Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 30 tháng 12, 2021

Nữ hoàng Nitocris PIERRE BELLEMARE - Đào Duy Hòa phỏng dịch


Sau giấc ngủ trưa trên giường nệm phủ lụa và trong tiếng đàn hạc du dương đệm bởi nhóm tì nữ da đen, công chúa Nitocris uể oải vươn vai. Nàng đảo mắt nhìn căn phòng trong cung điện Memphis nguy nga mà ngao ngán thở dài. Nàng thật sự buồn chán với cuộc sống đơn điệu của một công chúa nơi cung đình. Cuộc đời nàng có lẽ chỉ có ý nghĩa khi nàng lấy chồng, nhưng điều này dường như còn quá xa vời. Nitocris cảm thấy nóng bức. Mùa Hè nóng bỏng ở đất nước Ai Cập khiến nàng thèm được bơi lội. Nàng có thể tung tăng trong hồ bơi của cung điện, nhưng nàng lại thích ngâm mình trong dòng sông Nil hơn. Nàng yêu dòng sông Nil gắn liền với hình ảnh của những chiếc xuồng câu, những chiếc thuyền buồm đầy ắp hàng hóa, những chiếc đò đưa khách dọc ngang…
<!>
 Thế là Nitocris rời cung điện Memphis thẳng bước về hướng sông Nil, phía sau là đoàn tì nữ tay mang những cái tráp đựng nhựa thơm, thuốc bôi da, dầu xoa bóp, son phấn… cho công chúa sử dụng trước, trong và sau khi tắm.

Nitocris chậm rãi bước trên đôi chân nhỏ nhắn ôm ấp bởi đôi hài bằng vàng ròng óng ánh mà người thợ đóng giầy hoàng gia vừa mới hoàn thành và mang đến cho nàng sáng nay. Ðôi hài mới đẹp làm sao! Ðây là lần đầu tiên nàng mang nó.

Ðoạn đường nối liền cung điện và khúc sông được che mát bởi một mái hiên, nền được lót bằng đá cẩm thạch. Hàng cây cột đỡ mái hiên được tô điểm bởi những tác phẩm hội họa, thỉnh thoảng xuất hiện vài bức tượng điêu khắc… thể hiện nghệ thuật đỉnh cao của đất nước Ai Cập vào năm 2170 trước Công Nguyên.

Trong lúc khoan thai bước về hướng sông Nil, Nitocris ôn lại chuỗi ngày đầu của cuộc sống cung đình với nhiều ân sủng. Nitocris là con gái của Pépi II, hoàng đế cuối cùng của Ai Cập vừa mới băng hà sau thời gian trị vì kéo dài 94 năm. Vua Pépi II lên ngôi năm 6 tuổi và mất năm 100 tuổi. Nàng không phải là đứa con gái duy nhất bởi vua Pépi II có đến hàng chục người con gái trong số đó không ít người được sinh ra trong lúc vua Pépi II còn rất trẻ. Những người chị gái này của Nitocris đáng tuổi mẹ, tuổi bà của nàng, thậm chí một số đã qua đời.

Nitocris chỉ vừa tròn 16 tuổi. Sinh ra muộn nhưng tạo hóa lại ban cho nàng một sắc đẹp hoa nhường nguyệt thẹn: khuôn mặt trái xoan đầy đặn, mái tóc mềm mại và óng ánh, đôi mắt sáng ngời sắc sảo và một thân hình đầy đặn, cân đối đến tuyệt vời. Nhưng Nitocris không chỉ đơn thuần là một công chúa xinh đẹp vì nếu chịu khó để ý một tí, sẽ thấy nàng còn bộc lộ nhiều ưu điểm khác: thông minh, kiên quyết, sách lược… Tóm lại, nàng có hầu như đầy đủ những yếu tố khả dĩ đối phó với những cạm bẫy của cuộc sống nơi thâm cung.

Sông Nil hiện ra trước mặt. Sau khi lướt mắt nhìn chung quanh không thấy có người trộm nhìn, Nitocris tuột chân ra khỏi đôi hài rồi cởi chiếc áo dài bằng vải lanh… Trên thân thể với đường cong tuyệt mỹ của nàng chỉ còn vỏn vẹn chiếc vòng chuỗi hạt bằng đá da trời vòng quanh ngấn cổ trắng nõn nà. Ðể bảo đảm an toàn, đám nữ tì bước xuống sông làm tấm rào chắn xung quanh. Giờ thì đến lượt nàng…

Bỗng nàng hét lên một tiếng thật to. Một bóng đen xuất hiện trên bầu trời, nó lượn một vòng trên đầu nàng rồi đâm bổ xuống. Ðó là một con chim đại bàng to tướng. Theo bản năng tự vệ, nàng lấy đôi tay che chắn khuôn mặt nhưng con chim không tấn công nàng. Nó đâm bổ xuống bờ sông rồi bay bổng lên trời, đôi chân móng nhọn kẹp chặt một vật lóng lánh: một chiếc hài bằng vàng ròng của nàng đã bị nó tha đi. Nitocris căm giận hét lên một tiếng, rồi bật khóc tiếc rẻ…

Cách nơi chim đại bàng tha chiếc hài vàng khoảng 1 giờ đi bộ là cung điện Gizeh của hoàng tử Mentesouphis. Ðầu óc Mentesouphis đang bị khuấy động bởi những suy nghĩ bi quan. Mentesouphis là con trai yêu quý của hoàng đế Pépi II và là người kế vị ngôi vua. Mentesouphis tự hỏi phải chăng sự ưu ái mà hoàng đế dành cho chàng là món quà chết người. Chàng vừa tròn 16 tuổi, quá trẻ để đảm đương trọng trách trị vì muôn dân, nhất là trong tình hình chính trị hết sức rối ren, phức tạp hiện tại.

Trong suốt thời gian ngự trị ngai vàng, Pépi II thể hiện một cách hoàn hảo vai trò của một vị hoàng đế vĩ đại. Với sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa sự cứng rắn, kiên quyết của một đức vua và sự khôn khéo của một nhà hiền triết thông thái, Ngài đã mở rộng bờ cõi về phía Nam. Ðiều tai hại là vua Pépi II sống quá thọ. Trong suốt 30 năm cuối của thời kỳ trị vì, Ngài không còn anh minh như lúc trẻ. Ngài đã để cho các lãnh chúa và các giáo sĩ chia sẻ quyền cai trị đất nước. Liệu họ có chịu trao trả quyền lực lại cho hoàng tử Mentesouphis, người kế vị ngai vàng thiếu uy quyền và non nớt kinh nghiệm?

Nhìn quang cảnh trải ra trước mắt, Mentesouphis thở dài chán nản. Ðối diện với cung điện Gizeh của Mentesouphis, dãy kim tự tháp Khéops, Khéphren và Mykérinos hiện ra uy nghi, minh chứng cho những triều đại hùng mạnh của các vị hoàng đế tiền bối mà chàng là người được chọn để kế vị. Bất giác chàng cảm thấy đôi vai non trẻ của mình như oằn xuống bởi thiên mệnh trọng đại được giao phó.

Quan thái phó Phaten, một nhà thông thái và là thầy dạy của Mentesouphis, luôn bên cạnh chàng như hình với bóng. Chàng chỉ còn biết trông cậy vào sự dìu dắt, tư vấn, hướng dẫn tận tình và dạn dày kinh nghiệm của người thầy đáng kính này. Bỗng Phaten kêu lên:

– Nhìn kìa, bệ hạ!

Sự việc lạ lùng đang diễn ra: một con đại bàng khổng lồ làm rơi một vật óng ánh cách nơi họ đứng khoảng 100 bước chân. Hai thầy trò tò mò đi về hướng vật bị đánh rơi. Giây phút sau, Mentesouphis nhặt lên một chiếc hài bằng vàng ròng óng ánh dưới ánh mặt trời. Quay sang quan thái phó, chàng hỏi:

– Chiếc hài của ai thế này?

-Chủ nhân một tuyệt phẩm quý giá thế này hẳn phải thuộc dòng dõi trâm anh thế tộc. Chắc chắn nó thuộc về một trong những người chị hoặc em gái của bệ hạ.

-Chiếc hài duyên dáng làm sao! Ðôi chân của nàng ắt hẳn cũng duyên dáng không kém!

-Hạ thần hoàn toàn đồng ý với nhận xét của Ngài. Thần nghĩ nếu chủ nhân chiếc hài kia độc thân thì bệ hạ nên cưới làm hoàng hậu (*). Ðây là điềm lành hiếm có mà thần mặt trời mang đến cho người.

-Ngươi nói hợp ý ta. Ta sẽ cho tìm ngay chủ nhân chiếc hài.

Việc tìm chủ nhân chiếc hài không mấy khó khăn bởi tin công chúa Nitocris bị chim đại bàng tha mất chiếc hài nhanh chóng lan rộng khắp các cung điện. Ngay buổi chiều hôm đó, Nitocris được lệnh đến gặp đức vua Mentesouphis.

Nitocris xuất hiện tuyệt đẹp như một thiên thần khiến vua Mentesouphis ngây ngất. Chàng thầm nghĩ: “Nàng đúng là người con gái, là người vợ mà ta hằng mơ ước”. Nitocris cũng rung cảm không kém, không phải chỉ vì chàng là đức vua mà còn vì nét đẹp thanh tú mà nàng chưa từng thấy bao giờ. Chàng hội đủ tất cả những chuẩn mực của nét đẹp nam tính Ai Cập: mái tóc đen tuyền, nước da mịn, đôi vai rộng, rắn rỏi… Tuy là anh em, nhưng cả hai chưa một lần gặp mặt nhau. Hoàng đế Pépi II có hàng trăm người con. Họ được nuôi nấng và giáo huấn riêng biệt ở những cung điện cách xa nhau.

Bây giờ thì cả hai mặt đối mặt nhau trong thinh lặng, bị cuốn hút bởi tiếng sét ái tình không gì cưỡng lại nổi. Mentesouphis là người mở lời trước:

-Nàng tên gì?

-Nitocris.

-Nàng có muốn lấy ta làm chồng không?

-Từ giây phút đầu diện kiến, em tin chắc rằng đời em không thể thiếu chàng.

Tuần lễ sau đó, đám cưới của đức vua Mentesouphis và công chúa Nitocris được tổ chức linh đình và kéo dài trong mười ngày. Các thế lực chia sẻ quyền lực hoàng gia hình thành trong thời kỳ vua Pépi II cai trị nhìn sự kiện này một cách tiêu cực bởi cuộc hôn nhân đồng nghĩa với sự tồn tại của triều đại “cha truyền con nối”. Hơn nữa, Nitocris là người có cá tính, thông minh và mưu lược, trong khi Mentesouphis là một chàng trai thiếu quyền uy và quyết đoán. Nhằm duy trì quyền lực hoàng gia hiện đang nắm trong tay, các phe phái đối lập phải hành động cấp bách.

Một tháng trôi qua khá yên tĩnh, một sự yên tĩnh rờn rợn như để đón chờ cơn bão táp chính trị do hai vị chức sắc đầy quyền lực dưới thời Pépi II chủ mưu: Sahouré, vị giáo sĩ tối cao, và lãnh chúa Sendji cai trị cả vùng Cataracte rộng lớn.

Sahouré và Sendji bí mật hẹn gặp nhau tại đền Râ (**) trong cung Héliopolis. Sahouré là vị giáo sĩ đầu trọc bóng loáng, mặt nhọn, đôi tay dài với những ngón tay nhỏ nhắn; Sendji là một gã lực lưỡng với màu da sạm nắng, ngực mang bộ áo giáp mạ vàng thể hiện quyền lực và giàu có. Sendji mở lời trước:

-Ngài chắc rằng không một ai nghe lén hoặc theo dõi mình chứ?

-Tất nhiên, ta đã cho đóng mọi ngõ ngách. Chỉ có ngài và ta thôi.

-Ðây là thời điểm chúng ta phải quyết định. Nếu Mentesouphis kéo dài thời gian cai trị, hắn sẽ củng cố quyền lực và chẳng mấy chốc hắn sẽ đủ sức loại trừ chúng ta. Hãy tổ chức ám sát trong lần hắn xuất hiện trước công chúng sắp tới.

-Liệu người ta có đủ táo bạo để làm chuyện này không?

-Ngài đừng quá lo. Nhóm cầm đầu mà ta trả tiền biết họ phải làm gì.

-Thông qua các giáo sĩ dưới quyền, ta sẽ tung tin đồn rằng kho lương thực sắp cạn, nạn đói gần kề. Ðiều này sẽ có lợi cho cuộc mưu sát…

Một thoáng im lặng trôi qua. Sahouré hất cái đầu trọc nói:

-Còn Nitocris thì sao?

-Hãy chừa nàng ra.

-Tại sao?

-Cứ để nàng ngự trên ngai vàng. Sau thời gian chịu tang chồng, ta sẽ đề nghị cưới nàng. Nếu thủ tiêu cả hai cùng lúc để soán ngôi sẽ quá tàn khốc và tai tiếng.

Sahouré mỉm cười:

-Ngài thích Nitocris phải không? Thú nhận đi!

-Ðúng vậy.

-Vậy thì chúng ta y theo kế hoạch mà hành động. Mentesouphis sẽ chủ trì lễ Anubis vào ngày trăng rằm tới. Quả là cơ hội vàng!

-Tôi đã sẵn sàng.

Không nói thêm lời nào nữa, hai kẻ mưu phản rời khỏi đền Râ.

Họ đã hoàn thành cuộc mưu sát đúng như dự kiến. Theo nghi lễ, Mentesouphis chủ tọa lễ Anubis một mình. Hôm đó, Nitocris quyết định cùng các tì nữ lên sân thượng cung điện xem chồng làm lễ. Và thế là Nitocris tận mắt chứng kiến cái chết đau đớn của người chồng yêu dấu. Thật là khủng khiếp.

Khi Mentesouphis vừa bước ra khỏi cánh cổng to dẫn ra lễ đài thì một đám đông xuất hiện từ nhiều hướng, tay cầm gươm đâm chém, miệng la hét man rợ. Quả là một cuộc ám sát kinh tởm. Vị vua trẻ nhào lộn, bị giẫm lên người, đâm chém không thương tiếc. Chỉ trong chốc lát, tại hiện trường chỉ còn lại cái xác không hồn, đẫm máu, nhầy nhụa thương tích.

Nitocris chờ đến lượt mình bị “hành quyết”. Nàng rất ngạc nhiên khi một giờ sau, những người quyền lực nhất của triều đình do Sahouré và Sendji dẫn đầu đến kính cẩn tuyên thệ “trung thành với nữ hoàng”. Cái chết tức tưởi của Mentesouphis đã để lại trong lòng Nitocris nỗi buồn chán và thất vọng cùng cực. Giờ đây nàng không còn thiết sống nữa. Thế nhưng họ đã không “hành quyết” nàng. Dường như nàng được sinh ra là để ngự trị ngai vàng nên nàng chấp nhận sứ mệnh. Nitocris tổ chức trọng thể tang lễ cho chồng. Nàng yêu cầu đặt chiếc hài bằng vàng bên cạnh xác nhà vua, chiếc hài đã tác hợp hai người nên nghĩa vợ chồng. Chiếc hài còn lại được nàng giữ bên mình như kỷ vật bất ly thân.

Vài ngày sau khi tang lễ kết thúc, một sự kiện khác bất ngờ xảy ra. Khi Nitocris đơn độc bước dọc theo hành lang cung điện, một giọng nói vang lên từ phía sau màn trướng:

-Xin nữ hoàng đứng yên. Hãy nhìn ra cửa sổ như người đang ngắm mây trời.

-Nhà ngươi là ai?

-Mineptah, một giáo sĩ của đền Râ. Tôi tình cờ nghe được cuộc đối thoại bí mật tại cung điện Héliopolis giữa Sendji và Sahouré. Nếu tôi kịp thời trình báo lên đức vua thì thảm họa đã không xảy ra. Nhưng tôi đã không làm thế. Giờ tôi muốn chuộc lại lỗi lầm cho nhẹ bớt lương tâm.

Và Mineptah thuật lại đầu đuôi câu chuyện giữa Sendji và Sahouré kể cả việc Sendji định cầu hôn nàng làm vợ. Khi câu chuyện kết thúc, Nitocris lặng lẽ rời khỏi hành lang.

Giáo sĩ Mineptah trông ngóng sự trừng phạt hai kẻ chủ mưu cuộc thảm sát nhưng không một động tĩnh nào xảy ra cả. Nitocris thậm chí còn xa rời cả quan thái phó Phaten, một nhà thông thái và là thầy dạy của Mentesouphis. Nàng trọng dụng các quan cận thần dưới thời vua Pépi II mà đứng đầu là Sendji và Sahouré. Nàng trị vì đất nước một cách tài tình nhờ biết kết hợp hài hòa giữa tư chất thông minh và tâm huyết. Công trình làm đập trên sông Nil dẫn nước tưới cho đồng ruộng mang đến cho dân chúng cuộc sống sung túc. Công việc chỉnh trang, nới rộng các cung điện cũng được coi trọng. Ðặc biệt là công trình xây dựng một phòng lễ hội rộng lớn ở tầng ngầm cung điện, nơi dự định tổ chức các lễ hội theo nghi thức trong tương lai…

Trung thành với chiến thuật đã vạch ra, Sahouré và Sendji nhiệt tình ủng hộ mọi hoạt động của nữ hoàng Nitocris, đặc biệt là các công trình cải thiện dân sinh để thu phục lòng dân khắp cả nước.

Một năm trôi qua trong an bình và thịnh vượng. Nhận định thời gian đủ để Nitocris nguôi ngoai nỗi buồn, Sendji quyết định đưa ra lời cầu hôn. Hắn rất tự tin vì trong các cuộc họp bàn việc triều chính, Nitocris luôn dành cho hắn những lời khen thích đáng. Ăn diện bộ y phục đẹp nhất, hắn tìm đến bên cạnh Nitocris trong lúc nàng đang mơ mộng đứng nhìn dòng sông Nil êm chảy như nàng thường làm lúc rỗi rảnh.

-Ðã đến lúc ta thổ lộ nỗi lòng mình với nàng, Nitocris.

Nitocris không tỏ thái độ dè chừng hay phản đối, trái lại nàng nở nụ cười khích lệ.

-Tôi sẵn sàng nghe lời nói của ngài, Sendji.

-Nàng không thể cứ trị vì đơn độc như thế này mãi. Mặt khác Mentesouphis đã không có đủ thời gian cho nàng đứa con nối dõi. Nàng phải nghĩ đến việc tái giá thôi.

-Ý ngài có vẻ hợp với ta. Nhưng sẽ là ai?

-Nếu nàng không chê thì tôi xin được hân hạnh làm chồng nàng.

-Ngài ư?

Nitocris không lộ vẻ phản bác, chỉ một thoáng ngạc nhiên trong ánh mắt lấp lánh đầy bí ẩn. Ðôi môi nàng luôn mỉm cười. Sendji, vị lãnh chúa cai trị cả vùng Cataracte rộng lớn, nắm tay Nitocris:

-Anh sắp điên mất vì yêu em, Nitocris! Bao nhiêu đêm anh thao thức vì em. Cuộc sống của anh sẽ mất hết ý nghĩa nếu không được lấy em làm vợ. Hãy giúp anh trở thành người đàn ông hạnh phúc nhất thế gian này.

-Em cần có thời gian suy nghĩ. Ít nhất là một năm nữa em mới quyết định được.

-Một năm nữa ư! Anh sẽ mòn mỏi vì chờ em.

-Em biết. Nhưng tình yêu sâu đậm em dành cho Mentesouphis không thể nào nhạt phai nhanh hơn. Em đã tận mắt chứng kiến cảnh Mentesouphis bị giết tàn khốc như thế nào.

-Nitocris…

-Em không nói không với anh, Sendji. Hãy chứng minh lòng kiên nhẫn và anh sẽ nhận lại phần thưởng xứng đáng.

Lại một năm trôi qua. Sự kiện trọng đại mà mọi người mong đợi bấy lâu nay đã đến. Ðó là lễ khánh thành phòng lễ hội rộng lớn ở tầng ngầm cung điện. Công trình vĩ đại này khởi công xây dựng từ lúc Nitocris lên trị vì.

Những quan chức, khách mời lóa mắt với những gì họ trông thấy. Có thể nói phòng lễ hội là một kỳ quan không thua kém kim tự tháp mà các bậc tiền bối sáng tạo. Cầu thang dẫn xuống phòng được lát bằng đá cẩm thạch xanh và trải thảm quý hiếm. Sàn phòng lễ hội được làm bằng đá hoa cương nghệ thuật mang hình dòng sông Nil. Tường được trang trí bởi những bức tranh thể hiện cuộc sống hàng ngày của dân Ai Cập…

Mọi người trầm trồ khen ngợi, thán phục sức sáng tạo và sự tinh tế đầy chất nghệ thuật của nữ hoàng Nitocris. Tất cả triều thần dưới thời vua Pépi II đều hiện diện trong phòng lễ hội, trừ các tì nữ thân cận của nữ hoàng, người thân của Mentesouphis và nhà thông thái Phaten, thầy dạy của chồng nàng. Theo nghi thức thì Nitocris sẽ đến chủ tọa buổi lễ khi mọi người đã tề tựu đầy đủ.

Trong số các quan khách có mặt, Sendji hẳn là người bồn chồn, hồi hộp nhất. Cách đây đúng một năm, hắn đã thổ lộ tình yêu với Nitocris và nàng hạn định một năm sau sẽ hồi đáp. Lòng hắn hớn hở vui mừng và thầm nghĩ: “Nàng chọn dịp khánh thành trọng đại này để tuyên bố nhận lời cầu hôn của ta. Thật là một ngày vinh quang và hạnh phúc, không phí công ta chờ đợi”.

Một hồi trống vang lên làm im bặt mọi cuộc trò chuyện. Ngay sau đó, Nitocris xuất hiện trên tầng cao, lộng lẫy trong trang phục nghi lễ của nữ hoàng Ai Cập, đầu đội vương miện lấp lánh ánh vàng, tay cầm chiếc gậy vương quyền:

-Mọi người hãy lắng nghe, đặc biệt là Sendji!

Lãnh chúa vùng Cataracte đứng lên, ngước nhìn Nitocris.

-Cách đây đúng một năm ngài cầu hôn ta và đây là câu trả lời!

Nói xong nàng phất chiếc gậy vương quyền. Tức thì các bức tường quanh phòng lễ hội chuyển động, những khối nước khổng lồ ập vào mạnh như thác đổ khiến không một ai kịp phản ứng. Họ chen lấn, la hét, giày xéo lên nhau mong tìm lối thoát một cách vô vọng.

Những người âm mưu giết chồng nàng cách đây hai năm giờ đang chìm ngập trong dòng nước lũ. Công trình dẫn thủy nhập điền từ sông Nil do chính nàng chủ xướng và chỉ huy bao gồm cả một đường dẫn nước vào phòng lễ hội này nhằm trừng trị bọn triều thần gây tội ác đối với Mentesouphis.

Mọi tiếng la thét cầu cứu đã im bặt. Một lần nữa, Nitocris phất chiếc gậy vương quyền, ngay lập tức mực nước thôi dâng lên. Trong phòng lễ hội giờ đây là cảnh tượng ngổn ngang xác chết và thức ăn, các vòng hoa, những mảnh vụn vỡ… Nitocris quay sang nhà hiền triết Phaten, người duy nhất cùng nàng vạch ra kế hoạch trả thù:

-Ngài cho thu dọn phòng lễ hội, chuyển những xác chết ra sa mạc.

-Xin tuân lệnh.

Khi xong công việc được giao, vị trung thần Phaten tìm đến Nitocris để báo cáo, nhưng nữ hoàng giờ đây chỉ còn là cái xác không hồn. Nàng tự kết liễu cuộc đời bằng độc dược. Xác nàng nằm thẳng thớm trên giường, gương mặt thanh thản, hai tay ôm chiếc hài vàng kỷ vật.

Trong suốt hai năm trị vì, mục đích sống của nàng là chờ ngày trả thù chồng. Cái chết của nữ hoàng Nitocris vào năm 2181 trước Công Nguyên kéo theo sự sụp đổ của đế chế Ai Cập cổ đại. Hơn một trăm năm sau đó là thời kỳ binh biến loạn ly để cuối cùng dẫn đến kỷ nguyên đế chế Ai Cập trung đại.

ĐDH (phỏng dịch)

Không có nhận xét nào: