Từ ngày ông Tâm mất và Vân, người con gái duy nhất lấy chồng thì bà Tâm sống ở căn nhà ba phòng ngủ, hai phòng tắm rưỡi này có một mình. Ngày đêm ra vào thui thủi, cả những bữa ăn cũng lặng lẽ âm thầm. Thấy thế, Vân thương mẹ lắm. Đã mấy lần Vân và chồng mời bà về ở chung để Vân tiện bề săn sóc và để mẹ đỡ quạnh hiu nhưng lần nào bà Tâm cũng lấy cớ là bà còn rất khoẻ để từ chối. Thực ra, sau khi ông Tâm mất, bà Tâm chỉ còn Vân là nguồn vui. Khi Vân lấy chồng, bà Tâm thấy hụt hẫng và cô đơn. Nhưng vì định cư ở Mỹ đã gần nửa thế kỷ, tiếp xúc và sống với nền văn hóa và phong tục nước Mỹ, bà nhận thấy rằng cha mẹ không nên sống chung với con khi chúng đã có gia đình mà chỉ thăm nhau vào cuối tuần hay họp mặt trong những ngày lễ, tết là đủ.
<!>
Bà cho rằng với cuộc sống tất bật, sau một ngày làm việc vất vả, ai ai cũng muốn có một không gian riêng biệt để yên tĩnh nghỉ ngơi và vợ chồng nào cũng cần có những giờ phút riêng tư.
Phong tục người Việt Nam mình thì cha mẹ ông bà thường quây quần gắn bó với con cháu. Vân là con duy nhất trong khi ông Tâm lại không còn thì đương nhiên, bà Tâm phải gắn bó với Vân gấp bội. Vài người bạn của bà Tâm thấy bà sống một mình thì khuyên:
- Bà Tâm à, tôi nghĩ bà nên dọn về ở với vợ chồng cháu Vân đi cho vui chứ sống một mình thế này lúc khoẻ thì không sao, lúc đau yếu thì làm sao mà tự lo cho mình được.
Bà Tâm chậm rãi trả lời:
- Vâng, cảm ơn bà, bà nói rất phải, nhưng tôi nghĩ đó là khi xưa, thế hệ chúng mình và ở VN kia, còn sang đây văn hóa phong tục nó khác. Tôi thấy có đôi người vì thương con quá, ở chung với con, quên rằng con đã trưởng thành. Vì chung đụng, họ đi quá sâu vào đời sống riêng tư của con, rồi chúng nó không làm theo ý mình thì lại giận, cho là con nghe lời vợ, lời chồng, coi thường cha mẹ. Thế là gia đình không những mất hết hòa khí mà còn ảnh hưởng đến hạnh phúc của chúng nó nữa cơ. Thôi, nhờ Trời, tôi khoẻ ngày nào hay ngày nấy, lúc nào bịnh thì sẽ tính sau bà ạ.
Vắng con tuy buồn nhưng bà Tâm vẫn nghĩ hạnh phúc của Vân là quan trọng hơn cả. Bà Tâm luôn tự nhủ rằng Vân và chồng đi làm cả ngày, tối về, họ cần có vùng trời riêng tư. Họ lại chưa có con, thời gian này là thời gian trăng mật, tối cần thiết cho vợ chồng trẻ để họ khám phá những khuyết điểm của nhau, để hiểu nhau, để dung hòa, chấp nhận và bổ khuyết cho nhau mà xây hạnh phúc. Nếu có người thứ ba trong gia đình, dù cha mẹ anh em bên chồng hay bên vợ ở chung cũng làm cản trở, chi phối ít nhiều những tiến trình quan trọng xây đắp đầu tiên của đôi vợ chồng son trẻ. Bà nhớ đến phong tục tập quán khá khắt khe của người Việt Nam thế hệ trước bà và của bà, đã một thời làm vợ chồng bà mệt mỏi và ngày nay, bà không muốn điều đó xảy ra với Vân. Chính bà từng chứng kiến có những cha mẹ đã đặt trách nhiệm, hạnh phúc và kỳ vọng của mình hay của cả một gia đình lên vai con cái và đã tạo ra bao nhiêu nghịch cảnh đau lòng và đáng tiếc. Riêng bà, bà càng không muốn lệ thuộc vào Vân và rể. Bà muốn tránh tất cả những chuyện khó xử do chung đụng hằng ngày. Bà thấy khi sống riêng, cha mẹ vừa giữ được những tình cảm tốt đẹp với con cũng như với dâu, với rể, vừa được hoàn toàn tự do làm chủ những sinh hoạt và thói quen trong đời sống của mình. Này nhé, lúc mệt bà nghỉ, lúc khoẻ bà trồng hoa, đọc sách, nghe nhạc, nấu ăn hay đi chùa, đi chợ, đi chơi thăm bằng hữu mà không phiền hà trở ngại đến giờ giấc hay sự yên tĩnh của ai.
Dù quyết định sống riêng như thế nhưng đôi lúc bà Tâm cũng chạnh lòng khi cảm thấy quá cô đơn, nhất là những lúc nhớ ông Tâm và con gái.
Một hôm bà Hạnh, bạn bà, gọi điện thoại nói với bà về một người cháu họ đang tìm một phòng để thuê cho mẹ ở. Bà Hạnh nói sơ về hoàn cảnh của gia đình người cháu trai bà và kết luận:
- Tội nghiệp lắm bà Tâm ạ, họ là những người nền nếp, tử tế nhưng vì hai thế hệ, hai nền văn hóa khác nhau, mẹ chồng và con dâu không ai hiểu được ai nên họ đã làm đau lòng và khổ tâm một người đàn ông mà cả hai đều yêu qúy nhất. Tiếc là nhà tôi không dư phòng nên tôi mới hỏi bà. Tôi biết bà chẳng cần dăm trăm bạc mỗi tháng đâu, nhưng bà dư tới hai phòng ngủ, cho bà Mẫn thuê một phòng thì vừa giúp cho gia đình họ giải quyết êm thấm, vừa có bạn mà trò chuyện cho vui.
Thấy lời bà Hạnh có lý và cũng muốn có người ở chung cho vui nên bà Tâm cho bà Mẫn mướn một phòng. Từ ngày có bà Mẫn, bà Tâm vui vì vừa giúp cho gia đình Tài yên ổn, vừa có người bầu bạn, lại mỗi tháng có thêm ít trăm tiêu vặt.
Hơn hai năm trước bà Mẫn sang đây theo diện đoàn tụ gia đình do con trai bảo lãnh. Mới đầu, bà Mẫn ở với con trai và dâu, sau, càng ngày càng có chuyện bất hòa, đầu tiên còn nhỏ, sau thành lớn và đến một ngày bà và con dâu chút gì cũng thành chuyện, khi thì nặng nhẹ lời qua tiếng lại, khi thì không ai nói với ai nửa lời làm không khí gia đình vô cùng nặng nề, khó thở. Con trai bà tự nhiên thành một quan tòa bất đắc dĩ và ở trong tình huống khổ tâm và khó xử giữa mẹ và vợ. Tài rất thương mẹ và cũng rất thương vợ, thương con, nhất là anh không muốn tiểu gia đình của mình tan vỡ vì những chuyện không đáng chuyện. Vì thế, một trưa chủ nhật, khi Thu đưa hai con về thăm ngoại thì Tài nói với mẹ là anh đã tìm được cho bà một nơi ở mới yên tĩnh rồi anh phụ mẹ dọn quần áo ra xe, đưa mẹ đến nhà bà Tâm và đặt vào tay mẹ hai ngàn đồng. Bà Mẫn thấy con dọn đồ cho mình, đưa mình đi, nghĩ rằng con trai vì binh vợ mà đuổi mình thì tủi thân lắm. Bà vừa khóc vừa đòi về VN và vất tiền trả lại cho Tài. Nhìn nét mặt đau khổ của người con và những giọt nước mắt giận hờn của người mẹ, bà Tâm cũng buồn lây với họ và chí tình phân giải với bà Mẫn như tâm tình với người bạn thân, một lúc lâu sau bà Mẫn mới nguôi ngoai, nín khóc, cầm tiền cất vào túi. Tài cảm ơn bà Tâm và nhẹ nhàng nói với mẹ:
- Mẹ à, bác Tâm quen thân với dì Hạnh đấy, bác vui tính và tốt lắm. Vùng này rất an ninh và yên tĩnh, mẹ cứ tạm ở với bác Tâm cho có bạn và khuây nguôi rồi từ từ con sẽ tính. Mẹ biết mà, chuyện đời luôn luôn thay đổi, ngày mai sẽ không như ngày hôm nay đâu mẹ ạ.
Tài quay sang bà Tâm thiết tha gởi gấm:
- Thưa bác, con cảm ơn bác vô cùng. Bác cho con gởi mẹ con ở đây với bác một thời gian để con lo thu xếp chuyện nhà. Con cảm ơn bác đã cứu con khỏi cảnh đau lòng và khó xử. Mẹ con mới sang có vài năm, lại ít đi ra ngoài nên còn rất lạ lẫm với lối sống ở đây. Con tin rằng ở với bác một thời gian, mẹ con sẽ thấy rõ những khác biệt giữa Đông và Tây, mới và cũ và mẹ con sẽ thông cảm và hiểu chúng con hơn. Thỉnh thoảng, con sẽ đến thăm mẹ con và bác.
Thì ra bà Mẫn cũng chỉ có mình Tài. Bà Mẫn tâm sự với bà Tâm, ông Mẫn ngày xưa trong quân đội, năm 1973, khi Tài được 2 tuổi thì ông Mẫn mất tích trong một cuộc giao tranh với VC ở Phước Long. Thân sinh bà Mẫn có lò bánh mì nhỏ ở Biên Hòa, giao cho bà Mẫn làm nguồn sống sau khi ông Mẫn mất tích. Trông coi lò bánh mì được hơn mười năm, giá bột ngày càng cao, tiền nhân công ngày càng đắt, bà bán lại cho người khác sau khi gởi Tài đi vượt biên với người anh họ của bà. Bố mất tích, được mẹ gởi đi vượt biên, 13 tuổi, Tài đã biết thân phận của mình. Đến Mỹ, ở với gia đình người bác họ, Tài chăm chỉ học hành. Đậu được mảnh bằng kỹ sư điện toán, Tài có việc làm tốt và bảo lãnh mẹ. Rồi Tài yêu Thu, cưới Thu, cô bạn học từ ngày đầu vào đại học. Mọi việc tiến hành như ý Tài mong ước. Duy chỉ có điều là Tài và Thu đều trưởng thành ở Mỹ. Thu yêu chồng và mẹ Tài cũng hết lòng yêu người con trai duy nhất theo cách yêu con của những bà mẹ VN nên khi chung đụng, hai người đã có nhiều xung đột.
Trong mấy tuần đầu, bà Tâm giúp bà Mẫn đi xin tiền trợ cấp cho người già, đổi lại địa chỉ cho phiếu sức khỏe. Thấy bà Mẫn hiền lành, bà Tâm đem lòng quí mến, mỗi khi bà Mẫn buồn và khóc thì bà Tâm lại tận tình an ủi. Trong lúc tâm tình, bà Tâm khéo léo giải thích về những phức tạp, cách suy nghĩ và lối sống của những người trẻ VN trưởng thành tại Mỹ cho bà Mẫn nghe, bà Mẫn dần dà thấu hiểu và nguôi ngoai, chấp nhận cảnh đời sống mới. Hai người đàn bà cô đơn thân nhau mau chóng, họ cùng đi chợ, nấu ăn và cùng đi tiệc tùng, lễ lạc. Chiều đến, họ thường đi bộ và nói chuyện, vui cười với nhau ở cái công viên gần nhà. Từ ngày có bà Mẫn ở chung, bà Tâm vui hằn lên. Vợ chồng Vân về chơi thăm mẹ, thấy mẹ vui vì có bạn nên cũng an lòng và xem bà Mẫn như người nhà, lúc nào mua gì biếu mẹ hay mời mẹ đi ăn, vợ chồng Vân cũng không quên bà Mẫn.
Ngày giỗ ông Tâm rơi vào ngày Thứ Bảy. Sáng hôm ấy bà Tâm và bà Mẫn ngồi uống trà chờ vợ chồng Vân đến cùng đi thăm mộ ông Tâm rồi đi ăn trưa. Buổi chiều hai bà đi shopping vì Macy đang giảm giá. Bà Tâm muốn thay mấy tấm màn cửa và bà Mẫn muốn mua ít quần áo để làm quà tết cho hai thằng cháu nội.
Cả ngày đi như thế chắc mệt nên tối về bà Mẫn đi ngủ sớm. Bà Tâm trằn trọc, nằm hồi tưởng lại những ngày ông Tâm còn sống, những giờ phút ngồi bên mộ chồng và ngày giỗ năm nay, lại có thêm bà Mẫn cùng đi thăm mộ. Rồi hình ảnh ngày Vân còn bé hiện ra, những ngày sóng gió và những ngày hạnh phúc xen lẫn những nụ cười thơ ngây, những chiếc nơ cài tóc và những chiếc áo đầm xinh xắn. Rồi những ngày giờ kinh hoàng, hoảng hốt cũng hiện ra, những đau thương của cuộc di tản vội vàng vào ngày 27/4/1975, chỉ vài ngày trước ngày Dương Văn Minh giao miền Nam cho VC. Rồi đến những ngày đầu lạ lẫm ở xứ người, hai vợ chồng chơ vơ, không thân bằng quyến thuộc, vừa đau đớn nhớ Việt Nam, nhớ bà con lối xóm, vừa lo lắng cho tương lai. Cứ thế, chuyện này kéo sang chuyện kia như những khúc phim, ráp nối không thứ tự, lớp lang. Rồi bà Tâm lại nhớ đến cảnh chiều nay, khi nhìn bà Mẫn vui vẻ chọn áo, chọn màu, hai tay cầm từng chiếc áo giơ lên ngắm nghía và luôn miệng hỏi:
- Chị Tâm xem này, cái áo này họ may khéo quá nhỉ? Cái này chị thấy có vừa thằng lớn nhà nó không? Màu này thằng nhỏ mặc chắc đẹp ha chị ha ?
Bà Tâm hết gật gật lại cười cười vì bà vui với cái vui của bà Mẫn. Nhìn bà Mẫn say sưa chọn quần áo cho cháu nội, bà Tâm biết bà Mẫn đã hết giận con dâu và con trai. Hơn nửa năm sống chung dưới một mái nhà, bà Mẫn đã bị ảnh hưởng cách sống độc lập của bà Tâm. Bà Mẫn đã tự tìm nguồn vui cho mình chớ không còn lệ thuộc vào con, không chờ niềm vui con đem đến thì mới vui và cho thế là con mới thương mình. Bà Mẫn mau chóng thích nghi với cách sống mới. Bà đã chấp nhận rằng dù là máu thịt của mình đó nhưng khi có gia đình thì con trai cũng như con gái, có đời sống riêng và cha mẹ nên tôn trọng và chấp nhận rằng người thân yêu gần gũi nhất của con mình bây giờ chính là vợ chồng con cái của họ, là những thành viên trong gia đình riêng của họ, còn cha mẹ thì bước lên vị trí thứ hai. Như vậy, bà cần giúp con trai và con dâu chu toàn bổn phận và trách nhiệm của họ như khi xưa bà đã làm bổn phận và trách nhiệm của bà. Bà Mẫn còn hiểu xa hơn nữa là nếu người con nào lơ là bổn phận và tổ ấm của họ mà quá gần gũi với cha mẹ, với bạn bè là dấu hiệu của sự bất thường.
Nghĩ đến sự tiến bộ của bà Mẫn trong nửa năm qua, bà Tâm mỉm cười đúng lúc bà nghe tiếng ngáy của bà Mẫn ở phòng bên vọng sang. Ban ngày, bà Mẫn nói năng nhỏ nhẹ nhưng ban đêm thì có lúc bà Mẫn ngáy to lắm. Nghe tiếng ngáy trầm bổng như tiếng đàn của bà Mẫn, bà Tâm phì cười và không mấy chốc, bà Tâm cũng chìm vào giấc ngủ.
Sáng hôm nay bà Tâm dậy muộn, xỏ chân vào đôi dép đi vào phòng rửa mặt, chợt nhìn thấy trong bếp, trên mặt bàn ăn có một chậu hoa thược dược tươi tắn, bà Tâm nói vọng vào phòng bà Mẫn:
- Hoa thược dược đẹp qúa chị Mẫn ơi ! Mới sáng mà chị đi mua hoa sớm thế !
Bà Mẫn từ trong phòng chạy ra cười tươi không kém gì hoa:
- Ấy, tôi có mua đâu. Hoa của vợ chồng cháu Tài đấy. Nó bảo rằng hôm nay là ngày sinh nhật của tôi, lại gần Tết, biết tôi thích hoa thược dược nên trước khi đi làm, vợ chồng cháu đem hoa tặng tôi đó. Thấy chị còn ngủ, cháu gởi lời chào chị và nói tối nay, năm giờ chiều, vợ chồng nó đến đón chị em mình đi chợ Tết và mời chị em mình ăn cơm mừng tôi thêm tuổi đấy bà chị ạ.
Bà Tâm cười tươi không thua bà Mẫn và nói đùa:
- Ồ tin vui. Sinh nhật chị gần Tết à ? Hèn chi, đồng hương VN của chúng ta cũng rộn ràng mừng sinh nhật chị đấy! Mừng cho chị. Vậy thì trưa nay ta không nấu gì hết, tôi mời chị đi ăn. Chị em mình ăn cái gì nhè nhẹ thôi, chờ bữa ăn mừng sinh nhật vào buổi tối nha chị.
Bà Mẫn cười nhìn bà Tâm, nụ cười dạt dào hạnh phúc. Bà Tâm cảm thấy vui vì chưa bao giờ bà thấy bà Mẫn vui đến thế.
Ngày cuối năm, mấy dãy phố của người Việt tấp nập hẳn lên. Các cửa hàng không thiếu một món quốc hồn quốc tuý nào. Những gian hàng, những cửa tiệm Việt Nam đèn nến sáng trưng và người đông như hội. Các loại bánh tét, bánh chưng, giò chả, mứt kẹo ê hề... Bà Mẫn hai tay dắt hai đứa cháu nội vừa cười vừa nhìn vào một xấp bánh chưng có dán chữ phúc bằng giấy điều quay sang nói với bà Tâm:
- Cứ y như ở Việt Nam ta ngày xưa ấy, vui quá chị nhỉ.
Ngồi trong bàn ăn, bên cạnh hai đứa cháu nội, bà Mẫn luôn miệng hỏi chuyện và gắp đồ ăn cho cháu. Hai thằng nhỏ vừa ăn, vừa thích thú líu lo khoe bà đủ chuyện. Ăn uống xong, khi nhà hàng bưng ra cái bánh sinh nhật đặt trước mặt bà Mẫn, chờ bà Mẫn thổi nến, Thu cắt bánh mời mẹ chồng, mời bà Tâm và mọi người xong, nhìn chồng, Thu vui vẻ:
- Anh chúc tuổi mẹ đi.
Chờ chồng chúc tuổi mẹ xong, Thu nhìn bà Mẫn dịu dàng:
- Thưa Mẹ, hôm nay là ngày sinh nhật mẹ, vợ chồng chúng con và các cháu có lời kính chúc mẹ được mạnh khoẻ, sống lâu trăm tuổi và mọi sự như ý.
Rồi Thu quay sang các con:
- Ba mẹ vừa chúc tuổi bà nội rồi, hai con cũng chúc bà sống lâu và khoẻ mạnh đi.
- Con chúc tuổi bà nội.
- Con chúc bà nội khỏe.
Bà Mẫn xoa đầu hai đứa cháu cười sung sướng:
- Bà nội cảm ơn. Các cháu của bà ngoan quá.
Thu quay sang đưa tay cầm tay mẹ chồng, nhìn bà và mỉm cười, nàng từ tốn:
- Thưa mẹ, năm cũ sắp qua, năm mới sắp đến, con chân thành có lời xin lỗi mẹ về những hành vi và lời nói nông nổi, thiếu suy nghĩ của con đã làm mẹ buồn. Trong những ngày vắng mẹ, con suy nghĩ nhiều lắm. Mẹ tuy không sanh ra con nhưng mẹ sanh ra chồng con và là bà nội của các con con. Con yêu chồng con của con thì con phải biết ơn người sinh ra chồng con, phải quí và kính nể mẹ. Hôm nay, với lòng biết lỗi, con xin mẹ bỏ lỗi cho con. Trưa ngày 30, chúng con sang đón mẹ và mời bác Tâm về cúng giao thừa và ăn tết với chúng con ngày mồng Một. Và từ nay – Thu quay sang nhìn chồng – anh nhỉ, mỗi tháng, mẹ cho chúng con gởi bác Tâm tiền nhà của mẹ, mẹ nhé.
Thật là một bất ngờ khiến bà Mẫn và Tài không nói được gì. Qua làn nước mắt xúc động và hạnh phúc, bà Mẫn cười rất tươi. Rồi bà một tay vòng ôm lưng hai đứa cháu, một tay bà đưa ra, choàng ôm lấy vai Thu. Cùng lúc, Tài, chớp nhanh mắt, cảm động cầm tay vợ đưa lên môi hôn. Chàng ghé tai Thu thầm thì:
- Em vẫn dễ thương như ngày mới cưới. Anh và các con cảm ơn em.
Giao thừa và ngày một Tết năm đó, không nói, quí vị cũng tưởng tượng được rằng tất cả mọi thành viên trong mái gia đình VN tỵ nạn bé nhỏ kia và cả bà Tâm nữa, đã có một cái tết đầm ấm vui vẻ và hạnh phúc vô cùng chỉ vì trong mái gia đình ấy có một người con dâu, một người vợ trẻ tuy trưởng thành tại Mỹ, sống với văn hóa và phong tục bản xứ nhưng có một nền móng giáo dục gia đình của VN và nhất là có trái tim biết đạo lý, biết suy nghĩ, yêu thương và chia sẻ.
Ngô Minh Hằng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét