Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 10 tháng 5, 2022

Anh Mười Vạch - Đoàn Xuân Thu


Là bạn văn của tui, anh Mười Vạch phụ trách mục “Vạch lá tìm sâu” của một tờ báo mạng chuyên về văn học. Ảnh chổng khu làm để tập thể dục cho cái não tuổi già lâu lú lẫn; chớ đâu có ai trả đồng xu, cắc bạc nào. Làm công quả, công chùa như vậy ảnh cũng giúp bà con mình mở mang kiến thức rất nhiều. Vì anh Mười Vạch chịu khó đọc rất nhiều tài liệu để cãi nhau với tác giả. Mà cãi nhau là chuốc lấy lôi thôi hè. Do đó các nhà phê bình văn học ra đường, mắt bao giờ cũng ngó láo liên như thằng ăn trộm vì sợ bị chúng đánh bất tử. Có độc giả hiền hơn chỉ hăm he: “Ông có ngon về Việt Nam đi! Công an sẽ ưu ái mời ông uống nước trà”.
<!>
Tui nói:
“Ðời mà anh! Ai cũng thích uống nước đường! Vì nó ngọt. Ai cũng thích được ca tụng. Vì lời nịnh hót dễ lọt lỗ tai, vì nó rất du dương. Không ai muốn bị vạch lá tìm sâu cho dù bài viết của họ có đầy sâu. Cá nhân tui cũng vậy. Tui khoái nghe anh chê người khác. Ðừng chê tui là được. Vì chê tui, tui cũng nổi nóng như thiên hạ thế thôi!”.

Tuần rồi, anh Mười Vạch kêu tui đến nhậu chơi để nghe ảnh “vạch lá tìm sâu”. Tìm ra cái thói kiêu ngạo CS, cái dã tâm của CS Bắc Việt muốn tiêu diệt phương ngữ miền Nam, buộc phải đồng hóa với phương ngữ miền Bắc. Muốn con không gọi cha mình là ba mà phải gọi là bố. Không muốn mình gọi người lớn tuổi hơn mình là anh mà phải gọi là bác. Anh Mười Vạch có nhắc tới cách xưng hô của các nhân vật trong tuyển tập truyện ngắn nổi tiếng nhứt của Sơn Nam là Hương Rừng Cà Mau. Ảnh nói chữ dùng đã hay mà ý nghĩa cũng thâm thúy quá.

Cái hương rừng đó là tình người với đất, tình người với nước, tình người với bà con xóm giềng, với chồng, với vợ, với người yêu, với bạn bè văn nghệ. Cái tình bạn văn chương giữa phóng viên báo Chim Trời và Tư Có trong truyện Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư. Nó lịch sự. Nó chân tình. Nó hay lắm. Giờ hơi khó kiếm!
Tui bèn ngắt ngang lời của ảnh:
“Bá Nha Tử Kỳ thời nào cũng hiếm. Mà cãi nhau, xỏ xiên nhau như Sào Phủ Hứa Do thì nó có hà rầm”.

Mà hề gì, tui nói, Bá Nha Tử Kỳ hiểu nhau cũng chơi. Sào Phủ, Hứa Do xỏ xiên nhau cũng chơi tuốt luốt. Bịnh gì mà cữ! Người nầy phải khác người kia. Nếu giống hịt nhau như bản photocopy thì chán chết.
Anh Mười Vạch gật gù:
“Ờ! Chính vì thế ở Mỹ chuyện gì mà họ đồng thuận trên 50 phần trăm là mừng rồi. Chính vì không đồng thuận mới nảy ra tranh luận. Tranh luận mới đẻ ra cách giải quyết hay hơn. Nước Mỹ nhờ sự khác biệt nên phát triển ào ào. Còn các nước độc tài như Nga, như Tàu thì một nhúm nhỏ đưa ra bắt toàn dân phải đồng thuận. Cự cãi là nó nhốt. Chủ nghĩa độc tài hủy diệt cá nhân. Chủ nghĩa độc tài thiết lập một trại lính nên chậm tiêu và chậm tiến”.
Thấy Mười Vạch cứ vòng vo tam quốc, chạy vòng vòng như đèn kéo quân, tui sốt ruột nên hối:
“Nhập đề trực khởi đi! Tốn dầu đèn quá”.

Bị tui nhảy vô họng, anh Mười Vạch có vẻ hơi quê quê, cầm ly rượu lên quất nghe cái ót cho thấm giọng rồi tằng hắng, nói:
“Anh chắc biết hồi xưa nhà văn Ngọc Linh chuyên viết truyện dài đăng báo nhiều kỳ (Feuilleton) với tựa rất thơ như Buổi chiều lá rụng, Mưa trong bình minh… chớ? Nhà văn sống nhờ nhuận bút. Sau đó, ổng gom lại in sách bán kiếm được thêm một mớ. Mấy hãng phim mua bản quyền truyện dài để làm phim rất là ăn khách. Ngọc Linh là thư ký tòa soạn của tuần báo Nhân Loại năm 1956, lúc ông chỉ mới 21 tuổi. Rồi làm chủ nhà xuất bản Phù Sa nữa. Ông kiếm bộn bạc. Ra đường, Ngọc Linh ăn mặc bảnh bao, chải chuốt, quần áo láng cón, đầu bi-ăng-tin bóng lưỡng, chạy Vespa.

Rồi tháng Tư năm 75 tràn tới như cơn lốc. Nó cuốn phăng tất cả. Tiền tài, danh vọng về lại con số không, ông phải làm lại từ đầu khi đã ngoài 40 tuổi.
Năm 1982, để kiếm sống, nhà văn Ngọc Linh quay qua soạn tuồng cải lương Nàng Hai Bến Nghé. Nghệ sĩ Mỹ Châu vai Nàng Hai và nghệ sĩ Hùng Minh bự con, cao lớn vai Barber, đại úy Thủy quân Pháp bị nghĩa quân Trương Ðịnh dùng mỹ nhân kế (Nàng Hai) phục kích giết chết gần chùa Khải Tường”.

Anh Mười Vạch nói:
“Tui dân miền Tây có máu Lục Vân Tiên: Kiến nghĩa bất vi vô dõng giả, lâm nguy bất cứu mạc anh hùng. Thấy việc nghĩa mà không làm thì con người như thế không đáng mặt anh hùng, thậm chí đó là kẻ tầm thường. Viết văn cũng vậy, thấy người khác viết trật lất mà mình ngại đụng chạm, không lên tiếng phê bình thì đừng cầm bút viết văn”.
“Ai viết trật vậy anh?”, tui hỏi.
Anh Mười Vạch trả lời:
“Ông Lê Văn Nghĩa chớ ai?”
Tui lại hỏi:
“Ông Lê Văn Nghĩa là ai vậy? Ổng viết trật chỗ nào, trật nhiều hông?”

Ðang mặt mày đỏ ké như con gà nòi đá độ, anh Mười Vạch quất cạn ly Jack Daniel’s cho hạ hỏa, rồi mới giảng cho tui nghe là:
“Ông Lê Văn Nghĩa sinh năm 1953, tại Chợ Lớn, ông học tiểu học trường Bình Tây, học trung học trường Petrus Trương Vĩnh Ký. Thời học sinh, ông tham gia phong trào học sinh sinh viên đô thị, bị chính quyền quốc gia đày ra Côn Ðảo. Sau 75, ông Lê Văn Nghĩa có lý lịch đỏ lòm. Ông là “Bố già”, là “Trưởng lão Cái bang”, là “anh Hai Cù Nèo” của tuần báo Tuổi Trẻ Cười.

Khác với những tay khác vô học, ông Nghĩa có học hành đàng hoàng dưới mái trường công lập nổi tiếng nhứt miền Nam của chánh phủ quốc gia. Nhưng ông lại thờ ma CS.
Nhà văn VC Lê Văn Nghĩa dám viết là: “Tôi nhớ có lần tôi đến thăm ông Ngọc Linh tại căn nhà trong hẻm đường Bùi Hữu Nghĩa, quận 5. Ông ngồi uống trà, ngậm tẩu, phía sau lưng ông là một tủ lớn chứa đầy sách tiếng Pháp. Tôi tỏ ý khâm phục thì ông cười nói:
“May là tao đã bán bớt để ăn rồi, không thì còn nhiều nữa”.
Lê Văn Nghĩa bị Ngọc Linh xỏ ngọt (vì chế độ của chú mầy làm cho tao đói) mà ông Nghĩa nghe cứ vô tư. Lại viết ra khoe nữa. Thiệt là ngây ngô thấy ớn hè”.

Cười khè khè xong, anh Mười Vạch bèn vạch lá tìm sâu. Ảnh trích hai chữ “ngậm tẩu” để làm cái cù nèo ngoéo giò ông Hai Cù Nèo chơi. Chỉ hai chữ “ngậm tẩu” tưởng nó nhỏ. Nghĩ kỹ lại thì nó lớn lắm đó!

Sanh đẻ ở Chợ Lớn, học ở Sài Gòn, tức ông Nghĩa là dân Nam Kỳ rặt. Vậy mà dùng động từ “ngậm tẩu” để diễn tả việc hút thuốc của nhà văn Ngọc Linh còn Nam Kỳ rặt hơn ông nữa làm tui thấy lạ quá!

“Ngậm tẩu” là tiếng của người Bắc. Miền Nam không nói “ngậm tẩu” bao giờ. Nếu gắn một điếu thuốc vô một cái ống nhỏ rồi đốt hút, chúng tôi gọi là: hút píp (pipe). Nhồi hơi chặt chặt sợi thuốc lá vô cái tẩu rồi dùng ống quẹt đốt hút, chúng tôi gọi là: hút ống vố.

Nhà văn Ngọc Linh Nam Kỳ rặt, ông nhà văn VC Lê Văn Nghĩa phải viết ông Ngọc Linh hút ống “píp” hoặc hút “ống vố”. Chớ ông không “ngậm tẩu” bao giờ. Dân giá sống mà ông dám hóa phép cho ổng thành dân rau muống đâu có được nè!
Ở đây không phân biệt vùng miền gì ráo trọi nhe. Mà đâu phải ra đấy. Là nhà văn lớn, hội viên Hội Nhà Văn tuốt ngoài Hà Nội mà ông Hai Cù Nèo dám viết cẩu thả, viết chó thả rông như thế, là không có đặng. Làm vậy tụi nó nói mình nịnh Ba Ke 75 đó!”
Tui chen vô:
“Thì kêu ông Hai Cù Nèo suy xét lại”. Anh Mười Vạch chép miệng:
“Ông Hai Cù Nèo đã ngỏm cù nèo rồi còn đâu”.

Thiệt là tiếc! Tiếc vì mất một người bên kia chiến tuyến để tranh luận chuyện xài phương ngữ như thế nào trong văn chương tiếng Việt cho đỡ buồn khi tháng Tư đen một lần nữa lại về trên đất quê mình mà mình lại không còn cơ hội. Thiệt buồn quá xá hà!

Đoàn Xuân Thu

Không có nhận xét nào: