Bạn có biết rằng một vết cắt từ cạnh của một tờ giấy mỏng, sẽ gây đau đớn và dai dẳng hơn khi bị đứt tay bằng dao không? Các nhà khoa học cũng ngạc nhiên về điều đó và bỏ công ra tìm hiểu. Rốt cuộc, người ta tìm thấy lý do là dù vết thương do giấy cắt nhìn đơn giản, nhưng thật ra giấy lại có độ linh hoạt, mềm sắc hơn, nên vết thương nhỏ nhưng trải rộng hơn. Nhìn dưới kính hiển vi, cạnh răng cưa của tờ giấy làm vết thương rách nát hơn. Nó hành hạ các đầu dây thần kinh ở tay, ngón tay nhiều hơn, lâu và khó lành hơn.
<!>
Câu chuyện về một
người tìm cách trò chuyện với cô giáo Trần Thị Thơ, khi cô dạy ở trường Đại học
Duy Tân, Đà Nẵng, rồi tìm cách ghi âm gài bẫy để chuyển cho ban giám hiệu, cũng
không khác nào chuyện vết cắt của tờ giấy. Nghe qua lời kể, dường như đó là học
trò của cô Thơ. Mọi thứ nhầy nhụa và thật đau đớn.
Trong một tiết học, khi cô Thơ bộc lộ sự bất bình của mình về những người nghèo phải vất vả chạy về quê tránh dịch, tức giận việc nhà nước không chăm lo đầy đủ cho người dân trong đại dịch, thì ngay trong lớp học, đã có kẻ chú ý. Và rồi kẻ đó dàn xếp một cuộc trò chuyện về đề tài này qua mạng internet với cô giáo, từ đó tạo cớ để trường Đại học Duy Tân đuổi việc cô Thơ. Thậm chí là công an tới đây sẽ triệu tập làm việc với cô.
Nhìn qua bản video
đang lan tràn trên mạng, người ta nhìn thấy rõ chủ ý của người gài bẫy, khi đặt
câu hỏi có tính khẳng định, lia vội camera điện thoại vào hình cô giáo Thơ đang
nói. Trên khung hình, người ta cũng nhìn thấy rõ sự hèn hạ của kẻ gài bẫy khi
chỉ trình bày phần trò chuyện đó mà không hề thấy mặt của hắn ta. Dĩ nhiên, ném
đá thì phải giấu tay, tiện nhân thì luôn giấu mặt.
“Có dân nước nào chạy 1,500km về quê, như vậy hệ thống an sinh xã hội của chúng ta quá kém đúng không?” và “Cô cảm thấy rất nhục nhã vì điều đó. Khi dịch đến, những quốc gia trên thế giới người ta được hỗ trợ rất nhiều, kể cả việc tiếp cận vắc xin, còn chúng ta thì thế nào? Em lên thử đèo Hải Vân coi, đó mới là sự nhục nhã”. Cô Thơ nói như vậy trong video được kẻ giấu mặt đem đi trình báo. Sau đó tổ đấu tố cấp đại học của trường Đại học Duy Tân liền chính trị hóa sự việc và lập tức thực hiện việc báo công.
Thật ra, cũng có thể cô Thơ biết rõ âm mưu nhắm vào cô, qua cuộc đối thoại ấy. Nhưng vì những điều cô nói là sự thật, là cũng là sự thật mà chính báo chí nhà nước cũng đăng tải, cũng đặt vấn đề, nên cô không từ chối nhắc lại. Đó là cách của một người Việt Nam sống không hổ thẹn với bản thân mình, sống không ngại đối diện thẳng thắn với mọi loại chim chuột đang rình rập quanh mình. Cô đã sống và chấp nhận cho bọn tiểu nhân đắc chí, nhưng đồng thời từ sự lựa chọn đó của chúng mà có thể phân biệt rõ đâu là súc sinh, và đâu là con người.
Lúc này, dư luận tức
giận đều dồn vào ban giám hiệu, vào việc công an sẽ triệu tập một cô giáo trẻ
can trường dám nói thẳng suy nghĩ của mình. Nhưng điều cũng đáng nói không kém,
là về một lớp người trẻ sẵn lòng lập mưu hèn, kế bẩn, sẵn sàng đấu tố chính cô
giáo của mình như thời man rợ. Ắt vì đã đọc được tâm hồn và suy nghĩ của những
người đang lãnh đạo ở môi trường gọi là “đại học” đó, thì thứ đầu xanh ngu dại
tập tành đấu tố ấy, mới tin chắc rằng mình sẽ được ghi công và trọng dụng khi
dàn dựng mọi chuyện. Rõ, không ai bước vào nghĩa trang mà không mang theo nhang
đèn, cũng không ai tự bước hầm phân mà không đoán trước nơi đó ngập ngụa dòi
bọ.
Ai đã gầy dựng nên những con người như vậy? Một thế hệ như vậy?
Câu chuyện của kẻ giấu mặt từ trường Đại học Duy Tân hành động như một loại mật vụ rẻ tiền, nó không thể làm sự thật khuất lấp. Nhưng vết thương đó như bị cắt từ mảnh giấy nhỏ, vẫn chảy máu chậm chạp và dai dẳng nhức nhối trong đạo đức và giá trị ngàn đời của người Việt: Bán thầy, bán bạn chưa bao giờ lại được hân hoan xiển dương như một thành tựu như lúc này. Đó là chưa nói cả một hệ thống có học vị đại học, tiến sĩ ngồi lại đồng thuận cho một quyết định ô nhục đến bất ngờ là trơ trẽn phủ nhận sự thật, và trừng phạt người nói ra sự thật.
Vậy mà hôm nay, điều đó đang xảy ra, gây kinh ngạc đến khó tả cho mọi người dân Việt Nam bình thường.
Xã hội hôm nay vẫn đang hủy hoại mọi sự lên tiếng khác biệt với dàn đồng ca lúc nói xuôi, lúc nói ngược. Đoàn diễu hành huyên náo làm vui cho ông vua cởi truồng của Andersen ở thế kỷ 19, hôm nay cũng không ngại cùng tự trần truồng cho đồng bộ.
Thầy giáo Thái Hạo ở Huế viết trên trang Facebook của mình “Duy Tân là sự sỉ nhục đất Quảng, là sự phản bội cụ Phan, là sự khinh bỉ giáo giới và là sự xúc phạm con người”.
Còn Giáo sư Hoàng Dũng thì viết “tôi thấy nhục nhã cho trường Đại học Duy Tân”.
Nhà thơ Bùi Chí Vinh có những câu thơ đau nhói “Tại sao các quốc gia trên thế giới đều đề cao lòng nhân đạo. Tại sao ở đất nước cô, súc vật sướng hơn người?”
Những người Việt Nam
từ bần cùng đến trí thức, còn biết nghĩ đến dân tộc mình, nghĩ đến đất nước
mình đều có những nhận định cùng chiều như vậy. Tôi đọc không hết, nhớ không
hết. Nhưng tôi biết đó không là giận dữ hay cay đắng. Mà thật ra, mọi lời viết
ra như thay cho nước mắt khóc vì giống nòi, vì đau đớn khôn cùng về vết cắt
không tuôn máu mỗi ngày. Vết cắt đang hủy hoại nguyên khí của nước Việt, đang
làm đau cả linh hồn của tổ tiên người Việt đã sống và chết cho sự thật.
Những vết cắt tầm thường ghê sợ ấy, tiếc thay đang được nuôi dưỡng, và lại có cả những tập thể ôm giữ sự nhục nhã như một di sản làm vui cho chính bản thân, và cả gia đình mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét