Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 29 tháng 12, 2021

NGÀN THU ÁO TÍM - VĨNH PHÚC - Hoàng Nga -

Lâu lắm rồi, đi nhà thờ Mỹ, hát nhạc Mỹ, đúng ra có thể nói là nhạc Úc mới phải, vì Hội Thánh tôi nhóm, phần lớn dùng nhạc của nhà thờ Hillsong của Sydney. Nhưng gì gì đi nữa cũng không phải nhạc Việt, lời Việt. Nhà thờ Hillsong được gọi là Mega Church, vì có hàng chục ngàn tín đồ, một hội thánh đã khởi xướng phong trào thờ phượng, tôn vinh Chúa bằng thánh ca. Những bài ca xuất phát từ Hội Thánh này rất dễ chạm vào lòng người, “What a beautiful name”, “Hosanna”, “I surrender”, “Worthy is the Lamb”, “Corner stone”, vân vân…
<!>
Tôi người Úc gốc… cây, tha hương đó đây bên Đức, rồi lại sống ở Mỹ cả chục năm, nhưng vẫn giữ quốc tịch Úc, nên tại nhà thờ chỉ toàn Mỹ, trắng và da màu, cộng thêm một số người nói tiếng Tây Ban Nha, và không hề có mạng Á châu nào, tôi trở thành đại diện cho Úc, đồng thời cũng đại diện cho Á châu. Có lần thấy Hội Thánh dùng thánh ca của Hillsong nhiều quá, tôi đã giễu là phải trả tiền bản quyền cho… tôi!

Mà nói vậy thôi, chứ anh em trong hội thánh chung thì được quyền sử dụng nhạc “chung”, Hillsong còn chưa đòi tác quyền nói gì Úc… dòm. Tuy nhiên nhớ đến Hillsong, nhớ Úc, tôi bỗng nhớ chuyện năm 2008, đi đại hội tại Brisbane, tôi đã được. hân hạnh gặp gỡ một nữ nhạc sĩ. Đó là nhạc sĩ Vĩnh Phúc. (Xin đừng nhầm với nhạc sĩ trẻ Vĩnh Phúc gì đó đang ở Việt Nam, trùng tên với bà).

Thành thật khai báo, tôi là người chuyên thuộc diện… ăn theo, nên đã được giới thiệu với bà. Thứ nhất, là qua mục sư Nguyễn Hùng Vương, chủ tịch hiệp hội Baptist Úc, người biết tôi lúc ông còn ở Hy Lạp. Tôi đã viết bài, cộng tác với tờ báo ông làm chủ nhiệm, nên được “quen” với ông bà. Về sau khi hồi hương xứ Úc, Chúa “bắt” tôi thành thư ký của Hội Thánh do ông quản nhiệm. Nên vì thế, là “gà nhà”, mà tôi được ông giới thiệu với nhiều diễn giả và khách mời trong kỳ đại hội ấy. Nhạc sĩ Vĩnh Phúc là một trong số ấy.

Trong một buổi nhóm ở đại hội, nhạc sĩ Vĩnh Phúc có kể chuyện bà chỉ là người viết lời cho rất nhiều ca khúc, mà không sáng tác, nên xin đừng gọi bà là nhạc sĩ. Nhưng ai cũng… lỳ lợm, cứ gọi bà là nhạc sĩ. Vì không thể tách bà ra khỏi danh xưng này, một người từng viết lời cho hơn ba trăm bài thánh ca, trong đó có những bài mà đã là tín đồ Việt Nam, Tin Lành lẫn cả Công Giáo, thì không thể chưa một lần hát “Bàn tay mang dấu đinh”, “Về đây hỡi chiên xa bầy”, “Bước với Chúa Yêu thương”… Đến dịp Giáng Sinh, không hát cũng nghe “Ba vua hành khúc”, “Đêm Yên Lặng” (silent night), “Khi Chúa vào đời”… Rồi nhiều, nhiều vô cùng, những bài hát Phục Sinh “Ghết sê ma nê”, “Chặng đường Gô gô tha”, bài hát dành cho đám cưới “Chúc mừng hôn lễ phước hạnh”; chúc mừng sinh nhật, và thậm chí cả… đám tang “Chúng ta sẽ gặp nhau bên sông vàng”.

Nói đến nhạc sĩ Vĩnh Phúc, có thể nói lời bài hát của bà đã gắn liền với nhạc sĩ Hoàng Trọng. Nhưng phần lớn khi giới thiệu, người ta thường bỏ qua tên của bà mà chỉ nhắc đến Hoàng Trọng. Bà nói với tôi:
- Tôi chỉ thích viết thôi, có gì quan trọng đâu.

Một trong những bài tình ca rất nổi tiếng, là bài “Ngàn Thu Áo Tím”, mà đôi lúc người ta còn “quên” giới thiệu là nhạc của Hoàng Trọng, thì người viết lời, Vĩnh Phúc, càng dễ bị bỏ quên. Nhưng thử tưởng tượng nếu Vĩnh Phúc đã không viết lời cho bài nhạc ấy, có lẽ Ngàn Thu Áo Tím chỉ tồn tại trong lòng một số người biết nhạc, hay biết đến theo cách khác, mà không não lòng khi nghe “Anh xa xôi bóng mưa giăng mờ lối. Anh xa xôi áo baу trong chiều rơi. Anh xa xôi áo ôm tim lẻ loi. Tím lên khung trời nhớ nhung đầу vơi…”. Riêng tôi trước khi biết bà, cũng đã bao lần thổn thức “ngàn thu mưa rơi trên áo em màu tím”.

Mãi sau này, tôi mới thấy người ta để tên Vĩnh Phúc bên cạnh tên Hoàng Trọng hay Vũ Đức Nghiêm trong những bài bà viết lời cho hai nhạc sĩ này. (Một trong những bài hát tôi vẫn tưởng nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm vừa viết nhạc vừa viết lời là bài “Lời tạ ơn con dâng lên Chúa”, cho đến lúc ông kể với tôi). 

Vĩnh Phúc nói bà không viết nhiều lời cho nhạc tình, nhưng những bài bà víết, ngoài “Ngàn Thu Áo Tím”, là những bài hát nổi tiếng “Hai phương trời cách biệt”, “Một thưở yên đàn” (nhạc Hoàng Trọng, ca sĩ Lệ Thu), “Một người lên xe hoa” (nhạc Hoàng Trọng, ca sĩ Hà Thanh)

Tôi không có “tham vọng” đòi hỏi người đời phải nhớ tên Vĩnh Phúc trong những bài hát bà viết lời, vì bà từng nói “viết cho vui”, nhưng tôi nghĩ đến chuyện công bình. Khi viết lời cho một bài hát, đâu thể chỉ một chớp mắt, một tí toáy cây viết là đã ra lời.

Hôm qua nghe bài hát Issac Thái hát lại bài “Cùng Hát Halleluiah”, tôi nhớ đến bà, nhớ đến ơn Chúa ban cho bà để viết lời cho hàng trăm bài thánh ca, và những bản nhạc tình khó có thể quên, tôi đã dâng lời cám ơn Chúa. Và xin cám ơn bà, nhạc sĩ Vĩnh Phúc. 
Vô cùng!

HOÀNG NGA 

Không có nhận xét nào: