Màn hình xin lỗi của Sport TV trong biên cố tắt tiếng quôc ca. MXH
Hát là hát bài quốc ca. Người hát là người Việt hải ngoại. Người than không còn ai hát nữa là Du Tử Lê. Mà không, sắp tới sẽ không còn ai hát nữa mà là người Việt trong nước. Lý do: Bản quyền. Không tin ư? Có đấy, vừa rồi tối 6 Tháng Mười Hai, khán giả theo dõi trận Việt Nam – Lào tại giải AFF Cup trên nền tảng YouTube đã không nghe được bài “Tiến quân ca” vì màn hình của kênh Next Sports tắt bài quốc ca không cho nghe với lý do bản quyền. Thằng này viết rõ ràng trên màn hình cho dân trong nước xem: “Vì lý do bản quyền âm nhạc, chúng tôi buộc lòng phải tắt tiếng ở phần lễ chào cờ. Sau lễ chào cờ, tín hiệu âm thanh sẽ trở lại bình thường, mong quý vị khán giả thông cảm”.
Dĩ nhiên không ai có thể thông cảm được một hành vi như thế. Quốc ca không phải là thứ ai muốn tắt thì tắt, không muốn cho nghe thì không cho nghe và nhất là trong những dịp cả thế giới đều biết này hành động phủ nhận bài quốc ca để được YouTube cho lãnh tiền là hành vi bán nước. Người Việt trong nước vốn quen chịu đựng với nhiều thứ nay chịu thêm một chút cũng không lấy làm phiền.
Nhưng nếu còn sống, thi sĩ Du Tử Lê có lẽ là người vui hơn là phiền muộn, bởi ông có ít nhất là phân nửa đất nước thông cảm cho ông khi không còn nghe bài quốc ca, mặc dù ông thèm thuồng bài quốc ca Việt Nam Cộng Hòa chứ không phải bài Tiến quân ca như hiện nay.
Bài thơ nổi tiếng của ông “Khi tôi chết hãy mang tôi ra biển” có những câu:
Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
và trên đường hãy nhớ hát quốc ca
ôi lâu quá không còn ai hát nữa
(bài hát giờ cũng như một hồn ma)
Than thở như thế chỉ có Du Tử Lê. Đau đớn như thế thì lại có rất nhiều người, những người chưa thể gọi là muôn năm cũ nhưng cũng đã ngấp nghé bến bờ… cũ đến muôn năm rồi. Những đau đớn và âm ỉ nhức buốt ấy chỉ có thể là dân tỵ nạn sau 75, những người mang bài quốc ca ra đi để chỉ có thể hát khi tập trung… biểu tình, hay trước khi mở màn một chương trình nào đó, rất đơn sơ và rất hiu quạnh. Bài quốc ca của một tác giả Cộng sản nòi được người chống cộng nghiêm trang hát lên bằng tiếng thổn thức của kỷ niệm, của máu xương và nhất là tình yêu cố quốc.
Bài quốc ca ngoài này chắc chắn là khác thật nhiều với bài trong nước. Khác vì hình ảnh, giai điệu, độ rung động, sắc thái biểu hiện và nhất là tính quốc gia. Nếu bài Tiến quân ca của Văn Cao làm cho người ta hừng hực căm thù thì bài Tiếng gọi thanh niên của Lưu Hữu Phước ngược lại làm cho thanh niên hăng hái tham gia vào công việc giữ gìn bờ cõi. Có lẽ cái giai điệu của bài quốc ca làm diện mạo của người hát nó cũng ít nhiều ảnh hưởng, ít ra là nhớ tới và phản xạ theo điều kiện tự nhiên. Người miền Nam đã hồn nhiên cùng nhau hát bài quốc ca mà chính tác giả của nó nhiều lần cự nự vì không… xin phép. À, mà lúc đó không ai nói tới việc bản quyền cả và cũng không có ai ở miền Nam lên tiếng phải trả tiền cho Lưu Hữu Phước vì ông này lúc ấy là một cán bộ cao cấp ngoài Bắc, mà nói theo miền Bắc là “kẻ thù của dân tộc”.
Quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa
Lấy bài hát của một “kẻ thù” bắt hơn 17 triệu con người đứng nghiêm chỉnh hát lên là một dấu tích lịch sử đáng càm ràm. Và lạ lùng làm sao, không ai lên tiếng tại sao như vậy cho học sinh miền Nam được biết, khi lứa tuổi ngây thơ sớm bị nhuộm hình ảnh “lịch sử” kỳ lạ, mà miền Nam lười biếng nghiên cứu hay giải thích một hiện trạng dễ làm lòng dân ly tán. Lâu dần người miền Nam quen với bài quốc ca của “người dưng” và cũng lâu dần “người dưng” ấy trở thành hiền tài, hay chí ít cũng là hiền nhân chủ sở hữu một bài quốc ca của một đất nước nay đã biến mất trên bản đồ thế giới.
Nhưng Tiến quân ca không biến mất trên bản đồ thế giới, ngược lại nó đang chiếm hữu một cách ngạo nghễ những vùng đất trù phú của người mê man nó, những người tựa lưng vào Đảng tức tựa lưng vào bài quốc ca để sống một cách ung dung, nhàn hạ.
Nói như thế vì gần như phân nửa nước từ vĩ tuyến 17 trở vào không ai thuộc bài quốc ca hiện nay, nửa nước còn lại thì gần như dửng dưng bởi còn lo cơm áo gạo tiền. Chỉ còn một số ít, rất ít là còn thuộc và bảo vệ bài Tiến quân ca như bảo vệ một dĩ vãng, một thành tích hay rộng ra một cuộc đổi đời.
Nhờ bài hát ấy mà cán bộ lên ngôi chót vót trong khi dân đen tụt hạng thảm thê.
Nhưng rất lạ, khi nghe tin bài quốc ca bị tắt tiếng thì chính dân lại lên tiếng xót xa còn cán bộ lại dửng dưng như người… Hà Nội. Đúng như cô giáo người Hà Tĩnh viết bài “Đất nước mình lạ quá phải không anh?” vậy.
Thì ra, dân mình cũng không khác Du Tử Lê là mấy cũng lâu rồi không nghe ai hát nữa cái bài quốc ca mà rất nhiều người không… thuộc! Bởi, không thuộc thì làm sao mà hát!
Nói lòng vòng rồi cũng lộn về chỗ cũ, chỗ mà Lưu Hữu Phước bị mất bản quyền. Thì nay bài quốc ca lại tiếp tục bị bản quyền chi phối, phải chăng là lịch sử lập lại?
Mỗi lần nghe tới câu “lịch sử lập lại” thì người Cộng sản lại nhảy tưng lên, họ không muốn lịch sử được lập lại chút nào vì nếu lập lại thì họ phải… vào rừng sao?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét