Hôm Qua, Tài Tử Kế Huy Quan, Diễn Viên Gốc Việt Đầu Tiên Đoạt Gải Oscar! Nghẹn Ngào: ‘Đích thực giấc mơ Mỹ!’ *Tài tử gốc Việt đã làm nên kỳ tích tại Oscar 2023, lập hàng loạt kỷ lục của điện ảnh thế giới! *Diễn viên 52 tuổi Kế Huy Quan, cũng đã trở thành diễn viên nam đầu tiên của châu Á, giành giải nam diễn viên phụ xuất sắc nhất, tại giải “Screen Actors Guild Awards”, hồi cuối tháng trước.*Sự thành công của Kế Huy Quan, thêm một bằng chứng hùng hồn, người Việt, sau gần nửa thế kỷ trên đất Mỹ, đã thành công rực rỡ trên mọi phương diện, ngành nghề, giờ lại trên lãnh vực điện ảnh, giải trí!
-Sau khi hôn bức tượng bằng vàng, Quan mở lời bằng lời cám ơn thân mẫu mình, đang xem buổi trao giải thưởng từ nhà, qua truyền hình. “Mẹ ơi, con thắng giải Oscar rồi!” Quan xúc động nói trên sân khấu.
Kế Huy Quan, diễn viên gốc Việt, làm nên lịch sử tại lễ trao giải Oscar vào tối hôm qua, Chủ Nhật 12 tháng Ba, tại Los Angeles, khi trở thành diễn viên gốc Việt đầu tiên đươc trao giải Oscar cho hạng mục “Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất!” cho vai diễn trong bộ phim hài kịch, “Everything Everywhere All at Once”.
Theo tường thuật của tin CNN, sau khi hôn bức tượng bằng vàng, Quan mở lời bằng lời cám ơn thân mẫu mình, đang xem buổi trao giải thưởng từ nhà, qua truyền hình.
“Mẹ ơi, con thắng giải Oscar rồi!” Quan vui mừng nói trên sân khấu.
CNN tường thuật, sau đó, Quan hồi tưởng lại quá khứ, rằng “cuộc hành trình vượt biển bắt đầu từ trên một chiếc ghe”, và sau đó là “một năm trong trại tị nạn.”
Kế Huy Quan, người từng được biết tiếng cách đây vài thập kỷ, khi là một ngôi sao nhí trong bộ phim “Indiana Jones and the Temple Doom” của đạo diễn Steven Spielberg.
Có hai diễn viên gốc Việt được đề cử Oscar, là Kế Huy Quan và Hong Chau. Hong Chau được đề cử cho hạng mục “Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất” trong bộ phim “The Whale”, với sự xuất hiện của nam diễn viên chính Brendan Fraser, người được khán giả Việt Nam biết tới qua các vai diễn trong phim “The Quiet American” (Người Mỹ trầm lặng) và “The Mummy” (Xác ướp Ai Cập).
Vẫn theo CNN, trên sân khấu huy hoàng nhận giải, Kế Huy Quan nói “thế rồi, chẳng rõ làm sao, tôi lại đứng trên sân khấu lớn nhất của Hollywood nơi đây!” và “Tôi không thể tin nỗi là chuyện này lại xảy đến với tôi. Đây đích thực là giấc mơ Mỹ!”
Theo tường thuật trước đây của VOA, trong “Everything”, Kế Huy Quan vào vai người chồng của nhân vật do Dương Tử Quỳnh đóng. Vai diễn này đã mang lại cho anh giải Quả cầu vàng hồi tháng 1, qua cả mặt đàn anh gạo cội Brad Pitt!
Kế Huy Quan, người từng đóng chung với Harrison Ford khi mới 12 tuổi, trong loạt phim Indiana Jones, đầu những năm 1980. Cũng đã thắng hầu hết các giải thưởng được xem là dự đoán cho thành công ở Oscar, trong đó có BAFTA và Independent Spirit Awards, cho vai diễn trong bộ phim đánh dấu sự trở lại của anh, sau hàng thập kỷ vắng bóng anh trên màn ảnh.
Kế Huy Quan sinh ra ở Sài Gòn, Việt Nam. Gia đình anh phải rời bỏ Việt Nam, khi anh 7 tuổi, sau khi quân cộng sản Bắc Việt chiếm đoạt Sài Gòn năm 1975. Họ ở trong trại tị nạn ở Hong Kong một năm, trước khi tới Mỹ vào năm 1979.
Sự thành công của Kế Huy Quan, thêm một bằng chứng hùng hồn, người Việt sau gần nửa thế kỷ trên đất Mỹ, đã thành công rực rỡ trên đủ mọi phương diện, trong Quân đội Hoa Kỳ, có nhiều cấp tướng, giờ lại rực rỡ trên lãnh vực điện ảnh, giải trí!
Tin Buồn: Học Giả Nổi Tiếng Huỳnh Văn Lang Vừa Được Chúa Gọi Về! Tại Bắc Cali.
Tin từ BS Nguyễn Thượng Vũ:
Thưa các anh chị,
Tôi vô cùng đau đớn báo hung tin tới các anh chị, cụ Học Giả Huỳnh Văn Lang đã về với Đức Chúa và Đức Mẹ Maria, chiều hôm qua, Chủ Nhật 12 tháng 3 năm 2023.Cụ Học Giả Huỳnh Văn Lang năm nay trên 101 tuổi.
Cụ ra đi bình an tại Miền Bắc California, gần nhà hai gia đình con gái của Cụ.
Cụ ra đi để lại một gia tài Văn Hóa vô cùng đồ sộ, một lòng Yêu Nước bao la và một tinh thần chống chủ nghĩa vô thần Cộng Sản kiên trì.
Anh Nguyển Đức Cường và tôi rất may mắn tới thăm cụ cách đây hơn 2 tuần lễ, tại Nursing Home của cụ. Chúng tôi nói chuyện hàn huyên với nhau ngót 1 tiếng đồng hồ, rồi phải về để cụ nghỉ ngơi.
Học Giả Huỳnh Văn Lang viết nhiều cuốn sách vô củng giá trị, nhiều cuốn cụ là nhân chứng lịch sử của nhiều biến cố đã xẩy ra trong ngót 70 năm qua.
Học Giả Huỳnh Văn Lang đang học và sắp trình Luận Án Tiến Sĩ Đệ Tam cấp về Kinh Tế năm 1954, tại University Of Chicago , thì Thủ Tướng Ngô Đình Diệm mời về Viet Nam, để giúp đỡ Thủ Tướng Diệm thành lập cấp tốc chính phủ, để xây dựng miền Nam Việt Nam, chống lại hai kẻ thù Cộng Sản và Pháp.
Theo tôi biết, thì 7 người sinh viên Việt Nam tháp tùng Thủ Tướng Ngô Đình Diêm thời đó – 69 năm trước- thì Cụ Học Giả Huỳnh Văn Lang là người cuối cùng ra đi.
Trong lúc anh Nguyễn Đức Cường và tôi nói chuyện với Học Giả Huỳnh Văn Lang lần cuối, thì Học Giả luôn luôn nói lên ước mong được trở về sống những ngày tháng cuối của đời mình, tại tỉnh Trà Vinh, nơi cụ sinh ra 101 năm về trước.
Lúc đó tôi nói với Học Giả: Anh Lang ơi, hai cháu gái sống ngay gần đây, cháu trai nếu cần, thì có thể lấy máy bay lên thăm anh, sau vài tiếng đồng hồ, anh về Trà Vinh làm gì? Hơn nửa các thuốc men anh dùng hàng ngày, thì đến Saigon chưa chắc đã có, thì Trà Vinh làm sao mà có?
Khi thăm Học Giả Huỳnh Văn Lang trước đây 2 tuần, tôi có chụp bức hính Học Giả đang nằm trên giường, nói chuyện với chúng tôi.
Có lẽ đây là bức hình cuối cùng của Học Giả Huỳnh Văn Lang 101 tuổi, khi cụ còn rất minh mẫn, nằm nói chuyện với chúng tôi.
Bức hình này có giá trị lịch sử, ghi lại quãng đời cuối của một chiến sĩ anh hùng văn hóa, xứng đáng được Dân Tộc Việt Nam ghi ơn mãi mãi.
Xin các anh chị cầu nguyện cho môt người chiến sĩ Quốc Gia, suốt đời tranh đấu cho đất nước, sớm về yên nghỉ nới Đức Chúa và Đức Mẹ Maria.
RIP
Nay Kính
Nguyen Thuong Vu
PS: xin cám ơn anh Trương Quốc Sủng đã báo cho biết ngay, tin buồn xảy ra ngày hôm nay.
Để biết thêm về Cụ Huỳnh Văn Lang, xin mời đọc tiếp “Ký” Của TS Lê Đình Cai
Tác giả Huỳnh văn Lang và "Việt Sử Khai Tâm"
-Dưới thời đệ I Cộng hoà, nhà văn Huỳnh văn Lang được giới chánh trị và hành chánh công quyền biết đến nhiều vì ông đã đảm nhiệm chức vụ Giám đốc Viện Hối đoái Quốc gia, trực tiếp dưới quyền của Tổng thống Ngô đình Diệm, lại là Bí thư Liên kỳ bộ Nam Bắc việt của Đảng Cần Lao, làm việc trực tiếp với Cố vấn Ngô đình Nhu. Về Giáo dục ông dạy học tại Đại học Sư phạm Saigòn, hội trưởng hội Văn hoá Bình dân và điều hành một hệ thống trường Bách khoa Bình dân trên những thành phố và tỉnh thị.
Năm 1957 ông cùng một nhóm thân hữu chủ trương tờ "Tạp chí Bách khoa" và làm chủ nhiệm kiêm chủ bút tờ báo nầy cho đến 1963 là năm mà chế độ Ngô đình Diệm sụp đổ. Ông bị nhóm tướng lãnh trong Hội đồng Cách mạng bắt giam vì bị buộc tội làm kinh tài cho gia đình họ Ngô. Không có bằng cớ kết tội, được thả ra vào năm 1966. Ông Huỳnh văn Lang xoay qua hoạt động về lãnh vực tài chánh và thương mãi và ông đã thành công trên địa hạt nầy.
Cuốn "Nhân chứng một Chế độ" mà ông đã hình thành trong thời gian bị giam giữ tại tù Tam hiệp Biên hòa đã được Hội Văn bút V.N. chấm đạt giải nhứt vào năm 1972.
Trong vòng 5 năm trở lại đây, ông Huỳnh văn Lang xuất bản nhiều tập Hồi ký như "Cờ Bạc" (1998) dày khoảng 270 trang, đề cập đến các thú vui chơi ở miền Nam như "đá cá, đá gà, đánh phé...", "Chuyện đường rừng" (1999), dày khoảng 520 trang khổ lớn, kể lại những kinh nghiệm bản thân về thú săn bắn, nhứt là săn bắn cọp dữ trong các bản làng ở Cao nguyên, "Nhân chứng một Chế độ" dày khoảng 1500 trang (2000). Đây là hồi ký chánh trị kể lại nhiều bí ẩn lịch sử trong thời đệ I và đệ I I Công hoà, giúp đọc giả biết thêm nhiều điều mới lạ về cá tính của TT Diệm, Cố vấn Ngô đình Nhu, về tướng Trần thiện Khiêm, về Đại tá Phạm ngọc Thảo mà cho đến nay khuôn mặt nầy vẫn còn là một ẩn số. Và mới đây ông xuất bản tập biên khảo "Công chúa Sứ giả" (2004), dày 261 trang, viết về lịch sử, đề cập đến những cô Công chúa được gả đi cho các nước lân bang vì mục đích chánh trị như Công chúa Huyền Trân, Công chúa Ngọc Vạn...
Tác phẩm mới nhứt là cuốn "Có những sự kiện lịch sử cần phải xem lại" được ông gọi là "Việt Sử Khai Tâm", dày khoảng 332 trang (xuất bản năm 2004). Đây là tác phẩm mà người viết muốn được giới thiệu nhiều đến quý đọc giả, nhứt là những vị thường quan tâm đến những đề tài lịch sử.
Hồi còn theo học ban cử nhân văn chương Đại học Văn khoa Huế (1962-66), Giáo sư Phạm việt Tuyền và giáo sư Thanh Lãng thường bắt các sinh viên thuyết trình về các nhóm văn học như "nhóm Sáng tạo" với Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Doãn quốc Sĩ; "nhóm Bách khoa" với Huỳnh văn Lang. Võ Phiến, Nhguyễn hiến Lê; "nhóm Văn hoá Ngày nay" với Nhất Linh, Nhật tiến, Duy Lam; 'nhóm Nhân Loại với Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc; "nhóm Quan Điểm với Nghiêm xuân Hồng, Vũ khắc Khoan, Mặc Đỗ...Và tôi được biết đến ông Huỳnh văn Lang với nhóm Bách khoa của ông từ dạo đó.
Nhưng phải nói là ấn tượng của tôi có về con người nầy do bác Trần xuân Minh sắp xếp qua những cuộc tiếp xúc trực tiếp khi ông có dịp ghé San José là những ấn tượng đẹp khó mà quên được. Quả thật ông là người đang đuổi bắt thời gian một cách hối hả. Với tuổi đời trên 80, ai cũng mong tìm thú tiêu dao, chơi đùa cùng cháu chắt, thế mà ông lại miệt mài trong sách vở, làm việc bất kể giờ giấc để hoàn thành cho được tập "Việt Sử Khai Tâm" mà ông đã để hết tâm huyết của mình vào đó như là lời nhắn gửi lớp trẻ ở hải ngoại đừng bao giờ quên nguồn cội của mình: "...người viết còn có tham vọng đọc lại và kể lại cho con cháu thế nào mà chúng vừa lĩnh hội được vừa chấp nhện được. Vì có như thế mới mong chúng tiếp tục truyền đạt dài dài cho nhiều thế hệ mai sau nữa. Cái tham vọng đó bắt buộc người viết phải chọn một hình thức trình bày sao cho thích nghi, tức là hình thức kể chuyện, không hư cấu mà cũng không giáo khoa, nguyên tắc chỉ đạo là hợp tình và nhứt là hợp lý". (HVL, "Việt Sử Khai Tâm", Hoa kỳ, 2004, tác giả xuất bản, tr. 22).
Trong ngành nghiên cứu sử, đề tài liên quan đến thượng cổ sử quả thật là địa hạt mà ít ai muốn bước vào. Từ khi trường Đại học Văn khoa Saigòn mở cấp cao học và cho tới khi có khóa tiến sĩ sử học đầu tiên (1972-75), với bảy nghiên cứu sinh (Tạ chí Đại trường, Trương ngọc Phú, Đỗ phan Hanh, Nguyễn hữu Hùng, Nguyễn văn Tích, Trần nguyên Khôi, Lê đình Cai) thì không có một đề tài luận án tiến sĩ nào liên hệ đến giai đoạn cổ sử cả. (đa phần viết về cận đại sử và hiện đại sử). Nói như vậy để thấy là viết về thời thượng cổ sử hay giai đoạn hình thành đầu tiên của quốc gia chúng ta là điều không dễ dàng gì vì nó còn ở trong vòng tối tăm của sử liệu và ở trong khối mịt mù của huyền thoại. Lại nữa, viết như thế nào? đối tượng người đọc là ai? Một công trình biên khảo sử mang tính hàn lâm chắc chắn là "khô khan" và khó đọc đối với đại chúng, nhưng lại rất cần cho các nhà nghiên cứu. Còn viết cho đại chúng phổ thông mà vẫn khăng khăng sữ dụng những ngôn từ chuyên môn thì làm sao đọc giả có thể lĩnh hội được dễ dàng trong khi mục đích của ngành sử học là giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ hiện nay và mai sau. Ông Huỳnh văn Lang đã thấy rõ yếu tố nầy trong tác phẩm "Việt Sử Khai Tâm" của ông.
Trước đây, hồi còn đi học, chùng tôi có thể làm quen với các tác phẩm sử nói về nguồn gốc dân tộc Việt, về sự hình thành của xứ Văn lang đầu tiên trên tiến trình dựng nước và giữ nước, như "Việt Nam Sử Lược" của cụ Trần trọng Kim, "Quốc hiệu nước ta" (?) của GS Bửu Cầm, "Việt nam thời khai sinh" củ L.M. Nguyễn Phương...Dĩ nhiên khi có trình độ Hán ngữ cao, sinh viên được khuyến khích tìm đọc "Việt sử Tiêu án, từ Hồng bàng đến ngoại thuộc nhà Minh" của Ngô thời sĩ; "Đại việt Sử ký Toàn thư" của Ngô sĩ Liên và các sử thần đời Lê; "Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục" của Quốc Sử Quán triều Nguyễn. Nếu biết ngoại ngữ người sinh viên có thể tiếp cận thêm với các tài liệu tiếng Anh và tiếng Pháp. Tuy thế, những tài liệu sử nói trên không phải dễ đọc (dù là viết bằng tiếng Việt) vì đa phần các tác phẩm đó đều mang tính hàn lâm của các công trình nghiên cứu, ít có một tác phẩm nào nhằm viết dưới dạng kiến thức phổ thông cho đại chúng tìm hiểu. Ở hải ngoại sách sử viết về thời đại lập quốc của chúng ta càng hiếm hoi hơn, chỉ có cuốn sách "Lịch sử dân tộc Việt nam" của GS Phạm cao Dương (quyển I "Thời kỳ Lập quốc" , Truyền thống Việt, xuất bản tại Hoa-kỳ năm 1987), nhưng mang tính hàn lâm cao, nên ít phổ biến trong đại chúng. Bây giờ ông Huỳnh văn Lang đang đáp ứng nhu cầu đó qua "Việt sử Khai tâm" mà người viết vừa đề cập đến.
" Có những sự kiện lịch sử cần phải xem lại" (Việt sử Khai tâm) được ông Huỳnh văn Lang trình bày thành 8 chương, đề cập đến mốc giới năm 2195 trước Công nguyên với sự xuất hiện của xứ Giao chỉ (chương I), tìm hiểu dân tộc Việt nam thuộc chủng tộc nào? (chương II), giới thiệu về nước Văn Lang với vua Hùng dựng nước (chương III), kế đến là nước Âu Lạc dưới thời Thục An Dương vương (chương IV), rồi nước Nam việt dưới thời Bắc thuộc lần thứ nhất (chương V), thời Trưng vương nước Giao chỉ (chương VI), qua nước Vạn Xuân dưới thời Bắc thuộc lần thứ hai (chương VII), cuối cùng là giới thiệu đến nước Nam việt dưới thời Bắc thuộc lần thứ ba (chương VIII) và kết thúc ở mốc giới 939 là năm Ngô Quyền xưng là Nam Việt vương và đóng đô ở Cổ Loa thành.
Nhìn chung "Việt sử Khai tâm" là một tác phẩm viết về lịch sử thời kỳ dựng nước hay nói khác đi là thời kỳ khai sanh của nước Việt nam ngày nay. Lối văn được sữ dụng trong VSKT là lối văn phổ thông, dễ hiểu, thích hợp với trình độ giới trẻ hải ngoại, nếu thế hệ nầy chịu khó trau dồi tiếng Việt. Tác giả VSKT tránh dùng những từ ngữ có tính bác học hay lối viết hàn lâm của những nhà nghiên cứu học hay lối viết hàn lâm của các nhà nghiên cứu nên tôi nghĩ cuốn sách nầy dễ được đại chúng đón nhận nhiều hơn.
Mặc dù nhà văn Huỳnh văn Lang trong "Lời nói đầu" đã khiêm tốn tự xác định "người viết không phải là nhà văn, lại càng không phải là sử gia, chỉ là một người đọc sử..." (HVL sđd, tr 19). nhưng khi đọc xong tác phẩm VSKT, không ai có thể phủ nhận được kiến thức uyên bác của tác giả cũng như phương pháp làm việc rất là khoa học trong việc lý giải những nghi vấn của lịch sử (sẽ đề cập ở phần sau). Một đặc điểm mà ai cũng thấy là tác giả đã viết tập sách nầy với lòng yêu nước thiết tha và mong ước con cháu phải ghi nhớ về nguồn cội của chính mình dù bây giờ đang sống lưu lạc trên quê người.
Nếu phải đề cập đến những khám phá hay những lý luận để giãi trình những vấn đề còn nghi vấn trong giai đoạn hình thành đầu tiên của lịch sử Việt tộc trong "Việt sử Khai tâm", chắc chắn bài báo ngắn ngủi nầy không thể bao gồm hết được, người viết chỉ xin nêu lên vài điểm chính nổi bật trong toàn bộ công trình tìm tòi của tác giả.
1. Mốc giới 2195 trước Công nguyên và xứ Giao chỉ: tác giả HVL căn cứ vào bộ Ngũ kinh của Khổng Phu Tử (551-479tcn), nói đúng là căn cứ vào cuốn Kinh Thư (phần nói về Hạ Thư) để đặt mốc giới cho sự hình thành của xứ Giao chỉ là vào năm 2195 t.c.n (việc tác gỉa trình bày tựa đề của chương I buộc độc giả phải hiểu như thế).
Khi đọc hết chương I nầy, tôi vẫn thấy mốc giới 2195 t.c.n chưa thể là mốc giới hình thành đầu tiên của Xứ Giao Chỉ, vì theo phần Hạ Thư trong cuốn Kinh Thư, thì nhà Hạ cai trị từ năm 2195-1763 t.c.n, và phần nầy có đề cập đến một vùng đất ở phương Nam, gọi là Giao Chỉ (hiểu theo nghĩa nơi chỉ toàn dấu vết của rắn Giao Long. Giao là nói đến rắn Giao Long, còn Chỉ có nghĩa là dấu vết). Nhà Hạ khởi nghiệp từ 2195 t.c.n, nhưng nếu cho rằng Giao Chỉ cũng ra đời vào mốc giới đó thì chắc là phải suy nghĩ lại.
Tuy vậy người viết rất đồng ý với tác giả VSKT khi ông cho rằng "Giao Chỉ là vùng đất đầy rắn Giao Long, không phải là một dân tộc có đặc điểm riêng biệt ở hai ngón chơn cái" (HVL,sđd, tr. 27) như cụ Trần trọng Kim trong "Việt nam Sử lược" đã ghi theo tài liệu trong bộ sử Thông Điển của Đỗ Hựu đời Đường (735-812 sau công nguyên) như sau:" Chỉ biết rằng người VN ta trước có hai ngón chơn cái giao lại với nhau, cho nên người Tàu mới gọi ta là Giao Chỉ" (TTK, Việt nam Sử lược, nxb Tân việt, Saigòn, 1964 tr,17).
2. Nguồn gốc dân tộc Việt là đâu? (chương II). Tác giả VSKT sau khi đọc lại sử sách và ghi nhận có ba giả thuyết về dân tộc Việt:
- Dân Việt lai Hán tộc đến 70, 80%.
- Dân Việt có nguồn gốc là người Tây Tạng như người Thái (theo số nhà nghiên cứu người Pháp).
- Dân Việt thuộc giống người Tam Miêu trước ở tận sông Hoàng Hà, rồi bị Hán tộc đuổi chạy lần xuống miền Nam, xuống tận Việt nam và hình thành dân tộc Việt nam ngày nay.
Sau khi tìm cách chứng minh các giả thuyết trên đây không thuyết phục lắm, tác giả Huỳnh văn Lang nhắc đến một gỉa thuyết thứ tư là "dân tộc Việt nam thuộc chủng tộc Bách Việt, trong đó có các tộc Quí việt, Âu Việt, Mân Việt, Lạc Việt...hiện còn tản mạn ở theo lưu vực sông Dương Tử, mà Việt nam lại thuộc tộc Lạc Việt từ đó đi về Giao chỉ, Ái châu, Hoan châu từ ngàn năm t.c.n," (HVL sđd, tr. 103). và ông có vẻ nghiên về giả thuyết nầy hơn: " Xem trước xem sau thì thấy giả thuyết Bách Việt nầy có phần đáng tin tưởng vì những lẽ sau đây. Xét về di truyền học (DNA) như cuộc hành trình của con người đã chỉ dẫn trên thì hoàn toàn hợp lý, nghĩa là từ Tây Tạng đi xuống miền Bắc Bán đảo Đông Dương, rồi đi lên băng qua trung lưu sông Dương Tử (còn băng giá) và đi lên nữa. Những phần tử bị bỏ lại hay tự dừng lại phía nam lưu vực sông Dương Tử đã hình thành các tộc Việt, trong đó có tộc Lạc Việt. Tộc Lạc Việt nầy vì tình hình chánh trị bất ổn phải đi trở lại miền Bắc Đông Dương, tức là Giao chỉ, Ái châu và Hoan châu, ba châu nầy đã trở thành nước Văn Lang, cũng trong thời gian đó hay sau một ít lâu" (HVL sđd, tr. 106). Dĩ nhiên bạn đọc có quyền đồng ý hay không với nhận định nầy của tác giả. Riêng cá nhân người viết, thì công việc tìm tòi tài liệu, truy cứu sách sử thuộc cổ sử Trung hoa để biện giải cho lập luận của mình như trong VSKT thì quả thật tác giả Huỳnh văn Lang đã để lại trong tôi một sự cảm phục lớn lao về nỗ lực và quyết tâm của một con người khát khao đi tìm chân lý.
3. Về cuộc nổi dậy cũa Hai bà Trưng (chương VI). Tác giả HVL đã dành cho Hai bà Trưng sự cảm phục cao độ về sự dũng liệt của hai bà. Cho nên, khi đọc lại các nguồn sử liệu viết về cuộc nổi dậy của hai bà do các sử thần thuộc các Triều đại Việt nam viết ra như "Đại việt Sử ký" của Lê văn Hưu (1230-1322) cuối đời nhà Lý, như "Đại việt Sử ký Toàn thư" của Ngô sĩ Liên (1418....), như "Sử ký Tiêu án" của Ngô thời Sĩ (1726-1780), như "Sử ký Tiền biên" của Ngô thời Nhậm (1746-1803), "Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục" do Phan thanh Giản chủ biên in xong dưới thời Tự Đức...và gần hơn có "Việt nam Sử lược" của Trần trọng Kim, thì tác giả Huỳnh văn Lang đã nêu lên ba điều sai lầm và một điều thiếu sót trong các nguồn sử liệu nói trên.
- Sai lầm 1. Sách ĐVSKTT củ Ngô sĩ Liên nhận xét" Vua rất hùng dũng, đuổi Tô định, dựng nước xưng vương, nhưng vì là vua Đàn bà, nên không thể nên công tái tạo". Theo tác gỉa HVL thì " nếu bà không thành công trong việc trị nước bình thiên hạ, hoàn toàn không phải vì là Đàn bà mà là vì tình trạng kém văn hóa, kém học thức chung của cả một dân tộc. Những đức tính và tài năng của hai bà đã vượt xa thời gian, thành ra đâu có vấn đề đàn ông đàn bà trong đó." (HVL sđd, tr. 224). và tiện thể, tác giả chỉ trích quan niệm trọng nam khinh nữ; "nhứt nam viết hữu, thập nữ viết vô" của xã hội Nho giáo ngày xưa.
- Sai lầm 2. Cũng trong sách ĐVSKTT ghi nhận "quân chúng cũng cho vua là Đàn bà, sợ không đánh nổi địch, bèn tan chạy. Quốc thống lại mất". Tác giả VSKT đã phản bác điều nầy và cho rằng" Thua trận vì Bà không có bộ tham mưu có trí thức, mà muốn có cũng không làm sao có. Nhất là vì quân binh ô hợp, thì tất nhiên phải là lý do định đoạt sự thất bại trước quân binh địch với hàng ngũ vững vàng, kỹ thuật chặt chẻ và dày dạn kinh nghiệm chiến trường" (HVL,sđd tr. 224)
-Sai lầm 3. Sách "Đai việt Sử ký Tiền biên" ghi lại "Chỉ vì mối thù chồng đã nổi binh phất một ngọn cờ mà sáu bộ theo như hình với bóng". Nói đến việc bà Trưng nổi dậy vì thù chồng (chồng bà bị Tô Định giết), thì đa số sách sử hiện nay đều ghi giống nhau, kể cả " Quốc sử diển ca" của Lê ngô Cát. Tác giả Huỳnh văn Lang cho rằng thù chồng chỉ là một tình cảm riêng tư, không có đủ tác dụng lôi kéo mọi người tham gia đánh giặc, "quần chúng nhứt là các anh hùng, các anh thư đã cát cứ một phương, có trong tay cả nhiều ngàn nghĩa quân mà đã theo Hai Bà, chính vì Hai Bà là biểu tượng của một chính nghĩa, tức là thù nước, không phải thù nhà.(HVL,sđd, tr.225)
Điều thiếu sót: nhiều sử gia thời trước nghĩ rằng Hai Bà khởi nghiệp trước sau vỏn vẹn chỉ ba nắm (40-42 cn), quá ngắn chưa thể cho là một triều đại chính thống được. Ngô thời Sĩ trong "Việt sử Tiêu án" đã nhận xét "Xét thấy sau Hùng Lạc, quốc thống đã mất từ lâu. Đến bây giờ Trưng vương tự lập, Sử cũ vội cho là chính thống, nhưng xét họ Trưng dựng nước, trước sau mới 3 năm, bổng chúc dấy lên, bổng chúc bị diệt. Có lẽ chưa thành một nước, cho nên xứ chỉ theo chế độ các nước mà chia dòng ghi chú số năm vào giữa triều nhà Hán."
Và tác giả VSKT đã phản bác: Quôc thống đã mất từ lâu, từ đời Triệu Đà như sử gia đã viết, hoàn toàn đúng cũng như 3 năm là quá ngắn ngủi, chưa thành một nước cũng cho là đúng. Rất tiếc là các sử gia không thấy 3 năm đó là một khoen của cái quá trình đi từ một ý niệm quốc gia (idea) của Hùng vương I, đến tinh thần quốc gia của nhà Thục và của Hai Bà. Và cái quá trình nầy còn tiếp nối đến Lý Bí, đến Ngô Quyền và sau đó nữa. Các sử gia V.N. chưa nhận thức được sự quan trọng của mỗi một cái khoen trong một sợi xích thằng phát triển quốc gia, đi từ tình trạng bộ lạc như nói ở chương trước. Người viết nghĩ rằng, nếu không có Hai Bà Trưng thì làm sao có được một hệ thống gần như liên tục chống đối phương Bắc, cho đến ngày hoàn toàn hình thành một quôc gia hoàn toàn độc lập."(HVL sđd,tr.226)
Trong VSKT, tác giả Huỳnh văn Lang có nhắc lạ rằng:"Hai bà Trưng là con gái của tù trường bộ lạc M' linh. đất Phong châu, mà sau Mã Viện đổi thành huyện Mê-linh đang khi đó Thi Sách chồng bà là con của tù trưởng bộ lạc Chu Diên, Hà tây ngày nay" (HVL sđd, tr.93).
Đây là điểm mà người viết muốn được đặt lại. Bà Trưng có phải nổi dậy vì thù chồng? và tên chồng bà có phải là Thi Sách không? Tác giả Huỳnh văn Lang trong VSKT của mình cũng thường nhắc lại cuốn sách "Hậu Hán Thư" của Phạm Việp (398-445). Sách nầy có đề cập chuyện Hai bà Trưng và xứ Giao Chỉ, nhưng chính một đoạn văn trong cuốn sách nầy đã khẳng định tên chồng bà là Thi, và cả hai ông bà cùng nhau nổi dậy chống lại sự cai trị hà khắc của Tô Định. Xin xem lại một đoạn trích trong "Một Truyện dài không Tên", tập 2 của nhà văn Trần thị Bông Giấy, xuất bản tại San José, Hoa kỳ, năm 1998, tr.440-441 như sau: "Dương Diên Nghị cười hề hề..'Tôi thành thật nghĩ như vậy. Trong cuộc đời nầy, đã có bao nhiều người làm cùng một chuyện rồi, sao anh cứ lập lại hoài? Phải biết làm cái gì mớí chứ?'
Lê đình Cai cau mày: 'nói về lịch sử, tôi cũng nghĩ như anh Hoàng. Có nhiều sự kiện đáng cho mình đặt lại lắm. Ví dụ, tên chồng bà Trưng Trắc xưa nay người ta vẫn gọi Thi Sách, mà thật không đúng. Đó là một nhầm lẫn của lịch sử. Nhưng đến khi sửa lại là cả một vấn đề. Thật ra điều tôi nói trên được rút từ sách Tiền Hán Thư của Ban Cố và Hậu Hán Thư của Phạm Việp (nếu tôi còn nhớ không lầm) trong ấy có ghi rằng:Châu diên lạc tướng tử danh Thi, có nghiã là rằng ', "Sách Mê linh lạc tướng nữ danh Trưng Trắc vi thê' nghĩa là 'Hỏi con gái của Lạc tướng Mê Linh làm vợ. Chữ Sách có nghĩa là Hỏi. Nhưng trong chữ Hán không có dấu chấm phẩy giữa hai câu nên khi đọc thì đọc một lèo thành ra 'Châu diên lạc tướng tử danh thi sách mê linh lạc tướng nữ danh trưng tắc vi thê'.Cái khám phá đó, người ta đã tìm ra rồi mà không biết cách nào để đính chánh. Cho nên anh Hoàng đang làm cái việc lật lại lịch sử, tôi thấy rất hay. Tôi xin đọc thêm đoạn sau, anh chị sẽ thấy ông chồng bà Trưng Trắc chỉ tên là Thi thôi.
'Chu diên Lạc tướng tử danh Thi
Sách Mê Linh lạc tướng nữ danh Trưng Trắc vi thê
Trắc vi nhân hữu đảm dũng tương Thi khỉ tặc
Mã viện tương binh phạt
Trắc Thi tẩu nhập kim khê'
"Nếu như ông ta tên Thi Sách thì phải đọc Trắc Sách tẩu nhập, bởi đã nhắc tên thì tên cả, nhắc họ thì họ cả. Đàng nầy, 'Trắc Thi tẩu nhập kim khê'.Trắc và Thi đều chạy vô núi Kim Khê"
Trở lại với SVKT, về phần hình thức, tác giả không tránh khỏi những lỗi lầm về chánh tả, vì cách phát âm không đúng của người miền Nam và trong phép chú thích, tác giả đã không theo đúng quy định của phương pháp MLA (modern Language Association) hay APA (American Psychology Association). Một điều tôi cảm thấy vui là trong phần sách tham khảo của "Những Công chúa Sứ giả "tác giả đã không đề năm xuất bản, nhưng trong "Việt Sử Khai Tâm", phần sách tham khảo đã có ghi đầy đủ năm xuất bản, lần xuất bản, nhà xuất bản đúng quy định của phương pháp MLA và APA.
Tóm lại.
Tác giả Huỳnh văn Lang trong "Việt sử Khai tâm" mà ông còn đặt một tựa khác là "Có những sự kiện lịch sử cần phải xem lại" đã nêu lên rất nhiều nghi vấn lịch sử, và chính ông cũng không giải quyết được hết những vấn nạn lịch sử ấy vì quả thật thời kỳ khai sanh của dân tộc vốn là thời kỳ hết sức tâm tối về sử liệu và hết sức mù mờ vì quá nhiều huyền thoại. Tuy vậy tác giả VSKT cũng đã nêu bật được rất nhiều điểm sáng trong khu rừng tăm tối ấy cuả lịch sử. Điều nầy lại càng trân qúy khi tác giả đã vượt qua tuổi "thật thập cổ lai hy" (tác giả đã hơn 82 tuổi rồi). Nêu bật hết những luận điểm rất mới của tác giả trong cuốn sách quả thật bài viết nầy không làm được. Chỉ mong, qua bài viết ngắn ngủi nầy, người viết sẽ bắt được nhịp cầu giữa tác giả VSKT với quý đọc gỉa bốn phương, những người vốn tha thiết tìm về cội nguồn thiêng liêng đất tổ./.
San José, Những ngày vào thu 2004.
Lê Đình Cai
Tiết Lộ Mới Nhất: CEO Của SVB Bán Cổ Phiếu Trị Giá 3,6 Triệu USD Trước Khi Ngân Hàng Sụp Đổ!
(Phan Anh)
-Giám đốc điều hành Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) ở Mỹ, ông Greg Becker, đã bán số cổ phiếu ngân hàng trị giá 3,6 triệu USD theo một kế hoạch giao dịch cách đây chưa đầy 2 tuần, trước khi SVB thông báo những khoản lỗ lớn dẫn đến sụp đổ ngày 10/3, theo tờ Wall Street Journal.
(Ảnh: Michael Vi/Shutterstock)
Được biết, ông Becker đã bán 12.451 cổ phiếu vào ngày 27/2. Đây là động thái lần đầu tiên sau hơn một năm ông Becker bán cổ phần của công ty mẹ SVB Financial Group. Ông đã nộp kế hoạch để bán cổ phần vào ngày 26/1.
Vào hôm 10/3, SVB Silicon đã sụp đổ sau một tuần hỗn loạn bắt đầu từ một lá thư mà SVB gửi cho các cổ đông, nói rằng họ sẽ cố gắng huy động hơn 2 tỷ USD vốn sau khi thua lỗ. Thông báo này đã khiến giá cổ phiếu của SVB lao dốc, ngay cả khi ông Becker kêu gọi khách hàng giữ bình tĩnh.
Cả ông Becker và SVB đều không trả lời ngay lập tức các câu hỏi về việc bán cổ phần trên và liệu ông Becker có biết về kế hoạch huy động vốn của ngân hàng khi ông nộp kế hoạch bán cổ phiếu hay không. Hồ sơ cho thấy việc bán cổ phiếu trên được thực hiện thông qua một bên ủy thác mà ông Becker kiểm soát.
Kế hoạch giao dịch của ông Becker không có gì bất hợp pháp. Các kế hoạch kiểu này do Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Mỹ (SEC) thiết lập vào năm 2000 để ngăn chặn khả năng giao dịch nội gián.
Kế hoạch nhằm tránh hành vi sai trái thông qua biện pháp chỉ cho các giám đốc điều hành bán cổ phiếu vào những ngày đã được xác định và thời điểm mà ông Becker bán có thể chỉ là ngẫu nhiên.
Tuy nhiên, những người chỉ trích cho rằng các kế hoạch bán cổ phần đã được sắp xếp trước kiểu trên có những sơ hở đáng kể, ví dụ như thiếu giai đoạn lắng dịu (cooling-off) bắt buộc.
Ông Dan Taylor, Giáo sư tại Trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania, cho biết:
“Mặc dù vào ngày 26/1, ông Becker có thể không lường trước được việc ngân hàng sẽ bị rút tiền ồ ạt khi ông thông qua kế hoạch này, nhưng việc tăng vốn là rất quan trọng. Nếu họ đang thảo luận về việc tăng vốn vào thời điểm kế hoạch bán cổ phiếu được thông qua, thì điều đó rất có vấn đề”.
Vào tháng 12/2022, SEC đã chốt các quy tắc mới, theo đó yêu cầu “giai đoạn lắng dịu” kéo dài ít nhất là 90 ngày đối với hầu hết kế hoạch giao dịch của giám đốc điều hành, nghĩa là họ không thể thực hiện giao dịch theo lịch trình mới trong ba tháng sau khi nắm giữ.
Các giám đốc điều hành phải tuân thủ các quy tắc đó từ ngày 1/4. Thông tin về động thái bán cổ phiếu của ông Becker xuất hiện sau khi SVB sụp đổ, bị Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi liên bang Mỹ (FDIC) tiếp quản ngay giữa ngày mà không chờ tới hết ngày giao dịch.
SVB bắt đầu sụp đổ khi ngân hàng này tuyên bố họ đã bán lỗ một loạt chứng khoán và sẽ bán cổ phiếu mới trị giá 2,25 tỷ USD để củng cố bảng cân đối kế toán. Điều này đã gây ra hoảng loạn trong các công ty đầu tư mạo hiểm quan trọng và họ đã khuyên các công ty mà họ đầu tư rút tiền khỏi ngân hàng SVB.
Cổ phiếu của SVB giảm giá vào ngày 9/3, kéo theo giá cổ phiếu của các ngân hàng khác đi xuống theo. Đến sáng thứ 10/3, cổ phiếu của SVB đã bị tạm dừng giao dịch và SVB đã từ bỏ nỗ lực tăng vốn nhanh chóng hoặc tìm người mua.
Sụp Đổ Ngân Hàng SVB, Của Mỹ, Cũng Gây Hoảng Loạn Cho Các Công Ty Khởi Nghiệp Của Trung Quốc!
(Lâm Yến)
-Sự hoảng loạn do sự sụp đổ của Ngân hàng Silicon Valley (SVB) tại Mỹ đang lan sang thị trường đầu tư mạo hiểm Trung Quốc.
Cơ quan quản lý Mỹ đã đóng cửa ngân hàng SVB vào thứ Sáu (ngày 10/3), đánh dấu sự kiện ngân hàng đóng cửa lớn nhất kể từ cuộc suy thoái năm 2008, đồng thời gây ra làn sóng chấn động khắp thế giới công nghệ. Theo dữ liệu của Cục Dự trữ Liên bang, SVB là ngân hàng lớn thứ 16 của Mỹ với khoảng 209 tỷ đô la tài sản tính đến ngày 31/12.
Trên các mạng truyền thông xã hội, các nhà đầu tư và công ty khởi nghiệp đang đổ xô chia sẻ thông tin liên quan mà các phương tiện truyền thông đưa tin, và việc làm thế nào để ngăn chặn thảm họa thế này xảy ra. Đối với một số công ty Trung Quốc, mặc dù SVB ở rất xa bên kia đại dương, nhưng tác động của sự sụp đổ là có thật.
Vào cuối những năm 1990, khi Trung Quốc vẫn còn lạ lẫm đối với đầu tư mạo hiểm, SVB là một trong những tổ chức tài chính đầu tiên bắt đầu phục vụ các công ty khởi nghiệp Trung Quốc, trong khi các ngân hàng truyền thống ngại rủi ro né tránh các công ty khởi nghiệp này.
Theo thời gian, SVB đã trở thành lựa chọn phổ biến cho các công ty khởi nghiệp Trung Quốc huy động vốn bằng đô la Mỹ, và SVB cũng là lựa chọn hàng đầu của một số công ty đầu tư mạo hiểm tập trung vào đô la Mỹ ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, lần này khi SVB thông báo ý định bán cổ phần để tìm kiếm thêm nguồn vốn, các công ty đầu tư mạo hiểm đã thúc giục các công ty trong danh mục đầu tư của họ rút tiền khỏi ngân hàng.
Trang web công nghệ TechCrunch đưa tin, 3 nhà sáng lập công ty công nghệ Trung Quốc và 2 nhà đầu tư mà họ phỏng vấn cho biết, các nhà đầu tư cũng đưa ra lời khuyên tương tự cho các công ty khởi nghiệp Trung Quốc có hợp tác với ngân hàng SVB.
Một trong những nhà sáng lập công ty công nghệ Trung Quốc cho biết: “Sau khi thấy giá cổ phiếu của SVB giảm 30% trong giao dịch tiền thị trường, mọi người nhận ra rằng có điều gì đó không ổn”.
“Sau khi nghe các nhà đầu tư Mỹ bảo tôi rút tiền từ SVB, tôi đã ngay lập tức nói với các đối tác Trung Quốc khác.” Ứng dụng do công ty của anh ấy phát triển nhắm đến người dùng Bắc Mỹ.
Phương tiện truyền thông trong nước của Trung Quốc “Nhật báo Tài chính Kinh tế Số 1” (yicai.com) dẫn lời một người trong ngành nói rằng một số công ty khởi nghiệp của Trung Quốc đã mất hàng trăm triệu nhân dân tệ do sự sụp đổ của SVB.
Andy (hóa danh), doanh nhân của một công ty khởi nghiệp y tế Trung Quốc, đã đăng một khoảnh khắc trên WeChat vào trưa ngày 11/3: “Tôi không ngờ rằng khi tỉnh dậy thì đã đuổi kịp sự sụp đổ của ngân hàng, cuộc sống của tôi thật toàn vẹn”. Phần lớn tài sản bằng đô la Mỹ công ty của Andy là ở SVB, chủ yếu dành cho việc trả lương cho nhân viên văn phòng ở Mỹ.
Nhiều nhà đầu tư cũng xác nhận rằng các công ty Trung Quốc niêm yết cổ phiếu tại Mỹ có cấu trúc VIE (mô hình sở hữu đặc biệt), đặc biệt đối với các doanh nhân sử dụng quỹ đầu tư mạo hiểm bằng đô la Mỹ làm cấu trúc VIE, thì SVB là lựa chọn duy nhất cho các công ty mới thành lập của Trung Quốc gửi tài sản ở nước ngoài.
Bộ phận nội địa hóa của SVB tại Trung Quốc dường như không bị ảnh hưởng trong thời điểm hiện tại. SVB lần đầu tiên bắt đầu hoạt động tại Trung Quốc vào năm 1999, theo trang web của ngân hàng này. Vào năm 2012, SVB đã thành lập một liên doanh với Ngân hàng Phát triển Phố Đông Thượng Hải, đây là ngân hàng Trung – Mỹ đầu tiên nhận được giấy phép kể từ năm 1997.
Bloomberg News trước đó đưa tin rằng ngân hàng liên doanh này đã yêu cầu các khách hàng của mình giữ bình tĩnh và nói rằng hoạt động tại trụ sở chính không bị ảnh hưởng.
SOS! Cần Đề Phòng Cẩn Thận! Công Ty An Ninh Mạng Cảnh Báo, Đã Có Rất Nhiều Nguy Cơ Là Nạn Nhân Lừa Đảo, Liên Quan Đến ChatGPT!
(Phan Anh)
Hôm 8/3 vừa qua, công ty an ninh mạng Darktrace của Anh đã cảnh báo rằng công cụ trò chuyện ChatGPT sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) có thể đã làm gia tăng các vụ lừa đảo trên không gian mạng với những thủ đoạn hết sức tinh vi, theo tờ The Guardian
(Ảnh minh họa)
Cụ thể, Darktrace cho biết công cụ ChatGPT, do công ty OpenAI của Mỹ phát triển và ra mắt vào tháng 11/2022, có thể đã làm gia tăng mức độ tinh vi của các vụ lừa đảo qua thư điện tử (e-mail), cho phép tin tặc tiến hành các vụ tấn công nhắm mục tiêu với xác suất thành công lớn hơn.
Cũng theo Darktrace, các vụ tấn công mạng qua e-mail nhằm vào các khách hàng của công ty này không tăng quá mạnh sau khi ChatGPT ra mắt và số lượng email chứa liên kết độc hại đã giảm. Tuy nhiên, Darktrace cho biết độ phức tạp về ngôn ngữ của những e-mail này, bao gồm dấu chấm câu, độ dài câu và khối lượng văn bản, đã gia tăng. Điều này cho thấy tội phạm mạng có thể đang chuyển hướng tập trung sang tạo ra các thủ đoạn lừa đảo tinh vi và phức tạp hơn nhằm khai thác lòng tin của người dùng.
Từ khi ra mắt vào tháng 11 năm ngoái, ChatGPT đã thu hút sự chú ý của thế giới nhờ khả năng viết luận, làm thơ hoặc viết code theo yêu cầu chỉ trong vài giây. Đây là phần mềm có tốc độ thu hút người dùng nhanh nhất khi đạt 57 triệu người dùng sau 1 tháng ra mắt và cán mốc 100 triệu tính đến 31/1 vừa qua. Tuy nhiên, công cụ này cũng đặt ra nhiều vấn đề về nguy cơ thông tin sai lệch và gian lận về học vấn.
Đầu tháng này, Ủy viên phụ trách lĩnh vực công nghiệp của Liên minh châu Âu (EU), ông Thierry Breton, cho hay EU sẽ áp đặt các quy định mới liên quan đến AI nhằm giải quyết những lo ngại về rủi ro của ChatGPT và đảm bảo người dùng ở châu Âu có thể tin tưởng công nghệ AI.
Tin Quốc Tế Đó Đây
Tòa Án Hồng Kông Bỏ Tù Ba Thành Viên của Nhóm Tổ Chức Tưởng Niệm Thiên An Môn
(Hình: Các thành viên thường trực của Liên hội Thị dân Hồng Kông Chi viện Phong trào Dân chủ Ái quốc ở Trung Quốc, từ trái sang, Tang Ngok-kwan, Chow Hang-tung, Simon Leung Kam-wai và Tsui Hon-kwong tham dự một cuộc họp báo ở Hồng Kông, ngày 5/9/2021.)
- Ba cựu thành viên của một nhóm ở Hồng Kông chuyên tổ chức các buổi thắp nến hàng năm tưởng niệm cuộc đàn áp Thiên An Môn vào năm 1989 ở Trung Quốc, đã bị tuyên án tù 4 tháng rưỡi vào ngày thứ Bảy (11/3/2023), vì không tuân thủ yêu cầu cung cấp thông tin của cảnh sát an ninh quốc gia.
Chow Hang-tung, 38 tuổi, một nhà hoạt động ủng hộ dân chủ nổi tiếng và là cựu Phó Chủ tịch của Liên hội Thị dân Hồng Kông Chi viện Phong trào Dân chủ Ái quốc ở Trung Quốc, là một trong số những người bị tòa kết án.
Hai người khác là Tang Ngok-kwan và Tsui Hon-kwong.
Thẩm phán Peter Law nói "an ninh quốc gia là rất quan trọng đối với lợi ích công cộng và cả quốc gia", đồng thời áp đặt một bản án giam giữ thấp hơn án tù tối đa sáu tháng đối với tội danh này
Liên hội hiện đã tan rã là nhà tổ chức chính của buổi thắp nến tưởng niệm ngày 4 tháng 6 ở Hồng Kông cho các nạn nhân của cuộc đàn áp Thiên An Môn ở Trung Quốc. Mỗi năm sự kiện này thu hút hàng chục ngàn người trong lễ tưởng niệm công cộng lớn nhất kiểu này trên lãnh thổ Trung Quốc.
Liên hội bị cáo buộc là "đại diện ngoại quốc" cho một tổ chức không xác định sau khi bị cáo buộc nhận 20.000 Mỹ kim Hồng Kông (2.562,69 Mỹ kim) từ tổ chức này.
Luật sư bào chữa, Philip Dykes, nói việc "không biết danh tính" của chính phủ hoặc tổ chức ngoại quốc bị cáo buộc là rất bất thường và gây khó khăn cho việc giảm nhẹ tội trạng vì cáo buộc đại diện ngoại quốc.
Luật an ninh quốc gia trừng phạt các hành vi bao gồm lật đổ và thông đồng với các lực lượng ngoại quốc, đã bị một số chính phủ phương Tây chỉ trích là công cụ để đàn áp bất đồng chính kiến.
Chính phủ Hồng Kông và Trung Quốc nói luật này đã mang lại sự ổn định kể từ khi nó được ban hành vào năm 2020 để đối phó với các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ rầm rộ vào năm 2019.
Trung Quốc Đóng Tàu Nạo Vét Công Suất Gấp Đôi Tàu Xây Đảo ở Biển Đông
- Đội tàu nạo vét hơn 200 chiếc của Trung Quốc sẽ được trang bị thêm một tàu nạo vét có công suất kỷ lục 10.000 kW. Theo trang South China Morning Post ngày 12/3/2023, tàu được dự kiến đóng sẽ mạnh hơn 50% so với "siêu tàu xây đảo" ở Biển Đông.
Theo Kỹ sư trưởng Tần Bân, của công ty Đường thủy Thiên Tân (Tianjin Waterway Bureau), một chi nhánh của Tập đoàn Xây dựng Giao thông Trung Quốc (CCCC), "chiếc tàu mới không chỉ lớn hơn mà còn là một bước nhảy vọt về chất lượng". Tàu mới có công suất 10.000 kW, hơn gấp đôi so với tàu Thiên Kinh (Tian Jing, công suất 4.400 kW) từng tham gia vào việc bồi đắp và xây dựng trái phép các đảo nhân tạo ở Biển Đông. Sau đó, Trung Quốc đưa thêm tàu Thiên Côn (Tian Kun), có công suất 6.600 kW, vào hoạt động năm 2019 và hiện là tàu nạo vét mạnh nhất Á Châu.
Cả hai tàu Thiên Kinh và Thiên Côn đều nằm trong đội tàu nạo vét hùng mạnh nhất thế giới do Công ty Đường thủy Thiên Tân khai thác. Tàu Thiên Côn, được hoàn thành năm 2017, hiện là tàu mạnh nhất, có khả năng đưa nguyên vật liệu từ khoảng cách 15 cây số và đào sâu đến 35 mét dưới đáy biển.
Còn tàu Thiên Kinh được biết đến do tham gia bồi đắp, xây đảo nhân tạo bất hợp pháp ở Biển Đông. Tàu đã hoạt động động trong suốt 193 ngày quanh 5 rặng san hô thuộc quần đảo Trường Sa từ tháng 9/2013 đến tháng 6/2014 và biến đá Chữ Thập, đá Vành Khăn và Xu Bi từ rạn san hô chìm thành các thực thể đất liền lớn nhất ở Biển Đông, được trang bị phi trường, hệ thống radar và vị trí phi đạn. Sau khi hoàn thành công trình bất hợp pháp "Vạn lý trường thành cát" ở Biển Đông, tàu Thiên Kinh được trao giải tiến bộ khoa học và kỹ thuật năm 2019.
Publicité
Trung Quốc hiện sở hữu đội tàu khoảng 200 chiếc, được sản xuất từ năm 2006 nhằm mục tiêu trở thành một trong những nhà sản xuất tàu nạo vét lớn nhất thế giới. Tàu nạo vét có thể công phá lớp đá dưới đáy sông, biển bằng mũi khoan, hút cát đá rồi bơm chúng qua đường ống đến nơi khác. Những chiếc tàu này được sử dụng để nạo vét luồng tàu hoặc xây đảo nhân tạo.
Iran: Xuất Cảng Dầu Đạt Mức Cao Nhất Kể Từ Khi Mỹ Tái Áp Đặt Lệnh Trừng Phạt
Hình: Một nhà máy lọc dầu của Iran ở ngoại ô thủ đô Tehran.)
- Xuất cảng dầu của Iran đã đạt mức cao nhất kể từ khi Mỹ tái áp đặt các lệnh trừng phạt vào năm 2018, Bộ trưởng Dầu mỏ của nước này Javad Owji cho biết hôm Chủ Nhật (12/3/2023), theo hãng thông tấn bán chính thức Tasnim.
Sau khi Hoa Kỳ rút khỏi Thỏa thuận Nguyên tử năm 2015 và tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Tehran vào năm 2018, doanh thu và xuất cảng dầu mỏ của Iran đã bị ảnh hưởng đáng kể do ít quốc gia - ngoại trừ Trung Quốc - tiếp tục mua dầu thô của Iran.
Bộ trưởng Dầu mỏ cho biết thêm rằng 83 triệu thùng dầu trong năm hiện tại, tính từ ngày 21 tháng 3 năm 2022, đã được xuất cảng so với năm trước đó của Iran kéo dài từ tháng 3 năm 2021 tới tháng 3 năm 2022.
Con số này tăng 190 triệu thùng so với 2 năm trước theo Owji, người nói thêm rằng xuất cảng khí đốt tăng 15% trong năm 2022-2023 so với năm trước của Iran.
Hoa Kỳ hôm thứ Năm tuần trước đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 39 thực thể, bao gồm nhiều thực thể có trụ sở tại Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Hồng Kông, mà Hoa Thịnh Ðốn nói đã tạo điều kiện cho Iran tiếp cận hệ thống tài chánh toàn cầu, mô tả chúng như một mạng lưới "ngân hàng ngầm" chuyển hàng tỉ Mỹ kim.
Ông Brian O'Toole, cựu viên chức Bộ Tài chánh, nói rằng bước đi hôm thứ Năm sẽ khiến Iran mất khả năng tiếp tục vận chuyển dầu và được trả tiền cho việc đó.
Iran Thông Báo Đã Ký Hợp Đồng Mua Chiến Đấu Cơ Su-35 của Nga
- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay ngày 11/3/2023, chính quyền Teheran thông báo đã ký kết với Nga hợp đồng mua chiến đấu cơ Sukhoi Su-35, bất chấp cảnh báo của Mỹ chống sự hợp tác quân sự giữa Teheran và Mạc Tư Khoa.
Hãng thông tấn Irna của Iran dẫn lời đại diện của nước Cộng hòa Hồi giáo Iran bên cạnh Liên Hiệp Quốc cho biết hợp đồng này được thực hiện sau việc định chế quốc tế hồi năm 2020 đã cho dỡ bỏ cấm vận đối với việc mua các loại vũ khí quy ước.
Tuy nhiên, nội dung chi tiết hợp đồng không được tiết lộ, nhưng các cuộc đàm phán đã được tiến hành từ nhiều năm qua. Theo hãng tin Iran, "Sukhoi Su-35 về mặt kỹ là có thể chấp nhận được cho Iran và Nga đã thông báo sẵn sàng bán các chiến đấu cơ này cho Iran".
Theo giới chuyên gia, Không quân Iran hiện có khoảng hơn 300 chiến đấu cơ từ của Nga (MiG-29 và Su-25), Trung Quốc (F-7), Mỹ (F-4, F-5 và F-14) và Pháp (Mirage F1), cùng với vài chiếc "Saeqeh", một phiên bản Iran F-5 của Mỹ.
Năm 2007, Teheran ký kết một hợp đồng với Mạc Tư Khoa mua hệ thống phòng không S-300, nhưng Nga đã đình chỉ thương vụ năm 2010 căn cứ theo Nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc nhằm phản đối chương trình phát triển nguyên tử của Iran. Năm năm sau, Nga lại cho phép bán S-300. Năm 2016, Iran tuyên bố đất nước kể từ giờ đã có hệ thống phi đạn chiến lược S-300.
Publicité
Mối quan hệ chặt chẽ về quân sự giữa Nga và Iran khiến Hoa Kỳ quan ngại. Hoa Thịnh Ðốn gần đây báo động về sự tăng cường "nguy hiểm" hợp tác quân sự giữa hai nước, khi cáo buộc Teheran cung cấp drone cho Mạc Tư Khoa để tấn công Ukraine.
Lực Lượng Nga Tiếp Tục Tấn Công ở Khu Vực Donetsk của Ukraine
(Hình: Xe tăng Ukraine ở vùng Bakhmut, ngày 11/02/2023.)
- Hôm Chủ Nhật (12/3/2023), Bộ Quốc phòng Nga cho biết rằng các lực lượng của họ tiếp tục tiến hành các hoạt động quân sự ở khu vực Donetsk ở miền Đông Ukraine, tuyên bố đã giết chết hơn 220 quân nhân Ukraine trong 24 tiếng đồng hồ qua.
"Ở hướng Donetsk... hơn 220 quân nhân Ukraine, 1 xe chiến đấu Bộ binh, 3 xe chiến đấu bọc thép, 7 phương tiện cũng như một khẩu lựu pháo D-30 đã bị phá hủy trong ngày", Bộ Quốc phòng cho biết.
Thông tấn xã Reuters cho biết không thể xác minh độc lập tuyên bố của Bộ Quốc phòng.
Cả hai bên đều tuyên bố đã gây ra những tổn thất đáng kể và con số chính xác rất khó xác minh.
Ukraine cho biết hôm thứ Bảy rằng hơn 500 binh sĩ Nga đã thiệt mạng hoặc bị thương trong khoảng thời gian 24 tiếng đồng hồ khi họ chiến đấu để giành quyền kiểm soát Bakhmut.
Các lực lượng Nga và binh sĩ từ nhóm lính đánh thuê Wagner do tư nhân điều hành đã chiếm được lãnh thổ ở phía Đông thành phố và vùng ngoại ô ở phía Bắc và phía Nam, nhưng cho đến nay vẫn chưa thể bao vây hoàn toàn.
Mạc Tư Khoa nói rằng việc chiếm được Bakhmut sẽ tạo ra một lỗ hổng trong hệ thống phòng thủ của Ukraine và là một bước tiến tới việc chiếm giữ toàn bộ khu vực công nghiệp Donbas, một mục tiêu chính.
Anh Nói Nga Đạt Tiến Bộ ở Bakhmut Nhưng Tổn Thất Nhân Mạng To Lớn
Hình: Binh sĩ Ukraine khai hỏa từ một chiếc xe tăng về phía quân đội Nga gần thành phố tiền tuyến Bakhmut, ở vùng Donetsk, Ukraine, ngày 7/3/2023.)
- Các lực lượng Nga đã đạt tiến bộ trong chiến dịch đánh chiếm thành phố Bakhmut ở miền Đông Ukraine, tâm điểm của trận chiến trên bộ lâu nhất trong cuộc chiến, nhưng cuộc tấn công của họ sẽ khó duy trì mà không có thêm tổn thất nhân mạng đáng kể, các viên chức quân đội Anh cho biết ngày thứ Bảy (11/3/2023).
Bộ Quốc phòng Anh nói trong thẩm định mới nhất rằng các đơn vị bán quân sự từ Tập đoàn Wagner do Ðiện Cẩm Linh kiểm soát đã chiếm giữ phần lớn phía Đông Bakhmut, với một con sông chảy qua thành phố hiện đánh dấu chiến tuyến giao tranh.
Thành phố khai thác mỏ nằm ở tỉnh Donetsk, một trong bốn vùng của Ukraine mà Tổng thống Nga Vladimir Putin đã sáp nhập bất hợp pháp vào năm 2022. Quân đội Nga mở chiến dịch nhằm chiếm quyền kiểm soát Bakhmut vào tháng 8 và cả hai bên đều chịu thương vong to lớn.
Binh sĩ và các tuyến đường tiếp tế của Ukraine vẫn dễ bị đe dọa trước "những nỗ lực liên tục của Nga nhằm áp đảo quân phòng thủ từ phía Bắc và phía Nam" khi lực lượng của Tập đoàn Wagner cố gắng áp sát họ trong thế gọng kìm, Bộ Quốc phòng Anh nói.
Tuy nhiên, bộ nói thêm binh lính Wagner sẽ "rất khó" tiến lên phía trước vì Ukraine đã phá hủy những cây cầu quan trọng bắc qua sông, trong khi lực lượng bắn tỉa của Ukraine từ các tòa nhà kiên cố xa hơn về phía Tây đã biến dải đất trống hẹp ở trung tâm thành phố thành "vùng sát nhân".
Các lực lượng Bộ binh của Ukraine ngày thứ Bảy (11/3) báo hiệu ý định cầm cự ở Bakhmut, thông báo trên Facebook rằng sĩ quan hàng đầu của họ, Đại tá Oleksandr Syrskyi, đang đích thân giám sát "các khu vực quan trọng nhất của mặt trận" để khước từ một chiến thắng chiến trường được chờ đợi từ lâu của Mạc Tư Khoa.
"Quân đội của chúng ta đang đứng vững. Đây là pháo đài của chúng ta. Và những gì họ đang làm bây giờ, chúng ta thậm chí không thể tưởng tượng được nó sẽ hữu ích như thế nào đối với đất nước, đối với quân đội của chúng ta trong tương lai gần", Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Oleksii Danilov nói trên đài truyền hình nhà nước của Ukraine.
Trích lời ông Syrskyi, ông nói các ngõ ngách và khu vực xung quanh Bakhmut "rải rác xác của người Nga và lính Wagner".
Ukraine Kêu Gọi Đức Khẩn Cấp Viện Trợ Vũ Khí và Đào Tạo Phi Công
- Thiếu đạn dược là vấn đề "số 1" đối với Ukraine để đẩy lùi cuộc xâm lược Nga vào lúc tình hình chiến sự ở miền Đông vẫn cam go, đặc biệt là ở thành phố Bakhmut, nơi quân Ukraine và Nga liên tục tuyên bố đẩy lùi kẻ thù. Trong bài phỏng vấn được báo Đức Bild am Sonntag đăng ngày 12/3/2023, Ngoại trưởng Ukraine kêu gọi Đức khẩn trương giao đạn dược và đào tạo cho phi công Ukraine sử dụng chiến đấu cơ của phương Tây.
Ngoại trưởng Dmytro Kuleba nhấn mạnh "vấn đề hiện nằm ở chính phủ Đức" vì các nhà sản xuất vũ khí Đức khẳng định tại Hội nghị An ninh Munich diễn ra vào tháng 2/2023 là sẵn sàng giao vũ khí cho Kyiv nhưng hiện chờ Bá Linh ký hợp đồng.
Kyiv biết rõ là trước mắt, các đồng minh phương Tây không giao chiến đấu cơ nhưng ông Kuleba cho rằng phi công Ukraine vẫn cần được đào tạo để có thể sẵn sàng trong trường hợp quyết định được đưa ra. Theo ông Kuleba, nếu Đức đào tạo cho phi công Ukraine thì đó là "một thông điệp rõ ràng về cam kết chính trị" của chính quyền Bá Linh.
Về tình hình chiến sự ở Bakhmut, Ngoại trưởng Kuleba cho biết Ukraine sẽ tiếp tục bảo vệ thành phố, hiện là ưu tiên của Nga để cố giành được thắng lợi mang tính biểu tượng. Vì "nếu chiếm được Bakhmut, quân Nga sẽ tiếp tục tấn công Chasiv Yar, thành phố ngay sát Bakhmut sẽ chịu chung số phận". Tuy nhiên, theo Reuters, ông Kuleba từ chối trả lời cụ thể khi được hỏi lực lượng Ukraine còn trụ được bao nhiêu lâu ở Bakhmut.
Trong vòng 24 tiếng đồng hồ qua, Nga và Ukraine đều khẳng định triệt hạ vài trăm kẻ thù. Theo Kyiv, 221 lính thân Nga bị chết và hơn 300 người bị thương ở Bakhmut. Trong buổi điểm tin sáng 12/3, Bộ tham mưu Ukraine cho biết quân đội nước này đã đẩy lùi 92 cuộc tấn công của Nga ở 5 khu vực. Quân Nga tập trung lực lượng ở Lyman, Bakhmut, Avdiivka, Marïnka và Chakhtarsk và tiêu diệt hơn 200 quân Ukraine ở mặt trận Donetsk.
Trong hơn một năm gây chiến ở Ukraine, Nga đã tiến hành hơn 40.500 vụ oanh kích, phá hủy 152.000 tòa nhà, theo tài khoản Twitter Euromaidan, trích thông tin từ Bộ trưởng Nội vụ Ukraine. Chiến tranh đã khiến ít nhất 460 trẻ em thiệt mạng và hơn 16.000 em bị đưa sang Nga.
Chiến Tranh Ukraine: Lực Lượng Đánh Thuê Nga Wagner Mở Chiến Dịch Tuyển Mộ Lớn
- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay hôm 10/3/2023, Lãnh đạo tập đoàn bán quân sự Nga Wagner Yevgeny Prigozhin, tuyên bố rằng Wagner đang chuẩn bị mở 58 trung tâm tuyển mộ binh lính tại 42 thành phố ở Nga.
Dường như đây là dấu hiệu cho thấy Nga đang phải hứng chịu những tổn thất nặng nề trong cuộc chiến tại Ukraine. Từ Mạc Tư Khoa, thông tín viên Jean-Didier Revoin của RFI cho biết thêm chi tiết:
Phải chăng để khắc phục tổn thất lớn về nhân mạng do chiến sự dữ dội nhằm chiếm thành phố Bakhmut gây ra? Dường như là vậy. Trong những tuần gần đây, Yevgeny Prigozhin đã phàn nàn rằng ông không còn có thể tuyển mộ tù nhân, đổi lại việc giảm án cho họ. Thực sự là vậy, và đó là lý do ông đã quyết định hướng tới công chúng đề cao "nam tính".
Trong số 58 trung tâm tuyển mộ với 8 trung tâm ở riêng Mạc Tư Khoa, hầu hết được mở tại các nhà thi đấu thể thao và câu lạc bộ võ thuật. Bằng chứng cho thấy nhà tài phiệt thân cận với Vladimir Putin đang tìm cách tăng cường lực lượng của mình.
Một số người coi đó là một tình tiết mới về sự bất đồng giữa ông Prigozhin và các lãnh đạo quân đội chính quy, nhưng không có gì là chắc chắn. Mục đích của Bộ Tổng tham mưu cũng giống như Wagner là giành chiến thắng trên chiến trường.
Và nếu đúng là Mạc Tư Khoa chịu tổn thất đáng kể như số liệu do Ukraine và phương Tây đưa ra, thì chính quyền Nga dường như đã tìm ra cách tuyển mộ thêm binh lính mà không công bố đợt động viên cục bộ mới, hoặc thậm chí là tổng động viên, với lý do có thể gây tác động tiêu cực đến người dân trong nước.
Nga Chưa Tham Gia Đàm Phán Gia Hạn Thỏa Thuận Ngũ Cốc
(Hình: Khu vực chứa ngũ cốc xuất cảng tại cảng ở Odesa của Ukraine.)
- Hôm Chủ Nhật (12/3/2023), Bộ Ngoại giao Nga cho biết rằng các đại diện của Nga vẫn chưa tham gia các cuộc đàm phán về việc gia hạn thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen.
"Chưa có cuộc đàm phán nào về chủ đề này, đặc biệt là với sự tham gia của các đại diện Nga", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Maria Zakharova cho biết.
Bà Zakharova cho biết rằng vòng đàm phán tiếp theo về việc gia hạn thỏa thuận sẽ được tổ chức tại Geneva vào ngày 13/3 giữa phái đoàn Nga và viên chức thương mại hàng đầu của Liên Hiệp Quốc Rebeca Grynspan.
Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar cho biết hôm Chủ Nhật rằng ông tin rằng thỏa thuận cho phép xuất cảng ngũ cốc của Ukraine qua Biển Đen sẽ được gia hạn sau khi hết hạn vào ngày 18 tháng 3.
Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, do Liên Hiệp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian giữa Nga và Ukraine vào tháng 7 năm 2022, nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu bằng cách cho phép ngũ cốc Ukraine bị phong tỏa do cuộc xâm lược của Nga được xuất cảng an toàn từ ba cảng của Ukraine.
Thỏa thuận đã được gia hạn thêm 120 ngày vào tháng 11 và sẽ gia hạn vào ngày 18 tháng 3 nếu không có bên nào phản đối. Tuy nhiên, Mạc Tư Khoa đã ra chỉ dấu rằng họ sẽ chỉ đồng ý gia hạn nếu các hạn chế ảnh hưởng đến xuất cảng của chính họ được dỡ bỏ.
Thổ Nhĩ Kỳ trước đây đã nói rằng họ đang nỗ lực để gia hạn thỏa thuận.
"Trong các cuộc đàm phán riêng với phía Nga và Ukraine, chúng tôi thấy rằng cả hai bên đang tiếp cận vấn đề này một cách tích cực. Chúng tôi tin rằng nó sẽ kết thúc tích cực", ông Akar nói trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn nhà nước Anadolu.
"Chúng tôi có ý kiến rằng thời hạn sẽ được gia hạn vào ngày 18 tháng 3", ông nói thêm.
Bộ Trưởng Quốc Phòng Thổ Nhĩ Kỳ: Thỏa Thuận Ngũ Cốc ở Biển Đen Sẽ Được Gia Hạn
(Hình: Tàu chở ngũ cốc từ Ukraine.)
- Hôm Chủ Nhật (12/3/2023), Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar cho biết rằng ông tin rằng thỏa thuận cho phép xuất cảng ngũ cốc của Ukraine qua Biển Đen sẽ được gia hạn sau khi hết hạn vào ngày 18/3.
Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, do Liên Hiệp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian giữa Nga và Ukraine vào tháng 7 năm 2022, nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu bằng cách cho phép ngũ cốc Ukraine bị phong tỏa do cuộc xâm lược của Nga được xuất cảng an toàn từ ba cảng của Ukraine.
Thỏa thuận đã được gia hạn thêm 120 ngày vào tháng 11 và sẽ gia hạn vào ngày 18 tháng 3 nếu không có bên nào phản đối. Tuy nhiên, Mạc Tư Khoa đã ra chỉ dấu rằng họ sẽ chỉ đồng ý gia hạn nếu các hạn chế ảnh hưởng đến xuất cảng của chính họ được dỡ bỏ.
Thổ Nhĩ Kỳ trước đây đã nói rằng họ đang nỗ lực để gia hạn Thỏa thuận.
"Trong các cuộc đàm phán riêng với phía Nga và Ukraine, chúng tôi thấy rằng cả hai bên đang tiếp cận vấn đề này một cách tích cực. Chúng tôi tin rằng nó sẽ kết thúc tích cực", ông Akar nói trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn nhà nước Anadolu.
"Chúng tôi có ý kiến rằng thời hạn sẽ được gia hạn vào ngày 18 tháng 3", ông nói thêm.
Xuất cảng nông sản của Nga không bị phương Tây nhắm mục tiêu cụ thể, nhưng Mạc Tư Khoa nói rằng các biện pháp trừng phạt đối với việc thanh toán, hậu cần và ngành bảo hiểm là rào cản đối với việc nước này có thể xuất cảng ngũ cốc và phân bón của chính mình.
Nga đã phàn nàn rằng ngũ cốc Ukraine xuất cảng theo Thỏa thuận này sẽ được đưa đến các nước giàu có.
Ukraine và Nga đều là những nhà cung cấp ngũ cốc và phân bón lớn trên toàn cầu.
Anh Đăng Thông Báo Tuyển Thống đốc Gibraltar Trên Mạng LinkedIn
- Ngày 12/3/2023, Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay tân Thống đốc Gibraltar có thể sẽ là một ứng cử viên đọc được thông báo tuyển dụng trên mạng LinkedIn. Hạn nộp hồ sơ là ngày 2/4/2023.
Thống đốc của vùng Gibraltar nằm ở miền Nam Tây Ban Nha có nhiệm vụ bảo vệ lợi ích của Anh Quốc, đồng thời phải duy trì được quan hệ hữu hảo với Tây Ban Nha và Liên Hiệp Âu Châu. Thông tín viên RFI Marie Boëda tại Luân Đôn cho biết thêm:
"Có kinh nghiệp trong quốc phòng và an ninh, nhưng cũng phải có kỹ năng về ngoại giao. Đây là những phẩm chất chính của tân Thống đốc Gibraltar, người sẽ thay thế Sir David Steel, phó đô đốc Hải quân Hoàng gia. Nhiệm kỳ 4 năm sẽ bắt đầu từ năm 2024 với mức lương 100.000 Euro/năm.
Người may mắn được tuyển sẽ phải giám sát eo biển Gibraltar và gánh vác tiểu vương quốc Anh, chỉ rộng 6,8 cây số vuông, nằm trong vùng Andalusia của Tây Ban Nha. Với khoảng 30.000 dân, Gibraltar là một trong những vùng lãnh thổ có mật độ dân số đông nhất thế giới.
Đề nghị hấp dẫn nhưng cũng có khó khăn, đó là Brexit. Nếu như hơn 90% người dân ở Gibraltar ủng hộ Anh Quốc rời Liên Hiệp Âu Châu, thì cũng phải tìm ra được một thỏa thuận với Tây Ban Nha. Có đến 15.000 người lao động hàng ngày vượt qua biên giới chung giữa hai nước. Liệu có phải tái lập kiểm tra hải quan không? Hiện giờ chưa có gì được quyết định. Các cuộc đàm phán vẫn đang tiếp diễn và kết cục có lẽ chỉ được định đoạt trong nhiệm kỳ của Thống đốc sắp tới".
Luân Đôn Tài Trợ 540 Triệu Euro Để Ngăn Chặn Các Làn Sóng Nhập Cư Từ Pháp Tràn Vào Anh Quốc
- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay việc ngăn chặn người nhập cư lợi dụng Pháp là cổng vào Anh Quốc là một trong những điểm nổi bật của cuộc họp thượng đỉnh giữa Thủ tướng Rishi Sunak và Tổng thống Emmanuel Macron tại Paris hôm 10/3/2023.
Luân Đôn thông báo tài trợ 450 triệu Euro trong 3 năm sắp tới để đạt mục tiêu này. Công luận Anh không hài lòng về thỏa thuận mới về nhập cư giữa Anh và Pháp. Thông tín viên Emeline Vin của RFI từ Luân Đôn giải thích:
"Thỏa thuận hôm qua dự trù xây dựng một trung tâm trong vùng Hauts-de-France để tạm giữ người nhập cư. Các tổ chức phi chính phủ chống đối giải pháp này. Đối với Ân Xá Quốc Tế chẳng hạn, Anh Quốc đang chối bỏ trách nhiệm.
Bà Zoe Gardner, một thành viên của tổ chức bảo vệ người tị nạn trả lời đài truyền hình Sky News chỉ trích thực chất của chính sách nói trên. Theo bà, "mục đích tạm giữ người nhập cư là nhằm giải quyết một vấn đề hành chính, nó cho phép người ta có thời gian trục xuất người nhập cư từ một điểm duy nhất. Những người bị giữ trên lãnh thổ Pháp đến từ những quốc gia mà nếu trả họ về nguyên quán là nguy hiểm đối với họ. Thành thử, đây là một hành động bất hợp pháp. Pháp cũng chẳng hơn gì Anh, không thể trục xuất họ được".
Phe đối lập bên Công Đảng cũng chủ trương trả người nhập cư bất hợp pháp vào Anh về lại Pháp. Về điểm này, bà Gardner nêu lên tính bất hiệu quả của thỏa thuận giữa Luân Đôn và Paris. Bà nói: "Chỉ riêng năm 2022, Bộ Nội vụ đã chi ra 80 triệu Euro để xây hàng rào và tài trợ các cuộc tuần tra trên lãnh thổ Pháp. Đây chỉ là một thí dụ trọng số rất nhiều các biện pháp và thỏa thuận khác. Chúng ta bỏ ra những khoản tiền rất lớn cho Pháp mà hiệu quả không đi đến đâu. Chỉ có điều là người nhập cư thì khốn khổ hơn thôi".
Giới phân tích dự kiến có khoảng 80.000 người nhập cư bằng những phương tiện thô sơ vượt biển Manche vào Anh Quốc trong năm nay".
Thượng Viện Pháp Thông Qua Dự luật Cải Cách Hưu Trí
- Dự thảo luật cải cách hưu trí gây tranh cãi tại Pháp đã vượt qua được một chặng quan trọng. Tối 11/3/2023, sau 10 ngày tranh luận gay gắt, Thượng viện Pháp, do cánh hữu chiếm đa số, đã thông qua Dự luật với 195 phiếu thuận, 112 phiếu chống. Cùng ngày, phong trào phản đối cải cách tiếp diễn nhưng không huy động được đông đảo người biểu tình như lần trước.
Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne không giấu sự hài lòng về thắng lợi của chính phủ trong bản tuyên bố gửi hãng tin AFP và tin rằng "vẫn còn đa số" ở Nghị Viện để thông qua Dự luật cải cách. Chủ tịch Thượng viện Gerard Lacher (đảng cánh hữu Những Người Cộng hòa - LR) hoan nghênh "vai trò" của Thượng viện nhằm mục đích duy nhất là vì "lợi ích của đất nước và của người dân Pháp".
Còn Thượng Nghị sĩ đảng Xã Hội đối lập Monique Lubin đánh giá cải cách là quyết định "thô bạo", việc Dự luật được thông qua ở Thượng viện đánh dấu "ngày đen tối cho tất cả người lao động ở Pháp".
Bước tiếp theo là một ủy ban hỗn hợp gồm 7 Dân biểu và 7 Thượng Nghị sĩ sẽ nhóm họp vào thứ Tư (15/3) để cố gắng thống nhất về một phiên bản chung của Dự luật. Nếu thành công, Dự thảo luật sẽ được đưa ra biểu quyết lần cuối ở Hạ viện và Thượng viện vào thứ Năm (16/3).
Cuộc biểu tình lần thứ 7 gây sức ép với chính phủ diễn ra chiều 11/3 đã không huy động được đông đảo người tham gia như kỷ lục hôm 7/3. Theo Bộ Nội vụ, khoảng 368.000 người biểu tình trên toàn nước Pháp, trong đó có 48.000 người ở Paris. Đây là con số thấp nhất kể từ khi bắt đầu phong trào phản đối cải cách hưu trí. Trong một thông cáo tối 11/3, liên đoàn các nghiệp đoàn lên án "thái độ coi thường" của Tổng thống Macron và thách ông "tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý công dân (về hưu trí) trong thời hạn sớm nhất".
Publicité
Ngày biểu tình và đình công lần thứ 8 dự kiến diễn ra vào thứ Tư 15/3, đúng ngày ủy ban hỗn hợp họp về phiên bản chung của Dự thảo luật cải cách hưu trí.
Lao Động Cưỡng Bách "Thời Nhật Chiếm Đóng": Dân Hàn Biểu Tình Phản Đối Kế Hoạch Bồi Thường của Chính Phủ
- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay hôm 12/3/2023, phe đối lập tại Nam Hàn tổ chức một cuộc biểu tình phản đối bản kế hoạch mới bồi thường các nạn nhân lao động cưỡng bách "thời Nhật Bản", công bố hôm 6/3.
Văn phòng phủ Tổng thống Nam Hàn hôm 12/3 cho công bố những phát biểu của Tổng thống Yoon Suk Yeon trong cuộc họp với các Bộ trưởng hôm 7/3, tái khẳng định: "Đây là một quyết định cho tương lai!"
Yonhap nhắc lại, chính phủ dự trù thành lập một quỹ nhà nước do chính các doanh nghiệp Nam Hàn tài trợ, đi ngược với phán quyết của Tòa án Tối cao năm 2018, yêu cầu quỹ bồi thường phải bao gồm cả Nippon Steel và Mitsubishi Heavy Industries. Thông tín viên đài RFI, Nicolas Rocca tại Hán Thành ghi nhận:
"Khoảng vài ngàn người đã tụ tập trước tòa thị chính của Hán Thành để bày tỏ sự phẫn nộ của mình. Họ bác bỏ kế hoạch bồi thường nạn nhân lao động cưỡng bách dưới thời bị Nhật Bản chiếm đóng vì kế hoạch này không có sự tham gia tài chánh của Tokyo hay không có những lời xin lỗi chính thức từ chính phủ Nhật Bản. Đối với Kim Hyeong-Cheon, đây là điều khó thể chấp nhận.
Cô nói: "Thật là nhục nhã cho chúng tôi, bởi vì chính phủ đã đơn phương đưa ra thông báo với Nhật Bản, bất chấp ý kiến của đa số người dân. Không có một sự phản ảnh nào về quá khứ của chúng tôi với Nhật Bản, cả về phía chúng tôi lẫn phía Nhật. Giao tiếp với Nhật Bản sẽ là điều tốt nhưng không phải theo cách làm này của chính phủ, phương pháp này là rất nhục nhã và tôi đến đây để bày tỏ sự tức giận của mình".
Tuần tới, lần đầu tiên sau 12 năm, một nguyên thủ Nam Hàn sẽ đến thăm Nhật Bản. Chuyến công du của Tổng thống Yoon Suk Yeol không khỏi khiến Kim Chang Dae phản ứng.
Anh giải thích: "Tôi không muốn ông ấy trở về, ông ấy nên sống ở đấy. Tôi đến để bày tỏ thái độ của mình trước tình trạng không thể chấp nhận được này, bởi vì Tổng thống đã hành động có lợi cho Nhật Bản, đi ngược lại ý muốn và sự đồng thuận của người dân".
Theo viện Gallup, 60% người dân Nam Hàn phản đối kế hoạch bồi thường do chính phủ đề xuất".
Nhật Báo Yomiuri: Ngoại Trưởng Nhật Bản Chuẩn Bị Thăm Các Quốc Đảo ở Thái Bình Dương Vào Cuối Tháng 3
(Hình: Ngoại trưởng Yoshimasa Hayashi.)
- Nhật báo Yomiuri hôm Chủ Nhật (12/3/2023) trích dẫn nhiều nguồn tin chính phủ cho biết rằng Nhật Bản đã bắt đầu chuẩn bị cho chuyến thăm của Ngoại trưởng Yoshimasa Hayashi đến thăm Quần đảo Solomon, Kiribati và Quần đảo Cook vào cuối tháng 3.
Chuyến thăm, dự kiến diễn ra từ ngày 18 đến 22 tháng 3, diễn ra sau khi Trung Quốc ký Hiệp ước an ninh với Quần đảo Solomon vào năm 2022, khiến Hoa Kỳ và Úc Ðại Lợi lo ngại trong khi Trung Quốc tìm cách mở rộng ảnh hưởng tại khu vực.
Ông Hayashi dự định khẳng định sự hợp tác của ba quốc đảo với một khu vực "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở", đồng thời đang xem xét đề xuất hợp tác an ninh, tin tức cho biết.
Ông cũng có kế hoạch xoa dịu những lo ngại về việc xả nước thải đã qua phân hủy từ Nhà máy điện nguyên tử Fukushima Dai-ichi bị hư hại vào cuối năm nay, theo Yomiuri.
Nhật Bản chuẩn bị xả 1 triệu tấn nước sẽ được lọc để loại bỏ hầu hết các đồng vị nhưng vẫn chứa dấu vết của triti, một đồng vị của hydro khó tách khỏi nước, trong một kế hoạch được các nhà quản lý coi là an toàn nhưng đã gây ra lo ngại đối với một số các quốc đảo Thái Bình Dương.
Tân Thủ Tướng Trung Quốc Lý Cường, Nhân Vật Thân Tín Với Ông Tập
- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay một trong những nhân vật thân tín nhất của ông Tập Cận Bình, ông Lý Cường (Li Qiang), 63 tuổi, được Quốc hội Trung Quốc bầu vào chức vụ Thủ tướng. Trong cuộc bỏ phiếu sáng 11/3/2023, nguyên Bí thư Thượng Hải được 2.936 phiếu ủng hộ, 3 phiếu chống và 8 đại biểu Quốc hội Trung Quốc bỏ phiếu trắng.
Hãng tin Pháp AFP nhắc lại ông Lý Cường là ứng viên duy nhất vào chức vụ Thủ tướng được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề cử để thay thế Thủ tướng Lý Khắc Cường.
Sinh năm 1959 tại Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang, tân Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tốt nghiệp Đại học Nông Nghiệp Chiết Giang. Đây cũng là nơi ông xây dựng một phần lớn sự nghiệp và trở thành nhân vật thân tín với Bí thư tỉnh ủy Chiết Giang Tập Cận Bình. Lý Cường được giới quan sát quốc tế xem là thuộc thành phần "phái Chiết Giang" chung quanh ông Tập.
Ngay từ Đại Hội Đảng Cộng sản Trung Quốc tháng 10/2022, ông Lý Cường đã là ứng viên làm lu mờ hết tất cả những đối thủ khác để thay thế Thủ tướng mãn nhiệm Lý Khắc Cường, bất chấp quyết định tai hại phong tỏa thành phố Thượng Hải trong nhiều tuần lễ. Ở cương vị Bí thư thành phố Thượng Hải, Lý Cường áp dụng chính sách zero-Covid, làm tê liệt lá phổi kinh tế, công nghiệp và tài chánh của Trung Quốc với 25 triệu dân này.
Richard McGregor thuộc viện nghiên cứu Úc Ðại Lợi Lowy Institut tại Sydney đánh giá trường hợp của ông Lý Cường "là bằng chứng rõ rệt nhất thể hiện sự trung thành với Tổng Bí thư và Chủ tịch nước Tập Cận Bình là yếu tố quan trọng hơn hết" để thăng tiến. "Khó có thể hiểu được làm sao họ Lý vươn lên được đến cương vị này nếu không nhờ quan hệ cá nhân" với ông Tập, bởi đến nay, ông này không có nhiều "kinh nghiệm ở cấp trung ương".
Thủ tướng Trung Quốc có trọng trách điều hành chính sách kinh tế vào lúc nền kinh tế thứ nhì thế giới đang gặp nhiều khó khăn. Một số nhà phân tích chờ đợi, với ông Lý Cường ở chức vụ này, kinh tế Trung Quốc có khuynh hướng "bảo thủ" và họ Lý sẽ chỉ là người thi hành ý của Tập Cận Bình.
Cũng trong cuộc biểu quyết hôm nay, Quốc hội Trung Quốc thông qua việc chỉ định ông Lưu Kim Quốc (Liu Jinguo) vào chức vụ chủ nhiệm Ủy Ban Giám Sát Quốc Gia, với trọng trách chống tham nhũng. Ông Trương Quân (Ying Yong) sẽ đứng đầu Tòa án Nhân dân Tối Cao.
Chuyển Đổi Năng Lượng: Mỹ và Liên Hiệp Âu Châu Có Thể Đàm Phán Về Nguyên Liệu Thô
- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay hôm 10/3/2023, kết thúc cuộc gặp tại Tòa Bạch Ốc, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Ủy Ban Âu Châu Ursula Von Der Leyen trong cuộc họp báo cho biết Mỹ và Liên Hiệp Âu Châu (EU) mong muốn đàm phán về một thỏa thuận về các loại nguyên liệu thô thiết yếu.
Theo nhiều nhà quan sát, chuyến công du Hoa Kỳ lần này của Chủ tịch Ủy Ban Âu Châu nhằm thảo luận về "Đạo luật Giảm Lạm phát – Inflation Reduction Act". Đây là một kế hoạch hỗ trợ chuyển đổi năng lượng to lớn do Tổng thống Biden đưa ra nhằm hậu thuẫn cho "Made in USA", thông qua các khoản ưu đãi về thuế. Liên Hiệp Âu Châu lo ngại đạo luật này đe dọa đến các lợi ích của khối.
Tuy nhiên, trên làn sóng RFI, ông Philippes Chalmin, nhà kinh tế học và chuyên gia về nguyên liệu thô nhận định rằng sự việc cho thấy rõ sự chậm trễ trong việc khai thác và sản xuất các loại nguyên liệu thô cho chuyển đổi năng lượng của Âu Châu.
"Điều rõ ràng là thông qua đạo luật IRA, Hoa Kỳ đang tìm cách khôi phục dần dần sự tự chủ của họ trong lĩnh vực nguyên liệu thô chiến lược, trong trường hợp này là ngành xe điện, đó là chất lithium. Đây là những khoảng trợ cấp trực tiếp dưới một hình thức bảo hộ mậu dịch nào đó.
Ở đây, chúng ta tìm thấy cả một kho các biện pháp mà hiện tại Âu Châu không thể nào chống lại được và nhất là khối này không có khả năng làm được điều tương đương trong tình trạng hiện nay. Trong lĩnh vực này, và đặc biệt là trên phương diện chính sách công nghiệp, Liên Hiệp Âu Châu là không có.
Thỏa thuận này liên quan đến việc tiếp cận các loại nguyên liệu thô khoáng sản. Hoa Kỳ có nhiều phương tiện để hành động và hành động nhanh, trong khi Liên Hiệp Âu Châu có một sự chậm chạp và tiếp tục tin vào những ưu điểm của tự do thương mại".
Để trấn an nỗi lo, Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Ủy ban Âu Châu trong thông cáo báo chí, cam kết "bắt tay vào đàm phán ngay lập tức" nhằm đạt thỏa thuận có mục tiêu về "kim loại chiến lược" cho quá trình chuyển đổi năng lượng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét