Một buổi chiều đẹp trời đầu tháng Sáu năm 1979, Ngọc bước xuống phi trường Mirabel của Canada. Hành lý chỉ là cái xách nhỏ chứa một ít áo quần cũ, không có tiền, không có việc làm, không có nơi cư ngụ, tương lai mờ mịt; thêm vào đó vợ chồng Ngọc còn nợ chính phủ Canada hơn CA$1500 tiền vé máy bay, vậy mà Ngọc thấy mình là người sung sướng nhất trên thế gian. Cùng đi với Ngọc là An (vợ), Ngộ(con trai nhỏ), và Xuân (em trai của Ngọc); tất cả đều vui mừng, sung sướng dù không biết tương lai sẽ ra sao.
Tự Do! Vâng, Ngọc đến đây vì hai chữ Tự Do! Nay ước vọng được tự do đã thành đạt, đó là điều quan trọng nhất, tất cả những gì khác rồi cũng sẽ tốt hơn, Ngọc tự nhủ như thế.
Ba tuần sau Ngọc được nhận làm họa viên cho công ty do một người gốc Tiệp làm chủ, ông này cũng là dân tị nạn cộng sản sau cuộc nỗi dậy năm 1968 nên khi phỏng vấn tuyển nhân viên công ty chú trọng đến khả năng chuyên môn và xem nhẹ phần ngôn ngữ. Trong văn phòng có nhiều sắc dân, có lẽ vì vậy mà môi trường làm việc rất cởi mở, dễ chịu. Ngọc được mọi người đối xử tử tế, không hề có chút kỳ thị. Một buổi sáng nọ Ngọc đến sở hơi sớm, gặp ông Chủ Tịch nhà máy (President) cũng vừa đến và mới bước ra khỏi xe; Ngọc chào “Good Morning Mr. President”, ông ta bắt tay Ngọc, mỉm cười nói “Hi, call me Peter, OK”. Ông đứng lại hỏi Ngọc về gia cảnh, về công việc và ông dặn dò “nếu gặp khó khăn cần công ty giúp đỡ thì đến gặp ông”, rồi ông nhường cho Ngọc đi vào văn phòng trước. Vào ngồi ở bàn làm việc Ngọc ngẫm nghĩ về bài học bình đẳng qua cách xưng hô và trò chuyện của ông Chủ Tịch nhà máy.
Mới sang mà có việc làm ở văn phòng là một may mắn lớn, được như vậy là nhờ anh bạn thân làm cùng công ty ở Sài Gòn trước 1975 giới thiệu để được phỏng vấn (interview) và giúp Ngọc thực tập chút đỉnh về kỹ nghệhọa ờ Canada. Ngọc đi làm được tám tuần thì An cũng có việc ở một hãng điện tử nên phải gởi Ngộđi nhà trẻ. An làm việc được hai tuần thì Ngọc và An đi làm hồ sơ bảo lãnh Ba Má và hai em của Ngọc còn lại bên Việt Nam rồi gởi hồ sơ về bên nhà. Năm tuần sau thì có thư của ông Hai, Ba của Ngọc, cho hay đã nhận được hồ sơ bảo lãnh.
Cuộc sống của vợ chồng Ngọc lúc ban đầu thật vất vả, ban ngày đi làm, tối đi học để mong lấy lại nghề cũ. Vì buổi tối phải có ngươời trông coi Ngộnên Ngọc và An phải thay phiên nhau đi học, Ngọc học các buổi tối hai, tư, sáu còn An thì tối thứ ba và thứ năm; vậy mà cuối tuần Ngọc cũng dành thì giờ để sinh hoạt cộng đồng. Tuy cực thật nhưng mọi việc diễn tiến tốt đẹp.
Một hôm được thư nhà, ông Hai viết khá dài, kể chuyện bên nhà vẫn bình an, hỏi thăm Ngọc về những khó khăn bên Canada, ông Hai nói cả nhà đã tìm hiểu và suy nghĩ rất nhiều nên quyết định chờ đến lúc Xuân tốt nghiệp Đại Học thì mới sang Canada.
Khi ra đi, Xuân đang học năm thứ Nhất ở TT Kỹ Thuật Phú Thọ, sang đây xin được vào Đại Học là mừng rồi. Làm việc ban ngày và đi học ban đêm thì giỏi lắm cũng phải mất 5 năm mới xong bằng Cử Nhân (Bachelor). Ngọc viết thư về thuyết phục Ba Má nên qua Canada càng sớm càng tốt, giải thích về chính sách xã hội với nhiều trợ cấp cho người dân khi gặp khó khăn, về hệ thống y tế bảo đảm mọi người dân đều được chữa trị miễn phí khi đau ốm phải vào bệnh viện, và nhiều ưu điểm khác của Canada.
Thư trả lời của ông Hai làm Ngọc buồn và thất vọng vô cùng, ông viết “chắc các con muốn Ba Má và hai em qua sớm nên kể những chuyện quá lạc quan như vậy, chứ làm gì có một chế độ tốt như thế”. Ông Hai có hứa sẽ suy nghĩ lại.
Chuyện bảo lãnh gia đình của Ngọc cũng bắt đầu như nhiều người khác, nhưng kết thúc thật buồn, thay vì đoàn tụ thì lại chia lìa. Trong khi chờ Xuân ra trường thì một cô em lập gia đình, rồi ông Hai đau nặng và qua đời! Hung tin đến khi Ngọc đang bận rộn dọn nhà qua tỉnh bang Ontario để “tị nạn tiếng Tây”.
Số người bảo lãnh thay đổi, việc làm thay đổi, và nơi cư ngụ thay đổi nên Ngọc phải đi điều chỉnh hồ sơ bảo lãnh rồi gởi về bà Hai (Má của Ngọc) để xúc tiến thủ tục xin đoàn tụ cho bà Hai và cô em còn độc thân.
Thư của bà Hai không nói nhiều về cuộc sống bên nhà như ông Hai và làm cho Ngọc buồn và thất vọng hơn, Bà Hai viết “Ba con mới mất Má đâu có bỏ đi được, Má phải ở lại lo mồ mả cho ổng ít năm...”. Hai chữ “ít năm” làm cho Ngọc điên đầu vì nó có thể vài năm, năm năm hay lâu hơn!
Gần cuối năm 1988 thì bà Hai biết tin nhà cầm quyền Hà Nội cho dân xuất ngoại thăm thân nhân, bà gởi thư qua bảo Ngọc tìm cách lo giấy tờ xin chính phủ Canada cho bà qua thăm. Sau một tháng tìm hiểu thì được biết Ngọc phải viết thư mời bà Hai sang thăm, bảo đảm mọi chi phí của bà trong thời gian ở thăm và bà phải trở về Việt Nam khi hết hạn, thêm vào đó phải có một người bảo lãnh (guarantor) xác nhận Ngọc có đủ khả năng tài chánh và cam kết là bà Hai sẽ trở về Việt Nam.
Nơi Ngọc cư ngụ là một thành phố nhỏ cách Toronto khoảng 80 cây số, ít người Việt; Ngọc có quen một số nhưng dạm ý vài người thân nhất thì không ai dám đứng ra làm người bảo lãnh. Không tìm được đồng hương nào giúp bảo lãnh nên Ngọc tìm đến ông Dân Biểu Liên Bang (MP).
Vị Dân Biểu này là BộTrưởng trong chính phủ nên cả tuần ông làm việc ở Ottawa, chỉ ngày thứ Sáu mới làm việc với cử tri ở địa phương. Ông là người khá nổi tiếng và uy tín, đã từng phục vụ cho Hải Quân Hoàng Gia Canada (Royal Canadian Navy) trong Thế Chiến II, là President và Vice-Chancellor của một Viện Đại Học lớn ở Ontario.
Ngọc được cho cái hẹn lúc 2 giờ chiều. Sau hơn 10 phút trò chuyện để biết về chuyện vượt biên, gia cảnh và cuộc sống của Ngọc trong những năm ở Canada thì ông đi thẳng vào vấn đề, ông hỏi Ngọc muốn ông giúp chuyện gì. Ngọc trình bày chuyện bảo lãnh bà Hai qua thăm và nhờ ông làm “guarantor”. Khi ấy Ngọc thấy niềm hy vọng được ông giúp quá mong manh vì Ngọc mới ở thành phố này có 4 năm, và đây là lần đầu tiên gặp ông. Tưởng sẽ bị từ chối một cách lịch sự, không ngờ ông vui vẻ nhận lời, Ngọc vui mừng vô hạn và chân thành cám ơn ông.
Một tuần sau, cũng chiều thứ Sáu, Ngọc trở lại văn phòng vị Dân Biểu khả kính ấy để nhận thư bảo lãnh, ông bảo Ngọc mở ra xem và cần thay đổi hay thêm gì thì cho ông biết. Ngọc thấy thư viết đúng những gì mình mong muốn, Ngọc sung sướng lắm, cám ơn ông rất nhiều rồi xin cáo từ; ông tiễn Ngọc ra cửa, chúc Ngọc sớm được gặp lại mẹ. Ngọc cầm bao thư mà trân quý như một bảo vật. Trên đường về Ngọc suy nghĩ miên man về sự giúp đỡ của vị dân biểu, Ngọc không ngờ mình được đối xử tử tế như vậy; ông đã giúp Ngọc như giúp một thân nhân hay một người quen; có lẽ chỉ những quốc gia văn minh, nhân bản mới có những vị dân cử phục vụ người dân tận tình như vậy, khác hẳn với Việt cộng, chỉ tìm cách làm khó khăn để cướp tiền dân!
Gần hai tháng sau Ngọc được thư nhà cho hay bà Hai đã được tòa Đại sứ Canada ở Hà Nội chấp thuận cho du lịch Canada ba tháng. Cả nhà Ngọc và Xuân mừng lắm, vợ chồng Ngọc và Xuân vội vàng mua vé máy bay gởi về, khi ấy là đầu tháng 1/1989. Vé máy bay khứ hồi, Sài Gòn-Montreal- Sài Gòn. Từ Sài Gòn qua Bangkok đi Air France, Bangkok-Paris (France) đi KLM, và Paris-Montreal đi Air France.
Ngọc, An và Ngộ đến Montreal trước một ngày để cùng Xuân đón bà Hai. Chuyến bay Air France đến phi trường Mirabel (Montreal) vào lúc 1:35 PM, trễ hơn giờ ghi trong vé khoảng 25 phút, vợ chồng Ngọc và Xuân chăm chú nhìn hành khách đi ra mà lòng mừng vui, tưởng tượng hình ảnh Má đến một xứ xa lạ, lạnh lẽo nhất thế giới vào giữa mùa Đông mà thấy thương Má vô cùng. Hết hành khách này đến hành khách khác ở phòng hải quan đi ra mà không thấy bà Hai, rồi không thấy hành khách nào nữa. Hơn nửa giờ sau vẫn không thấy bà Hai, rồi hơn một giờ sau cũng vẫn không thấy! Niềm vui vài giờ trước đây đã hoàn toàn tan biến, và thay vào đó là nỗi lo âu. Tìm đến gian hàng Air France hỏi tin bà Hai thì họ bảo tên bà cụ không có trong danh sách hành khách (flight list)! Cô nhân viên xem lại flight list rất kỹ rồi xác nhận là không có tên bà Hai, vợ chồng Ngọc và Xuân bàng hoàng, sửng sốt.
Lẩn quẩn ở phi trường cũng lâu mà không biết phải làm gì, Ngọc, An và Xuân suy nghĩ nát nước vẫn không giải thích được sự “mất tích” của bà Hai. Ngọc trở lại gian hàng Air France hỏi xem còn chuyến bay nào nữa từ Paris đến Montreal trong ngày đó thì được biết là không có.
Về lại nhà Xuân ở Montreal thì đã tối, việc đầu tiên là gọi điện thoại về Việt Nam. Nhờ Cậu họ của Ngọc ở Bảy Hiền có điện thoại nên việc liên lạc với hai em ở Sài Gòn cũng không khó khăn lắm. Ngọc gọi được Cậu liền nhờ nhắn hai em lên nhà Cậu để nói chuyện cho biết diễn tiến chuyến đi ở bên nhà.
Bắt đầu cuộc điện đàm Ngọc hỏi ngay:
- Má đi lúc mấy giờ?
- Dạ chuyến bay của Má bị trễ hơn 5 tiếng đồng hồ
- Sao vậy?
- Họ không cho Má đi chuyến Air France từ Sài Gòn qua Bangkok, họ nói vé đó không hợp lê, và buộc Má phải mua vé Vietnam Airlines, và trả bằng đô la Mỹ chính thức (không được trả bằng đô la mua ở chợ trời).
- Vậy thì tiền đâu mua vé?
- Cũng may là anh Phanh, con của Cậu, ở bên Mỹ về thăm nhà nên có đô la chính thức, tụi em mượn tiền đó mua.
Nghe chuyện này Ngọc không nén được cơn giận nên kết thúc cuộc điện thoại rồi lẩm bẩm chửi thề “bọn ăn cướp khốn nạn”. Ngọc tin rằng những người ngoại quốc mua vé cùng chuyến bay Air France từ Sài Gòn qua Bangkok không bị buộc phải đổi vé như bà Hai, Ngọc tin chắc như vậy vì Việt cộng chỉ dám bắt nạt người dân Việt nhưng lại sợ dân nước ngoài.
Vợ chồng Ngọc và Xuân biết là bà Hai không bắt kịp chuyến bay KLM và phải ở lại phi trường Bangkok qua đêm, hy vọng bà sẽ đến Montreal ngày hôm sau. Nghĩ vậy nhưng lo sói đầu, bà Hai không biết tiếng Anh, tiếng Pháp thì làm sao xoay xở được. Chuyện đổi chuyến bay ở một phi trường quốc tế như Bangkok sẽ vô cùng khó khăn, phức tạp với bà, làm sao tìm cho ra quầy vé, chuyến bay, cổng khởi hành ... Càng suy nghĩ về những khó khăn mà bà Hai sẽ phải đương đầu Ngọc càng lo đến điên người.
Trở lại phi trường Mirabel với hy vọng mong manh, bao lo âu vẫn quanh quẩn trong đầu Ngọc. Trong khi chờ đợi thì An điện thoại người bạn hỏi thăm chuyện mua vé khẩn cấp đi Bangkok, An nói “nếu hôm nay Má không đến thì chắc anh phải bay qua Bangkok vài ngày tìm Má”, Ngọc bằng lòng ngay, và Ngọc thấy yên tân phần nào vì ít ra cũng có giải pháp.
Bà Hai xuất hiện giữa đám hành khách như một phép lạ, Ngọc, An và Xuân vui sướng vô cùng, vui hơn lúc đầu đặt chân đến phi trường này gần mười năm trước. Tưởng bà Hai lo âu, mỏi mệt sau chuyến bay dài và một ngày bị ở lại Bangkok, nhưng thật ngạc nhiên khi thấy bà khỏe và vui. An hỏi:
- Bị kẹt lại ở Bangkok Má có sợ không?
Bà Hai đáp ngay:
- Sợ chi con, đi thăm các con và thằng Ngộ thì Má chẳng sợ chi hết; hơn nữa có nhiều người Việt trong chuyến bay đó nên Má chỉ theo họ là xong.
Ngọc biết Má nói thật chứ không phải nói để trấn an mình vì khi tình thương con dâng cao thì bà mẹ can đảm phi thường.
Gặp nhau sau gần 10 năm xa cách nên Ngọc, An, Xuân và bà Hai có biết bao nhiêu điều để nói; chuyện vui thì ít, chuyện buồn thì nhiều. Có một chuyện quan trọng nên Ngọc hỏi:
- Bây giờ sang đây rồi, Má ở lại luôn với tụi con nghe Má?
Không cần suy nghĩ bà Hai nói:
- Khi biết tin nhà nước cho đi thăm thì Má nóng lòng muốn qua thăm các con rồi mới tính chuyện đoàn tụ. Chính phủ Canada có tìm Má để phỏng vấn, mấy đứa lấy hẹn rồi nhưng Má tránh, chưa muốn gặp họ.
Sau hai ngày ở với Xuân thì Ngọc đưa bà Hai về nhà. Trên đường đi dài hơn 600 km bà Hai bận rộn kể chuyện bên Việt Nam nhưng không quên ngắm cảnh hai bên đường. Khi đi ngang qua Toronto bà hỏi:
- Sao ở đây họ làm nhiều cầu quá hỉ, Má đếm không kịp.
Ngọc ngạc nhiên và vui với câu hỏi đó, Ngọc đã lái xe ở Montreal và Toronto rất nhiều lần nhưng chẳng bao giờ để ý đến những cây cầu (overpass) trên xa lô, Ngọc xem đó là chuyện “dĩ nhiên” phải có khi làm xa lộcao tốc (freeway) chạy qua thành phố.
Những ngày ở Montreal rất vui vì con cháu luôn luôn bên cạnh, bà Hai lại có dịp thăm bà Ấm, mẹ của An, và các anh chị của An. Về nhà Ngọc thì vắng vẻ, nhất là những ngày trong tuần. Cũng may là Ngọc ở gần sở làm, lái xe đến sở mất 5 đến 8 phút tuỳ theo đèn đỏ nên trưa về nhà dùng cơm với bà Hai. Mỗi lần mở cửa vào nhà đều thấy bà Hai ngồi ở phòng khách nhìn ra, trông đợi! Hơn 4 giờ ở nhà một mình, giữa mùa Đông vô cùng lạnh lẽo của Canada, không dám đi ra ngoài vì rủi ro bị vấp ngã thì nguy đến tính mạng; Ngọc thấy thương Má đến ứa lê. Bà Hai là người thích nhà đông đúc, bên Việt Nam bà có cửa tiệm nho nhỏ lúc nào cũng có người vào, người ra; bây giờ đơn độc cả ngày, không phải chỉ vài ba ngày hay một tuần mà phải chịu đựng ba tháng liệu bà có cầm cự được không?
Sợ bà Hai buồn, chán nên vợ chồng Ngọc lấy thêm ngày nghỉ Hè đưa bà Hai đi Montreal thăm Xuân và đón bà Ấm về nhà Ngọc để bà Hai có bạn khi vợ chồng Ngọc đi làm. Bà Ấm lớn hơn bà Hai, tuy hai bà là sui gia nhưng coi nhau như chị em ruột, từ đó mỗi khi về dùng cơm trưa Ngọc thấy bà Hai vui hơn.
Ở được một tháng thì bà Ấm trở về Montreal. Trong thời gian bà Hai qua thăm, Ngọc và An thấy những ngày làm việc trong tuần dài lê thê, chỉ mong cho hết để về nhà với bà Hai. Cuối tuần nào cũng đưa bà Hai đi phố nhưng bà chẳng tha thiết đến chuyện mua sắm, An đề nghị mua cái gì bà cũng nói “không cần đâu con” hay “mua nhiều đồ Má mang đi không nỗi đâu”. Thật ra bà Hai ăn mặc rất đơn giản, những cửa hàng áo quần thời trang, đẹp với phẩm chất tốt không làm cho bà chú ý. Ở nhà hay đi phố bà chỉ muốn nói chuyện, những chuyện khi còn cơ hàn ở ngoài Trung, chuyện lập nghiệp ở Sài Gòn, những chuyện khi ông Hai còn sống. Nhiều khi vào thương xá (shopping malls) bà muốn tìm chỗ ngồi để trò chuyện, bà nói “lúc này chân Má hơi yếu, đi một hồi thấy đau”. Ngọc và An có đưa bà đi khám và bác sĩ nói đó là bịnh phong thấp của người già, khó mà chữa cho dứt.
Một hôm vào đầu tháng 3/1989, Ngọc đang làm việc thì điện thoại reo, nhấc lên thì bên kia đầu dây là một người đàn ông xưng là Philip, nhân viên sở Di trú Canada, anh ta than phiền:
- Chúng tôi muốn gặp mẹ ông để phỏng vấn cho bà đi đoàn tụ, hẹn ba lần rồi mà đến phút cuối thì bà xin huỷ, lần đầu nói bị đau nặng, lần thứ hai nói đi thăm người em ở Đà Nẵng về không kịp, lần thứ ba thì nói đi thăm con chưa về; xin ông cho biết bà đang ở đâu và khi nào chúng tôi có thể gặp?
Ngọc thấy đến lúc phải nói thật với họ rồi chuẩn bị hai lỗ tai để nghe những lời khiển trách đầy giận dữ nên lấy hết can đảm trả lời:
- Thưa ông, bà cụ đang ở đây với tôi, bà sang thăm tôi theo diện du lịch.
Thật ngạc nhiên, anh ta không nổi giận mà còn ôn tồn với Ngọc:
- Chúc mừng ông gặp lại mẹ, nếu bà muốn ở lại Canada theo diện đoàn tụ thì ông cho chúng tôi biết để hợp thức hóa cho bà.
Sau khi cuộc nói chuyện chấm dứt, Ngọc rất vui mừng vì chuyến đi thăm của bà Hai không làm tổn hại việc đoàn tụ, nhưng chỉ vài phút sau Ngọc thấy xót xa cho quê hương Việt Nam của mình, thay vì phục vụ cho dân thì nhà cầm quyền lại tìm mọi cách gây khó khăn để moi tiền dân, một bà cụ đi thăm con cũng bị chúng chận lại thâu tiền mãi lộ!
Chiều về, kể chuyện cho bà Hai nghe thì bà ngạc nhiên hỏi:
- Sao họ tốt quá vậy con? Nếu người khác kể thì Má không tin đâu, làm gi có một chính quyền tốt như vậy.
Ngọc nhớ trước đây ông Hai cũng hỏi một câu tương tự “làm gì có một chế độtốt như thế”.
An liền hỏi bà Hai:
- Họ đã nói như vậy thì Má ở lại đây luôn với tụi con nghe Má, anh Ngọc sẽ lo điều chỉnh giấy tờ đoàn tụ.
- Chắc Má về khi hết hạn du lịch, trước đây Má chịu đi đoàn tụ vì đó là con đường duy nhất để gặp các con, nay “tụi nó” cho đi du lịch thì vài, ba năm Má sẽ qua đây một lần để thăm các con.
Những ngày có bà Hai qua rất nhanh, rồi đến lúc bà phải trở về Việt Nam. Khi làm thủ tục ở quầy hàng Air France Ngọc nói với họ là “bà cụ này chân yếu, đi khó khăn, không nói tiếng Anh hay tiếng Pháp nên cần sự hướng dẫn và giúp đỡ (escort service) trong các chuyến bay," thế là họ đem xe đẩy đến. Sau vài phút bùi ngùi từ giã con cháu thì bà Hai được họ đưa ra phòng đợi trước khi lên máy bay.
Hai hôm sau, bà Hai và mấy em điện thoại qua cho biết là đã về nhà bình yên, bà kể rằng họ lo cho bà rất chu đáo, đến phi trường nào cũng có người đem xe đẩy ra đón, rồi đưa vào phòng nghỉ, chuyện đổi chuyến bay họ lo hết, trên máy bay thì mấy người tiếp viên hay đến đưa nước uống, rồi bà hỏi Ngọc:
- Con trả bao nhiêu tiền mà họ phục vụ cho Má chu đáo quá?
Ngọc liền giải thích:
- Không tốn đồng nào đâu Má ơi, sự phục vụ của các hãng máy bay bên này là như vậy, luôn giúp đỡ những hành khách có khó khăn như già cả, tật nguyền.
- Thiệt không con, đừng giấu Má nghe.
- Dạ thiệt đó Má.
- Sao bên đó chỗ nào người ta cũng tử tế, khác hẳn bên nhà!
Nghe bà Hai khen như vậy Ngọc liền hỏi:
- Vậy Má qua thăm tụi con mỗi năm nghe Má?
Im lặng vài giây mới nghe bà Hai nói:
- Mỗi năm chắc Má không đi được đâu, nhưng vài ba năm nữa Má sẽ qua.
Đó là chuyến đi ngoại quốc đầu tiên của bà Hai, và cũng là chuyến đi cuối cùng. Hơn hai năm sau bà Hai ra đi về cõi vĩnh hằng, để lại cho Ngọc nỗi đau lớn nhất trong đời!
Tháng 12/2021
Trần Phố Hội
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét