Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen (P), thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida (G) và chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel tại dinh thủ tướng ở Tokyo, Nhật Bản ngày 12/05/2022. REUTERS - POOL Thanh Hà Liên Hiệp Châu Âu và Nhật Bản, hôm nay, 12/05/2022, họp hội nghị thượng đỉnh lần thứ 28 tại Tokyo. Thông cáo chung kết thúc cuộc họp nhấn mạnh, hai bên « quan ngại sâu sắc » về tình hình ở Biển Đông và Hoa Đông. An ninh, kinh tế là những hồ sơ nổi bật trong cuộc họp thượng đỉnh song phương, giữa chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula Von der Leyen, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel và thủ tướng Nhật Bản, Fumio Kishida.
<!>
Trong cuộc họp báo chung, lãnh đạo Ủy Ban Châu Âu, Von der Leyen nói đến tầm mức quan trọng của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và những căng thẳng trong khu vực này, trong đó bao gồm từ đe dọa hạt nhân Bắc Triều Tiên đến tình hình tại eo biển Đài Loan. Nhưng nổi bật nhất là hai đoạn trong văn bản này dành cho khu vực Biển Đông và Hoa Đông, trong đó có an ninh của quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Tránh nêu đích danh Trung Quốc nhưng Bruxelles và Tokyo « mạnh mẽ phản đối mọi hành vi đơn phương thay đổi quy chế hiện hành » tại các vùng Biển Đông và Hoa Đông, đến mối « quan ngại sâu sắc trước những báo cáo về những hoạt động quân sự, về những động thái hù dọa, uy hiếp » đang diễn ra ở Biển Đông, bởi các hành vi đó dẫn đến « căng thẳng và có nguy cơ đe dọa ổn định khu vực, đe dọa luật pháp quốc tế ».
Liên Âu và Nhật Bản nhấn mạnh đến tầm mức quan trọng của việc tôn trọng luật pháp quốc tế, Công Ước Quốc Tế về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS) để giải quyết những bất đồng về chủ quyền biển đảo.
Về nhân quyền Tokyo và Bruxelles mong muốn trao đổi thêm với Trung Quốc trên các vấn đề từ an ninh đến kinh tế, chính trị, kể cả các vấn đề « Hồng Kông và nhân quyền tại Tân Cương »
Liên quan đến thời sự Ukraina, thông cáo chung của Liên Hiệp Châu Âu và Nhật Bản cam kết hợp tác chặt chẽ để có cùng một tiếng nói với nước Nga. Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, Ursula von der Leyen thậm chí còn cho rằng qua việc khởi động chiến tranh Ukraina, Matxcơva cho thấy nước Nga hiện tại là « mối đe dọa trực tiếp lớn nhất đối với trật tự thế giới ». Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida giải thích thêm chiến tranh Ukraina không chỉ thách thức châu Âu mà còn đang làm chao đảo trật tự thế giới, kể cả tại châu Á và đó là « điều không thể chấp nhận được ».
Anh Quốc ký Hiệp định phòng thủ chung với Thụy Điển và Phần Lan
Thủ tướng Anh Boris Johnson (T) bắt tay tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto sau khi hai bên ký hiệp ước tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh ở Helsinki, Phần Lan ngày 11/05/2022. REUTERS - POOL
Thanh Hà
Nhân chuyến công du Thụy Điển và Phần Lan, ngày hôm qua, 11/05/2022, thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết đã ký với hai nước này Hiệp ước phòng thủ chung, cho phép các bên hỗ trợ nhau trong trường hợp một trong ba thành viên bị tấn công.
Thông báo được đưa ra ba ngày trước khi Phần Lan chính thức quyết định về việc có xin gia nhập Liên Minh Bắc Đại Tây Dương –NATO hay không.
Riêng đối với Anh Quốc, thỏa thuận này cho phép thủ tướng Boris Johnson làm « một công đôi việc » như giải thích của thông tín viên RFI từ Luân Đôn, Emeline Vin
« Thông báo này nằm trong khuôn khổ chiến lược Global Britain của vương quốc Anh cho phép Luân Đôn giữ vai trò trung tâm trên bàn cờ ngoại giao. Kể từ đầu cuộc chiến tranh Ukraina, thủ tướng Boris Johnson đã có hàng loạt những thông báo, các chuyến công du và những bài diễn văn liên quan đến hồ sơ này. Đây là cách để chứng minh rằng, sau Brexit, tuy đã ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu nhưng vương quốc Anh vẫn là một cường quốc quan trọng của thế giới.
Đúng là thông cáo hôm qua liên quan đến vấn đề về an ninh và việc có kết nạp Thụy Điển, Phần Lan hay không vào Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO chứ không liên quan đến Liên Hiệp Châu Âu. Dù vậy, sự kiện này cho phép đánh lạc hướng sự chú ý trong giai đoạn căng thẳng giữa Luân Đôn với Bruxelles do các bất đồng về thương mại. Hơn nữa, về đối nội, thủ tướng Boris Johnson muốn chứng tỏ là một thủ lĩnh quân đội và làm quên đi thất bại chính trị của đảng Bảo Thủ sau cuộc bầu cử cấp địa phương hồi tuần trước.
Chưa có nhiều thông tin về mối quan hệ đối tác này và đó chỉ là một sự nhắc lại lời hứa đưa ra hồi tháng Ba, lúc khởi động cuộc tập trận của Lực lượng viễn chinh chung.
Phần Lan và Thụy Điển là thành viên của liên minh phòng thủ chung Bắc Âu, do Anh Quốc dẫn dầu ; liên minh này được thành lập từ 2014 cùng với 8 thành viên khác của NATO ».
Chiến tranh Ukraina: Phe ly khai ở Kherson sẽ yêu cầu sáp nhập vùng này vào Nga
Biểu tình phản đối Nga xâm lược Ukraina, ở tỉnh Kherson, Ukraina ngày 13/03/2022. via REUTERS - VIDEO OBTAINED BY REUTERS
Trọng Thành
Ý đồ của Nga muốn sáp nhập thêm nhiều vùng lãnh thổ Ukraina ngày càng rõ. Ngoài bán đảo Crimée và khu vực miền đông Donbass, Matxcơva có chủ trương sáp nhập thêm tỉnh miền nam Kherson của Ukraina trong năm nay. Quan chức một chính quyền địa phương, do các lực lượng ly khai thân Nga dựng lên, thông báo sẽ sớm yêu cầu Matxcơva ra quyết định về vấn đề này.
Hãng tin Pháp AFP dẫn lời Kirill Stremooussov, phó chỉ huy ủy ban quân quản thành phố Kherson, cho biết « sẽ có một yêu cầu (gửi đến tổng thống Nga) để sáp nhập hoàn toàn vùng Kherson vào lãnh thổ Liên bang Nga ». Theo viên chỉ huy này, « cơ sở pháp lý sẽ sẵn sàng trước cuối năm nay », và vùng Kherson sẽ không tổ chức trưng cầu dân ý, bởi cộng đồng quốc tế trước đó cũng đã không công nhận cuộc trưng cầu dân ý về việc sáp nhập bán đảo Crimée vào nước Nga năm 2014.
Ngay sau tuyên bố nói trên của viên chỉ huy ly khai, trên Twitter, ông Mykhaïlo Podoliak – cố vấn của tổng thống Ukraina - khẳng định « quân đội Ukraina sẽ giải phóng Kherson, bất kể quân chiếm đóng có giở trò chơi chữ gì đi chăng nữa ». Trong thông điệp nói trên, cố vấn của tổng thống Ukraina cũng dùng từ « gauleiter », một từ tiếng Đức chỉ quan chức hành chính cấp địa phương thời chế độ Quốc Xã trước đây, để nói về các thành phần ly khai thân Nga.
Tuyên bố của quan chức ly khai thân Nga ở Kherson được đưa ra trong lúc lãnh đạo cơ quan tình báo quốc gia Mỹ DNI Avril Haines vừa báo động hôm thứ Ba 10/5, về việc tổng thống Nga đang chuẩn bị cho một cuộc xung đột kéo dài tại Ukraina, với « nhiều mục tiêu ngoài khu vực Donbass ».
Tỉnh Kherson – là một trong 24 tỉnh của Ukraina – nằm ở vị trí chiến lược, phía bắc bán đảo Crimée, và án ngữ con đường đi từ miền đông tới thành phố cảng miền tây nam Odessa. Thủ phủ tỉnh Kherson cách Odessa hơn 150 km. Cho đến nay, Kherson được coi là thành phố quan trọng duy nhất mà quân đội Nga tuyên bố kiểm soát được hoàn toàn, trong hai tháng rưỡi chiến tranh tại Ukraina. Thứ Sáu tuần trước, ông Andreï Tourtchak - một quan chức cao cấp của Quốc Hội Nga, tổng thư ký đảng cầm quyền Nước Nga Thống Nhất – trong chuyến đi tới Kherson, khẳng định Nga sẽ hiện diện « vĩnh viễn » tại miền nam Ukraina.
Chiến tranh Ukraina : Xét xử quân nhân Nga đầu tiên vì tội ác chiến tranh
Lãnh đạo cơ quan công tố Ukraina, thông báo hôm qua, 11/05/2022, binh sĩ Nga Vadim Shishimarin, 21 tuổi, sẽ bị xét xử vì tội ác chiến tranh ở Ukraina. Đây là phiên tòa đầu tiên về tội danh này, kể từ khi Nga xâm lược Ukraina ngày 24/02/2022. Vadim Shishimarin, hiện bị giam giữ, phải đối mặt với án tù chung thân, nếu bị kết tội « tội ác chiến tranh » và « giết người có chủ đích ». Hiện có hơn 10.700 cáo buộc « tội ác chiến tranh » liên quan đến 622 nghi phạm đã được báo cáo lên văn phòng cơ quan công tố Ukraina.
Thượng Viện Mỹ bác dự luật bảo vệ quyền phá thai do phe Dân Chủ đệ trình
Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris chủ trì cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện ở điện Capitol, Washington DC, Hoa Kỳ ngày 11/05/2022. US Senate TV via REUTERS - POOL
Trọng Thành
Hôm qua, 11/05/2022, Thượng Viện Hoa Kỳ đã bỏ phiếu bác bỏ dự luật bảo vệ quyền phá thai. Đảng Dân Chủ biết chắc dự luật sẽ không có đủ đa số 60 phiếu ở Thượng Viện để được thông qua, nhưng vẫn thúc đẩy việc bỏ phiếu.
Dự luật nói trên được phe Dân Chủ trình ra Thượng Viện trong bối cảnh quyền phá thai của người Mỹ, có từ nửa thế kỷ nay, có nguy cơ bị hủy bỏ. Tối Cao Pháp Viện – do phe bảo thủ chiếm đa số – có khả năng ra phán quyết vào tháng 7 tới. Đầu tháng 5/2022 này, sau khi thông tin nói trên được tiết lộ, đông đảo người dân Mỹ đã xuống đường phản đối tại nhiều thành phố lớn. Về lý do đảng Dân Chủ quyết trình dự luật dù biết chắc thất bại, thông tín viên Guillaume Naudin từ Washington giải thích:
Đảng Dân Chủ vốn đã biết họ không có đủ đa số 60 phiếu để thông qua được dự luật này. Nhưng với việc đưa dự luật này ra bỏ phiếu, phe Dân Chủ nhắm đến hai mục tiêu cùng lúc. Trước hết, họ muốn người dân Mỹ hiểu rằng phe Dân Chủ đang đấu tranh để bảo vệ quyền của phụ nữ được quyết định về những gì liên quan đến sức khỏe và cơ thể của họ.
Mục tiêu thứ hai là để làm rõ lập trường của mỗi thượng nghị sĩ về vấn đề này. Năm mươi thượng nghị sĩ đảng Cộng Hòa tại Thượng viện đã bỏ phiếu chống. Lãnh đạo của họ, ông Mitch McConnell, giải thích rằng mục tiêu của đảng Dân Chủ là ‘‘sử dụng quyền phá thai như một thứ lợi lộc để ban phát theo yêu cầu’’. Bên cạnh đó, phe đa số, nếu có thể gọi như vậy, cũng đã không nhất trí ủng hộ dự luật này. Thượng nghị sĩ cánh trung đảng Dân Chủ Joe Manchin, bang Tây Virginia, người từng làm thất bại nhiều dự luật của đảng Dân Chủ, đã bỏ phiếu chống cùng với các thượng nghị sĩ Cộng Hòa. Ông Joe Manchin vốn là người có lập trường phản đối quyền phá thai.
Các dân biểu, từng bỏ phiếu cho dự thảo luật tại Hạ Viện trước đó (hồi tháng 9/2021), đã đến chứng kiến cuộc bỏ phiếu tại Thượng Viện. Khi rời khỏi hội trường, họ hô vang các khẩu hiệu ủng hộ quyền phá thai. Các lãnh đạo phe Dân Chủ, đứng đầu là phó tổng thống Kamala Harris, đang muốn đưa vấn đề này trở thành một trọng tâm của cuộc bầu cử Quốc Hội giữa kỳ, vào tháng 11 với. Họ kêu gọi cử tri Mỹ bầu cho các thượng nghị sĩ và dân biểu nào ủng hộ quyền được tự nguyện chấm dứt mang thai, như quan điểm của đa số người Mỹ, theo các thăm dò dư luận.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét