TÌNH CHA THƯƠNG YÊU CON CAO VÚT NHƯ NÚI THÁI SƠN VÀ TÌNH MẸ THƯƠNG YÊU CON SÂU THẲM NHƯ LÒNG ĐẠI DƯƠNG
Trên thế gian này, người ta so sánh tình cha thương yêu con cao vút như núi thái sơn và tình mẹ thương yêu con sâu thẳm như lòng đại dương, mà thường được gọi vắn tắt trong hai câu: Tình Phụ Tử và Tình Mẫu Tử.
Cha Mẹ yêu thương con cái thật là linh thiêng cao quí nhất, mà trên đời này sẽ không có tình yêu thương nào cao quí cho bằng Tình Phụ Tử và Tình Mẫu Tử. Chính vì ý nghĩa cao trọng duy nhất này, mà người đời thường ví von câu:
Cha mẹ thương con như trời như biển, con thương cha mẹ con đếm từng ngày.
Note: hình trong bài là minh họa
Quốc Gia Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ cứ hàng năm, toàn thể đồng bào trong nước Hoa Kỳ đã phải dành riêng một ngày đặc biệt trong tháng 5, được gọi là Ngày Hiền Mẫu (Mother’s Day) để cho con cháu tình nguyện tụ họp mặt gia đình lại với nhau, với mục đích nhắc nhở các con cháu hãy nhớ đến ông bà cha mẹ trong dịp này, ngõ hầu tỏ bầy lòng hiếu thảo với mẹ mình, đã phải hy sinh chịu đựng biết bao nhiêu sự vất vả, mang nặng đẻ đau hài nhi 9 tháng 10 ngày trong cung lòng mẹ để sinh ra mình và…
Cùng thể hiện chung một ý nghĩa cao trọng của các con đối với người cha, mỗi năm vào tháng 6, đồng bào Hoa Kỳ cũng dành riêng một ngày đặc biệt, được gọi là ngày Hiền Phụ (Father’s Day), cũng để cho con cháu tụ họp mặt gia đình lại với nhau, bầy tỏ lòng hiếu thảo với ông bà và cha mẹ mình.
Mặc dầu người cha không phải phải mang nặng đẻ đau 9 tháng 10 ngày như người mẹ sinh con, nhưng người cha cũng phải làm việc vất vả ngày đêm, để cùng chung sức sát cánh với người mẹ, góp công, góp sức, góp của để cùng nhau dưỡng dục con cái, cho tới khí chúng khôn lớn trưởng thành ngoài xã hội.
Sau đây, tác giả xin đan cử một số trường hợp rất thương tâm, điển hình cho tình phụ tử và mẫu tử từ Việt Nam trước năm 1975, cho đến sau khi vượt đại dương để được phép tị nạn cộng sản tại miền đất tự do dân chủ Hoa Kỳ này.
Một trường hợp điển hình trong thời chiến tranh Quân Lực VNCH chống quân xâm lăng cộng sản xâm chiếm Miền Nam, người cha phải lên đường tòng quân, cầm súng đánh đuổi quân thù đang cố tình xâm chiếm Miền Nam VN, để lại nhà người vợ trẻ với đứa con còn nhỏ dại 4 tuổi, thường xuyên khóc đòi gặp mặt cha vì lâu ngày không được thấy mặt cha, nên một hôm người mẹ quyết định vì không dằn được cơn xúc động, thấy con khóc hoài, dỗ mãi con không chịu im tiếng khóc, người mẹ liền ãm đứa con trên tay, đáp xe đò đến tiền đồn thăm chồng đang đóng quân tại đây, cách nhà ở 120 cây số và chị cùng con chị vừa tới nơi được khoảng 15 phút, bất thình lình tiền đồn bị cộng quân pháo kích vào như sấm sét, người cha vội ôm chặt đứa con vào lòng, nằm đè lên thân thể đứa con, để tránh cho mảnh đạn không trúng vào đứa con mình, thế là người cha bị trúng mảnh đạn pháo kích ghim vào đầu, chết trên thân thể đứa con và người mẹ cũng bị trúng đạn, chết liền ngay tại chỗ bên xác chồng, chỉ còn lại đứa bé sống sót là nhờ tấm thân to lớn của người cha bao phủ đứa con, nên sinh mạng của đứa con được an toàn.
Một trường hợp thương tâm khác cũng xẩy ra trong thời chiến tranh VNCH chống quân cộng sản xâm lăng Miền Nam, trên đường di tản các gia đình chiến binh, chạy trốn cộng sản từ tỉnh Quảng Trị về tỉnh Thừa Thiên, chiếc xe quân xa này chở đầy những gia đình vợ con của các chiến sĩ QLVNCH, đang phải cầm súng chiến đấu ngoài vĩ tuyết 17 tại tỉnh Đông Hà, để ngăn chặn cộng quân, không cho cộng quân xâm nhập vào tỉnh Quảng Trị. Chiếc xe quân xa này chạy được 2 phần 3 đường, gần tới tỉnh Thừa Thiên thì bị trúng mìn cộng sản gài bên lề đường, làm chiếc xe quân xa nổ tung lên, gây tử vong cho một số các bà mẹ cùng trẻ nhỏ và nhiều người bị thương, trong số những người bị trọng thương, được trực thăng QLVNCH cấp cứu trở ngay các vào bệnh viện Thừa Thiên, trong đó có một bà mẹ mang bầu được hơn 8 tháng và được bác sĩ cho bà biết là tình trạng giải phẫu thương tích của bà chỉ có thể cứu được một mạng sống, bà hay con bà mà thôi.
Bà liền trả lời cho bác sĩ biết bà muốn con bà được cứu sống, để sau này nó lớn lên, nó sẽ được gặp mặt cha nó và để biết cha của nó là ai? Cuối cùng đứa con trong bụng mẹ đã được bác sĩ cứu sống, làm theo đúng như lời yêu cầu của người mẹ, trước khi người mẹ tình nguyện tự mình chọn cái chết cho mình vì thương yêu con.
Do đó không có tình yêu thương nào cao cả hơn tình mẫu tử, là mẹ thương yêu con vô bờ bến trên cõi đời này. Nói tới đây, có thể có một số độc giả cho rằng, tác giả bài viết này thiếu thái độ vô tư, hơi thiên vị về phái nữ, vì họ thấy có những trường hợp xẩy ra tại Hoa Kỳ, nhất là đàn bà Mỹ, trung tuổi cũng có mà trẻ tuổi cũng có, bỏ chồng bỏ con đi theo trai tơ thiếu gì. Nhưng đó là nói theo sự nhận xét bề ngoài, về một số trường hợp thuộc thế hệ trẻ, chỉ biết tôn thờ chủ nghĩa cá nhân, thấy thích thì ở nhưng nếu không thích thì đường ai người đó đi, không luyến tiếc không thương tiếc và cũng không cần tìm một giải pháp hòa giải hay xây dựng nào cho đôi bên.
Trên thực tế, dù cặp vợ chồng trung tuổi hay trẻ tuổi thuộc gốc Á Châu nói chung hoặc gốc người Việt Nam nói riêng, tình phụ tử hay tình mẫu tử bao giờ cũng mang nhiều ưu điểm đáng đề cao. Ngoại trừ chỉ có một số ít trường hợp mẹ bỏ con thơ ra đi, để chạy theo tiếng gọi của tình yêu mới. Trường hợp này rất hiếm khi xẩy ra và theo môn tâm lý học, vì bản tính lăng loàng tình dục của người con gái, đã tiềm ẩn sẵn trong lòng từ lúc còn ở tuổi dậy thì, cho đến khi được thoát khởi vòng kiểm tỏa khắt khe của cha mẹ để đi lấy chồng, thì đây chính là thời điểm bộc phát tiềm ẩn đó một cách mạnh mẽ nhất và nếu người chồng không thể đáp ứng sự thỏa mãn nhu cầu sinh lý đòi hỏi của người vợ, thì trong trường hợp này, nếu người vợ ngoại tình với một một người đàn ông nào khác, mà người chồng không làm thỏa mãn nhu cầu tình dục của người vợ, thì cho dù người vợ có con còn nhỏ tuổi thế mấy đi chăng nữa, người vợ vẫn nhẫn tâm từ bỏ con bỏ chồng, để đi theo tiếng gọi của tình yêu mới.
Trường hợp như thế rất hiếm thấy xẩy ra ở quê nhà Việt Nam trước năm 1975. Nhưng sang tới Hoa Kỳ, vì tập tục nam nữ bình quyền, tự do luyến ái ở đây giữa người nam và người nữ được coi là chuyện tình cảm riêng tư của con người, không ai có quyền phê phán hay lên án chuyện riêng tư của người khác. Ngày xưa ở Hoa Kỳ, nếu có hành động ngoại tình sẽ bị coi là phạm tội tiểu hình, có thể vừa bị phạt vạ lại vừa bị tù ở nữa; nhưng ngày nay hầu hết các tiểu bang không còn coi hành động ngoại tình là một tội phạm nữa, mà chỉ có thể dùng nó như một bằng cớ xác đáng, để dành quyền nuôi dưỡng con cái dưới tuổi vị thành niên và tiền trợ cấp nuôi dưỡng con cái mà thôi.
Do đó, nếu về vấn đề vợ bỏ chồng bỏ con còn thơ dại để đi theo trai, thì dư luận quần chúng cũng chỉ coi là chuyện bình thường như những câu chuyện xã hội bình thường khác. Sau 26 năm liên tục tôi phụ trách giảng dậy môn mục vụ gia đình, cho các lớp dự bị hôn nhân tại 2 Nhà Thờ Việt Nam, tôi được biết từ những cặp trẻ tuổi ly dị nhau, cả hai phía đều cho tôi biết đa số nguyên nhân chính trong vụ ly dị, đều bắt nguồn từ vấn đề sinh lý đối với người đàn ông nhiều hơn là đối với người đàn bà. Lẽ dĩ nhiên nếu ở Việt Nam, vấn đề này rất hiếm thấy xẩy ra trong nữ giới, mà chỉ thấy xẩy ra trong nam giới. Vì phong tục ở Việt Nam rất khắt khe, lên án những người đàn bà nào đã có chồng, có con mà dám bỏ chồng bỏ con đi theo trai, là một điều sỉ nhục cho gia đình họ nhà gái và ngay cả cha mẹ bên nhà gái cùng không chấp nhận cho con mình trở về với gia đình, cho dù con mình bỏ chồng vì lỗi của người chồng gây ra, chứ đừng nói chi dám bỏ cả con thơ dại để đi theo trai, thì là một hành động làm xấu hổ cho họ nhà gái, mà còn bị dư luận quần chúng lên án là một hành động vô luân thường đạo lý trong xã hội Việt Nam thời trước năm 1975.
Trở lại nội dung chính của đề tài ngày hôm nay, chúng tôi xin kể lại dưới đây một câu chuyện về tình mẫu tử của một người mẹ VN, thương yêu con vô bờ bến, làm cho nhân viên trong Ban Quản Đốc trại tù từ tiểu bang đến liêng bang đều phải ngạc nhiên, về hành động thương yêu con của bà Hai, mặc dầu người con trai bà đã trên gấp đôi tuổi vị thành niên và bị bắt quả tang, về tội cất giấu trong người và trong xe hơi hơn 1 ký bạch phiến, và bị truy tố ra tòa về tội phạm đại hình. Tuy thế bà vẫn không tỏ ra một lời nào oán trách con trai bà, là tại sao con lại làm bậy để làm khổ mẹ, phải bỏ nhà từ Houston về đây săn sóc con, mà bà chỉ biết than thân trách phận, cho rằng tại người ta dụ dỗ con bà làm bậy, chứ bà không thấy con bà già cái đầu rồi ai mà dụ dỗ nổi.
Anh tội phạm này là đứa con trai duy nhất của bà Hai, nay anh ta đã 45 tuổi, còn độc thân, bị lãnh án 20 năm tù ở về tội buôn bán cần sa ma túy, nhưng anh ta đang trong tình trạng đệ đơn kháng cáo lên tòa trên để xin giảm án và còn đang chờ kết quả quyết định kháng cáo của toà trên. Bà Hai từ Houston đến Oklahoma City để thăm nuôi con trai. Theo luật lệ của trại tạm giam (Jail) ở đây chỉ cho phép bà được thăm thân nhân mỗi tuần 1 lần, mỗi lần được nói chuyện 30 phút qua ống điện thoại và chỉ nhìn thấy mặt nhau qua cửa kính.
Vì tôi là tuyên úy của trại tạm giam này, tôi xin cho bà mỗi tuần được phép thăm con 2 lần, mỗi lần 1 tiếng đồng hồ và trong suốt 6 tháng bà Hai chờ kết quả vụ kháng án của con bà, tôi đã tìm cho bà một chỗ để share phòng tạm trú với một gia đình VN ở đây, để đỡ một phần nào tốn phí hàng tháng cho bà. Sau khi đơn xin kháng cáo của bị cáo bị bác và tòa trên đã phán quyết y án như tòa dưới, bị cáo được chuyển về trại tù liên bang (Federal prison) cách Oklahoma City lái xe hơn một tiếng. Ở đây đương sự được thăm viếng trực tiếp mỗi tuần 2 ngày, mỗi ngày 6 tiếng. Cứ như thế, thêm 6 tháng nữa, mỗi tuần 2 ngày, bà vẫn tiếp tục lái xe đến trại tù liên bang thăm nuôi con 6 tiếng liền, rồi mới trở về lại Oklahoma City. Ở trại tù liên bang này, bà được phép gặp mặt và nói chuyện trực tiếp với con trai của bà suốt 6 tiếng đồng hồ, khác với trại tạm giam (jail) vì tất cả các tù nhân bị tạm giam giữ, đều phải chờ ngày trình diện phiên tòa xử, nên các thân nhân không được quyền gặp mặt hay nói chuyện trực tiếp, ngoại trừ các luật sư và các tuyên úy trại tù.
Một vài tháng sau, nhất là vào mùa đông thời tiết băng giá, đường trơn trượt, rất nguy hiểm cho bà phải lái xe đến trại tù thăm con, trong khi bà đã trên 62 tuổi rồi, nên bà có nhờ tôi làm đơn xin cho con trai bà được chuyển đổi về trại tù liên bang ở Houston, vì nơi đây bà đã có nhà riêng và bà sẽ quay trở lại nấu ăn cho một nhà hàng ở đây, mà trước kia bà đã từng nấu ăn cho họ. Thế là một tháng sau con bà được chuyển về Houston và bà đến từ giã tôi để về Houston cho thuận tiện việc thăm nuôi con trong tù.
Xin nhắc lại sự việc như tôi đã nói ở phần trên, là nhân viên làm việc ở trại tạm giam cùng như ở trại tù rất ngạc nhiên, vì thấy bà không bao giờ vắng mặt một ngày nào mà bà được phép vào thăm con trai bà trong tù. Thân nhân của tù nhân Mỹ, ít khi nào họ vào thăm thường xuyên, như thân nhân tù nhân Việt Nam vào thăm thường xuyên thân nhân của họ ở trong tù.
* Lý do thứ nhất là người Mỹ muốn cho thân nhân của họ phải có thời gian yên tĩnh ở trong tù, để suy nghĩ lại những hành động phạm pháp của mình và để chuẩn bị cho tâm hồn ăn năn sám hối về những điều mình đã làm sai quấy.
* Lý do thứ hai để tập luyện cho tù nhân một tinh thần sống tự lập, không ỷ lại vào người thân bên ngoài lo mọi chuyện cho mình, để rồi tính nào tật ấy, vẫn cứ tiếp tục làm bậy, lỡ có bị bắt trở lại nhà tù thì đã có người thân lo liệu đóng tiền thế chân cho mình được tại ngoại hầu tra.
Nói đúng ra, tập tục văn hóa nào cùng có cái hay cái dở của nó, chỉ khác biệt nhau ở chỗ, là dở nhiều hay ít hoặc hay nhiều dở ít.
Không có tập tục nào được coi là hoàn hảo cả. Nhưng chỉ biết là những tù nhân Việt Nam dù phạm tội nặng hay nhẹ đến đâu đi chăng nữa, vẫn là lúc người thân trong gia đình thương xót nhất và cũng chính nhờ vào lòng thương xót của thân nhân, mà chính tác giả đã chứng kiến tận mắt, nghe tận tai về những người cựu tù nhân nào hoàn lương, rất thành công trong xã hội Hoa Kỳ, đã có người trở thành Mục Sư, giáo sư, bác sĩ tâm lý, luật gia v.v. Lẽ dĩ nhiên không phải tất cả những cựu tù nhân nào hoàn lương cũng thành công trong sự nghiệp, nhưng nếu họ không thành công trong sự nghiệp, thì họ cũng thành nhân.
Phó Tế Nguyễn Mạnh San Cựu Phụ Tá Trưởng Phòng Tố Tụng Tòa Án Liên Bang Hoa Kỳ Oklahoma City, Oklahoma.
PT. Nguyễn Mạnh San
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét