Tôi chưa muốn bỏ một thói quen không tốt. Nghĩa là vẫn rề rà, lẩn thẩn trước khi nắm tay thơ, đi thẳng vào thi phẩm, tác giả. Tản mạn theo một số thơ đang đọc, không khác bao nhiêu chuyện bình giảng về thơ Trần Kế Xương, Nguyễn Khuyến, Cao Bá Quát, Nguyễn Du... Cái khó, cái khác, ở đây là mình phải tự chọn một tác giả, để vào thăm viếng thơ của họ, phá phách họ chút ít cho vui. Tác giả trong cõi thơ Việt Nam quá đông. Có cả đời chưa chắc ghé chào đầy đủ. Bắt đầu cuộc chơi muộn, tôi đành chia từng khu vực theo địa lý. Và với chút xíu cục bộ, tôi khoanh mục tiêu đầu tiên: Quảng Nam.
<!>
Lạ, cái đất chưa mưa đã lụt này, có quá nhiều người sính thơ, làm thơ. Tôi mừng cho mình đã đọc tất cả những thi phẩm tìm được. Không có bất cứ điều đặc biệt nào dành riêng cho tác giả. Quen tên trước hay chưa cũng như nhau. Và dĩ nhiên, không phải tác giả nào, cũng bị tôi nắm thơ họ để đi theo tán dốc. Gia tài thơ tôi sưu tập không nhiều, nhưng đang hiện diện quý anh chị đã rất thâm niên trong nghề làm thơ . Hôm nay, xui cho ông Mạc Phương Đình bị tôi làm phiền.
Mạc Phương Đình là nhà thơ, xuất thân từ thị trấn Tam Kỳ đất Quảng Nam. Theo lý lịch vắn tắt được công bố trên cả ba tác phẩm: Mạc Phương đình là bút hiệu của một người rất Việt Nam với quí danh Lê Tuấn Ngô. Những hư cấu hấp dẫn về thân thế sự nghiệp Mạc Phương Đình, của ông Việt Hải trên trang web Đặc Trưng, đã được một người cháu bên nội của Mạc Phương Đình là Vi Hoàng, lên tiếng. Tuy vậy, phần tiểu sử của Mạc Phương Đình, vẫn còn nằm trong nghi vấn, vì chính nhà thơ chưa tỏ thái độ đồng thuận hay đính chính. Anh có là cháu nhiều đời của cụ ba tàu Quảng Đông Mạc Cửu hay không ? Hà cớ nào phải chuyển mình từ Mạc sang Lê ? để bị bắt đi tù cải tạo đến mười năm, về tội cỏng rắn cắn gà nhà của cha ông. Cũng may họ không xử anh tội Ngụy quân, Ngụy quyền.
Một điểm nữa: Có lẽ để giữ ấn tượng thanh xuân trong lòng bạn đọc, trong ba tác phẩm đã xuất bản, kể cả tuyển tập thơ in chung với Vũ Đình Trường, Vô Tình, Quang Huỳnh, Hoàng Định Nam, Mạc Phương Đình cũng không cho biết năm sinh của mình. Qua tấm chân dung, độc nhất được phổ biến, có thể đoán, anh ra đời vào thập niên 40 hoặc những năm cuối của thập niên ba mươi.
Tôi hơi méo mó về chuyện tìm hiểu tác giả, bởi cái thú sưu tầm tiểu sử những người làm văn học nghệ thuật, vẫn đang trên đường thực hiện. Tôi muốn giúp Lê Bảo Hoàng tránh bớt những sai sót, đã có khá nhiều.
Tính đến thời điểm 2005, Mạc Phương Đình đã cho in ba tập thơ: Lời Ru Của Mẹ, 2001. Những Dòng Kỷ Niệm, 2002. Ru Người Ru Đời, 2005. Cả ba thi phẩm đều do Yêu Thương xuất bản. Yêu Thương có lẽ là cơ sở do chính tác giả chủ trương, vì không thấy in một tác phẩm của ai khác. Tập truyện mang tên Tấm Thẻ Bài qua bút hiệu Cẩm An Sơn, một bút hiệu khác của Mạc Phương Đình, vẫn còn ghi sẽ xuất bản vào năm 2005.
Lời Ru Của Mẹ, bìa màu vàng nhạt. Họa phẩm Quê Mẹ của Huỳnh Văn Phụng là khuôn mặt của tập thơ dày 144 trang, giấy vàng nhạt. Trong sách có bài thơ “cảm đề” của nhà thơ Hà Thượng Nhân, lời bạt của nhà thơ nữ Huệ Thu, phụ bản của Huỳnh Ngọc Diệp. Chăm sóc trình bày nội dung bởi Phạm Hoàng Yến. Lưng bìa sau, ngoài vài dòng tiểu sử khiêm nhường, còn có một ảnh màu về tổng thể núi Ngũ Hành Sơn Quảng Nam. Phía bên trên tấm ảnh, in đậm nét bốn câu:
Con khôn lớn bằng lời ru của mẹ
những lời ru thấm đẫm bốn quai nôi
mẹ đã mất nhưng lời ru còn đó
trong tim con thao thiết đến muôn đời
Qua bốn câu trên cộng với tên cuốn sách, cho người đọc thấy thấp thoáng nội dung của tác phẩm: Viết về mẹ, hay ít nhất, mẹ là điểm tựa cho những bài thơ quây quần. Trong lời mở ngắn gọn, tác giả đã tâm sự:
“... những lời ru của mẹ đã nuôi tôi lớn lên, dẫn dắt tôi vào đời, vực tôi dậy khi tôi vấp ngã, và cũng từ những lời ru huyền hoặc khói sương đó, mẹ đã dạy tôi làm thơ.
Xin được cám ơn mẹ, cám ơn bè bạn, cám ơn đời...”
(LRCM trang 11)
Những thế hệ trước năm 1975, nhiều người đã có cái may mắn lớn lên trong điệu hát ru em, một thực phẩm tinh thần, quí như tình thương yêu. Mạc Phương Đình đã vượt trội hơn nhiều người, trong việc tiêu hoá chất dinh dưỡng này. Tiếng ru em của một đời người thường khởi đi từ Mẹ. Mạc Phương Đình đã lưu giữ đầy tim những lời ru của mẹ. Khi không còn được trực tiếp mớm nuôi, anh mang những lời ru ấy ra nhìn ngắm, bằng cách vẽ lên thơ:
Nửa khuya giọng hát nhà ai
âm ba tiếng mẹ ru dài phố đêm
lời ru khi nổi khi chìm
mang mang hoài niệm cho tim bồi hồi
ta thầm gọi nhỏ: mẹ ơi
tháng ngày thơ ấu đẫm lời me ru
nghe trong tiềm thức sa mù
giọng xuân đầm ấm, giọng thu dịu dàng
trưa hè giọng Mẹ nhặt khoan
đêm đông lời Mẹ như than lửa hồng
một đời thân mẹ long đong
lời ru vẫn mãi thanh trong ngọt ngào
lời ru như giấc chiêm bao
chắp con đôi cánh bay vào tương lai
mải mê biển rộng sông dài
con đi giữ nước áo phai bụi đường
lời ru tình tự quê hương
ngợi ca quốc sử anh hùng tiền nhân
lời ru Mẹ đã bao lần
giục con tiến bước trước ngàn chông gai.
Vọng khuya nghe tiếng ru dài
viễn phương lòng vẫn u hoài niềm đau
(lời Ru Của Mẹ 12-13)
Lời ru, giọng ru của mẹ qua thơ, không chỉ có nội dung của một tấm lòng, nỗi cay đắng truân chuyên trong cuộc sống, mà còn hiện rõ những vóc dáng, cử chỉ của một người mẹ Việt Nam.
Ca ngợi tình mẹ, trong âm nhạc, hội họa, điêu khắc, nhiếp ảnh, thi ca... ngàn đời vẫn là một đề tài, được trân trọng khai thác. Mỗi tác giả, mỗi bộ môn, vẫn từ một cái nhìn chung, nhưng tạo cách thể hiện riêng. Riêng phần Mạc Phương Đình, ngoài bài trích dẫn trên, anh còn có những câu thật tha thiết:
“ con đi tù, mẹ ngồi lặng lẽ
nhìn núi xa mắt mẹ rưng rưng
nỗi đau như những vòng dây trói
để bước con phải ngập ngừng...”
(Nỗi Đau Của Mẹ, 34 -35)
“nắng ngoài sân trải vàng như lụa
mẹ còng lưng ngồi tựa bên thềm
mẹ gói trọn gian truân vất vả
mang vào thiên thu hai chữ thành tâm”
(Gian Truân Tuổi Mẹ, 58-59)
“... mẹ sống âm thầm như chiếc bóng
cùng cháu, dâu, bữa cháo bữa rau
ngày lội bộ vài mươi cây số
còng lưng già mang góp ngô khoai
răng mẹ rụng ngô khoai sượng cứng
nghĩ thương con mẹ cũng gắng nhai
chong đèn khuya khoắt ngồi khâu áo
kim nhỏ đâm nhầm chảy máu tay
mẹ ơi thương mẹ thời gian khó
mãi tấc lòng đau với tháng ngày”
(Thương Mẹ Gian Truân, 98-99)
“ ôi thần tiên đôi bàn tay mẹ
đôi bàn tay tắm mát tuổi thơ
tay nâng bầu sữa cho con bú
tay dắt con qua những dại khờ
nhịp võng tay đưa, chiều nóng nực
chăn khuya tay đắp dỗ con mơ
tay ấp ôm con ngày trở gió
tay ru khẻ quạt, giọng ầu ơ
tay mẹ dìu con từng bước một
đôi chân vụng dại thuở ban sơ
tay mẹ nâng con vào tuổi lớn
xa con vài bữa, mẹ trông chờ
con ngã bao lần, đau tuổi mẹ
tháng ngày khổ nhọc với con thơ
mẹ chỉ đôi tay, nhưng tất cả
niềm yêu trãi rộng mãi vô bờ”
(Bàn Tay Mẹ 120-121)
Hình ảnh người Mẹ, đã được nhà thơ Mạc Phương Đình, dùng chính tình yêu thương, kính trọng của mình để gởi đến bạn đọc, qua năm bài thơ trên. Năm mươi bảy bài còn lại, tác giả viết với nhiều chủ đề: tình yêu lứa đôi, tình quê hương, tình bạn, suy tư về thân phận con người...Những chủ đề chung này, chúng ta thường bắt gặp, ở hầu hết các tập thơ đã in từ trước đến nay. Thưởng thức Lời Ru Của Mẹ, có khá nhiêu cây bút có xuất hiện trên báo đất, báo mạng nhận xét. Trước nhất là những dòng của nhà thơ nữ Huệ Thu, qua lời bạt:
“... lời thơ Mạc Phương Đình không sôi nổi nhưng sâu, cô đọng. Ông nói nhiều về đất nước, về gia đình, về bè bạn, về ngôi trường cũ Trần Cao Vân – nói bằng giọng nói thật ngọt ngào, trìu mến.
Thơ của ông, ngay trong những bài vui như bài Thơ Xuân Chúc Bạn vẫn có một chút gì đó man mác buồn
... Mạc Phương Đình là một tên tuổi mới, nhưng thơ ông thật đã có thể dành một chỗ ngồi riêng...
... Tôi ít thấy nhà thơ nào, ở ngay tập đầu đời đã thành công như Mạc Phương Đình...”
Huệ Thu
(Vài cảm nghĩ... 139)
Nhà văn Tràm Cà Mâu lý thú nhận thấy:
“... tiếng chim hót trong khu vườn buổi sáng
giọng trong veo, như tiếng chú chìa vôi
kià, chính nó, chú chim đen cánh trắng
chiếc đuôi dài theo nhịp múa không thôi”
Làm thơ mà tả con chim chìa vôi như thế này thì thật là tuyệt diệu. Khi đọc đến đoạn thơ này khoái quá, tôi kêu “bà xã” ra đọc cho nghe.. Bài thơ “Một Góc Quê Hương” này thật đẹp và lạ (xin khen thêm một phát)
Theo tôi nhận thấy, tập Lời Ru Của Mẹ, là một trong những tập thơ có giá trị và hay, mà tôi được thưởng thức. Tôi đã đọc tập thơ của anh một mạch từ đầu đến cuối. Thơ anh lời tự nhiên, không cần trau chuốt, không làm dáng, đọc rất cảm động, và nhạc thơ cũng rất dịu dàng, song suốt. Tôi không thấy có bài nào có thể gọi là “dở”, những bài thơ mà tôi ít thích nhất, cũng được gọi là trung bình...”
(nhà văn Tràm Cà Mâu, tháng 8-01)
Đọc thơ, hình như có khác đọc truyện, không có mấy người, đọc được một mạch từ đầu đến cuối một thi phẩm. Nhà văn Tràm Cà Mâu đã làm được việc này, chứng tỏ sự đồng cảm giữa người viết và người đọc, đạt đến độ tuyệt hảo.
Khác cái nhận xét cụ thể của nhà văn, thi sĩ Chu Vương Miện, có những dòng siêu quát hơn:
“...Mạc Phương Đình là một người có nhân cách và phong cách làm thơ, làm người. Ông dùng chữ điêu luyện nhưng không tân kỳ, thơ ông dạt dào nhưng chưa tuyệt, mênh mông nhưng không vô tận, bồng bềnh nhưng vẫn bị giới hạn...”
(nhà thơ Chu Vương Miện)
Không thấy thi sĩ trích dẫn. Những với những lời phát biểu trên, tôi đoán chừng Chu Vương Miện gặp được nhiều bài ít thích nhất, hơn hẳn ông Tràm Cà Mâu. Một cây bút nữ khác, thường xuất hiện trên nhiều trang báo điện toán, với dòng thơ chính khí quê hương, bà Ngô Minh Hằng, thành thật:
“... tôi đã thức thật khuya để thưởng thức từng bài thơ hay và thật cảm động của anh..., và xin được nói với anh cảm nghĩ thật của tôi khi đọc “Lời Ru Của Mẹ” ... là ngôn ngữ và kỹ thuật trong thi phẩm rất long lanh và điêu luyện”
(nhà thơ Ngô Minh Hằng)
Ngoài những nhận xét trên, Lời Ru Của Mẹ, còn có ý kiến của: nhà thơ Lam Điền Nguyễn Thứ, luật sư Nguyễn Tường Bá, nhà thơ Lê Duy, nhà văn Thanh Thương Hoàng. Trong dịp về quân Cam ra mắt sách, nhà thơ Mạc Phương Đình được chào nồng nàn. Ông Thái Tú Hạp, nhà thơ, chủ nhiệm tuần báo Saigon Times, tặng tác giả Lời Ru Của Mẹ những lời thật văn hoa:
“... Đọc thơ anh thơm ngát mùi quế Trà Mi, Tiên Phước, những hoa trà Kỳ Sơn, con suối Quế Tiên lấp lánh dưới ánh mặt trời. Tình yêu như đoá hoa Lan Rừng khép nép bên bờ đá xanh thơ mộng”
Thái Tú Hạp
(tựa Những Nhánh Sông Quê Hương)
Sau thi phẩm Lời Ru Của Mẹ, tập thơ Những Dòng Kỷ Niệm ra đời năm 2002. Mẫu bìa trang nhã nền tím nhạt. Họa phẩm “Em, Ngày Xưa” của họa sĩ Huỳnh Ngọc Diệp, tạo nét thơ cho cuốn sách. Điểm đặc biệt: tên sách chữ nhỏ và nằm chìm trong tranh. Tên tác giả chữ lớn, nghiêm chỉnh, được đặt ở vị trí thường dành cho tên sách. Ruột, giấy vàng nhạt, loại tốt. Ngoài thơ, còn có phác họa phụ bản của Huỳnh Ngọc Diệp, và nhiều trang cảm nhận của một số tác giả, tâm đắc với thơ Mạc Phương Đình.
Như một thỏa hiệp bất thành văn, mọi phát biểu cho bất kỳ tác phẩm nào, của ai, được in chung với tác phẩm, cũng là những tràng pháo tay nồng nàn. Không tán thưởng nội dung, thì hoan nghênh hình thức, kỹ thuật. Có thật. Có giả. Có ăn theo. Có xã giao. Điều này cũng hợp lý, vì những bài viết đa số chỉ nhằm mục đích giới thiệu. Không ai thiếu tế nhị, đi mổ xẻ một tác phẩm dưới cái nhìn riêng của mình, đem đến sự không vừa ý cho người nhờ giới thiệu. Một tác phẩm, một cuốn sách có tựa, có bạt, có cả những ý kiến đưa đẩy, hình như có sự đậm đà ở tầm vóc. Một điều khó là không phải tác giả nào, cũng tìm thấy dễ dàng những người sẵn lòng đưa đường. Nếu Lời Ru Của Mẹ có những dòng Cảm đề của cụ Hà Thượng Nhân ( Tôi vốn yêu thơ từ thuở nhỏ / người cho xem thử mấy lời ru / ... lời ru của mẹ lời ru ấy / có rối cùng chăng tóc Nguyễn Du /...tối nay gối sách kê đầu ngủ / tưởng gối tình nhau thuở học tro / tưởng vẫn thơ mình ngày thuở ấy / cảm ơn trời đất những cơn mơ) và bài bạt thân tình của Huệ Thu, thì Những Dòng Kỷ Niệm, được những dòng thơ của Huệ Thu (... mẹ ru lời mẹ thiết tha / câu thơ lục bát dẫn ta vào đời / Phương Đình này bạn ta ơi / làm thơ lục bát tặng người được chăng ?) và mở tập của cụ Hà Thượng Nhân. Quả là một hạnh phúc lớn cho nhà thơ họ Mạc. (Lê).
Trong bản văn vào tập, sau khi đưa ra một số nhận xét chung về thi ca, nhà thơ Hà Thượng Nhân viết:
“ Mạc Phương Đình hẳn phải yêu thơ lắm. Thơ anh là quê hương anh, là cái trường Trần Cao Vân nào đó ở Tam Kỳ, là tiếng mẹ ru, là những người bạn thuở nhỏ, là những mối tình ngượng ngập nơi cầu ao, nơi bờ giậu.
Anh không làm dáng trong thơ. Người đàn bà khi đã phải làm dáng quá quắt là bắt đầu không còn đẹp nữa. Thơ Mạc Phương Đình có nhiều câu, làm tôi quý mến. Anh là một người trung hậu...”
Và cũng như tập đầu tay, Mạc Phương Đình dành một trang văn xuôi, thổ lộ nỗi tình của mình. Nguyên văn đầy đủ:
“ Có lẽ khi bắt đầu luống tuổi, là lúc con người thường nghĩ về quá khứ. Dĩ vãng như một cuốn phim dài dặc, muôn màu muôn sắc, không phải được chiếu lại từ đầu, mà từ một bắt gặp, một giây phút tình cờ, một giấc mơ nào...Như chợt có nỗi vui, nỗi buồn hay một thoáng bâng khuâng...Từ một góc chiều xa vắng. Cánh chim trời lẻ loi bay về đâu trước hoàng hôn. Chút ráng trời vương vất trên chỏm núi xa... Con đò nơi nào trôi trên dòng trăng khuya, lặng lẽ. Những khoảnh khắc thật bất ngờ. Những hình ảnh quá khứ như những ánh chớp, lóe lên trong tiềm thức, đánh thức niềm đau, nỗi tiếc hoài...
Và từ đó, kỷ niệm bỗng hiện về, mang đầy những dấu vết ngậm ngùi, những kỷ niệm vừa cay đắng, vừa ngọt ngào ấy,vào thật sâu trong đáy tim mình, cho nó ngủ yên, nhưng...
... dường như vẫn còn nghe thao thức từ trái tim, với những dòng kỷ niệm”
(ghi chú: những chấm lững trong bài, đúng nguyên văn, không phải thay những cắt bớt – HKQ).
Vịn vào những dòng trên, ta có thể xem tập Những Dòng Kỷ Niệm, như một cuốn hồi ký, thực hiện bằng nhiều thể thơ.
Bài thơ đầu:
xin chép lại những dòng kỷ niệm
bao nỗi buồn cùng với niềm vui
quê cha, đất tổ, xa ngàn dặm
bè bạn, người thân, cách biệt rồi
“thơ ấu trăng về đùa trước ngõ
lớn khôn vùng vẫy sóng ngàn khơi
khó khăn, tay gượng lời ru mẹ
gian khổ, lời cha dạy ở đời
nợ nước thân trai cùng gánh vác
tình yêu thầm lặng mãi không vơi
những trang nhật ký còn ghi dấu
lưu bút ngày xanh nợ với người
chôn kín hẹn hò cùng tuổi trẻ
đường tình thơm ngát tuổi đôi mươi
Tam Kỳ mòn gót chân lưu luyến
phố Huế nàng thơ giấu nụ cười
một thuở Nha Trang mưa nắng gọi
Sài Gòn khoe sắc đóa hồng tươi
bao nhiêu gặp gỡ rồi chia biệt
để lại trong nhau những ngậm ngùi”
xin giữ nơi đây dòng kỷ niệm
thương hoài dĩ vãng cố nhân ơi
(Những Dòng Kỷ Niệm)
Từng chặng đời của tác giả được vẽ lại, từ ấu thơ đến thời kỳ đã quá ngưỡng cửa “ ngũ tri thiên mệnh” của đức Khổng Tử. Mỗi một giai đoạn đáng nhớ, được cô đọng trong bảy chữ, hoặc nhiều gấp đôi. Tuy vắn tắt nhưng mang đủ tâm sự đã từng có trong đời. Kỷ niệm nối đuôi kỷ niệm, thứ lớp chỉnh tề. Địa danh, hình ảnh là những điểm tựa linh động cho từng câu thơ gối đầu. Có thể xem bài thơ này là bài tổng quan cuộc đời nhà thơ xứ Tam Kỳ. Thành công của bài thơ, nằm trong sự sáng sủa của chữ nghĩa, lẫn cái nghiêm chỉnh của thể luật thất ngôn.
Sau bức tranh khái quát trên, chúng ta bắt gặp rất nhiều bức ảnh có giá trị kỷ niệm riêng của tác giả.
Bức ảnh thứ nhất, tôi thấy cần giới thiệu cùng bạn đọc: Quê Xưa:
tiếng chim hót dội lên vùng ký ức
đưa tôi về thơ ấu tuổi mười ba
nơi làng cũ cùng tháng ngày mới lớn
bao thân thương yêu dấu chốn quê nhà
ngôi trường nhỏ có bờ tre bóng mát
chim dộc về làm tổ ở trên cao
đàn cò trắng tìm mồi trên ruộng lúa
chú chim cu buổi sáng gởi câu chào
những trưa nồng tiếng ve ran trong lá
mẹ bồng em trên võng ngủ lơ mơ
câu hát cũ nghe thuộc làu trong trí
giọng ru buồn man mác khúc ầu ơ
mê tháng tám, giậu vàng lên hoa cúc
đêm lồng đèn trăng chở Tết trung thu
nhịp lửa trại vui sân đình rộn rã
gởi thơ ngây qua năm tháng mịt mù
rồi mưa gió cùng con đường lầy lội
cơn bão về gãy rụi những cành cây
trong vườn chuối, lá tả tơi be bét
mẹ than rằng bánh tết gói sao đây
cây mai nhỏ trước sân vừa hái lá
cho cuối đông hoa nở kịp giao thừa
nồi bánh tét chiều ba mươi lửa đỏ
người đi xa lặng nhớ nỗi quê xưa
(Quê Xưa)
Bài thơ là những nhịp bước của tháng năm. Thật có trật tự trong sự nhớ thương. Mỗi bước dẫn dắt chính người viết lượm lại những gì đã có, đã đánh rơi. Mạc Phương Đình chứng tỏ khả năng viết về quê hương rất tốt. Người đọc chắc chắn sẽ nghĩ đến những Đoàn Văn Cừ, Anh Thơ, Bàng Bá Lân, Trần Huiền Ân... Quê Xưa của Mạc Phương Đình nếu xuất hiện trước 1975, tôi nghĩ thế nào cũng được mang vào sách giáo khoa, bậc tiểu học, để làm bài học thuộc lòng cho các em. Được chọn cho vào sách giáo khoa dù là bậc tiểu học, không phải là chuyện dễ dàng. Tôi nhớ thời bấy giờ tại miền trung, thơ Trần Huiền Ân và Luân Hoán đã có cái may mắn này.
Để tìm những câu xuất sắc trong bài thơ vừa dẫn, riêng tôi sẽ chọn:
1. tiếng chim hót dội lên vùng ký ức
2. chú chim cu buổi sáng gởi câu chào
3. mê tháng tám, giậu vàng lên hoa cúc
4. đêm lồng đèn trăng chở Tết trung thu
Mạc Phương Đình xử dụng động từ rất thích hợp, rất đúng chỗ. Từ dội ở câu 1 vẽ ra được cái vang vọng, cái thu hút, cái thôi thúc mảnh liệt, Từ gởi tạo ra hình ảnh thân thiện giữa vật và người. Đọc trọn câu nghe bình thường, thật ra có sự mới mẻ nhờ động từ gởi này. Câu thứ ba sẽ là câu thơ quen thuộc, cùn mòn trong hình ảnh, nếu không có động từ mê đi đầu câu. Nhờ từ mê, câu thơ trở thành xuất sắc nhất trong bốn câu. Chở ở câu bốn đã nói lên được sự linh hoạt của ngày hội nhi đồng.
Theo sát với chủ đề Những Dòng Kỷ Niệm, những bài thơ tiếp theo hai bài vừa giới thiệu, vẫn chỉ mang sứ mệnh của một ảnh chụp, với đầy đủ kỷ niệm buồn vui, mà tác giả đã trải qua. Để minh chứng, xin trích thêm vài bài:
ta về thăm lại trường xưa
Trần Cao Vân ngủ trong mưa buổi chiều
hàng cây phượng đứng buồn thiu
sân chơi mờ những khung rêu dịu dàng
gốc đa oằn dấu thời gian
nhìn ra bạn cũ ngỡ ngàng chào nhau
thì thầm trong nhịp mưa mau:
“tên trường đã đổi, còn đâu người về”
(Thăm Trường Cũ)
Tôi nghĩ, tác giả rất tâm đắc với câu cuối cùng. Câu này có thể hiểu hai ý.
1. Trường đã đổi tên nên không còn ai về thăm nữa. (xác định).
2. Trường đã đổi tên còn có ai về thăm nữa không.(nghi vấn)
Với thơ, không nhất thiết phải thêm dấu hỏi phía sau mới nghĩ ra điều này. Bốn chữ cuối còn có thể hiểu là một ta thán, một thất vọng nữa.
Một bức ảnh khác:
nhắm mắt nhưng chẳng ngủ
nằm nghe đêm thở dài
chiếc đồng hồ cần mẫn
gõ từng nhịp khoan thai
trong đầu niềm tĩnh lặng
ru từng ngọn tóc mai
mong manh như dĩ vãng
mang theo niềm quan hoài
chút khuya sâu giọt nến
tưởng buồn như tàn phai
thời gian vùi kỷ niệm
con đường nào lá bay
con đò nào tách bến
ngỡ ngàng đôi bàn tay
hương nồng cành hoa cũ
trong tim vẫn lan đầy
theo nỗi sầu êm ả
choáng trong hồn thơ ngây
long lanh từng sợi nhỏ
đan kín những vòng quay
người đi không giả biệt
dấu chân mờ tháng ngày
nhắm mắt mà không ngủ
đêm nghe đêm thở dài
(Thao Thức)
Bức ảnh này không giới thiệu những vóc dáng, màu sắc cụ thể của đời thường. Đây là hình chụp nội tâm của tác giả. Với hơi thơ nhẹ nhàng, nói lên được sự thong dong, nỗi bình an trong lòng người viết.
Không riêng bài này, với một vài bài ngũ ngôn khác như Hương Tình, Đêm-Tiếng Nhạn... giúp tôi thấy ra Mạc Phương Đình rất thơm tay ở thể loại ngũ ngôn hơn những thể loại khác.
Những ưu điểm về kỹ thuật viết của Mạc Phương Đình đã có nhiều người bàn đến, nên tôi thấy không cần bàn thêm.
Tôi hơi ngạc nhiên, khi đọc phần cuối bài tựa của nhà thơ Hà Thượng Nhân:
“... Một người mới bước vào làng thơ, mà đã có được những câu thơ như thế, theo tôi nhận thấy là rất hiếm. Tôi tin Mạc Phương Đình sẽ còn tiến xa, vì anh là một thi sĩ đích thực”
(Hà Thượng Nhân - DSKN )
Theo chỗ tôi biết, Mạc Phương Đình đã có thơ, được đăng trên một số báo trước 1975 tại Sài Gòn. Dù thời đó anh chưa được đón đọc nhiều. Không thể lấy năm trình làng tác phẩm đầu tay, làm cái mốc đến với làng thơ. Một vài nhà thơ thành danh chưa chịu in tác phẩm, hoặc in rất muộn như thi sĩ Hoàng Anh Tuấn, họ không được kể đã đến cùng làng thơ từ lâu chăng ?
Ru Người Ru Đời, là tập thơ thứ ba của Mạc Phương Đình, có mặt năm 2005. Bìa hai lớp trang trọng. Bìa ngoài nền lá lạ. Vẫn dùng tranh của Huỳnh Ngọc Diệp. Hoa được thay cho thiếu nữ làm khuôn mặt thơ. Ruột giấy hoa văn xanh, sang trọng, bề thế. Và tình cảm của cụ Hà vẫn còn dành cho tác giả:
“Tôi đọc kỷ từng bài thơ của Mạc Phương Đình. Phần lớn thơ Mạc Phương Đình bắt nguồn từ những lời ru...Thời đại này, người ta thường không biết đến tiếng ru. Cả ý niệm về quê hương, về mẹ cũng mờ nhạt đi nhiều. Mạc Phương Đình nhắc đến lời ru là nhắc đến hình ảnh trẻ dại không bao giờ còn nữa, cho nên thơ Mạc Phương Đình thường có pha đôi chút ngậm ngùi...”
(Hà Thượng Nhân RNRĐ trang 204-205)
Đôi chút ngậm ngùi mà nhà thơ Hà Thượng Nhân nói đến, thật ra là sự giàu có của thi ca. Cái hồn cái vía của bài thơ, một phần lớn nằm trong cái ngậm ngùi này. Trong văn chương Việt Nam, không thiếu những bài thơ biết mỉm cười. Nhưng nỗi buồn, bất kỳ từ nguồn nào đổ vào dòng thơ, cũng luôn luôn chiếm đa số. Sự thặng dư phiền muộn trong thi ca, đã làm không ít người đi đến kết luận: nói đến thơ là nói đau buồn, bi ai. Những bài thơ nghiêng về hoài niệm của Mạc Phương Đình, hẳn nhiên sẽ rất phong phút nét bi ca.
Âm điệu thi ca tự nó đã là những dòng ru, những vuốt ve, những nhỏ to tâm sự. Mạc Phương Đình có vẻ mê và thường dùng từ “ru”, có thể do anh muốn nói lên sự trân trọng của mình, khi bày tỏ tình cảm hoặc tâm sự với nhiều đối tượng như cha, mẹ, anh, chị...bè bạn.
Nếu được hỏi thích nhất bài thơ nào của Mạc Phương Đình, tôi chọn bài sau:
hôm nay thơ bỏ nhà đi vắng
ta uống cà phê với chút buồn
chữ nghĩa nằm yên trong đáy cốc
mảnh tình phơi nắng cũng khô luôn
ta cầm ngơ ngác cho vào cốc
chiếc cốc màu đen chẳng thấy gì
đầu lưỡi tê tê đau tiếc nhớ
chữ sầu năm trước cũng vu quy
người không về lại thơ làm nũng
chẳng chịu cho ta một vỗ về
nắng héo buồng tim vàng mỗi lúc
muỗng đường làm đắng giọt cà phê
bao năm lưu lạc cùng cô độc
giọt đắng chưa làm chết được ta
câu hát mẹ ru cho máu chảy
luân lưu sầu thẳm một quê nhà
(Giọt Đắng RNRĐ 36)
Bốn đoạn trên thật sự là thơ hay. Trong cái xác thơ cũ, cái vẩn vơ nỗi niềm của tác giả, được làm mới bằng nhiều hình ảnh vừa thích hợp vừa lạ. Hơi thơ là một nhịp bồi hồi, chạy suốt bốn khổ thơ. Cái tình đẻ ra cái buồn, cái hờn rất tinh tế tự nhiên, nhưng vô cùng xót xa:
người không về lại thơ làm nũng
chẳng chịu cho ta một vỗ về
Hình ảnh “cầm cái ngơ ngác” bỏ vào ly, thật bất ngờ, thật đẹp. Nó nói lên rõ ràng vẽ sững sờ của một người cô đơn mà không chịu tin mình cô độc. Nếu ngoại cảnh chỉ là ánh nắng, càng lúc càng vàng võ như trái tim, khắc khoải đợi mong. Thì nội tâm càng xót đau hơn, khi đường, một tinh thể có vị ngọt, chỉ làm tăng thêm sự đắng (cay). Sự nghịch lý được nêu lên, để làm tăng nồng độ sầu thương trong lòng người độc ẩm. Tuy vậy, nét hào sảng của một người làm thơ vẫn còn đề huề cốt cách:
giọt đắng chưa làm chết được ta
Tác giả vẫn còn bên lòng một câu hát mẹ ru, hay chính xác hơn, một giọng ru của mẹ. Một làn hơi thân yêu, đã giúp dòng máu trong tim người thi nhân luân lưu, và luôn luôn hướng vọng về cội nguồn.
Nhà thơ Hà Thượng Nhân có nhận xét:
“Bài thơ nào của Mạc Phương Đình cũng nhắc đến tình yêu, nhưng tôi có cảm tưởng anh chưa có một tình yêu thật sự, Đó chỉ là những rạo rực mơ hồ trước một người đẹp...”
Theo tôi, Mạc Phương Đình có thể chưa được thất tình, chưa biết thất tình. Thơ tình yêu của anh thường có nét đẹp chung chung. Tôi có cảm tưởng anh thể hiện bài viết bởi giúp cho một ai đó. Những tưởng tượng có phong phú, nhưng dàn trải tâm sự thiếu độ nồng nàn. Cũng có thể do bản tính lười cởi mở tấm lòng cho tình yêu. Một yếu tố khác cũng cần đưa vào nghi vấn: Với Mạc Phương Đình, trái tim anh hướng về người mẹ quá nhiều. Không những nguồn cảm xúc mà chữ nghĩa của anh hình như cũng dồn vào đối tượng thiêng liêng này. Anh đã nổi tiếng về những bài thơ dành cho mẹ, qua tập Lời Ru Của Mẹ. Ở Ru Người Ru Đời tình cảm sâu sắc ấy vẫn còn được nối dài. Mời đọc:
ngày mẹ mất, vẫn còn trong túi áo
mấy chục đồng con cho mẹ hôm xưa
món tiền nhỏ, từ công con làm chổi
hết cau trầu mà mẹ chẳng kịp mua
con biết mẹ phải nhịn trầu mấy bữa
sau khi ăn, nghe tiếng mẹ thở dài
chiếc ống ngoáy nằm trên bàn lặng lẽ
mẹ không tiền mà chẳng dám hỏi ai !
đi tù về, gia đình cùng khó nhọc
con xin làm chổi đót sống qua ngày
hàng đã nộp mà tiền công chưa nhận
gạo sắn nhờ hàng xóm giúp cho vay
lát sắn sượng cỏng hạt cơm nhẹ quá
không còn răng đành mấy hạt cơm thôi
bụng mẹ đói nhưng cau trầu ấm miệng
bảy mươi năm đậm nhạt cũng quen rồi
nơi quê người mỗi lần con cúng mẹ
trên mâm cơm luôn có đĩa cau trầu
nhìn vôi trắng con nhớ vầng tóc bạc
mất mẹ hiền đời dồn dập thương đau
(Cúng Mẹ, RNRĐ 130-131)
Sẽ rất thiếu sót, nếu không giới thiệu thơ ở nhiều chủ đề khác mà Mạc Phương Đình đã viết. Dưới đây là những bài thơ tình lứa đôi tiêu biểu:
Em đi để lại nụ cười
cho ta còn mãi một trời tương tư
mấy dòng mực tím, tờ thư
đôi câu thơ cũ buồn như nỗi buồn
căn phòng nhỏ ắp đầy hương
tóc trên chiếc gối sợi vương ngắn dài
mặt trời rọi xuống ngàn mai
tưởng em đùa với nắng ngoài mái hiên
trong gương còn mắt em hiền
vết son còn đọng giữa miền vai xưa
âm ba một thuở vui đùa
hay cơn sóng nhỏ bốn mùa gối chăn
song khuya trăng cũng ngại ngần
gió len nếp áo thanh tân gập ghềnh
tiếng cười treo giữa bình minh
vòng tay quấn quít giọt tình trong veo
chợt như ngọn lá bay vèo
nụ hôn buổi sáng vừa treo mắt đầy
vẫn còn, vẫn còn quanh đây
nụ cười em với tháng ngày dễ thương
(Dấu Vết)
chùm hoa nắng nở vàng trên cửa sổ
em đi qua, bỏ lại một mùi hương
tà áo lụa như tấm lòng trinh bạch
gọi mời ta theo dấu mở con đường
hoa nắng nhỏ long lanh mang vị ngọt
nở trong lòng lặng lẽ mối tơ vương
từ buổi ấy mặt hồ thôi lặng sóng
bước thời gian mờ nhạt dấu yêu đương
chim vổ cánh mang đầy bao nỗi nhớ
bóng mây xa theo gió gọi trên ngàn
em ở đó sao chừng xa vời vợi
những dòng thơ lay lắt bóng trăng tan
thuyền đợi sóng vỗ về âm điệu cũ
dấu chân xưa in lối ngõ hoa vàng
đêm trăn trở ru từng cơn mộng ảo
chút lạnh nào se sắt gió trường giang
tìm đáy cốc nỗi buồn tan giọt rượu
hồn bỗng trôi theo bóng nguyệt mơ màng
(Mộng Ảo trang 9)
Với hai bài thơ tình trên của Mạc Phương Đình, tôi xin rút lại nhận xét “chưa được thất tình, chưa biết thất tình” mà tôi viết ở trên. Và đây là bài thơ có đủ nét cho Tình bạn và quê hương:
tháng Hai ta trở về thăm bạn
phố cũ đâu còn những bạn xưa
kẻ ở đầu non người cuối bãi
tháng Hai trời rắc nhẹ cơn mưa
chuyến xe cọc cạch bò lên dốc
dấu tích thân quen mấy cụm dừa
thôn xóm đằng xa im ắng quá
hàng tre bờ giậu bóng lưa thưa
mấy cây so đủa hoa chừng nở
đồng ruộng đang xanh lúa giữa mùa
dừng lại bên đường nơi quán nhỏ
đâu đây vẳng lại tiếng gà trưa
bất ngờ gặp bạn, rưng lòng xuống
tay nắm còn đau những dấu xưa
ánh chớp lập loè qua dĩ vãng
bỗng như vọng lại tiếng chuông chùa
mười năm chưa cạn trong ly rượu
thôi nhắc làm chi chuyện được thua
ngẫng mặt trông nhau không hỗ thẹn
cầm như năm tháng một câu đùa .
(Về Thăm)
Mạc Phương Đình đồng hành với lứa tuổi của anh, qua những bài thao thức, ưu tư về thân phận:
tóc đã trắng nhưng hồn còn xanh ngắt
tuổi xuân ơi ngày tháng trốn về đâu
nghĩa sông núi gởi bên trời lưu lạc
ai mơ chi nào khanh tướng công hầu
vàng đôi mắt đợi chốn tình mòn mỏi
nhìn én về đan dệt những mùa xuân
như dòng chảy ập xuống đầy dấu hỏi
tưởng bọt bèo không đắm nổi gian truân
trên bước lỡ nửa đời cùng gió bão
người về đâu quay quắt lối hẹn hò
con sóng lớn nhấn chìm bao mộng ảo
gót khua buồn qua những nẻo quanh co
như con sáo biếng lười không biết hót
mộng nghìn đêm trả hết thuở xuân thì
người có phải là muôn lời mật ngọt
dành riêng mình một ngõ dấu chân đi
vẫn còn đó những mắt chờ vô vọng
nắng và mưa mang nặng dấu luân hồi
ngày đã lụn che khung trời lạnh cóng
chút hương nào đậm nhạt chốn xa xôi
(Trăn Trở)
Nhìn chung: ở mọi chủ đề, Mạc Phương Đình rất khéo tay, đều tay. Thú thật, tôi không thấy sự sắc sảo hơn ở anh, trong những bài ngợi ca tình mẹ. Nếu không muốn nhìn nhận, giá trị khiêm nhường hơn so với những chủ đề khác. Với tôi, anh vững vàng ở mọi bài sáng tác. Có kỹ thuật xử dụng ngôn từ tốt. Chọn được nhiều hình ảnh đẹp, Mạc Phương Đình viết trong tinh thần thong dong. Thơ anh từ đó đến cùng người đọc, trong tinh thần xẻ chia những ưu tư, niềm xúc cảm. Những tâm tư của Mạc Phương Đình vốn ở cận kề với đời thường, tôi tin anh có nhiều bạn đọc, nhiều bạn thích. Tôi suy nghĩ “chỗ ngồi riêng” mà nhà thơ Huệ Thu nhìn thấy, dành cho anh, có phải là ưu điểm giàu có bạn đọc không ?
ghi thêm:
Trước khi phổ biến cùng bạn đọc bài tản mạn trên, tôi đã gởi đến nhà thơ Mạc Phương Đình đọc trước. Từ địa chỉ macpdinh@yahoo.com nhà thơ đã hồi âm, lúc 10:35 ngày 23-4-2010. Trong thư, về phần tiểu sử của mình, tác giả cho biết:
“... Tôi dân nhà quê đất Quảng Nam, trước năm 75 một thời làm công chức ngành Thông Tin, năm 68 động viên vào lính, 75 đi tù cải tạo, năm 93 đi định cư ở Mỹ. Tập tành làm thơ, viết truyện ngắn từ hồi còn đi học ở QH huế (57-60)có bài đăng trên một số nhật báo và tạp chí tại Saigon như Tiếng Chuông, Ngôn Luận, Bách Khoa, Thời Nay, GDPT, Gió Mới..(59 - 65).,
Ngưng viết cho đến 95 sau khi đã ổn định cuộc sống ở Mỹ với nghề công nhân trong các hãng điện tử. Cộng tác viên của một số báo trên mạng như Giao Mùa, Hồn Quê, Đất Quê...
Tất cả những chi tiết mà anh cho đọc từ bài của VH chỉ lả là "chuyện tán phét trên mạng DT" mà thôi,”
Xin chân thành cảm ơn anh Mạc Phương Đình.
Hà Khánh Quân
22-4
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét