Ngày 23 tháng 12 năm 1964. Chỉ còn 2 ngày nữa là Noel, bầu trời San Francisco nắng đẹp rực rỡ. Ðó là 2 lý do khiến cho đông đảo du khách chọn San Francisco làm điểm đến. San Francisco là thành phố biển của Hoa Kỳ và là một trong những vịnh đẹp nhất thế giới. Khoảng 15 khách có mặt trên du thuyền của Horace Wilson. Với mái tóc và chòm râu bạc trắng rất nghệ sĩ, Horace Wilson gắn bó với San Francisco gần nửa đời người với vai trò hướng dẫn viên du lịch. Ông không chỉ thuộc mọi ngõ ngách của San Francisco như lòng bàn tay mà còn am hiểu lịch sử hình thành của thành phố này. Horace Wilson hướng mũi tàu về phía Golden Gate Bridge, cây cầu huyền thoại thu hút sự chú ý của mọi du khách.
<!>
Trong cái se lạnh của mùa Ðông, đường nét tao nhã của cây cầu nổi bật trên nền trời tuyệt đẹp. Golden Gate Bridge là tác phẩm kiến trúc hiếm hoi thể hiện được sự hài hòa giữa kỹ thuật và thẩm mỹ. Máy ảnh được đưa lên ngắm và bấm liên tục. Ðợi cho du khách thỏa mãn với những bức ảnh chụp được, Horace thuyết minh: “Cầu Golden Gate bắt đầu xây dựng năm 1933 và hoàn thành năm 1937. Với khoảng cách giữa hai trụ cầu là 1,280 mét, Golden Gate chiếm kỷ lục là cây cầu treo dài nhất thế giới. Nhưng chi tiết lạ lùng nhất về chiếc cầu này chính là biệt danh “cây cầu của những người tự tử” mà người ta đặt cho nó”.
Mọi người ngưng chụp hình và chăm chú lắng nghe. Quay lưng về hướng cây cầu, Horace kể tiếp:
– Nếu một trong số quý vị muốn tự kết liễu cuộc đời, tôi đề nghị quý vị hãy đến cầu Golden Gate vì đó là nơi tự tử chắc ăn nhất. Cho đến giờ phút này, tất cả 278 người mưu toan tìm cái chết đều được toại nguyện. Tại sao ư? Trước hết, như quý vị thấy đấy, cây cầu cao không dưới 67 mét! Ðộ cao này đủ để quý vị ngất xỉu khi chạm mặt nước. Trường hợp quý vị vẫn còn tỉnh táo thì cái lạnh thấu xương cũng không buông tha. Quý vị sẽ ngất xỉu vì lạnh ngay tức khắc hoặc vài phút sau đó, bởi tại vịnh biển này có một dòng nước lạnh cóng chảy từ Bắc cực xuống. Không một ai có thể chịu đựng được hơn vài phút…
Nhìn về hướng cây cầu, nhóm du khách đồng loạt “ồ” lên hoảng hốt. Horace quay phắt lại theo phản xạ tự nhiên. Ông chỉ thoáng thấy một bóng đen xoay tít trong không gian và đâm chúi xuống nước. Horace ra lệnh cho du thuyền trực chỉ về phía người bất hạnh, miệng thốt lên: “Người thứ 279”.
Bác sĩ Stanley Higgins, trưởng ca trực bệnh viện, nhìn người thứ 279 nằm thiếp trên giường. Chị ta khoảng 30 tuổi, sắc vóc cân đối, khá đẹp: mái tóc dài đen tuyền, nước da ngâm đen; hẳn chị ta là một người lai da màu hoặc là người đến từ các đảo thuộc vùng biển Thái Bình Dương. Nhưng đây chỉ là phỏng đoán bởi chị ta không mang theo người bất cứ giấy tờ tùy thân nào.
Người thoát nạn từ từ mở mắt. Bác sĩ Higgins nghiêng về phía chị và nở nụ cười tươi. Tuy đảm nhiệm trọng trách trong bệnh viện, nhưng năm nay Higgins mới có 35 tuổi, gương mặt khá điển trai phảng phất nét trí thức, thân hình rắn rỏi, khỏe mạnh. Hình ảnh đầu tiên mà chị nhìn thấy lúc trở lại với sự sống quả là khá dễ chịu.
Lời nói đầu tiên của chị ta không có gì đặc biệt, dường như đây là câu nói “truyền thống” của hầu hết những người cùng cảnh ngộ:
– Tôi đang ở đâu vậy?
Câu trả lời được thốt lên bằng một giọng nói đầy tự tin:
– Ở bệnh viện. Chị thấy ổn chứ?
Người bất hạnh bỗng nấc lên nghẹn ngào. Chị ta ngồi dậy để lộ thân hình lực lưỡng. Trông chị to lớn như một thanh niên, chiều cao không dưới 1.80 mét, đôi vai rộng, cuồn cuộn cơ bắp như một lực sĩ bơi lội. Chính tầm vóc lực sĩ khoẻ mạnh ấy đã giúp chị thoát chết. Chị ấp úng:
– Sao tôi vẫn còn sống như thế này?
– Sao chị vẫn sống ư? Tôi cũng tự hỏi có phải đây là phép lạ? Người ta không thể cho rằng chị đã giả bộ tự tử, tất cả những người nhảy từ cầu Golden Gate xuống biển đều thật sự muốn tìm cái chết. Trường hợp của chị quả là một phép lạ, và phép lạ đó xuất phát từ chính chị.
– Từ tôi?
– Vâng. Có những trường hợp người bất hạnh muốn về bên kia thế giới, nhưng phản xạ tự nhiên, bản năng sinh tồn… Chị hẳn là một tay bơi cừ khôi?
– Tôi nguyên là cựu vô địch bơi lội của đảo Hawaii.
– Chị cũng là một tay nhào lặn cừ khôi vì các nhân chứng thuật lại rằng cú phóng chúi xuống mặt nước của chị được thực hiện một cách hoàn hảo, y như một vận động viên nhào lặn chuyên nghiệp, không chê vào đâu được! Chính tính chuyên nghiệp đó đã giúp chị không bị tổn thương lúc tiếp xúc mặt nước sau khi rơi tự do ở tốc độ cao. Mặt khác, thể tạng lực sĩ của chị khiến chị không những chịu đựng được cú va chạm mà ngay sau đó chị đã tự động bơi như một rôbốt…
– Thực sự tôi không nhớ rõ những gì đã diễn ra.
– Một điều may mắn nữa là chiếc thuyền chở du khách của Horace có mặt cách nơi chị phóng xuống không xa mấy. Tôi nghĩ là chị nên nói lời cám ơn ông ta.
– Cám ơn về điều gì? Tôi muốn chết kia mà.
– Chị có biết rằng lúc Horace đến nơi thì chị cũng vừa ngất rồi không? Chị có biết rằng Horace đã không ngại hiểm nguy nhảy xuống nước lạnh thấu xương để cứu chị? Vả lại, năm nay ông ta đã 70 tuổi.
Người phụ nữ thở dài hối hận.
– Ông ấy không nên làm thế. Dù sao thì tôi cũng lấy làm tiếc.
– Horace sẽ sớm hồi phục lại thôi. Ông ta đang ở phòng bên cạnh. Tôi vừa mới khám cho ông ta. Ông ta chỉ bị cảm lạnh. Nhưng tôi muốn trở lại câu chuyện của chị. Chị sống ở Hawaii à?
– Vâng, đúng thế.
– Tôi có thể biết tên chị được không?
– Isabelle Kainoa.
– Chị được bao nhiêu tuổi?
– Ba mươi hai.
– Sức khoẻ của chị không có gì trầm trọng.
– Tôi không quan tâm đến điều đó.
– Hẳn là như thế. Nhưng hiện giờ thì chị vẫn còn sống, chắc là chị muốn mình đi đứng bình thường hơn là ngồi trên chiếc xe lăn. Rất may là điều tệ hại đó đã không xảy ra. Chị chỉ bị bong gân và chấn thương cơ bắp. Thực sự không có gì trầm trọng, sẽ không có một di chứng nào. Việc bình phục chỉ còn là yếu tố thời gian.
Lần đầu tiên từ lúc tỉnh lại, nụ cười nở trên môi Isabelle, nhưng chỉ là nụ cười buồn, héo hắt.
– “Không có gì trầm trọng”, bác sĩ nghĩ vậy sao?
– Chị có bị bệnh gì không?
– Vâng có đấy. Tôi bị bệnh phong!
– Bệnh phong? Và đó chính là lý do khiến chị không thiết sống nữa?
Isabelle xác nhận bằng cái gật đầu. Bác sĩ Stanley nhẹ nhàng đặt tay mình lên vai Isabelle. Vào năm 1964, bệnh phong chưa hoàn toàn bị xóa sổ, ngay cả ở các nước phát triển. Lúc bấy giờ Hawaii đã trở thành tiểu bang thứ 50 của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ.
– Isabelle, chị có thể cho tôi biết chị bị bệnh phong trong trường hợp nào?
– Năm 10 tuổi, tôi sống với mẹ tôi ở Hawaii. Mẹ tôi bị bệnh phong và lây sang tôi.
– Chị có được điều trị không?
– Có chứ! Mẹ và tôi được điều trị tại một bệnh viện đặc biệt. Sau một năm, họ bảo rằng tôi đã khỏi bệnh. Tôi ngờ rằng họ chưa điều trị chúng tôi đến nơi đến chốn vì lúc bấy giờ là thời chiến mà.
– Bệnh phong của chị tái phát?
– Không phải ngay sau đó. Tôi đã tìm lại ý nghĩa cuộc sống. Tôi lao vào luyện tập môn bơi lội. Mọi người cho rằng tôi là người phụ nữ khoẻ mạnh ít ai sánh kịp. Năm 20 tuổi, tôi lấy chồng. Chúng tôi sống rất hợp ý nhau và đã có ba đứa con. Mọi việc diễn ra tuyệt vời cho đến khi tôi hạ sinh đứa thứ tư, June…
Bác sĩ Stanley nhớ rõ những ngày ngồi ghế trường đại học, một vị giáo sư nói rằng bệnh phong ở người phụ nữ có thể tái phát khi sinh con dù trước đó nó đã được trị khỏi. Y học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân.
– Bệnh tái phát khi chị sinh con thứ tư à?
– Ðúng thế. Các bác sĩ đã điều trị cho tôi khỏi bệnh phong nhưng họ cũng cảnh báo rằng bệnh có thể tái phát khi sinh nở. Họ khuyên tôi không nên có thêm con vì nguy cơ lây bệnh sang con là rất cao. Quá tuyệt vọng, tôi đã xuống tàu đến đây được hai tháng.
– Chị có thể ở lại Hawaii cơ mà.
– Tôi không thể. Còn nỗi khổ nào bằng ở gần con mà không được gặp mặt chúng. Thà rời xa chúng còn hơn.
– Còn chồng chị thì sao?
– Về nguyên tắc, tôi được phép gặp mặt chồng, nhưng tôi đã từ chối. Tôi sợ sẽ lây cho anh ấy. Và tôi cũng sợ… lại mang thai.
Isabelle cúi mặt, thất vọng. Vài phút trôi qua trong im lặng.
– Chồng và hai đứa con lớn vừa gởi cho tôi thiệp chúc mừng Noel. Tốt nhất là họ đừng gởi thiệp Noel bởi điều đó chỉ làm cho tôi thêm đau buồn.
– Tôi hiểu hoàn cảnh của chị.
– Ðèn màu chiếu sáng rực rỡ mừng Noel sắp đến với mọi nhà ở San Francisco. Cửa hàng, vòng hoa, đèn chớp đủ màu… Tại sao mọi người được đoàn tụ, hạnh phúc với gia đình, còn tôi thì không? Tại sao tôi mắc phải chứng bệnh oan nghiệt này? Tại sao có sự bất công như thế?
– Chị Isabelle này, chị quên rằng chị vừa may mắn thoát chết đó sao?
– Ðiều này anh vừa nói với tôi lúc nãy. Tôi muốn chết nhưng buộc phải sống, phải chăng đó là điều may mắn?
– Tôi không đề cập đến chuyện đó.Tôi có quen biết một giáo sư nổi tiếng, chuyên gia về bệnh phong. Ðó là thầy dạy cũ của tôi, thầy Simson. Ông hành nghề ở Oakland, gần đây thôi.
– Tôi làm sao có đủ tiền để điều trị?
– Khoan nói đến chuyện điều trị đã. Trước hết nên làm cuộc xét nghiệm. Biết đâu chị đã hoàn toàn khỏi bệnh phong.
– Ở Hawaii, họ bảo bệnh phong tái phát.
– Các bác sĩ ở Hawaii làm sao sánh kịp Giáo sư Simson. Khi đến đây, chị không bao giờ nghĩ đến chuyện đi khám xem hư thực ra sao?
– Không, vì tôi tin vào kết quả ở Hawaii.
– Tôi thì không nghĩ như thế. Tình trạng sức khoẻ của chị hiện tại không cho phép chị đến chỗ Giáo sư Simson. Tôi sẽ cố thuyết phục ông ta đến đây.
Bác sĩ Stanley Higgins đã đoán đúng. Với những phương tiện hiện đại mà các đồng nghiệp ở Hawaii không có, Giáo sư Simson đã làm cuộc xét nghiệm đầy đủ cho Isabelle Kainoa. Kết quả chính thức được công bố: Isabelle Kainoa hoàn toàn dứt hẳn bệnh phong. Giáo sư Simson ký giấy xác nhận cho phép Isabelle về đoàn tụ với chồng con.
Sau khi hồi phục, Isabelle quay về với gia đình. Người thứ 279 tìm cái chết trên cầu Golden Gate, sống hạnh phúc bên chồng con.
Với chị đây quả là một phép lạ kỳ diệu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét