Nguồn hình ảnh, The White House via Reuters
Tổng thống Mỹ và Nga đã có cuộc điện đàm kéo dài gần một giờ Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo người đồng cấp Mỹ Joe Biden rằng việc áp dụng các lệnh trừng phạt liên quan đến vân đề Ukraine có thể dẫn đến "một sai lầm cực kỳ tai hại" Trong khi đó, ông Biden nói với ông Putin rằng Mỹ và các đồng minh sẽ phải đáp trả một cách quyết liệt đối với bất kỳ cuộc xâm lược nào nhằm vào Ukraine. Cuộc điện đàm, được yêu cầu từ phía Nga, là cuộc trao đổi lần thứ hai giữa hai vị nguyên thủ trong tháng này và đã kéo dài trong gần một giờ. Cuộc điện đàm đánh dấu nỗ lực mới nhất nhằm hạ nhiệt căng thẳng liên quan đến đường biên giới phía đông của Ukraine với Nga. Giới chức Ukraine nói hiện có hơn 100.000 binh lính Nga hiện diện tại đây.
<!>
Điều này đã khiến phương Tây quan ngại và Mỹ đã đe dọa Putin về các lệnh trừng phạt "chưa từng có trước đây" nếu Ukraine bị tấn công.
Nga tuy nhiên đã bác bỏ việc lên kế hoạch xâm lược Ukraine và nói rằng quân đội chỉ hiện diện để tập trận. Moscow cũng cho biết có quyền được điều động binh sĩ tự do trên lãnh thổ của mình.
'Hài lòng'
Mặc dù đôi bên đã đưa ra những lời cảnh báo trong cuộc điện đàm thế nhưng cố vấn chính sách ngoại giao của Nga, Yuri Ushakov nói với cánh phóng viên ngay ngay sau đó rằng ông Putin "hài lòng" về cuộc trao đổi.
Ông này cũng nói thêm rằng cuộc trao đổi đã tạo "một nền tảng tốt" cho những cuộc hội đàm trong trong tương lai.
Một quan chức cấp cao Mỹ giấu tên đánh giá cuộc điện đàm là "nghiêm túc và quan trọng."
Tổng thống Biden cũng lặp lại rằng tiến triển quan trọng trong các cuộc đối thoại chỉ có thể đạt được trong không khí giảm leo thang căng thẳng," Thư ký báo chí Nhà trắng Jen Psaki nói.
"Ông cũng nói rõ Mỹ cùng các đồng minh và đối tác sẽ đáp trả quyết liệt nếu Nga xâm lược Ukraine," bà Jen Psaki nói thêm.
Các quan chức Mỹ và Nga dự kiến sẽ có cuộc đối thoại trực tiếp tại Geneva vào tháng sau và Nhà trắng cho biết ông Biden đã kêu gọi người đồng cấp Nga cùng theo đuổi một giải pháp ngoại giao.
Trong một thông điệp kỳ nghỉ lễ trước cuộc điện đàm ngày thứ Năm 30/12, ông Putin nói với ông Biden rằng ông cảm thấy thuyết phục rằng đôi bên sẽ có thể hợp tác dựa trên "sự tôn trọng và cân nhắc các lợi ích quốc gia của nhau".
Dmitry Peskov, người phát ngôn Điện Kremlin nói rằng nước Nga "đang trong tâm thế đối thoại".
"Chúng tôi tin rằng chỉ có thông qua đối thoại thì mới có thể giải quyết tất cả những vấn đề hiện hữu vốn còn rất nhiều giữa đôi bên," ông Peskov nói thêm.
Quan ngại sâu sắc từ Washington
Phân tích của Tara McKelvey, Phóng viên Nhà Trắng của BBC
Cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Biden và người đồng cấp Nga Putin ngày 30/12 theo một quan chức cấp cao nói với phóng viên vào buổi tối cùng ngày là "một cuộc trao đổi nghiêm túc và quan trọng".
Quan chức đó nói về cuộc các cuộc đối thoại với giọng điệu cẩn trọng và có vẻ điềm tĩnh khi nói đến mối đe doạ từ Nga. Phía sau hậu trường, mặc dù vậy, ông ấy và những người khác ở Nhà Trắng quan ngại sâu sắc về khả năng Nga xâm lược Ukraine.
Dấu hiệu từ phía Nga là "đáng ngại", và một người từ nội bộ nói với tôi rằng tốc độ ngoại giao đã được đẩy nhanh.
Hôm 30/12, ít ra 2 nhà lãnh đạo đã trao đổi và những người từ Nhà trắng xem đây là dấu hiệu tích cực. Hiện tại họ đang cố gắng làm mọi thứ có thể để đảm bảo hai bên tiếp tục có các cuộc trao đổi sang năm 2022.
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine nói với Quốc hội hồi đầu tháng 12 rằng Nga đã huy động hàng chục ngàn binh sĩ gần biên giới và có thể chuẩn bị cho một cuộc tấn công quân sự vào cuối tháng 1.
Nga thì cho rằng việc huy động binh sĩ này chỉ là biện pháp phòng vệ trước Nato. Nga muốn có sự đảm bảo mang tính ràng buộc về pháp lý rằng Nato sẽ không mở rộng lực lượng về phía đông và rằng các vũ khí nhất định sẽ không được chuyển đến Ukraine hoặc các quốc gia lân cận.
Mỹ đã bác bỏ điều gọi là thoả thuận với Kremlin nhằm kiểm soát tương lai của các quốc gia độc lập.
Ukraine cũng được đề nghị gia nhập Nato nhưng có mối quan hệ gần gũi với liên minh quân sự này.
Căng thẳng giữa Nga và Ukraine không phải là mới. Hồi năm 2014 Nga đã sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine và sau đó bắt đầu hậu thuẫn cuộc nổi dậy của các phiến quân ly khai ở miền đông, khoảng 14.000 người đã bị thiệt mạng trong các cuộc giao tranh.
Washington và các đồng minh Châu Âu đã cảnh báo Nga sẽ phải gánh chịu các lệnh trừng phạt kinh tế nặng nề nếu quân đội nước này tiến vào Ukraine một lần nữa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét