Một ngày cuối năm Tây Bắc, bầu trời xám, mưa nhỏ giọt, hai bàn chân lạnh, hai bàn tay ướt, tôi đi dự đám tang. Đám tang của một cụ bà 90 tuổi, cụ định cư ở Mỹ lâu năm, con cháu đông đủ, bạn bè nhiều nên đám tang tươm tất và ấm cúng. Chỉ buồn có một điều là cụ ông vẫn còn sống, nhưng không có mặt. Mặc dù sức khỏe cụ ông tốt, và đầu óc khá minh mẫn. Các con của hai cụ giấu bố, sợ báo cho bố biết, bố có thể bị sốc mà ngã bệnh. Bấy lâu nay bố ở trong Nhà Già, vì sức khỏe của bố tương đối tốt. Mẹ thì yếu quá nên ở nhà, một cô con gái độc thân chăm sóc mẹ. (Nếu cả hai cụ cùng ở nhà thì thật hơi nhiều việc cho con.) Bây giờ cụ bà mất, số đông các con quyết định không báo cho bố biết, sợ bố buồn, ngã xuống theo mẹ.
Tôi nhớ cách đây mấy năm khi dì tôi còn sống, lúc đó cụ gần chín mươi tuổi, em họ tôi chết ở Việt Nam, cả nhà giấu, tưởng là giấu được vì ở xa cả nửa trái đất. Nhưng hình như cái linh tính của người mẹ, linh tính của tình thương ruột thịt, dì tôi thỉnh thoảng hỏi con gái ở bên cạnh: “Sao lâu quá không nhận được thư của anh Tòng?” Mặc dù cô em tôi có lừa cụ bằng cách vẫn nói chuyện về anh, như là anh còn sống.
Cho đến một ngày, khi chúng tôi nói chuyện về Tòng, thì cụ không nghe nữa, cụ im lặng nhìn vào khoảng trống trước mặt, một cõi mông lung, không tham dự câu chuyện, cụ không hề hỏi thêm một tiếng. Cụ biết chúng tôi giấu cụ một điều gì đó về Tòng, một chuyện to tát và buồn, một chuyện gần như cái chết. Cụ im lặng, và cho đến khi cụ mất, cụ không được khóc con. Hoặc cụ có khóc mà chúng tôi không nhìn thấy. Chúng tôi hối hận, không biết việc giấu như thế là đúng hay sai. Nhưng biết rõ chúng tôi đã lấy mất đi cái quyền của người mẹ không được công khai đau khổ khóc thương con mình.
Đã lâu lắm trong thời chiến tranh ở quê nhà, tôi được biết chuyện một người vợ trẻ, cũng bị gia đình nhà chồng, vì thương quá, giấu tin chồng chị tử trận, khi chị đang có mang bẩy tháng. Họ chôn cất người chồng, chờ chị sanh xong mới báo. Chị phẫn uất, đau đớn vì cách giấu giếm này. Rồi chị nhớ lại cách nhà chồng cư xử với chị trong thời gian anh mất. Tự nhiên chị thấy cả nhà cư xử với chị lạ lùng, mắt ai cũng tránh nhìn vào mắt chị, ai cũng tránh chạm mặt chị ngay từ buồng nọ sang buồng kia ở giữa nhà, mọi người đang nói chuyện, thấy chị đi ngang bỗng im bặt. Chị biết có điều gì nghiêm trọng xảy ra nhưng không đoán được. Anh thì trong quân đội, có khi tin tức mỗi tuần, có khi cả mấy tháng lặng thinh, tùy theo anh đang đóng ở đâu.
Chị về nhà mình nói cho cha mẹ biết, cha mẹ chị cũng tỏ ra bối rối không giúp được gì chị. Chị thấy cô đơn, bơ vơ và hụt hẫng. Mắt chị lúc nào cũng mở to, nhìn những người chung quanh mình để bắt được điều mình nghi ngờ, tai lúc nào cũng lắng nghe những tiếng thầm thì khả nghi sau cánh cửa. Chị đặt những câu hỏi mà phần nhiều được trả lời không rõ rệt, hay bằng sự im lặng. Bây giờ, sau khi anh đã được chôn xuống đất cả mấy tháng, chị mới biết tin anh tử trận. Chị giận họ nhà chồng, giận luôn cha mẹ mình, đến nỗi cả năm sau, chị không mang con về bên nội, bên ngoại. Chị nói, dù đau đớn thế nào tôi cũng muốn được đi chôn chồng tôi, cũng muốn được nhìn mặt chồng trước khi chôn xuống đất. Không ai có quyền nhân danh tình thương lấy đi cái đau khổ đó.
Có người đồng ý với chị. Có người cho chị trách như vậy không đúng, vì ngoài chị, gia đình hai bên còn muốn bảo vệ cho đứa con trong bụng chị.
Một người anh của bạn tôi, có người vợ trẻ chết thình lình trong một tai nạn lưu thông, người chồng sau khi chôn vợ trở về nhà, thấy tủ, giường trống rỗng. Hình ảnh, quần áo, giầy dép, phấn son, của người vợ được mang biến đi, thậm chí trên giường chỉ còn trơ một gối. Anh đứng ngơ ngác giữa nhà, nhìn quanh bốn bức tường trống, có cảm tưởng như vừa có một cơn lốc đi qua trong ngôi nhà nhỏ của mình, cuốn mất đi của anh cả người lẫn của. Ai đó đã vội vàng xóa hộ những kỷ niệm đau buồn của người còn lại. Người còn lại thấy mình như bỗng nhiên bị xóa sổ, tay trắng, đến một hơi hướm thân mật cũng không còn. Anh không biết giận ai bây giờ, vì anh hiểu chỉ vì thương anh mà những người thân đã tước đi cả cái quyền đau khổ của mình. Có những lần, trong đêm tối, đôi khi anh mò dậy, ước gì được úp mặt vào những vạt áo dài của vợ vẫn treo trong tủ mà khóc một hơi cho vơi buồn. Chẳng còn vạt áo nào sót lại!
Về sau anh trở thành một người lúc nào cũng ngơ ngơ, ngác ngác, đi tìm một vật gì, đã mất. Những người thân của anh lúc đó mới hiểu rằng: Đau khổ không dễ gì xóa bỏ ngay được, cần có thời gian, người bên ngoài không mang vết thương đó ra khỏi anh được, phải để cho anh tự chăm sóc vết thương của mình.
Giấu một người mẹ về cái chết của con, có đúng không? Người mẹ bao giờ cũng muốn biết về đời sống con mình. Bất cứ ở tuổi nào, nếu còn minh mẫn, bà vẫn luôn luôn muốn được nghe những tin tức về con mình. Bà thà nhận được tin con chết, còn hơn không nhận được tin gì về con cả.
Có bà mẹ trong thời chiến nhận được tin con mất tích. Bà lồng lên đi tìm con. Với bà một cái tin như thế này, không nói lên được điều gì cả. Chưa nhìn thấy con chôn xuống đất bà chưa yên tâm. Một là con bà chết, hai là con bà sống, nó không thể mất tích, chưa đi nhận xác con không có nghĩa là con bà chưa chết. Bà cho là người ta đã giấu nhẹm tin con bà “chết thật” chỉ nói là “mất tích” cho bà còn hy vọng.
Thật ra đây là chuyện chiến tranh, mất tích, đồng nghĩa với tử trận. (Hi hữu lắm, mới có chuyện sống sót trở về.) Nhưng phản ứng của bà, hình như nhắc cho ta hiểu: Con người đủ khả năng đương đầu với đau khổ, biết rõ nỗi đau của mình, hơn là sống trong một đám sương mù. Quyền được đau đớn cũng ngang với quyền được sung sướng.
Hai vợ chồng già, lấy nhau đã mấy chục năm, dù buồn khổ, chắc người chồng hay người vợ vẫn muốn tiễn đưa nhau, nếu một người đi trước. Cho dù trái tim già nua có trĩu xuống như sợi dây, rồi đứt đánh bựt một cái, họ cũng hài lòng. Không báo tin buồn, không cho nhìn mặt lần cuối, có lỗi hay không? Rồi đây mỗi lần bố hỏi thăm mẹ thì vẫn nói dối là mẹ bình thường được mãi hay sao! Có phải các con giấu tin mẹ mất, một phần cũng vì chính quyền lợi tinh thần của mình, hơn vì bố. Họ không muốn đã mất mẹ rồi, lại mất bố nữa thì sao? Ai cũng sợ đối diện với mất mát.
Những người giấu đi những tin buồn này, ai cũng tin mình làm điều tốt cho người còn lại. Mỗi gia đình, một cách giải thích riêng, lo lắng cho những người ở lại một cách khác nhau. Có bao giờ ai biết: Người bị đặt vào cảnh “nghi ngờ” mình bị mất người mình thân quý đôi khi còn khổ gấp mấy lần người đối diện với sự thật.
Giọt lệ thanh tẩy trái tim và giúp tôi hiểu những bí mật của đời sống và những điều giấu giếm trong đó. *
Tôi hay đọc thầm trong ngực câu thơ này, mỗi lần đi đám tang của bất cứ ai.
Trần Mộng Tú
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét