Đứa nhỏ về tới nhà lúc giữa trưa. Mặt trời đậu đỉnh trời tráng một làn lửa mỏng lên mớ tóc nhuộm vàng cháy ngọn, nhìn nhức nhối. Gần như không bóng, đứa nhỏ bước qua cái ngạch cửa mà hai mươi tám năm trước nó phóng ra, băng ngang những thanh ray, và tan đi chẳng để lại chút bọt sau khi đoàn tàu mười bốn toa dằng dặc ngang nhà.Không có cái ôm nào, cũng không nước mắt, đứa nhỏ bốn mươi tuổi dòm lom lom gương mặt người cha đỏ lựng vì cơn huyết áp tăng, hỏi “ông là cha tui sao?”, rồi nhanh nhảu trả lời chính mình bằng một tiếng gọi. - Cha!
<!>
Tiếng cha gọn lỏn chấm hết cuộc đợi chờ, tìm kiếm. Mắt đảo quanh nhà, đứa nhỏ gần như không suy nghĩ, ngay lập tức chấp nhận ông già bệu bạo lạm dụng thuốc đau khớp, huyết áp lên xuống thất thường này là kẻ hung hăng xách chổi bông cỏ rượt đánh nó vào một hôm xưa. Nhưng những người trong nhà không tìm thấy mối liên kết quen thuộc nào giữa đứa nhỏ thất lạc và con đàn bà dày khự tóc vàng móng tay đen, mỡ bụng phụng phịu sau làn áo tía.
Mỗi khi tình cờ nhớ lại ngày đứa nhỏ trở về, cả nhà nghĩ ngay tới cái cầu vồng chang chói giữa không gian nhu nhã từ cái màu rèm cửa cho đến bộ ấm trà, từ tiếng nói tiếng cười cho đến vòi nước chảy. Bắt đầu từ lúc những đoàn tàu không còn chạy ngang qua, đường ray được nắn sang hướng khác, cư dân ở đây trôi trong khoan hòa. Hết sức ý tứ, chị Ba nhắc đến mấy dấu vết trời sinh, và cái sẹo ở mắt cá chân, “cái mụt ruồi trên khóe tai em đó, mỗi lần nhớ nó chị muốn chảy nước mắt”. Đứa nhỏ vạch cổ áo chìa ra, tay kia vịn sẵn cúc quần, nói luôn, giọng không chút hờn, “còn cái nữa trên bẹn, coi hong?”. Anh Hai sặc nước bước ra đằng trước, ông già lên máu thêm lần nữa.
Người có thể nhận dạng dấu vết thầm kín ấy giờ ngồi trên bàn thờ, mặt đượm buồn cho giống một tấm hình của người đã qua đời. Chuyên chăm sóc cho đám con la lủ, bà mẹ hẳn thuộc lòng từng nốt ruồi trên người từng đứa. Ông già ngoài chuyện đánh mấy nhỏ cho ra vẻ ta là cha, phần lớn thời gian ông gò lưng sửa đồng hồ, sao cho thời gian không được trì đọng. Lấy lại từng phần trăm giây cho khách hàng, ông thợ đồng hồ có tiếng nghiêm cẩn trong vùng. Mâm cơm sau mấy chục năm hâm nóng lại, ngó đứa con út ngấu lấy cái phao câu vịt tươm mỡ, ông già bỗng nghĩ trên những con đường nó đi qua, thời giờ ở đó nhanh phải gấp đôi thứ thời gian mà ông đang hít thở. Đứa con trước mặt ông biến dạng đến mức nằm ngoài nỗi nhớ, và trong sự ngờ. Con Diệu đây, nhưng không phải. Hoặc là phải, nhưng có gì đó không đúng lắm. Rốt cuộc là phải hay không, ông già dứt khoát trả lời câu đó bằng cách nhặt những sợi tóc vàng chanh của đứa nhỏ giắt đầy trên lược, sai một đứa tin cậy đi làm cái xét nghiệm huyết thống. Ông dặn “đừng để em bây biết”, sợ đứa nhỏ bị tổn thương, mặc dù không có dấu hiệu nào cho thấy nó dễ tổn thương, kể cả khi khoét đi chút thịt.
Hai ngày gặp lại cha, nó săm soi mọi thứ trong nhà, không phải bằng mắt, mà còn ngọ nguậy đôi tay. Thằng cháu nội của anh Hai vừa đầy tháng, đứa nhỏ gặp lần nào cũng tóm lấy da thịt trẻ con, chùm da bọc bi giữa hai đùi mà dục dặc. Người ta nhắc những kỷ niệm hồi nhỏ, nó nói có vụ đó sao, nhớ chi cho mệt. Phủi nhanh đến nỗi kẻ hâm nóng ký ức hơi bẽ bàng. Họ đắng lên lưỡi bụi lên mắt khi thấy nó dễ dàng thừa nhận anh Hai hói nửa đầu, chị Ba đã làm bà ngoại, chị Tư lấy chồng sau - một anh người Lào. Cả khi được đưa đi thăm anh Năm tu trong chùa, nó thản nhiên đòi vô phòng anh nằm chơi cho biết. Cả nhà cảm thấy bị phản bội bởi ý nghĩ, từng ấy ngày xa nhà, nó không nuôi dưỡng nỗi nhớ nào, nên giờ dửng dưng trước đổi thay. Căn phòng kê dọc mấy cái giường như trại lính đã biến mất, những thanh ray nằm sâu dưới ba lớp nhựa đường, mớ vật dụng của đứa nhỏ mà bà mẹ còn giữ lại một bữa thành tro theo đám cháy.
Đôi khi đứa nhỏ bâng khuâng, chỉ vì cái còi mụn trên cánh mũi chưa chịu khuất phục. Nó vẫn chang chói đi qua những ngày tiệc tùng. Người quen với gia đình lớp điện thoại lớp tới tận nhà để mừng giọt máu chảy ngược về, ai cũng chung nỗi sợ yêu lầm, “có chắc là con Diệu không đó?”.
Một lần chị Tư đã nghĩ đó chính là đứa em thơ dại của mình, khi nó kêu oai oái một tay nút vào cánh mũi, mặt ngước lên trời, tay kia quờ quạng dò đường đi. Xưa nó hay chảy máu cam chẳng vì lý do gì. Nhưng nó chỉ đi cùng chiều thời gian với chị một khoảnh khắc thôi, vì ngay lập tức nó đã chụp được cây kéo làm bếp, cắt phăng chòm lông mũi. Nhìn điệu bộ hí hửng của nó khi giải tán những sợi phiền, như khi mua được ly đá bào vừa đi vừa húp, chị nghĩ hai mươi mấy năm qua đứa em gái đã đi quá xa.
Trong lúc mọi người phân trần chuyện họ không giữ được hiện trạng cái nhà kiêm tiệm sửa đồng hồ bên đường tàu để chờ đợi nó quay lại, chuyện bà mẹ qua đời chôn cất gấp nên chỉ cáo phó trên truyền hình có một đêm, chuyện mấy chục năm qua đi đâu họ cũng dáo dác tìm thì đứa nhỏ chỉ giải thích lý do tìm về cực kỳ đơn giản. Đi ngang thấy nhớ hình như hồi nhỏ có ở đây. Mô tả lại những ngày tháng lưu lạc của mình gói trong một câu năm chữ “thì tấp đâu sống đó”. Hỏi ăn sao, nó nói bậy bạ vậy. Hỏi ngủ sao, nó cười thì nhắm mắt là ngủ thôi. Cả nhà hơi tuyệt vọng như thể cố vớt cái quãng hai mươi hai năm nhưng chúng chảy qua kẻ tay ráo hoảnh. An ủi là nó không nói dối, cái cách nó ăn xong nằm lăn ra ngáy đã chứng minh.
Ngày thứ ba thì bản sao của đứa nhỏ đứng réo má trước cổng. Nhìn từ sau lưng thì hai má con nó giống hệt, chỉ khác là con có thêm lọn tóc xanh két thả xuống giữa đỉnh đầu. Đứa nhỏ nắm tay con lại trước ông già, nói “ngoại mầy đó”. Nếu nó nói “cục kẹo của mầy đó”, ngữ điệu cũng không khác nhau. Má con chỉ cách nhau mười sáu tuổi. Đứa nhỏ kể hồi có bầu, cứ leo cây me nhảy xuống đất cho máu huyết tuôn ra, mà cái thai lì quá. Lịch sử của cái tên con Lì, hóa ra đơn giản vậy.
Buổi xế hai má con nó ngồi mằn tóc nhau, người ta đếm có tới tám cái chân mày rục rịch. Hai vòng nguyệt phía trên bằng dấu mực xăm xanh rờn, bên dưới những chân lông mọc tự nhiên thành vệt nhạt hơn. Con Lì hoan lạc cắn trứng tóc, nói chuyện về một gã đàn ông nào đó, “nó kêu má về, thề không xỉn nữa”. “Đừng có tin. Nó có lần thề nhậu là rắn hổ mổ cái bọc. Thề khôn. Rắn mổ cái bọc ni-lông chớ đâu có mổ nó”, đứa nhỏ nói, không quên đệm mấy tiếng chửi thề lem nước miếng. Ông già giả bộ chống gậy đi qua, nghe lóm, không biết “nó” là người tình của má hay con. Sau lưng một đứa trầm trồ “Ổng già thấy ghê hong. Da cóc hết rồi kìa. Cỡ này hay chết bất tử”.
Má con đứa nhỏ biến mất sau đêm đó. Ông già dậy sớm, thấy cửa khép từ bên ngoài, liền gõ cửa phòng thằng lớn. Anh Hai thức dậy chạy quanh coi có mất gì không và gọi cho mấy cô em gái ở riêng. Ngay lập tức họ hỏi có mất gì không, sau đó mới lấy xe để tới chứng thực là không mất gì. Sà ngồi với nhau trên bộ trường kỷ còn phảng phất mùi mồ hôi dầu của đứa nhỏ, họ dần nhận ra mất một kẻ từng ngồi đây lim dim thổi những cái bong bóng kẹo cao su vỡ trên môi.
Giấy xét nghiệm kết quả giám định huyết thống gởi lại ông già khẳng định chín chín phần trăm đó là con Diệu. Lúc đó đứa nhỏ đã về tới mái nhà che tạm trên lối lên xuống bến đò ngang. Nó thả người nằm thẳng cẳng giang tay lên tấm ván kê chỗ thu tiền đò, kêu về tới đây thiệt là khỏe quá. Giữ nguyên cái điệu bộ no nê đó, nó ngủ queo. Đò đi ra giữa sông, gã chèo đã cởi cái áo khoác dài tay ra, nhờ bà khách già đi ngang đắp giùm lên bụng đứa nhỏ. Đường về hai má con sinh cãi vã, con Lì đã nhảy xuống một trạm xăng xa lạ, không thèm vẫy tay.
Nguyễn Ngọc Tư
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét