Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 8 tháng 12, 2021

TIẾNG VIỆT ”QUÁI DỊ” THỜI NAY - Phan Lục


Ngôn ngữ nào cũng cần phải phát triển để trở nên phong phú hơn. Ngôn ngữ lúc nào cũng gắn liền với cuộc sống nên cuộc sống thay đổi thì ngôn ngữ cũng thay đổi. Tuy nhiên, việc tạo từ mới phải có căn cứ khoa học, có tính hợp lý về ngữ pháp, phải được chấn chỉnh và loại trừ bởi vì chức năng chính của ngôn ngữ là để giao tiếp và hiểu nhau. Dù một nhóm từ được ghép đúng ngữ pháp mà đa số người nghe/đọc không hiểu thì cũng không nên dùng! Hiện nay trong nước đã xuất hiện nhiều từ mà người viết không gọi đó là ngôn ngữ của Việt Cộng hoặc tiếng Việt điên khùng vì trong số những từ mới tạo cũng có một số từ có thể chấp nhận được nhờ tính hợp lý của chúng. Người viết gọi sau đây là những tiếng Việt “quái dị” vì nghe thật lạ tai và khó hiểu:
<!>
* Ấn tượng: “Ấn tượng” là danh từ nhưng ngày nay trong nước lại dùng các chữ “ấn tượng”, “thần tượng” như một động từ. Ví dụ như: Tôi rất “ấn tượng” với lối trình diễn của ca sĩ Phi Nhung - Tôi rất “thần tượng” nghệ sĩ Hoài Linh..
* Bức xúc: Đã có “bị bực bội, bị bực tức, bị bức bách hoặc bị dồn nén” mà sao còn phải tạo ra từ “bức xúc” nghe lạ lẫm và bực tức quá!
* Ca sĩ thể hiện: “Thể hiện” có nghĩa là biểu lộ nên là khi người ca sĩ trình bày bài hát mới biểu lộ giọng ca thế nào. Nếu chỉ nói về việc ca hát của người ca sĩ thì gọi là “ca sĩ trình diễn”.
* Cách ly tập trung: Hai cặp từ “Cách ly” và “Tập trung” có nghĩa đối nghịch nhau ( cách ly = cách xa nhau; tập trung = tụ tập lại ở một chỗ) mà ghép lại thành một nhóm từ thì thật là quái dị!
* Cận lâm sàng: “Cận” nghĩa là gần, “Lâm sàng” nghĩa là thuộc về những gì quan sát trên giường bệnh. Vậy “cận lâm sàng” là thuộc những gì quan sát được khi chưa vào giường bệnh chăng? Thật khó hiểu!
* Công ty một thành viên: “Công ty” có nghĩa là một tổ chức kinh doanh do nhiều người hùn vốn lập nên. Thế mà bây giờ một người cũng lập thành một công ty được, đúng ra chỉ là một cơ sở kinh doanh tư nhân. Rồi một cơ quan của chính phủ (không có nhiều người hùn vốn) cũng gọi là “công ty”: ngày xưa gọi “Sở Điện lực, Sở Vệ sinh v.v..” thì nay gọi là “Công ty Điện lực, Công ty Vệ sinh v.v…”.
* Cơ trưởng, cơ phó: “Cơ” có nghĩa là cơ khí hay máy móc chứ không có nghĩa là chiếc phi cơ (máy bay) nên không thể gọi “phi công chính, phi công phụ” là “cơ trưởng, cơ phó” được!
* Di biến động dân cư: Về nhóm từ "di biến động" có thể đoán được ý những người sử dụng muốn nói đến sự dịch chuyển, thay đổi so với tình trạng ban đầu. Cụ thể hơn, trong những ngày vừa qua, chính quyền TPHCM dùng nhóm từ "di biến động dân cư" để kiểm soát việc di chuyển hàng ngày của người dân trong thành phố bằng cách đặt những trạm kiểm soát gọi là “chốt chặn”(nghe cũng quái dị!).
* Du sinh:Thay vì dùng từ “du học sinh” để goi những người đi học ở nước ngoài thì lại gọi họ là “du sinh” nghe thật lạ tai, cứ tưởng là “du đảng” hay “du thủ du thực”!
* Đại trà: Mới nghe hai tiếng “đại trà’ cứ tưởng nói về tiệc trà lớn nhưng ý người sử dụng lại muốn nói về sự trồng trọt hay chăn nuôi trên một khoảnh đất rộng lớn.
* Đăng cơ, đăng ký: Tiếng Việt đã có các từ “ghi danh” hoặc “ghi tên” thật dễ hiểu ví như ghi tên dự thi, ghi tên theo học một lớp võ thuật hoặc ghi danh tuyển lựa ca sĩ v.v… Còn đăng ký, đăng bạ là ghi tên vào sổ bộ. Thí dụ: Đăng ký, đăng bạ xe gắn máy. “Đăng cơ” lại là một cặp từ vô nghĩa!
* Đẳng cấp: “Đẳng cấp” là một danh từ dùng xếp thứ bậc, loại, hạng như siêu đẳng, cao đẳng, trung đẳng, đồng đẳng, hạ đẳng v.v… nhưng ngày nay người ta lại dùng như một tính tự. Ví dụ: Con tôi mới mua một căn biệt thự rất đẳng cấp (đẳng cấp nào?).
* Gái ngành: “Ngành” tức là nói tắt của chữ “ngành nghề” hoặc “nghề chuyên môn”. Gái điếm mà nay gọi là “gái ngành” tức là đã thừa nhận “gái điếm” là một ngành nghề hay sao?
* Giáo án: Bài soạn để dạy học của giáo viên thì nay gọi là “giáo án” thật khó hiểu!
* Gói hỗ trợ: Một khoản tiền của chính phủ giúp người dân trong cơn đại dịch, có gói lại đâu mà gọi là “gói hỗ trợ”?
* Hải cảng, hải quan: “Hải” có nghĩa là biển nên “hải cảng” tức là cảng biển và “hải quan” tức là trạm thu thuế hoặc công tác đánh thuế hàng xuất nhập cảng bằng đường biển. Vì vậy, không thể gọi Tân Sơn Nhất là hải quan hay hải cảng mà gọi là “quan thuế Tân Sơn Nhất”.
* Hồ hỡi: Tại sao phải tạo thêm tử “hồ hỡi” để tả thái độ vui vẻ, phấn khởi?
* Hộ cận nghèo: “Cận” có nghĩa là “gần”. Vậy “hộ cận nghèo” là hộ như thế nào, có mức thu nhập trung bình là bao nhiêu? Thường thì người ta chỉ phân biệt giàu hoặc nghèo mà thôi.
* Hộ dân, chủ hộ: “Hộ” nghĩa là nhà ở. “Gia đình và chủ gia đình” trở thành “hộ dân và chủ hộ”!
* Hộ chiếu: Tiếng Việt đã có “Sổ thông hành” được chính phủ cấp cho công dân đi ra nước ngoài rồi mà còn tạo thêm từ “hộ chiếu” giống tiếng Tàu làm chi?
* Huyền thoại: “Huyền thoại” có nghĩa là câu chuyện có tính chất huyền hoặc, hoang đường, không đúng sự thật. Thế mà ngày nay, người ta dùng từ “huyền thoại” trong mọi trường hợp ví như “huyền thoại Trịnh Công Sơn” v.v…
* Kịch bản: "kịch bản" là một nội dung nào đó đã được chuẩn bị sẵn, thí dụ như một vở kịch Trong nước hiện nay ở chỗ nào, lãnh vực nào, bài báo nào cũng thấy hai chữ kịch bản, kịch tính giống như trên sân khấu vậy. Thậm chí sắp đặt chương trình cho buổi lễ nhậm chức cũng gọi là lên kịch bản, thí dụ “lên kịch bản cho lễ nhậm chức của Tổng Thống đắc cử Mỹ Joe Biden.
* Kỹ sư dân sự: “Kỹ sư dân sự” có lẽ được dịch từ tiếng Anh “civil engineer” nghĩa là “kỹ sư công chánh”. Chữ “civil” được dịch là “dân sự” trong nhóm từ “chính quyền dân sự” (civil government). Civil có nhiều nghĩa mà không nên nhầm lẫn.
* Khẩn trương: Tiếng Việt đã có cặp từ “khẩn cấp” có nghĩa là cấp bách, gấp gáp, không thể trì hoãn được chứ sao còn tạo ra cặp từ “khẩn trương” chi cho lạ tai!
* Lính gái: “Nữ quân nhân” mà gọi là “lính gái” nghe thật kịch cỡm! Vậy sao không gọi “nam quân nhân” là “lính trai”?
* Miễn nhiệm: “Miễn” nghĩa là không phải, không cần. Thí dụ: Miễn lễ, miễn thuế, miễn chiến bài, miễn tội, miễn dịch… Bây giờ trong nước khi “ cách chức” hay “bãi chức” một giới chức nào đó thì lại dùng chữ “bãi nhiệm”!
* Nghiệp chủ: “Nghiệp chủ” nghĩa là chủ một sản nghiệp để kinh doanh, còn chủ môt căn nhà thì gọi là “sở hưu chủ”.
* Nghỉ việc tập thể: Hiện nay trong nước dùng nhóm từ “nghỉ việc tập thể” để chứng tỏ dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, người công nhân đã hài lòng nên không bao giờ “đình công” (?)
* Ngưng họp chợ: Cũng với mục đích như trên, người ta dùng nhóm từ “ngưng họp chợ” để tránh hai tiếng “bãi thị” (?). Cũng như để tránh tiếng “biểu tình”, họ đã dùng nhóm từ “tụ tập đông người trên đường phố” (?).
* Người dân tộc: “Dân tộc” là cộng đồng người có chung tiếng nói, lãnh thổ, đời sống kinh tế và tâm lý. Cho nên trong một nước có nhiều dân tộc như ở Việt Nam có các dân tộc Kinh, Mường, Mán, Thổ, Dao, Hmong, Cờ Ho, Khmer, Chàm v.v… mà người Kinh là đa số, còn người các dân tộc khác thì gọi là “người dân tộc thiểu số” hoặc “người dân tộc ít người” hoặc người dân tộc nào chứ không thể gọi họ chung chung là “người dân tộc”.
* Nhập viện, xuất viện: “Viện” là tên gọi một số cơ quan như Viện Bảo tàng, Viện Đại học, Viện Kiểm sát, Viện Dân biểu v.v… Vậy “nhập viện, xuất viện” nghĩa là nhập xuất viện nào? Còn nhập xuất bệnh viện thì phải nói cho rõ chứ không thể nói tắt như thế!
* Quá độ: “Quá độ” nghĩa là vượt mức bình thường, thí dụ: ăn chơi quá độ. Bây giờ người tà dùng từ “quá độ” có nghĩa như chuyển tiếp, thí dụ: thời kỳ quá độ xã hội chủ nghĩa.
* Quan hệ: “Quan hệ” có nghĩa là sự gắn bó chặt chẽ, có tác động qua lại lẫn nhau thí dụ: quan hệ vợ chồng, quan hệ anh em ruột thịt, quan hệ thân thuộc, quan hệ bè bạn v.v… Bây giờ, người ta lại dùng hai tiếng “quan hệ” để tả sự giao hợp giữa nam và nữ. Thật buồn cười!
* Quân hàm: Ngày xưa, người ta gọi thứ bậc trong quân đội là “cấp bậc” nhưng ngày nay lại gọi là “quân hàm”.
* Sao kê: Hai tiếng “sao kê” vô nghĩa do một người nào đó tạo ra để gọi “bảng kê tài khoản ngân hàng” (bank statement) rồi mọi người từ bình dân đến trí thức đều bắt chước nói theo không cần suy nghĩ đúng sai. Bảng kê tài khoản ngân hàng thường do ngân hàng gởi đến hoặc tự in ra từ tài khoản ngân hàng trên máy vi tính chứ có sao chép gì đâu!
* Sở hữu: Thay vì nói đơn giản là “cô ấy có một sắc đẹp tuyệt vời” thì lại nói cầu kỳ là “cô ấy sở hữu một sắc đẹp tuyệt vời” (!)
* Sự cố: Ngày xưa gọi điều gì bất thường hay trục trặc trong hoạt động hoặc máy móc thì ngày xưa gọi là “trở ngại kỹ thuật” mà nay gọi là “sự cố kỹ thuật” nghe lạ tai!
* Thôi giữ chức: “Thôi giữ chức” tức là không còn giữ chức nhưng không biết là do từ chức hay bị cách chức, bãi chức. Cách sử dụng nhóm từ này cũng mù mờ như “miễn nhiệm” nói trên với ý muốn che đậy sự thật!
* Thu dung y tế: Về chữ "thu dung" là một từ Hán Việt có nghĩa gốc là "tiếp thu và dung nạp". Bây giờ trong thời đại dịch, chính quyền Việt Nam tiếp thu các trường học và trại lính để làm trạm cách ly thì gọi là “thu dung y tế”. Việc sử dụng từ này gây ngỡ ngàng và khó hiểu với nhiều độc giả.
* Thu giá: Dựng trạm BOT trên các tuyến đường để thu phí xe qua lại bị phản đối quá nên đổi thành “trạm thu giá” thật vô nghĩa!
* Trải nghiệm: Từng trải với thực tế để có kinh nghiệm thì gọi là “có kinh nghiệm” chứ sao lại dùng “trải nghiệm” nghe lạ lẫm và không có trong tự điển?
* Vô tư: “Vô tư” nghĩa là không thiên vị, không vì lợi ích riêng tư nhưng bây giờ, người ta dùng chữ “Vô tư” (rút ngắn của vô tư lự = đừng lo lắng) để bảo ai đó “Đừng lo”!
* Xây dựng (gia đình): Anh A và chị B lập gia đình hoặc xây dựng gia đình mà gọi cụt ngủn: Anh A xây dựng với chị B tưởng như 2 người xây nhà. Thật buồn cười!
* Xuất khẩu: Ngày xưa dùng “xuất cảng” có nghĩa là đưa sản phẩm, hàng hóa trong nước ra bán ờ nước ngoài thì ngày nay lại gọi là “xuất khẩu” nghe như xuất ra khỏi miệng (khẩu = miệng).
* Xử lý: Chỉ đơn giản là “giải quyết” vấn đề mà cái gì cũng dùng “xử lý” nghe như tại tòa án.

Không có nhận xét nào: