Sau khi bọn cộng phỉ bắc việt tung 45 ngàn quân xâm lược vượt sông Bến Hải đồng loạt tấn công vào cụm phòng tuyến phía Tây và Tây Bắc Quảng Trị ngày 30 tháng 3 năm 1972, chiến trường Quảng Trị đã trở thành điểm nóng của các giao tranh ác liệt giữa lực lượng Việt Nam Cộng Hòa VNCH và bọn giặc cướp cộng phỉ xâm lược từ phương bắc. Chiều ngày 2 tháng 4 năm 1972, căn cứ Tân Lâm thất thủ. Tối cùng ngày, quân trú phòng căn cứ Mai Lộc triệt thoái. Trong ba ngày 9, 10 và 11 tháng 4 năm 1972, bọn phỉ quân bắc việt tấn công cường tập vào căn cứ Phượng Hoàng nhưng đã bị Thủy Quân Lục Chiến đánh bật trở ra.
Từ ngày 12 đến ngày 25 tháng 4 năm 1972, bọn phỉ quân bắc việt mở nhiều trận tấn công vào tuyến phòng ngự của Trung Đoàn 2 Bộ Binh (BB), Trung Đoàn 57 Bộ Binh, Liên Đoàn 4 và 5 Biệt Động Quân (BDQ), Lữ Đoàn 1 Kỵ Binh, Lữ Đoàn 147 và 258 Thủy Quân Lục Chiến (TQLC).
Ngày 26 tháng 4 năm 1972, bọn phỉ quân bắc việt tấn công vào các vị trí phòng thủ của Thủy Quân Lục Chiến. Đêm 27 tháng 4, bọn cộng quân pháo kích trúng vào kho đạn Ái Tử. Ngày 28 tháng 4 năm 1972, bọn cộng quân áp lực nặng tuyến phòng thủ của Biệt Động Quân ở Đông Hà khiến đơn vị này phải lui quân về bố phòng tại Ái Tử.
Đêm 28 tháng 4, Cộng quân điều động chiến xa và bộ binh tiến về khu vực cầu Ga tỉnh Quảng Trị, đây là đêm dài nhất của Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 3 Bộ Binh trong nỗ lực điều động các đơn vị bảo vệ hai chiếc cầu kế nhau bắc ngang sông Thạch Hãn: đó là cầu Sắt (cư dân địa phương còn gọi là cầu Ga, vì gần nhà Ga dành cho xe lửa, và chiến xa có thể di chuyển qua được) và cầu Ván đi ngang Quốc Lộ 1. Trước khi cầu Ván chưa xây vào năm 1969, cầu Sắt được sử dụng chung tất cả các phương tiện.
Theo tài liệu của cố Trung Tá Nguyễn Thượng Thọ (nhà văn Lê Huy Linh Vũ), người có mặt tại trung tâm hành quân của Sư Đoàn 3 Bộ Binh trong đêm trận chiến xảy ra, và đối chiếu với tài liệu của Ủy Ban Quân Sử Hoa Kỳ cùng lời kể của một số sĩ quan tham mưu Sư Đoàn 3, diễn tiến về trận chiến tại khu vực cầu Ga Quảng Trị được ghi nhận như sau.
Tối 28 tháng 4 năm 1972, một đại đội tiền đồn phát giác một toán quân địch có chiến xa yểm trợ tại một điểm ở cách xa 2,000 mét hướng Tây Bắc cầu Ga Quảng Trị. Trung tâm phối hợp hỏa lực của Bộ Chỉ Huy Pháo Binh Sư Đoàn 3 Bộ Binh đã điều động các pháo đội hỏa tập chận địch. Hàng loạt đạn đại bác rơi xuống mục tiêu. Trong đợt đầu, có hơn 100 quả đạn được bắn đi. Tiếng tiền sát viên báo về: “Địch vẫn còn tiến chỉ còn cách phòng tuyến ta 1,500 mét”.
Loạt hỏa tập thứ hai vào khoảng 200 quả 105 và 155 ly và các sĩ quan ở trung tâm đều tin rằng loạt hỏa tập này sẽ chận đứng đoàn chiến xa Cộng quân. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, tiếng tiền sát viên lại vang lên trong máy truyền tin: “Địch tiếp tục tiến đều, dẫn dầu là đoàn chiến xa.” Chiến xa địch đã bắt đầu dàn hàng ngang và đang tiến về phía đầu cầu, chỉ còn cách xa cầu khoảng 1,000 mét nữa mà thôi.
Để chận địch, Đại Tá Ngô Văn Chung (Tư Lệnh Phó Sư Đoàn 3 Bộ Binh) ra lệnh cho sĩ quan phụ trách không yểm xin Không Quân VNCH yểm trợ. Nhưng trung tâm không yểm ở Đà Nẵng báo cho biết là tất cả các phi cơ đều xuất trận, chỉ còn lại một chiếc A-37 nên không thể cất cánh được.
Cuối cùng sĩ quan không yểm phải chạy sang bunker bên cạnh tìm cố vấn Mỹ nhờ chuyển lời của Đại Tá Chung xin các phi vụ B-52 và không quân chiến thuật yểm trợ. Trong khi đó thì sĩ quan tiền sát viên lại tiếp tục gọi về báo cáo: “Địch còn cách cầu 500 mét.” Trong khi chờ đợi sự yểm trợ của Không Quân Hoa Kỳ, các pháo đội Sư Đoàn 3 Bộ Binh cho tác xạ liên hồi để chận địch.
Sĩ quan liên lạc không yểm trở lại với cố vấn trưởng sư đoàn và một cố vấn phụ trách không trợ. Vị sĩ quan này báo với Đại Tá Chung là cố vấn Mỹ yêu cầu xác định tọa độ. Lời yêu cầu này đã gián tiếp cho biết là Cố vấn Mỹ nghi ngờ Sư Đoàn 3 Bộ Binh cho lầm tọa độ vì mục tiêu yêu cầu cho B-52 quá gần, sát ngay bờ sông Thạch Hãn. Cố vấn Mỹ sợ B-52 ném nhầm trúng quân bạn.
Ngay lúc đó, tiền sát viên lại gọi về: “Chiến xa địch trên cầu. Bộ đội địch đang tràn qua cầu.” Đại Tá Chung chụp lấy ống liên hợp:
– Anh quan sát kỹ lại coi, bên kia cầu mình còn chi đoàn chiến xa và Tiểu Đoàn 2. Làm sao chiến xa địch lên cầu được.
Tiếng sĩ quan tiền sát viên trả lời:
– Tôi quan sát kỹ rồi. Chi đoàn của Thiết Đoàn 17 và Tiểu Đoàn 2 đã rút đi cách đây mấy phút. Hiện chiến xa địch đang ở trên cầu. Nhiều bóng người đang lúp xúp chạy trên cầu.
Đại Tá Chung hỏi lại:
– Cầu nào ?
– Dạ, Cầu Sắt.
Nghe báo cáo vậy, Đại Tá Chung la lớn lên:
“Không có lý, không thể được!”
Rồi ông quay sang bảo hiệu thính viên truyền tin ngồi gần:
“Anh gọi cho tôi liên lạc với chi đoàn Thiết Giáp và Tiểu Đoàn 2 gấp.”
Cố vấn Mỹ vẫn đứng chờ xin tọa độ. Đại Tá Chung nói với Trung Tá Tám, phụ trách hành quân:
– Anh chỉ tọa độ trên bản đồ cho họ. Trung Tá Tám mời hai cố vấn Mỹ đến trước bản đồ, lấy bút chì mỡ khoanh tọa độ mục tiêu. Vừa lúc đó, một sĩ quan của tiểu đoàn Công Binh Sư đoàn bước đến gần Đại Tá Chung và trình:
– Xin Đại Tá cho phép phá cầu. Chất nổ mình đã đặt sẵn dưới cầu rồi. Chỉ bấm nút là nổ ngay.
Đại Tá Chung khoát tay:
“Khoan đã, chờ một chút.”
Người hiệu thính viên truyền tin báo với vị tư lệnh phó sư đoàn:
– Thưa Đại Tá, không liên lạc được với chi đoàn Thiết Giáp. Có lẽ họ đang di chuyển.
Đại Tá Chung ra lệnh:
– Gọi thằng bố nó, bảo bố nó liên lạc với nó yêu cầu nó cho sư đoàn biết ngay vị trí hiện tại của nó. (Bố nó: bộ chỉ huy của Thiết Đoàn 17).
Trung Tá Tám đã chỉ xong mục tiêu cho cố vấn Mỹ trên bản đồ nhưng cố vấn Mỹ vẫn chưa chịu và xin Đại Tá Tư Lệnh Phó đích thân xác nhận lại. Đại Tá Chung bực mình đứng dậy, bước về phía bản đồ, vừa đi vừa quay lại nói với sĩ quan Công Binh:
– Anh vào gặp thiếu tướng, xin quyết định của thiếu tướng về việc phá cầu. (trong xưng hô với cấp chuẩn tướng, các sĩ quan thường “tôn cấp” các vị này là thiếu tướng).
Người sĩ quan Công Binh chạy đi trình tướng Giai trong khi Đại Tá Chung chờ liên lạc với Thiết Đoàn 17. Một lúc sau, các sĩ quan trong trung tâm thì thầm với nhau là tướng Giai không cho phá cầu, vì còn một số lớn chiến xa và một số pháo đội 105, 155 và 175 ly, còn ở căn cứ Ái Tử, chưa tính các thành phần bộ chiến đang phòng ngự ở phía Bắc Thạch Hãn.
Đột nhiên, có một tiếng nổ ầm từ phía cầu vọng lại. Cùng một lúc tiếng của tiền sát viên gọi về:
– Cầu sập rồi.
Đại Tá Chung hét lên:
“Cầu nào?!!!”
Tiền sát viên trả lời:
“Cầu Ván.”
Đại Tá Chung la lớn:
“Ai cho lệnh phá cầu?”
Sĩ quan Công Binh tiến đến gần và nói:
“Thưa Đại Tá, không phải mình phá.” Đại Tá Chung nghiêm mặt hỏi:
“Vậy thì ai phá?”
Sĩ quan Công Binh:
“Thưa Đại Tá, có lẽ tụi nó.”
Đại Tá Chung lắc đầu nói lớn:
“Tụi nó phá làm gì. Anh coi lại liền và cho biết có phải mình phá không?” Trong khi sĩ quan Công Binh đang liên lạc với toán Công Binh ở cầu thì hiệu thính viên báo cho Đại Tá Chung biết là đã liên lạc được với Tiểu Đoàn 2. Chụp lấy máy, vị tư lệnh phó sư đoàn nói ngay:
– Tiểu đoàn 2. Anh cho tôi biết ngay vị trí của anh!
– Dạ, tụi tui ở đầu cầu.
– Đầu cầu bên này, hay đầu cầu bên kia.
– Dạ, đầu cầu bên này.
– Ai cho phép các anh rút về bên này?
– Thấy Thiết Giáp rút, tưởng có lệnh ở trên rút, tụi tui rút theo.
– Từ chỗ anh bây giờ, anh có thấy thằng con của 17 Thiết Kỵ nằm ở đâu không ?
– Dạ, thằng 17 nằm chung với tụi tui tại đây.
– Anh có thấy gì bên kia sông không?
– Dạ không.
– Anh quan sát cho kỹ bên kia cầu, có thấy chiến xa địch không ?
– Dạ tối quá không thấy chi hết!
– Ở trên cầu có gì không?
– Dạ không.
Đại Tá Chung ra lệnh cho sĩ quan ngồi gần liên lạc với Pháo Binh cho bắn trái sáng lên cầu. Vào lúc đó, hai cố vấn Mỹ trở lại. Vị cố vấn trưởng nói với Đại Tá Chung:
– Xin Đại Tá xác nhận một lần chót bên kia sông tại tọa độ Đại Tá yêu cầu thả bom không có quân bạn.
Đại Tá Chung đập bàn hét lớn:
“Tôi xác nhận!”
Cố vấn trưởng sư đoàn nói tiếp:
“Đại Tá hoàn toàn chịu trách nhiệm nếu có sự lầm lẫn.”
Đại Tá Chung mặt đỏ gay:
“Tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm.”
Vị cố vấn trưởng vẫn bình tĩnh và lễ độ trước sự nóng giận của vị tư lệnh phó Sư Đoàn 3:
– Đúng 5 phút nữa thì B-52 thả bom. Hai phút sau nữa là Phantom khởi sự oanh kích đầu cầu bên kia bằng hỏa tiễn không địa. Sau khi B-52 thả bom xong đúng một phút, xin cho bắn một trái sáng để chỉ định mục tiêu cho Phantom.
Đại Tá Chung gọi to:
“Pháo Binh, có nghe rõ không?”
Một sĩ quan Pháo Binh đang đứng sau lưng cố vấn Mỹ trả lời ngay: “Trình Đại Tá, nghe rõ rồi. Chúng tôi sẽ bắn trái sáng vào phút thứ sáu.”
Không khí trong phòng bớt căng thẳng, một lát sau Tiểu Đoàn 2 (thuộc Trung Đoàn 2 Bộ Binh) báo cáo về là mới hạ được một chiến xa địch, xe đang bốc cháy. Đại Tá Chung hỏi vị trí xe tăng địch bị hạ thì tiểu đoàn này cho biết là ở ngay trên cầu. Đại Tá Chung hỏi tiếp:
“Bên kia nó tràn qua hay sao? Mấy chiếc mà chỉ bắn một chiếc thôi?” Tiểu đoàn trả lời:
“Không nó ở đầu cầu bên này rút về.” Đại Tá Chung nghi ngờ thì được tiểu đoàn trưởng trình bày:
– Hồi nãy tụi tui rút về có 3 chiến xa của tụi nó bám theo qua tận cầu bên này mà mình không biết. Lúc trái sáng bắn lên, tụi nó hoảng quá, thụt lui, chạy thoát được 2 chiếc. Chiếc thứ ba bị tụi tui bắn trúng. Hiện đang còn bốc cháy. Có mấy thằng địch trong chiếc xe cháy đỏ nhảy ra, tụi tui đang ví bắt.
Đại Tá Chung khen ngợi:
“Tốt lắm, lục soát lại kỹ bên này coi có thằng nào còn sót không. Cẩn thận, nghe tiếng phi cơ thì núp xuống, mình sẽ thả bom đầu cầu bên kia, mấy anh đừng bỏ máy đó nghe.”
Sĩ quan Công Binh đã liên lạc xong với toán Công Binh có nhiệm vụ phá hủy cầu khi có lệnh, anh báo với Đại Tá Chung:
– Trình Đại Tá, Công Binh xin xác nhận không phải mình phá cầu, chính tụi nó phá.
Vừa lúc đó, một sĩ quan hấp tấp bước vào trao cho Đại Tá Chung một mảnh giấy và nói:
– Trình Đại Tá, đây là một tin kiểm thính máy tụi nó nói với nhau, mình vừa kiểm thính xong.
– Anh đọc lớn tui nghe coi.
– Dạ thằng A báo cho thằng B rằng chiếc cầu thứ hai là cầu sắt kiên cố, chất nổ tụi nó mang theo không đủ làm sập cầu. Nó xin thằng kia mang thêm chất nổ lên gấp.
Nghe vậy, Đại Tá Chung chụp lấy ống liên hợp ra lệnh:
– Tiểu Đoàn 2, cho một đứa con của anh lên cầu. Tui nói: Lên cầu! Lục soát gấp! Địch đang tìm cách phá cầu! Phải ngăn chận bằng mọi cách với bất cứ giá nào!
– Dạ tui nghe rõ, tui cho đi ngay.
Một phút sau, cách hướng Tây Bắc của Cổ Thành khoảng một ngàn mét, B-52 đã trút một trận mưa bom xuống các mục tiêu bên kia bờ sông./
(Sài Gòn trong tôi/)
Vương Hồng Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét