Điều khó khăn cho tôi trong dự tính bước đi một bước nữa là sợ bị lợi dụng. Tôi sợ đàn ông đến với tôi không vì tình mà vì quyền lợi của họ. Góa chồng vào tuổi 45 quả là một điều bất hạnh. Tôi không còn trẻ để nhờ cậy vào nhan sắc. Nhan sắc không phải tôi không có nhưng tôi sợ cái có đó không bền. Hình như càng lớn tuổi thời gian đi càng nhanh. Châu, đứa con gái duy nhất của tôi đã lập gia đình và ra ở riêng. Tương lai của hai vợ chồng chúng nó được bảo đảm với nghề dược sĩ của Châu và nghề kỷ sư của chồng nó. Yên tâm về phần con cái, tôi chỉ còn lo cho tôi. Chồng tôi thình lình qua đời sau một cơn đau tim mặc dù anh mới 53 tuổi. Có lẽ anh quá lao lực và bị căng thẳng trong nghề nghiệp của anh.
<!>
Chồng tôi là một y sĩ gây mê. Anh trực gác liên miên ở nhà thương. Có lần anh than thở với tôi rằng nghề của anh phải đi sớm về muộn, phải vào bệnh viện sớm để sửa soạn cho bệnh nhân ngủ và chỉ về sau khi bệnh nhân tỉnh dậy mà không bị biến chứng.
Tôi là một người vợ chỉ biết sống cho chồng, cho con. Có một chút thì giờ rảnh rỗi, tôi làm đại lý cho một hảng du lịch, bán vé máy bay ăn huê hồng. Một cách cho qua thì giờ, thêm có chút tiền túi. Chồng chết, con ra ở riêng, còn lại một mình tôi trong căn nhà 5 phòng ngủ, tọa trong một khu sang trọng của thành phố.
Sau một năm gậm nhấm nỗi cô đơn, khi sự phiền muộn theo thời gian có phần nào vơi đi, tôi lấy lại được bình tỉnh, phân tích hiện tại và suy nghĩ về một hướng đi cho tương lai mình. Tôi không còn ở cái tuổi nôn nả tình yêu hay rạo rực thể xác. Nó chưa mất nhưng nó cần được khơi dậy. Người đàn ông tôi cần vẫn là một người đàn ông có chiều sâu như chồng tôi. Trước tiên, tôi cần sự cảm thông, sau đó thì cho nhau chút gì còn lại của tuổi trẻ. Đến với tôi phải là một người đàn ông hoàn toàn tự do, tuy giàu nghèo đối với tôi không phải là một vấn đề. Phân tích xong nhu cầu của mình, tôi thấy tình hình không khó mà cũng không dễ. Không khó vì điều kiện của tôi không quá đáng; không dễ vì đàn ông hợp với lứa tuổi của tôi mà còn tự do e đếm được trên đầu ngón tay trong cái thành phố không quá ba chục ngàn người Việt cư ngụ nầy. Mà khi có, chắc gì họ là người đang chờ đợi ở tôi giống những gì tôi đang chờ đợi ở họ? Tìm kiếm thì tôi vẫn tìm kiếm nhưng gặp được hay không tôi tin ở số trời.
Khi chồng tôi còn sống, chúng tôi hay tham dự những buổi tiệc có văn nghệ khiêu vũ tại tư gia của bạn hữu. Chúng tôi thích nhảy, dù không nhảy giỏi và thường chúng tôi nhảy với nhau. Thỉnh thoảng bạn bè cũng lôi chồng tôi ra sàn nhảy với những điệu disco hay twist, anh cũng lúc lắc cặp giò, ngoáy mông, trước tiếng vỗ tay cổ võ của bạn hữu vì chồng tôi là người nổi tiếng nghiêm nghị, nhưng là một vẻ nghiệm nghị được quí mến vì anh rất nhã nhặn. Trong hai vợ chồng, tôi là người xã giao bặt thiệp hơn anh. Sau khi chồng tôi mất được sáu tháng, nể vài cặp bạn thân, tôi tham dự mấy buổi họp mặt.
Nhưng sau đó tôi quyết định né tránh. Tôi phải né tránh vì dường như mọi sự có vẻ thay đổi. Trong những buổi họp mặt có đôi có cặp, người đàn bà một mình như tôi, trở nên lạc lỏng. Những người vợ, bây giờ có vẻ như không muốn chồng họ mời tôi nhảy và một số ông chồng trở nên ngập ngừng trong cách cư xử với tôi. Tôi tự nhiên trở nên một thành phần bị để ý. Mặc dù từ trước tôi vẫn được xem là một người đàn bà bặt thiệp nhưng đứng đắn. Góa chồng, sự đứng đắn của tôi bị thử thách, sự bặt thiệp của tôi trở nên một đe dọa.
Cả môn thể thao mà tôi thích là golf, bây giờ tôi cũng thôi chơi. Thôi là vì đám bạn đàn ông của tôi ngày trước trở nên săn đón hơn, đó là điều tôi vừa sợ vừa không muốn vì ông nào cũng có vợ. Tôi có cảm tưởng đàn ông có vợ hay không có vợ, trước một người đàn bà có nhan sắc và một mình, đều không phải là những người mù. Họ đều có mắt để nhìn và cái nhìn nào cũng muốn chiếm cảm tình dù cảm tình đó không biết sẽ đi đến đâu, có thể càng xa càng tốt. Cái nhẫn cưới nơi tay họ, khi cần tiến tới họ sẽ tháo gở hoặc coi như một cái bùa hộ mệnh khi cần rút lui. Bởi thế, bước đi một bước nữa, tìm được một người đàn ông ở vào lứa tuổi 45 như tôi, dù có nhan sắc, dù giàu có, không phải là một việc đơn giản mà phải nói là một chuyện rủi may.
Tôi không phải loại đàn bà cần đàn ông đến độ phải la cà các hộp đêm để tìm kiếm những gặp gỡ mang lại thú vui chốc lát. Tôi chọn những nơi chốn thanh lịch hơn. Đi nghe hòa nhạc hay những buổi trình diễn của ca sĩ ngoại quốc danh tiếng. Xuất hiện những nơi chốn đó, tôi đưa cái tôi sang cả nhất của tôi ra. Trang phục đắt tiền hợp thời trang, xe Mercèdes. Ở đó tôi gặp Hiến, một luật sư. Anh nói anh vừa ly dị vợ.
Hiến xấp xỉ tuổi tôi. Tôi nhận xét gì về Hiến sau hai lần đi ăn tối với anh? Anh có vẻ chú ý nhiều về những gì tôi đang có hơn là những gì tôi đang cần. Anh mau mắn đề nghị tiến tới sống chung. Tôi thấy Hiến là một người đàn ông lanh lợi, cái lanh lợi hình như dành hết chỗ cho sự thành thực. Tôi thấy rõ anh không đến với tôi vì tình yêu. Phần tôi, cũng may tôi không bị hoa mắt trước cái vẻ hào hoa của Hiến.
Châu, con gái tôi bắt đầu lo lắng cho cuộc sống đơn chiếc của tôi. Mấy hôm trước sinh nhật của tôi, nó gọi điện thoại mời tôi đi ăn tối với nó. Nó nói :
- Chỉ có hai mẹ con mình thôi.
Tôi vui vẻ nhận lời. Mỗi khi Châu mời tôi và nói “chỉ có hai mẹ con mình thôi” là tôi biết nó có ý muốn hỏi ý kiến hay tâm sự gì với tôi. Trong tiệm ăn, ngồi đối diện với Châu, nhìn ánh mắt yêu đời của nó, tôi biết con tôi đang hạnh phúc. Tôi mừng thầm cho con tôi. Trong khi uống cà phê Châu hỏi tôi giọng buồn buồn:
- Mẹ tính ở vậy hoài sao? Mẹ có biết là mẹ còn trẻ không?
Tôi âu yếm đặt tay mình lên tay con:
- Mẹ cũng đang tìm kiếm đây. Ngặt một điều mẹ chưa thấy ai bằng ba con cả.
- Con sợ mẹ sẽ cô đơn hoài nếu mẹ chờ đợi một người đàn ông như ba.
Đến phiên tôi buồn bả:
- Mẹ đâu đòi hỏi phải bằng ba con. Nhưng ít nhất tim mẹ phải có chút rung động. Chắc con cũng biết, tìm cho ra một người đàn ông mà tim mình rung động vì họ, và tim họ cũng rung động vì mình, ở vào lứa tuổi của mẹ, không phải dễ.
- Mẹ có đòi hỏi người đàn ông phải là một người có nghề nghiệp tương đương với nghề của ba không?
- Không nhất thiết, nhưng cần có kiến thức.
- Mẹ có đòi hỏi người đàn ông phải giàu có không ?
- Không nhất thiết, nhưng không thể là một người đàn ông ăn không ngồi rồi.
Tôi có cảm tưởng con tôi là nhân viên của một văn phòng xe duyên đang thăm dò ý kiến của tôi. Tôi nhìn nó hiền từ hỏi:
- Chắc con có ý định giới thiệu mẹ cho một ông nào ?
Châu cười úp mở:
- Có mà không.
- Sao lạ vậy con ?
- Có là vì con thấy một người mà con nghĩ có thể hợp với mẹ, không là vì con không quen ông ấy.
Tôi cười:
- Con không quen ông ấy thì làm sao con giới thiệu cho mẹ?
- Con thấy để mẹ tìm hiểu. Nếu mẹ đi cái siêu thị gần Condo của tụi con ở vào trưa thứ bảy khoảng 12 giờ, mẹ sẽ thấy ông ấy ngồi trong chiếc xe Toyota Tercel màu xanh nhạt, đậu ở parking. Ông ấy vừa ăn trưa vừa đọc sách.
Tôi ngạc nhiên nhìn Châu:
- Con nghĩ gì mà có ý định khuyên mẹ tìm cách làm quen một người đàn ông khá kỳ cục? Hết chỗ ăn trưa lại ngồi trong xe mà ăn trưa?
- Con cũng không hiểu nữa. Mấy tuần nay con có cảm tưởng mỗi trưa thứ bảy ông đến đó như để chờ gặp ai. Lạ lắm. Nhưng điều khiến con chú ý là cuốn sách ông cầm trong tay. Lúc nào cũng chỉ có một cuốn sách ấy. Cuốn Nhà Tiên Tri của Khalil Gibran, cuốn sách con biết mẹ rất thích vì có lần mẹ nói với con mẹ đọc đi đọc lại cuốn sách đó bao nhiêu lần mà vẫn không thấy chán. Cho nên khi thấy ông ấy ngồi trong xe với cuốn sách đó, tự nhiên con nghĩ đến mẹ. Con đoán ông ấy cũng cỡ tuổi ba, khuôn mặt xương xương, người cũng mảnh khảnh như ba nữa.
Trên đường lái xe về nhà, nghĩ đến chuyện Châu đề nghị tôi tìm hiểu người đàn ông ăn trưa trong xe, tôi vừa cảm động vừa buồn cười. Cảm động vì sự lo lắng của con gái tôi dành cho tôi, buồn cười vì ý muốn ngộ nghỉnh của nó. Nó quên mất người đàn ông kia có thể đã có gia đình. Duy có cuốn sách làm tôi phân vân. Người thích nội dung cuốn Nhà Tiên Tri ắt phải có tâm hồn giống tôi. Và sự tò mò đã lấn lướt.
Tôi nhận ra dễ dàng chiếc Toyota Tercel màu xanh nhạt còn mới ngay giữa bãi đậu của siêu thị. Hai bên chiếc Tercel chỗ đậu còn trống. Tôi lái chiếc Pontiac màu ve chai cũ kĩ của tôi, đậu phía bên trái chiếc Tercel. Trời tháng sáu nắng đẹp và nóng. Tôi ăn mặc bình thường như một người đi chợ. Một chiếc quần tây màu đen, một chiếc sơ mi mỏng tay dài màu vàng nhạt. Tôi cố ý để cuốn Nhà Tiên Tri của tôi nằm phía trên hộp đựng găng tay. Nếu chú ý, người ngồi ở phía tay lái ở xe bên kia có thể thấy được cuốn sách. Tôi mở cửa xe, đeo cái xắc tay lên vai, đóng cửa xe, rồi mặt nhìn thẳng phía trước làm như không để ý đến người chung quanh, bước thong thả vào siêu thị.
Châu cho tôi biết đối tượng tôi đang tìm hiểu vừa ăn trưa vừa đọc sách chừng một tiếng là đi. Tôi sẽ ở trong siêu thị, đi loanh quanh, mua lặt vặt sao cho hết một tiếng đồng hồ mới trở ra xe. Tôi suy luận, nếu đối tượng của tôi nhìn thấy cuốn Nhà Tiên Tri của tôi, tôi cũng sẽ trở nên đối tượng tìm hiểu của ông ta và chắc chắn ông ta sẽ chờ tôi. Tôi tự dặn lòng lúc trở ra sẽ quan sát kỹ người đàn ông và nếu thấy đúng là mẩu người tôi có thể có cảm tình tôi sẽ sẵn sàng tạo điều kiện cho một sự làm quen.
Rời siêu thị, bước chân tôi bỗng dưng chậm lại, tim tôi đập mạnh vì chiếc Tercel màu xanh vẫn còn nằm ở bãi đậu và hơn thế nữa, người đàn ông đứng tựa cửa xe mình, tay cầm một cuốn sách có vẻ như đang chờ ai. Tôi có thể nghĩ mà không sợ lầm ông ta đứng chờ tôi. Tôi hết sức làm ra vẻ tự nhiên, tiếp tục bước. Tôi thấy người đàn ông rời chỗ đứng đi vòng phía sau xe tôi tiến về phía tôi. Tôi nhìn ông nghiêm trang nhưng tươi tỉnh. Đúng như Châu đã tả, người ông dong dỏng cao, khuôn mặt chữ điền xương xương, mang kính cận. Mái tóc rậm lấm tấm muối tiêu với một mảng xỏa xuống trán. Ông có dáng dấp của một nghệ sĩ hay của một ông giáo sư dạy văn chương hay triết. Tự nhiên tôi mỉm cười với ông ta. Người đàn ông tiến lại gần tôi cúi đầu chào:
- Xin lỗi bà, bà có phải là bà Mai Hương?
Tôi ngạc nhiên đến nghẹn thở:
- Vâng, phải. Nhưng thưa... làm sao ông biết tên tôi?
- Dạ, Hạnh nói với tôi. Hạnh nói với tôi: “anh hãy đến siêu thị nầy vào mỗi trưa thứ bảy, thế nào anh cũng gặp một người đàn bà có cuốn Nhà Tiên Tri như anh. Bà ấy tên Mai Hương.” Tôi đến đây đã ba lần, lần thứ tư nầy thì gặp được người mang cuốn Nhà Tiên Tri. Hạnh đã tiên đoán đúng.
Thoáng nghĩ đầu tiên của tôi là con gái tôi đã dàn dựng nên cảnh gặp gỡ nầy. Tôi nghĩ nó đã cho người đàn ông nầy biết trước tên tôi, biết tên cuốn sách tôi thích đọc và có thể nó đã dấu tên thật của nó mà lấy tên Hạnh. Tôi hỏi chận đầu người đàn ông :
- Có phải cô Minh Châu đã cho ông biết tên tôi?
Đến lượt người đàn ông ngơ ngác:
- Thưa bà cô Minh Châu nào? Tôi không được biết, tôi chỉ biết Hạnh cho tôi biết tên bà.
- Hạnh nào thưa ông? Tôi không quen biết một ai tên Hạnh cả.
Chừng như đoán được vẻ ngại ngùng trong câu hỏi của tôi, giọng người đàn ông trở nên trấn an:
- Vâng, bà không thể biết Hạnh. Hạnh đã mất cách đây 25 năm. Nhưng cách đây gần hai tháng Hạnh đã báo mộng cho tôi trước cuộc gặp gỡ.
Chúng tôi ngồi trong một quán nước mặt hướng ra bờ sông. Nắng bên ngoài gay gắt, nhưng gió từ mặt sông thổi lên làm dịu mát da mặt. Tóc tôi phất phơ bay, tóc của người đàn ông cũng lòa xòa trên trán. Ông không buồn đưa tay vuốt, mắt xa xăm nhìn ra mặt nước lao xao những gợn sóng. Tôi có cảm tưởng ông đang tập trung tư tưởng, sắp xếp lại dĩ vãng để trình bày với tôi câu chuyện báo mộng của người đàn bà tên Hạnh, một câu chuyện kỳ bí khiến tôi tò mò đến bạo dạn nhận lời mời của ông đến ngồi uống nước ở quán nầy để nghe tiếp câu chuyện, dĩ nhiên sau khi tôi đã cân nhắc, đánh giá sự chân thật của ông.
- Thưa bà, tôi tên Chung. Người đàn bà tên Hạnh, cách đây 25 năm là người yêu của tôi. Chúng tôi là mối tình đầu của nhau. Chúng tôi là cặp tình nhân thuộc loại cấp tiến thời đó. Chúng tôi quan niệm rất rộng rãi về quan hệ luyến ái. Nói trắng ra là chúng tôi đã gần gũi nhau trước khi nghĩ đến hôn nhân. Cả Hạnh và tôi đều say mê cuốn Nhà Tiên Tri của Khalil Gibran. Hôm báo mộng Hạnh nói với tôi: “Gặp bà Mai Hương anh hãy đọc cho bà nghe đoạn văn mà chúng mình thích. Em biết bà Mai Hương cũng thích đoạn văn đó”.
Tôi xin tạm ngừng kể để đọc cho bà nghe đoạn văn mà chúng tôi thích, xem có đúng với đoạn văn mà bà cũng thích không. Đó là đoạn nhà tiên tri nói về hôn nhân: “Các ngươi hãy yêu thương nhau nhưng đừng biến tình yêu thành một chướng ngại cho nhau. Hãy để tình yêu như một vùng biển động giữa đôi bờ tâm hồn các ngươi. Kẻ nầy hãy rót đầy ly kẻ kia nhưng chớ bao giờ uống chung một cốc. Hãy chia nhau phần ăn nhưng chớ bao giờ ăn chung một mẩu bánh. Hãy cho nhau trái tim mình nhưng đừng trở nên kẻ canh giữ tim nhau.
Tôi xanh mặt. Đúng là đoạn văn tôi thường mang ra đọc cho chồng tôi nghe. Chúng tôi rất hợp ý về triết lý hạnh phúc lứa đôi mà Khalil Gibran nêu lên. Không những chỉ hợp ý mà chúng tôi đã sống theo lời Khalil Gibran khuyên. Chúng tôi chia xẻ cho nhau tròn đầy nhưng mỗi chúng tôi vẫn là một cá thể riêng biệt. Chúng tôi cho nhau trái tim mình nhưng không bao giờ canh giữ trái tim nhau. Chúng tôi tin tưởng nhau tuyệt đối. Chúng tôi đã đạt được hạnh phúc tròn vẹn trong chia xẻ và niềm tin. Bởi thế sự ra đi đột ngột của chồng tôi làm tôi mất thăng bằng tâm thể đến tột độ.
Khi tôi nói với con tôi, tôi chưa gặp được ai như cha nó, không hoàn toàn có nghĩa là tôi chưa gặp được người đàn ông nào khác có địa vị như chồng tôi mà còn bao hàm ý nghĩa chưa gặp được người chia xẻ cái quan niệm hạnh phúc lứa đôi như chúng tôi từng chia xẻ với nhau. Cho nên tôi bàng hoàng trước đoạn văn trích dẫn của người đàn ông tên Chung.
- Tình yêu của Hạnh và tôi gặp trở ngại lớn. Nhà tôi nghèo, nhà Hạnh giàu. Khi biết Hạnh yêu tôi, gia đình nàng cấm cản kịch liệt, nhất là cha nàng, một viên chức lớn trong chính quyền thời bây giờ, nghiêm khắc và độc đoán. Bị ngăn cấm liên lạc với tôi, Hạnh đi tìm cái chết, không một lời báo trước, bằng một liều thuốc ngủ cực mạnh. Hạnh được chôn cất vội vã và bí mật, không một lời cáo phó trên báo. Cha Hạnh coi nàng là một vết nhơ của gia đình. Nhưng Hạnh đã trở thành một viên ngọc quí trong tâm hồn tôi. Từ đó đến nay tôi sống một mình nhưng chưa bao giờ tôi cảm thấy cô đơn, chưa bao giờ tôi cảm thấy cần một người đàn bà cho đời sống mình vì lúc nào tôi cũng cảm thấy có Hạnh bên cạnh.
- Tôi muốn đi về.
Ông Chung đứng lên theo.
- Nếu bà không ngại, tôi xin đưa bà đi xem mặt Hạnh.
Thật tình tôi cảm thấy ngài ngại nhưng không hiểu sao tôi không thốt ra được lời từ chối. Hai bàn chân tôi như có một ma lực nào đó nhấc từng bước bắt tôi bước theo chân người đàn ông. Khi xe ông Chung rời bãi đậu, tôi liếc nhìn ông thì lạ lùng sao tôi bắt gặp ánh mắt và nụ cười rất hiền y hệt như của chồng tôi.
Ông Chung cư ngụ trong một khu condo đắt tiền. Cổng vào có người gác, một thang máy dành riêng cho hai condo, có đường hầm nối liền các condo đến một tiểu siêu thị. Tôi thắc mắc ông Chung làm nghề gì mà có khả năng tài chánh để có thể mua cái condo sang trọng nầy. Condo của ông Chung ở tầng thứ mười. Tôi biết ở xứ lạnh, condo ở tầng càng cao giá càng đắt vì có được cái nhìn bao quát và hưởng được nhiều ánh mặt trời. Ông Chung mời tôi ngồi ở phòng khách. Bộ xa lông bằng da màu nâu sẫm còn thơm mùi da mới. Ông pha mời tôi một ly nước suối rồi ngồi xuống chiếc ghế bành đối diện. Ông nói như để giải bày:
- Chắc bà ngạc nhiên về đời sống vật chất của tôi. Những gì tôi có hiện nay đều là của Hạnh. Khi Hạnh chết, cha mẹ nàng đã bí mật giấu trong quan tài nàng một hộp vàng và kim cương coi như là một nơi giấu của kín đáo. Cha mẹ nàng bị thảm sát trong Tết Mậu Thân 68. Mộ nàng sau đó bị để hoang phế. Hạnh báo mộng cho tôi biết về kho tàng giấu trong quan tài và bảo tôi gấp gấp đi bốc mộ nàng.
Tôi đã rời miền Nam bằng phi cơ quân sự Hoa Kỳ, một tuần trước khi miền Nam mất năm 75. Bà muốn biết hiện tôi làm nghề gì? Một nghề bình thường thôi. Giáo sư dạy toán cho một trường trung học. Một ông giáo dạy trung học thì đi xe Toyota Tercel là phải rồi. Đó là tất cả cuộc đời tôi cho đến giờ phút này. Bà là người đàn bà đầu tiên tôi mời lên chỗ ở của tôi. Vì Hạnh muốn như thế. Về phía bà tôi có thể được biết gì không ?
- Tôi góa chồng được hơn một năm nay. Minh Châu, con gái tôi, là người đã gián tiếp giới thiệu ông cho tôi. Con tôi biết cuốn sách gối đầu giường của tôi là cuốn Nhà Tiên Tri. Nhà nó ở gần cái siêu thị nên khi thấy ông đến đó đậu xe ăn trưa với cuốn Nhà Tiên Tri bên cạnh, nó lấy làm lạ nên nói cho tôi hay. Thú thật tôi cũng tò mò muốn biết ông là ai mà cũng thích đọc cuốn Nhà Tiên Tri như tôi. Về nghề nghiệp, tôi làm đại lý cho một hảng du lịch bán vé máy bay ăn huê hồng, một nghề tay trái làm cho vui. Nghề chính của tôi là nội trợ lo cho chồng cho con. Nay chồng mất, con đã có gia đình, nên tôi coi như đang thất nghiệp.
Ông Chung nhìn tôi với ánh mắt trìu mến:
- Tôi nghĩ tất cả đều do Hạnh sắp đặt. Tôi nghĩ Hạnh có cảm tình với bà.
Tôi nghe lành lạnh ở sống lưng, khi nghĩ hồn người chết tên Hạnh có thể nhập vào tôi. Không biết sau đó tôi có còn là tôi nữa hay không? Tôi sẽ yêu người đàn ông tên Chung kia bằng thể xác và tâm hồn tôi hay người đàn bà tên Hạnh sẽ mượn thể xác tôi để yêu người tình cũ của mình?
- Bây giờ xin mời bà xem hình của Hạnh.
Tôi cảm thấy rờn rợn muốn thối lui. Nhưng khi bắt gặp cái nhìn bao bọc của ông Chung tôi thấy an tâm. Tôi đứng lên theo ông đi vào một phòng ngủ nhỏ. Trong phòng chỉ vỏn vẹn một chiếc giường đơn, phủ ra mền màu xanh nhạt. Trên đầu giường, hình một thiếu nữ chụp bán thân được lồng kính trong một khung gỗ cũng sơn màu xanh nhạt. Tôi hơi giật mình vì người trong hình tuy rất trẻ nhưng có nét hao hao giống tôi, nhất là nụ cười. Tôi nói khẻ với ông Chung:
- Chị ấy có nụ cười rất tươi.
Ông Chung cũng chăm chú nhìn bức hình rồi thì thầm:
- Hạnh không cười khi chụp bức hình nầy.
Tôi lạ lùng nhìn kỹ bức hình một lần nữa, rõ ràng người trong hình đang nhìn tôi cười. Tôi nghe tay chân mình lạnh toát.
- Xin mời bà ra ngoài hiên ngồi uống nước ngắm trăng. Hôm nay trăng trung tuần rất tròn.
Tôi ngồi xuống chiếc ghế mây nhìn vừng trăng tròn chưa lên cao còn thấp thoáng trong rặng thông. Bầu trời trong vắt đầy tinh tú lấp lánh. Ông Chung bưng ra một cái khay trên có hai ly nước cam và một đĩa bánh bông lan. Ông đặt khay trên cái bàn con ngăn đôi hai cái ghế, rồi ngồi xuống chiếc ghế mây bên cạnh. Tôi không ăn bánh chỉ uống từng ngụm nước cam. Ông Chung lên tiếng trước, giọng trầm trầm:
- Bà thấy Hạnh cười với bà, tôi nghĩ Hạnh đã chọn bà.
- Nghĩa là chị ấy sẽ nhập vào tôi?
- Có thể.
- Lúc ấy tôi sẽ ra sao?
- Tôi nghĩ một trong hai trường hợp nầy có thể xảy ra: Hoặc hồn Hạnh nhập vào bà, bà sẽ là Hạnh, bà sẽ đối xử với tôi như Hạnh đã đối xử với tôi ngày trước. Hoặc Hạnh xem như đã kiếm được cho tôi một người xứng đáng thế chỗ của Hạnh và Hạnh sẽ rời bỏ thế gian này để đi vào cõi vĩnh hằng. Chúng ta hãy chờ xem. Bà có đói không? Tôi sẽ đi làm bánh mì thịt nguội. Đó là món ăn thường xuyên của Hạnh và tôi, thời chúng tôi kín đáo gặp nhau, nằm bên nhau nhai bánh mì trên căn gác trọ của tôi.
Tôi không đói lắm nhưng cũng không từ chối đề nghị của ông Chung. Tôi đang chìm trong bầu không khí huyền bí bao quanh. Tôi vừa bị lôi cuốn, vừa sợ. Nhưng vẻ trầm tỉnh của ông Chung khiến tôi phần nào an dạ. Tôi có cảm tưởng ông cố ý giữ một khoảng cách giữa ông và tôi, tôi có cảm tưởng như ông đang chờ đợi một sự việc gì sắp xảy ra.
Ông Chung bưng ra một đĩa đựng hai ổ bánh mì thịt, mỗi ổ được cắt đôi. Nghe ông mời tôi tự nhiên thấy đói. Tôi cầm nửa ổ bánh mì đưa lên miệng cắn một miếng. Ổ bánh mì tỏa ra một mùi thơm thoang thoảng như mùi hương dạ lý làm tâm trí tôi lâng lâng. Giọng ông Chung lại trầm trầm bên tai tôi:
- Mỗi đêm khi có trăng tròn tôi hay ra ngồi đây một mình. Cứ mỗi lần trăng lên cao tỏa ánh sáng vào cửa sổ của phòng Hạnh, người tôi lúc đó như mê đi và tôi thấy Hạnh hiện ra trò chuyện với tôi. Nàng tiên đoán những gì sắp xảy ra cho tôi và hướng dẫn tôi cách ứng xử. Hôm nay tôi tin sẽ xảy ra một sự việc khác thường, không những liên quan đến tôi mà liên quan đến cả bà, nhưng tôi linh cảm là một biến đổi tốt.
Tôi ăn hết nửa ổ bánh mì thì vừng trăng tròn lên cao tỏa ánh sáng mờ dịu vào cửa sổ phòng của Hạnh. Tôi thấy ông Chung ngả đầu vào thành ghế, mắt nhắm nghiền như một người đang bị thôi miên.
Bỗng một vệt sáng dài thoát ra từ cửa sổ phòng Hạnh, xẹt qua đầu tôi, rồi như một ánh sao băng vun vút bay lên. Tôi mở lớn mắt theo dõi cho đến khi không còn phân biệt được đâu là vệt sáng đâu là ánh sao trên bầu trời. Tôi quay mặt nhìn sang ông Chung. Ông tỉnh lại không biết từ lúc nào, ngồi im ngắm tôi với nụ cười hiền hậu. Tôi nhìn ông, bỗng thấy đối diện với mình là một khuôn mặt thân thương quen thuộc như từ lâu đời. Tôi đưa tay qua nắm tay ông:
- Đi vào đi anh, em lạnh.
Bước ngang qua phòng Hạnh, chúng tôi ghé mắt nhìn vào. Bức hình treo trên đầu giường biến mất. Ông Chung mắt ngấn lệ, tay nắm chặt tay tôi, miệng thì thầm: “Cám ơn Hạnh!”
Trang Châu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét