Nhà ông bà nội tôi ở Huế nằm giữa khu vườn rộng mênh mông trồng đủ các loại cây ăn trái. Tôi có thể kể hàng loạt các loại trái cây quen thuộc như: chuối, ổi, khế, mít, vú sữa, mãng cầu đến dừa, nhãn, lêkima, sabôchê. Bà nội tôi cũng khéo chọn đủ các chủng loại như: ổi có ổi sẻ, ổi xá lị; chuối có chuối cau, chuối sứ, chuối già hương; nhãn có nhãn ướt, nhãn ráo; khế có khế ngọt, khế chua; mãng cầu có mãng cầu thường, mãng cầu dai... Nhưng đặc biệt có một loại trái mà sau này tôi di chuyển ở nhiều nơi không hề tìm thấy. Đó là cây trồng sát bên hiên nhà, ông bà nội tôi gọi là cây trần bì! Trần bì ở vườn nhà ông bà cũng có hai cây, một ngọt một chua. Thông thường các loại trái cây ngọt luôn được chuộng và cũng ngon hơn loại chua, thế nhưng với trần bì thì khác, nếu cây cho trái chua ngon chừng nào thì cây trái ngọt "vô duyên" chừng ấy.
Không dưng mà tôi nhắc đến cây trần bì, mới đây cô em họ của tôi ở tận xứ Gia nã đại lạnh lẽo đã nhắn tin hỏi thăm cây trần bì ngày trước. Và trước đó, một ông chú họ của tôi cũng nói nhớ cây trần bì nhà ông bà tôi, chú ấy trước và sau 1975 đi lang bạt nhiều tỉnh thành từ miền Trung vào tận mũi Cà Mau vẫn không hề nhìn thấy cây trần bì ở những nơi chú đã đi qua.
Với tôi, cây trần bì ở nhà ông bà nội không chỉ là một loại cây ăn trái đầy quyến rũ thời thơ ấu, nó còn là chứng nhân cho những giấc mơ tuổi mới lớn, nó chính là tâm tư của tôi thời thanh xuân, qua đi không bao giờ trở lại....
Cây trần bì chắc đã có từ lúc tôi chưa ra đời, vì khi tôi biết đến nó tôi vẫn còn rất nhỏ, đang học lớp năm bậc tiểu học (hồi xưa là lớp 1 bây giờ) mà cây đã sum suê tán lá che mát cả một khoảng đất trống bằng phẳng. Dưới bóng mát ấy, tôi đã cặm cụi vẽ ô lò cò, ô búng dây thun, ô ăn quan, tập tành để đến trường chơi với các bạn. Chăm chỉ là thế, nhưng tôi nhớ chơi trò gì tôi cũng toàn thua. Tôi nổi tiếng chơi dở nhất lớp, nhất xóm, và có lẽ nhất trường tiểu học Mai Khôi thời ấy, đến nỗi chơi cặp không ai thèm mời tôi vào đội. Ở nhà, tôi có cậu em trai cách tôi đúng 4 tuổi. Cậu ấy không thích những trò vận động, cứ tỉ mẫn trò xúc cát dưới chân cây trần bì cho lên chiếc xe đẩy bằng mây cũ của cậu ấy, xúc thật đầy hôm nay rồi ngày mai đổ hết. Khi cát chảy ào ào xuống đất, ánh mắt cậu xem ra vẻ khoái trá lắm. Nom cậu em tôi như con dã tràng cần mẫn, nhọc lòng mà chẳng nên công cán gì. Chỉ có nền đất chỗ gốc cây trần bì cứ lồi lồi lõm lõm trông đến ngộ!
Cây trần bì chỉ cho trái chín vào mùa hè. Ăn tết xong, cây bắt đầu ra hoa. Hoa màu trắng nhỏ, mọc từng chùm. Khi hoa nở rộ, nhìn cây giống như được phủ tuyết vậy. Mỗi sáng, mỗi chiều hoa rụng dày thành lớp trên nền đất. Ngây thơ tôi cứ xuýt xoa tiếc không phải vì thấy cánh hoa rơi, mà tiếc vì sợ mai ngày không có trái! Nhưng hoa rụng nhiều cũng góp cho tôi trò chơi tuổi nhỏ, trò gom hoa bán hàng xén. Cũng chỉ có cậu em trai tham gia. Hai chiếc ví giấy đựng tiền bằng giấy, hai chị em lần lượt thay đổi vai mua-bán; và lần nào cũng một kịch bản, tiền giấy của em chui hết vào ví của chị! Thế là cu cậu khóc, và kết cục muôn thuở là tôi bị rầy một trận vì tội để em khóc.
Tôi có thói quen mỗi trưa nằm trên chiếc sập gụ lớn cạnh khung cửa sổ nhìn ra vườn, gió thổi vào mát rượi, và thơ thẩn ngắm. Cây trần bì sát cửa, cao vượt mái nhà, cành vươn rộng như chiếc ô. Lá cây trần bì mọc so le nhau, màu xanh đậm, xào xạc trước gió không nghỉ. Nhìn xuyên qua cành lá, thấy bầu trời xanh, vài đám mây trắng nhỏ lửng lơ. Tôi có thể nằm hoặc ngồi hàng giờ thả trôi ý nghĩ vẩn vơ, mơ mộng xa xôi. Thường tôi hay ước ao có mẹ bên cạnh như những bạn học cùng lớp để được vòi vĩnh kẹo bánh hay mua sắm những chiếc áo đầm xinh xắn. Dù bà nội rất yêu thương, cái ăn cái mặc không thiếu, nhưng bà vẫn không phải là mẹ. Mẹ là niềm khao khát lớn lao nhất của tôi suốt cả một thời thơ bé. Lúc nhỏ, mỗi khi tôi hỏi bà nội về mẹ, đều nhận câu trả lời: "Mẹ con đi Mỹ, lâu mới về". Lạ một điều, tôi không hề hỏi về sự vắng mặt của ba. Vì tôi tin khi mọi người nói ba tôi là công chức đi làm xa, khi thì Sông Mao, Sông Pha, khi thì Đơn Dương, Đa Nhim gì đó; nhưng với mẹ- tôi cứ có cảm nhận câu trả lời không thật. Thế nhưng mỗi khi cậu em ngọng nghịu hỏi tôi về mẹ, tôi lại trả lời chắc nịch "Mẹ đi Mỹ, lâu mới về". Khi tôi lên lớp 3, trả lời cho câu hỏi sao mẹ lâu về là một câu trả lời khác: "Mẹ con lên trời rồi, không về đâu". Lần này thì tôi tin, thà là cụ thể như thế. Trời tuy cao, tuy xa nhưng mắt vẫn nhìn thấy, còn cái nước Mỹ kia, trong trí óc non nớt của một đứa bé lớp mẫu giáo, nó là cái gì, ở đâu? Có lẽ vì thế mà ngày lại ngày, tôi mãi mê nhìn xa xôi lên trời để mơ về một người mẹ bằng xương bằng thịt, qua kẽ lá cây trần bì không ngớt rung động.
Rồi khi hoa rụng hết, những trái nhỏ nhú lên, màu xanh mơn mởn. Từ khung cửa sổ, tôi nhìn thấy những chiếc lông tơ bao phủ lớp vỏ mịn như nhung. Từng chùm-qua từng ngày- lớn dần lên trong nắng hạ, và khi ve kêu vang rền khu vườn cũng là lúc những chùm trần bì trổ sắc vàng khiến tôi và cậu em trai thèm thuồng đến phát cuồng. Trái trần bì hình cầu, phía đối diện với cuống hơi nhọn một tí, to chỉ bằng viên bi ve,vỏ mỏng. Dùng răng cắn nghe tách một tiếng, một thứ nước ngọt ngọt chua chua tiết ra, vị ngọt thanh, vị chua dịu, hòa quyện làm tuyến nước bọt ào ra trong khoang miệng. Một trái có hai ngăn, cơm màu trắng hơi đục, có một đến hai hạt. Cái thú vị nhất là sau khi ăn hết, chúm miệng lại thổi phù cái hạt ra xa, nhấm nháp thêm phần vỏ để cảm nhận vị the đặc biệt của loại trái này. Cậu em tôi thường bệnh vặt (cậu ấy sinh thiếu tháng nên thể trạng yếu) nên bà nội cấm hai chị em không được ăn trần bì khi chưa cho phép. Tôi không hiểu một điều là tôi vô cùng khỏe mạnh, ăn ngon ngủ yên mà sao cũng phải chấp hành lệnh cấm cùng cậu ấy?
Thế là, cứ đến buổi trưa, khi cậu em đã say giấc nồng, tôi thơ thẩn ra vườn, tìm cách níu, kéo những cành cây thấp nhất hái cho kỳ được vài trái trần bì đầy hấp dẫn. Thường chẳng được là bao, cứ một quả ăn được lại kèm vài ba quả xanh đắng chát. Hồi ấy, tôi chỉ trông mong bạn của các chú và o tôi đến chơi, thể nào họ cũng ào ra vườn, leo tót tận đỉnh cây trần bì, hái từng chùm quả to vàng óng. Tôi "chầu rìa" bên cạnh để được phát cho những quả chín mọng. Ngon ơi là ngon.
Khi những trái trần bì cuối cùng còn sót lại đã khô quắt queo, trò chơi buổi trưa của tôi là lang thang tìm vỏ ve ve để lại trên thân các cây trong vườn. Có hai cây nhãn to rất nhiều vỏ ve ve đeo bám chi chít thì xa quá, tít ở hàng rào, tôi không dám đi một mình đến đó. Ngày đó, khu vườn rộng đến hút tầm mắt, cây cối um tùm, trí tưởng tượng của tôi về những bí ẩn xa xôi cộng thêm lời đe dọa bí hiểm của các chú làm tôi sợ lắm. Chỉ khi nào chú út tôi thương tình dẫn đi, coi như hôm đó tôi lượm được vô số vỏ, mừng rơn luôn. Còn lại tôi quanh quẩn nhặt vỏ ve ve ở gốc cây trần bì và cây vú sữa sát nhà. Đối với tôi, vỏ ve ve như một gia sản quý hiếm, tôi thường đem đến lớp khoe với các bạn nhà ở phố, thích thú khi thấy các bạn mở to mắt kinh ngạc nhìn. Và để có được vài cái vỏ ve ve, điều kiện là giờ ra chơi, các bạn ấy phải cho tôi chơi chung những trò lò cò, nhảy dây tập thể.
Rời trường tiểu học Mai Khôi, tôi vào Đồng Khánh, được mặc áo dài đồng phục đi học, tôi ra dáng thiếu nữ rồi (tôi không biết điều đó, chỉ là nghe trộm bà nội nói với ông như thế). Tôi không còn lao tâm khổ tứ với mấy cái vỏ ve ve nữa, việc đó giờ nhường lại cho cậu em; tôi dành thời gian nhìn ra cửa sổ, xuyên qua những chiếc lá trần bì lay động trước gió, để mơ mộng. Tôi híp mắt tưởng tượng ra muôn vàn hình ảnh kỳ thú từ những đám mây rời rạc vẩn vơ bay ngang bầu trời, những đám mây hay thay đổi hình thù, luôn luôn và không bao giờ giống như cũ.
Bây giờ các chú và o tôi đã lớn, chắc họ có những niềm vui mới nên chỉ có bạn bè tôi đến nhà chơi vào mùa hè rảnh rỗi, cười đùa tranh nhau những chùm trần bì vàng ửng, thi nhau hái thi nhau ăn rồi phun hạt trên nền đất. Những tiếng cười ấy theo tôi suốt ba năm đệ nhị cấp tôi vào Đà Nẵng sống với ba mẹ tôi và các em nhỏ sau Tết Mậu Thân. Biến cố mùa xuân đã để lại nhiều tang thương trong vườn nhà. Một quả đại bác đã rơi sát bìa hàng rào phía sau, nhiều cây cối trong vườn đổ rạp, và cây trần bì đã bị thương. Một nhành lớn đổ gãy, sau này bà tôi phải chặt bỏ, thân cây chằng chịt những vết cứa, vết cắt, vết dăm. Tôi sờ vào những nơi nhựa cây ứa ra, đóng cục lại trong suốt. Không biết cây có đau không nhưng tôi đã khóc và thấy đau trong lồng ngực. Đó là nỗi đau đầu tiên trong đời cô bé 15 tuổi! Mùa hè năm đó, nghe bà tôi kể lại cây trần bì không đơm hoa kết trái.
Vào Đà Nẵng, tôi được gặp lại Ông Ngoại và các dì, cậu của tôi. Tôi được ba chở đi thăm mộ mẹ tôi nằm ở gần chân cầu Trịnh minh Thế, tôi được nhà ngoại kể chuyện ngày xưa, những năm tháng tôi còn mẹ bên cạnh. Ông ngoại rất thương tôi, khi tôi ở Huế, năm nào ông cũng ra thăm, những lần gặp ông thường ôm tôi vào lòng, chắc ông lại nhớ đến mẹ tôi, thương cho người con gái đầu vắn số. Sau này nghe dì út kể lại, mẹ tôi đi lấy chồng rồi mà tuần nào cũng về thăm nhà rồi tâm sự đủ chuyện cùng ông, ai trông vào cũng thấy hai cha con rất đỗi thân thiết.
Ba năm học ở trường Nữ TH Hồng Đức, tôi có thêm nhiều người bạn mới dễ thương. Tôi kể cho các bạn về cây trần bì, ai cũng ngơ ngác, há hốc miệng và còn nuốt nước bọt khi tôi miêu tả vị ngọt ngọt chua chua của trái trần bì. Ở Đà Nẵng không thấy có trái trần bì và cây trần bì mãi là một ẩn số với các bạn ấy.
Mùa hè 1971, tốt nghiệp Tú Tài 2, tôi trở lại Huế để học tiếp bậc Đại học. Tôi có mời nhóm bạn thân ra Huế chơi đúng vào mùa cây trần bì kết trái. Tôi không nhớ các bạn ấy có thưởng thức hương vị thơm ngon của trái trần bì không, vì trong mấy ngày lưu lại ngắn ngủi, các bạn tôi còn bận khám phá những món đặc sản của Huế hơn.
Ba năm trôi qua, những vết trầy xước trên thân cây trần bì đã lành lặn, nhưng giống như một cánh tay đã bị chặt đứt, chỗ cành cây bị gãy lìa mà bà nội phải cưa đi không thể mọc lại. Tôi ứa nước mắt nhìn dáng cây chùng hẳn một bên, và bóng cây rọi xuống nền đất bị khuyết mất một phần không còn tròn trịa như xưa. Những chiếc lá trần bì xanh thẫm vẫn không ngớt rung động trước gió, như an ủi tôi hay đang trách sự nông cạn của con người? Cũng từ đó, tôi trở thành cô sinh viên trường ĐH Sư Phạm Huế, có nhiều trăn trở hơn trước cuộc sống ngày càng dồn dập những tin chiến sự. Bây giờ đứng trước cây trần bì, tôi thấy nhớ tiếng reo cười trẻ thơ hồn nhiên ngày nào của chính mình nay chỉ còn là dư âm vang vọng của một thời đã qua, thời vô tư lự không bao giờ trở lại. Bây giờ đứng trước cây trần bì đầy mệt mỏi, tôi thường mơ ước về một vùng quê yên ả, sáng có tiếng gà báo thức, chiều có ráng hoàng hôn cùng khói lam chiều như trong những câu chuyện của một thuở thanh bình xưa.
Nhưng tôi thật ngạc nhiên, hình như cây trần bì đã giấu nhẹm đi vẻ già cỗi của mình theo năm tháng, cây trần bì vẫn khoe sự trẻ trung của mình bằng cách nhẫn nại ra hoa kết trái, vẫn gọi ong bướm về tụ hội, vẫn là nơi che chở cho những chú ve nhỏ để những khúc nhạc hè vang lên bất tận. Phải chăng cây trần bì kia luôn chung thủy, chẳng bao giờ biết phản bội như con người ?
Năm 1976, tôi rời Huế vào Phú Khánh nhận nhiệm sở. Tôi không quên tạm biệt cây trần bì, và tôi chợt nhớ ra gần một năm qua, dưới áp lực của cuộc sống mới cũng như phải tập trung cho việc học tập hoàn toàn khác trước, tôi đã quên bẵng cây trần bì thân thiết ngày nào. Sao tôi có thể thờ ơ như vậy chứ? Và trước mắt tôi, giữa mùa đông rét mướt lấm tấm mưa bay, nơi cành cây cụt, vài nhánh non tơ đã mọc dài cả gang tay, trên đó có nhúm lá trần bì xanh mướt đang ve vẩy như muốn chào hỏi tôi. Tôi thật cảm động trước sức sống bền bỉ của cây không ngừng vươn lên để đem đến cho đời - hoa và trái- những tặng phẩm kết tinh từ nắng gió, từ đất trời. Cây cũng thật bao dung với cuộc sống này, vậy thì sao tôi cứ giữ mãi những phiền muộn? Và tôi đã lên đường, đón chào công việc mới với niềm vui mới. Cuộc đời phía trước còn nhiều điều tốt đẹp, tôi tin thế!
Những năm 80, ông bà nội bán nhà cho chủ mới để định cư nước ngoài với chú út, tôi đang dạy học xa đành tạm biệt ngôi nhà thân yêu trong niềm xót xa, tôi không thể không nhớ đến cây trần bì. Đối với tôi, cây trần bì là một sinh thể có linh hồn, khi tôi vui cây cười với tôi, khi tôi buồn cây nhỏ lệ giùm tôi, khi tôi yếu đuối cây lại nâng đỡ. Những ước mơ, bao tâm sự thầm kín của tôi ngày xa xưa ấy tôi đã gửi lại cho cây cất giữ hết rồi.
Tôi đã đi nhiều nơi, đã ở nhiều chỗ, đến đâu tôi cũng hỏi thăm về cây trần bì. Lạ thay, đến đâu cũng không ai biết, không ai bán buôn. Lắm lúc tôi phải tự hỏi liệu có cây trần bì thật không. Nhiều người nghĩ tôi ngớ ngẩn, vì theo họ "trần bì" là một dược liệu đông y, là một loại vỏ quýt phơi khô có tính năng trị ho , trị cảm mạo thông thường chứ làm gì có cây trần bì.
Năm 2010, khi đã về hưu, tôi có dịp trở về quê hương, tìm đến ngôi nhà xưa mong còn thấy dấu vết cây trần bì nhưng hỡi ôi, chủ mới đã đốn hạ hầu hết cây cối trong vườn để lấy đất xây nhà. Thế là cây trần bì của tôi đã chấm dứt sứ mệnh làm đẹp cho đời khi đến với thế giới này. Người xưa nơi đây cũng đã cỡi hạc mà đi, cây trần bì không còn nữa, chỉ còn tôi với nỗi trống vắng lạ kỳ !
Mới đây tôi tìm kiếm thông tin trên mạng Internet về cây trần bì, Google chỉ cho kết quả về cây TẦN BÌ, không phải là loại cây ăn trái, sống chủ yếu vùng có khí hậu ôn đới, tìm thấy nhiều ở Châu Âu, Mỹ; đồng thời chỉ rõ "trần bì" chỉ là tên gọi của một vị thuốc đông y làm từ vỏ quýt hương phơi khô, dùng chữa được nhiều bệnh. Tôi lại miệt mài tra cứu, tình cờ nhìn thấy có ảnh chụp một loại trái rất giống trái trần bì; lần mò tìm tiếp thấy thêm hoa, thêm cây, còn có cả một trại ươm giống, nhưng tên gọi hoàn toàn xa lạ. Đó là cây "quất hồng bì", trồng nhiều ở miền Bắc!
Như vậy đối với tôi, mãi mãi cây trần bì là có thật!
SG, tháng 10/2021
Nguyễn Lan Hương.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét