung cấp vũ khí cho Hamas. Tehran, vốn không công nhận Do Thái, cho biết họ hỗ trợ về mặt tinh thần và tài chánh cho nhóm kiểm soát Dải Gaza.

Hôm 9/10, Hoa Kỳ cho rằng Iran đồng lõa trong cuộc tấn công của Hamas vào Do Thái, nhưng nói thêm rằng họ không có thông tin tình báo hay bằng chứng nào chứng minh cho khẳng định này. Viên tướng hàng đầu của Mỹ hôm 9/10 cảnh báo Iran chớ có dính líu vào cuộc khủng hoảng này, nói rằng ông không muốn xung đột lan rộng.

Trước đó, cũng hôm 10/10, Do Thái cho biết họ đã tái lập quyền kiểm soát biên giới Gaza và đang cài mìn nơi các phần tử vũ trang đã phá đổ hàng rào trong cuộc tấn công đẫm máu cuối tuần, sau một đêm nữa Do Thái tiến hành không kích không ngừng vào vùng đất này.

Ông Khamenei cho rằng một cuộc tấn công vào Gaza sẽ “gây ra một cơn thịnh nộ nặng nề hơn nhiều”.

Ông Khamenei nói: “Chế độ đang chiếm đóng tìm cách biện minh mình là nạn nhân để leo thang tội ác hơn nữa… đây là một tính toán sai lầm…. Nó sẽ dẫn đến thảm họa thậm chí còn lớn hơn”.

Các kênh truyền hình Do Thái cho biết số người chết trong vụ tấn công của Hamas đã lên tới 900 người và ít nhất 2.600 người bị thương. Bộ Y tế Gaza cho hay ít nhất 687 người Palestine thiệt mạng và 3.726 người bị thương trong các cuộc không kích của Do Thái vào khu vực bị phong tỏa kể từ hôm 7/10.


Xung Đột ở Gaza: Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Kêu Gọi Hai Bên Tôn Trọng Luật Nhân Đạo Quốc Tế


(Hình: Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres phát biểu về tình hình Do Thái, sau cuộc tấn công của Hamas, New York, Hoa Kỳ, ngày 9/10/2023.)

-Không muốn làm phật lòng bất kỳ phe nào, hôm 9/10/2023, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã lên án các cuộc tấn công của tổ chức Hamas nhắm vào Do Thái. Đồng thời, ông bày tỏ lo lắng trước thông báo Do Thái phong tỏa hoàn toàn dải Gaza.

Từ New York (Hoa Kỳ), thông tín viên Carrie Nooten của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) cho biết thêm:

Đây là điều mà chính Hội đồng Bảo an không làm được: Họ không muốn mạo hiểm để thông điệp của mình bị một trong hai phe hiểu lầm. Nhưng Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc không thể khoanh tay đứng nhìn và không phản đối sự leo thang này.

Trước tiên, ông lên án các cuộc tấn công và bắt giữ con tin của Hamas và các tổ chức khác có liên quan. Ông kêu gọi chấm dứt giao tranh và thả con tin: “Tôi thừa nhận nỗi bất bình chính đáng của người dân Palestine. Nhưng không gì có thể biện minh cho những hành động khủng bố này, những vụ giết người, tra tấn hành hạ và bắt cóc thường dân”.

Thông báo về việc chính quyền Do Thái phong tỏa Gaza càng đánh dấu sự leo thang mà mọi người rất lo ngại. Sau khi họp với đại diện các định chế chính chủ chốt Liên Hiệp Quốc để thảo luận về “tình hình chưa từng có” này, Tổng Thư ký Antonio Guterres đã tìm cách kêu gọi Do Thái kiềm chế: “Tôi vô cùng đau buồn trước thông báo ngày hôm nay của Do Thái về việc phong tỏa hoàn toàn dải Gaza. Mặc dù thừa nhận những lo ngại an ninh chính đáng của Do Thái, tôi muốn nhắc Do Thái rằng các hoạt động quân sự phải được tiến hành phù hợp với luật nhân đạo quốc tế”.

Trước khi tái khẳng định rằng lối thoát duy nhất cho cuộc khủng hoảng này là giải pháp chính trị, với một “hòa bình được đàm phán” cùng với “giải pháp hai Nhà nước”– Do Thái và Palestine - được cộng đồng quốc tế công nhận.

Hôm 10/10, Liên Hiệp Quốc đã khẳng định rằng hành động Do Thái phong tỏa hoàn toàn dải Gaza là trái với luật nhân đạo quốc tế. Về phần mình, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi mở một hành lang nhân đạo tới dải Gaza.


Do Thái Tiếp Tục Truy Đuổi Chiến Binh Hamas Nhằm Khôi Phục Quyền Kiểm Soát Vùng Biên Giới


(Hình: Quân đội Do Thái trùy lùng chiến binh Hamas gần Kibbutz Re’im, sát biên giới với dải Gaza, ngày 10/10/2023.)

-Sáng 10/10/2023, Quân đội Do Thái thông báo đã “ít nhiều khôi phục quyền kiểm soát” ở biên giới với dải Gaza, và đã tìm thấy xác của khoảng 1.500 chiến binh Hamas trên lãnh thổ Do Thái. Con số này cho thấy quy mô vụ tấn công bất ngờ hôm 7/10.

Tối 9/10, phát biểu ngắn gọn trên truyền hình, Thủ tướng Do Thái Benjamin Netanyahou, được thông tấn xã AFP trích dẫn, kêu gọi các nhà lãnh đạo của các phe đối lập khẩn cấp hợp tác thành lập “một chính phủ đoàn kết dân tộc” mà không cần một điều kiện tiên quyết nào, để đối phó với tổ chức Hamas. Thủ tướng Do Thái Benjamin Netanyahu so sánh Hamas với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (Daesh) vì những hành vi man rợ, trói, thiêu và hành quyết cả trẻ em.

Ông Netanyahu cho biết Do Thái có kế hoạch khai triển “lực lượng chưa từng có” để tấn công đáp trả một cách cứng rắn: “Mọi nơi mà Hamas hoạt động sẽ trở thành đống đổ nát”. Theo CNEWS, Thủ tướng Do Thái nói đến một cuộc chiến tranh tổng lực và nhận định cuộc tấn công chống khủng bố “chỉ mới bắt đầu”. Hôm nay, Do Thái đã huy động 300.000 quân dự bị.

Hôm 9/10, Do Thái tuyên bố phong tỏa toàn diện dải Gaza, cắt nguồn tiếp viện thực phẩm, điện, nước, nhiên liệu... làm dấy lên lo ngại về tình hình nhân đạo vốn đã nghiêm trọng sẽ càng xấu đi nhanh chóng.

Về số nạn nhân kể từ cuộc tấn công hôm 7/10, theo báo Le Monde, tính đến sáng 10/10, đã có khoảng 1.600 người thiệt mạng, theo số liệu chính thức của cả hai bên. Phía Do Thái ghi nhận 900 người chết, hơn 2.600 người bị thương. Bên Palestine, 687 người thiệt mạng và hơn 3.700 bị thương.


Căng Thẳng! Phong Trào Hamas Dọa Giết Hết Các Con Tin, Để Đáp Trả Các Vụ Oanh Kích của Do Thái Vào Gaza!


(Hình: Một khu vực gần thành phố Gaza bị phá hủy sau cuộc oanh kích của Do Thái, ngày 10/10/2023.)

-Tối 9/10/2023, Phong trào Hồi giáo cực đoan Hamas của Palestine đã dọa hành quyết các con tin Do Thái để đáp trả việc Do Thái tiếp tục oanh kích vào dải Gaza. Lời đe dọa này được đưa ra sau khi chính quyền Tel-Aviv thông báo sẽ “phong tỏa” hoàn toàn dải Gaza, vùng lãnh thổ mà Hamas đã kiểm soát từ năm 2007.

Hôm 7/10, các chiến binh Hamas đã mở một cuộc tấn công bất ngờ vào miền Nam Do Thái, khiến hơn 900 người thiệt mạng bên phía Do Thái. Phong trào Hồi Giáo cực đoan này cũng đã bắt làm con tin khoảng 150 người và đang cầm giữ họ ở Gaza, theo thông báo của chính phủ Do Thái.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 10/10 đã lên án lời đe dọa của Hamas hành quyết các con tin.

Ai Cập, nước láng giềng của Do Thái, thì đang cố làm trung gian cho việc trao đổi các con tin giữa Do Thái và Palestine, theo tường trình của thông tín viên Alexandre Buccianti của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) từ thủ đô Cairo của Ai Cập:

“Chính các cơ quan tình báo Ai Cập đã cố đứng ra làm trung gian hòa giải giữa hai bên. Những cơ quan này từ khoảng 20 năm qua vẫn lo về hồ sơ các phong trào vũ trang Palestine, cũng như giữ liên hệ với các giới chức Do Thái.

Nhờ có quan hệ tốt với tất cả các bên cho nên các cơ quan tình báo Ai Cập đã nhiều lần thành công thuyết phục được phía Palestine và Do Thái chấp nhận ngưng bắn trong các cuộc xung đột trước đây.

Tuy nhiên, tại Cairo, người ta cho rằng, khó mà làm dịu được tình hình trong những ngày tới do tầm mức quá lớn của xung đột hiện nay. Song song với nỗ lực làm trung gian, Tổng thống Ai Cập và Ngoại trưởng nước này đã tiếp xúc với toàn bộ các bên có thể có ảnh hưởng đến hai phía Do Thái và Palestine, nhất là Hoa Kỳ, Liên Hiệp Âu Châu, Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar”.



Mỹ Cảnh Báo Nhóm Hezbollah Không Được Tấn Công Do Thái


(Hình: Những chiến binh Hezbollah tại thị trấn Baalbek, Lebanon ngày 16/9/2021.)

-Sau cuộc tấn công bất ngờ ngày 7/10/2023 của tổ chức Hamas nhắm vào Do Thái, một viên chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ, hôm 9/10, cảnh báo lực lượng vũ trang Hồi giáo Hezbollah của Lebanon không nên đưa ra một “quyết định sai lầm” với việc mở mặt trận thứ hai chống lại Do Thái ở biên giới với Lebanon.

Viên chức này, được thông tấn xã AFP trích dẫn, cho biết: “Chúng tôi thực sự lo ngại Hezbollah sẽ đưa ra quyết định sai lầm và mở mặt trận thứ hai trong cuộc xung đột này”. Và việc Hoa Thịnh Ðốn điều hàng không mẫu hạm USS Gerald Ford, chiến hạm lớn nhất thế giới, tới khu vực Đông Địa Trung Hải, nhằm cảnh báo các nhóm vũ trang được Iran hậu thuẫn, cũng như lực lượng Hezbollah “không nên nghi ngờ cam kết của Hoa Kỳ trong việc hỗ trợ Do Thái phòng thủ”.

Viên chức Bộ Quốc phòng Mỹ cũng nhận định rằng các cuộc tấn công của Hamas chống lại Do Thái “man rợ không kém” các cuộc tấn công khủng bố của nhóm thánh chiến Nhà nước Hồi giáo (IS).

Các cảnh báo nói trên được đưa ra trong bối cảnh Hezbollah thông báo ba chiến binh của họ hôm 9/10 đã thiệt mạng trong các cuộc oanh kích của Do Thái vào khu vực biên giới miền Nam Lebanon. Quân đội Do Thái thông báo thực hiện vụ oanh kích này và tiêu diệt “một số nghi phạm có vũ trang” xâm nhập vào lãnh thổ của Do Thái từ miền Nam Lebanon.


Ủy Ban Âu Châu Xem Xét Lại Chương Trình Viện Trợ Phát Triển Cho Palestine


(Ảnh: Một đứa trẻ Palestine ngồi trên các gói hàng viện trợ nhân đạo của Âu Châu được chuyển tới trại tị nạn đống Jabalia, phía băc dải Gaza, ngày 26/5/2009.)

-Hôm 9/10/2023, Ủy Ban Âu Châu thông báo đang khẩn trương xem xét lại chương trình viện trợ phát triển cho Palestine. Thông báo được đưa ra sau khi một ủy viên Âu Châu tuyên bố, Brussels ngưng toàn bộ và ngay lập tức các khoản chi, giải ngân theo dự kiến trong khuôn khổ chương trình viện trợ phát triển cho Palestine.

Hôm 9/10, Ủy viên Âu Châu Oliver Varhelyi, người Hung Gia Lợi, thông báo trên mạng X (trước đây là Twitter): “Tất cả các khoản thanh toán bị đình chỉ ngay lập tức, tất cả các dự án được xem xét lại, tất cả ngân sách liên quan đến các dự án, kể cả cho năm 2023, đều bị hoãn lại cho đến khi có quyết định mới và đánh giá mới về toàn bộ chương trình”. Trước đó một hôm, trong một cuộc họp khẩn của Ngoại trưởng các nước thành viên Liên Hiệp Âu Châu, ông Varhelyi lưu ý: “Quy mô, tầm mức khủng bố và mức độ bạo tàn nhắm vào Do Thái và người dân nước này đánh dấu một bước ngoặt. Không thể hành động như thể chưa có chuyện gì xảy ra”.

Theo trang tin Euronews của Liên Hiệp Âu Châu (EU), dường như Ủy Ban Âu Châu bị bất ngờ trước thông báo của ủy viên Oliver Varhelyi. Một phát ngôn viên của Ủy Ban Âu Châu sau đó đã nói cụ thể là việc xem xét lại chương trình viện trợ phát triển của Brussels dành cho Palestine sẽ 27 nước thành viên thảo luận trong cuộc họp hôm 10/10.

Mặc dù các nước Liên Hiệp Âu Châu đều lên án các hành vi khủng bố của Hamas, nhưng nhiều nước phản đối quyết định của ủy viên Varhelyi. Chẳng hạn, Ngoại trưởng Tây Ban Nha Jose Manuel Albares đã gọi điện cho ủy viên Varhelyi để phản đối quyết định nói trên và cho rằng một quyết định như vậy cần được 27 nước thành viên thảo luận. Ái Nhĩ Lan cũng xem đó là một quyết định đơn phương của cá nhân vị ủy viên nói trên và không ủng hộ việc ngưng viện trợ cho Palestines. Ngoại trưởng Lục Xâm Bảo lo ngại rằng biện pháp này sẽ đẩy người dân dải Gaza vào tay những kẻ khủng bố. Theo ông, người dân ở dải Gaza cũng là con tin của tổ chức Hamas.

Euronews nhắc lại Liên Hiệp Âu Châu là nhà tài trợ chính lớn nhất cho Palestine, với ngân sách khoảng 1,2 tỉ Euro từ năm 2021 đến năm 2024 cho các dự án, nhất là về giáo dục và chăm sóc y tế.

Về mặt ngoại giao, cho đến nay Do Thái vẫn nhận được nhiều phát biểu ủng hộ trên trường quốc tế. Tối 9/10, Tổng thống Mỹ Joe Biden và lãnh đạo các nước Pháp, Đức, Anh và Ý Ðại Lợi đã ra tuyên bố chung khẳng định sự ủng hộ “vững chắc và thống nhất” dành cho Do Thái. Năm nước này nghiêm khắc lên án lực lượng Hamas và “các hành vi khủng bố kinh hoàng” của tổ chức này.


Israel tuyên bố lấy lại quyền kiểm soát biên giới với Gaza, nhưng hứa hẹn một cuộc tấn công mới, những ngày sắp tới!


(Hình: Người Palestine cứu một bé gái khỏi đống đổ nát của một chung cư bị Israel không kích phá hủy ngày 10/10/2023.)

-Israel ngày 10/10 tuyên bố đã giành lại quyền kiểm soát biên giới với Gaza và có thể sẵn sàng tiến hành một cuộc tấn công trừng phạt trên bộ vào dải đất đông dân cư do Hamas kiểm soát dọc theo Biển Địa Trung Hải, trong lúc các lực lượng Israel và Hamas bắn phi đạn qua lại trong nhiều giờ đồng hồ.

Bốn ngày sau khi nhóm Hồi giáo Hamas gây sốc cho Israel bằng một loạt phi đạn khổng lồ và phá vỡ các hàng rào biên giới, Chuẩn tướng Dan Goldfuss của Israel thuộc Sư đoàn lính nhảy dù số 98 cho biết quân đội hiện đang “chuyển sang tấn công… để thay đổi thực tế ở Gaza nhằm ngăn chặn điều tương tự xảy ra lần nữa.”

Mặc dù một cuộc xâm lược trên bộ không phải là điều chắc chắn, các quan chức Israel, bao gồm cả Thủ tướng Benjamin Netanyahu, đã đưa ra tín hiệu mạnh mẽ rằng việc này sắp xảy ra. Israel huy động thêm 60.000 quân trừ bị, bổ sung vào con số 300.000 người đã được động viên để chiến đấu trong cuộc xung đột lớn nhất của nhà nước Do Thái kể từ Chiến tranh Yom Kippur năm 1973.

Khi màn đêm buông xuống ở Israel, còi báo động rốc-két vang lên ở thành phố ven biển Ashkelon, ngay phía bắc biên giới Gaza, trong lúc Hamas nhắm vào thành phố này bằng nhiều rốc-két. Trước đó, Hamas đã nhắm phi đạn vào Tel Aviv và Sân bay Quốc tế Ben-Gurion gần đó, hành động mà nhóm chiến binh Palestine cho biết trên trang mạng xã hội Telegram là “để đáp trả việc Israel nhắm mục tiêu vào dân thường”.

Trong khi đó, lực lượng Israel đã phóng hàng chục phi đạn vào Gaza, biến các tòa nhà thành đống đổ nát trong chốc lát, khiến thường dân nhốn nháo tìm cách sống sót.

Số người chết vì giao tranh ngày càng gia tăng, Israel cho biết hơn 1.000 công dân của họ và người dân từ các quốc gia khác, trong đó có 14 người Mỹ, đã thiệt mạng ở Israel và 2.700 người khác bị thương.


Ngoài ra, Israel cho biết thi thể của 1.500 chiến binh Hamas đã được tìm thấy bên trong Israel, điều này cho thấy quy mô của cuộc xâm lược hôm 7/10 của Hamas.

Chính quyền Palestine cho biết ít nhất 830 người đã thiệt mạng và 4.250 người bị thương ở Gaza.

Hamas xác nhận rằng Israel đã giết chết hai quan chức cấp cao của họ trong các cuộc tấn công. Hamas đã bắt khoảng 150 người Israel làm con tin và đe dọa sẽ giết một người trong số họ mỗi khi Israel tấn công Gaza mà không báo trước.

Các nhà chức trách ở Gaza cho biết một cuộc tấn công của Israel đã nhắm vào cửa khẩu biên giới Rafah với Ai Cập, lối đi duy nhất ra khỏi vùng đất này.

Quân đội Israel nói họ đã thực hiện hàng trăm cuộc không kích trong đêm 10/10 và các cuộc tấn công nhắm vào một khu quân sự của Hamas, một kho vũ khí và một trung tâm chỉ huy ở Gaza.

Nhiều cuộc tấn công nhắm vào khu phố Rimal cao cấp của Thành phố Gaza, khu vực có các trung tâm hoạt động của Hamas cũng như các tòa nhà dân cư và văn phòng của các tổ chức phi chính phủ.

Phát ngôn viên quân đội Israel, Trung tá Richard Hecht, cho biết không có phiến quân nào xâm nhập vào Israel kể từ hôm 9/10.

Quân đội Israel nói Hamas cũng đã bắn 4.500 quả rốc-két từ Gaza kể từ khi bắt đầu cuộc tấn công hôm 7/10.

Ông Netanyahu cho biết trong một bài phát biểu vào cuối ngày 9/10 rằng các lực lượng của đất nước ông “chỉ mới bắt đầu” phản ứng.

Ông Netanyahu nói: “Những gì chúng ta sẽ làm với kẻ thù của mình trong những ngày tới sẽ còn ghi trong tâm trí họ qua nhiều thế hệ”.

Bà Lynn Hastings, điều phối viên nhân đạo của Liên hiệp quốc tại vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, cho biết trong một tuyên bố ngày 10/10 rằng ít nhất 200.000 trong số 2,2 triệu cư dân của Dải Gaza đã phải di dời do xung đột. Bà cho biết cường độ giao tranh đang gây khó khăn cho các nhân viên nhân đạo trong việc cung cấp viện trợ.

Bà Hastings kêu gọi tất cả các bên tuân thủ nghĩa vụ của mình theo luật nhân đạo.

Bà Hastings nói: “Dân thường, đặc biệt là trẻ em, cơ sở y tế, nhân viên y tế nhân đạo và các nhà báo phải được bảo vệ”. “Những thường dân bị bắt phải được thả ngay lập tức và vô điều kiện. Bất cứ ai bị bắt hoặc bị giam giữ, kể cả các chiến binh, đều phải được đối xử nhân đạo và có phẩm giá.”

Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres nói với các phóng viên rằng mặc dù ông thừa nhận những lo ngại về an ninh chính đáng của Israel nhưng các hoạt động quân sự phải được thực hiện theo luật nhân đạo. Ông nói rằng dân thường phải được bảo vệ và cơ sở hạ tầng dân sự không được trở thành mục tiêu.

Ông Guterres nói: “Tôi vô cùng đau buồn trước thông báo ngày hôm nay rằng Israel sẽ bắt đầu một cuộc bao vây hoàn toàn Dải Gaza, không được phép vào - không có điện, thực phẩm hoặc nhiên liệu”. “Tình hình nhân đạo ở Gaza vô cùng tồi tệ trước những hành động thù địch này. Bây giờ nó sẽ chỉ xấu đi theo cấp số nhân.”

Các nhà lãnh đạo Anh, Pháp, Đức, Ý và Mỹ đã ra tuyên bố chung bày tỏ “sự ủng hộ thống nhất đối với Nhà nước Israel và sự lên án rõ ràng của chúng tôi đối với Hamas cũng như các hành động khủng bố kinh hoàng của tổ chức này”.

“Tất cả chúng tôi đều công nhận những nguyện vọng chính đáng của người dân Palestine và ủng hộ các biện pháp bình đẳng về công lý và tự do cho người Israel cũng như người Palestine. Nhưng đừng nhầm lẫn: Hamas không đại diện cho những khát vọng đó và họ không mang lại điều gì cho người dân Palestine ngoài việc gây thêm kinh hoàng và đổ máu”, tuyên bố nói.

Ông Ari Harow, cựu chánh văn phòng của ông Netanyahu, nói với đài VOA rằng Israel không có lựa chọn nào khác khi tham gia vào cuộc xung đột, khi các chiến binh Hamas tấn công vào một trong những ngày linh thiêng nhất trong lịch Do Thái.

Ông Harow nói: “Đây không phải là điều mà Israel đã lên kế hoạch hoặc mong muốn. Nhưng một khi chúng ta bị kéo vào chuyện này, và một khi chiến tranh được tuyên bố, mục tiêu là duy nhất và rất rõ ràng, và đó là phá hủy vĩnh viễn cơ sở hạ tầng khủng bố ở Gaza, để đảm bảo rằng người dân Israel, công dân Israel, không phải đối mặt với kiểu tàn bạo này nữa.”


Thị trường chứng khoán Israel lao dốc, nhiều doanh nghiệp đóng cửa sau khi Hamas tấn công
(Tuấn Minh)


(Ảnh: Thị trường chứng khoán Israel lao dốc sau khi Hamas bất ngờ tấn công đẫm máu khiến hàng trăm người thiệt mạng.)

-Thị trường cổ phiếu và trái phiếu của Israel sụt giảm bởi nhiều cơ sở kinh doanh và doanh nghiệp phải đóng cửa vào Chủ nhật (8/10) sau cuộc tấn công bất ngờ từ nhóm Hamas.

Các chỉ số cổ phiếu chính của Tel Aviv (.TA125), (.TA35) kết thúc ở mức thấp hơn gần 7%, dẫn đầu là cổ phiếu ngân hàng (.TELBANK5) giảm 9% với giá trị giao dịch đạt 2,2 tỷ shekels (573 triệu USD) và giá trái phiếu chính phủ giảm khi tới 3% trong phản ứng ban đầu của thị trường trước cuộc tấn công đẫm máu nhất vào Israel trong nhiều thập kỷ, hãng thông tấn Reuters đưa tin.

Trong khi thị trường ngoại hối đóng cửa vào Chủ nhật, đồng shekel đã ở mức yếu nhất trong năm do kế hoạch cải tổ cơ quan tư pháp của chính phủ gây nhiều tranh cãi.

Jonathan Katz, nhà kinh tế trưởng tại Leader Capital Markets, cho biết: “Vòng bạo lực này dự kiến sẽ kéo dài và nghiêm trọng hơn những lần trước, rõ ràng có tác động tiêu cực hơn đến nền kinh tế và ngân sách tài chính”.

“Đồng shekel rất có thể sẽ suy yếu mạnh vào ngày mai và chúng tôi thấy khả năng cao là đến một lúc nào đó Ngân hàng Israel sẽ bán ngoại hối.”

Các tay súng thuộc nhóm Hamas của Palestine đã hung hãn qua các thị trấn của Israel hôm thứ Bảy, giết chết ít nhất 400 người Israel, trước khi bắt cóc hàng chục con tin và trở về Gaza.

Israel đã trả đũa bằng các cuộc không kích vào các mục tiêu của Hamas ở Gaza.

Các chiến binh Gaza cũng bắn hàng nghìn quả tên lửa vào Israel, một số bay tới tận Tel Aviv, khiến các hãng hàng không phải tạm dừng các chuyến bay đến và đi từ Israel.

Bộ trưởng Tài chính Bezalel Smotrich cho biết ông đã chỉ thị các bộ trưởng nhanh chóng cung cấp ngân sách cần thiết để giúp quản lý cuộc chiến.

Ngân hàng Israel cho biết còn quá sớm để đánh giá thiệt hại kinh tế từ cuộc xung đột nhưng chỉ ra cuộc chiến kéo dài 50 ngày với phiến quân Hamas ở Gaza năm 2014 đã gây thiệt hại 3,5 tỷ shekel, tương đương 0,3% tổng sản phẩm quốc nội. Ngân hàng trung ương đã dự kiến tăng trưởng 3% vào năm 2023 và 2024.

Delta Air Lines (DAL.N) cho biết các chuyến bay đến và đi từ Israel đến New York và Atlanta đã bị hủy cho đến thứ Hai, trong khi United Airlines (UAL.O) cho biết “các hoạt động trong tương lai tại TLV (sân bay) sẽ bị đình chỉ cho đến khi các điều kiện cho phép chúng hoạt động trở lại .’ Air India cho biết các chuyến bay đến và đi từ Tel Aviv sẽ tạm dừng cho đến ngày 14/10.

Hãng Arkia cho biết họ đang thực hiện các chuyến bay cứu hộ từ Athens để đưa những người Israel đang đi nghỉ về.

Trong khi hãng bay Israir cho biết họ đang khai thác các chuyến bay cứu hộ từ Larnaca ở Síp nhưng cảnh báo họ có thể thực hiện lịch trình giảm bớt trong những ngày tới do phi hành đoàn nước ngoài trên một số máy bay thuê của họ đã yêu cầu rời khỏi Israel.


Đức Giáo hoàng Phanxicô, kêu gọi Hamas hãy thả con tin, nói Israel có quyền tự vệ


(Ảnh: Giáo hoàng Phanxicô tại buổi lễ hôm 11/10/2023.)

-Trong những phát biểu mạnh mẽ nhất kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột ở Gaza, Giáo hoàng Phanxicô hôm 11/10 kêu gọi Hamas thả tất cả các con tin và nói rằng Israel có quyền tự vệ.

Phát biểu với giọng buồn bã tại buổi tiếp kiến chung hàng tuần trước hàng ngàn giáo dân tại Quảng trường Thánh Phêrô, ông cũng bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về việc Israel bao vây Gaza.

Giáo hoàng Phanxicô nói: “Tôi tiếp tục theo dõi với nỗi đau và sự lo sợ những gì đang xảy ra ở Israel và Palestine. Có quá nhiều người thiệt mạng và nhiều người bị thương. Tôi cầu nguyện cho những gia đình đã chứng kiến ngày lễ trở thành ngày tang lễ, và tôi cầu xin cho các con tin sẽ được thả ngay lập tức”.

Ông nói: “Những người bị tấn công có quyền tự vệ, nhưng tôi rất lo lắng trước cuộc bao vây toàn diện Gaza, nơi người Palestine sinh sống và cũng có nhiều nạn nhân vô tội”.

Việc Giáo hoàng đề cập đến quyền tự vệ của Israel trước áp lực ngoại giao từ Israel buộc ông phải đưa ra tuyên bố như vậy, sau những tuyên bố trước đó của ông và các quan chức Vatican mà Israel cho là quá yếu ớt.

Ông Raphael Schutz, Đại sứ Israel tại Vatican, nói với Reuters bên lề một hội nghị ở Rome hôm 9/10: “Tôi hiểu Vatican muốn hòa bình. Tất cả chúng ta đều muốn hòa bình. Nhưng tôi muốn nghe những lời lẽ mạnh mẽ hơn về quyền tự vệ của Israel”.

Trong phát biểu của mình hôm 11/10, giáo hoàng nói “Chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan không giúp mang lại giải pháp cho cuộc xung đột giữa người Israel và người Palestine nhưng chỉ gây ra hận thù, bạo lực, trả thù và gây ra đau khổ cho cả hai bên”.

Giáo hoàng nói: “Trung Đông không cần chiến tranh mà cần hòa bình, một nền hòa bình được xây dựng trên công lý, đối thoại và lòng can đảm để trở thành anh em”.


Phản ứng các ứng viên tổng thống Mỹ 2024, nói gì về cuộc tấn công của Hamas vào Israel?
(Hải Đăng)

-Hamas bất ngờ tấn công vào Israel từ sáng thứ Bảy (7/10). Cuộc chiến tranh Hamas-Israel đã bước sang ngày thứ ba khiến ít nhất 900 người chết tại Israel và khoảng 700 người chết tại Gaza sau các đợt không kích trả đũa của Israel. Hàng trăm con tin Israel đã bị Hamas bắt đưa về Gaza. Nhóm chiến binh Hồi giáo đe dọa sẽ giết tù binh Israel nếu quân đội Do Thái tấn công vào Gaza mà không cảnh báo trước cho dân thường. Trước diễn biến này, các ứng viên tổng thống Mỹ 2024 đều đã lên tiếng ủng hộ Israel. Dưới đây là những phát biểu đáng chú ý của họ.

Tổng thống Joe Biden

Tổng thống Joe Biden nói rằng sự ủng hộ của chính quyền của ông cho Israel vẫn “cực kỳ vững chắc”. Ông cho biết nhà nước Do Thái có quyền được tự vệ.

Tổng thống Biden đã nói với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong cuộc điện đàm hôm Chủ Nhật (8/10) rằng sự hỗ trợ quân sự của Mỹ cho Israel đang trên đường tới đích, và sẽ có hỗ trợ thêm trong những ngày tới. Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, hỗ trợ quân sự này bao gồm cả đạn dược.

Cựu Tổng thống Donald Trump

Cựu Tổng thống Donald Trump và cũng đang là ứng viên tổng thống 2024 hàng đầu của Đảng Cộng hòa đã nhắc lại sự ủng hộ mạnh mẽ của chính quyền Mỹ dưới thời ông dành cho Israel và đổ lỗi cho ông Biden về vụ Hamas tấn công Israel.

“Joe Biden đã phản bội Israel. Tôi đã dự đoán chiến tranh ở Israel ngay sau khi có thông báo rằng ông Joe Biden đã trao 6 tỷ USD cho Iran”, ông Trump nói trong một sự kiện chiến dịch tại tiểu bang New Hampshire hôm thứ Hai (9/10).

Trước đó, hôm thứ Bảy (7/10), ông Trump đã tuyên bố Israel có toàn quyền tự vệ trước các cuộc tấn công khủng bố của Hamas. Ông gọi cuộc tấn công của nhóm chiến binh Hồi giáo Hamas người Palestine vào Israel là “nỗi ô nhục”. Ông cũng chỉ trích sự yếu kém về chính sách ngoại giao của chính quyền Joe Biden.

“Những cuộc tấn công của Hamas là nỗi ô nhục, và Israel có toàn quyền tự vệ bằng lực lượng vượt trội”, ông Trump nói.

“Đáng buồn, những đồng tiền của người nộp thuế Mỹ đã giúp tài trợ cho những cuộc tấn công này, cuộc tấn công mà nhiều báo cáo đang nói đã đến từ Chính quyền Biden”, ông Trump nói tiếp.

“Chúng tôi đã mang bao nhiêu hòa bình đến Trung Đông thông qua các Hiệp định Abraham, chỉ để nhìn thấy Biden ném bỏ nó đi với tốc độ nhanh hơn bất kỳ ai có thể tưởng tượng. Những sự kiện không mong muốn lại tiếp diễn ở đây rồi”, ông Trump khẳng định.

Thống đốc Florida Ron DeSantis

Thống đốc Florida Ron DeSantis cho biết trong một bài đăng trên X hôm 7/10: “Israel hiện đang bị tấn công bởi những kẻ khủng bố Hamas do Iran hậu thuẫn. Iran đã giúp tài trợ cho cuộc chiến chống lại Israel và các chính sách dễ dãi với Iran của ông Joe Biden đã giúp lấp đầy kho bạc của họ”.

Ông DeSantis nói: “Israel, với sự ủng hộ hoàn toàn của Mỹ, nên tiêu diệt các thành viên Hamas và phá hủy toàn bộ cơ sở hạ tầng của nhóm này”. Ông cũng kêu gọi “đóng băng” khoản 6 tỷ USD mà “ông Biden đã gỡ phong tỏa cho Iran”.

Cựu Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley

Cựu Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley đã thúc giục Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hãy tận diệt Hamas. Bà đề nghị “kết thúc bọn chúng. Bọn chúng nên bị đầy xuống địa ngục vì những gì chúng đã làm”.

Phát biểu trên chương trình “Gặp gỡ Báo chí” của đài NBC hôm Chủ Nhật (8/10), bà Haley đã nói rằng cuộc tấn công khủng bố của Hamas vào Israel nên được xem là một dấu hiệu cảnh báo cho nước Mỹ.

Bà Haley nói: “Hamas và những kẻ ủng hộ họ, chế độ Iran đang nguyền rủa Israel chết đi, Mỹ chết đi. Đó là những gì chúng ta phải nhớ. Chúng ta đoàn kết với Israel bởi vì Hamas, Hezbollah, Houthis và những kẻ Iran đứng sau hậu thuẫn đều ghét chúng ta. Chúng ta phải nhớ những gì đã xảy ra tại Israel có thể xảy ra ở nước Mỹ đây. Tôi hy vọng tất cả chúng ta hãy đoàn kết và sát cánh với Israel bởi vì ngay bây giờ họ thực sự cần chúng ta”.

Doanh nhân Vivek Ramaswamy

Doanh nhân công nghệ sinh học, ứng viên tổng thống Đảng Cộng hòa Ramaswamy đã chỉ trích những gì mà ông gọi là “các cuộc tấn công man dợ và cổ xưa của Hamas”.

Ông Ramaswamy đang bị chỉ trích khi nói trong chiến dịch tranh cử rằng ông sẽ rút dần viện trợ của Mỹ cho Israel sau năm 2028.

Cựu phó Tổng thống Mike Pence

Cựu phó Tổng thống Mike Pence viết trên mạng xã hội X hôm 7/10: “Mọi người Mỹ nên lên án cuộc tấn công vô cớ quy mô lớn của những kẻ khủng bố Hamas vào Israel. Chúng tôi cầu nguyện cho những gia đình và những binh lính của đồng minh đáng quý nhất của chúng tôi. [Thủ tướng] Netanyahu nói Israel ‘đang trong chiến tranh’. Nước Mỹ sát cánh cùng Israel”.

Sau đó cựu tổng thống lên tiếng đổ lỗi cho cả chính quyền Biden và các đối thủ của ông trong cuộc đua giành đề cử tổng thống 2024 của Đảng Cộng hòa.

Ông Pence viết trên X: “Đây là những gì xảy ra khi Tổng thống Mỹ thể hiện sự yếu kém trên trường quốc tế, quỳ gối trước những giáo sĩ Iran khi trao 6 tỷ USD tiền chuộc, và các lãnh đạo trong Đảng Cộng hòa bắn tín hiệu về sự rút lui của Mỹ khỏi vai trò Lãnh đạo của Thế giới Tự do”.

“Đây là những gì xảy ra khi chúng ta có những tiếng nói hàng đầu như Donald Trump, Vivek Ramaswamy, và Ron DeSantis bắn tín hiệu rút nước Mỹ khỏi vai trò lãnh đạo của thế giới tự do. Khi tôi là Tổng thống Mỹ, chúng tôi sẽ lãnh đạo bằng Sức mạnh Mỹ”, ông Pence viết trên X và cũng lặp lại tuyên bố này khi xuất hiện trên đài CNN hôm 8/10.

Thượng nghị sĩ Tim Scott

Thượng nghị sĩ Nam Carolina Tim Scott cũng đang tích cực chạy đua giành đề cử tổng thống 2024 của Đảng Cộng hòa. Ông đã lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ Israel, đồng thời chỉ trích sự yếu kém của nước Mỹ dưới thời Biden.

Ông Tim Scott viết trên X hôm 7/10: “Cuộc tấn công khủng bố của Hamas vào Israel hôm nay là một cuộc tấn công vào Văn minh phương Tây. Dù vậy, sự thật là Joe Biden đã tài trợ cho những cuộc tấn công vào Israel này. Sự yếu kém của Mỹ là mùi tanh chiêu mời những nhân tố xấu, nhưng sự vụ này là tồi tệ hơn thế. Chúng ta đã không chỉ chiêu mời sự gây hấn này, chúng ta đã trả tiền cho nó. Iran là nhà tài trợ lớn nhất của Hamas. Đây là khoản 6 tỷ USD tiền chuộc của Biden đã khởi tác dụng. Israel phải bảo vệ người dân và đất nước mình, và Mỹ phải làm mọi thứ mà chúng ta có thể để trợ giúp đồng minh Israel của chúng ta”.

“Những cuộc tấn công khủng bố vào Israel là hành động của ma quỷ. Hamas cần phải bị quét sạch khỏi Trái đất này”, ông Tim Scott viết trên X hôm 9/10.

Ứng viên tổng thống 2024 Robert F. Kennedy Jr

Ông Robert F. Kennedy Jr là luật sư môi trường và là tiếng nói phản đối vắc-xin COVID-19 mạnh mẽ. Ông hiện đã tuyên bố trở thành ứng viên độc lập trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024.

Ông Robert F. Kennedy Jr đã lên án các cuộc tấn công của Hamas vào Israel hôm 7/10 là “các cuộc tấn công man rợ”.

“Chúng ta ngay bây giờ phải cung cấp cho Israel tất cả những gì họ cần để tự vệ”, ông viết trên X hôm 7/10.


Dân Biểu Mỹ Chạy Đua Với Thời Gian Để Bầu Tân Chủ Tịch Hạ Viện


(Hình: Bầu Chủ tịch Hạ viện Mỹ: Ứng viên sáng giá Jim Jordan, được Donald Trump ủng hộ)

-Vào hôm 10/10/2023, các Dân biểu Mỹ sẽ họp tại tòa nhà Quốc hội (điện Capitol) để bầu Chủ tịch mới cho Hạ viện, sau khi cựu Chủ tịch Kevin McCarthy bị bất tín nhiệm và phế truất vào tuần trước. Cuộc khủng hoảng ở Do Thái cũng khiến vấn đề này trở nên cấp bách hơn.

Từ Miami (tiểu bang Florida), thông tín viên David Thomson của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tường trình:

Cuộc tấn công của Hamas và hành động đáp trả của Do Thái khiến tình trạng tê liệt ở Hạ viện Hoa Kỳ càng trở nên trầm trọng hơn. Vì không có Chủ tịch, Hạ viện Mỹ không thể bỏ phiếu viện trợ quân sự khẩn cấp cho Do Thái hay thậm chí đưa ra tuyên bố ủng hộ chính thức.

Vào lúc xảy ra cuộc khủng hoảng quốc tế, nhiều Dân biểu đã không giấu được sự phẫn nộ, lên án nhóm Nghị sĩ chống đối đã phá hoại an ninh quốc gia Hoa Kỳ qua việc phế truất Kevin McCarthy. “Hành động phế truất ông ấy thật ngu xuẩn và thậm chí là nguy hiểm”, một Dân biểu bảo thủ phát biểu như trên, đồng thời muốn ông McCarthy được phục hồi chức vụ.

Nhưng cựu Chủ tịch bị phế truất không phải là ứng viên cho chức vụ cũ. Vì vậy, cần phải gấp rút tìm người thay thế McCarthy, nhưng cuộc bầu cử này chắc sẽ rất bất định. Các cuộc thảo luận bắt đầu vào hôm 10/10, trong khi chưa xuất hiện một sự đồng thuận nào trong phe đa số vốn mong manh và chia rẽ đến như vậy.

Ứng cử viên sáng giá nhất, Jim Jordan, được ông Donald Trump ủng hộ. Jordan được phe thiên hữu trong đảng ưa chọn, nhưng lại khiến các Dân biểu ôn hòa cảm thấy bất an, làm dấy lên lo ngại về một cuộc bầu cử có thể kéo dài nhiều ngày giống như hồi tháng Một, khi Kevin McCarthy được bầu lên một cách khó khăn, sau 15 vòng bỏ phiếu đáng kinh ngạc.



Khối Cộng hòa trong Hạ viện Mỹ đối diện những khó khăn về bầu chọn tân chủ tịch


(Ảnh: Ông Jim Jordan và ông Steve Scalise.)

-Đảng Cộng hòa kiểm soát Hạ viện Hoa Kỳ hôm 10/10 sẽ cố gắng tiến gần hơn đến việc chọn người kế nhiệm cựu Chủ tịch Kevin McCarthy, dưới áp lực ngày càng tăng từ cuộc chiến ở Trung Đông và nguy cơ đóng cửa chính phủ một lần nữa có thể sắp xảy ra, theo Reuters.

Khối Cộng hòa chiếm đa số trong Hạ viện dự kiến sẽ tổ chức nghe điều trần của ít nhất hai ứng cử viên cho vị trí cao nhất trong quốc hội - Lãnh đạo Khối Đa số Steve Scalise và Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Jim Jordan – trong một cuộc họp kín vào buổi tối, một ngày trước khi các đảng viên dự kiến bầu cho một ứng cử viên bằng cách bỏ phiếu kín.

Tuy rằng ông McCarthy là vị chủ tịch Hạ viện đầu tiên bị phế truất trong một cuộc bỏ phiếu chính thức, song ngay trước ông đã có hai đảng viên Cộng hòa từng giữ chức vụ này đã phải ra đi do bị áp lực từ những người theo đường lối cứng rắn trong cùng đảng.

Trước khi bỏ phiếu bầu chủ tịch Hạ viện, đảng Cộng hòa trước tiên có thể phải giải quyết các vấn đề gai góc khác, bao gồm sẽ làm việc thế nào về vấn đề cấp ngân sách cho chính phủ trong năm tài chính bắt đầu từ ngày 1/10 và liệu có nên thay đổi hay không quy định có nội dung cho phép chỉ cần có một nhà lập pháp kêu gọi bỏ phiếu phế truất ông McCarthy cũng là đủ.

“Đó là tất cả những điểm mà các thành viên đang thảo luận với nhau và những điều đó phải được dung hòa và đạt sự nhất trí trước khi chúng tôi có thể tiếp tục”, Dân biểu Đảng Cộng hòa French Hill nói với Reuters.

Hơn 90 đảng viên Cộng hòa cũng kêu gọi thay đổi quy định của đảng, theo đó bất kỳ ứng cử viên nào cũng phải nhận được sự ủng hộ của 217 đảng viên Cộng hòa, đủ để giành thắng lợi trong cuộc bầu cử vào vị trí chủ tịch Hạ viện trước sự phản đối của đảng Dân chủ.

Dân biểu Michael Cloud, một người ủng hộ ông Jordan, nói: “Điều người dân Mỹ đang tìm kiếm là không phải giữ nguyên trạng ở Washington. Nếu tất cả những gì họ thấy là mọi người chỉ tiến lên một bước, tôi nghĩ điều đó sẽ rất mất động lực”.

Các ứng cử viên khác cũng có thể xuất hiện, bao gồm cả ông McCarthy, người tiếp tục nhận được sự ủng hộ của một số đảng viên Cộng hòa và đã nói rõ hôm 9/10 rằng ông sẽ trở lại làm chủ tịch nếu các đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện đề nghị ông làm như vậy.

Các nhà lập pháp cho biết hội nghị này có thể bỏ phiếu vào ngày 10/10 về việc có nên áp dụng quy tắc mới nâng ngưỡng phiếu bầu chọn ứng cử viên lên 217 hay không.

Một số nhà lập pháp cảnh báo rằng sự thay đổi như vậy có thể là một trở ngại mới.

Dân biểu Tom Cole, người nói với các phóng viên rằng, thay vào đó, đảng Cộng hòa nên ủng hộ ứng cử viên đạt được sự ủng hộ đa số thuần túy trong hội nghị.

Chỉ đến khi nào có một chủ tịch mới được bầu ra, Hạ viện mới có thể hành động. Thực tế đó đã mang lại áp lực mới cho đảng Cộng hòa sau khi Israel tuyên chiến hôm 9/10 sau một cuộc tấn công hiếm hoi của phiến quân Hamas khiến Mỹ kêu gọi thêm viện trợ quân sự.

Nhưng không phải tất cả các đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện đều đồng ý rằng Hạ viện nên nhanh chóng thay thế ông McCarthy, họ cho rằng các nhà lập pháp vẫn đang vật lộn với cú sốc về việc ông bị phế truất.

“Còn nước còn tát”, Dân biểu Max Miller nói. “Chúng tôi cần thêm một tuần để xem ai là ứng cử viên, ai sẽ tranh cử vị trí lãnh đạo trong hội nghị của chúng tôi”.


Tin Quốc Tế Đó Đây

***
Lưu thông đường sắt tăng vọt ở biên giới chứng tỏ Triều Tiên đang cấp vũ khí cho Nga!


(Ảnh: Cờ Triều Tiên và Nga tung bay tại một đưởng phố gần một nhà ga trong chuyến viếng thăm Vladivostok, Nga, của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un ngày 25/4/2019.

-Các bức ảnh vệ tinh gần đây cho thấy sự gia tăng mạnh mẽ về giao thông đường sắt dọc biên giới Triều Tiên-Nga, cho thấy Triều Tiên đang cung cấp đạn dược cho Nga, theo một tổ chức nghiên cứu của Mỹ.

Suy đoán về kế hoạch khả thi của Triều Tiên nhằm nạp đầy kho đạn Nga đã cạn kiệt trong cuộc chiến kéo dài với Ukraine bùng lên vào tháng trước, khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tới Nga để gặp Tổng thống Vladimir Putin và thăm các địa điểm quân sự quan trọng. Các quan chức nước ngoài nghi ngờ ông Kim đang tìm kiếm các công nghệ vũ khí phức tạp của Nga để đổi lấy đạn dược nhằm thúc đẩy chương trình hạt nhân của ông.

“Do ông Kim và ông Putin đã thảo luận về một số trao đổi và hợp tác quân sự tại hội nghị thượng đỉnh gần đây của họ, sự gia tăng đáng kể về giao thông đường sắt có thể cho thấy Triều Tiên cung cấp vũ khí và đạn dược cho Nga”, Beyond Parallel, một trang web do Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế có trụ sở tại Washington điều hành, cho biết trong một phúc trình hôm 6/10.

“Tuy nhiên, việc sử dụng rộng rãi các tấm bạt để che các thùng/container và thiết bị vận chuyển khiến không thể xác định chính xác những gì được nhìn thấy tại Cơ sở Đường sắt Tumangang” ở biên giới.

Phúc trình cho biết các hình ảnh vệ tinh tính đến ngày 5 tháng 10 đã ghi lại “mức độ giao thông đường sắt chở hàng chưa từng có” tại Cơ sở Đường sắt Tumangang. Phúc trình nói các hình ảnh cho thấy khoảng 73 toa tàu trong khi việc xem xét các hình ảnh vệ tinh trước đó trong 5 năm qua cho thấy nhiều nhất có khoảng 20 toa tàu tại cơ sở này.

Các quan chức Mỹ và Hàn Quốc đã cảnh báo rằng Triều Tiên và Nga sẽ phải đối mặt với hậu quả nếu họ tiếp tục thực hiện thỏa thuận chuyển giao vũ khí bị cho là vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc cấm mọi hoạt động buôn bán vũ khí liên quan đến Triều Tiên.

Kể từ năm ngoái, Mỹ đã cáo buộc Triều Tiên cung cấp đạn dược, đạn pháo và phi đạn cho Nga, phần lớn trong số đó là các loại đạn dược thời Liên Xô. Các quan chức Hàn Quốc cho biết vũ khí Triều Tiên cung cấp cho Nga đã được sử dụng ở Ukraine.


Việt Nam:
Kẻ cướp gốc Việt không thoát khỏi AI của cảnh sát


(Ảnh: Eric Minh Nguyễn)

-Eric Nguyễn thú tội đã bắn nạn nhân và có ý định cướp tiền. Nghi can bị giam vào nhà tù quận Oklahoma County Detention Center, đến nay thì tại ngoại hầu tra với mức thế chân $75,000.

Cảnh sát Nichols Hills hợp tác với công ty Flock Safety giữ an ninh bằng kỹ thuật máy thu hình giám sát có trí tuệ nhân tạo AI, cho thấy tác dụng của hệ thống tân tiến ngay trong lần bắt cướp cuối Tháng Chín vừa qua, Đài Fox 25 loan tin hôm 10 Tháng Mười.

Khoảng 6 giờ 30 tối ngày 27 Tháng Chín đã xảy ra một vụ cướp có võ trang tại máy ATM rút tiền nhà băng gần đường West Wilshire Blvd và North Western Ave.

Kẻ cướp đòi một người đàn ông giao nộp toàn bộ số tiền mặt nhưng nạn nhân từ chối. Kẻ cướp liền bắn một phát trúng chân nạn nhân rồi bỏ chạy bằng một chiếc xe hơi Mercedes-Benz màu trắng.

Cảnh sát dò lại các đoạn băng thu hình thì thấy chiếc xe vào thời điểm xảy ra vụ cướp. Máy thu hình Flock rà ngay bảng số xe, lấy được tên chủ xe và địa chỉ đăng bạ xe.

Ngay hôm sau, 28 Tháng Chín, cảnh sát tới căn chung cư ở gần đường East Hefner Rd và Broadway Extension Hwy để bắt nghi can là Eric Minh Nguyễn, 20 tuổi.

Máy thu hình Flock tự động nhận diện các chi tiết về chiếc xe, màu xe, hiệu xe, ngay cả khi không có chi tiết về bảng số.

Trong cơn hoảng loạn, nạn nhân có thể quên mất bảng số hoặc nhớ lầm những chi tiết, nên máy thu hình Flock giúp nhận diện nhanh chóng những điều này, một đại diện của công ty Flock Safety giải thích.

Đã có hơn 30 cơ quan công lực và 75 đơn vị tư nhân ở Oklahoma sử dụng các sản phẩm của Flock, công ty cho biết.

Tổ chức đấu tranh cho quyền dân sự American Civil Liberties Union bày tỏ quan ngại về những chiếc máy thu hình của Flock vì những công cụ này chẳng khác nào được dùng để giám sát quần chúng.

Theo hồ sơ cảnh sát, Eric Nguyễn thú tội đã bắn nạn nhân và có ý định cướp tiền. Ngày 29 Tháng Chín, nghi can bị giam vào nhà tù quận Oklahoma County Detention Center, đến nay thì tại ngoại hầu tra với mức thế chân $75,000.

Cũng theo hồ sơ cảnh sát, Eric Nguyễn khai là đi cướp tiền vì cần tiền mua thức ăn vì “chưa có cái gì bỏ bụng cho no trong nhiều ngày.”


Liên tục bỏ tù giới xã hội dân sự, Nguyễn Phú Trọng vẫn sợ ‘phản động!’


(Ảnh: Bà Ngô Thị Tố Nhiên, nhà hoạt động môi trường bị bắt về tội “trốn thuế”

-Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 8 ở Hà Nội, Nguyễn Phú Trọng cảnh báo nguy cơ mất đảng và tiếp tục đổ lỗi cho “thế lực thù địch, phản động”.

Nguyễn Phú Trọng được báo đảng hôm 8/10 dẫn lời: “…Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị trong và ngoài nước sẽ còn câu kết với nhau tăng cường các hoạt động “diễn biến hòa bình”, “phi chính trị hoá” lực lượng vũ trang với âm mưu, thủ đoạn chống phá ngày càng tinh vi, công khai và trực diện hơn.”

Bên cạnh đó, Trọng cũng nhắc lại: “Những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; sự xuống cấp về các giá trị văn hóa, đạo đức, lối sống; những mâu thuẫn, bức xúc trong xã hội sẽ còn diễn biến phức tạp; phân cực giàu – nghèo có xu hướng ngày càng gia tăng.”

Ngoài ra, Trọng cũng nhắc nhở thuộc cấp về “công tác cán bộ” với những khái niệm như “đừng nhìn gà hóa cuốc”, “đừng thấy đỏ tưởng là chín”, “xanh vỏ mà đỏ lòng đấy”…

Vài tuần trước Hội nghị Trung ương 8, Bộ Công An Việt Nam âm thầm bắt bà Ngô Thị Tố Nhiên, giám đốc công ty Sáng Kiến Về Chuyển Dịch Năng Lượng Việt Nam (VIETSE), nửa tháng sau đó mới xác nhận tin này nhưng lại lấp liếm rằng bà Nhiên “không phải là nhà hoạt động môi trường.”

Ông Tô Ân Xô, phát ngôn viên Bộ Công An, cáo buộc rằng bà Nhiên bị bắt vì “chiếm đoạt tài liệu mật liên quan tập đoàn Điện Lực Việt Nam (EVN).”

Theo các tổ chức nhân quyền, bà Ngô Thị Tố Nhiên là trường hợp thứ sáu bị bắt giữ ở Việt Nam, sau năm nhà hoạt động môi trường bị bỏ tù vì cùng một cáo buộc “trốn thuế.”

Hồi tuần trước, hãng tin Reuters cho hay Văn Phòng Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc (OHCHR) bày tỏ quan ngại về việc nhà cầm quyền Việt Nam bắt bà Ngô Thị Tố Nhiên, người từng cộng tác với các cơ quan của Liên Hiệp Quốc và Hoa Kỳ, chỉ vài ngày sau khi Tổng Thống Joe Biden đến Hà Nội ký các thỏa thuận kinh doanh và nhân quyền.

Theo hồ sơ của bà Nhiên trên trang LinkedIn, bà từng làm việc cho Ngân Hàng Thế Giới (WB), Chương Trình Phát Triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) và Cơ Quan Viện Trợ Phát Triển Quốc Tế của Hoa Kỳ (USAID).

Bà Ngô Thị Tố Nhiên “đã tham gia các sự kiện quốc tế và nội địa, bao gồm các cuộc tham vấn do UNDP tổ chức về chủ đề chuyển đổi năng lượng,” cơ quan UNDP tại Việt Nam xác nhận với Reuters.

Hồi đầu tháng trước, thân nhân của hàng chục tù nhân lương tâm ký tên chung vào một bức thư gửi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, kêu gọi ông lên tiếng cho hàng trăm nhà hoạt động đang bị cầm tù và Việt Nam phải dừng việc dùng họ làm món hàng mặc cả với chính phủ các nước phương Tây.


Khó tin nhưng có thật: Việt Cộng chia sẻ tin tình báo với Mỹ!

(Hình: Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin và Phan Văn Giang

-Khi Bộ Trưởng Quốc Phòng Lloyd Austin đến thăm Việt Nam Tháng Bảy, năm 2021, hai nước đã “lặng lẽ ký một thỏa hiệp cho phép chia sẻ giới hạn tin tức tình báo quân sự.”

Nhà cầm quyền CSVN bí mật thỏa hiệp chia sẻ thông tin tình báo quân sự với chính phủ Mỹ “trong phạm vi lợi ích của cả hai bên.”

Derek Grossman, một phân tích gia tại tổ chức nghiên cứu chính trị độc lập Rand Corporation, tiết lộ như vậy qua bài nhận định phổ biến trên tạp chí Foreign Affairs mới đây về CSVN có thể giúp Mỹ những gì để đối phó với Trung Quốc.

Sau khi Tổng Thống Mỹ Joe Biden đến Hà Nội ký thỏa hiệp nâng cấp quan hệ giữa hai nước lên thành “Đối tác chiến lược toàn diện” ngày 11 Tháng Chín vừa qua, nhiều nhà phân tích thời sự cho rằng, từ chủ đích khác nhau, nhu cầu khác nhau, bản thỏa hiệp xét trên một vài phương diện lại giống với câu chữ “đồng sàng dị mộng.”

Để có thể tạo được sự tin cậy từ kẻ cựu thù, Mỹ đã cung cấp cho CSVN nhiều gói viện trợ an ninh quốc phòng, đặc biệt về an ninh biển. Bên cạnh đó, qua nhiều chính phủ và nhiều chính trị gia, học giả uy tín và nhiều đời tổng thống Mỹ tới Hà Nội vận động, thuyết phục, các lãnh đạo chóp bu đảng CSVN đầy đa nghi cuối cùng mới ký thỏa hiệp.

Theo ông Grossman, khi Bộ Trưởng Quốc Phòng Lloyd Austin đến thăm Việt Nam Tháng Bảy, năm 2021, hai nước đã “lặng lẽ ký một thỏa hiệp cho phép chia sẻ giới hạn tin tức tình báo quân sự.” Sau khi hai nước ký thỏa hiệp nâng cấp mối quan hệ, “thỏa hiệp nhiều phần sẽ bao trùm cả vấn đề chia sẽ thông tin liên quan đến Trung Quốc.”

Nhờ nâng cấp quan hệ đồng nghĩa với gia tăng tin cậy, theo ông Grossman, những hình thức hợp tác khác cũng gia tăng theo như mua bán vũ khí, tăng số lần thăm viếng của hàng không mẫy hạm, huấn luyện cảnh sát biển. Tin tức gần đây thấy Washington đang đàm phán bán một số máy bay khu trục F-16 Fighting Falcon cho Việt Nam.

Vẫn theo ông Grossman, nhiều phần Washington sẽ bán cho Việt Nam những loại máy bay không người lái tối tân hơn và có tầm hoạt động xa hơn là loại ScanEagle UAS đã thỏa thuận bán cho Việt Nam. Nước này có nhu cầu phòng vệ một vùng biển rộng lớn nên rất cần khả năng theo dõi và báo động tốt hơn về các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông.


Việt Nam tìm cách do thám điện thoại chính khách, báo giới Mỹ trong khi đàm phán nâng cấp quan hệ!


(Hình: Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden (trái) và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội vào ngày 10/9/2023l Báo cáo điều tra nói nỗ lực cài phần mềm gián điệp nhắm vào chính khách và báo giới Mỹ diễn ra trong lúc chính quyền Biden đang đàm phán với Việt Nam để nâng cấp quan hệ.)

-Chính phủ Việt Nam bị cáo buộc là đã cố gắng cài phần mềm gián điệp vào điện thoại của các quan chức Hoa Kỳ và giới truyền thông Mỹ trong lúc chính quyền Biden đang đàm phán thỏa thuận dẫn đến việc nâng cấp quan hệ với Việt Nam, theo một báo cáo mới được tổ chức Ân xá Quốc tế, tờ Washington Post, đài CNN và các hãng truyền thông Mỹ khác tung ra hôm thứ Hai (9/10).

Dự án điều tra có tên “Predator Files” (tạm dịch “Hồ sơ Predator”) là do mạng truyền thông Hợp tác Điều tra châu Âu (EIC) điều phối và có sự hợp tác về kỹ thuật của tổ chức Ân xá Quốc tế. Dự án này điều tra về liên minh Intellexa, là nhà sản xuất và tiếp thị phần mềm gián điệp Predator.

Các điều tra viên đã xem xét hàng trăm tài liệu bí mật về kỹ thuật, tài liệu tiếp thị và các hồ sơ khác mà Der Spiegel và Mediapart – một phần của EIC – thu thập được. Các tiều liệu cho biết các tin tặc liên kết với Việt Nam đã cố gắng sử dụng các nền tảng truyền thông xã hội X (trước đây gọi là Twitter) và Facebook để cài phần mềm gián điệp vào điện thoại của hàng chục mục tiêu cấp cao, bao gồm các nhà lập pháp Hoa Kỳ, các quan chức Liên Hiệp Quốc và các nhà báo CNN.

Cuộc điều tra phát hiện ra 25 quốc gia đã mua các sản phẩm xâm nhập, lén lút của Intellexa. Trong số các khách hàng, ngoài Việt Nam, còn có Thụy Sĩ, Áo, Đức, Oman, Qatar, Congo, Kenya, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Singapore, Pakistan, Jordan...

Theo các nhà điều tra của tổ chức Ân xá Quốc tế, công cụ hack mạnh mẽ – được thiết kế để lấy dữ liệu cuộc gọi và tin nhắn từ điện thoại – đã nhắm vào các tài khoản mạng xã hội gắn với Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Gary Peters và Chris Murphy, cũng như Dân biểu đảng Cộng hòa và Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Michael McCaul.

Nhiều nhà báo CNN chuyên đưa tin về các vấn đề Đông Á cũng là mục tiêu của cuộc tấn công.

Cụ thể, tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết một tài khoản ít người biết đến trên X, nền tảng trước đây gọi là Twitter, đã tung ra các liên kết chứa phần mềm gián điệp tới các mục tiêu của hoạt động tin tặc trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 6. Các mục tiêu bị nhắm tới là những người có hiểu biết sâu sắc và có thể hữu ích về chính sách của Hoa Kỳ đối với Việt Nam.

Các nhà nghiên cứu cho biết họ không thấy có bất kỳ vụ xâm nhập thành công nào bằng cách sử dụng phần mềm gián điệp, nhưng những nỗ lực nhằm tấn công gián điệp vào các nhà lập pháp đầy quyền lực chỉ bằng cách đăng bài với họ sẽ làm tăng thêm mối lo ngại ở Quốc hội Mỹ về sự phổ biến của phần mềm gián điệp thương mại, theo CNN.

Những kẻ điều hành phần mềm gián điệp thường hoạt động trong bóng tối, nhưng trong trường hợp này, tin tặc không hề e ngại khi cố gắng sử dụng một nền tảng công cộng để lôi kéo mục tiêu của chúng.

Donncha Ó Cearbhaill, người đứng đầu Phòng xét nghiệm An ninh của Tổ chức Ân xá Quốc tế, nói với CNN rằng ông và các nhà điều tra “tin chắc” vào mối liên hệ giữa tin tặc và nhà nước Việt Nam, với dẫn chứng là hồ sơ hợp đồng giữa chính phủ Việt Nam và một công ty liên kết với phần mềm gián điệp, đây là hồ sơ mà EIC xem được.

EIC, mạng lưới gồm hơn 10 hãng tin, và tờ Washington Post là những nơi đầu tiên đưa tin về những phát hiện của tổ chức Ân xá Quốc tế.

Báo cáo điều tra nói “các đặc vụ của chính quyền Việt Nam hoặc những người đại diện cho họ có thể đứng đằng sau chiến dịch phần mềm gián điệp”.

Các nhà nghiên cứu thuộc Nhóm phân tích mối đe dọa của Google, nơi chuyên theo dõi các tin tặc được nhà nước hậu thuẫn, nói với CNN rằng tài khoản X (Twitter) phát tán phần mềm gián điệp dường như có trụ sở tại Việt Nam.

Ngoài các chính khách, chính phủ Việt Nam cũng được cho là đã cố gắng sử dụng phần mềm gián điệp Predator để truy cập dữ liệu của các phóng viên và nhân viên của các viện nghiên cứu tập trung vào châu Á trong lúc chính quyền Biden thực hiện một thỏa thuận phát triển kinh tế với các quan chức Việt Nam, theo Washington Post.

Tờ báo Mỹ cho biết thêm rằng phần mềm gián điệp được sử dụng trong nỗ lực tấn công gián điệp này rất khó phát hiện. Nếu thành công, nó có khả năng xâm phạm camera, micro và các tập tin của điện thoại thông minh, tuy nhiên có vẻ như những nỗ lực tấn công, được phát hiện sớm nhất là vào tháng 5 năm nay, dường như đã không thành công.

Đại sứ quán Việt Nam tại Washington, DC, không trả lời ngay khi CNN đề nghị họ đưa ra bình luận.

Cả Nhà Trắng lẫn Bộ Ngoại giao đều không trả lời ngay khi Washington Post đề nghị họ bày tỏ quan điểm.

Chính quyền Biden cuối cùng đã đạt được thỏa thuận với Việt Nam và tập trung vào phát triển chuỗi cung ứng chip bán dẫn và lực lượng lao động, những nội dung mà Nhà Trắng đã công bố vào tháng 9.

Sau khi công bố thỏa thuận về phát triển, một số nguồn tin cho biết Mỹ và Việt Nam đã tiến hành thảo luận về việc chuyển giao một lượng lớn vũ khí.

Theo Washington Post, không rõ liệu các nhà ngoại giao Mỹ có phê phán chính phủ Việt Nam hay không về nỗ lực tấn công gián điệp nhắm vào các quan chức chủ chốt, họ vẫn thường là mục tiêu bị nước ngoài rình mò để tìm các thông tin liên lạc nhạy cảm trong chính phủ Hoa Kỳ.

Báo cáo điều tra kêu gọi tất cả các chính phủ thừa nhận tác động về nhân quyền của phần mềm gián điệp và nỗ lực hơn nữa để ngăn chặn việc sử dụng nó.

Tổ chức Ân xá Quốc tế nói việc sử dụng những sản phẩm đó để làm suy yếu nhân quyền, quyền tự do báo chí và các phong trào xã hội cho thấy chính phủ chưa có đủ các biện pháp bảo vệ trước công nghệ.


NASDAQ đăng tải bài viết cảnh báo về cổ phiếu tuột dốc VinFast!
(Hoàng Mai)


(Ảnh: Doanh thu tăng nhưng chi phí lớn khiến VinFast lỗ hơn 600 triệu USD trong quý 2 và 3 của năm 2023.)

-Ngày 9/10/2023, Nasdaq cho đăng tải nguyên gốc bài viết của tác giả Mohit Oberoi viết cho Barchart.com tựa đề “Tránh xa cổ phiếu của hãng xe điện định giá quá cao này, ngay cả khi xuống thấp tại mọi thời điểm”. Bài viết khuyến cáo được đưa lên sau 55 ngày kể từ khi Sàn giao dịch chứng khoán này cho niêm yết cổ phiếu Vinfast.

Cổ phiếu Vinfast đã giảm hơn 90% so với mức đỉnh thiết lập hồi tháng 8.

Sáng 9/10, Cổ phiếu Vinfast (VFS) đã chạm mức 7,55 USD, giảm khoảng 24% so với giá IPO của công ty mua lại mục đích đặc biệt (SPAC) là 10 USD, giảm hơn 90% so với mức đỉnh 93 USD đạt được vài ngày sau khi niêm yết.

Đây cũng là diễn biến bình thường khi các công ty xe điện gia nhập thị trường thông qua phương thức SPAC. Điều đặc biệt chỉ ở chỗ tốc độ lao dốc của Vinfast quá nhanh, trong thời gian quá ngắn.

Dù đã rớt giá rất nhiều, VinFast vẫn đạt mức vốn hóa thị trường hơn 17,5 tỷ USD – cao hơn mức vốn hóa thị trường riêng lẻ của Rivian (RIVN) , Lucid Motors (LCID) , NIO (NIO) và Xpeng Motors (XPEV).

Bốn nguyên nhân cổ phiếu Vinfast lao dốc.

Lý giải về tình huống cổ phiếu Vinfast lao dốc, tác giả Mohit Oberoi chỉ ra 4 nguyên nhân.

1) Cổ phiếu Vinfast niêm yết đúng thời điểm thị trường chứng khoán tồi tệ nhất năm 2023. Lợi suất trái phiếu tăng mạnh khiến thị trường bán tháo toàn bộ.

2) Cổ phiếu Vinfast được định giá trên tưởng tượng của doanh nghiệp, không có cơ sở.

3) Nội bộ Vinfast đang chào bán rất nhiều cổ phiếu

4) Vinfast đang lỗ nặng. Riêng trong quý 3.2023, Vinfast lỗ ròng 622.9tỷ đồng, cao hơn 33,7% so với cùng kỳ, tăng 19,7% so với quý trước.

Cổ phiếu Vinfast sẽ tiếp tục giảm

Tác giả cho rằng cổ phiếu Vinfast vẫn tiếp tục giảm vì các lý do:

Thứ nhất, cuộc chiến xe điện sẽ càng ngày càng khốc liệt hơn. Cụ thể, Testla (TSLA) sẽ tiếp tục hạ giá xe để tăng sản lượng xuất xưởng, Với tỷ suất lợi nhuận hoạt động dẫn đầu ngành và lượng tiền mặt khổng lồ trị giá 23 tỷ USD trên bảng cân đối kế toán vào cuối tháng 6, Tesla có nhiều dư địa để giảm giá xe.

Thứ hai, Vinfast đang cần thêm tiền để bù lỗ. Sớm muộn gì Vinfast cũng phải gọi thêm vốn vì hiện nay, doanh nghiệp này chỉ còn 131 triệu USD trong khi nhu cầu tốc độ chi tiêu rất lớn. Dù nhận được tiền tài trợ hay các khoản vay từ chủ tịch Phạm Nhật Vượng thì Vinfast cũng chỉ đủ để cải thiện bảng cân đối kế toán. Đồng thời, tăng vốn sẽ dẫn đến việc pha loãng cổ phiếu của cổ đông hiện hữu.

Thứ ba, so với các mẫu xe điện khác của NIO, Rivian, Lucid, xe của Vinfast không được đánh giá cao. Cơ hội của xe điện Vinfast tại Mỹ không mấy sáng sủa, còn kế hoạch mở rộng thị trường ở Ấn Độ, Indonesia cũng khó sinh lời cao.

Thứ tư, một nửa doanh số của Vinfast đến từ công ty cùng tập đoàn là GSM – một công ty cho thuê taxi do cùng công ty mẹ VinGroup thành lập.

Với các phân tích trên, tác giả Mohit Oberoi đưa ra nhận định “Với môi trường vĩ mô hiện tại và mức định giá vẫn còn cao của VinFast, tôi sẽ tránh mua cổ phiếu này vào lúc này.”.



Cảnh sát San Francisco bắn chết tài xế trên xe đâm vào lãnh sự quán Trung Cộng


(Ảnh: Bên ngoài phòng lãnh sự của Lãnh sự quán Trung Quốc tại San Francisco, bang California, ngày 9/10/2023.)

-Cảnh sát bắn chết người điều khiển chiếc xe lao xuyên qua lãnh sự quán Trung Quốc ở thành phố San Francisco và đâm vào sảnh văn phòng cấp thị thực của tòa nhà lãnh sự hôm 9/10, Reuters dẫn nguồn tin từ cảnh sát thành phố cho biết.

Hiện chưa rõ thông tin chi tiết chính thức về vụ việc và cảnh sát chưa cho biết danh tính của người lái xe ôtô cũng như nguyên nhân gây ra vụ tai nạn. Cảnh sát cũng chưa nói liệu có bất kỳ ai khác bị thương trong vụ việc hay không.

Thượng sĩ Kathryn Winters, phát ngôn viên Sở Cảnh sát San Francisco, bang California, Mỹ, nói trong cuộc họp báo vài giờ sau đó: “Tôi không biết có bao nhiêu người ở bên trong văn phòng cấp thị thực vào thời điểm xảy ra vụ va chạm”.

Bà Winters nói thêm: “Khi cảnh sát đến hiện trường, họ phát hiện chiếc xe đã dừng lại bên trong sảnh Lãnh sự quán Trung Quốc. Cảnh sát bước vào, tiếp xúc với nghi phạm và một vụ nổ súng liên quan đến cảnh sát đã xảy ra”.

“Nghi phạm sau đó được tuyên bố đã chết tại bệnh viện. Đây là một cuộc điều tra vẫn đang diễn ra”.

Bà Winters nói rằng cảnh sát đang phối hợp với các nhà điều tra của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và nói thêm: “Hiện có rất ít thông tin mà chúng tôi có thể cung cấp vào thời điểm này”.

Cơ quan ngoại giao Trung Quốc tại San Francisco ra thông cáo cho biết “một người chưa rõ danh tính đã lái xe thô bạo vào phòng tài liệu của lãnh sự quán, đe dọa nghiêm trọng đến sự an toàn của nhân viên và người dân tại hiện trường, đồng thời gây thiệt hại nghiêm trọng về cơ sở vật chất và tài sản của lãnh sự quán”.

Lãnh sự quán Trung Quốc nói thêm rằng họ “lên án mạnh mẽ cuộc tấn công bạo lực này và có quyền truy cứu trách nhiệm về vụ việc”.

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng cá nhân này đã lái xe thô bạo vào sảnh của Tổng lãnh sự quán Trung Quốc “nhằm giết những người có mặt tại hiện trường và các nhân viên”.

“Trung Quốc mạnh mẽ yêu cầu Hoa Kỳ tiến hành một cuộc điều tra nhanh chóng” và thực hiện các biện pháp hiệu quả để đảm bảo an toàn cho các cơ quan ngoại giao và nhân viên Trung Quốc, ông Uông Văn Bân nói trong cuộc họp báo thường kỳ hôm 10/10.

Trong một tuyên bố được đưa ra trên mạng WeChat, Lãnh sự quán Trung Quốc cho hay họ sẽ tạm thời đóng cửa phòng chứng nhận lãnh sự này từ ngày 10/10. Lãnh sự quán cho biết họ sẽ thông báo cho công chúng khi nào các dịch vụ sẽ hoạt động trở lại.

Bộ Ngoại giao Mỹ không trả lời ngay lập tức khi Reuters đề nghị đưa ra bình luận về vụ việc này.


NATO: Các Chiến Đấu Cơ F-16 Sẽ “Sớm” Được Giao Cho Ukraine


(Ảnh: Một chiến đấu cơ F-16 tại Vojens, Đan Mạch ngày 25/05/2023). Đan Mạch tham gia huấn luyện phi công Ukraine sử dụng F-16, và đang chuyển sang dùng F-35 sớm hơn dự kiến.)

Kết thúc 4 ngày họp của Hội đồng Nghị viện NATO, tại Copenhagen (thủ đô của Đan Mạch), Phó tổng Thư ký Liên minh Phòng thủ Bắc Đại Tây Dương (NATO), Mircea Geoana, hôm 9/10/2023, thông báo, một số nước thành viên của khối này sẽ sớm chuyển chiến đấu cơ F-16 cho Ukraine.

Theo tường thuật của đài BBC, Phó tổng Thư ký NATO Mircea Geoana phát biểu: “Các nước NATO đã cung cấp cho Ukraine các loại vũ khí trị giá lên đến hàng chục ngàn tỉ Mỹ kim, và sẽ sớm đến lượt các chiến đấu cơ F-16”.

Báo Pháp Le Monde cho biết, cũng tại phiên họp này, Thủ tướng Đan Mạch, Mette Frederiksen, khẳng định đang làm mọi việc để mở rộng liên minh các nước cung cấp cho Ukraine máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ chế tạo: “Cùng với các đối tác, chúng ta đang nỗ lực để mở rộng và củng cố liên minh nhằm giúp Ukraine nhận được nhiều chiến đấu cơ F-16 hơn và cũng là để chúng ta có thể đào tạo thêm nhiều phi công. Chừng nào Ukraine còn sẵn sàng chiến đấu trong cuộc chiến này để bảo vệ tự do của chúng ta, thì chúng ta hãy bảo bảo đảm rằng sự mệt mỏi, chán nản vì chiến tranh không có chỗ đứng trong cộng đồng xuyên Đại Tây Dương của chúng ta”.

Các tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh phát ngôn viên của Ủy Ban Âu Châu, Eric Mamer, hôm qua khẳng định cuộc xung đột bùng phát ở Do Thái sẽ không khiến Liên Hiệp Âu Châu giảm bớt sự ủng hộ dành cho Kyiv trong cuộc chiến chống quân Nga xâm lược.

Về tình hình chiến sự Ukraine, lực lượng phòng không nước này hôm nay 10/10 cho biết trong đêm qua rạng sáng 10/10, đã bắn hạ 27 drone Shahed-131/136 (loại drone do Iran chế tạo) mà Nga phóng đến các vùng Odessa, Mykolaïv và Kherson, miền Nam Ukraine. Theo thông tấn xã AFP, tổng cộng các lực lượng Nga đã phóng 36 drone từ Mũi Tchaouda, phía Đông bán đảo Crimea mà Nga sáp nhập hồi năm 2014.


Nga Cố Giành Lại Chiếc Ghế Trong Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc


(Hình: Một người cầm bảng cấm có hình Vladimir Putin trong cuộc tuần hành do phe đối lập Hung Gia Lợi tổ chức trước trụ sở Ngân hàng Đầu tư Quốc tế của Nga, tại Budepest, thủ đô của Hung Gia Lợi, ngày 1/3/2022.)

-Bị gạt khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (UNHRC) vào năm 2022 sau khi xâm lược Ukraine, hôm 10/10/2023, Nga cố giành lại chiếc ghế trong định chế này.

Hôm 10/10, Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc sẽ chọn 15 thành viên mới cho Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Trên nguyên tắc, 47 quốc gia thành viên của Hội đồng được chia theo từng khu vực. Mỗi nhóm khu vực chọn trước các ứng viên và các ứng viên này thường được Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua dễ dàng.

Nhưng năm nay hai nhóm có số ứng viên nhiều hơn số ghế, đó là nhóm Mỹ Châu La tinh (4 ứng viên Ba Tây, Cuba, Cộng hòa Dominica và Peru cho 3 ghế) và nhóm Đông Âu (3 ứng viên Albania, Bảo Gia Lợi và Nga, cho 2 ghế). Trong số các ứng viên, Nga vẫn bị chỉ trích nhiều nhất do cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine.

Theo hãng tin AFP, trong một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về vụ oanh kích của Nga vào ngôi làng Groza của Ukraine vào tuần trước khiến hơn 50 người thiệt mạng, Ðại sứ Albani Ferit Hoxha tại Liên Hiệp Quốc đã tuyên bố: “Đại Hội Đồng có một lựa chọn quan trọng để chứng tỏ định chế này không xem kẻ phóng hỏa và lính cứu hỏa như nhau”.

Phó Ðại sứ Mỹ Robert Wood thì cho rằng việc bầu lại Nga vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc trong khi nước này tiếp tục phạm các tội ác chiến tranh và các tội ác khác “sẽ là một vết nhơ khủng khiếp gây phương hại cho uy tín của Liên Hiệp Quốc”.

Để được bầu vào Hội đồng Nhân quyền, quốc gia ứng viên phải thu được phiếu của 97 trên tổng số 193 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc. Điểm đáng nói là cuộc bỏ phiếu hôm nay là bỏ phiếu kín, vào lúc mà nhiều nước đang phát triển ngày càng bực bội khi thấy phương Tây quá chú tâm vào Ukraine. Trong bối cảnh này, theo đánh giá của ông Richard Gowan, thuộc tổ chức International Crisis Group, các nước phương Tây lo ngại là Nga sẽ được sự hậu thuẫn của “đa số thầm lặng”, tức là những quốc gia ngấm ngầm ủng hộ Mạc Tư Khoa.

Vào tháng 4/2022, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, với 93 phiếu thuận và 24 phiếu chống đã thông qua quyết định “đình chỉ tư cách thành viên” của Nga.



Tổng Thống Thái Anh Văn: Đài Loan Mong Muốn ‘Chung Sống Hòa Bình’ Với Trung Quốc


(Hình: Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn phát biểu nhân ngày Quốc khánh 10/10.)

-Thông tấn xã Reuters cho hay trong bài phát biểu nhân ngày Quốc khánh 10/10, Tổng thống Thái Anh Văn nói rằng Đài Loan muốn “chung sống hòa bình” với Trung Quốc bằng sự tương tác tự do và không hạn chế nhưng hòn đảo này sẽ là nền Dân chủ cho các thế hệ mai sau.

Đài Loan, nơi bị Trung Quốc tuyên bố là lãnh thổ của mình, phải chịu áp lực quân sự và chính trị ngày càng tăng từ Bắc Kinh, bao gồm cả hai cuộc tập trận lớn của Trung Quốc gần hòn đảo này kể từ tháng 8 năm 2022, làm gia tăng lo ngại về một cuộc xung đột có thể gây ra những tác động trên toàn cầu.

Bà Thái, người không thể tái tranh cử Tổng thống trong cuộc bầu cử vào tháng 1/2024 sau 2 nhiệm kỳ, đã nhiều lần tỏ ý sẵn sàng đàm thoại với Trung Quốc nhưng Trung Quốc từ chối vì nước này coi bà là người theo chủ nghĩa ly khai.

Phát biểu trước văn phòng Tổng thống, bà Thái cho biết sức mạnh hỗ trợ quốc tế dành cho Đài Loan đã đạt đến “tầm cao chưa từng có”.

Bà nói thêm: “Vì đây là thời điểm chúng ta có thể tự tin và quyết tâm đối diện với thế giới, nên chúng ta cũng có thể bình tĩnh và tự tin khi đối mặt với Trung Quốc, tạo điều kiện cho sự chung sống hòa bình và những phát triển trong tương lai ở hai bên eo biển Đài Loan”.

Bà Thái nói rằng nhiệm vụ của bà là bảo vệ chủ quyền, nền Dân chủ của Đài Loan và lối sống tự do, tìm kiếm “sự tương tác tự do, không hạn chế và không bị gánh nặng” giữa Đài Loan và người dân Trung Quốc.

Bà nói thêm rằng những khác biệt giữa Đài Loan và Trung Quốc phải được giải quyết một cách hòa bình và việc duy trì hiện trạng là “rất quan trọng” để bảo đảm hòa bình.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 10/10 đáp trả bài phát biểu của bà Thái, gọi chính quyền của Đảng Dân Tiến (DPP) cầm quyền là “mối đe dọa lớn nhất” đối với hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan vì “mưu tìm độc lập và khiêu khích”.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói trong một cuộc họp báo thường kỳ: “Cho dù chính quyền DPP nói hay làm gì, họ cũng không thể thay đổi sự thật rằng Đài Loan là một phần của Trung Quốc. Điều đó sẽ không thay đổi xu hướng chung là Trung Quốc chắc chắn sẽ tiến tới thống nhất”.


Manila: Hải Cảnh Trung Quốc Không Cản Được Xuồng Vũ Trang của Hải Quân Phi Luật Tân


(Hình: Tàu Hải cảnh Trung Quốc gần bãi đá ngầm Scarborough.)

-Thông tấn xã Reuters cho hay hôm 10/10/2023, Tư lệnh quân đội Phi Luật Tân bác bỏ tuyên bố của Hải cảnh Trung Quốc rằng họ đã xua đuổi một xuồng vũ trang của Hải quân Phi Luật Tân ra khỏi bãi đá ngầm có tranh chấp ở Biển Đông, coi đó là tuyên bố mang tính “tuyên truyền”.

“Lực lượng Hải cảnh Trung Quốc đã có mặt ở đó và tìm cách cản đường. Nhưng tàu Hải quân vẫn tiếp tục hành trình và không bị xua đuổi. Tàu này đang thực hiện nhiệm vụ của mình: Tuần tra hàng hải”, ông Romeo Brawner, người đứng đầu Lực lượng Vũ trang Phi Luật Tân, nói với các phóng viên.

“Quan điểm của chúng tôi vẫn cho rằng đó là nội dung tuyên truyền của Trung Quốc”.

Hải cảnh Trung Quốc trước đó cho hay họ đã thực hiện “các biện pháp cần thiết” để xua đuổi xuồng vũ trang của Phi Luật Tân ra khỏi bãi ngầm Scarborough sau khi họ phớt lờ những cảnh báo nhiều lần. Phát ngôn viên Hải cảnh Trung Quốc Cam Vũ (Gan Yu) cho rằng hành động của Phi Luật Tân cũng vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế.

Sự việc xảy ra một ngày sau khi Trung Quốc cảnh báo Phi Luật Tân không được tiếp tục “khiêu khích” tại một bãi ngầm ở Biển Đông, nói rằng những hành động như vậy đã vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc, trái luật pháp quốc tế và phá vỡ hòa bình và ổn định khu vực.

Bãi ngầm Scarborough là một trong những thực thể biển có nhiều tranh chấp nhất ở Á Châu và là điểm bùng phát các tranh chấp về chủ quyền và quyền đánh bắt cá.

Khu vực này nằm trong Vùng đặc quyền Kinh tế của Phi Luật Tân, nhưng Trung Quốc tuyên bố họ có “chủ quyền không thể tranh cãi” đối với nơi mà họ gọi là đảo Hoàng Nham và các vùng biển lân cận.

Không có nhận xét nào: