Binh sĩ Ukraine bên cạnh xe tải chở một lô tên lửa Javelin do Mỹ chuyển giao
“Mỹ cần cung cấp cho Ukraine mọi biện pháp hỗ trợ quân sự và viện trợ nhân đạo trong khả năng”, nghị sĩ Mary Gay Scanlon thuộc đảng Dân chủ cho hay. Quốc hội Mỹ thông qua đạo luật để hồi sinh chương trình từng được áp dụng trong Thế chiến II, nhằm đơn giản hóa viện trợ quân sự cho Ukraine. Hạ viện Mỹ hôm qua phê chuẩn Dự luật Cho vay – Cho thuê Phòng vệ Dân chủ Ukraine 2022 với 417 phiếu ủng hộ và 10 phiếu chống, ba tuần sau khi dự luật này được Thượng viện Mỹ nhất trí thông qua. Dự luật sẽ được gửi đến Nhà Trắng để Tổng thống Mỹ Joe Biden ký thành luật.
<!>
Dự luật sẽ hồi sinh chương trình viện trợ Cho vay – Cho thuê từ thời Thế chiến II, trong đó cho phép Mỹ cho vay hoặc viện trợ khí tài quân sự đến các nước đồng minh trong thời gian ngắn nhất. Ngoài Ukraine, những nước chịu ảnh hưởng từ chiến dịch quân sự của Nga như Ba Lan và các quốc gia Đông Âu cũng được hưởng lợi từ chương trình.
Các nghị sĩ Mỹ tỏ ý hy vọng dự luật sẽ giúp Washington nhanh chóng cung cấp khí tài cho những nước đối tác mà không cần thông qua thủ tục hành chính rườm rà. “Mỹ cần cung cấp cho Ukraine mọi biện pháp hỗ trợ quân sự và viện trợ nhân đạo trong khả năng”, nghị sĩ Mary Gay Scanlon thuộc đảng Dân chủ cho hay.
Điều khoản dự luật cho phép Mỹ sớm cung cấp trang thiết bị quân sự cho Ukraine, chỉ kèm điều kiện Kiev phải hoàn trả hiện vật hoặc tiền trong tương lai. “Chúng ta cần bảo đảm Ukraine có đầy đủ nguồn lực cần thiết để bảo vệ chủ quyền”, thượng nghị sĩ John Cornyn, người đề xuất dự luật tại Thượng viện Mỹ, nói.
Dự luật được Hạ viện Mỹ thông qua cùng ngày Tổng thống Biden đề xuất quốc hội phê chuẩn các khoản viện trợ cho Ukraine với tổng trị giá 33 tỷ USD, trong đó hơn 20 tỷ USD vũ khí, đạn dược và hỗ trợ quân sự.
Đạo luật Lend-Lease được Tổng thống Franklin D. Roosevelt ký ngày 11/3/1941, đánh dấu thời điểm Mỹ tham gia Thế chiến II, và kết thúc ngày 29/9/1945.
Các mặt hàng được Mỹ viện trợ cho phe Đồng minh trong giai đoạn này gồm tàu chiến, máy bay, xe tăng, phương tiện cơ giới, trang thiết bị quân sự, thực phẩm và dầu mỏ. Điều khoản đạo luật quy định khí tài quân sự phải được sử dụng cho đến khi trả lại hoặc bị tiêu hủy. Trên thực tế, sau Thế chiến II, chỉ có một số tàu chiến được hoàn trả cho Mỹ, hầu hết vũ khí đã bị phá hủy trong chiến tranh.
Các khoản viện trợ về cơ bản là miễn phí, đổi lại Mỹ được quyền thuê và sử dụng nhiều căn cứ lục quân, hải quân trên lãnh thổ các nước phe Đồng minh trong Thế chiến II. Mỹ đã viện trợ số vật tư trị giá 50,1 tỷ USD, tương đương 575 tỷ năm 2019, chiếm 17% tổng chi tiêu chiến tranh của nước này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét