Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 29 tháng 12, 2021

Amedeo Modigliani (1884-1920) - Nhà Danh Họa Bạc Mệnh - Phạm Văn Tuấn (Đặc San Lâm Viên)

Amedeo Modigliani là một trong các nhà danh họa nổi tiếng nhất của thời đại mới. Các họa phẩm của chàng gồm những chân dung, các bức vẽ khỏa thân hay vẽ trẻ em thơ ngây, đã diễn tả được nhiều cá tính đặc biệt của đề tài, bộc lộ ra cách tinh luyện đặc biệt về đường nét và màu sắc và đây là những đặc tính hấp dẫn của nghệ thuật mô tả. Nghệ thuật hội họa của Modigliani vừa bị ảnh hưởng của các phong trào tiền phong của thời đại, vừa mang dấu ấn di sản của nền nghệ thuật bất hủ thuộc thế kỷ 15 của xứ Ý Đại Lợi.
<!>
Modigliani đã không sống quá 35 tuổi để thấy các sáng tác nghệ thuật của chàng được đánh giá rất cao với danh tiếng không thua gì Picasso, Chagall và Segonzac. Lối sống buông thả của chàng họa sĩ Bohemian này đã khiến cho các người đương thời đặt tên chàng là “họa sĩ tồi tệ” (le peintre maudit), do dùng quá nhiều rượu mạnh và ma túy trong khi bản thân của chàng đã bị suy yếu vì bệnh lao phổi lúc còn trẻ. 

Thế nhưng, Modigliani đã không coi là mình đang chịu cảnh khổ. Một người bạn tên là Chaim Soutine đã hỏi chàng: “anh đã từng chịu nỗi bất hạnh lớn lao nào trong đời không” thì Modigliani trả lời “không”. Nhiều người bình thường thấy một nghệ sĩ bất hạnh khi gặp cảnh lầm than, túng thiếu, nhưng người nghệ sĩ lại không đồng ý về nhận xét này. Beethoven khi bị điếc hoàn toàn và sống cô đơn, đã viết thư cho một người bạn, nói rằng chỉ có nghệ sĩ hay học giả mới thấy trong lòng mình mang niềm hạnh phúc và Rodin cho rằng người nghệ sĩ chân chính là nhân vật làm nghệ thuật với lòng vui thích.

Qua các tấm vẽ phác, các họa phẩm và các tượng khắc độc đáo, Modigliani đã diễn tả những nỗi buồn lớn lao và mặc dù cuộc đời của nhà danh họa bạc mệnh ngắn ngủi, nhưng theo lời kể lại của nhà điêu khắc Jacques Lipchitz, Amedeo Modigliani đã từng nói rằng chàng ước muốn “một đời sống ngắn ngủi nhưng mãnh liệt”.

1/ Thuở Thiếu Thời.

Amedeo Modigliani ra đời tại tỉnh Leghorn hay còn được gọi là Livorno, thuộc nước Ý, trong một gia đình Do Thái theo đạo Chính Thống. Gia đình này đã bị nghèo đi và trước khi chào đời, cha mẹ của cậu Amedeo đã ly dị nhau, cậu Amedeo được mẹ và bà ngoại nuôi dưỡng. Lúc thiếu thời, Amedeo có sức khỏe rất kém, hậu quả của bệnh thương hàn và vào tuổi 14, Amedeo đã rời ghế nhà trường để theo học ngành hội họa. Vị thầy đầu tiên của cậu thiếu niên này là một họa sĩ địa phương, tên là Guglielmo Michili, là một đệ tử của Giovanni Fattori, một nghệ sĩ theo trường phái Macchiaioli (1), dùng màu sắc kém lòe loẹt và các tác dụng chiaroscuro (2).

Sau một thời gian ngắn được huấn luyện về môn Hội Họa của thế kỷ 19, Modigliani lâm bệnh nên được gia đình đưa tới miền Naples để tĩnh dưỡng. Sau đó, trong thời gian 5 năm liền, Modigliani đã theo học không liên tục tại các Hàn Lâm Viện khác nhau của các thành phố Naples, Rome, Florence và Venice. Khi cư ngụ tại Rome, Modigliani đã khâm phục các tác phẩm của Domenico Morelli (1826-1901) và trường phái của ông ta. Morelli đã dùng các đề tài trong Thánh Kinh, các sự kiện lịch sử để vẽ ra các tác phẩm mang tính cường điệu (melodramatic). 

Nhờ thời gian theo các học viện, Modigliani học tập được các phương pháp thưởng thức nghệ thuật, cách tinh chế trong phép trang trí và lối thẩm mỹ với đường nét thanh lịch, đơn giản. Trong các năm học này, Modigliani đã hiểu thấu đường lối điêu khắc của vị Thầy miền Siena là Tino da Camaino và làm quen với nền Nghệ Thuật Mới (Art Nouveau) cũng như hiểu biết về các khuynh hướng nghệ thuật khác nhau của các quốc gia Pháp và Đức. 

Vì cho rằng nước Ý chỉ là cái sân sau của Nghệ Thuật, Modigliani đã nài xin gia đình cho phép tới sống tại Paris vào năm 1906. Modigliani đã cư ngụ tại Paris cho tới cuối đời và tham gia vào các sinh hoạt nghệ thuật của nước Pháp cùng với các thi sĩ, họa sĩ, nhạc sĩ, điêu khắc gia… 

Vào thời gian này, hai bộ môn Hội Họa và Điêu Khắc đã có Picasso và Braque khởi đầu lối vẽ Lập Thể, Matisse là họa sĩ thuộc trường phái Dã Thú (Fauvist), đã gây kinh ngạc bằng các họa phẩm mới và Brancusi người xứ Romania, bắt đầu các sáng tác điêu khắc ba chiều rất toàn hảo. Các nghệ sĩ khác còn gồm có Jacob Epstein mới từ nước Anh qua, Jacques Lipchitz nghiên cứu về điêu khắc, và các bậc thầy thuộc thế hệ trước hiện đang làm việc là các nhà danh họa Degas, Rodin, Monet, Renoir…

Tại nước Ý, Modigliani chỉ có được rất ít sáng kiến và các họa phẩm không xuất sắc, nhưng tại nước Pháp, lối vẽ đặc biệt của Modigliani bắt đầu thành hình. Các bức họa đầu tay có đề tài là các phụ nữ, các chân dung, mang những dáng vẻ tương tự như những tác phẩm của nhiều họa sĩ thời đại mới của nước Pháp và mang ảnh hưởng của Paul Cézanne, Henri de Toulouse-Lautrec, Paul Gauguin… Những bức họa đó giống như những tác phẩm của Picasso trong Thời Kỳ Xanh, đã biểu lộ sự quan tâm của Modigliani về cách dùng đường nét và các tảng màu (areas of color). 

Cũng vào thời gian này, Modigliani chú ý tới các chân dung của Cézanne với cách dùng màu sắc phức tạp, cách xếp đặt đề tài theo đường chéo không cân đối, đồng thời cách mô tả hình thể mỏng và dẹp của Toulouse-Lautrec và Paul Gauguin cũng làm cho Modigliani phải quan tâm, cùng với những hình thể như sáp nặn, dãn dài ra của Tino da Camaino. 

Nhưng tới năm 1908, nhà điêu khắc Brancusi đã giới thiệu Modigliani với nền nghệ thuật của châu Phi mà giới nghệ sĩ theo đường hướng mới bắt đầu chú ý, nghiên cứu. Các đường nét nghệ thuật của các mặt nạ, các tượng đầu người của nhiều bộ lạc của châu Phi như bộ lạc Baoule, Guro và Senufo thuộc Tây Phi, của miền Gabun, đã được Modigliani tổng hợp thành lối mô tả quy ước, đặc biệt trong cách vẽ các chân dung: khuôn mặt hình trái xoan có gọt tỉa bớt, đôi mắt hình hạt dẻ thường để trống hoặc tô màu xanh lợt, cái mũi dài, mỏng và chiếc miệng nhỏ, giống như chiếc túi nhỏ đựng tiền. Rồi đầu đề tài được vẽ cân bằng với chiếc cổ dài như cổ ngỗng, dài hơn cả tỉ lệ và người mẫu thường ngồi với bàn tay để trên đùi.

Tại Paris, Modigliani đã sống theo lối buông thả, trụy lạc, với rượu, cần sa và tình dục, phải chăng người nghệ sĩ này cho rằng nhờ cách trụy lạc mà con người được tự do hoàn toàn, không còn bị trói buộc như thời kỳ sống với gia đình tại Livorno. Và đồng thời Modigliani đã vẽ, đã sáng tác bằng một lối diễn tả mà gia đình và nhiều người đương thời cho là điên khùng, không thể chấp nhận được đối với các bậc danh họa cổ điển. 

Theo Arthur Pfannstiel, tác giả cuốn sách “Modigliani và tác phẩm” (Modigliani et son oeuvre), chàng họa sĩ trẻ này đã phác họa không ngừng và mỗi ngày, chàng vẽ nguệch ngoạc trên hàng trăm trang giấy trong cuốn sổ ghi màu xanh.

Modigliani đã vẽ rất nhanh, nhiều bức chân dung được hoàn thành chỉ trong một lần ngồi nhưng chàng họa sĩ cũng mau chán nản, đã xé bỏ nhiều bức vẽ bị coi là kém chất lượng. Nhiều họa phẩm của Modiglini cũng bị mất mát do việc dọn nhà, bị phá hủy do chủ nhà giận dữ vì chàng họa sĩ không trả tiền nhà mà thay vào bằng các bức họa “điên khùng”, do các chủ quán rượu không biết giá trị của Hội Họa khi Modigliani đổi họa phẩm lấy vài ly rượu mạnh. Modigliani còn cho các cô gái làng chơi nhiều sáng tác và những con người tầm thường này đâu biết tới giá trị của nghệ thuật.

Từ năm 1907, Modigliani đã là hội viên của Hội Các Nghệ Sĩ Độc Lập (Société des Artists Independants) và đã có một lần triển lãm riêng vào năm 1911 tại phòng tranh của họa sĩ người Bồ tên là Amedeo de Suza Cardoso. Vào năm 1908, các họa sĩ cùng lứa tuổi như Picasso, Van Dongen, Vlamick và Derain đã thành công một phần nào trên đường danh vọng và thương mại thì Modiglini thỉnh thoảng mới bán được một tác phẩm. Chàng họa sĩ thường nói đùa: “tôi chỉ có một khách hàng và ông ta lại bị mù”. Người bị ám chỉ là nhà buôn tranh Père Angely.

2/ Thời Kỳ Sáng Tác.

Trong các năm từ 1915 tới 1919, Modigliani đã sáng tác rất phong phú và giai đoạn này được coi là cao điểm sáng tạo với các đề tài thường là phụ nữ, nhưng cũng có chân dung của các người bạn, người quen với chàng họa sĩ như Picasso, Max Jacob, Juan Gris, Jean Cocteau và Jacques Lipchitz… 

Lối quan sát theo phối cảnh, cách chọn lựa cẩn thận các chi tiết trong họa phẩm cộng với sự cân nhắc tế nhị trong đường nét, sự liên hệ giữa đường nét và các vùng màu sắc, tất cả đã nói lên sự tương phản về vẻ trong sáng của phương pháp mô tả. Các họa phẩm khỏa thân của Modigliani mang thật nhiều tính dục cảm và lộng lẫy, đã chứng minh cảm quan mạnh của họa sĩ về trang trí. 

Modigliani là nhà danh họa đã thực hiện được nhiều tác dụng hội họa rực rỡ, xúc tích, mà chỉ dùng tối thiểu màu sắc, dùng một tầm màu thu hẹp và một lớp màu mỏng. Các ấn tượng vừa đơn giản, vừa độc đáo còn được Modigliani thể hiện qua các bức phác thảo về khỏa thân hay chân dung và chính trong các quán rượu, quán cà phê mà Modigliani đã đổi họa phẩm của mình lấy một ly rượu chát.

Người ăn xin” (the Beggar-1909)
Vào thời kỳ ban đầu sinh sống tại thành phố Paris, Modigliani đã bị ảnh hưởng bởi Cézanne trong việc tạo nên các mảng lớn và các miền màu sắc rộng, học hỏi cách làm méo, làm lệch đề tài trong phép mô tả vì lý do thẩm mỹ hay vì cảm xúc. Kết quả của ảnh hưởng Cézanne là họa phẩm “Người ăn xin” (the Beggar-1909) thực hiện trong thời gian 8 tháng sống tại nước Ý rồi sau đó là họa phẩm “Nhạc sĩ hồ cầm” (the Cellist- 1909) sau khi chàng họa sĩ đã trở về sống tại Paris.

Cũng vào thời kỳ này, các trường phái Dã Thú (Fauvism) và Lập Thể (Cubism) đã không gây được ảnh hưởng tới họa sĩ Modigliani. Phái Dã Thú thường nhấn mạnh vào màu sắc, còn Modigliani lại quan tâm tới đường nét, coi hội họa là một ngành nghệ thuật để ghi các cảm xúc mạnh, đây cũng là một điều trái ngược với trường phái Lập Thể, có bản chất làm mất đi nhân tính nơi tác phẩm hội họa. Modigliani cũng đạt được kỹ thuật nắm bắt một vị thế hay một động tác rất nhanh, bằng vài đường nét chi tiết táo bạo, mang tính chất vừa thực tế, vừa trừu tượng.
Sau mùa hè năm 1909 sống tại nước Ý, Modigliani trở về Paris và đã trưng bày họa phẩm vào năm 1910 tại Phòng Triển Lãm của các Nghệ Sĩ Độc Lập (Salon des Artists Independants). Một số nhà phê bình, nhà thơ, nghệ sĩ đã biết tới Modigliani như André Salmon, Jean Cocteau, Blaise Cendrars, Francis Carco. Nhưng tại thành phố Paris, không ai chịu bỏ tiền mua họa phẩm của Modigliani ngoại trừ bác sĩ Paul Alexandre. Chàng họa sĩ hoạn nạn này đã sống lưu lạc từ căn phòng này qua căn nhà khác và đã có lần Modigliani cư ngụ dưới mái nhà cũ kỹ La Ruche nằm trên đường Dantzig, nơi mà Chagall, Kisling, Soutine và vài nghệ sĩ ngoại quốc khác đã từng có các phòng vẽ chật hẹp.

Các năm giữa 1909 và 1915 là thời gian Modigliani chú tâm tới ngành điêu khắc nhiều hơn. Do làm quen với Constantin Brancusi, Modigliani đã bị ám ảnh bởi nền nghệ thuật của châu Phi. Năm 1913, chàng họa sĩ đã gặp gỡ Chaim Soutine, một di dân thô lỗ từ miền Lithuania, họ đã trở nên đôi bạn thân và Modigliani đã dạy cho Soutine phép lịch sự. Tới năm 1914, nhà thơ Max Jacob lại giới thiệu Modigliani với Paul Guillaume, một nhà buôn họa phẩm rồi hai năm sau, 1916, Modigliani còn gặp một nhà buôn tranh khác là Léopold Zborowski. Ông Zborowski và vợ là loại người buôn họa phẩm khác thường, họ rất quý mến và bảo vệ những họa sĩ nào mà hai ông bà có cảm tình dù cho những nghệ sĩ này có khuyết điểm như nóng tính và hấp tấp. 

Đối với phái nữ, ngoài người mẹ mà đôi khi Modigliani viết thư thăm hỏi, kể vắn tắt về cuộc sống và sức khoẻ, chàng họa sĩ còn quen cô Beatrice Hastings, một nhà thơ và nhà báo người Anh và cũng là người cùng thuê nhà tại xóm Montmartre từ năm 1915 tới 1916. Ngày nay, chân dung nàng Beatrice này còn thấy trong số các họa phẩm của Modigliani.

Mùa hè năm 1917, chàng họa sĩ bất hạnh đã gặp một cô nàng khác, người vợ hợp pháp: Jeanne Hébuterne, một sinh viên nghệ thuật trẻ hơn Modigliani 14 tuổi, nhỏ người, trầm lặng và dễ bảo. Hai người mong được hợp pháp hóa cuộc sống và trên một mẩu giấy ghi ba giòng chữ do chàng họa sĩ viết: “Ngày hôm nay, 7 tháng 7 năm 1919, tôi tuyên thệ cưới cô Jeanne Héburterne ngay khi hồ sơ về đến nơi”. Giấy xác nhận này được chàng họa sĩ và hôn thê ký tên, có Zborowski và Lunia Czechewska làm chứng. Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì, hồ sơ không bao giờ tới nơi và cặp uyên ương này không bao giờ được hợp pháp hóa về hôn nhân.


Jeanne Hébuterne

Jeanne Hébuterne - vẽ năm 1917

Zborowski là người thường lo lắng cho Modigliani nên đã tổ chức một cuộc triển lãm tranh đơn độc cho chàng họa sĩ vào tháng 12 năm 1919 tại phòng triển lãm Berthe Weil. Kết quả trái với mong đợi vì một đám đông đã biểu tình trước cửa phòng triển lãm, phản đối một bức họa khỏa thân treo gần cửa sổ và cảnh sát phải ra lệnh cho họa phẩm đó cùng bốn bức khỏa thân khác phải cất khỏi phòng triển lãm. Rồi không một ai mua tranh cả!

Trong các năm thuộc Thế Chiến Thứ Nhất, Modigliani thường hay la cà nơi quán cà phê Rotonde, vẽ thảo chân dung các khách hàng để đổi bức vẽ lấy 5 quan tiền. Vào mùa xuân năm 1918, sức khỏe của Modigliani suy kém dần trong khi Jeanne đang trông chờ đứa con chào đời và tới ngày 29-11 năm đó, một bé gái được mẹ đứng ra khai sinh. Sau đó, Modigliani được hai gia đình Zborowski và Hébuterne gửi đi tĩnh dưỡng tại Nice, thuộc miền nam nước Pháp. Chính tại nơi này, Modigliani được giới thiệu với Renoir, lúc này đã trên 70 tuổi và có sức khỏe yếu kém, đang sinh sống tại Cagnes-sur-Mer. Cuộc gặp gỡ của hai nhà danh họa không tiến triển, có lẽ do tính khí ngang bướng của Modigliani.

Mộ của Jeanne và Amedeo Modigliani
Tháng 5 năm 1919, Modigliani cùng với vợ trở lại thành phố Paris. Vào lúc này, các báo chí đã nhắc nhở tới nhà danh họa. Vài họa phẩm của Modigliani đã được trưng bày tại London và đã có vài người mua loại tranh này. Đây là lúc chàng họa sĩ sống giao động giữa hy vọng và tuyệt vọng. Chàng cảm thấy cái chết tới gần nên đã kiêng bớt rượu mạnh, biết dành thời giờ nghỉ ngơi. Thế nhưng, bệnh thận cùng với bệnh phổi đã tái phát, khiến cho người nhà phải đưa Modigliani vào bệnh viện.

Ngày 24 tháng 1năm 1920, Jeanne Hébuterne đã chứng kiến lúc lâm chung của người chồng nghệ sĩ và nghe được lời vĩnh biệt “Cara Italia”, lúc này Jeanne đang mang bầu đứa con thứ hai. Sáng sớm ngày hôm sau, người vợ bất hạnh của chàng họa sĩ đã nhẩy từ lầu năm của căn nhà cha mẹ, Jeanne chết ngay tại chỗ. 

Hai đám táng đã được tổ chức, đám thứ nhất do một tu sĩ Do Thái cầu kinh và nhà danh họa bạc mệnh được chôn cất trong nghĩa địa Père Lachaise, còn đám thứ hai, đơn giản hơn, của người vợ xấu số, chôn bên ngoài thành phố Paris. Gia đình Hébuterne đã phản đối cuộc hôn nhân của đứa con gái với một người Do Thái, nên đã không cho hai kẻ yêu nhau được an táng cạnh nhau. Tới năm 1930, ngưới anh cả của họa sĩ Amedeo Modigliani là Thượng Nghị Sĩ Emmanuele Modigliani đã thuyết phục được gia đình Hébuterne cho cải táng di cốt của Jeanne để được chôn bên cạnh người chồng bạc mệnh. Một tấm bia mộ chung cho hai người có ghi:

Amedeo: "Struck down by death at the moment of glory". Jeanne: "Devoted companion to the extreme sacrifice".

Amedeo: "Bị cái chết quật ngã vào lúc vinh quang". Jeanne: "Người bạn đồng hành tận tụy với sự hy sinh tột cùng".

3/ Modigliani Và Ngành Điêu Khắc.

Trong thời kỳ sinh sống tại nước Ý, Modigliani đã chú trọng tới ngành điêu khắc và mang trong lòng ước mong sáng tạo về ngành nghệ thuật này. Nhưng Modigliani đã không hề học hỏi môn điêu khắc tại một Hàn Lâm Viện nào, cũng như từ một vị thầy nào. Các cuộc gặp gỡ với Constantin Brancusi và Alexander Archipenko tại Paris đã gây ảnh hưởng tới Modigliani và nhà danh họa này đã đục thẳng vào các khối đá lớn mà không khởi đầu bằng đất sét hay thạch cao. Nhiều người đã thấy Modigliani khởi công làm việc ngay khi các tia nắng đầu tiên chiếu vào căn xưởng.

“Cái Đầu” (Head-1912)
Vào mùa xuân và mùa hè năm 1909, Modigliani đã say mê đẽo gọt một loạt các tượng bán thân và đầu người, theo ảnh hưởng của nền nghệ thuật châu Phi. Cũng giống như Brancusi, Modigliani đặt nặng việc đơn giản hóa hình thể, chuyển từ đường lối diễn tả tự nhiên (naturalism) sang trừu tượng bằng một ngôn ngữ điêu khắc theo công thức, điển hình là bức tượng “Cái Đầu” (Head-1912) hiện đặt tại Viện Bảo Tàng nghệ Thuật Mới tại Paris. 

Modigliani đã không chấp nhận đường lối nghệ thuật của Rodin, một nhà điêu khắc thần tượng của phần lớn người Pháp vào thời kỳ đó, mặc dù Modigliani đã sống gần điêu khắc gia lừng danh này trong 11 năm nơi thành phố Paris. Các tác phẩm điêu khắc của Modigliani thường là tượng khỏa thân, tượng caryatid (3) và nhiều nhất là các tượng đầu người nữ đục khắc theo một phong cách riêng. Thế rồi, Modigliani đã bỏ dở việc theo đuổi ngành điêu khắc vì có lẽ thiếu tiền, do khó kiếm vật liệu và thời gian quá dài dồn vào công việc nghệ thuật, ngoài lý do sức khỏe không cho phép. Môn hội họa cần tới ít năng lực hơn.

Amedeo Modigliani đã sống trụy lạc, buông thả, một lối sống tự hủy hoại thân thể bằng rượu, cần sa và tình dục và nhiều người đã phải thắc mắc làm sao nhà danh họa có thể sáng tạo nên những họa phẩm, các tượng điêu khắc với sự mạnh bạo về đường nét, màu sắc, và với cách trang trí, bố cục có kiểm soát chặt chẽ. 

Nhà phê bình người Thụy Sĩ Gotthart Jedlicka còn kể lại rằng Modigliani rất thán phục Cézanne. Modigliani đã không coi trọng việc bắt chước, việc mô tả đúng thiên nhiên và đã không đồng ý với Degas trong câu nói “không khí mà chúng ta nhìn thấy các họa phẩm của các bậc thầy cổ điển không bao giờ là thứ không khí mà chúng ta đang thở “.

Phong cảnh miền Midi
Modigliani vẽ rất ít phong cảnh và không bao giờ bao gồm những cành lá xanh tươi trong các chân dung. Trong họa phẩm “Cô hàng thực phẩm” (La Belle Epicière) có vẽ đề tài đứng trước vài ngọn cây, nhưng các cành cây này không có lá. Cách mô tả chỉ vẽ cành cây, không vẽ lá cây cũng tương tự như trong họa phẩm “Phong cảnh miền Midi” (Landscape in the Midi-1918) và Modigliani cũng giống như nhiều họa sĩ khác, đã làm đơn giản và tổng quát thiên nhiên tới mức độ gần như theo khuynh hướng chống thiên nhiên (antinaturalistic trend). 

Người ta không biết có nên xếp Modigliani vào lớp các Họa Sĩ Biểu Hiện (Expressionist) không bởi vì trường phái Biểu Hiện hướng mạnh vào nội tâm (inwardness) trong khi làm méo lệch đi các hình thể thông thường và mỗi họa sĩ của trường phái này lại coi màu sắc chỉ là các phương tiện để diễn tả, với cách dùng màu táo bạo hay dè dặt tùy vào ngẫu hứng, tùy vào cảm quan. 

Modigliani đã theo đường hướng của các nhà họa sĩ thuần túy (the purist), những người nhấn mạnh rằng một hình ảnh là một mặt phẳng có phủ các màu sắc phối hợp theo một thứ tự nào đó, một quy luật nào đó. Modigliani đã cung cấp qua khung vải các hình ảnh con người một cách xúc tích, đầy dục tính và ý nghĩa xã hội.

Cách mô tả của Modigliani khác biệt với các họa sĩ ấn tượng khác. Người ngắm tranh của Modigliani cần tới nhiều thời giờ hơn để cảm thấy các ẩn ý của tấm tranh hiện dần lên trên mặt họa phẩm. Những nhân vật nam và nữ mà Modigliani đã vẽ, kể từ nhà thơ Jean Cocteau, nhà điêu khắc Henri Laurens, tới những người thân như nàng Beatrice Hastings và người vợ Jeanne Hébuterne…đều mang vẻ riêng với chiếc đầu nghiêng lệch hẳn đi, cái mũi dài biến thể, chiếc miệng rộng nhậy cảm, ẩn hiện tính châm biếm và đôi khi trong họa phẩm còn có các bàn tay và cánh tay được đặt vào vị trí rất khéo léo, toàn thể bức tranh được chấm phá bằng các đốm màu nóng hoặc lạnh để tạo nên các ảnh hưởng, diễn tả đề tài là những con người lịch sự hay luộm thuộm, trí thức hay tầm thường, trang nghiêm, điềm đạm hay đầy dục tính…

Các họa phẩm của Modigliani mang nhiều tính tế nhị và sức mạnh với các dáng điệu hài hòa, đôi khi mang tính trừu mến, diễn tả vẻ đẹp bình lặng. Modigliani không vẽ rõ ràng đôi mắt và sự bí ẩn trong đôi “cửa sổ của tâm hồn” được họa ra một cách đơn giản, với đề tài hoặc nhắm mắt, hoặc có đôi mắt chỉ là các khe hở để trống, sơn màu xanh hay màu nâu. Phải chăng đây là cách tập trung suy tư vào nội tâm hay cách xa lánh và khép kín đối với thế giới bên ngoài.

Amedeo Modigliani đã vẽ con người mà không cần quan tâm tới các yếu tố cơ thể học. Nhà danh họa đã cố quên đi các quy luật đó vì đã nắm vững được các nguyên tắc cần thiết khi còn là học trò của Michili.

Không lâu sau khi Amedeo Modigliani qua đời, các họa phẩm của nhà danh họa bạc mệnh trở nên rất nổi tiếng, đắt giá và được nhiều nhà sưu tập tìm kiếm. Đồng thời với việc bàn luận về các công trình nghệ thuật của Modigliani, nhiều người còn tường thuật về hàng trăm truyền thuyết liên quan tới nhà danh họa. Các người quen biết cũ của Modigliani đã nhớ lại đời sống bi thương của chàng. Nhiều cuốn sách, cuốn truyện đã được xuất bản và một cuốn phim cũng được thực hiện theo các lời kể lại, để mô tả cuộc đời phóng đãng của nhà danh họa.

Theo Arthur Pfannstiel trong cuốn sách “Modigliani và tác phẩm” (Modigliani et son oeuvre -1956), Modigliani đã vẽ tất cả 372 họa phẩm, nhiều bức đã bị thất lạc, có bức giá trị lên tới 100 ngàn Mỹ kim và thị trường tranh của châu Âu tràn ngập các họa phẩm giả của Modigliani.

Năm 1921, Zborowski đã tổ chức một cuộc triển lãm tranh tại Paris để tưởng niệm về Modigliani và đây là lần đầu tiên, công chúng đã tán thưởng những họa phẩm đó. Người ngoại quốc đầu tiên sưu tầm các họa phẩm của Modigliani vào năm 1922 là Bác Sĩ Albert C. Barnes, ngụ tại thành phố Merion, tiểu bang Pennsylvania, Hoa Kỳ. 

Trong thập niên 1920, các họa phẩm của Amedeo Modigliani được triển lãm luân lưu tại các thành phố lớn Zurich, London, New York và Geneva, rồi trong các thập niên 1950 - 60, các viện bảo tàng lớn của các nước Ý, Anh, Pháp, Đức và Hoa Kỳ đều tìm mua các họa phẩm của Modigliani trong đó các bức vẽ khỏa thân đã được xếp ngang hàng với các họa phẩm của các nhà danh họa Giorgione, Titian, Ingres, Velásquez, Manet và Renoir. 

Ngày nay, danh tiếng của Amedeo Modigliani hiện đang chiếu sáng trên Biên Niên Sử của Ngành Nghệ Thuật Mới.

Một Số Tác Phẩm Tiêu Biểu Của Modigliani (phụ bản của ĐSLV)

Phạm Văn Tuấn 

Tài liệu tham khảo: Wikipedia.org.; Britannica Encyclopedia.

Phụ chú của ĐSLV:

(1) Trường phái Macchiaioli (https://en.wikipedia.org/wiki/Macchiaioli):
Macchiaioli là một nhóm họa sĩ Ý sinh hoạt ở Tuscany vào nửa sau của thế kỷ 19. Họ không đi theo những quy ước cổ xưa được giảng dạy bởi các học viện nghệ thuật Ý, và thực hiện phần lớn bức tranh của họ ở ngoài trời để thu được ánh sáng, bóng râm và màu sắc tự nhiên, tương tự như trường phái Ấn tượng (impressionist) của Âu châu sau này. Tuy nhiên quan điểm và mục đích của hai trường phái hội hoạ này không giống nhau.

Trong hội hoạ, Chiaroscuro là việc sử dụng sự tương phản mạnh mẽ giữa sáng và tối, thường là những tương phản đậm, ảnh hưởng đến toàn bộ bố cục của bức tranh.

Tượng người phụ nữ thường dùng làm cột của các kiến trúc của Hy Lạp.

Không có nhận xét nào: