Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 1 tháng 1, 2022

Món Ngon Quê Mẹ: Bún Nước Lèo - by Le Binh


Miền Nam, nói cho đủ là Miền Nam Việt nam, (tức là Việt Nam Cộng Hòa) có 22 tỉnh và một Đô Thành Sài Gòn, như xứ Cơ Hoa có 50 tiểu bang và 1 DC. Mỗi một tỉnh của Miền Nam đều có một hoặc nhiều món ngon vật lạ, khi đi xa vẫn nhớ không quên. Miền Nam (nói chung) và Miền Tây Nam Kỳ, (nói tắt là Miền Tây), vùng sông nước , vùng đất bồi do con sông Cửu Long đem phù sa từ núi cao về lấn biển. Cái thuở “về phương Nam đi mở nước”, từ những đồng lầy nước nổi quanh năm, chỉ một tấm nóp, một cái phảng là xây dựng cuộc sống ấm no. Người Nam “làm chơi ăn thiệt”, “gạo chợ nước sông” sống cùng thiên nhiên, tôm cá tràn đồng.
<!>
Hôm nay, bỏ lại sau lưng những ngày tháng an bình thạnh trị, mỗi lần gặp nhau “tha hương ngộ cố tri” là nhắc, là nhớ, nhớ những điều đơn giản ngày xưa bây giờ trở thành kỷ niệm. Ôi! Kỷ niệm chỉ là những giọt nước nhỏ nhoi, nhưng nó xoi mòn đất đá, nó xoáy trong tâm khảm làm thành những “hang động” không thể xóa nhòa!

Từ Sài Gòn theo quốc lộ 4 đi qua cầu Bến Lức (Long An), vượt qua ngã ba Trung Lương (Mỹ Tho)… qua song Tiền Giang, đi lần về phà Mỹ Thuận vượt Hậu Giang. Ở đó, Phà Mỹ Thuận, người khách đến thăm, sẽ gặp những ngạc nhiên…Mận, sa bô chê, xoài, ổi, cốc…đầy nhóc ra đó…với “chục có đầu”. Thói thường một chục là 10, cũng có thể một chục là 12; nhưng tới đây là “chục có đầu”. Có nghĩa là một chục được tính là 16. Dân Nam Kỳ rộng rãi là vậy.

Qua khỏi phà, du khách bị tràn ngập trong một mùi thơm nứt mũi, mùi thịt nướng. Dọc theo hai bên là những quán bán chim nướng, những xâu chim nướng vàng ươm, giòn rụm, béo ngậy… Ôi sao mà ngon quá chừng vậy cà! Còn nữa, hãy lên xe. Rẻ tay phải dẫn về Sa Đéc, Long Xuyên, Cao Lãnh; rẻ trái về Cần Thơ (Phong Dinh), đi tiếp đến Phụng Hiệp, ngã bảy, nơi hội tụ của những con kinh xáng múc, thẳng tắp, nước ngập ngụa phù sa, và những về lục bình bông tím lững lờ lên xuống theo con nước, những hàng dừa soi bóng, những chiếc thuyền chở khẳm trái cây, những chiếc tắc ráng xành xạch ngược xuôi …tạo nên cuộc sống rộn ràng, sung túc, bình dị và bình an.

Qua khỏi Phụng Hiệp, bước qua địa phận Ba Xuyên, để đặt chân đến đất Sóc Trăng. Cuộc đất này là một tập hợp của 3 chủng tộc Việt, Hoa, Miên. Những tên gọi nghe lạ, nhưng thân quen với dân Sóc Trăng: Chùa Dơi, Chùa Đất Sét (Bửu Sơn Tự), Chùa Chén Kiểu, Chùa La hán, Chùa Cây Điệp (Chùa Vĩnh Hưng), Chợ nổi Ngã Năm…

Dân Sóc Trăng đi xa có thể quên các danh lam thắng cảnh, nhưng sẽ không quên một món ăn dân dã, đời thường. Bún nước lèo.

Bún nước lèo vốn là một món ăn của người Khmer, nhưng qua bàn tay khéo léo của người dân Sóc Trăng đã trở thành một món riêng cho Sóc Trăng. Nguyên liệu chính để làm nước lèo của món bún này là con mắm được nấu đến khi thịt rã ra thì lọc bỏ xương trộn cùng với nước luộc từ xương heo.

Là một món ăn hấp dẫn bắt mắt ngay từ khi nhìn thấy tô bún được bưng dọn ra bàn. Hãy nhìn xem: Trầm mình trong tô nước luộc trong vắt là những miếng cá lóc gỡ hết xương, tôm tươi lột vỏ, thịt quay xắt nhỏ vuông vức, và bánh cống đi kèm. Để có được tô bún thơm ngon như vầy, người nấu phải trải qua nhiều giai đoạn chuẩn bị, và khéo tay.

Tô bún nước lèo Sóc Trăng là tổng hợp của tất cả các hương vị thân quen của 3 chủng tộc Việt Miên Tàu, nhưng vẫn làm người ta phải xuýt xoa ngay từ lần đầu tiên nếm thử. Không ở đâu mà có một tô bún với hương vị thơm thơm của mắm, vị ngọt, da dòn của thịt heo quay, và cắn ngập răng với những con tôm sư, tôm đất, cộng với chút hăng hăng, cay cay từ rau húng, chua chua của nước chanh. Đó là bún nước lèo Sóc Trăng của vùng đất miền Tây sông nước.

Nếu có dịp đến với xứ sở chùa Dơi, chùa đất sét…v.v., người ta không thể bỏ qua món ăn trứ danh với hương vị đặc biệt này. Với những vật thực đơn giản, quen thuộc; nhưng, tạo nên món bún khiến ai ăn một lần là nhớ mãi không quên.

Các nguyên liệu chính trong tô bún thơm phức đó chính là tôm, cá lóc, thịt heo quay. Và có: mắm (mắm cá linh, cá sặc…), bún, nước dừa tươi, nước mắm, đường, muối, bột ngọt, ớt, dấm, sả, chanh, ngải bún, rau húng quế, rau húng lủi, giá, hẹ, bắp chuối, rau muống (hoặc rau đồng)

Những sợi Bún làm từ loại gạo dẻo, gạo lúa mùa, ngâm nước một đêm rồi xay trong cối đá thành bột nước. Bột lại nhồi thật dẻo và nắm thành từng cục, sau đó cho vào khuôn bún và ép xuống. Các sợi bún xuống nồi nước sôi. Vớt bún đã chín trong nồi nước sang một nồi nước thật trong, pha âm ấm, sau đó bắt thành từng con bún để lên thúng tre đã lót lá chuối tươi.

Nước lèo được nấu từ một số loại mắm như mắm cá sặc, mắm cá linh, cá kèo, cá lóc . Những con mắm cá được nấu rã trong nước, thêm củ sả đập dập, ớt băm nhuyễn để lấy hương vị, ngãi bún (một loại củ giống củ nghệ, màu hơi đậm hơn nghệ) dùng để khử mùi tanh của mắm và nêm đường, bột ngọt cho vừa ăn. Có thể dùng nước dừa xiêm thêm vào nồi nước lèo.

Những loại rau như bắp chuối bào, rau muống chẻ, rau quế, rau răm, rau húng lũi, hẹ lá, giá…Làm nên tô bún.

Nhân tiện đây cũng không quên liệt kê cách nấu món bún nước lèo Sóc Trăng để quý vị nấu thử:

200 gram tôm
300 gram thịt heo quay
500 gram cá lóc
1 kg bún tươi
2 cây ngải bún

100 gram mắm bò hóc (mắm làm từ các loại cá đồng như cá sặc, cá linh…)

5 cây sả
1 củ tỏi
2 trái ớt
1 trái chanh

Các loại rau: giá, hẹ, bắp chuối, rau muống bào, bông súng…
2 trái dừa xiêm
1 củ gừng tươi
Gia vị: dầu ăn, muối, đường, bột nêm, nước mắm, tiêu

Cách Làm:

Cá lóc mua về làm sạch, chà với muối khử mùi tanh, cắt cá thành hai phần đầu và đuôi. Cắt cho phần lòng dính về đầu, bỏ mật cá. Rửa sạch để vào rổ.Tôm rửa sạch, lột vỏ, bỏ đầu, để đuôi lại.

Thịt heo quay cắt thành miếng vừa ăn. Ngải bún, sả rửa sạch, đập dập. Gừng cạo vỏ, cắt thành lát nhỏ. Dừa tươi lấy nước cho vào tô. Tỏi lột vỏ, cho vào máy xay nhuyễn. Mắm cho vào chén nước ấm lọc lấy nước. Các loại rau. Cắt khúc vừa ăn với hẹ.

Bắt nồi nước lên, sôi, cho cá và ít lát gừng, sả vô nồi. Khi cá chín vớt ra ngoài tránh làm nát cá. Gỡ bỏ xương, cắt thành từng miếng nhỏ, cho vào dĩa ướp cùng 1 muỗng canh nước mắm, 2 muỗng canh đường và bột nêm, 1 muỗng canh tiêu xay. Trộn cho các gia vị thấm vào thịt cá khoảng 10 phút. Bắt chảo lên, cho dầu ăn và tỏi xay nhuyễn vào phi vàng. Cho cá vào xào. Đảo nhẹ để miếng cá không bị nát. Bắt nồi lên cho nước nấu sôi, tôm vào luộc sơ.

Nấu nước lèo: Nồi nước luộc cá cho tô nước dừa tươi vô. Nấu sôi, cho chén nước mắm bò hóc, ngải bún, sả vô nấu. Cho các gia vị gồm 4 muỗng canh đường, và bột nêm vào nêm nếm lại.

Bây giờ tới lúc thưởng thức món ăn. Tư tư nhé, lấy bún để vô tô, sắp cá lóc, tôm, thịt heo quay và các loại rau lên trên, sau đó chan nước lèo. Có thể thêm miếng chanh, và chén muối ớt sẽ giúp tô bún nước lèo hấp dẫn hơn. Người Miền Tây hay dùng muối ớt khi ăn các món có nước như cà ry, bún nước lèo.

Quý vị đã có lần nào ăn bún nước lèo Sóc Trăng chưa? Món ăn dân dã, rất thông thường; nhưng qua cách chế biến, nó đã trở nên một phần của đời sống dân Lục Tỉnh. Đến Sóc Trăng, du khách có thể thăm Chùa Đất Sét, Chùa Dơi, thăm vườn chim…và ăn các món ăn quê mùa đạm bạc: Bánh Pía, bánh cống, hoặc chuột đồng nướng rơm, rùa, chim mỏ ác, cò, chàng nghịch …Và không thể quên công ơn của những người di dân theo chân Công Chúa Ngọc Vạn (1621) đi mở nước về phương Nam.

Cũng nên biết thêm một chút lịch sử Sóc Trăng, Tỉnh Ba Xuyên.

Sóc Trăng là một vùng ven biển, thuộc tỉnh Ba Xuyên, đồng bằng sông Cửu Long, Miền Tây Nam Phần.

Lịch sử

Ba Xuyên là một trong 22 tỉnh của Nam Phần được chính quyền Việt Nam Cộng hòa thiết lập theo Sắc lệnh số 143-NV của Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Ngô Đình Diệm ngày 22 tháng 10 năm 1956 để thay đổi địa giới và tên Đô thành Sài Gòn – Chợ Lớn cùng các tỉnh và tỉnh lỵ tại Việt Nam. Địa giới và địa danh các tỉnh ở miền Nam thay đổi nhiều, một số tỉnh mới được thành lập. Theo Sắc lệnh này, địa phận Việt Nam Cộng Hoà gồm Đô thành Sài Gòn và 22 tỉnh. Lúc này, tỉnh Ba Xuyên được thành lập do hợp nhất hai tỉnh Bạc LiêuSóc Trăng trước đó. Tỉnh lỵ tỉnh Ba Xuyên đặt tại Sóc Trăng nhưng lúc này đổi tên là Khánh Hưng, do nằm trong địa phận xã Khánh Hưng thuộc quận Châu Thành (sau đó là quận Mỹ Xuyên).

Ngày 23 tháng 2 năm 1957, tỉnh Ba Xuyên giao quận Kế Sách cho tỉnh Phong Dinh (Cần Thơ).

Tuy nhiên, vào ngày 16 tháng 9 năm 1958, tỉnh Ba Xuyên nhận lại quận Kế Sách từ tỉnh Phong Dinh. Quận Kế Sách trở lại thuộc tỉnh Ba Xuyên cho đến năm 1975.

Năm 1957, tỉnh Ba Xuyên bao gồm 8 quận, 16 tổng, 73 xã:
Quận Châu Thành có 12 xã; quận lỵ: xã Mỹ Xuyên. Gồm 2 tổng: Nhiêu Khánh, Nhiêu Hòa
Quận Thạnh Trị có 12 xã; quận lỵ: xã Thạnh Trị. Gồm 3 tổng: Thạnh An, Thạnh Lộc, Thạnh Lợi
Quận Long Phú có 12 xã; quận lỵ: xã Long Phú. Gồm 2 tổng: Định Hòa, Định Mỹ
Quận Giá Rai có 4 xã; quận lỵ: xã Phong Thạnh. Gồm 1 tổng: Long Thủy
Quận Vĩnh Lợi có 9 xã; quận lỵ: xã Vĩnh Lợi. Gồm 2 tổng: Thạnh Hòa, Thạnh Hưng
Quận Bố Thảo có 8 xã; quận lỵ: xã Thuận Hòa rồi chuyển sang xã Thuận Phú. Gồm 2 tổng: Thuận Phú, Thuận Mỹ
Quận Lịch Hội Thượng có 8 xã; quận lỵ: xã Lịch Hội Thượng. Gồm 2 tổng: Định Chí, Định Phước
Quận Phước Long có 8 xã; quận lỵ: xã Phước Long. Gồm 2 tổng: Thanh Bình, Thanh Yên.

Trong đó, các quận Châu Thành, Thạnh Trị, Long Phú, Bố Thảo, Lịch Hội Thượng trước năm 1956 cùng thuộc tỉnh Sóc Trăng cũ. Riêng 3 quận Giá Rai, Vĩnh LợiPhước Long lại cùng thuộc tỉnh Bạc Liêu cũ, đặc biệt quận Vĩnh Lợi lúc bấy giờ bao gồm cả quận Vĩnh Châu vừa giải thể vốn cũng thuộc tỉnh Bạc Liêu trước đây.

Ngày 13 tháng 1 năm 1958, Bộ Nội vụ Việt Nam Cộng Hòa ban hành Nghị định số 9-BNV/NC/NĐ ấn định các đơn vị hành chánh của tỉnh Ba Xuyên gồm 7 quận, 14 tổng, 68 xã. Theo đó, quận Châu Thành đổi tên thành quận Mỹ Xuyên, quận Bố Thảo đổi tên thành quận Thuận Hòa, bỏ quận Lịch Hội Thượng, quận Thạnh Trị bỏ tổng Thạnh Lợi, quận Long Phú có thêm tổng Định Phước.

Năm 1958

Quận Mỹ Xuyên có 2 tổng, 9 xã:
Tổng Nhiêu Khánh có 4 xã: Khánh Hưng, Mỹ Xuyên, Tài Văn, Thạnh Thới An
Tổng Nhiêu Hòa có 5 xã: Đại Tâm, Tham Đôn, Thạnh Phú, Phú Mỹ, Hòa Tú

Quận Thạnh Trị có 2 tổng, 10 xã:
Tổng Thạnh An có 5 xã: Thạnh Trị, Châu Hưng, Châu Thới, Thạnh Kiết, Gia Hòa
Tổng Thạnh Lộc có 5 xã: Vĩnh Lợi, Mỹ Qưới, Vĩnh Qưới, Tuân Tức, Tân Long
Quận Long Phú có 3 tổng, 17 xã:
Tổng Định Mỹ có 5 xã: Long Phú, Tân Hưng, Đại Ân, Tân Thạnh, An Thạnh Nhì
Tổng Định Phước có 4 xã: Lịch Hội Thượng, Trung Bình, Viên An, Liêu Tú
Tổng Định Hòa có 8 xã: Châu Khánh, An Thạnh Nhứt, Đại Ngãi, Long Đức, Phú Hữu, Hậu Thạnh, Song Phụng, Trường Khánh

Quận Thuận Hòa có 2 tổng, 9 xã:
Tổng Thuận Mỹ có 5 xã: Thuận Hòa, Mỹ Hương, Thuận Hưng, Phú Tâm, An Ninh
Tổng Thuận Phú có 4 xã: Mỹ Phước, Mỹ Tú, Phương Long, Mỹ Hưng

Quận Vĩnh Lợi có 2 tổng, 10 xã:
Tổng Thạnh Hòa có 5 xã: Vĩnh Lợi, Long Thạnh, Hòa Bình, Hưng Hội, Vĩnh Trạch
Tổng Thạnh Hưng có 5 xã: Vĩnh Châu, Vĩnh Phước, Lai Hòa, Lạc Hòa, Khánh Hòa

Quận Giá Rai có 1 tổng là Long Thủy và 4 xã: Phong Thạnh, Long Điền, An Trạch, Vĩnh Mỹ

Quận Phước Long gồm 2 tổng, 9 xã:
Tổng Thanh Bình có 5 xã: Phước Long, Vĩnh Phú, Ninh Hòa, Ninh Qưới, Vĩnh Hưng
Tổng Thanh Yên có 4 xã: Phong Thạnh Tây, Ninh Thạnh Lợi, Lộc Ninh, Vĩnh Lộc.

Năm 1960

Ngày 5 tháng 12 năm 1960, quận Vĩnh Châu được tái lập, quận lỵ đặt tại xã Vĩnh Châu. Quận Vĩnh Châu có một tổng là Thạnh Hưng, do tách ra từ quận Vĩnh Lợi.

Ngày 16 tháng 6 năm 1961, quận lỵ Thạnh Trị dời đến chợ Ngã Năm và quận lỵ Mỹ Xuyên dời đến xã Hòa Tú.

Ngày 3 tháng 1 năm 1962, quận Phước Long và một phần nhỏ quận Thạnh Trị được cắt chuyển về tỉnh Chương Thiện mới được thành lập.

Ngày 27 tháng 8 năm 1962, quận lỵ Mỹ Xuyên được dời về Bãi Xàu, quận lỵ được gọi là Trang Kỉnh.

Ngày 8 tháng 9 năm 1964, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa tách một phần tỉnh Ba Xuyên để tái lập tỉnh Bạc Liêu. Tỉnh Bạc Liêu khi đó gồm 4 quận: Vĩnh Lợi, Vĩnh Châu, Giá Rai, Phước Long. Phần đất còn lại tương ứng với tỉnh Sóc Trăng trước năm 1956, tuy nhiên Việt Nam Cộng Hòa vẫn giữ tên gọi tỉnh Ba Xuyên cho vùng đất này đến năm 1975.

Năm 1965 bãi bỏ đơn vị hành chánh cấp Tổng.

Ngày 11 tháng 12 năm 1965, quận Lịch Hội Thượng được tái lập do tách ra từ quận Long Phú, quận lỵ đặt tại xã Lịch Hội Thượng.

Ngày 26 tháng 3 năm 1966, quận lỵ Thuận Hòa được dời từ Ngã Tư chợ Mỹ Tú đến xã Mỹ Hương.

Ngày 23 tháng 4 năm 1968, một phần đất quận Kế Sách được cắt chuyển về quận Phong Thuận (mới lập) thuộc tỉnh Phong Dinh. Quận lỵ quận Phong Thuận đặt tại Cái Côn (thuộc xã An Lạc Thôn).

Ngày 6 tháng 5 năm 1968, quận lỵ Thạnh Trị được dời từ chợ Ngã Năm (xã Vĩnh Qưới) đến Phú Lộc (xã Thạnh Trị).

Ngày 11 tháng 7 năm 1968, quận Hoà Tú được thành lập do tách đất từ quận Mỹ Xuyên và quận Thạnh Trị, quận lỵ đặt tại xã Hòa Tú.

Ngày 16 tháng 6 năm 1969, quận Ngã Năm được thành lập, quận lỵ đặt tại Ngã Năm (xã Vĩnh Qưới).

Năm 1970

Quận Hòa Tú gồm 2 xã: Gia Hòa, Hòa Tú

Quận Lịch Hội Thượng gồm 4 xã: Lịch Hội Thượng, Liêu Tú, Trung Bình, Viên An

Quận Long Phú gồm 13 xã: An Thạnh Nhứt, An Thạnh Nhì, Châu Khánh, Đại Ân, Đại Ngãi, Hậu Thạnh, Long Đức, Long Phú, Phú Hữu, Song Phụng, Tân Hưng, Tân Thanh, Trường Khánh

Quận Mỹ Xuyên gồm 8 xã: Đại Tâm, Khánh Hưng, Mỹ Xuyên, Phú Mỹ, Tài Văn, Tham Đôn, Thạnh Phú, Thạnh Thới An

Quận Ngã Năm gồm 5 xã: Mỹ Qưới, Tân Long, Vĩnh Lợi, Vĩnh Qưới, Vĩnh Tân

Quận Kế Sách gồm 9 xã: An Mỹ, An Lạc Tây, Ba Trinh, Đại Hải, Kế An, Nhơn Mỹ, Phú Tâm, Thới An Hội, Thuận Hòa

Quận Thạnh Trị gồm 4 xã: Châu Hưng, Thạnh Kiết, Thạnh Trị, Tuân Tức

Quận Thuận Hòa gồm 5 xã: An Ninh, Long Hưng, Mỹ Hương, Mỹ Phước, Mỹ Thuận.

Năm 1972

Quận Hòa Tú gồm 4 xã: Hòa Mỹ, Hòa Thạnh, Hòa Tú, Hòa Vân

Quận Lịch Hội Thượng gồm 4 xã: Lịch Hội Thượng, Liêu Tú, Trung Bình, Viên An

Quận Long Phú gồm 12 xã: An Thạnh Nhứt, An Thạnh Nhì, Châu Khánh, Đại Ân, Đại Ngãi, Hậu Thạnh, Long Đức, Long Phú, Phú Hữu, Tân Hưng, Tân Thanh, Trường Khánh

Quận Mỹ Xuyên gồm 8 xã: Đại Tâm, Khánh Hưng, Mỹ Xuyên, Phú Mỹ, Tài Văn, Tham Đôn, Thạnh Phú, Thạnh Thới An

Quận Ngã Năm gồm 4 xã: Mỹ Qưới, Tân Long, Vĩnh Qưới, Vĩnh Tân

Quận Kế Sách gồm 10 xã: An Mỹ, An Lạc Tây, Ba Trinh, Đại Hải, Kế An, Nhơn Mỹ, Phú Tâm, Song Phụng, Thới An Hội, Thuận Hòa;

Quận Thạnh Trị gồm 6 xã: Châu Hưng, Gia Hòa, Thạnh Kiết, Thạnh Trị, Tuân Tức, Vĩnh Lợi

Quận Thuận Hòa gồm 6 xã: An Ninh, Long Hưng, Mỹ Hương, Mỹ Phước, Mỹ Thuận, Mỹ Tú.

Năm 1973, tỉnh Ba Xuyên gồm 8 quận: Mỹ Xuyên, Thuận Hòa, Long Phú, Thạnh Trị, Kế Sách, Ngã Năm, Lịch Hội Thượng, Hòa Tú.

Nguồn gốc:

Tên gọi Sóc Trăng do chữ Srok Kh’leang, tiếng Khmer mà ra. Srok tức là “xứ”, “cõi”, Kh’leang là “kho”, “vựa”, “chỗ chứa bạc”. Srok Kh’leang là xứ có kho chứa bạc của nhà vua. Tiếng Việt phiên âm ra là “Sốc-Kha-Lang” rồi sau đó thành Sóc Trăng. Dưới triều Minh Mạng, Sóc Trăng đổi là Nguyệt Giang tỉnh (chữ Sóc biến thành chữ Sông, Trăng thành Nguyệt nên Sóc Trăng biến thành Sông Trăng rồi bị đổi thành Nguyệt Giang)

Đại Nam nhất thống chí viết về Ba Xuyên thuộc tỉnh An Giang nhà Nguyễn như sau: “… Sông Ba Xuyên ở phía Nam hạ lưu sông Hậu Giang, cách huyện Vĩnh Định 8 dặm về phía Bắc, trước là sông Ba Thắc, rộng 15 trượng sâu 8 thước, đi về phía Nam 15 dặm, đổ ra cửa biển Ba Xuyên, đi về phía Tây 60 dặm đến trường Tàu, tức là chỗ tàu biển đỗ. Ở đây người Trung Hoa và người Cao Miên ở lẫn lộn, chợ phố liên tiếp, lại 65 dặm đến ngã ba sông Nguyệt, tục gọi là Sóc Trăng,… Năm Kỷ Dậu (1789) hồi đầu thời trung hưng đặt bảo Trấn Di ở phía Bắc sông Ba Thắc, tức sông này.”

Sóc Trăng nằm ở cửa Nam sông Hậu Giang, cách Sài Gòn khoảng 230 km, cách Cần Thơ 60 km, nằm trên Quốc lộ 4 nối liền các tỉnh Phong Dinh (Cần Thơ) Bạc Liêu, Cà Mau. Có bờ biển dài 70 km và 3 cửa sông lớn là Định An, Trần Đề, Mỹ Thanh đổ ra biển Đông Hải./. (Lê Bình biên soạn)

Tài liệu tham khảo:



Việt Nam Cộng hòa bản đồ hành chánh. Đà Lạt: Phân cục Địa dư Quốc gia, 1967.
https://vi.wikipedia.org/wiki/Ba_Xuy%C3%AAn

Không có nhận xét nào: