Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 17 tháng 5, 2022

'HÀNG TRĂM NGƯỜI VIỆT TỪ UKRAINE TRÚ ẨN TRONG CHÙA BA LAN'-


Ông Tài (ngoài cùng bên phải) đã trú ẩn dưới hầm suốt 20 ngày trước khi chạy thoát sang Ba Lan.Cathy Hằng: 'HÀNG TRĂM NGƯỜI VIỆT TỪ UKRAINE TRÚ ẨN TRONG CHÙA BA LAN' Chỉ sau một đêm của ngày 24 Tháng Hai 2022, hàng triệu người dân Ukraine bỗng trở thành người tị nạn. Họ mất nhà, rời bỏ quê hương, xa người thân để tạm lánh đến vùng đất khác. Theo thống kê dữ liệu của Cao Uỷ Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR), tính đến ngày 9 Tháng Năm 2022 đã có 5,917,703 người Ukraine chạy thoát khỏi quê hương sau hai tháng chiến tranh diễn ra. Họ vượt biên giới để đến các quốc gia lân cận như Ba Lan, Hungary, Romania, Belarus. Trong đó, Ba Lan là nước đón nhiều người Ukraine tị nạn nhất – khoảng 3,234,036 người, theo UNHCR.
<!>

Warsaw Central Train Station, nơi ghi danh làm tình nguyện viên

Rất nhiều tổ chức phi chính phủ, tổ chức thiện nguyện trên thế giới chung tay hỗ trợ người dân Ukraine. World Central Kitchen (WCK) – một tổ chức nhân đạo do đầu bếp nổi tiếng người Tây Ban Nha José Andrés cùng tổ chức phi lợi nhuận của ông, đã có mặt ở Ba Lan và các quốc gia khác để cung cấp miễn phí bữa ăn cho người tị nạn Ukraine. Nhiều người dân từ khắp nơi trên thế giới đã ghi danh làm thiện nguyện viên (volunteer) cho WCK, với mong muốn đóng góp một phần nhỏ nhoi giúp người dân Ukraine trong cuộc chiến phi nghĩa của Putin.

Chính vì mỗi ngày có trăm ngàn người khắp thế giới tìm cách ghi danh làm tình nguyện viên cho WCK, trang web của tổ chức này luôn trong tình trạng “quá tải”, khó nhận được hồi âm cho những câu hỏi cần biết.

Một khu lều của World Central Kitchen.

Cathy Hằng, một bạn trẻ ở California là một trong những người đó. Tuy nhiên, cô không bỏ cuộc, mà trái lại, có một quyết định táo bạo. Cathy vừa trở về Mỹ sau hai tuần đến Ba Lan làm thiện nguyện viên cho WCK. Tại đây, mỗi ngày cô đã chứng kiến những chiếc xe bus chở người tị nạn từ biên giới Ukraine, nghe và thấy những câu chuyện tị nạn của thế kỷ 21. Trong những câu chuyện đó, có cả những gia đình Việt Nam.

Từ California, Cathy kể lại với Saigon Nhỏ về những cảm xúc, những hình ảnh đau thương cô chứng kiến trong hai tuần làm thiện nguyện viên ở “trại tị nạn” World Central Kitchen Warsaw, Ba Lan.
*****
‘World Central Kitchen ở Ba Lan thật sự là 1 trại tị nạn’

Cathy đã ghi danh để trở thành tình nguyện viên cho WCK như thế nào?

Cathy Hằng: Thật sự ghi danh rất là khó, vì họ luôn nói là đủ người rồi, hoặc phải ghi danh qua nước khác, nhưng chủ yếu là em muốn qua Ba Lan. Em gửi email, message đi rất nhiều nhưng không thấy hồi âm. Khi đến nơi (Ba Lan) em hiểu ai cũng rất bận rộn. Chiến tranh đang xảy ra, sự an toàn của người dân Ukraine là trên hết nên không có ai có thời gian trả lời.

Tình cờ em biết có một tình nguyện viên vừa về Mỹ từ Ba Lan. Họ đăng trên Facebook của WCK về hành trình của họ như thế nào. Em gửi tin nhắn cho người đó, tên là Cascade, nói là em muốn sang Ba Lan làm tình nguyện viên thì phải làm thế nào. Người này cho em biết là chỉ cần đến trạm xe lửa Warsaw Central Train Station, mình nói là muốn ghi danh thì họ sẽ cho mình vào.

Thế là em mua vé máy bay sang Ba Lan. Trước khi đi, em có hỏi Cascade là ở đâu cho an toàn. Cascade nói là ở Ba Lan rất an toàn. Em đặt Airbnb bốn ngày, dự tính là qua đó xem tình hình thế nào, nếu họ cần mình và mọi chuyện an toàn thì sẽ ở lại thêm nữa.

Khi em đến sân bay Ba Lan, tiếp theo như thế nào?

Cathy Hằng: Em đến Ba Lan rồi đón Uber đến Airbnb. Em cất hành lý rồi đi bộ đến ga xe lửa, chỉ khoảng 10 phút. Trước khi đi Cascade đã dặn em là khi đến trạm xe lửa thì đi vào bên trong, có một phòng dành cho ai muốn ghi danh làm tình nguyện viên. Em vào đó, nói mình là quốc tịch Mỹ, muốn giúp cho những người tị nạn.

Lúc tới đó, cảnh đầu tiên em thấy là rất nhiều xe bus tới chở theo người tị nạn từ biên giới Ukraine qua Ba Lan. Họ xuống xe, 90% là đàn bà và trẻ em. Vì đàn ông từ 18 đến 60 tuổi là phải ở lại chiến đấu. Sau đó, em thấy có hai cái lều, một cái của WCK, một cái dùng để đựng những vật dụng cần thiết nhu yếu phẩm để phát cho người tị nạn. Em nộp đơn volunteer. Họ hỏi em muốn volunteer cách nào, ví dụ như mình có chỗ cho người tị nạn trú ẩn không? Hay mình muốn giúp để lo về pháp lý? Trên giấy có chữ “Others”. Em chọn “Others” và em nói với họ là em muốn gia nhập WCK để phụ trong bếp. Họ chấp thuận rồi phát cho em một cái thẻ volunteer.

Thẻ tình nguyện viên WCK của Cathy Hằng.

WCK như một trại tị nạn. Trong đó có rất nhiều người tình nguyện viên đến từ khoảng 30 quốc gia khác nhau. Em gặp một người trưởng nhóm của volunteer. Anh này cũng từ California qua.

Công việc của em ở WCK là gì?

Cathy Hằng: Em lấy thức ăn cho người Ukraine. Họ đi xe bus khoảng hai ngày để đến biên giới Ba Lan. Họ rất mệt, họ chỉ muốn ăn những món ăn nóng, cho ấm bụng vì thời tiết rất lạnh. Trong WCK có thức ăn sẵn để trên bàn. Tụi em lấy và chia cho mọi người, soup hoặc cơm, bánh mì. Ngày đầu tiên thì em pha cà phê, trà cho họ.
Lúc đầu em tính ở bốn ngày, nhưng sau đó em quyết định ở lại hai tuần vì thấy mọi người cần rất nhiều sự giúp đỡ. Em thấy nhiều cảnh thê lương lắm, rất tội nghiệp, nhất là phụ nữ, trẻ em.

Không khí ở nơi đó như thế nào?

Các tình nguyện viên rất nhiệt tình, hăng hái. Những người tị nạn thì họ có hai trạng thái khác nhau, hai khuôn mặt khác nhau. Một khuôn mặt khi họ xuống xe bus thì rất là vui khi được đến Ba Lan. Một khuôn mặt khác em cảm nhận là họ có những tâm tư, u sầu vì ở đất lạ quê người, phải bắt đầu từ đầu, xa chồng xa con…Gia đình em cũng là gia đình tị nạn. Ba má em cũng từng phải bỏ quê hương ra đi, rồi sanh ra em ở Mỹ, nên em thấu hiểu tâm tư của những người Ukraine.


Em đã tự ghi danh đến một nơi xa lạ để giúp những tị nạn chiến tranh. Từ đâu em có một sức mạnh như thế để thôi thúc em thực hiện điều đó?

Qua hình ảnh truyền thông em thấy có rất nhiều phụ nữ và trẻ em bị mất nhà. Họ phải đi lánh nạn. Em cảm thương lắm, muốn làm gì đó để chia sẻ với họ là những người bất hạnh. Sức của em tới đâu, em làm tới đó.

Chùa Nhân Hoà, Ba Lan là nơi trú ẩn cho 400 người Việt tị nạn Ukraine

Theo những gì chúng ta được biết qua báo chí, rất nhiều người Việt từ Ukraine qua Ba Lan lánh nạn. Trong hai tuần ở Ba Lan, em có dịp gặp người Việt Nam không?

Cathy Hằng: Lúc đầu em rất muốn tìm gặp những người Việt Nam nhưng em không biết làm sao, nên phải nói thật sự là cái duyên. Lúc đó là ngày Chủ Nhật, em xin nghỉ một ngày của công việc thiện nguyện viên. Em đi siêu thị mua những vật phẩm cần thiết cho trại tị nạn như tã em bé, giấy, nước trái cây…

Trong siêu thị đó có quán ăn Việt Nam. Ba Lan có nhiều quán ăn Việt Nam lắm. Em hỏi chị chủ quán ở đó là gần đây có ngôi chùa Việt Nam nào không? Chị chỉ cho em đến chùa Thiên Phước ở ngoại ô của Ba Lan. Khi đến đó, em gặp hai du khách cũng là người Ba Lan, lần đầu tiên đến chùa này. Họ giáo sư ngành nhân chủng học của University of Warsaw và muốn nghiên cứu về văn hoá Việt Nam và Phật pháp. Biết em là người Việt Nam, họ hỏi em có thể đi cùng họ đến vài ngôi chùa khác và giúp họ thông dịch hay không. Em nhận lời ngay.

Cathy Hằng (thứ hai từ trái qua) và hai người bạn Ba Lan tại chùa Thiên Phước.

Sau đó, mọi người cùng đi đến chùa Nhân Hoà, là một chùa lớn. Đến nơi, gặp được thầy trong chùa và thầy cho biết là ở đây đang có người Việt Nam từ Ukraine sang tị nạn, họ đang tạm trú lên lầu.

Em xin được lên thăm thì thấy có khoảng 40 người. Trước đây có khoảng 400 người. Những người này được Thầy Thích Trung Đạt và cộng đồng Việt ở Ba Lan giúp đỡ. Em có nói chuyện với vài người Việt đang lánh nạn ở đó. Mọi người kể rằng thầy cùng với các Phật tử ở chùa ra biên giới Ukraine và Ba Lan, vẫy cờ Việt Nam, cho những đoàn người tị nạn biết đây là cộng đồng Việt. Sau đó họ được thầy đưa về chùa trú ẩn.

Trên lầu của chùa Nhân Hoà, nơi trú ẩn của những người Việt tị nạn ở Ba Lan

Tinh thần của những người Việt đó như thế nào? Họ có chia sẻ về những gì đã xảy ra ở Ukraine cũng như ý định trong tương lai của họ ra sao?

Cathy Hằng: Nghe những câu chuyện của họ rất xúc động. Họ kể lại quá trình họ vượt biên. Ngày đầu tiên thì mọi người còn e dè, chưa nói nhiều. Khi em quay trở lại lần thứ hai, dùng cơm, uống trà với mọi người thì em được nghe chuyện nhiều hơn. Lúc đầu có 400 người ở đây, phân nửa đã về Việt Nam, còn lại đang chờ các quốc gia thứ ba cho tị nạn.

Em có hỏi mọi người về quá trình họ sang Ukraine như thế nào? Họ kể với em là những năm 1980s cuộc sống ở Việt Nam còn nghèo đói lắm. Họ phải tìm đường sang Ukraine đi học, đi làm, xây dựng một tương lai mới. Rồi họ lập gia đình, sanh con. Ukraine thật sự là quê hương thứ hai của họ. Có hai câu chuyện rất thương tâm mà em được biết.

Ông Tài (ngoài cùng bên phải) đã trú ẩn dưới hầm suốt 20 ngày trước khi chạy thoát sang Ba Lan.

Đó là gia đình của anh Tài, ở Mariupol. Khi thành phố này bị đánh bom, cả gia đình ảnh phải trốn xuống một đường hầm, coi như là vô gia cư. Cả gia đình phải ở trong một cái hầm nhỏ 20 ngày, cùng với vài trăm người Ukraine khác. Hầm nhỏ và chật đến nổi mọi người phải ngồi co cụm với nhau, không thể nằm dài ra. Sau 20 ngày, anh Tài quyết định phải chạy trốn sang Ba Lan. Em hỏi anh Tài vì sao mà anh có sức mạnh để chạy trốn giữa lúc chiến tranh nguy hiểm như thế? Anh Tài nói một là gia đình chết trong hầm, hai là chết khi đi lánh nạn, ảnh thà chết trên đường đi kêu cứu hơn là chết trong hầm đó.

Sau đó, anh Tài có nhờ em dịch sang tiếng Anh lá thư của ảnh viết để nộp hồ sơ xin visa tị nạn ở Úc. Em rất xúc động khi đọc lá thư của anh Tài kể về những khủng hoảng mà ảnh và mọi người phải trải qua trong thời gian chạy trốn.

Lá thư bằng tiếng Việt của ông Tài xin chính phủ Úc chấp thuận đơn tị nạn.

Câu chuyện thứ hai là gia đình của một chị kia phải mất sáu ngày để đến biên giới Ba Lan. Trên đường đi chị bị quân lính Nga chặn lại không cho đi. Chị gặp nhiều trại lính trên đường đi và nơi nào cũng phải đưa tiền cho lính Nga thì mới qua trại được.

Em có hỏi thầy và các Phật tử cũng như những người Việt đang tị nạn ở đó có cần sự giúp đỡ nào không. Họ nói rằng ở cộng đồng Việt ở Ba Lan đã giúp cho họ rất nhiều rồi. Họ chỉ mong được quốc gia thứ ba chấp thuận để được tị nạn. Mọi người ở trong chùa đã một tháng rồi, không biết tương lai sẽ về đâu.

Chuyến đi hai tuần qua, điều gì đọng lại trong em nhiều nhất?

Cathy Hằng: Em có rất nhiều kỷ niệm, nhiều cảm xúc. Buồn cũng có, vui cũng có. Nhưng em vui nhất là thấy có nhiều người Ba Lan rất hiền, luôn giúp đỡ người khác. Họ đối với người tị nạn rất tốt. Có một chị người Ba Lan đã chở em đi đến nhiều nơi trong hai tuần đó. Chị đã giúp 150 người Ukraine tị nạn ở trong nhà của chị ấy từ khi chiến tranh xảy ra. Cứ người nào được chấp thuận sang quốc gia khác là chị lại nhận thêm người khác vào. Em còn được biết nhiều người Ba Lan khác cũng làm giống như vậy. Họ có lòng nhân ái rất lớn. Em thấy vui lắm khi biết cuộc sống còn nhiều người tốt như thế.

Cảm ơn Cathy Hằng đã kể lại chuyến đi rất ý nghĩa của em.
Ảnh trong bài: Cathy Hằng

Kalynh Ngô - Saigon Nhỏ

Không có nhận xét nào: