Những ngày này buổi sáng thường có mưa. Nhưng, hôm nay trời lại có nắng. Tôi hy vọng nắng sẽ có suốt ngày. Mùa này là mùa mưa nên hiếm khi có nắng cả ngày. Mùa mưa vào những ngày còn là đứa bé con là mùa tôi thích nhất. Tôi rất thích cùng các bạn tắm và đùa giỡn trong mưa. Bây giờ tôi không còn thích mưa nữa nên khi trời có nắng tôi cảm thấy vui vẻ và yêu đời hơn. Mặt trời đã lên cao và đang tỏa ánh sáng chói lọi xuống trần gian. Trên trời cao những cụm mây trắng rải rác làm nổi lên bầu trời xanh trong và tuyệt đẹp. Hôm nay là ngày chúa nhật; là ngày thứ hai trăm tám mươi tám tôi đã ở đây. Ngày chúa nhật ở đây không ai phải làm một việc gì cả.
<!>
Ngày này để các con người khốn khổ trong khu bệnh nhẹ được dọn dẹp vệ sinh và giặt giũ quần áo. Nhưng, sáng hôm nay những người bên khu trại đàn ông chúng tôi mà bản thân không còn bị đe đọa bởi tử thần, đều bị dựng dậy thật sớm vì phải đi đến một khu đất xa thật xa. Chúng tôi đi với một yêu cầu, phải dựng lên gấp một trại bệnh mới để đón bệnh nhân trong một ngày không xa sẽ đến. Và, cứ bốn người đi làm sẽ được ‘bồi dưỡng’ một lít rưỡi nước trái cây tươi với dĩa thức ăn. Nước trái cây tươi ở trong trại bệnh là thứ nước có hai mươi lăm phần trăm nước trái cây nào đó, và bảy mươi lăm phần trăm nước lạnh pha đường. Nước trái cây tươi ở đây xem ra là thứ nước uống… có còn hơn không. Được có chất ngọt vô dạ dầy cũng thỏa mãn được sự thèm khát phần nào. Còn dĩa thức ăn, thường là lòng heo hoặc lòng bò… bầy nhầy luộc với nước tương loãng có pha gừng hoặc thứ gia vị nào đó cho bay bớt mùi hôi. Lòng heo hay lòng bò khi ăn sẽ chấm với nước muối pha trà cho giống với nước mắm chứ hoàn toàn không có mùi nước mắm.
Trại bệnh đàn ông chỉ chứa được từ hai trăm đến hai trăm hai mươi bệnh nhân mà thôi. Cho nên có những ngày vì quá nhiều bệnh nhân, hai người phải bị nằm chung một giường. Tin cho biết, người bệnh mỗi ngày mỗi tăng nên nhà cầm quyền cần phải có ít ra là hai khu trại như tại đây mới đáp ứng đủ. Đúng ra tôi cũng phải theo đoàn người đi làm, nhưng, khi đang xếp hàng chờ giờ khởi hành, tôi được lệnh của người phụ tá bác sĩ Phó trại bệnh nói tôi ở nhà để phụ đem gạo vô nhà bếp cho những người phụ trách nấu ăn. Nhiệm vụ của tôi thật ra không có gì là nặng nhọc cả, mà phải nói đó là ân huệ mà Bác sĩ Trưởng và Phó trại bệnh đã ưu ái dành cho tôi. Tôi và một người nữa cùng làm nên… cứ từ từ thì rồi cũng xong. Tôi làm xong công việc khi đồng hồ chỉ mười giờ ba mươi phút nên tôi có thời gian muốn làm công việc riêng gì thì làm.
Hôm nay Bác sĩ Trưởng trại muốn tôi đi qua bên khu đặc biệt trị bệnh của phụ nữ, xem người đàn bà mà tôi quen biết có đỡ hơn được phần nào không. Tôi được phép của Bác sĩ Trưởng trại qua lại khu bệnh của phụ nữ bất cứ lúc nào tôi muốn. Sở dĩ tôi được như vậy vì bệnh của tôi đã khá hơn nhiều, nên tôi được chọn theo ông mỗi khi ông đi qua khu bệnh này.
Ánh nắng mặt trời đang tỏa xuống trần gian, tỏa xuống trại bệnh phụ nữ được ngăn cách rất nghiêm ngặt với xã hội bên ngoài. Đây là khu trại “bệnh của thế kỷ”. Người ta nói tấm bảng viết như vậy chứ tôi không nhìn thấy tấm bảng nào ghi bốn chữ này cả.
Hơi nóng bắt đầu tỏa ra từ mặt trời làm thấm vô da thịt của tôi và của những người, “vì một phút vui sướng” mà giờ đây phải ở trong chốn này. Những người phải vô khu bệnh này, khu “bệnh của thế kỷ” đều biết, đây là chặng đường cuối của đời mình. Căn bệnh khiến cho người bị mắc phải sẽ không còn sức để làm bất cứ một việc gì khác ngoài ăn, rồi nằm chờ tử thần đến đón đi.
Tôi nhìn qua khu trại bệnh đặc biệt dành cho phụ nữ. Trại bệnh có năm phòng. Mỗi phòng chứa khoảng từ mười đến mười hai bệnh nhân. Tôi thấy hai người đàn bà chung phòng với người đàn bà mà tôi tính qua thăm, đang lết hai tấm thân chỉ còn da bọc xương ra ngoài rồi ngồi dựa lưng vô vách nhà như để phơi nắng. Người đàn bà tôi quen không thể ra ngoài ngồi phơi nắng như hai người kia được.
Tôi đi vô phòng thay bộ đồ khác sạch sẽ hơn rồi đi qua khu của phụ nữ. Tôi phải đi để thăm người đàn bà mà chính tôi đã cõng đến đây từ hai tháng trước. Người đàn bà này đang bị những khớp xương tay khớp xương chân sưng lên như trái cà chua và có màu đỏ làm đau nhức vô cùng. Cái đầu gối của chị ta không còn co dãn được nữa. Và, nếu như chị muốn di chuyển cho công việc bắt buộc của con người thì chị phải lết thôi chứ không thể bò được.
Đi gần đến khu của phụ nữ, tôi thấy hai người đàn bà vẫn đang dựa lưng vô vách và chắp hai tay trước ngực như cầu nguyện. Tôi vừa bước đi chầm chậm vừa ngẩng mặt nhìn lên trời cao đồng thời cái mũi của tôi cứ phồng lên rồi xẹp xuống vì cái mùi mà tôi đang ngửi được nó vừa hôi vừa tanh tưởi đến muốn ói. Tôi không tin cái mùi mà tôi ngửi được xuất phát từ căn phòng của ba người đàn bà. Một đàn chim lạ mà tôi không biết tên đang bay ngang qua dưới những áng mây trên bầu trời xanh và phát ra những tiếng kêu như đau thương như ai oán, làm cho tôi chợt nhớ lại những ngày tôi đã chung sống cùng người phụ nữ giang hồ mà tôi không hề hay biết nàng là gái giang hồ. Tôi cố xua đuổi những hình ảnh vừa đẹp và cũng vừa rất rùng rợn đang từ từ hiện ra trong cái đầu của tôi bằng cách tôi hát nho nhỏ một bài hát trữ tình mà tôi rất thích.
Tôi dừng chân trước cửa phòng ngăn cách và nhìn vô trong. Khu này hôm tôi nhập trại cũng có khá đông người. Nhưng, hiện nay toàn khu trại chỉ còn mười ba người thôi. Những người kia đã lần lượt được tử thần đến đón đi mỗi người mỗi cách. Có người được đón đi êm ru khi đang ngủ. Có người sau khi rên la một hồi rồi mới chịu nằm im lìm không nhúc nhích làm cho những người chung quanh cứ tưởng người đó bị kiệt sức. Đa số những người chết đều không có thân nhân đến nhận nên trại phải đưa đi hỏa thiêu chứ không có chỗ để chôn.
Ba người đàn bà khốn khổ hiện ở chung một phòng. Tôi đoán chỉ trong một thời gian không lâu nữa cả ba người cũng sẽ giũ sạch nợ trần ai. Tôi cúi đầu nhìn xuống đất như muốn tránh phải nhìn ánh mắt của hai người đàn bà vẫn đang ngồi dựa lưng vô vách và nhìn ngay tôi. “Ngày trước chắc chắn hai người này cũng đẹp gái lắm.” Tôi nghĩ vậy vì, tuy đang bệnh nặng và mất sắc nhiều, nhưng, nét đẹp và duyên dáng như vẫn còn phảng phất trên khuôn mặt của hai người.
Tôi không tin, không thể nào tin được nên tôi cứ đứng trước cửa phòng nhìn vô. Người đàn bà mà mới mấy tuần trước khi tôi đến thăm còn nằm bất động một chỗ và rên lên ư ử trông thật là thảm thiết, chỉ vì các khớp xương sưng lớn hành đau nhức, thì nay chị ta đang bước đi khập khễnh quanh phòng. Chẳng lẽ chứng đau nhức đã thật sự dần biến khỏi người của chị ta rồi chăng? Tôi bước đến bên người đàn bà và đưa mắt nhìn khắp người chị quan sát. Chị đã có thể đứng được tuy vẫn chưa được thẳng lưng. Và, từ người của chị tỏa ra mùi hôi và tanh tưởi nồng nặc. Vì không bước đi được như người bình thường nên mấy tuần liền chị không hề tắm rửa. Bây giờ tôi đã biết cái mùi mà lúc nãy khi đang trên đường đi đến đây tôi đã ngửi được, là xuất phát từ đây; từ chỗ nằm của chị xông lên mùi khai đến nồng nặc. Nhưng, có lẽ vì vui mừng nhờ sức khỏe đã khả quan hơn, nên chị không quan tâm đến chăng? Tôi lẳng lặng đi xách nước đến giúp chị làm sạnh chỗ nằm. Cả ngày hôm nay tôi sẽ giúp chị làm tổng vệ sinh toàn thân chị và chỗ nằm.
***
Việc đầu tiên của buổi sáng chúa nhật hôm nay, tôi lại đến khu ngăn cách của bệnh xá thăm người đàn bà, thay vì để đến sáng ngày mai theo lời dặn của vị Bác sĩ Trưởng trại. Lúc tôi bước vô phòng, tôi thấy chị đang ngồi thẳng người và nở nụ cười chào đón tôi. Tôi ngồi xuống bên cạnh chị. Tôi vui mừng vì người và chỗ nằm của chị không còn mùi hôi tanh nữa. Tôi hỏi:
“Bác sĩ muốn biết chị còn đau nhiều không?”
Chị cười thật tươi như để chứng minh lời nói của mình là sự thật:
“Bây giờ không còn đau ở đâu hết. Hết đau rồi anh à.”
Người đàn bà vừa trả lời vừa níu chặt lấy cánh tay của tôi như sợ tôi sẽ bỏ đi. Và, ngay sau đó là những giọt nước mắt tuôn ra khỏi khóe mắt chị. tôi an ủi:
“Chị đừng khóc vì bệnh của chị như vậy là xem như đã có nhiều triển vọng sẽ khỏi rồi đó.”
Chị vừa thút thít vừa hỏi:
“Phải, tôi nghĩ là tôi sẽ khỏi bệnh. Nhưng… có phải là nhờ những lời cầu nguyện của anh không?”
Tôi nhìn người đàn bà thương hại:
“Vậy chị khóc là khóc về chuyện gì?”
“Tôi nhớ đến đứa con gái của tôi quá anh à. Con gái tôi tên Vy và rất hiền rất dễ thương. Tôi cũng thường cầu nguyện xin cho cơn bệnh sẽ mau qua, và, nếu may mắn, tôi sẽ được gặp lại con Vy, đứa con gái thật dễ thương của tôi lần cuối. Nhưng vì đức tin của tôi không mạnh mẽ bằng anh.Tôi không tin vô những điều kỳ điệu mà tôi chỉ nghe kể. Tôi chỉ tin vô những gì đã và đang xảy ra mà tôi biết chính xác thôi. Chính anh đã giúp tôi. Chính anh là sức mạnh. Chính hình ảnh của anh và lời cầu nguyện của anh đã làm cho tôi khỏi bệnh nên xin anh đừng bỏ đi vội. Anh mà bỏ đi thì... thì tôi sẽ bệnh lại ngay.”
Tôi cười vui vì câu nói của chị. Con gái của chị tên Vy làm tôi nhớ đến người đàn bà cũng tên Vy đã cùng tôi có những tháng ngày thật vui và thật hạnh phúc. Cũng vì người đàn bà đó mà bây giờ tôi có mặt ở chốn này. Tôi cố xua đuổi hình ảnh người đàn bà vừa hiện ra trong cái đầu của tôi. Tôi nhìn người đàn bà trước mặt và nhớ lại hôm tôi cõng người đàn bà này đến đây. Vì hôm đó thiếu nhân viên mà bà nằm dưới nền xi măng đã quá lâu. Trên đường đi tôi luôn miệng thì thầm cầu nguyện cho bà mau qua khỏi cơn đau đang hành hạ thể xác chị. Không ngờ lời cầu nguyện của tôi bà đã nghe được và để trong lòng. Hôm đó tôi thấy tội nghiệp cho người đàn bà này vô cùng. Nếu không bị căn bệnh hành hạ ngày đêm thì hẳn gương mặt cái mũi và cặp mắt của bà sẽ tôn vinh nhan sắc của bà lên rất nhiều.
Không hiểu do từ đâu mà tôi đã làm một việc mà ai được chứng kiến cũng sẽ tưởng tôi là viên bác sĩ chính hiệu. Tôi đưa tay lên rờ trán của bà rồi sau đó để tay trên ngực của bà ngay chỗ cái vú… như muốn nghe nhịp đập của tim thay vì phải nghe bằng ống nghe. Tôi cảm nhận được một sự rung động từ toàn thân của bà như bà đang bị chấn động. Bà đưa tay ra toan nắm lấy bàn tay của tôi nhưng tôi đã vội rút tay lại và lúng túng nói:
“Chị... chị ngồi đây tôi đi lấy ly nước nóng đến cho chị uống nha.”
Sau câu nói tôi bước ra khỏi phòng và đi thẳng xuống nhà bếp. Tôi cảm thấy xấu hổ vì đã làm một hành động không đúng để người đàn bà hiểu lầm. Từ đó tôi giúp người đàn bà này rất nhiều chỉ vì vị Bác sĩ ra lệnh cho tôi phải làm. Bà đã được may mắn về bệnh lý mà chưa có người đàn bà nào được như vậy; khi đã vô đây. Hai người đàn bà chung phòng với bà đã rủ nhau cùng “đi” một lượt về miền miên viễn hai ngày trước. Rồi đây căn phòng này sẽ trống và bà sẽ được trở về với con… như có sự mầu nhiệm đã đến với bà.
***
Tôi tắt máy xe. Cái xe ba bánh cũ rích mà người chủ cũ của nó đã xem như đồ phế thải và tặng cho tôi. Chính tôi đã bỏ ra gần hai tháng để tân trang và gắn cái máy xe hai bánh cũ hiệu Honda vô. Từ ngày được trở về hội nhập vô cuộc sống cộng đồng, tôi sinh sống với nghề đạp xe ba bánh chở hàng cho những bạn hàng buôn bán ở chợ. Nhưng, tôi không thể đạp hoài chiếc xe cũ dưới cái nắng chang chang mỗi ngày. Vì vậy tôi đã gom góp được một số tiền, và mượn thêm mỗi người tôi quen biết một ít để mua cái máy xe cũ gắn vô. Từ ngày xe ba bánh có gắn máy tôi đã chở hàng được nhiều hơn vì nhanh hơn.
Sau khi tắt máy xe, tôi bước đi dưới tàn lá rậm rì của khu vườn dâu. Khu vườn cây ăn trái Lái Thiêu vào buổi trưa có nhiều nắng. Nhưng, ở đây tương đối mát vì đất rộng trồng nhiều cây và luôn được xanh tươi. Gần giữa khu vườn có dựng một cái nhà lá khá lớn để bán nước cho khách vô thăm vườn. Nhưng, theo như lời bạn bè cho biết thì, “ Vườn trái cây không những đón khách vô thăm vườn, mà, cái quán bán nước đó có mấy em tiếp đãi viên rất lịch sự và người ngợm thì coi cũng được lắm. Anh nên đến một lần cho biết, rồi sẽ đến thường xuyên luôn… tuy có hơi xa.” Vì hiếu kỳ nên hôm nay tôi đến đây, trước là để xem cho biết và, nhân tiện thì cũng... thử, vì từ lâu rồi tôi vẫn còn sống độc thân nên cũng cần phải giải tỏa bớt những tồn đọng. Tôi đút tay vô túi quần để kiểm soát lại xem cái “áo mưa” có còn không. Từ khi thoát chết trong trại bệnh và trở về, tôi không bao giờ để phạm lầm lỗi mà phải bị trở lại nơi đó.
Nhìn vườn cây rộng rãi làm tôi nhớ lại những ngày còn trai trẻ. Mãi đến tận bây giờ, sau một thời gian dài trôi qua. Nhưng, tôi vẫn còn nhớ như in trong đầu vào buổi sáng ngày hôm ấy. Buổi sáng hôm ấy tôi cùng đám bạn cùng trường và cùng lớp tổ chức một ngày đi cắm trại cũng trong một vườn cây ăn trái. Hình như cũng là vườn dâu, nếu như tôi không nhớ lầm. Sau cơn bệnh, đầu của tôi đã không còn như ngày nào nữa. Tôi hay quên. Và quên nhiều. Bây giờ hồi tưởng lại, tôi cảm thấy cuộc đời của tôi như một cuốn phim quay chậm đầy đau thương và nhiều lầm lẫn. Tôi sinh năm Canh Dần. Mệnh tùng bách mộc. Là cây tùng trên núi cao nên suốt đời tôi phải đương đầu với sương gió và không bao giờ hưởng được đời sống an nhàn, không bao giờ được thư tâm điềm nhiên tọa hưởng.
Vào một ngày kia khi mọi sự đau thương dường như đã được chấm dứt, tôi cảm thấy như người trẻ lại khoảng thời gian tôi mười lăm mười sáu tuổi; mặc dù lúc đó tuổi của tôi cũng chỉ mới hai mươi lăm. Dù muốn hay không tôi cũng phải chấp nhận vì từ hôm nay hai miền Nam Bắc rồi sẽ được hòa giải để hòa hợp và đoàn tụ vui sống bên nhau, sống bên gia đình, sống bên người thân yêu và không còn cảnh chia ly tang tóc vì bom đạn nữa. Tôi là Hạ sĩ quan đánh máy thuộc Phòng Hành chánh Tài chánh của một đơn vị không tác chiến, là Trung sĩ, là một trong những người may mắn sống sót sau cuộc chiến. Ngày đó tôi đã tưởng tượng cảnh những con đường dẫn vô thành phố đều có những cánh cửa khổng lồ được mở toang ra để đón những người anh em, cũng là những con người xa lạ từng bị xem là thù địch; về trong một thành phố êm đềm giàu có và tuyệt diệu. Nhưng, tất cả rồi đã làm cho tôi hụt hẫng và thất vọng.
Trong cảnh cùng cực của cuộc sống, tôi đã gặp một phụ nữ đang buôn bán những thứ gì đó mà tôi không muốn tìm hiểu làm gì. Có ích gì không khi mình chẳng có một thứ gì tương xứng với những đòi hỏi. Người phụ nữ tên Vy và lớn hơn tôi một tuổi nhưng tính tình rất thùy mị, dáng người cân đối và, rất thơm mùi phụ nữ. Một mùi thơm quyến rũ mà Vy thường hãnh diện: “Em vẫn quen dùng nước hoa từ khi bước chân vào đời.” Tôi được Vy yêu nên được về ở chung trong căn nhà khá rộng rãi của nàng. Tôi yêu Vy say đắm. Và, để trả ơn Vy đã cứu vớt tôi, tôi cố ra sức kiếm tiền bằng cách buôn bán lặt vặt ở ngoài chợ trời. Sự chăm chỉ làm việc của tôi thật ra cũng chỉ đủ giải quyết cuộc sống cho một mình tôi mà thôi. Nhưng, cũng may là người tôi yêu rất lanh lẹ và biết bán buôn nên mỗi bữa cơm chiều trên mâm cơm luôn có đĩa thịt. Và, rất thường có thịt heo quay hoặc vịt quay. “Heo quay vịt quay em mua ở tận… trong Tôn-Thọ-Tường đó anh.” Vy nói với vẻ mặt thật tươi và nhìn tôi thật tình tứ vì đã mua những món ngon ở tuốt trong Chợ Lớn, nơi bán heo quay và vịt quay nổi tiếng từ trước ngày đau thương của miền Nam; để tôi được thưởng thức lại những hương vị của những ngày xa xưa.
Từ lâu lắm rồi tôi đã quên hẳn những món ăn mà ngày trước tôi rất thường bỏ mứa. Cho đến một hôm kia Vy trở về nhà sau một thời gian gần một tháng vắng bóng, nói là đi buôn cà phê với bạn. Tối hôm đó tôi phát giác từ người của Vy có mùi hôi phát ra. Một thứ mùi hôi thật khó chịu và thật tanh. Chỉ đến lúc đó Vy mới thú thật là”Từ trước khi gặp anh, Vy đã làm điếm rồi.” Nhưng, có điều Vy không bao giờ có thể ngờ: “Em không ngờ em lại bị mang bệnh lậu, bệnh giang mai tim la hột xoài gì đó mà bây giờ mới phát ra. Trong thời gian em đi buôn và… cũng đi khách. Em ngàn lần xin lỗi anh vì đã không nói thật với anh về những gì em đã làm. Tại sao em lại giấu anh. Đó là vì em chỉ muốn anh có cuộc sống không phải lo nghĩ nhiều về chuyện phải lo cho em và lo miếng ăn…” Nghe Vy tâm sự mà lòng tôi đau đớn như bị đứt ra từng đoạn. Vy đáng thương vô cùng chứ không đáng trách vì vào thời đó… Các bác sĩ của bệnh viện Sài Gòn đã không thể nào cứu cho Vy được sống chỉ vì Vy, vì một lý do nào đó đã muốn tự chữa trị tại nhà với những loại thuốc mắc tiền. Tôi không dám có ý kiến gì trong việc tự điều trị bệnh của Vy chỉ vì tôi không có gì cả. Khốn nạn thay cho Vy, những thứ thuốc mắc tiền đó lại toàn là thuốc giả. Chai nước biển đã cướp đi mạng sống của Vy cũng vì là chai nước biển giả.
Cho đến tận bây giờ mỗi khi nhớ lại, tôi vẫn còn rùng mình khi kết quả khám máu của tôi được vị bác sĩ cho biết: “Anh đã bị nhiễm bệnh rồi. Máu của anh đã cho kết quả anh bị nhiễm căn bệnh của thời đại.” Thời gian đó những ai mang bệnh này đều bị gom lại để tránh lây lan cho người khác. Tôi đã tưởng tượng là, rồi đây thân thể của tôi sẽ bị lở lói, bị sút giảm trọng lượng và rồi những người quen của tôi sẽ được tin tôi chết vì sống với cô gái điếm và bị mang một căn bệnh không có thuốc chữa. Từ khi Vy, người đàn bà mà tôi thương yêu qua đời, tôi bị đưa vô trại bệnh. Và, tôi sống cô đơn luôn cho đến ngày hôm nay. Tôi không thể ngờ người đàn bà cũng thương yêu tôi hết mực lại vẫn mỗi ngày một lần, có ngày đến tám lần... đi khách; theo như sự thú nhận của Vy trước khi vĩnh viễn từ giã tôi để đi qua thế giới khác. Tôi tin cách xác thực là, Vy rất yêu tôi. Vì, trước khi nhắm mắt Vy không muốn rời bàn tay vẫn đang nắm bàn tay tôi và thì thào nói lời xin lỗi khi tôi đang ôm Vy an ủi và… vuốt mắt cho Vy sau đó không lâu.
Một người đàn ông mình mẩy nhễ nhại mồ hôi từ trong cái quán nước lợp lá bước ra và vừa đi vừa chửi thật lớn. “Mẹ cha nó. Hôm nay bày đặt lên giá nữa. Làm chết mẹ mới kiếm được nhiêu đó để đến đây. Mình thì định sẽ ăn tô hủ tiếu uống chai bia lấy lại sức... Nào ngờ…” Người đàn ông ngưng nói và bỏ đi thẳng khi thấy tôi nhìn ông ta. Tôi bước vô trong quán. Quán đang vắng khách. Một người đàn bà tuổi trung niên mặt đang bí xị không vui có lẽ vì bị người đàn ông vừa đi ra khỏi quán chửi.Thấy tôi, người đàn bà bước đến bên bàn hỏi tôi uống nước gì với giọng nói của người miền Bắc.
“Ông anh dùng nước gì?”
“Cho tôi ly cà phê đá.”
“Cà phê đen đá phải không ông anh?”
Tôi gật nhẹ đầu. Đã bao lần tôi đi uống cà phê mà hễ gặp chủ quán là người miền Bắc mới vô Nam lập nghiệp đều bị hỏi lại câu này. Người miền Nam chỉ cần nói cà phê đá tức là đen có đá; còn thì cà phê sữa đá.
Khi người đàn bà đem ly cà phê đá đến cho tôi, bà nhìn tôi như cố đoán xem có phải thật sự tôi đến đây là để uống cà phê hay còn… muốn gì khác không. Tôi nhận biết như vậy vì đôi con mắt của bà nhìn tôi cho tôi biết như vậy. Tôi thấy mở miệng ra hỏi thì cũng ngượng nên tôi mở đầu bằng cách nói về người đàn ông vừa đi ra:
“Cái ông... vừa đi ra có lẽ không vừa lòng với giá mới nên cằn nhằn dữ quá phải không bà?”
Người đàn bà nhoẻn miệng cười có vẻ yên tâm.
“Lên có hai chục ngàn chứ nhiều gì đâu mà ông ấy lại không thông cảm cho tôi. Chung chi nhiều nơi quá nên mỗi lần các em lấy chẵn hai trăm ngàn thì có gì là nhiều đâu phải không ông anh?”
Tôi lại gật đầu. Nhưng vì không biết phải nói ra sao nên tôi chỉ cười. Người đàn bà nói tiếp:
“Để tôi kêu em này ra chào ông anh nhé. Em mới và dễ thương lắm.”
Rồi bà liền quay vô phía trong gọi thật lớn:
“Vy ơi. Ra đây con.”
Tôi giựt mình như bị chạm phải luồng điện mạnh vì nghe đến tên Vy. Tôi cầu mong người con gái này trùng tên với người mà tôi đã nghe qua từ người đàn bà trong trại bệnh hôm nào. Một người con gái xuất hiện ngay cửa không lâu sau tiếng gọi của người đàn bà. Nhìn cô gái tôi biết mình cầu xin không còn linh. Khuôn mặt với cặp mắt và cái mũi tôi chưa gặp qua lần nào nhưng, tôi chắc chắn đây là người con gái của người đàn bà tôi gặp trong trại bệnh. Cái mũi và cặp mắt làm cho khuôn mặt của cô gái như sáng bừng lên. Nhờ cái mũi và con mắt đã làm tôn vinh sắc đẹp ở cô mà, nếu gặp thời gặp thế thì cô cũng sẽ là người đẹp nổi tiếng của cả nước vì thân dáng của cô cũng cao ráo và rất thon nhỏ. Cô Vy tuổi đáng con đáng cháu của tôi đang nhìn tôi và gật nhẹ cái đầu. Tôi liền đứng lên và đi theo cô Vy vô phía trong như thể cô ta là khối nam châm còn tôi là cục sắt vậy.
***
Tôi tắt máy xe. Tay tôi cầm gói giấy và bước đi dưới những tàn lá của vườn dâu. Cứ một vài ngày tôi lại đến đây thăm cô Vy. Mỗi lần đến tôi luôn đem theo, khi thì cái quần jean, khi thì cái áo, khi thì chai nước hoa… Mỗi lần mỗi thứ quà và món quà nào cũng làm cho cô Vy vui thích cả. Tôi thấy thương hại cô Vy nhiều khi nghe chính cô tâm sự cuộc đời mình. “Với cái tuổi mười một nhưng em đã nhiều lần xúc động đến rơi nước mắt để khóc thương cho kiếp người. Và, em đã tự hỏi, tại sao ở trần gian này lại có cái số hồng nhan ba chìm bảy nổi và nhiều lênh đênh đến như vậy? Em sinh ra đời đã mang nỗi bất hạnh vì không biết mặt cha của mình vì ông đã hy sinh thân mình cho quê hương trong thời chiến tranh. Em cũng chẳng có anh em gì hết nên đó cũng là sự thua thiệt với chúng bạn cùng lứa tuổi. Tuy nhiên em cũng có được một người mẹ để nũng nịu, để thương yêu. Nhưng, diễm phúc đó đã tan biến mất khi mẹ em bị phát giác mang căn bệnh mà y khoa vẫn còn bó tay. Rồi mẹ em bị mang đi. Bà ngoại quá già yếu nhưng cũng rán kiếm cho em ngày hai bữa khoai lang thay cơm. Một ngày kia mẹ em được trở về nhà vì căn bệnh bỗng nhiên ngưng lại không hành hạ mẹ em nữa. Mẹ em về chưa được mấy ngày thì bà của em mất. Lúc đó em khám phá được căn bệnh của mẹ do từ đâu đem đến. Em thương mẹ chứ không khinh mẹ. Em chỉ cảm thấy quá mắc cỡ với những người chung quanh thôi
Để tránh sự tủi nhục bởi lòng hẹp hòi của những con người lân cận, mẹ đã đem em đi về một nơi xa xôi và dựng lên một cái chòi bên lề đường để tá túc và, đó cũng là cái quán bán nước giải khát cho khách qua đường để kiếm sống hằng ngày. Nếu như cuộc đời của em cứ phẳng lặng trôi theo dòng thời gian như thế thì em cũng thuộc loại có phúc. Sự nghiệt ngã đã đến với cuộc đời em khi em bị một người đàn ông cưỡng hiếp lúc em đi vô rừng kiếm măng và rau dại. Em sợ và ghét người đàn ông đó vì ông ta vẫn muốn tái diễn nhiều lần nữa nên em căm thù đàn ông. Sự căm thù càng dâng cao khi ông ta hăm dọa, nếu không cho ông ta tiếp tục thì ông ta sẽ giết em. Em đã nghĩ quẩn là phải trả thù tất cả đàn ông bằng cách gieo chứng bệnh của thời đại để làm cho chính bản thân họ và gia đình họ phải tan nát.
Mẹ em qua đời không lâu sau ngày em bị cưỡng hiếp lần thứ ba và, em đã bỏ cái chòi, cũng là cái quán nước để ra đi thực hiện cho bằng được ước nguyện. Những ngày đầu vô đây em gặp được những người đàn ông rất tốt và hiền hậu. Họ thấy em buồn nên đã khuyên nhủ em hãy cẩn thận. “Vì người đàn bà luôn bị thiệt thòi trước tiên.” Có nhiều người muốn xây dựng gia đình với em nhưng em không dám tiến tới. Em sợ. Em sợ mai sau khi nhan sắc em tàn phai rồi thì… hạnh phúc cũng sẽ phai tàn theo. Biết đâu lúc đó người ta sẽ buông ra ‘tiếng bấc tiếng chì’ về việc làm trong quá khứ… sẽ làm em khổ đau lắm. Em tính một thời gian nữa khi em có được một số vốn rồi em sẽ đi học may và mở tiệm. Chuyện phải có người đàn ông trong cuộc sống xem như không bao giờ em dám nghĩ đến.
Cho đến nay, những người đàn ông đến với em đều tốt cả… anh à. Từ đó em nghiệm ra là em đã lầm. Không phải tất cả mọi người đàn ông đều xấu xa cả... phải vậy không anh? Anh rất tốt với em. Sự đối đãi nồng hậu và chân tình của anh khác với những người đã đến đây, làm em rất cảm động. Em chỉ là con điếm rẻ tiền, một con điếm hạ cấp và thất học nên em sẽ không bao giờ có thể đem hạnh phúc đến cho bất cứ một người nào được đâu. Bây giờ em còn trẻ, em còn chút nhan sắc… Anh hãy đến đây thăm em thường xuyên vì gặp anh là em vui lắm. Tiền bạc hay quà cáp, anh đừng bận tâm… anh nhé. Anh hãy hứa là anh sẽ đến đây thường xuyên với em, anh nhé.”
Tôi cố nén nỗi xúc động, đồng thời tôi cũng vừa nhớ về người đàn bà trong trại “bệnh của thê kỷ” năm nào. Người đàn bà đó có ngờ đâu, hôm nay tôi đang ngồi nghe đứa con gái mà bà rất mực thương yêu tâm sự chuyện gia đình của bà mà tôi vô cùng thương cảm. Bà có người con gái thật tuyệt vời nên biết nói những lời mà nhiều người có học chưa chắc đã nói và nghĩ được như vậy. Con người chẳng may phải sống trong tận cùng đáy vực của xã hội mà trong tâm hồn vốn đã có sự thánh thiện thì, hành động và lời nói luôn có ý thức. Và, sẽ cảm thấy tội lỗi khi làm điều trái với lương tâm và đạo lý.
Một lần kia tôi đến thăm Vy. Trên đường đến quán tôi nhìn thấy Vy ngồi bên vệ đường với cái túi xách lớn để bên cạnh như thể Vy đi đâu và vừa về đến đây. Nhìn thấy tôi, Vy đứng lên rồi chạy đến nắm chặt tay tôi và nói: “Anh chở em ra phố kiếm cái gì bỏ vô bụng đi anh. Em đói quá anh à.” Lần đó Vy phải ngồi chồm hổm vì xe ba bánh không có ghế. Và, món cá lóc hấp là món ăn mà Vy ăn lần đầu. Sau ngày đó… Có những buổi chiều sau cơn mưa, tôi đã chở Vy ra phố ăn cá lóc hấp. Món ăn mà Vy rất thích. “Nhờ anh mà em mới biết ruột cá lóc ngon quá xá như vậy.” Những lần đi ăn sau đó Vy vẫn muốn ăn cá lóc hấp. Tôi đã để một cái ghế bằng nhựa nhỏ có dựa lưng trong lòng xe ba bánh. Cái ghế chỉ dành riêng cho mỗi mình Vy thôi.
***
Tôi bàng hoàng khi nhìn thấy cửa quán được khóa chặt và có dán tờ giấy ghi hai chữ “Niêm Phong”. Tôi đi một vòng quanh nhà để nhìn thấy tất cả đều im lìm vắng lặng. Tôi đã hiểu ra bốn cô gái ở đây trong đó có Vy và bà chủ quán đã bị gì và đang ở đâu rồi. “Trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết.” Người ta giành nhau miếng ăn rồi choảng nhau chứ bà chủ và các em không bao giờ dám làm mất lòng một người nào. Việc chung chi luôn được thực hiện đúng ngày như đã có giao ước.
Tôi quay người và buồn bã bước đi như mình vừa bị mất đi một vật quý giá. Vy chưa kịp thực hiện giấc mơ mở tiệm may thì nay đã phải bị trong vòng kiểm soát. Vy sẽ bị “phong tỏa” trong bao lâu, tôi không thể đoán biết được. Nhưng, tôi tin chắc sau này khi Vy được tự do, tôi có thể giúp Vy trong khả năng của tôi để làm chủ một tiệm may hay quán bán thức ăn và nước uống thật sự. Vy sẽ từ giã vĩnh viễn cái nghề bất đắc dĩ này vì Vy cũng muốn như vậy. Tôi tin con người nhân hậu và biết suy nghĩ như Vy sẽ phải được có một cơ hội để làm lại cuộc đời và hạnh phúc lứa đôi với người đàn ông cùng trang lứa.
Tôi đang đi đến nơi đậu chiếc xe ba bánh. Từ xa tôi nhìn thấy hình như hai mẹ con cô Vy ngồi trên đó. Tôi chạy thật nhanh đến. Nhưng… xe trống. Không có Vy và mẹ cô. Tôi không muốn bị hỏi han lôi thôi nên tôi vội vàng nổ máy xe rồi chạy thẳng hướng về thành phố.
***
Ngày xưa và bây giờ, khoảng cách không dài nhưng cũng vừa đủ hai mươi mốt năm đã trôi qua. Dù đã cố công tìm kiếm nhưng tôi không bao giờ còn gặp lại Vy nữa. Tám năm đầu, đều đặn mỗi tháng tôi lại đến khu vườn dâu một lần với hy vọng tràn đầy. Mấy năm sau này, mỗi năm thường là vào tháng sáu tôi mới trở lại vườn dâu một lần bằng xe hai bánh. Tôi trở lại để chỉ nhìn vườn dâu từ phía ngoài mà nuối tiếc thôi chứ không còn hy vọng gì nữa. Vườn dâu đã có chủ mới. Phía trước vườn được xây lên bức tường xi măng và không còn cho khách vô thăm vườn nữa.
Mỗi lần trở lại vườn dâu, tôi đều đến quán cá lóc hấp ngày xưa và ngồi đúng cái bàn mà Vy và tôi thường ngồi. Không có Vy và cũng không có bạn, tôi chỉ ăn lẩu đầu cá thôi. Cá lóc sau này người ta nuôi bằng thuốc hay bằng cách nào đó mà con nào con nấy ‘to đùng’, nên thịt cá cũng không còn vị ngọt tự nhiên và không còn thơm. Người chủ quán thuộc thế hệ tiếp nối mà ngày tôi đến quán lần đầu còn là chú nhóc con. Chủ quán luôn niềm nở với tôi vì cũng nhận ra tôi là thực khách từ những ngày xa xưa. Tôi không còn chạy xe ba bánh nữa vì các loai xe thô sơ đã bị cấm hoạt động. Tôi hiện là thư ký cho một hãng buôn của một người lính năm xưa nay trở về Việt Nam làm việc.
***
Noel sắp đến rồi. Mùa Noel năm nay cũng sẽ buồn như mấy mùa Noel qua làm tôi không sao ngủ được. Tôi cứ nhớ về những ngày xa xưa lắm với hai người đàn bà cùng tên Vy. Cả hai đều để lại trong tim tôi niềm thương yêu và quý mến. Tôi thương vì cả hai trong sâu thẳm tâm hồn có sự thánh thiện và rất chân thật. Tôi quý vì cả hai không thể làm công việc gì để sinh sống nên phải chọn làm một công việc mà tôi cho là rất lương thiện. Nếu tôi là phụ nữ có lẽ tôi cũng sẽ làm như vậy.
Chai rượu Remy Martin XO, món quà Giáng Sinh của năm đầu thập niên thứ ba trong thiên niên kỷ thứ hai mươi mốt của ông chủ Việt kiều… Tôi đã uống cạn trong đêm nay nhưng tôi vẫn không sao ngủ được vì cứ nhớ đến lời tâm sự của Vy hôm nào làm cho tôi phải thốt ra trong tâm trạng thổn thức: “Vy ơi, bây giờ Vy ở đâu và có bình an không, hả Vy?”
Topa (Hòa Lan)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét