Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 10 tháng 5, 2022

Mẹ qua thơ nhạc - hoa tâm tư


(*) Muốn nghe nhạc, xin Ctrl-clic vào các tựa hiển thị có gạch dưới
Mẹ là nguồn cảm hứng bất tận trong giới văn nghệ sĩ từ xưa tới nay, tiêu biểu nhứt là trong thơ và nhạc:
Những vần thơ cho Mẹ,
Trải dài mấy sông trăng,
Những vần thơ cho Mẹ,
Trong tim con thường hằng.
(Sông trăng tình Mẹ -Tuệ Nga)
Tùy cảm hứng của mỗi người, hình ảnh người mẹ thể hiện thật đa dạng và phong phú, mẹ thường được ví như giòng suối ngọt ngào, như nước trong nguồn chảy ra, nhưng nhiều khi cũng có những câu ví rất lạ, mẹ là lọn mía ngọt ngào, mẹ là nãi chuối buồng cao, là ánh mắt đêm thâu, …nghĩ dầu có diễn dịch hay thế mấy chắc cũng không bằng mặc cho tưởng tượng thăng hoa, từ những hình ảnh người mẹ còn in đậm từ thuở ấu thơ (ru con) đến các cảnh mẹ con bắt buộc phải ly cách như con gái phải về nhà chồng, con trai phải lên đường nhập ngũ tòng chinh hay đơn giản là con cái lớn phải lìa xa tổ ấm lập nghiệp xứ xa, mỗi người con mỗi nỗi niềm khác nhau khi lìa xa mẹ, và dĩ nhiên nỗi đau khổ tột cùng là mất mẹ.
<!>
Hình ảnh tiêu biểu về người Mẹ cũng chiếm một vị trí trang trọng trong các tôn giáo, đạo Thiên Chúa có Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, đạo Phật có Đức Đại Bi Quán Thế Âm, cả hai đều mang ý nghĩa về mặt tâm linh là sẵn sàng mở rộng vòng tay cứu giúp mọi người cần đến khi gặp nguy biến, niềm tin là một sức mạnh vô biên giúp nhiều người vượt qua khổ nạn, những chuyện có tin có thành không hiếm xảy ra cho số người việt nam vượt biên tìm tự do.

Cũng nên nhắc lại là ngày xưa, ít ra là từ trước giữa nửa thế kỷ trước, người mẹ dễ dàng mất mạng khi sanh con, ở thôn quê ít có nhà bảo sanh, phương tiện đi lại rất khó khăn, đâu dễ gì chở các bà mẹ chuyển bụng đến gặp các nữ hộ sanh được đào tạo đúng chuyên môn, việc sanh nở thường trông cậy vào các bà mụ vườn, gặp các trường hợp khó khăn thì tánh mạng như chỉ mành treo chuông, tỷ lệ tử vong rất cao, nỗi mang nặng đẻ đau chỉ một mình người phụ nữ gánh chịu nên chi có câu:

Đàn ông đi biển có đôi,
Đàn bà đi biển mồ côi một mình.

Khi nhìn được đứa con chào đời suông sẻ thì mọi đau khổ hầu như tan biến:

Đêm khuya trăng tà
Mẹ ru con ngủ
À à ơi ! À à ơi!
Ngoan ngoan con nhoẻn miệng cười,
Trông con mẹ tưởng như đời nở hoa.

Nhạc phẩm Ru con -Phạm Duy

từ đó không quản vô vàn khổ nhọc, chăm sóc nuôi con tới ngày lớn khôn:

Bà bà mẹ quê! Đêm sớm không nề hà chi,
Bà bà mẹ quê! Ngày tháng không ao ước gì,
Nhỏ giọt mồ hôi, vì đời trẻ vui.

Nhạc phẩm Bà mẹ quê -Phạm Duy

Với điệu nhạc êm đềm, nhạc sĩ Y Vân lại dùng nhiều biểu tượng cụ thể hóa khá trọn vẹn tấm lòng của mẹ qua nhạc phẩm Lòng Mẹ:

Lòng Mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào,
Tình Mẹ tha thiết như giòng suối hiền ngọt ngào,
Lời Mẹ êm ái như đồng lúa chiều rì rào.
Tiếng ru bên thềm trăng tà soi bóng Mẹ yêu.
Lòng Mẹ thương con như vầng trăng tròn mùa thu.
Tình Mẹ yêu mến như làn gió đùa mặt hồ.
Lời ru man mác êm như sáo diều dật dờ.
Nắng mưa sớm chiều vui cùng tiếng hát trẻ thơ.
Thương con thao thức bao đêm trường,
Con đà yên giấc Mẹ hiền vui sướng biết bao.
Thương con khuya sớm bao tháng ngày.
Lặn lội gieo neo nuôi con tới ngày lớn khôn.
Dù cho mưa gió không quản thân gầy Mẹ hiền.
Một sương hai nắng cho bạc mái đầu buồn phiền.
Ngày đêm sớm tối vui cùng con nhỏ một niềm.
Tiếng ru êm đềm mẹ hiền năm tháng triền miên.

Không ít người mẹ hy sinh hạnh phúc riêng, chồng mất sớm vẫn ở vậy nuôi con:

Tôi mồ côi cha năm hai tuổi,
Mẹ tôi thương con không lấy chồng.
Trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải,
Nuôi tôi đến ngày lớn khôn.

Thi phẩm Lời mẹ dặn của Phùng Quán.

hay:

MỘT mình mẹ chăm đàn con dại
ĐỜI phận nghèo chẳng ngại gian nan
DÃI dầu số kiếp nặng mang
NẮNG mưa sớm tối nào than nửa lời.
DẦM suốt buổi ngoài trời giá rét
SƯƠNG phủ mờ gió thét đồng xa
NUÔI con cạn sức thân già
CON thời nhỏ dại thiếu cha, mẹ gồng.

Châu Lê -Tình mẹ

hay:

Mẹ tôi tóc xanh nhuộm bạc tháng ngày
Mẹ tôi đau buồn nặng trĩu đôi vai
Bao năm nuôi đàn trẻ thơ nhỏ dại
Cầu mong con mình có một ngày mai

Mẹ tôi nắng mưa chẳng ngại nhọc nhằn
Mẹ tôi mỉm cười nhìn bóng con ngoan
Không than không phiền dù lâm hoạn nạn
Lòng tin con mình xứng thành người dân

Nhị Hà -nhạc phẩm Mẹ tôi

Nuôi con tới ngày lớn khôn để rồi nhìn các con lần lượt rời xa mái ấm gia đình như chim đủ lông đủ cánh phải lìa xa tổ:

Ly khách! Ly khách! Con đường nhỏ
Chí nhớn chưa về bàn tay không
Thì không bao giờ nói trở lại!
Ba năm mẹ già cũng đừng mong!

Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực!
Mẹ thà coi như chiếc lá bay.

Thâm Tâm –Tống biệt hành, được nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng phổ nhạc, hay qua giọng ngâm của Tô Kiều Ngân

Nhớ lại trong truyện Kiều có câu:
Liệu đem tất cỏ đáp đền ba xuân.

xuất phát từ bài thơ Du tử ngâm của Mạnh Giao đời Đường:

Từ mẫu thủ trung tuyến,
Du tử thân thượng y,
Lâm hành mật mật phùng,
Ý khủng trì trì quy
Thùy ngôn thốn thảo (tất cỏ) tâm
Báo đắc tam xuân (ba xuân) huy.

Ý nghĩa: Chiếc áo đang mặc của đứa con sắp đi xa được bà mẹ hiền chăm sóc từ đường kim mũi chỉ, người con lo ngại không biết ngày nào trở lại để đáp đền công ơn sanh dưỡng.

Cảnh tiển đưa con gái về nhà chồng, Nguyễn Bính đã lột tả tâm trạng ngổn ngang mâu thuẫn của người mẹ, bề ngoài thì tỏ ra cứng cỏi:

Gái lớn ai không phải lấy chồng,
Can gì mà khóc, nín đi không!
Nín đi, mặc áo ra chào họ
Rõ quý con tôi, các chị trông!
nhưng trong lòng thì rệu rã nát tan:
Ðưa con ra đến cửa buồng thôi,
Mẹ phải xa con, khổ mấy mươi!
Con ạ! đêm nay mình mẹ khóc,
Ðêm đêm mình mẹ lại đưa thoi.

Nguyễn Bính -Lòng mẹ

Thời xưa, phương tiện đi lại vô vàn khó khăn, phương tiện truyền thông thư tín không quá dễ dàng như bây giờ, nên mỗi lần chia tay là coi như bặt vô âm tín nên chi mới có cảnh:

Chiều chiều ra đứng ngỏ sau,

Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều.
Chiều chiều chim vịt kêu chiều…
Bâng khuâng nhớ mẹ chín chiều ruột đau.

Biết bao thi sĩ, nhạc sĩ thể hiện tâm trạng của người con nghĩ về mẹ, như Hoài Sơn trong bài thơ Lòng mẹ:

Mẹ yêu con như nước đổ trên nguồn,
Rào rạt chảy xuôi dòng không trở lại.
Lòng con trẻ hững hờ như sóng bãi,
Dạt qua bờ rồi vội rút ra khơi

Mẹ ơi!
Đất trời còn có hạn,
Mà lòng thương con của mẹ thật khôn cùng.

– Thích Tín Nghĩa trong bài thơ Mẹ tôi được Võ Tá Hân phổ nhạc:

Mẹ tôi lưng còng tuổi hạc xương mai,
Mẹ tôi kiên trì nhọc nhằn đôi vai,
Tảo tần xuôi ngược sớm hôm,
Chẳng nề vất vả gió sương.…

Tình mẹ như ngọc lưu ly, rạng ngời khắp cả thế gian,
Lung linh soi sáng tâm con đời đời.

– Hàn Mặc Tử trong thi phẩm Giang hồ nhớ mẹ:

Lưu lạc quê người mới khổ cho
Nước chảy thương thân bèo bọt nổi
Mây bay nhớ mẹ sớm hôm chờ
Thằng con bất hiếu đi đành đoạn
Trời đất vô tình lại đắn đo.

– Trần Tiến trong nhạc phẩm Mẹ Tôi:

Mẹ ơi con đã già rồi con ngồi nhớ mẹ khóc như trẻ con
Mẹ ơi con đã già rồi con ngồi ngớ ngẩn nhớ ngôi nhà xưa.

Nhưng có lẽ một nỗi nhớ mẹ khá lạ là “Nhớ lằn roi của mẹ” của Trần Kiêu Bạc:

Lớn rồi con vẫn nhớ lằn roi
Mẹ dắt con qua ngưỡng cửa đời
Roi đau im lặng con không khóc
Chỉ thấy Mẹ buồn nước mắt rơi.

Nhớ lại đòn roi, lại nhớ Người
Chợ đời trăm cảnh có gì vui
Thế nhân quất lằn roi cay nghiệt
Đâu có roi mềm như Mẹ tôi.

Phải chi lại có lằn roi Mẹ
Roi đời không quất đến tả tơi
Thèm Mẹ, thèm cây roi thơ ấu
Roi vẫn còn đây Mẹ vắng rồi.

Nhìn lên ảnh Mẹ những ngậm ngùi
Nhớ lằn roi nhẹ nhớ không nguôi
Con vẫn đi theo đường mẹ dẫn
Tạ ơn roi Mẹ giúp nên người.

Thật ra là chỉ lạ đối với tuổi trẻ hiện nay, đối với xã hội bây giờ, trái lại thì rất bình thường đối với lớp tuổi cha chú, không ít người đã bị những trận đòn răn dạy (ăn roi mây) theo khuôn nếp xưa:

Thương cho roi cho vọt,
Ghét cho ngọt cho bùi.

Dầu yêu thương thế mấy, các con rồi phải lần lượt rời xa mái ấm gia đình, con gái phải lập gia đình theo chồng, con trai nhứt là trong thời ly loạn phải sớm lên đường nhập ngũ tòng chinh, rày đây mai đó trên khắp nẻo đường đất nước, tâm trạng thể hiện trong nhạc phẩm Quê Mẹ của Thu Hồ:

Đêm khuya trăng mơ mắt trông về trong cõi xa mờ
Nơi xa xăm kia tôi say nhìn quê cũ dấu yêu
Ôi tình quê hương nới chốn xưa có người mẹ hiền
Tóc màu hoa bạc chiều chiều mắt ngấn lệ vì con.

Ra đi con dâng đời cho gió mưa
Quê người ngồi nhớ đến ngày vui qua
Gió chiều thường nhắc khúc ca biệt ly
Cố nhìn quê cũ lẩn trong sương mờ.…

Mẹ ơi ra đi đời con sá chi
Mơ ngày ngồi dưới ánh đèn lâm ly
Bên mẹ thường hát khúc ca ngày đi
Ai ngờ rồi cũng đến khúc phân ly
Mẹ ơi, Mẹ ơi, Mẹ ơi, Mẹ ơi…!

trong thi phẩm Lá thư gửi mẹ của Thái Thủy, Nguyễn Hiền phổ nhạc:

Mẹ ơi thôi đừng khóc nữa
Cho lòng già nặng sầu thương,
Con đi say tình viễn xứ
Đâu có quên tình cố hương.

Thương ngóng về quê cũ,
Gót thù gieo thảm thê,
Bầy trai thầm rơi lệ,
Súng gươm hẹn mai về.

hay trong nhạc phẩm Xuân này con không về của Trịnh Lâm Ngân:

Con biết bây giờ mẹ chờ tin con
khi thấy mai đào nở vàng bên nương
Năm trước con hẹn đầu xuân sẽ về
nay én bay đầy trước ngõ
mà tin con vẫn xa ngàn xa.

Con biết bây giờ mẹ chờ em trông
nhưng nếu con về bạn bè thương mong
bao lứa trai cùng chào xuân chiến trường
không lẽ riêng mình êm ấm
Mẹ ơi con xuân này vắng nhà
Mẹ thương con xin đợi ngày mai…

Tuy vậy lòng luôn hướng về người mẹ (trong nhạc phẩm Mùa Xuân của Mẹ):

Ngàу đi, con hứɑ xuân sɑu sẽ νề…
Mà nɑу, đã bɑo xuân rồi trôi quɑ…?
Giờ đâу tóc mẹ già chắc bạc nhiều
Ѕớm chiều νườn rɑu νườn cà
Mẹ biết nhờ cậу νào tɑу ɑi……

Hồi tưởng:

Khi xưɑ, những ngàу binh lửɑ chưɑ sɑng
Bếρ hồng quâу quần bên nhɑu…
Nghe mẹ.. kể chuуện đời xưɑ…?…

Rồi tự ước hẹn:

Mẹ ơi! Ϲon hứɑ con sẽ trở νề…!
Ɗù cho! Ɗù cho xuân đã đi quɑ…
Ɗù cho! Én từng bầу bɑу νề ngàn…
Dẫu gì rồi con cũng νề…!
Ϲhỉ bên mẹ là mùɑ xuân thôi….!!!

Đó cũng là tâm trạng của Phượng Trắng thể hiện trong bài thơ Đêm trăng nhớ Mẹ:

Đêm xuân nhìn ánh trăng hồng,
Người con xa xứ chạnh lòng nhớ quê.
Má ơi!con sẽ quay về,
Vui trong kỷ niệm hẹn thề ngày xưa…

Góp phần làm thăng hoa tình mẫu tử, dễ đi vào lòng người, phải kể đến nhiều bài bản cổ nhạc bắc nam chuyển tải sống động nỗi niềm nhớ mẹ như điệu văn Nhớ mẹ ta xưa do nghệ sĩ Đình Cương trình bày:

Ta đi trọn kiếp con người
Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru

Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa
Miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương
Trọn đời nhớ mẹ ta xưa!

hay bản vọng cổ Nhớ mẹ của soạn giả Viễn Châu qua giọng ca ngọt ngào của nghệ sĩ Thanh Sang nhứt là với mấy lời kết thật cảm động:

Năm nay con lớn khôn rồi
Trở về quê cũ mẹ thời còn đâu
Mẹ đà khuất bóng ngàn dâu
Biết ai lau hộ dòng châu thâm tình!?

Đặc biệt sau ngày miền Nam sụp đổ, với chính sách trả thù trả oán của chế độ cộng sản miền Bắc, nhiều đứa con lâm cảnh tội tù khổ sai, biệt xứ ở tận các vùng rừng sâu núi thẩm từ Nam chí Bắc, nỗi lòng được trang trải trong nhạc phẩm Nhớ mẹ của tướng Lê Minh Đảo:

Những chiều buồn trên đất Bắc, con hướng về Nam con nhớ mẹ nhiều, mẹ ơi! bao nhiêu năm tháng cứ trôi cứ trôi cho bạc mái đầu, không gian rưng rưng như sấp nứt, gió về nghẹn ngào như tiếng nấc, còn đâu quê hương hoa gấm thơm làn tóc. ..

Tôi nhớ người Bạn đồng cảnh trong trại tù ở miền thượng du sông Mã Thanh Hóa cũng là người thầy dạy hán văn, Vạn Lam trong bài thơ Mẫu hoài (nhớ mẹ):

Mỗi nhật sơn đầu vọng bạc vân,
Thần châu hồi cố bội tư thân.

Ỷ môn cực mục hoài cô tử,
Lưỡng xứ thăng sầu lệ mãn cân.

đại ý: Ngày ngày nhìn mây trắng đầu núi, nhớ về người mẹ ở Huế (Thần châu). … tựa cửa mỏi mắt trông con cách biệt đôi nơi mà lệ trào thấm khăn.

Khi được thả ra thì:

Con về xơ xác hình hài
Mẹ không khóc được như ngày cách xa!
Mẹ tôi nay đã quá già
Nước mắt đã cạn, xót xa lại đầy!… »
Nhà thơ Phương Triều – Đã Cạn

hoặc không bao giờ gặp lại mẹ hiền xưa:

Ngày mẹ đi con không hề gặp mặt
Bởi vì con đang còn ở trong tù
Con xa mẹ hai mươi hai mùa thu
Ngồi ôn lại sương mù còn đọng mắt.

Hương Việt – Nhớ mẹ

Lắm đứa thì cao chạy xa bay nơi xứ lạ quê người, ngày trùng phùng mẹ con thật là xa xăm diệu vợi như tâm trạng Võ Đình Tiên trong bài Nhớ mẹ xiết bao:

Đêm qua gió tạt mưa chan,
Mắt con đẫm lệ miên man giọt sầu
Bây giờ Mẹ ở nơi đâu?
Xin nghe được tiếng con cầu, hiển linh
Bao năm lăn lóc nhục vinh,
Trong tâm con vẫn in hình Mẹ yêu.

Quê người một mảnh trăng treo,
Ánh vàng hiu hắt, gió theo biển về.
Mẹ ơi! Nắng ấm tình quê,
Con đang lạc lõng bốn bề tuyết rơi!
Dùng dằng hai cảnh hai nơi,
Nơi con cắt rốn, nơi đời tạm dung.

-Nhớ mẹ hiền –Không rõ tác giả:

Buồn lắm mẹ ơi! Đêm trường viễn xứ,
Con nhớ nhung hoài tiếng mẹ hiền ru.
Thương mẹ lắm, giờ đây xa cách mãi,
Chuyện tao phùng biền biệt cõi thiên thu.…

Con lưu lạc nửa đời xa cách mẹ,
Như trùng dương thuyền mất dấu hải đăng.
Ôi mờ mịt giữa đêm trường cô lẻ,
Càng hải hùng chợt thấy ánh sao băng!

– Nguyễn Hữu Nhật trong tập thơ Hoa sen:

Mẹ ơi nhớ mẹ muốn về,
Cúi hôn mặt đất tái tê mỗi chiều
Tuyết trời đổ lạnh bao nhiêu
Cũng đâu buốt giá lòng nhiều bằng con.

– Trần Trung Đạo trong thi phẩm Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cườiđược Võ Tá Hân phổ nhạc:

Nhắc chiếc phone lên bỗng lặng người
Tiếng ai như tiếng lá thu rơi
Mười năm Mẹ nhỉ, mười năm lẻ
Chỉ biết âm thầm thương nhớ thôi

Tiếng Mẹ nghe như tiếng nghẹn ngào
Tiếng Người hay chỉ tiếng chiêm bao?

Ví mà tôi đổi thời gian được
Đổi cả thiên thu tiếng mẹ cười.

– Đỗ Bình – Mẹ:

Viễn xứ mây chiều vương dáng mẹ,
Mắt buồn u uẩn mấy hàng tre
Tuyết rơi tê tái hồn vong quốc,
Mẹ xá cho con tội muộn về!

– Sương Mai – Bài thơ dâng mẹ:
Chiều nhung nhớ mây buồn giăng mắc

Vọng quê nghèo ruột thắt từng cơn
Thương về bóng mẹ cô đơn
Chiều chiều tựa cửa mong con mỏi mòn
Quê hương đợi ngày về chưa thấy
Để mẹ buồn lau sậy xót xa
Mẹ ơi nước mắt chan hòa
Lời ru của mẹ ngân nga một đời
Con buồn nhớ mẹ, mẹ ơi!

– Lam Phương trong nhạc phẩm Tạ ơn mẹ:

Ðêm nay đường xa đất lạ, gió về ôm ấp biển khơi, quê hương ở tận phương trời, lời nào thương nhớ cho nguôi, những lời nồng nàn trong nôi… sẽ theo con đến cuối đời, ơn mẹ ngàn kiếp… chưa… vơi…

Đặc biệt nhà thơ tranh đấu Ngô Minh Hằng nhớ mẹ với tình nước nặng mang trong Xuân diễm mộng

Mẹ ơi, đất khách, Xuân đang đến
Lại một mùa Xuân nữa vắng nhà
Lại một mùa Xuân con khất Mẹ
Xin cho con chậm một mùa hoa
Cho con chậm lại vì con sẽ
Về với mùa Xuân của Đống Đa
Với vạn con tim ngời đuốc lửa
Với lòng dũng cảm của Ông Cha
Góp tay triệu triệu người trong nước
Lấy lại từng phân biển đất nhà
Sông núi phải đòi, dâng tổ quốc
Nam Quan, Bản Giốc, đảo Hoàng Sa.

Nhưng oái oăm thay, ngay giờ phút này, hàng trăm người dân trong nước phải vào tù chỉ vì tội công khai bày tỏ nỗi quan ngại thảm họa mất nước trước âm mưu thôn tính của Tàu như Ông Trần Huỳnh Duy Thức, Bà Trần Thị Nga, các nhà báo Phạm Chí Dũng, Phạm Đoan Trang, …, họ vì sự sống còn của dân tộc dám hy sinh cuộc sống cá nhân và gia đình, chịu cảnh xa lìa cha mẹ già, đàn con dại, tình nghĩa vợ chồng, tiêu biểu như nỗi niềm của Ông Trần Huỳnh Duy Thức trong bản nhạc Má tôi:

Má tôi tất tả một đời,
Nuôi đàn con lớn biển trời yêu thương,…

Nhớ năm nào má giả từ dương gian,
Vì đời trái ngang nên con chưa về nhà.

Má ơi má ở nơi xa,
Xin tha thứ lỗi, con bất hiếu rồi.

Nhưng luật tự nhiên không ngoại lệ, tâm trạng lo âu của người con thể hiện trong nhạc phẩm Mừng tuổi mẹ của Trần Long Ẩn:

Mỗi mùa xuân sang mẹ tôi già thêm một tuổi, mỗi mùa xuân sang ngày tôi xa mẹ càng gần. Rồi mùa xuân ấy, tóc trắng mẹ bay, như gió, như mây bay qua đời con, như gió, như mây bay qua thời gian.

Một khi cánh hạc bay xa, việc gặp lại mẹ chỉ có trong giấc mơ như Minh Đức Hoài Trinh “Mơ thấy mẹ về”:

Đêm qua mơ thấy mẹ về
Nụ cười, ánh mắt tràn trề yêu thương
Từ ngày xa cách quê hương
Là ngày mộ mẹ khói hương lạnh lùng
Sương chiều nhẹ tỏa linh lung
Nơi đây cô quạnh mịt mùng xót xa.

như Trần Kiêu Bạc –Mẹ về:

Khuya mơ màng thấy mẹ
Ngồi bật dậy, giật mình!
Mẹ gọi con rất khẽ
Mở cửa, trời buồn tênh
Thẩn thờ sau cánh cửa
Vẳng tiếng mẹ gọi con
Đèn bàn thờ không tỏ
Bạch lạp rơi nỗi buồn.

Nên những người con còn mẹ, gần mẹ phải biết trân trọng những khoảnh khắc diễm phúc trời ban như lời nhắn nhủ trong nhạc phẩm Bông hồng cài áo của Phạm Thế Mỹ:

Một bông hồng cho em, một bông hồng cho anh, và một bông Hồng cho những ai, cho những ai đang còn mẹ, đang còn mẹ để lòng vui sướng hơn. Rủi mai này mẹ hiền có mất đi,như đóa hoa không mặt trời, như trẻ thơ không nụ cười, ngỡ đời mình không lớn khôn thêm, như bầu trời thiếu ánh sao đêm


Rồi một chiều nào đó anh về nhìn mẹ yêu, nhìn thật lâu, rồi nói, nói với mẹ rằng « Mẹ ơi, mẹ ơi, mẹ có biết hay không? »
-Biết gì? « Biết là, biết là con thương Mẹ không? »

hay theo lời khuyên ngọt ngào của nhà thơ Khuyết danh trong bài Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ:

Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc,
Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không!

hầu vơi phần nào niềm hối tiếc khi mẹ khuất bóng như tâm trạng Lê Du Miên trong thi phẩm Lễ mẹ, khóc;

Thui thủi mình con giữa chợ đời
Chiều nay nhớ mẹ quá đi thôi


Bao người Lễ Mẹ mừng vui chúc
Thơ thẩn con ngồi khóc mẹ thôi.

hay nỗi lòng của Nhị Hà trong nhạc phẩm Mẹ tôi:

Nhưng nay con đã nên người thì nay còn đâu bà mẹ hiền xưa. Chiều nay đốt hương tưởng niệm trước mồ, nhìn khói đau lòng tưởng nhớ năm xưa, công ơn sinh thành ngày nao đền trả, mẹ ơi con nguyền nhớ lời mẹ khuyên.

Để kết thúc bài này, xin lặp lại lời nhà thơ Khuyết danh:

Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc,
Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không!

htt

Không có nhận xét nào: